Monday, June 23, 2014

Nốt chuyện kỳ thị


Riêng mình chỉ nghĩ rất đơn giản, sự kỳ thị bắt nguồn từ quan niệm họ văn minh hơn mình. Như vậy, nếu mình nắm vững những quy tắc lịch sự tối thiểu, hiểu biết ở mức tàm tạm, biết cái gì nên và không nên, trung thực, tự tin, thì mình da vàng mũi tẹt, ít tiền hay xuất thân nước nghèo là việc của mình chứ chả phải việc của nó, ảnh hưởng quái gì đến nó đâu. Nếu nó cứ xía mũi vào soi mói kỳ thị thì hóa ra nó cũng chẳng phải người văn minh.

Nhân chuyện này lại nói xọ sang chuyện khác. Cuốn sách phiêu lưu của em Huyền chíp hồi lâu lâu thấy mọi người bình luận rôm rả, khen nhiều, chê cũng lắm. Mình chưa đọc nhưng nghĩ rằng em ấy trẻ, có gan lên đường kiểu thế thì nhất định không phải là người thường, dù có thật là chỉ với 700 usd hay nhiều hơn thì vẫn là điều đáng nể. Nhiều khi mình là người bình thường, trí nhỏ, chí cũng nhỏ, không thể dùng hệ quy chiếu của mình để đo người khác. Chỉ mong em Huyền chíp đừng làm những việc trái luật dù nhỏ như kiểu vì không có tiền nên đi xe trốn vé, hoặc giả mạo giấy tờ, vì mình ủng hộ chí của em nhưng không ủng hộ thói quen lách luật, coi thường pháp luật, là một trong những lý do chính khiến người mình bị kỳ thị ở nước ngoài.

Nhân chuyện này lại xọ sang một chuyện khác nữa. Một bà mình biết, dân Ý giàu truyền đời, gia đình bà ta từng sở hữu đất đai rộng lớn của cả một vùng, giờ chồng bà ta đang giữ vị trí đầu trong một công ty công nghiệp nặng của Ý tại UAE. Bà ta kể trong công ty của chồng bà ta có một nhân viên người Ấn độ, đã làm trong công ty 19 năm, vị trí trà nước quét dọn gì đó. Một hôm ông ta bị thông báo rằng hợp đồng của ông ta sẽ không được gia hạn nữa và ông ta sẽ phải hồi hương. Chồng bà ta rất quý người đàn ông này nên có cho riêng ông ta một món tiền. Sau đó thì ông ta lại nhận được quyết định được ở lại làm tiếp, không phải hồi hương nữa. Buổi sáng hôm sau, chồng bà ta thấy ông ta rụt rè xin gặp. Hóa ra ông ta nhất định đòi trả lại bằng được phong bì tiền mà sếp đã cho riêng, ngay cả khi sếp bảo “không sao, anh cứ giữ lấy”, mặc dù ông ta hẳn là nghèo lắm. Mình nghe xong câu chuyện này thì nghĩ bụng ờ, da màu có lợi thế của da màu chứ tưởng. Hội tư bản quen với việc dân da màu thiếu văn minh, tệ nạn, tham lam, gian dối, nên một hành động chỉ cần đẹp tí thôi sẽ được chúng nó tung hoa nhiệt liệt. Nhưng nói nghiêm chỉnh, mình cho rằng nếu trong cuộc sống mình hành xử với lòng tự tôn kiêu hãnh thì ngay cả những người vốn đầy kỳ thị rồi cũng sẽ phải tâm phục khẩu phục.

Lại xọ thêm một chuyện nữa. Một bà người Iran lấy chồng người UAE, rất giàu có, là chủ của chuỗi spa đắt tiền ở đây, có lần ăn trưa cùng đã bảo mình rằng “tôi có một nhân viên người VN mà tôi rất quý và rất tin tưởng. Cô ấy thông minh, trung thực, chăm chỉ, học việc nhanh đến mức chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã đưa cô ấy lên hàng quản lý. Cũng chính vì cô ấy mà tôi rất thích VN và quyết định sẽ đi du lịch VN”. Lạy Chúa tôi, hy vọng bà bình yên trở về.

Thôi xọ nốt chuyện nữa rồi nội trợ xin phép đi chợ. Thành Rome. Hai vợ chồng chỉ ghé Rome đúng một ngày, để làm bao nhiêu việc. Quá giờ trưa, ghé vội vào một quán bar bên đường mua bánh mỳ. Ở Ý bar là nơi dân tình đến ăn sáng ăn trưa và uống cà phê tán gẫu chứ không phải là nơi uống rượu nhảy nhót như ở nhà. Hai vợ chồng chỉ có đúng 15 phút ăn trước giờ ngân hàng mở cửa, vào làm việc nốt với ngân hàng để còn chạy tới một cuộc hẹn khác rồi chạy ra sân bay. Vừa bước vào quầy bar đã thấy bà cụ đứng sau quầy thu tiền cứ nhìn nhìn. Gọi bánh mỳ xong, hai vợ chồng đang ngồi đợi tranh thủ ngắm người qua lại thì cụ già lúc nãy đi ra, mang một đĩa đồ ăn mời, rất dịu dàng bảo “Tôi làm nóng lại cho anh chị đấy, anh chị ăn đi trong khi chờ bếp làm bánh mỳ. Anh chị đúng là một cặp rất đẹp đôi”. Lúc hai vợ chồng chuẩn bị đi, chồng chạy vào trả tiền, cụ còn chạy ra cho mình một cái kẹo sô cô la và tranh thủ vuốt má mình một cái rất trìu mến. Một người có tuổi, sống ở Rome, lại có công việc như vậy, chắc chắn không phải là người đi nhiều biết nhiều tâm hồn rộng mở chấp nhận sự khác biệt, vậy mà vẫn có thể dịu dàng như vậy với một người da vàng mũi tẹt không quen biết chỉ ghé vào mua bữa trưa có vài đồng bạc, thì mình tin rằng bị kỳ thị hay không phần lớn là ở chính bản thân chúng ta mà thôi.

Và thế thì may quá, vì thay đổi bản thân thì dễ hơn thay đổi người khác nhiều lần.

20 comments:

  1. Đọc xong về chuyện kỳ thị này của Giang, tự nhiên thấy dễ chịu hẳn.
    Mila Trần

    ReplyDelete
  2. Trong tích tắc bác đã làm gì nên nỗi để bỏ bùa bà cụ thế hử? :P

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác không làm gì cả, chỉ thấy cụ cứ nhìn nhìn thì bác quay ra cười một cái thôi.

      Delete
  3. Câu cuối cùng hay tuyệt vời chị ơi.

    ReplyDelete
  4. Có một số người Việt mình cũng hơi nhạy cảm nữa cơ, hoặc là hơi tự ti, cứ thấy người ta nhìn nhìn mình thì cho rằng người ta kỳ thị. Mình cùng ngồi một chỗ mà chẳng thấy gì là kỳ thị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng rồi, có hai cách hành xử theo mình là bắt nguồn từ sự ti ti mặc cảm và do đó là không cần thiết. Một là rụt rè nhút nhát thái quá, nói gì làm gì cũng sợ bị kỳ thị. Hai là gồng mình chiến đấu, nâng quan điểm, lớn tiếng và dữ dằn hơn mức cần thiết.

      Delete
  5. Cảm ơn chị đã viết ra chính xác những điều em nghĩ. Tự hỏi tại sao em lại có những suy nghĩ thật là giống với chị. Đọc Blog của chị còn học được nhiều điều hơn 1 số tờ báo lá cải. Em May

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em khen nghe de thuong qua. So sanh blog chi con hon bao la cai. Botay.com

      Delete
    2. “Ôi chị xinh quá, em thấy chị còn xinh hơn Thị Nở”. Câu này nghe có giống câu của cô May không đây??? ;-P

      Delete
    3. Uh câu so sánh blog chị với báo lá cải khập khiễng thật, Xin lỗi chị Giang, lỗi hành văn của em. Cảm ơn hai bạn ở trên đã nhắc nhở. Cảm ơn chị vì bài viết hay. Em May

      Delete
  6. Mình rất thích bài viết này của bạn.

    ReplyDelete
  7. Hay quá Giang ơi

    ReplyDelete
  8. Chị Giang nói quá chuẩn! Rất thích 2 câu: "Nhưng nói nghiêm chỉnh, mình cho rằng nếu trong cuộc sống mình hành xử với lòng tự tôn kiêu hãnh thì ngay cả những người vốn đầy kỳ thị rồi cũng sẽ phải tâm phục khẩu phục." với "Và thế thì may quá, vì thay đổi bản thân thì dễ hơn thay đổi người khác nhiều lần." và em cũng suýt té ghế với cái câu in nghiêng. Hahaha...

    ReplyDelete
  9. chị ơi, cho em hỏi cái này không liên quan: chị có biết công ty nào cho thuê xe có tài xế ở Rome không: đoàn 16 người thì xe chắc 25-35 chỗ. Từ Rome đến Venice thì nên đi phương tiện gì cho 16 ng: thuê xe, đi tàu hay máy bay chị. em search google cũng có nhưng sẽ khác với ng đã từng ở đó rồi. ở venice chắc cũng phải thuê xe. chị có biết thì giúp em với nhé. em cám ơn chị. xe thường thôi, không cần xe sang chị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em ơi sorry em chị không biết vì chưa thuê xe có tài xế bao giờ. Nếu mà là chị thì chị đi tàu, nhanh, rẻ và cũng tiện. Nhưng chị không biết khách của em VIP đến mức độ nào, vì khách VIP thường họ không muốn chen chúc sấp ngửa ở bến tàu, nhất là phải nói tiếng Ý, phải tìm toa và phải nhớ dập lỗ trên vé nếu không sẽ bị phạt.

      Delete
  10. Em rất thích cách chị nhìn nhận vấn đề: lạc quan và tích cực. Từ hồi sống ở nước ngoài, em cũng quan sát và học hỏi được từ bạn bè tây rất nhiều ở tính lạc quan này, chứ trước đó, cách tư duy của những người trong gia đình khiến em thấy miserable và bế tắc.
    Mà chính ra chị Giang có khi rất hợp với người Đức đấy nhé: chỉn chu, tiêt kiệm, sống có ý thức, làm việc có kế hoạch, mê mẩn năng lượng sạch. Chị đã bao giờ yêu đàn ông Đức chưa?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thỉnh thoảng chị cũng hơi lạc quan tếu đấy. Hoặc nói đúng hơn là cứ cái gì làm chị vui vẻ thì chị tin là thực tế chắc nó cũng thế, mà nếu nó không thế thì chị cũng chả quan tâm, chị cứ tin cái mà chị muốn tin, không ảnh hưởng gì tới ai hehe.
      Đúng là cái mình cần học ở bọn tây là sự tích cực, sống nhìn về phía trước. Ở nhà, nhất là thế hệ cũ, cái kiểu sống toàn quá khứ hoặc dằn vặt nhau hàng ngày khá phổ biến. Trong khi ở tây, kiểu sống unhappy như vậy bị coi là không bình thường và phải đi gặp bác sĩ tâm lý.
      Tính chị đúng là có phần rất giống tính người Đức. Nhưng chị là Song Sinh, vừa có thể có những tính mà em nói, lại vừa có thể vớ vẩn, amateur ngay được. Chị chưa yêu anh nào người Đức bao giờ, chị thích tính kỷ luật nguyên tắc của người Đức nhưng thường thấy họ hơi rough.

      Delete
    2. Chị ơi, chị viết về song sinh đi :)

      SS

      Delete
  11. Ôi, sao mà em thích cách chị nhìn cuộc sống. Đang định kể chuyện dân Mỹ văn minh thế nào về vụ kỳ thị thì thấy chị kể chuyện dân Ý văn minh rồi...hihi

    Em An Lâm
    www.songomy.blogspot.com

    ReplyDelete
  12. Đọc bài của chị lại nhớ đến gần đây thường xuyên đọc nhiều bài viết phản ánh việc dân du học sinh VN tại Nhật bản vào các siêu thị ăn cắp đồ. Tất nhiên không phải là hành vi của bản thân, nhưng mà cũng xấu hổ chị ạ.

    ReplyDelete