Sunday, February 5, 2012

Chiếc ô và đàn ông (1)

Mấy tuần trước đi cùng con bạn đến một cái outlet nào đó quên tên vì nó cần mua một cái áo. Mình mang tiếng đi theo nên nó đi đâu mình theo đấy. Chị gái xông vào hết Valentino, Gucci, Etro, Armani, Burberry, lục soát, thử lên thử xuống rất hăm hở. Mình thì cứ chân thấp chân cao đi theo nó, người như chết rồi. Căn bản là rét quá, gần hai tháng nay rồi Rome rét kinh khủng. Không phải là lạnh, mà là rét. Nhiệt độ xuống rất thấp, không khí rất ẩm ướt, mặc bao nhiêu áo mà cái rét vẫn len lỏi vào được tận bên trong. Mình gầy gò nên lúc nào cũng ngật ngưỡng như người chết rét dở. Rét thế mà con bạn mình vẫn có đủ sức lực để mặc vào cởi ra không biết bao lần một loạt quần áo thì công nhận mình phục nó quá.
Đến Ferragamo, lúc chị gái đang hùng hục thử giày thì mình đứng vẩn vơ nhìn xung quanh. Mình nói thật là đi outlet để xem chứ rất hiếm khi mua, mà có mua cũng chỉ mua vài thứ linh tinh lặt vặt chứ ko mua món nào nghiêm chỉnh. Mọi người hay tưởng đi outlet mua cho rẻ nhưng thực ra ko đúng. Các hãng thời trang thuộc hàng top rất khôn, ăn được của chúng không phải là dễ. Bao giờ hàng của hãng ra cũng có vài cấp độ. Cấp flagship store, cấp bán buôn cho các cửa hàng hoặc các trung tâm mua sắm, cấp outlet. Hàng đã gửi đến outlet bán thường là loại hàng thấp cấp của nhãn hiệu, tức là sản xuất chỉ để bán ở outlet. Ngoài ra hàng lỗi mốt, hàng có lỗi, thì ko kể.
Thế nên, cùng mang nhãn Gucci cả, nhưng giá cả thì khác nhau một trời một vực. Hàng outlet đặc biệt để cho những người ham đồ hiệu giá rẻ, mác mỏ hoành tráng nên khai thác tối đa việc in ấn thêu logo của nhãn lên sản phẩm, để cho ai nhìn cũng phải biết. Ngược lại, những món hàng cao cấp do đó đắt tiền nhất của nhãn hiệu lại thường chỉ có logo được đính rất khiêm nhường ở đâu đó.
Trong số những nhãn hiệu muốn tận dụng tên hiệu tới mọi tầng lớp khách hàng này thì tiêu biểu nhất là Burberry. Burberry vẫn còn một số sản phẩm cao cấp, những chiếc trench coat hồi trước thì made in England giờ made in Scotland. Bao giờ chuyển nốt sang Rumania nữa thì thôi coi như khai tử nhãn hiệu. Những chiếc trench coat này phải giở mặt trái, phần lưng, mới thấy một đường nẹp ngang, may nhỏ tí mang pattern đặc trưng của Burberry, thì mới biết là của Burberry, chứ nhìn bên ngoài thì chỉ biết đó là một chiếc áo khoác đẹp. Ngoài ra, Burberry hầu như chỉ còn những sản phẩm dành cho số đông.
Có lần, mình đã vào hẳn flagship store của Burberry ở NYC để mua một cái ô. Cầm thấy lỏng lẻo èo uột, lắc thấy kêu kêu đã ko tin lắm, nhưng cứ mua vì nghĩ bọn này chuyên đồ đi mưa nên cái ô chắc tốt. Dùng được có mấy lần đã hỏng mất một gọng, điên không chịu được. Đó là lần cuối cùng mình mua đồ của Burberry.
PS: chiếc váy của Dolce & Gabbana cuối cùng ko vừa. Mình bảo nó order cỡ 38 nó lại bảo người gửi đến cỡ 36. Phần nửa thân trên bên trong là lớp bustier cực khỏe, kéo khóa lên một cái là mình kêu oai oái lập tức. Các bạn có nhớ trong lịch sử có bà nào mặc váy chật quá gây tử vong vì xương sườn gẫy chọc vào phổi, thì đây cún béo cũng suýt rơi vào bi kịch như vậy. Chúng nó bảo đã kiểm tra trong tất cả các cửa hàng ở châu Âu nhưng ko còn cỡ 38. Mình than thở mất 2 ngày, nhưng giờ mình lại nghĩ càng tốt, càng đỡ tốn tiền.

No comments:

Post a Comment