Saturday, June 21, 2014

Lại chuyện kỳ thị

Cách đây mấy năm có lần có em bảo chị ơi, hôm nào chị viết về kỳ thị đi chị. Hôm nay nhân thể viết cho em luôn.
 
Tại một event, một cô gái trẻ người Philippines, kéo mình ra một góc mặt mũi rất băn khoăn “Tôi hỏi chị như này, chị chắc gặp gỡ nhiều người lắm, thế chị có hay gặp người phân biệt chủng tộc không? Bạn tôi, cũng người Philippines lấy chồng Ý, bảo nó toàn bị ngồi một mình, phụ nữ Ý không ai nói chuyện với nó. Bản thân tôi cũng bị như thế. Chị có bị như thế không?”. Mình bảo “Nếu họ biết tôi là ai thì không, nhưng nếu họ không biết tôi là ai thì thỉnh thoảng tôi cũng bị. Chị lấy chồng tây thì phải chấp nhận một thực tế rằng họ da trắng, mình da vàng, và trong số họ chắc chắn sẽ có người kỳ thị dân da vàng. Nhưng chồng mình không kỳ thị, thế là đủ”. Con bé mặt mũi vẫn băn khoăn nhưng mình chẳng muốn nói dài dòng hơn với nó.
Thật ra mình cho rằng việc bị ngồi một mình không ai nói chuyện cùng có rất nhiều lý do chứ không hẳn là kỳ thị. Lý do thứ nhất là ngôn ngữ. Dân Ý ít người giỏi ngoại ngữ, và đã tán chuyện thì ai chẳng thích dùng ngôn ngữ mình thoải mái nhất chứ lại dùng ngôn ngữ bập bẹ thì làm sao thoát ý. Chính vì thế nếu mình không giỏi tiếng nó thì việc nó ngại nói chuyện với mình là điều hiển nhiên. Chưa kể nhiều khi tiếng Anh mình cũng bập bẹ, thế thì tán chuyện kiểu gì?

Lý do thứ hai là mình đã không giỏi tiếng lại còn bị động cứ mong chờ có người đến tiếp chuyện mình. Mình đã là dân ngoại đạo lại còn ngồi ôm cây đợi thỏ thì đời nào thỏ mới tới?

Lý do thứ ba, ngay cả khi mình chủ động ra bắt chuyện với thỏ mà thỏ chỉ vài phút là kiếm cớ chuồn, thì lại phải xem mình đã trang bị đủ kiến thức để có thể duy trì một cuộc nói chuyện thú vị hay chưa, chứ đừng vội quy ngay ra là thỏ kỳ thị. Nhiều cô thực sự là không thể nói được chuyện gì ngoài quần áo váy xống, đồ hiệu, ăn chơi nhảy múa và chòng ghẹo đàn ông.

Lý do thứ tư là nhiều người tự làm cho người khác kỳ thị rẻ rúng hoặc đề phòng mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cụ thể là những cô gái Á ăn mặc đỏm dáng khêu gợi trên mức cần thiết và đặc biệt là sai hoàn cảnh, tôn chỉ sexy lên hàng đầu, váy quá ngắn, quá bó, hở quá bạo, phấn son tóc tai lòe loẹt, cộng thêm phong cách nói chuyện cười cợt lí lắc thái quá khiến đàn ông mắt càng sáng lên thích thú bao nhiêu thì đàn bà mắt càng tối lại dè chừng bấy nhiêu. Như cái cô Philippines mà hỏi chuyện tôi, có mặt trong một event trọng thể như vậy mà mặc cái váy ở trên thì ngoi ngóp mới tới nửa ngực và ở dưới thì phải kéo mà cũng chỉ tới nửa đùi. Nói chuyện có một tý mà thấy cô ấy cứ loay hoay đưa tay kéo váy lên che ngực rồi lại kéo váy xuống che chân suốt.

Tương tự, có một cô Philippines khác, mới gặp tôi nói chuyện lần đầu mà trong câu chuyện của cô ta tôi không đếm nổi bao nhiêu từ sexy. Chắc đàn ông tây chúng hay khen ngợi cô sexy nên cô tưởng trên đời cứ phải sexy mới được, và sexy được một cái là ổn roài, khỏi lo chi nữa. Trong mắt tôi, đàn ông khen trực diện phụ nữ sexy là không đứng đắn, không lịch sự và là đồ vớ vẩn, trừ khi đang ở trong phòng ngủ.

Còn nếu không phạm vào lỗi nào ở trên, mà vẫn bị kỳ thị rõ ràng, thì kemeno, phải chấp nhận nó như một thực tế cuộc sống. Cũng may những người thật sự phân biệt chủng tộc này không có nhiều và mình thường không bị bắt buộc phải giao tiếp với họ. Chẳng phải nước nào cũng văn minh như Mỹ, mà ngay cả ở Mỹ, văn minh quá nên nhiều anh chị da đen được đà toàn làm quá, cứ như mang cái da  đen của mình đi bắt vạ người khác.

(còn tiếp)

17 comments:

  1. Em thấy phụ nữ ở đâu trên toàn thế giới này cũng khó mà tám chuyện. phụ nữ càng lớn tuổi thì càng demand cao về đối phương để tám chuyện. mà càng thân càng tám thì lại đâm ra ghen tỵ nhau. trong 1 buổi tiệc mà mình cảm thấy lạc lõng, tốt nhất cứ theo chồng, còn không thì nhảy nhót tưng bừng cho vui, chả tám gì mấy. hehehe. Là vì em là dân thích nhảy. chồng em về vn thì cũng phải ngồi im trong quán cafê trong khi xung quanh mọi ng nói chuyện rôm rả. không phải kỳ thị gì nhưng tám là khả năng ngôn ngữ phải cao lắm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị nói riêng về khoản ghen tỵ. Theo như quan sát của chị, những người yêu bản thân, trân trọng và hài lòng với những gì mình có, thì không ghen tỵ với người khác mặc dù không phải lúc nào họ cũng xinh đẹp hay giàu có hay thành đạt hay có gia đình mỹ mãn. Do vậy trong đám đông em thấy người nào có vẻ ghen tỵ thì em tránh luôn, thà ngồi một mình còn hơn. Những người ghen tỵ là những người không biết bản thân là ai, tán chuyện với họ mình lại nhiễm phải thói soi mói sân si của họ thì hỏng.

      Delete
  2. E rất rất thích những đánh giá khách quan này của chị, đọc nghiện ^^

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn em. Nhưng entry này chị mới chỉ nói đến những cô gái Á lấy chồng tây cảm thấy bị cô lập trong đám đông tây thôi đấy nhé, chứ chị chưa nói đến kỳ thị chung chung

      Delete
    2. Nhưng mà chị có thấy lạc lõng trong nội tâm vì lấy chồng tây không?

      Em thấy đàn ông ta ăn đứt tây ở một điểm duy nhất: nó là người Việt Nam :))
      Ngoại ngữ của mình có giỏi đến mấy nhưng cũng không tài nào bô lô ba la nhí nhố đủ thứ trên đời như với một người đàn ông Việt Nam, và bằng tiếng mẹ đẻ. Tất nhiên ta có thể cân nhắc những yếu tố tích cực khác của đàn ông Tây để bỏ qua điểm này, nhưng nếu nhu cầu chia sẻ đời sống tinh thần của mình cao thì cũng là một khó khăn lớn khi sống chung.

      Delete
    3. Không, chị không cảm thấy lạc lõng bao giờ. Chị thuộc kiểu tính cách loner, tức là “thích một mình” chứ không phải “bị một mình”. Nhiều khi trong đám đông chị lẻn ra ngồi một xó vì nói nhiều nghe nhiều phát mệt, muốn một mình một chút. Những cuộc nói chuyện rời rạc chủ yếu lý do là vì mình không thích, không hào hứng và muốn kết thúc nhanh.
      Ngoài ra chị cũng không có mấy nhu cầu chia sẻ, và nếu có muốn chia sẻ cái gì đó thì thường đủ ngôn ngữ để diễn đạt. Ngài tiếng Anh cũng khá tốt, tốt hơn rất nhiều so với dân Ý thông thường. Chưa kể hai người thuộc tính nết nhau rồi, có nhiều việc không cần phải diễn đạt quá nhiều đâu em.

      Delete
  3. Em hoàn toàn đồng ý với 4 điểm chi dua ra. Người chau A noi chung, người Viet nói riêng hơi kém về ngoai ngu và kiến thức phổ thông chu chua nói gì đến kiến thức chuyên môn nen bi hạn chế trong giao tiếp. Bản thân em rat thấm thía dieu này nen đang cố gắng làm dep mình bằng cách "học, học nua, học mãi". A, chị, em rat thích chi. Em May

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào May. Chị cho rằng riêng về kiến thức chuyên môn thì người Việt lại rất khá vì chăm học và thông minh. Bị yếu kiến thức phổ thông là tại phương pháp giáo dục nhồi nhét những kiến thức vô ích của mình đấy em. Chị thấy bọn trẻ con bên này 4, 5 tuổi đã được học về hội họa, âm nhạc, đến 7, 8 tuổi đã rành về địa lý, văn hóa vùng miền. Chả bù cho thế hệ của chị, học hành ở lớp toàn 9, 10, vở sạch chữ đẹp, mà lớn đùng vẫn chả biết gì ngoài những kiến thức gò ép lạc hậu phải học thuộc như cháo chảy ở trường. Không biết bây giờ đã thay đổi chưa.
      Em giỏi quá, chắc còn rất trẻ mà đã suy nghĩ được như vậy. Chị mãi đến khi ra trường đi làm mới nhận thấy mình chẳng biết cái gì. Cũng phải tăng tốc học hỏi nhiều mà đến giờ kiến thức về hội họa, âm nhạc, lịch sử, thậm chí địa lý, vẫn rất ít ỏi.

      Delete
    2. Chào chị, em cảm thấy âm nhạc hay hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung là những gì rất xa vời. Em không biết mình cần biết những gì về chúng. Chị có thể gợi ý cho em một ít để em tìm hiểu thêm không ạ? Em cám ơn chị nhiều.

      Delete
    3. Chào Nhung. Kiến thức về âm nhạc, hội họa của chị rất ít và nhất là không cập nhật nên không thể tư vấn cho em. Nhưng chị nghĩ rằng mình là dân ngoại đạo, chỉ cần võ vẽ một tý để nếu ai đó có nhắc tới một cái tên đại chúng nổi tiếng thì mình không bị mù tịt đến mức không biết họ nói cái gì. Tức là mình biết một chút về thân thế họ, tác phẩm nổi tiếng, phong cách nghệ thuật, em cứ google là ra hết em ạ. Nếu tìm hiểu qua mà em say mê thì sẽ tìm hiểu sâu hơn.

      Delete
  4. Chị ơi, trong một buổi tiệc khi ngôn ngữ mình không rành, nên cư xử như thế nào cho đúng mực? không làm cho người khác thấy mình "học đòi", mà cũng không phải ngồi thu lu chìm nghỉm 1 xó ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trong đám đông mà không rành ngôn ngữ thì khả năng bị ngồi một mình đơ như cây cơ là rất cao. Chỉ có thể cứu vãn tình thế một chút bằng vẻ thân thiện tươi cười, hoặc nhảy nhót vui vẻ, hoặc hưởng ứng vui vẻ những màn trình diễn nào đó (nếu có), rồi về nhà chịu khó học ngoại ngữ.
      Ngoại trừ những hành vi quá lố theo quan niệm ứng xử thông thường kiểu cười quá to, nói leo, tinh vi ra lời ra mặt, hoặc tán tỉnh đong đưa ý đồ lộ liễu, còn lại ứng xử thế nào phụ thuộc vào tính cách của từng cá nhân. Mà đã là cá nhân thì chỉ có sự khác biệt chứ không có sự học đòi hay quá lố. Em đừng ngại người khác bảo em học đòi, chỉ vì em chịu khó đi lại nói chuyện trong khi họ túm lại ở một góc phòng soi em và bình phẩm em. Soi mói và bình phẩm chê bai trong khi bản thân không làm được như vậy không bao giờ là thói quen của những người thành đạt, em cứ để ý mà xem.

      Delete
  5. Cái nền giáo dục nước nhà của mình nó dạy làm sao mà cả một thề hệ học đến cấp 3, lên đại học rồi mà vẫn ko biết bản thân thích gì, đam mê gì và có khả năng gì. Em ngại nhất mỗi khi ai hỏi em niềm đam mê của m là gì. Mịa ơi, đến giờ em vẫn thấy mông lung ghê gớm lắm. Em thấy hối hận vì ngày xưa ko dám kiên quyết tới cùng. Bây giờ muộn rồi. (cho nên mình đi ra ngoài như con ếch, im lặng tách đám đông trước khi ng ta tách mình cho rồi).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Người mình ít đam mê vì toàn bị gò theo một khuôn, rất ít khi được phép hành động theo đam mê, ví dụ bỏ học để đi làm vườn. Thế ngày xưa em đam mê lĩnh vực gì mà không dám theo để giờ hối hận? Nhưng chuyện đã rồi, giờ chỉ có cách đam mê những gì mình đang làm, đang có, hướng mình đã chọn để đi. Không nên nuối tiếc mãi chuyện ngày xưa mình không làm em ạ.

      Delete
  6. Em nghĩ yếu tố cốt lõi vẫn là ngoại ngữ. Tiếng giỏi, tự khắc sẽ thích chủ động bi bô cái này cái kia.

    Chưa kể học ngoại ngữ để đạt trình độ giao tiếp cơ bản hàng ngày, trôi chảy tí chút, hiểu nhau, giúp nhau làm cái này cái kia không khó, nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì nội dung cuộc nói chuyện sẽ vô cùng nghèo nàn đả đớt, đối phương chán mà mình cũng nản. Muốn bàn luận về những chủ đề sâu sắc hoặc phức tạp hơn, thể hiện kiến thức của bản thân thì vốn từ lại phải cực kỳ dày dặn – tức là phải chịu khó đọc và học ngoại ngữ đàng hoàng tử tế.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị lại cho rằng trao đổi chuyên môn bằng ngoại ngữ không khó, chỉ cần học từ vựng chuyên môn là xong. Khó nhất khi học ngoại ngữ là khả năng điều khiển ngôn ngữ đến mức biểu cảm, mỉa mai, giận dỗi, quan tâm, vv và vv mà không cần phải dùng tới những từ cao siêu. Em học ngoại ngữ, trải qua giai đoạn thích cao siêu, sẽ quay về giai đoạn diễn đạt giản dị, dùng toàn từ vựng tầm thường.
      Em nói rất đúng là học ngoại ngữ nếu không đọc thì không bao giờ giỏi được, chị bổ sung thêm là phải ghi chép chứ không phải đọc tâm đắc tý rồi quên. Chị học tiếng Ý, chẳng có mấy thời gian đọc và ghi chép, đến giờ cũng chỉ ở mức tàm tạm chứ không được như ý chị muốn

      Delete
    2. Có khi em chưa đạt đến cảnh giới cao siêu thế nên chưa thể ngộ ra tính lợi hại của ngôn ngữ bình dân cũng nên :))))

      Delete