Tuesday, September 13, 2011

Con vua thì lại làm vua

Trở lại câu chuyện Con trai người gác cổng, câu chuyện ưa thích nhất trong tất cả những truyện cổ tích Andersen mà tôi từng đọc. Cậu bé George xuất thân hạ lưu bần hàn, nhưng bằng tài năng cộng chút may mắn, đã vươn lên hàng thượng lưu trong xã hội, đã cưới được cô tiểu thư Emily thuộc hàng danh gia vọng tộc. Điều đó chỉ tồn tại trong cổ tích hoặc các nền kinh tế đang lên như VN, hoặc với hội tư bản đỏ . Chứ còn ở lục địa già, sự đổi đời như vậy là cực kỳ hi hữu.

Trong xã hội Ý sự phân biệt giai cấp đặc biệt rõ nét. Các ngành nghề của Ý thường được duy trì theo kiểu cha truyền con nối. Ví dụ, cha có văn phòng khám răng, con lớn lên cũng thừa kế luôn văn phòng khám răng đó. Hoặc cha là công chứng viên (notaio, khác với khái niệm công chứng viên ở nhà, notaio ở Ý cực kỳ giàu có và uy tín) thì con lớn lên cũng sẽ trở thành notaio tiếp tục duy trì văn phòng đã có tiếng từ lâu. Cha làm thợ nề, con lớn lên theo cha làm thợ nề. Hoặc mẹ có cửa hàng bán chỉ thêu thì khả năng lớn là khi bà mẹ về hưu cô con gái sẽ là người kế tục cái cửa hàng chỉ thêu đó. Không ở đâu câu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” đúng hơn ở đây.

Xã hội Ý là xã hội có trật tự đã được thiết lập từ rất lâu, người nào thuộc giai cấp nào cứ ở yên trong giai cấp ấy, rất hiếm trường hợp xé rào. Một lý do là dân Ý không sôi sục ý chí đổi đời, trật tự đã được thiết lập và họ chấp nhận trật tự đó. Do đó họ không dốc sức đầu tư cho việc học hành của con. Ở nhà mình bố mẹ là nông dân bán đất bán ruộng quyết cho con đi học để đổi đời, như kiểu là canh bạc được làm vua thua làm giặc. Nhưng ở xã hội tư bản thì khác. Bố mẹ không chịu trách nhiệm với cuộc đời con đến mức ấy, và đặc biệt không hy sinh đến mức ấy. Đặc biệt họ rất ít khi ảo tưởng vào khả năng của con họ.

Trong xã hội Ý, ranh giới giữa các giai cấp rất rõ ràng. Lấy ví dụ tháng 8, khi toàn nước Ý đi nghỉ hết, thành phố vắng hoe và các bãi biển thì đông nghẹt người. Người giàu thì đi nghỉ bằng du thuyền, đi bãi biển riêng, có nhà nghỉ biệt lập hoặc đi các khách sạn sang trọng. Người thường thì thuê khách sạn bình dân, ra bãi biển chung thuê ô thuê giường, tiết kiệm nữa thì trải cái khăn tự cắm cái ô mang từ nhà đi, khỏi tốn tiền ô giường. Người nghèo thì thậm chí đi nghỉ theo hình thức camping, tức là thuê caravan, một dạng mobil home, tiếng Ý gọi là roulotte, dựng trại. Mình từng đến thăm một khu trại như vậy, cũng rất thú vị. Khu trại chia thành từng lô nhỏ, vuông vắn, có đường vào như ngõ xóm. Mọi người mua bạt mua dây làm mái che, vách ngăn, cổng ra vào đàng hoàng, chở cả giường, máy giặt, bếp, tủ lạnh đến, ở đó cả tháng, chả thiếu thốn thứ gì mà lại tiết kiệm vì ko mất tiền ở khách sạn và ăn nhà hàng. Khu trại có sân chơi cho trẻ con, buổi tối lại tổ chức nhảy nhót hát hò, rất vui. Không phải cứ nhiều tiền mới vui được.
Nhân đây kể một chuyện. Thằng bạn hẩu của giai có lần lọ mọ dẫn vợ con đi theo vợ chồng mình ra bãi biển. Cả hội ra muộn quá, các hàng ghế đầu đã hết nên phải ngồi tít phía sau. Hôm đó biển động nên mép nước có rất nhiều tảo biển bị sóng đánh dạt vào. Thằng bạn hẩu ngồi thu lu, mặt mũi bất mãn, được đâu 15 phút thì đứng phắt lên, quay sang mình nói quang quác giữa chốn đông người “tao có du thuyền, tao có nhà riêng yên tĩnh, tao có thể đi đến một bãi biển riêng nước trong vắt, ko một bóng người. Tao việc gì phải ngồi đây, tít hàng ghế thứ 8, nước thì bẩn, người thì đông”. Mình chết cười vì nó đã kịp đếm số hàng ghế, mới bảo “sao mày ko về đi du thuyền của mày có hơn không”. Nó hằm hằm “tại chồng mày bảo mày ko muốn lên du thuyền của tao, mà tao lại muốn spend time với nó, nên tao phải theo chúng mày ra đây. Thôi tao đi về”. Xong chưa bõ tức lại đì mình thêm câu nữa “Enjoy your 8th row/ Ngồi hàng thứ 8 sướng nhé”. Nói xong phủi đít bỏ về. Thằng bạn hẩu sở hữu một trong những du thuyền lớn nhất trong cảng, bất động sản Paris, London, New York, Milan, nhà ngoài biển, nhà trên núi. Sướng quá hóa hư.

No comments:

Post a Comment