Friday, June 16, 2017

Trên bãi biển Alberese



có cậu da đen bán khăn, mùa hè 3 năm trước.
Mình ngồi trên bãi biển từ sáng. Chú ý đến cậu ý vì trong khi những người da đen khác chỉ mang vòng ốc, quần tắm áo bơi, kính râm, đến lẳng lặng hoặc lí nhí chìa vào mặt mời mua, thì cậu này rao hàng rất rổn rảng tươi vui, tràn trề năng lượng. Khăn cậu ấy bán nhìn màu sắc cũng đẹp, dày dặn, 20e một chiếc. Mình thì khăn ở nhà có cả đống, nên chỉ khen khăn của cậu ấy đẹp chứ không mua.
 Phải nói thêm là dân tắm biển ở Ý rất khó chịu với những người như cậu ý. Ra biển để thư giãn ngắm biển, đọc sách, nằm ngủ, phơi nắng, tán gẫu với bạn, mà cứ vài phút lại có người đến đứng sừng sững dí quần áo kính râm kẹo cao su đồ chơi túi xách vòng nhẫn, thậm chí là cả dừa miếng, vào mặt mời mua. Muốn không bị họ quấy rầy thì chỉ có cách nằm úp mặt xuống giả vờ ngủ. Úp mặt mãi thiếu không khí vừa xoay mặt sang bên thở một cái thì lại bị họ mang đủ thứ đến dí vào mặt mời mua tiếp!
 Lại quay trở lại cậu bán khăn, suốt cả ngày mình ngồi ở đấy, cậu ấy đi qua đi lại mấy lần, cứ đi hết một chiều dài bãi biển lại quay lại làm vòng nữa, cứ thế đến hết ngày người tắm biển về hết thì thôi. Thì cũng không có gì đáng chú ý, nếu như không vì mỗi lần đi ngang qua chỗ mình ngồi, nụ cười của cậu ấy lần sau lại kém tươi hơn lần trước, và giọng rao lại bớt rổn rảng đi một chút.
 Có vài người đứng lại xem khăn của cậu ấy. Có người trả nửa giá, cậu ấy lắc đầu. Khăn của cậu ấy dày đẹp, trả có 10e thì rẻ mạt quá chắc chưa đủ vốn. Có mợ còn bắt cậu ấy dỡ hết cả đống khăn ra, trải từng cái một trên cát, lật lên lật xuống xem từng cái một chán chê rồi cắp đít đi thẳng không mua, mà cũng không buồn trả giá câu nào.
Cứ thế, đến 5h chiều, bãi biển đã vãn người, mình lại thấy cậu ấy quay lại. Nhưng lần này cậu ấy không rao nữa. Cậu ấy đi thất thểu, lặng lẽ, đống khăn ôm trước ngực, vẻ mặt chỉ có một từ để tả: thê thảm. Chắc cả ngày không bán được cái nào. Trông cậu ý tội nghiệp đến mức mình đã rút ví, định gọi con La đang đứng gần đấy chạy theo gọi cậu ấy lại mua cho cậu ấy một cái khăn, nhưng con bạn mình đang kể năm ngoái em trai nó mất vì ung thư và bố nó vì đau buồn quá cũng qua đời mấy tháng sau đó, nên mình không dám chen ngang. Tóm lại, trong lúc mình còn đang lưỡng lự thì cậu ấy đã đi hút mất.
Nhiều khi, mình rất muốn nói với những người như cậu ấy, rằng các anh đến đây làm gì, dân Âu việc chẳng có, kinh tế trì trệ, giờ cũng hai xu một hào chứ làm gì có tiền đâu. Nhất là các anh chỉ được cái trông lực lưỡng khỏe mạnh chứ cũng không thông minh, không học vấn và cũng không hoạt bát chăm chỉ, cuối cùng cũng chỉ đi bán rong vài món đồ tàu hoặc đứng xin tiền ở siêu thị. Mà trông khỏe mạnh lực lưỡng thế lại đi xin tiền thì ai cho. Cuối cùng thì khổ vẫn hoàn khổ, đói vẫn hoàn đói. Bảo là vì chính thể tan vỡ, chiến tranh, mà phải chạy loạn đã đành. Đây các anh đến vì lý do kinh tế thì chắc phải tiếp nhận cả lục địa châu Phi may ra mới đủ.
Làn sóng người tị nạn từ châu Phi vẫn hàng ngày đổ qua bờ bên kia của Địa Trung Hải. Chính phủ Ý cũng chẳng có tiền mua vé máy bay bắt họ hồi hương, nhất là hồi hương xong họ lại lên thuyền sang tiếp. Chưa kể các tổ chức nhân đạo vốn rất giỏi môn thể thao chọc ngoáy, cứ thấy người bị hồi hương là đi biểu tình lên án chính phủ vi phạm nhân quyền nhân đạo nọ kia. Chối tỉ lắm nhưng vì thể chế dân chủ nên ai muốn nói cũng phải để cho họ nói.
Từ sau vụ tị nạn Syria cãi nhau như mổ bò, EU mới cà cuống họp lại bàn cách giải quyết vấn đề nhập cư trái phép. Các lãnh đạo tán thành giải pháp là phải tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi là kinh tế cho các nước châu Phi, làm việc với các chính phủ châu Phi, dạy nghề rồi tạo công ăn việc làm cho dân, để họ khỏi đói khổ quá mà phải lên thuyền vượt biển. Vấn đề hợp tác với châu Phi lại được đẩy lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự. Các lãnh đạo EU lại đi châu Phi như đi chợ. Các thỏa thuận hỗ trợ trị giá hàng trăm triệu euro lại được ký kết. Hôm qua mình dự reception của đại sứ một nước EU ở đây, nói chuyện về các giải pháp và cơ hội cho châu Phi, lại nhớ đến cậu da đen trên bãi biển Alberese. 3 năm rồi mà mình vẫn nhớ như in vẻ mặt tuyệt vọng thê thảm cuối ngày của cậu ta.
Vấn đề là người ngoài đã sẵn sàng giúp, nhưng các ông đã sẵn sàng thay đổi chưa? Hay tiền của các chương trình hỗ trợ lại bị xà xẻo tới lui, người giàu lại càng giàu, và người nghèo vẫn cứ nghèo cùng quẫn lại lên thuyền vượt biển như đúng rồi?

10 comments:

  1. Đọc entry của chị Giang buồn quá. Đúng thật là dân nhập cư sang ngày càng nhiều. Em ở tỉnh không thấy thay đổi gì nhiều, chứ mấy đứa bạn em ở Marseille hay Aix kể nghe mà cũng sợ. Nghèo đói, không có học vấn, không có việc làm là tự sinh thành tệ nạn thôi. Tiếc là "The grass is always greener on the other side of the fence" nên họ vẫn vượt biển mà đi. Không biết mấy nước EU khác thì thế nào chứ ở Pháp năm nay thuế thân của dân nhập cư tăng từ 89 euros lên 269 euros/năm, chính quyền không giải thích nhưng dân tự hiểu là tăng thuế để đuổi bớt người đi.
    Em không sống ở thực địa như chị Giang, nhưng em đang làm việc với dân Phi và bạn bè gốc Phi cũng khá nhiều. Làm việc với họ deadline ngày 15 thì phải nhớ giục deadline là ngày 15 tháng trước, họ làm túc tắc, từ từ, "no stress", sai rồi sửa đi sửa lại là vừa deadline của mình :) Để mà thay đổi, chắc cũng còn mất thời gian.

    Mà, chị Giang có để ý là ngoài các nước Bắc Phi, phần còn lại của châu Phi dù rất nhiều nước và bộ tộc khác nhau, nhưng họ không bao giờ có chiến tranh không? Tranh cãi to đến mấy cũng ngồi quanh bàn trà tặng nhau bò dê gà vịt, tặng nhau mấy bà vợ và vàng là xong. Đến việc phá huỷ Apartheid mà cũng nhờ đàm phán chứ không oánh nhau tí nào, hội Phi expat vẫn còn hay đùa là dân native black bọn tao lười đến nỗi không thèm oánh nhau nữa mà hihi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em ơi, Pháp tăng thuế thân để đuổi bớt người đi nhưng EU không quản được ngay dòng người hàng ngày vượt Địa Trung Hải sang châu Âu thì vấn đề vẫn còn nguyên không giải quyết được. Vì Pháp đuổi đi thì họ lại sang các nước EU khác, hoặc thành ra sống chui lủi bất hợp pháp thì còn làm chính quyền mệt mỏi hơn.
      Ở châu Phi khí hậu thì nóng, ẩm, làm người nhanh mệt, nhất là khi họ to lớn kềnh càng chứ không nhỏ thó nhanh nhẹn như mình; đồ ăn thì toàn tinh bột cũng làm người trì trệ; dân bản địa tính tình cũng hiền lành thân thiện đơn giản. Thế nên chị cũng không ngạc nhiên nếu họ không thích cãi nhau hay đánh nhau. Ở chỗ chị, chỉ cần cao giọng với họ đã là xúc phạm rồi.
      Ở đây chị cũng gặp những người thông minh, có tầm nhìn xa, muốn làm việc lớn. Nhưng số đó ít và thường cực kỳ giàu. Còn phần nhiều là người an phận, không tham vọng, đủ ăn rồi thì cứ tà tà mà sống, hát hò, nhảy múa, đơn giản thế thôi, không có trăn trở đau đáu gì đâu.

      Delete
  2. Chị làm em nhớ đến đợt đi bụi, nằm chơi cả ngày ở bãi Lido di Venezia một mình, cũng một anh da đen ra mời mình mua khăn y chang kiểu đấy. Sáng mời rồi, chiều quay lại chắc quên mặt mình lại chào hàng tiếp. Quả oan trái này không phải "kẻ cắp gặp bà già" mà là hai thể loại cùng "trên răng dưới dép" va phải nhau. Đến giờ em vẫn nhớ dáng đi thoăn thoắt của anh ta trên bãi cát, gió biển lồng lộng làm đống khăn sặc sỡ trên vai anh ta bay phấp phới giữa nền trời chiều đỏ ối.

    Đặt mình vào vị trí của họ cũng rất khó chị ạ. Phải thực sự va chạm với thực tế kiếm tiền trong xã hội tư bản này mới vỡ mộng, chứ ở thời điểm chuẩn bị vượt biển chả ai có suy nghĩ tiêu cực hết.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thì họ chỉ nghĩ họ đói khổ thiếu thốn quá, mà ở bên kia bờ Địa Trung Hải là dân da trắng giàu có, kiểu gì họ cũng kiếm được đủ ăn, thậm chí may mắn ra còn kiếm được việc, lương thấp so với dân da trắng nhưng vẫn là niềm mơ ước so với ở nhà, vv và vv.
      Nhìn họ cũng thương, nhưng họ nhiều quá, nhìn đâu cũng thấy nhan nhản, thương không xuể.

      Delete
  3. Đã từ lâu rồi em không đọc báo Ý nữa, vì hàng ngày mấy ngàn người từ Phi cập bến. không thể chịu được nữa, chỉ cho khi mình có, đằng này mình còn không có mà họ cứ đến thì khác gì tranh nhau miếng ăn. Nói ra thì chua ngoa quá, nhưng có lẽ tình cảnh này đã quá mức hạn định. Mà có đọc, thương hay ghét thì cũng không thay đổi dc gì cả, nên em không đọc, nhắm mắt, bịt tai cho nhẹ đầu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Còn nhận họ thì họ còn liều sang. Khiếp thật, hơn 1tr người sang mỗi năm. Trong khi Đức đợt vừa rồi nhận đâu 1tr, mà cũng chỉ mỗi một lần, mà dân tình đã nhốn nháo.
      Chị thấy ngay cả giải pháp hiện nay của EU là tăng trợ giúp cho các chính phủ Phi để dạy nghề, tạo việc làm cho dân Phi, cũng vô cùng mông lung. Vì nước thì xa mà lửa thì gần, những biện pháp này cần thời gian lâu mới may ra có hiệu quả, trong khi họ thì cứ sang hàng nghìn người mỗi ngày. Rõ ràng khi họ đã vào tới lãnh hải của mình thì mình không thể để họ chết đuối hoặc chết vì đói, lạnh, kiệt sức, bệnh tật. Nhưng chị chỉ không hiểu tại sao EU chưa dùng tới biện pháp hợp tác với các quốc gia Bắc Phi để tuần tra sâu trong Địa Trung Hải, bắt những chiếc thuyền này quay trở lại bờ ngay khi vừa xuất phát. Phải có cả tiền của EU chứ mình Ý thì không thể đủ kinh phí cho chương trình này.

      Delete
  4. em cha hieu cac nuoc Chau Au quan ly kieu gi ma lai de cho dan nhap cu trai phep lai de dang nhu vay. Ngay ca tren facebook nhung quang cao ban suat du lich sang Duc, Balan roi sau do lam giay to gia de o lai day ray va cong khai, chi moi rieng dan Viet Nam nhap cu lau cung da thay rat nhieu, huong ho chi la them dan cheo thuyen vuot bien nhu Chau Phi hoac ti nan chien tranh nhu Syria

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vụ quảng cáo bán suất du lịch rồi làm giấy tờ giả để ở lại thì chị không biết, nhưng vấn đề dân nhập cư trái phép từ Phi sang Ý hàng ngày này thì rất nan giải. Họ sang tới nơi rồi, đuổi họ quay trở ra biển là coi như giết họ, nhất là nhiều khi thuyền họ vỡ ngay trước khi cập bến. Còn nhận tạm rồi sau cho họ hồi hương, thì không có kinh phí để chở máy bay cho họ về. Nhất là khi họ chẳng có giấy tờ gì nên cũng không biết phải chở họ về nước nào. Chỉ có cách nhờ chính phủ các nước Bắc Phi trợ giúp, ngăn không cho họ tụ tập và lên thuyền từ đó, nhưng Libya thì hiện đang vô chính phủ nên không biết phải hợp tác với ai. Đặt tàu tuần tra ngay ngoài khơi để phát hiện tàu vượt biên trái phép và bắt quay lại bờ thì hình như kinh phí cao quá và EU bất đồng trong việc đóng góp. Nhất là mấy nước Đông Âu lúc hưởng thì cũng hưởng mà đến lúc chịu lại dãn ra hết chẳng muốn chịu cùng.

      Delete
  5. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nào, ai đây? Có cần giới thiệu bản thân tí không?

      Delete