Tuesday, September 15, 2015

Si près du but



Về bức biếm họa của Charlie Hebdo mới đây, cậu bé 3 tuổi người Syria chết úp mặt trên bờ biển, dưới tấm biển McDonald mua 2 tặng 1 và dòng bình luận Si près du but.
Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người chửi bới lên án ngay được. Với tôi, bức biếm họa đó không châm biếm cái chết thảm trên đường đi tìm xứ sở thiên đường với nhiều thứ miễn phí của cậu bé nói riêng và người tị nạn nói chung, mà nó châm biếm một luồng quan điểm hết sức vô lý và nực cười của những người phản đối nhận người tị nạn, luồng quan điểm này có dùng tới hình ảnh McDonald. Những người phản đối này cứ gán cho dòng người tị nạn lần này cái tội muốn đến ăn ở miễn phí ở nước tư bản giàu có, mà chối bỏ một thực tế rành rành là người ta mất nhà cửa, mất người thân, mạng sống bị đe dọa, tương lai không có, thì người ta mới phải đi kiểu thế. Trong số chúng ta, ai dám cho con mình lên thuyền nát vượt biển, nếu như không vì không còn con đường nào khác? Syria, Yemen, trước khi bị nội chiến tàn phá, là những đất nước đẹp đẽ và giàu di sản vào bậc nhất trong khu vực chứ đâu có đến nỗi nào.
Cá nhân tôi ủng hộ việc cứu giúp tức thời người tị nạn. Người ta đói, rét, mệt, sắp chết đuối, mình nhìn thấy thì phải giúp, ngay cả khi phải nhường nửa bữa ăn của mình cho họ. Còn việc tôi có ủng hộ cho họ di cư vào khối EU ồ ạt hay không thì tôi sẽ nói sau.
Tôi có cô người quen người Hy lạp. Hè vừa rồi cô ấy đi nghỉ ở đảo Mykonos, ngay sát phòng cô ấy là phòng do mấy người Syria tị nạn thuê, đang đợi để đi tiếp đến Đức. Họ kể họ phải đi bộ băng qua nước Thổ, đến bờ Địa Trung Hải giữa đêm tối. Người dẫn đường giao cho họ một chiếc thuyền nhỏ, chỉ chấm sáng le lói trước mặt và bảo đấy là Hy lạp, tự chèo thuyền được đến đó thì sống, không thì chết, rồi bỏ đi. Thế là họ phải chèo cật lực qua biển và may quá đến nơi. Cô ấy có hỏi mấy người này tại sao lại cứ phải đi Đức, thì họ có trả lời là ở Đức điều kiện phúc lợi tốt, đặc biệt 6 tháng sau khi xin được tị nạn thì có thể đường hoàng đón vợ con sang. Đó chính là lý do tại sao họ sống chết cũng phải tới Đức, và trong dòng người tị nạn đa phần là đàn ông thanh niên trai tráng, đi trước bằng con đường hiểm nguy với hy vọng đến lúc ổn ổn thì sẽ đón gia đình sang bằng con đường chính thống. Những người phải liều mang vợ con theo chắc vì ở nhà bom đã đánh sập tan hoang hết nhà cửa, ở lại thì có khi mai ăn thêm quả bom nữa chết ngay, đi cả nhà may ra còn có đường sống.
Lại có những ý kiến cho rằng người tị nạn Hồi giáo thì nên để anh em Hồi giáo họ giúp. Thực ra những nước hàng xóm cụ thể như Jordan, Lebanon, UAE (Ả rập Saudi có giúp hay không thì tôi không biết), họ giúp rất nhiều, và giúp từ mấy năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới cuống lên như EU. Tôi có nói chuyện với một chị người Jordan, tôi có bình luận rằng tôi choáng khi nhìn thấy cái ảnh khu trại tị nạn khổng lồ ở Jordan. Chị ấy nói với tôi rằng chính phủ Jordan cũng đang rất khó khăn vì quốc tế đã cắt giảm trợ giúp nhưng “không sao, chúng tôi cố một tý cũng được, họ cũng là người như chúng ta cả”. Chị Jordan mà tôi đang nói chuyện cùng đại diện cho chính phủ chứ không phải dân đen nói một câu từ tâm vu vơ.
Tuy nhiên tôi cũng không lên án những người không muốn giúp. Giúp tí, mình chả sứt mẻ gì mà lại được tiếng nhân đạo, thì ai cũng là lá la đi giúp cả. Còn đã đụng đến quyền lợi sát sườn thì ai cũng phải thực tế. Lấy một ví dụ nhỏ, nhiều người dân ở nước tư bản con chỉ dám đẻ một vì điều kiện kinh tế chỉ có thế. Thế nên việc họ bất bình khi phải còng lưng đóng thuế nuôi những người ăn trợ cấp đẻ sòn sòn một đàn con ít nhất là 3, 4 đứa, là hoàn toàn dễ hiểu. Chỉ có điều người ta gặp hoạn nạn, mình đã không giúp thì cũng đừng nói những lời phán xét tàn nhẫn. Người ta đã mất hết, bắt người ta phải sĩ diện nữa thì có khó quá không? Mình vào vị trí họ chắc mình cũng sống chết đòi đến cái nước Tây Âu Bắc Âu nơi gia đình có thể nhận được một sự đãi ngộ tốt nhất có thể, chứ có thanh cao khí khái hơn được không?. Còn họ đòi là một chuyện, nước đó có nhận họ hay không lại là chuyện khác. Đơn giản thế thôi, không cần những lời tàn nhẫn.

11 comments:

  1. e cũng nghĩ như chị về hình ảnh biếm họa ấy, nhưng khổ 1 nỗi là nhìn nó rất dễ bị bẻ lệch theo hướng kia. Nói chung là thấy tội tòa báo vì trên mấy trang mạng xã hội pHÁP thấy ngta lên án nhiều và chẳng thấy có ai nghĩ nó theo cách mà chị hay em nghĩ
    E đọc khá nhiều toàn cảnh tị nạn, nói chung cá nhân e thấy khá khó chịu vì e đã xem nhiều clip người tị nạn ném trả đồ ăn mà police Hung phát cho họ và đòi được sang Đức, các clip lộn xộn ở thủ đô Thụy điển, pháp bây giờ và đám đông chổng mông đến giờ ccầu nguyện, các bến tàu ga lộn xộn. Em ko hề nói j trỉ chích hay miệt thị họ nhưng Tôn giáo của họ ko nhừam mục đích hòa đồng với nước bản xứ, mà bản chất là hồi hóa đất nước mà họ ở bằng cách đẻ nhiều, đa thê ở Amsterdam chẳng hạn đã phải công nhận tục đa thê do họ biểu tình này và trốn lao động. Nói chung là dân đạo hồi lười lắm ấy
    Có 1 điều nói ra e biết sẽ có nhiều người phản ứng, nhưng e nghĩ tại sao đất nước có chiến tranh, họ ko ở lại chiến đấu để bảo vệ mà lạy chạy ngay hết sang nước khác để yêu sách và đòi hỏi. Lịch sử của 1 đất nước luôn phải đánh đổi bằng sự hi sinh, máu và nước mắt của 1 thế hệ thì mới có được chứ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Rồi sẽ có người lên tiếng giống như chị với em nghĩ, và cả đám đông à lên, ngẩn ra, và giải tán ;-)
      Chị nghĩ nếu chị là dân Syria chị cũng chạy. Ở lại chiến đấu vì cái gì, Assad giết dân như ngóe, ISIS giết dân như ngóe, Nga tuồn vũ khí cho Assad, Mỹ và liên minh lại ủng hộ một tribe khác.
      Về quan điểm đối với người nhập cư, chị đã viết ở entry sau.

      Delete
  2. Kí tên: 1 bạn đọc giấu mặt

    ReplyDelete
  3. Em nghĩ báo chí bồi bút từ chuyện em bé Syria chết trên bờ biển để mở đường cho dân tị nạn nhập cư vào châu Âu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị cũng thấy cái sự kiện cậu bé chết ấy bị khai thác quá đà, thế nên từ đầu tới giờ chị không bình luận. Chỉ là bây giờ thấy Charlie Hebdo lại bị phê phán, mà theo chị bị phê phán sai, thì chị mới lên tiếng thôi.

      Delete
  4. Ví dụ em ở Đan Mạch, thuế là 32% tuy nhiên đi bệnh viện hay có xét nghiệm gì e vẫn phải trả hoạc trả 50% chứ ko được nhà nước trợ cấp 100% dịch vụ xã hội, tuy nhiên khi dân tị nạn vào họ được hưởng toàn bộ điều kiện vật chất thậm chí nhiều hơn những người đi làm đóng thuế như em. Còn về mặt tinh thần thì khỏi nói, ở Đan Mạch tốt hơn so với các nước hy lạp, TBN ..

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị biết nhiều người đến 65%, 70% thu nhập của họ phải mang đi đóng thuế, trong khi con cái họ đi học trường tư, gia đình họ đi khám ở bệnh viện tư, tức là không hưởng lợi gì từ hệ thống phúc lợi y tế giáo dục vốn hào phóng nổi tiếng của thế giới tư bản. Nước nào cũng thế, người nhiều tiền góp nhiều, người ít tiền góp ít, người không có tiền thì không góp và được trợ giúp. Đành chịu vậy biết sao, em.

      Delete
  5. Dù sao e vẫn có định kiến với dân tị nạn. E nghĩ phần lớn họ mang tư tưởng nước họ áp đặt lên nơi họ sống ở châu Âu, ko tôn trọng pháp luật. Giúp ngưoi thì em cũng muốn giúp lúc hoạn nạn nhưng có phải nhưnvaajy mà họ tốt lên đâu. Đẻ nhiều, lúc nào cũng lách luật, thách thức , số được đi học thì rất ít, làm viedjc thì 2,3 tiếng xuống cầu nguyện , :( e nghĩ họ giống như dân Gypsee vậy đó c ơi

    ReplyDelete
    Replies
    1. chị nêu quan điểm của chị về vấn đề này ở entry sau nhé.

      Delete
  6. Tớ cùng quan điểm. Tớ đang sống ở Đức, giúp được gì họ nhà tớ đã đang giúp. Còn muốn họ đến ồ ạt như thế hay không là chuyện khác. "Đơn giản thế thôi, không cần những lời tàn nhẫn".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ nghĩ chắc chắn không người dân châu Âu nào muốn người tị nạn đến ồ ạt như này. Ngay cả khi toàn những người tị nạn chính trị thật, việc hấp thụ một con số tị nạn khổng lồ như vậy sẽ khiến châu Âu kiệt quệ. Đấy là còn chưa kể tới những người cơ hội, tranh thủ lúc lộn xộn cũng lọt vào được luôn.
      Nhưng người ta đã đến cửa nhà mình, một sự trợ giúp tức thời là cần thiết, nhân văn. Việc có cho họ vào ở cùng không sẽ bàn sau. Sợ nhất là nhiều người chưa ảnh hưởng thiệt hại gì tới bản thân mà đã tuôn ra toàn hate speech.

      Delete