Sunday, February 27, 2011

Bệnh viện

16 tuổi. Tôi gầy gò đen đúa, ngồi thu lu ở một góc hành lang nhìn người ta đẩy mẹ vào phòng gây mê.

Mẹ chìa tay về phía tôi, khóc. Mẹ sợ mẹ không tỉnh lại sau phẫu thuật, 3 đứa con sẽ bơ vơ.

Tôi không nhớ bên mình có những ai. Hình như có một người họ hàng. Nhưng tôi cảm thấy đơn độc.

16 tuổi hồi đó chúng tôi ko hơn những đứa trẻ là mấy. Vẫn ngờ nghệch, mải chơi, giành ăn với bạn. Người lớn bảo tôi rằng mẹ bệnh rất nặng và khả năng qua khỏi rất ít.

Mẹ đã ốm nhiều ngày trước đó, đúng vào thời điểm khó khăn nhất của gia đình tôi. Học xong tôi thường tất tả đạp xe ra chỗ mẹ trông hàng cho mẹ để mẹ đi khám. Có hôm đến muộn, mẹ đứng lên khỏi bàn xổ số, máu đã chảy ướt nửa người bên dưới.

Mẹ yếu đi rất nhanh. Khi nhập viện mẹ đã hầu như không đi nổi.

Đó là những ngày khó khăn. Nằm trong viện, mẹ thậm chí còn chẳng có cả tiền ăn. Tôi ky cóp những đồng tiền được cậu thỉnh thoảng cho để ăn sáng, đưa mẹ. Tôi ko mua sách nữa. 5000đ, 7000đ, 30000đ. Tiền mẹ cũng chẳng dám mua cái gì ăn bồi dưỡng. Mẹ để dành để giúi cho y tá “để họ tiêm mình nhẹ nhẹ một tý con ạ”.

Bác sĩ đã gây mê toàn thân cho mẹ xong. Các y tá đẩy mẹ vào phòng phẫu thuật, đợi bác sĩ phẫu thuật vào.

Tôi nhớ như in cái phút giây ấy, khi ông bác sĩ phẫu thuật xuất hiện. Ông ấy mặc bộ đồ vô trùng màu xanh, bờ vai vững chãi, chân bước khoan thai, điềm tĩnh đút hai tay vào túi áo. Tôi cứ ngây người nhìn ông ấy đi những bước chân điềm tĩnh về phía đầu kia của hành lang đầy nắng, cánh cửa khu phẫu thuật đóng lại sau lưng. Bất chợt tôi thấy lòng mình tin tưởng rằng mọi chuyện cuối cùng sẽ tốt đẹp, không thể khác. Nếu ông ấy đã chạy lúp xúp, đã la lối, đã tất bật cuống quýt, có lẽ tôi đã khóc.

Những lời nói bẳn gắt, phong bì, lót tay, biếu xén, đó là chuyện của người lớn. Tôi là trẻ con. Tôi chỉ nhớ cái dáng vẻ điềm tĩnh tự tin của ông bác sĩ đã làm nỗi hoang mang trong tôi dịu lại. Tôi vẫn thấy mình đơn độc nhưng ko còn hoảng sợ.

Phẫu thuật thành công. Mẹ phải trải qua thời gian dài xạ trị. Tóc mẹ rụng gần hết. Tôi vẫn đi về giữa bệnh viện và trường học, chỉ rẽ qua nhà nấu cơm. Tôi vẫn nhớ có lần mệt mỏi ra về, nhìn thấy có hai thằng bé quần đùi đang leo trèo như khỉ trên hai cánh cổng bệnh viện. Nhìn thấy tôi chúng reo hò chạy xô tới, mặt mũi lem luốc và miệng cười hết cỡ. Hóa ra là hai thằng em. Lần đầu tiên chúng lên thăm mẹ kể từ hồi mẹ ốm. Thế mà nhìn thấy cánh cổng chúng phải trèo lên trước cái đã rồi mới thăm ai thì thăm

Cám ơn mẹ. Mẹ dạy con bài học kiên cường với cuộc sống và trách nhiệm đối với những người thân yêu...

Gần 20 năm đã trôi qua. Đến tận giờ tôi vẫn ko biết chính xác mẹ bị bệnh gì. Tôi ko nhớ cả tên cái bệnh viện tôi đã chầu chực ở đó nhiều ngày. Tôi ko nhớ mặt những bệnh nhân cùng phòng. Tôi ko nhớ mặt ông bác sĩ. Nhưng tôi nhớ như in cảm giác bình yên mà dáng vẻ điềm tĩnh của ông ấy mang lại cho tôi, tôi đã níu lấy hình ảnh đó như người chết đuối vớ được cọc. Tôi ko nhớ mặt ông ấy. Chỉ nhớ tên ông ấy là bác sĩ Duyệt.

PS: 24 tuổi. Điện thoại di động réo giữa cuộc họp “G à, bố mày bị chồng gạch đổ vào đầu, nứt sọ. Mày về đón bố mày lên Hà nội chữa trị”. Tôi đã về ngay chiều hôm ấy. Đưa bố tôi vào viện. Cậu bạn quen một vị bác sĩ ở đó. Ông bác sĩ bước ra, ngỡ ngàng nhìn bố tôi rách rưới quần áo cáu bẩn ngồi khép nép ở một góc, nhìn tôi giày cao gót và chiếc váy thiên thanh bó sát (tôi đã ko có cả thời gian về nhà thay quần áo từ khi nhận được cuộc điện thoại báo tin), thì ko giấu nổi một lời mỉa mai “trông thế kia mà để bố thế kia à”. Tôi nhìn ông ta ko chớp mắt, im lặng. Nếu nói tôi chỉ thích nói sự thật. Mà sự thật đó có nói thế nào thì cũng làm bố tôi khó xử.
Rất lâu sau tôi mới biết tai nạn vỡ đầu của bố tôi thực ra chẳng phải là “tao đi qua cái giàn giáo, tao đang ngó ngó thì bị viên gạch rơi vào đầu”. Hai ông em trai của ông choảng nhau chuyện đất cát. Ông nhảy vào can. Ông em trai thứ chả nể nang gì phang luôn cái đòn gánh vào đầu anh trai.

No comments:

Post a Comment