Saturday, September 26, 2015

27/9/2015



Cách đây khoảng hơn 2 năm, tôi có được mời làm mẹ đỡ đầu cho một con tàu.
Tôi tưởng chỉ là lễ cắt băng khánh thành như bao buổi cắt băng khánh thành tôi đã dự. Vừa đến nơi đã thấy hai hàng người đợi sẵn, và một rừng máy ảnh. Ai đó giúi vào tay tôi một bó hoa rất to. Rồi tôi ngồi trên khán đài, nắng hễu ra, đợi sếp hãng tàu và sếp cảng cạn đọc diễn văn trước đám đông nhà báo, các cán bộ của hãng tàu và công nhân của cảng. Đến lượt tôi, bù nhìn, đọc đúng bài diễn văn 3 dòng mà ai đó đã viết sẵn in sẵn, đặt tên cho tàu.
Rồi họ đưa cho tôi cái khay trên để mấy cái kéo. Tôi vẫn chưa ý thức được điều quan trọng mình sắp làm, vẫn còn đùa cợt nâng lên đặt xuống không biết chọn kéo nào. Rồi tôi cầm kéo lên. Tự dưng, tất cả lặng phắc đi, tôi có cảm giác mấy người đứng gần tôi còn nín thở. Tôi chả biết gì nên chân tay chả run, là minh họa hoàn hảo cho câu ignorance is bliss, không ngần ngại giơ kéo cắt sợi dây cái ngoéo. Dây đứt, chai sâm banh đang treo trên cao tuột xuống rất nhanh theo đường zigzag chăng mắc rất kỳ công, lao vào thân tàu đánh bốp, và vỡ tan thành hàng nghìn mảnh vụn. Mọi người reo hò, công nhân ôm nhau reo hò, mấy sếp lớn lao đến hồ hởi bắt tay nhau sung sướng nhẹ nhõm vô cùng.
Ở buổi tiệc chiêu đãi tối đó, sếp hãng tàu mới tiết lộ với tôi rằng họ đã căng thẳng lắm khi tôi cầm kéo. Ông ta kể về con tàu Costa Concordia. Chai sâm banh trong lễ khánh thành chiếc Concordia đó đã không vỡ, và dân đi biển mê tín tin rằng đó là điềm rất xấu cho số phận của nó. Cuối cùng, con tàu đã va phải đá ngầm và lật nghiêng ngay tại đảo Giglio, gây thiệt hại hàng tỷ euro cho hãng vận chuyển. Chính vì vậy, họ đã lo lắng lắm, bởi con tàu tôi khánh thành sẽ được lai dắt về Ý và thả neo cố định ở đúng vùng biển nơi chiếc Costa Concordia danh tiếng đã gặp nạn. Tui mà biết trước uẩn khúc này thì có cho tiền tui cũng chả dám nhận lời.
  
Dạo này tôi đang mải mê năng lượng sạch. Thế là tôi nhớ tới con tàu tôi đã khánh thành và suýt quên biến cả tên hơn 2 năm trước. Nó không phải là một con tàu đi biển mà gần như là một nhà máy nổi trên mặt nước, dùng công nghệ LNG, gas hóa lỏng trữ ở nhiệt độ cực thấp và áp suất cực lớn, thả neo cố định ngoài khơi cùng với thủy thủ đoàn tôi không nhớ bao nhiêu người và cung cấp được hình như 12% nhu cầu gas đun nấu sưởi ấm cho toàn nước Ý, lâu rồi tôi không còn nhớ con số chính xác. Con tàu là một nỗ lực của chính phủ Ý trong kế hoạch cố gắng không phụ thuộc vào nguồn cung khí gas qua hệ thống ống dẫn từ nước khác, vốn không có gì đảm bảo vì phụ thuộc vào nhiều diễn biến chính trị. Như anh Putin có hồi dọa khóa van gas, toàn châu Âu suýt ăn cám chắc các bạn còn nhớ.
Phương Tây từ lâu đã cố gắng độc lập với nguồn cung này bằng cách phát triển các dự án kiểu con tàu tôi khánh thành ở trên và đặc biệt là phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế từ gió, mặt trời, địa nhiệt. Đi dọc nước Ý, nhìn thấy những cánh đồng cối xay gió và những cánh đồng solar panel, thích không tả được. Trong tương lai không xa, các nhiên liệu hóa thạch hại môi trường không cạn kiệt cũng sẽ trở thành lỗi thời và những quốc gia vốn chỉ giỏi móc khoáng sản lên ăn cũng không còn có thể lấy khoáng sản ra tống tiền người khác. Và do đó, hy vọng thế giới này sẽ yên ả hơn.
Cái xứ Ả rập xa hoa lãng phí, đứng đầu bảng trong vấn đề carbon footprint này đã bắt đầu sử dụng năng lượng sạch. Chính quyền Dubai vừa dựng một hệ thống solar panel trong một công viên mới xây ở ngay khu trung tâm. Nhưng dựng rất buồn cười, cái công viên thì bé tí vài ba cái hoa hoét lơ thơ, diện tích dành cho solar panel lại chiếm một khoảng to đùng, các tấm solar nằm thấp vừa chềnh ềnh chiếm chỗ vừa hướng ra phía đường người qua lại làm xấu cả cảnh quan. Các cụ ơi, giờ người ta lắp solar panel giấu đi chả xong, thậm chí còn chế ra các tấm solar nhìn không ai nghĩ là solar panel, để vừa dùng được năng lượng sạch vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, thì các cụ lại lắp lồ lộ mấy cái tấm xấu xí kiểu cố tình khoe ra thế này làm cái gì chả hiểu. Rồi mấy năm nữa thấy xấu quá lạc hậu quá các cụ lại nhổ lên vứt đi làm lại, các cụ là rất giỏi trong việc nhổ béng lên vứt đi làm lại tuốt, từng ấy tấm solar đem đi vứt rác, thì sẽ là bao nhiêu rác thải ra môi trường???

26 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Vào comment một câu là em cảm thấy rất hâm mộ (định dùng từ ngưỡng mộ mà thấy hơi quá nên chuyển xuống hâm mộ :p) việc trau dồi kiến thức của chị, kể cả trong những việc như khoa học kĩ thuật, chính trị...

    Em thì lười, nên được cái vào blog chị đọc lại có thêm hiểu biết. Yêu <3

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị có trau dồi gì đâu, chẳng qua là cuộc sống mình hay gặp những thứ đó nên mình biết một chút thôi :-)

      Delete
  3. Tớ thấy Giang hay quá, tớ thích. Nhà Giang xây xong chưa?có lắp tấm năng lượng mặt trời nhìn như k có k?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhà tớ xong thì chưa nhưng cũng hòm hòm rồi cậu ạ. Tớ lắp solar panel bình thường thôi, cái tấm hình chữ nhật đen đen thường gặp ý. Còn solar panel kiểu mới tớ mới thấy được giới thiệu trong một triển lãm công nghệ gần đây. Tớ nghĩ nếu có dùng chắc chỉ dùng trong những công trình kiến trúc nổi tiếng, chứ chưa thể sản xuất đại trà được. Dân thường muốn dùng năng lượng mặt trời thì cứ cái tấm cổ điển kinh điển hình chữ nhật đen đen kia là được rồi, miễn là lắp ý tứ một tý để nó không bị lộ ra ảnh hưởng đến cảnh quan.

      Delete
  4. Mới đọc phần đầu cứ tưởng cậu cầm nhầm cây kéo không nên cầm (theo mê tín của dân đi biển), cái cảnh mọi người nín thở chờ cậu giống cảnh người lớn hồi hộp chờ em bé bốc một món trong ngày thôi nôi ấy :-D. Té ra tập quán làm vỡ chai champagne trước khi hạ thủy con tàu là đây.

    Tớ nghe đồn đãi là sắp có công nghệ mới cho solar panel, ko biết cậu có thông tin gì để chia sẻ ko? Nhà tớ đang nghĩ đến việc lắp solar panel lên mái nhà nhưng vẫn đang tần ngần ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Công nghệ mới như thế nào cậu share đi. Tớ thích năng lượng sạch vô cùng. Ở cái nhà tớ đang sửa tớ lắp solar panel trên mái, ban ngày điện sản xuất dư thừa sẽ được bán vào lưới điện nhà nước, ban đêm cần dùng điện thì sẽ lấy từ mạng điện nhà nước và tính trừ chênh lệch. Tớ biết có cả hệ thống tích điện năng sản xuất ban ngày để dùng cho ban đêm, tức là nhà mình độc lập hoàn toàn về điện năng, không cần tới mạng lưới điện quốc gia, nhưng hệ thống này hình như đắt lắm.

      Delete
    2. À không, là tớ nghe ở đâu đó vụ công nghệ mới của solar panel, tưởng cậu biết nên hỏi thôi, chứ tớ có biết gì đâu mà share :-D. Nhưng nhất quyết nếu tớ có nghe ngóng được gì thêm thì sẽ góp ý. Vụ bán điện cho nhà nước hay nhỉ, nhưng bù trừ qua lại như thế có phức tạp lắm ko cậu? Nhà tớ xài điện cũng nhẹ nhàng lắm. Hồi xây nhà, có phun foam lấp kín hết các kẽ hở giữa những cây cột cây kèo trước khi lắp insulation, cho nên việc sưởi mùa đông và điều hòa mùa hè rất hiệu quả. Hồi đó anh kiến trúc sư có giới thiệu cả cái công nghệ xanh gì đó, trong đó mình trồng dây leo trên mái nhà (ặc, đại loại như thế), thì mùa hè nó là lớp che râm mát tự nhiên cho nhà, mùa đông nó cũng có tác dụng giảm lạnh, với cả hệ thống chạy nước lên trần nhà như em gì nói ở dưới đây nữa, nếu làm cả hai vụ này thì hoàn toàn không tốn nhiên liệu cho sưởi và điều hòa, nhưng chi phí gần bằng 1/3 chi phí xây nhà cho nên thôi, đành phải liệu cơm gắp mắm :-D

      Delete
    3. Thế thì tớ nghĩ công nghệ mới chính là solar panel mà nhìn trong suốt như cửa kính bình thường đấy. Vì cái dở của solar panel kiểu hiện hành là nó rất xấu xí, rất khó hòa vào cảnh quan xung quanh nên lúc lắp phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Như ở bên Ý, muốn xin được giấy phép dùng solar panel thì mình phải trình bày kế hoạch lắp thuyết phục vì dân Ý rất duy mỹ, chứ không phải cứ năng lượng sạch là muốn làm gì thì làm.
      Vụ bán điện cho nhà nước thì nhà tớ làm như sau: lúc thừa đem bán thì bán rẻ, lúc cần phải mua thì mua với giá cao hơn. Nếu cuối tháng, mua nhiều hơn bán thì tớ phải trả tiền dùng điện cho nhà nước, còn nếu bán nhiều hơn mua thì nhà nước sẽ hoàn tiền cho tớ cứ 6 tháng một lần. Nó chỉ phức tạp và tốn kém lúc mình lắp đặt, còn về sau tự động hết rồi thì không có gì phải bận tâm nữa.
      Ở Ý, vì hầu như không có nhà xây mới, và nhà cũ thường tường rất dày, nên tớ chưa nghe vụ phun foam bao giờ. Để tăng tính hiệu quả của việc làm mát và sưởi ấm, người Ý chỉ lưu ý hệ thống cửa ra vào và cửa sổ. Cửa đủ kín và đủ dày để không thất thoát nhiệt đắt lắm. Được cái nếu cửa nhận được chứng chỉ hiệu quả về năng lượng thì gia chủ sẽ được nhà nước hoàn thuế thu nhập trên khoản tiền chi làm cửa, đại loại thế. Nhưng để nhận được chứng chỉ đó thì gia chủ phải thuê kỹ sư năng lượng riêng để theo sát công trình. Ôi, nói chung là rất nhiều chi phí ban đầu.
      Tùy cây leo nhưng nói chung tớ không khoái vụ cho dây leo leo lên mái nhà hoặc quanh nhà. Thứ nhất là dễ khiến mái và tường bị đọng nước, lâu ngày sinh ẩm ướt rêu mốc. Thứ hai là phần rễ có thể làm hư hại móng nhà hoặc tường nhà. Nhà tớ có cái cây mọc ngay gần, lại là cây sung, rễ chọc thủng cả đá xuyên vào tận tầng hầm, cắt cụt cây mà rễ vẫn phát triển như thường. Cuối cùng phải thuê cả excavator đến móc nó lên, lại phải chi tiền.

      Delete
    4. Ở Pháp thì hơi khác một ít các chị ạ. Chính phủ làm mọi cách để khuyến khích các cá nhân sản xuất năng lượng sạch (mặt trời, gió etc.). Toàn bộ năng lượng mình « sản xuất » ra đều được "bán" cho sở điện lực (EDF) với giá cao, và mình dùng điện của mạng lưới chung với giá thấp hơn (vì giá trần thì nhà nước quản lý). Pháp phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hạt nhân, nhưng cũng vì thế mà là một trong những nước có giá điện thấp nhất châu Âu.

      Cũng như ở Ý, khi mà mình lắp đặt hệ thống và chứng minh được là việc này có thể cải thiện việc sử dụng năng lượng trong nhà, người tiêu dùng có thể được hỗ trợ bằng « sustainable development tax credit » (giảm / hoàn thuế thu nhập một phần so với chi phí lắp đặt). Cái này có tên là "fiscalité photovoltaïque" - Thuế năng lượng mặt trời, hay còn gọ là "fiscalité verte" - Thuế xanh. Nhưng nói chung là cũng nên chú ý về ảnh hưởng đến mỹ quan, và về « return on investment », vì nhiều người lắp đặt không trung thực, cứ lắp bừa khi được vẽ viễn cảnh sáng lạn về thu nhập phụ mặc dù nhà cửa không đủ nắng, không đủ gió, lắp xong chẳng sản xuất được bao nhiêu năng lượng mà chỉ tốn kém vô lý mà thôi.

      Năng lượng từ solar panel được coi là năng lượng sạch vì chúng không hề gây ô nhiễm trong quá trình chuyển hóa năng lượng mặt trời thành năng lượng điện.

      Tuy nhiên, việc sản xuất solar panel, vận chuyển (quá nửa đến từ Trung Quốc), và quá trình xử lý khi không còn dùng được nữa, ngoài ảnh hưởng mỹ quan, thì cũng như bất cứ sản phẩm công nghiệp nào, đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường : quá trình tái chế (tuy nhiên hiện chúng ta có thể tái chế đến 80-85 % nên cũng khá ổn), quá trình sản xuất (khai thác, năng lượng để sản xuất, các sản phẩm hóa học và hiệu ứng nhà kính)

      Tùy theo cách sản xuất và trách nhiệm với môi trường mà chúng ta đang ít nhiều « di chuyển » ô nhiễm từ nơi này đến nới khác. Hôm trước em ngó qua một reportage : Trung Quốc đang phủ kin sa mạc Tengger (Gansu) bởi những « cánh đồng » solar panel. Họ lắp nhiều đến nỗi mà đường dây vận chuyển (tất nhiên là xa lắc xa lơ) không đủ cho nên chỉ khoảng một nửa các solar panel hoạt động, và họ vẫn đang triển khai lắp đặt thêm rất nhiều ! Cũng như ở Ả Rập, lắp mà không suy nghĩ đến các ảnh hưởng khác, chắc cái « sạch » ấy không trụ được lâu…

      Em nghĩ với tình hình hiện nay, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế còn phải lưu ý thêm nhiều thứ lắm.

      Delete
    5. Chính vì việc sản xuất solar panel và việc xử lý khi mang solar panel đi vứt rác đều có tác động tới môi trường nên chị mới nói đã làm là làm tốt hẳn luôn, lắp một lần dùng được 30, 40 năm chẳng hạn luôn, chứ không phải cứ làm bừa rồi sau lại phá đi làm lại.
      Về việc tàu khựa, chị cho rằng tàu khựa chả có gì trụ được lâu, dù là solar panel, hay phát triển địa ốc, hay sản xuất kiểu made in china giá rẻ. Vì đạo đức kinh doanh của tàu kém, làm ăn kiểu ăn xổi ở thì, danh tiếng thì xây dựng bằng cách có ít xít ra nhiều, và bản tính quá tham lam, mà tham thì thâm.
      Về việc chính phủ Pháp khuyến khích cá nhân sản xuất năng lượng sạch, em làm chị nhớ tới cách đây 30, 40 năm, chính phủ Ý khuyến khích dân canh tác đất nông nghiệp ở những vùng còn nhiều đất nông nghiệp bỏ hoang bằng cách cho dân tiền để trồng cây, bất cứ cây gì ra quả có giá trị kinh tế. Kết quả là nhiều người dân cứ mua cây trồng đại phủ kín đất, để lấy tiền của nhà nước, mà không cần quan tâm chọn giống cây trồng. Sau mấy chục năm mới tá hỏa nhận ra, có những mảnh đất trồng rặt một loại ô liu quả thì lèo tèo, cây thì không bao giờ lớn, tóm lại cứ tiếp tục để đấy thì phí đất, giải pháp duy nhất là nhổ lên vứt ra bãi rác. Nó cũng tương tự như việc nhà nước khuyến khích dân làm ăn kinh doanh bằng cách cấp vốn kinh doanh và bao luôn đầu ra sản phẩm. Dọn cỗ sẵn quá mức như vậy, dân họ không lợi dụng để dồn gánh nặng lên nhà nước mới lạ.

      Delete
    6. Tớ cũng nghĩ như bạn Ngọc Hà, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế cần thêm nhiều thời gian nữa.
      Song song với phát triển công nghệ năng lượng sạch như solar panel, geothermal generator,...là việc phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng. Cách đây 4 năm tớ có đi một triển lãm về xây dựng, họ giới thiệu mô hình nhà với chi phí năng lượng gần như bằng không. Nhà như một khối khép kín cách nhiệt, với tường dày, insulation dày, cửa sổ cửa kính cũng dày cách nhiệt tốt, mái nhà phủ cây xanh, đường dẫn khí vào và khí ra trên trần nhà, với hệ thống điều hòa không khí khép kín dùng công nghệ bơm nóng hai chiều.
      Không khí ngoài trời được bơm nóng bơm vào qua màng lọc bụi và hóa chất. Nếu nhiệt độ không khí cao hơn nhiệt độ mong muốn trong nhà(ví dụ là 25oC) thì bơm nóng sẽ hạ nhiệt độ không khí xuống, phần chênh lệch nhiệt độ sẽ chuyển thành năng lượng để đun nước nóng dùng hàng ngày. Không khí trong lành với nhiệt độ độ ẩm như mong muốn sẽ được bơm theo đường ống dẫn khí đến từng phòng. Không khí trong phòng sẽ được bơm ra theo đường ống dẫn khí ra qua bơm nóng, bơm nóng sẽ hạ nhiệt độ khí xuống -8oC trước khi bơm ra ngoài, phần chênh lệch nhiệt độ sẽ chuyển thành năng lượng để làm nóng không khí vào(trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời thấp hơn nhiệt độ trong nhà) - sưởi ấm và nước nóng. Với hệ thống này trong nhà nhiệt độ luôn ổn định, không khí trong lanh thông thoáng. Chỉ có điều ngồi trong nhà có thể bạn không được nghe tiếng chim hót thánh thót ngoài vườn:). Theo giới thiệu thì với một căn nhà diện tích sử dụng 120m2 thì chi phí trung bình phải trả là 15eur/tháng cho toàn bộ hệ thống. Nếu kết hợp với solar energy thì thừa để bán.
      Nhà tớ xây nhà trước đó nên chỉ dùng công nghệ bơm nóng một chiều, mái nhà không phủ cây xanh, hệ thống sưởi dưới nền nhà. Với hệ thống này, luồng khí vào sẽ vào nhà qua các lỗ thông trên tường có màng lọc. Khí ra sẽ qua hệ thống đường ống khí ra(trên trần nhà) qua bơm nóng, ở đó khí sẽ được hạ nhiệt độ xuống -8oC, năng lượng chênh lệch dùng để sưởi và nước nóng để dùng. Do khí hậu châu Âu mùa hè không quá nóng nên nhà tớ rất hài lòng với hệ thống này. Nếu mùa hè nóng thì dùng hệ thống này không ổn do không khí vào không được hạ nhiệt độ phù hợp trước khi vào nhà. Toàn bộ hệ thống dùng điện. Nhà tớ diện tích sử dụng 180m2, phải trả trung bình 90-100eur/tháng cho toàn bộ hệ thống, bao gồm sưởi, nước nóng và thông khí.

      Delete
    7. Hệ thống này nghe thật hấp dẫn, nhưng mình cũng cảm thấy nó phức tạp quá. Không biết việc sửa chữa khi có hỏng hóc có quá khó khăn không? Ngoài ra, nếu lắp đặt hệ thống này, nếu mở cửa sổ thì có ảnh hưởng đến công năng vận hành của hệ thống không? Đấy là mình hơi lo xa nên nghĩ thế :-D

      Delete
    8. Hệ thống như bạn nêu rất thú vị tớ chưa nghe bao giờ, tớ thích nhất là phần biến chênh lệch nhiệt độ thành năng lượng sưởi và nước nóng. Công đoạn bơm vào thì tớ hiểu. Tuy nhiên tớ không hiểu lúc bơm ra, tại sao phải hạ nhiệt độ phần không khí thải ra ngoài xuống 8 độ C? Để hạ nhiệt không khí xuống bạn phải dùng năng lượng, trong trường hợp nhà bạn là dùng điện. Như vậy tiêu tốn điện để làm lạnh không khí xuống tận 8 độ, rồi đẩy phần khí lạnh này ra ngoài môi trường, có phải là một lãng phí?. Điều khó hiểu thứ hai là phải dùng năng lượng để làm lạnh khí xuống 8 độ, rồi lại biến phần chênh lệch nhiệt độ thành năng lượng để làm nóng nước và sưởi, phải đi đường vòng như vậy thì tại sao không dùng năng lượng trực tiếp làm nóng nước và sưởi ngay từ đầu, bỏ qua công đoạn 8 độ C kia?
      Ngoài ra, tớ cho rằng hệ thống bơm như bạn nói chỉ có thể áp dụng tối ưu cho những nơi có điều kiện thời tiết extreme, kiểu lạnh quá hoặc nóng quá đến mức nhà phải như một khối lập phương khép kín quanh năm không có giao tiếp với cảnh quan xung quanh, vì như baglady nói, mở cửa sổ một cái là hệ thống bơm nóng coi như không còn tác dụng, cũng như máy điều hòa, mở cửa sổ một cái là phải tắt điều hòa. Trong trường hợp này thì lại phải cần một hệ thống phụ trợ để cấp nước nóng cho sinh hoạt, ví dụ nhà tớ hồi ở châu Âu cần nước nóng quanh năm???
      Tớ rất thích hệ thống sưởi dưới nền nhà, đắt nhưng cảm giác ấm áp tự nhiên dưới chân rất thích chứ không bị luồng khí nóng phả vào người hoặc bị nhiệt độ trong nhà không đều nhau như hệ thống sưởi thông thường, lại đẹp mắt. Nhưng hệ thống sưởi này chỉ tối ưu nếu dùng cho căn hộ ở liên tục. Lý do là hệ thống sưởi này bật lên phải mất thời gian khá lâu mới ấm chứ không ấm nhanh như hệ thống thông thường. Như vậy nếu là countryside home, diện tích nhà lớn, cuối tuần về nghỉ mấy ngày rồi đi, thì khả năng là đến ở rồi nhà vẫn lạnh, và đi rồi nhà vẫn ấm, tức là lãng phí. Tớ ban đầu muốn lắp hệ thống này trong countryside home vợ chồng tớ đang làm ở Ý và cậu kiến trúc sư đã giải thích như vậy.

      Delete
    9. Cun beo & Baglady:

      Nếu mở cửa sổ đương nhiên ảnh hưởng đến hiệu suất của hệ thống, vì luồng khí vào bị thay đổi. Khi đó bơm nóng sẽ phải làm việc mạnh hơn để đảm bảo luồng khí vào như đã đặt chương trình cho nó do sự tương tác với luồng khí vào từ cửa sổ, mà vẫn phải đồng bộ với luồng khí ra. Nhưng có cách để giảm thiểu sự lãng phí này nếu bạn muốn mở cửa sổ trong những ngày trời đẹp. Đó là giảm luồng khí vào hoặc tăng luồng khí ra qua bơm nóng. Điều chỉnh rất đơn giản trên màn hình chức năng của bơm nóng.

      Chức năng của bơm nóng hạ nhiệt độ khí ra giống như kiểu "tủ lạnh ngược"(tủ lạnh thải khí nóng ra ngoài, còn bơm nóng thải khí lạnh ra ngoài). Năng lượng thu được từ chênh lệch nhiệt độ này lớn hơn rất nhiểu so với năng lượng chạy chức năng này của bơm nóng (có thông số kỹ thuật rõ ràng, tớ không nhớ chính xác). Việc thải một lượng khí ra nhỏ vô cùng so với không khí ngoài trời không ảnh hưởng gì cả.

      Hệ thống sưởi dưới nền ấm chậm nhưng lại tiết kiệm năng lượng nếu mình dùng đều. Lý do là khí nóng luôn chuyển động lên cao. Nên với hệ thống sưởi bình thường bạn phải đặt công suất rất cao thì mới ấm đều và liên tục được. Còn với hệ thống sưởi nền thì chỉ cần để ở công suất thấp mà vẫn luôn ấm đều.

      Đúng là hệ thống áp dụng tối ưu cho điều kiện thời tiết nóng lạnh rõ rệt. Và còn tùy theo sở thích thói quen cũng như kiểu nhà mà có áp dụng hay không. Như bố mẹ chồng tớ và nhiều người già thì bảo nhà không mở cửa sổ giống như nhà hoang :) Người trẻ hơn thì thích vô cùng. Nhà countryside thì tớ nghĩ là không nên dùng vì sự gần gũi giao tác với thiên nhiên,...

      Nhà tớ thì rất hài lòng với hệ thống bơm một chiều. Tớ thích nhất là hệ thống thông khí. Không khí trong nhà luôn luôn thông thoáng. Dù có nấu món gì đặc quánh mùi thì không bao giờ bị bay vào các phòng khác, và chỉ một lúc sau là khu bếp lại thơm tho như thường. Các nhà tắm cũng thế, lúc nào cũng khô ráo thơm tho, kể cả xả nước bồn tắm đầy tắm cả tiếng cũng không một tí hơi nước nào đọng trên gương, trên gạch lát tường. Đặc biệt là mùa đông lạnh giá, nhiệt độ trong nhà lúc nào cũng ồn định mà không khí vẫn thông thoáng. Mời mấy chục khách vào mùa đông với những món mùi vị đậm đà mà quần áo vấn thơm tho(chứ tớ đi ăn tiệc vào mùa đông về ngửi quần áo cứ có mùi à) :))). Nhiệt độ sưởi từng phòng điều chỉnh rất tiện lợi. Tớ là người thích thiên nhiên thì hằn thiên nhiên, hiện đại thì hẳn hiện đại nên càng thích hơn khi bụi rất ít, không có côn trùng vào nhà, mạng nhện không phải quét, ruồi không phải đuổi, đặc biệt là mùa hè nhiều con ruồi giấm,...:)

      Delete
    10. Cám ơn bạn đã giải thích cặn kẽ. Nghe bạn kể thì tớ cũng thích hệ thống đó quá, vì tuy nhược điểm là không được mở cửa sổ nhưng lại được cái thông thoáng, khô ráo, không ruồi muỗi. Như căn hộ nhà tớ ở Rome, mỗi lần nấu cái gì mùi hơi nồng nàn là tớ vừa phải bật hút mùi vừa phải chạy đi mở các thể loại cửa sổ trước sau. Rồi vì sợ muỗi vào nên lại phải kéo màn chắn muỗi xuống (màn chắn muỗi này lắp cũng hơi bị tốn tiền). Đến mùa trời đẹp, mở cửa sổ cho thoáng thì tuy có nghe tiếng chim hót gió reo lá rơi nhưng lại phải nghe luôn tiếng xe cộ ầm ì, thôi thì đành gọi đó là hơi thở cuộc sống hehe.

      Delete
  5. It was quite an experience ban G! Love it. Thanks for sharing.

    An
    www.songomy.blogspot.com

    ReplyDelete
    Replies
    1. Giờ công nghệ cao, hãng tàu họ chăng dây zigzag cầu kỳ để đảm bảo cái chai tụt từ trên xuống với vận tốc càng ngày càng nhanh, và đến lúc chạm thành tàu là va chạm với một lực đủ lớn để chai tự vỡ, chứ ngày xưa họ chỉ treo cái chai tòng teng trên một sợi dây, và người khánh thành sẽ phải cầm cái chai đó phi vào thành tàu thật mạnh cho nó vỡ. Cũng may đời mình sinh sau đẻ muộn, chứ chân tay trói gà không chặt kiểu tớ thì có đập 10 lần cũng không vỡ chai được ;-))))))

      Delete
  6. Chồng em trước cũng làm trên platform petrolier giống như cái tầu của chị đã cắt băng, nhưng là khai thác dầu chứ không được năng lượng sạch như con tầu "nuôi" của chị :). Em toàn trêu ông ý là thủy thủ mặt trăng. :).

    Em cũng rất thích năng lượng sạch, nhất là cái vụ cho nước chạy từ dưới lòng đất lên trần nhà, là một cách điều hòa nhiệt độ tự nhiên ý. Em nghe đối tác người Ý nói rằng người Ý là giỏi nhất vụ này, tiếc là đầu tư ban đầu quá lớn nên ở VN không chủ đầu tư nào dám xài.

    SS.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Con tàu chị đỡ đầu không phải năng lượng sạch. Nó có chức năng trữ một lượng gas hóa lỏng cực lớn (do những tàu tiếp nguyên liệu mang đến cho nó), rồi chỗ gas lỏng này sẽ được biến dần dần thành khí gas đưa vào ống dẫn vào đất liền cho dân sử dụng. Cái lợi của con tàu này là ngay cả khi nguồn cung bị gián đoạn vì lý do nào đó, nó vẫn có đủ dự trữ để sản xuất khí gas cho dân dùng trong một khoảng thời gian nhất định. Chứ còn nếu là ống dẫn khí gas từ Nga bán sang, Nga khóa van lúc nào là dân không có dùng lúc ấy.
      Chị đang làm nhà, rất thấm câu muốn tiết kiệm chi phí về lâu về dài thì đầu tư ban đầu phải rất lớn. Còn nếu đầu tư ban đầu qua loa vì ít tiền, lúc dùng thất thoát chỗ nọ, lãng phí chỗ kia, thì cũng quá tội.

      Delete
  7. Lúc này bên Mĩ ở nông thôn người ta cũng đang xài năng lượng sạch đó Giang. Vợ chồng Phụng mới mua 1 trang trại, dự định sẽ xài năng lượng mặt trời, xây dựng hê thống biến nước mưa thành nước dùng, tưới ruộng bằng hệ thống năng lượng điện mặt trời, nguồn nước từ sông hồ gần trang trại. Có thiết bị trứ nguồn điện mặt trời phòng khi không đủ năng lượng vào mùa đông, đúng là chi phí ban đầu cao quá Giang ah. Hy vọng tương lai không xa kĩ sư sẽ phát minh biện pháp hữu hiệu hơn và giá thành thấp hơn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nghe kế hoạch của bạn mê quá nhưng mình biết chi phí ban đầu sẽ khủng khiếp lắm đây, nhất là nếu trang trại của bạn lớn. Vì ví dụ, để đủ điện dùng cho trang trại lớn thì bạn sẽ phải lắp một diện tích solar panel gấp mấy lần người thường, hoặc hệ thống tưới tiêu gấp mấy lần nhu cầu bình thường. Không biết nếu bạn lấy nước từ sông hồ thì có phải trả tiền cho nhà nước không, chứ nhà mình, có mấy cái giếng cũ trong vườn, giờ muốn dùng phải đăng ký, xin giấy phép và trả phí cũng ốm hết cả người, vì nước là tài nguyên, mà tài nguyên thì là của nhà nước.
      Vụ thiết bị trữ điện mặt trời, mình cũng biết là rất đắt. Nhưng bạn có thể bỏ qua cái này. Mình được bạn mình là kỹ sư công nghệ xanh khuyên chỉ nên làm những cái cơ bản, ví dụ hệ thống sản xuất điện mặt trời, hệ thống lọc nước để lấy nước dùng ăn uống tắm rửa và hệ thống xử lý nước thải để lấy nước tưới vườn. Như mình biết thì ngay cả mùa đông và ngay cả khi trời có mây, điện năng từ mặt trời vẫn được sản xuất bình thường, chứ không phải càng nắng càng sản xuất được nhiều đâu bạn à. Thực ra, một kỹ sư khác đã nói với mình rằng việc sản xuất điện mặt trời đạt kết quả tốt nhất là khi trời không quá nắng cơ.

      Delete
    2. Mình biết để thực hiện được kế hoạch này không phải dễ, bạn Pat lập kế hoạch này để bạn về hưu thì sống theo kiểu tự cung tự cấp, trồng trọt chăn nuôi theo tiêu chuẩn organic 😀. Giờ chỉ mong đến ngày đó những kĩ sư sẽ tìm ra phương pháp nào tốt hơn và chi phí thấp hơn thôi. Phụng cũng nghe nói vụ k cần bộ phận trữ điện, nhưng mùa đông đôi khi mình xài nhiều hơn mùa hè, nên chắc phải cần để sưởi ấm.

      Delete
  8. Vụ năng lượng mật trời bên mình cũng áp dụng đó chị, mà áp dụng ko tới nơi nên lúc vào mùa mưa bão, ko có nước nóng tắm. Mà xảy ra tại khu "biệt thự bự thiệt" bên Q7 mới tức cười :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tức là họ làm hệ thống điện độc lập 100% với hệ thống điện quốc gia mà không có thiết bị trữ điện, hay thiết bị trữ điện bị hỏng? Chị nghĩ thiết bị trữ điện bị hỏng chứ dùng cho cả cụm dân cư bao nhiêu người mà lại sản xuất điện đến đâu tiêu đến đấy không có dự trữ thì chết à.

      Delete
  9. ôi trời, kỳ công gõ còm dài, giờ mất tiêu :( Lúc nào có thời gian tớ gõ lại nhé.

    ReplyDelete