Saturday, July 24, 2010

Giày

Tối hôm kia được buổi rảnh rỗi ở nhà, lôi giày dép của Lê La ra xếp và dọn dẹp lại phòng con, loay hoay đến hơn 1h đêm mới xong.
Cứ đụng đến giày dép là giận các cô giúp việc ko để đâu cho hết. Chẳng là mình rất kỹ tính về khoản giày dép. Quần áo cho Lê La rẻ tiền còn được, miễn chất liệu cotton thoáng mát êm ái, nhưng riêng khoản giày dép thì không. Giày ảnh hưởng đến chân, đến dáng đi của trẻ nên mình luôn đầu tư cẩn thận.
Thế nhưng dùng đồ tốt với các cô giúp việc thật là khổ sở vô cùng, như bà mình ngày xưa chắc chắn sẽ chép miệng “ngọc để cho trâu vầy”. Quần áo cái rẻ cái đắt cái giặt máy cái giặt tay cái giặt khô tuốt tuột ném hết vào máy giặt, nhiều khi ko thèm phân loại, ví dụ cả mẻ giặt xanh nhưng cho luôn cái áo hồng vào giặt nốt vì có mỗi một cái áo hồng để lẻ loi nhìn ngứa mắt. Vài lần ngứa mắt như thế áo hồng của Lila toàn thành màu hồng ngả đen hết cả rồi.
Trở lại chuyện giày dép, chân Lê La bẩn các cô giúp việc cứ thế phủi phủi rồi cho đi giày, và một đôi giày cứ cho đi trường kỳ, kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn giày trở nên hôi hám và xấu đi rất nhanh. Nhiều khi đi cùng con, giở chân con ra thấy bẩn và có mùi, ngượng và giận ko thể tả.
Nói mãi, đấu tranh mãi, vứt đi vài đôi giày còn rất ổn nhưng bị hôi làm ví dụ cho các cô ấy thấy, thế mà cứ xểnh ra là làm tắt. Ví dụ, đã dặn trước khi xỏ chân vào giày phải rửa sạch chân và lau khô, thì hôm kia phát hiện ra kẽ chân con gái vẫn còn ướt nhẹp đã bị xỏ vào giày rồi. Lại phải lôi ra chỉ tận tay. Mình rất ghét hành vi bắt tận tay, thấy nó cứ nhỏ nhen thế nào, nhưng với bà Nuôi ko vừa nói vừa đưa ngay dẫn chứng thì bà ấy chối cho đến cùng, kể cả là nói huyên thuyên câu sau đánh nhau với câu trước vẫn phải nói cho bằng được mới tài.
Bao giờ Lê La cũng có ít nhất ba đôi giày để luân phiên nhau cùng lúc, chưa kể các đôi chuyên dụng. Các đôi đều được mình xếp hàng ngang trên giá cho tiện lấy như nhau. Thế mà các cô giúp việc toàn dùng trường kỳ mỗi một đôi, ko hiểu vì sao lại thế. Như kiểu đầu óc họ theo một lối mòn, ngại suy nghĩ, ngại thay đổi. Kết quả, sau một thời gian, đôi thì trông như bánh mỳ ôi, đôi thì mới tinh nhưng đã chật ko đi được nữa.
Mình luôn bảo các cô giúp việc “Sau khi mình dùng giày, giày cần thời gian để thở, để lấy lại dáng. Chính vì vậy thay giày hàng ngày sẽ khiến đôi giày bền hơn, đẹp lâu hơn. Việc rửa chân, lau khô và thay tất sạch cũng sẽ khiến giày ko bao giờ bị bốc mùi”. Các cô ấy yếu thế thì lại gạt phắt “gớm một đời ta muôn vàn đời nó”. Lại phải giải thích “phí hoài đôi giày đẹp là một chuyện, cái chính là nếu ko biết cách dùng thì lúc nào trông mình cũng nhem nhuốc chả đâu vào với đâu”. Đấy là mới yêu cầu những thứ cơ bản, chứ còn lạnh ít đi giày nào, lạnh nhiều đi giày nào, nóng đi giày nào, hôm nào đi bộ nhiều thì đi giày nào, trời mưa thì giày nào, trời tuyết thì giày nào, ra biển đi giày nào, xuống nước đi giày nào, là còn chưa nói sợ các cô ấy lẫn.
Hôm qua mình bảo bà Nuôi “sao cháu nói bao nhiêu lần mà cô mặc quần cho Lila toàn ko mặc quần lót?”, phẩy tay “Ôi giời ơi nó ko chịu mặc, mà ko cần, nó lớn nó tự khắc nó mặc”. Bảo “cô đừng tạo cho trẻ con những thói quen lúi xùi kiểu đấy đi cô”. Nghe mình đã nói đến mức ấy tức là mình đã giận lắm nên bà Nuôi mới thôi ko nói nữa.
Chuyện ăn cũng mệt. Mình nấu bữa tối cho con, 3 course riêng biệt, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy chị giúp việc cắt nhỏ, trộn lẫn hết cả vào nhau, và xúc tới tấp. Bảo “chị ko được làm thế, món nào phải ăn riêng món đó”, “ôi giời lắm chuyện, đằng nào vào trong bụng chả trộn hết cả vào nhau mà cứ cầu kỳ”, lại phải “với em mục đích ăn ko phải để no bụng. Chị làm thế này là luyện cho trẻ con kiểu ăn rất xấu, và về sau nó ăn một món sẽ ko thể đánh giá thế nào là ngon là dở”. Thế thì mới thôi.
Cuộc đấu tranh với giúp việc để duy trì mọi thứ theo đúng tiêu chuẩn mình muốn quả là gian nan và trường kỳ. Mới nhận ra rằng nhiều người có tầm nhìn rất ngắn hạn (như kiểu cứ xong được lần nào là thở phào lần đó), rất ít người muốn bỏ công luyện cho trẻ những thói quen tốt lâu dài để trẻ lớn lên thành người tính tình độc lập hành xử văn minh.
Mình chiến đấu với giúp việc nhiều khi còn thấy bất lực, bạn nào ở nhà phải chiến đấu với thế hệ trước (nhất bố mẹ chồng) có quan niệm rèn dạy trẻ khác chả hiểu còn bất lực đến đâu nữa .

No comments:

Post a Comment