Tuesday, April 3, 2007

Cái sự phim ảnh Việt Nam

Tuần trước tớ mất hút hơn một tuần vì tớ bận chỉnh sửa phần dịch cho kịch bản Nhật ký Đặng Thùy Trâm của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Chẳng biết mọi người có biết câu thơ này không:
Ngồi buồn cởi cúc xem chim


Còn hơn vào rạp xem phim nước mình



Nói vậy nghe hơi thô thiển, nhưng cũng có cái lý của nó. Phim ảnh của ta, ngày xưa thì có các phim mỳ ăn liền của Sài Gòn với anh diễn viên Lý Hùng râu tỉa nắn nót từng sợi và chị Việt Trinh chưa bấm máy đã khóc lóc nhão nhoẹt, phim nào cũng giống phim nào, ngày nay thì có Gái nhảy, Các cô gái chân dài và một loạt các phim cố gắng câu khách khác. Phim có tính nghệ thuật và diễn viên có nghề thì nội dung lại toàn về chiến tranh hoặc đồng bào dân tộc, phim có nội dung nóng hổi thời sự dàn diễn viên đẹp (nhưng không biết diễn) thì lại được làm nhăng nhít, tha hồ cho khán giả bắt lỗi. Làm phim có tính nghệ thuật thì chỉ tổ lỗ, còn làm phim thị trường thì quả thật có kéo được khán giả tò mò đến rạp, xem xong thì thấy ngán ngẩm.
Thế lý do là do đâu nhỉ?
Cái lý do muôn thưở là không có tiền, hoặc có rất ít tiền. Mà trong tự truyện của mình Lê Vân đã nói rất đúng là đã ít tiền rồi còn mỗi người xẻo một tí. Ai xẻo được tí nào hay tí ấy, chả cần biết đến xung quanh vì mình không xẻo thì thằng khác xẻo, mình trong sạch thì chỉ có thiệt (như luận điệu của mấy thằng tham nhũng ý mà). Thằng đạo cụ ăn, thằng bối cảnh ăn, thằng đặt phòng cho đoàn ăn, thằng lo hậu cần ăn uống cho đoàn ăn, thằng lo diễn viên phụ ăn, thằng lo xe cộ ăn, thằng phục trang cũng ăn. Nói chung ăn tuốt tuột.
Hỏi tại sao mà tớ lại biết rõ thế hả, vì tớ đã làm một số phim cả trong và ngoài nước. Lấy ví dụ phim Người Mỹ trầm lặng (lại Người Mỹ trầm lặng, nhàm quá). Nhưng lấy ví dụ đó vì đây là bộ phim kinh phí lớn nhất từng làm ở Việt Nam. Nhiều khi biết rõ mười mươi là bị hét giá cao mà vẫn phải nhắm mắt cho qua. Đội ngũ làm phim Việt Nam thì tranh thủ có phim lắm tiền, ăn lấy ăn để, dẫm cả lên nhau như đi hôi của. Bọn nước ngoài thì không thể quản lý nổi, vả lại chi phí làm phim ở Việt Nam cũng quá rẻ nên nếu giá thực ví dụ là 25USD mà chị phụ trách đặt phòng tại tỉnh báo là 30USD thì chúng nó cũng cho qua. Nhưng nếu các bạn lấy số chênh lệch đó nhân lên với đoàn phim hàng trăm người rồi nhân tiếp với 15 ngày quay tại tỉnh thì các bạn sẽ hình dung được chị phụ trách đặt phòng kia ăn bao nhiêu tiền. Mà thủ đoạn ăn cũng rất tinh vi, nếu bạn gọi đến khách sạn kiểm tra, nhân viên khách sạn mà biết bạn gọi từ đoàn phim thì sẽ răm rắp báo 30USD. Còn nếu bạn bảo là khách ở ngoài muốn đặt phòng du lịch thì chúng nó mới báo giá thật để khỏi mất khách. Tớ gọi đến, chắc gặp thằng nhân viên mới không cẩn thận, chưa hỏi khách gọi từ đâu tới đã tông tốc khai giá phòng. Lúc biết tớ gọi từ đoàn phim kiểm tra thì mới lắp bắp bảo nó đưa giá nhầm, giá phải là 30USD cơ!!!
Nhưng cái sự ăn chênh lệch giá phòng đó vẫn không vô nhân đạo bằng ăn hiếp diễn viên quần chúng. Tớ không phụ trách diễn viên quần chúng nên không thể nói thù lao là bao nhiêu tiền, nhưng đại khái là đang quay thì bác đạo diễn ớ người ra khi có một thằng quần chúng cá tính phủi đít đứng dậy đi về. Bảo phiên dịch chạy theo hỏi thì mới biết là nó không thèm đóng nữa vì ngồi đợi cả ngày mà chỉ cho nó ăn một cái bánh mỳ. Mà tiêu chuẩn ăn là 17USD/người/bữa, do khách sạn Metropole Sofitel cung cấp. Giám đốc phòng sản xuất, một phụ nữ như đàn ông, mắt tóe lửa lao sầm sập vào văn phòng, lôi cổ tớ vào bắt dịch trong phiên đối chất với chú phụ trách diễn viên quần chúng, vì "tao chỉ tin mày thôi, cái bọn phiên dịch tao nói một đằng chúng nó cứ cố gắng làm nhẹ đi một nẻo". Mà khổ thân chú ấy, ở bên ngoài thì râu ria oai phong lẫm liệt, ăn nói bốc giời, lúc bị mụ già tra hỏi thì cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Chú ấy cứ ấp úng nói mãi mà chẳng ra ý nào, đại khái là "à ừ, ối giời ơi, chuyện là thế này, khổ quá...", làm tớ cứ vểnh mãi tai lên nghe mà chẳng bắt được ý nào để còn dịch. Sếp của tớ thì mắt cứ long lên sòng sọc quay sang tớ hỏi dồn "một cái bánh mỳ, tao nói là một cái bánh mỳ, nó giải thích thế nào, tao thấy nó nói từ nãy tới giờ mà mày không dịch". Dịch y nguyên xong lúc ra bên ngoài thì bị chú ấy trách "cháu được tín nhiệm thế mà chẳng nói đỡ cho chú câu nào". Thế có chết tớ không cơ chứ.
Nếu Giám đốc phòng sản xuất đã giống đàn ông thì Nhà sản xuất (Producer), sếp sòng của tất cả lũ lau nhau, còn giống đàn ông hơn. To, cao như con gấu, mặt lạnh, giọng khàn, chả cần cao giọng bao giờ lũ nhân viên cả ta cả tây đã sợ mất dép. Mà nàng đấy cũng chẳng bao giờ thèm nói chuyện với nhân viên, có việc gì thì đã có giám đốc phòng sản xuất lĩnh ý ra mà phân công. Đến cuối phim, tớ đã rất bất ngờ khi nàng gọi tớ vào phòng cám ơn và bảo tớ rằng tớ là nhân viên Việt Nam giỏi nhất và tin cậy nhất của nàng. Nghe xong mà dở cười dở mếu, chẳng nhẽ tâm sự với nàng là tôi đang bị phía Việt Nam chửi cho tơi bời vì không chịu vào hùa cùng họ. Bạn biết không, tớ chẳng bôn đến mức độ mang chuyện họ ăn ra tâu với sếp Tây. Tớ im như thóc và chỉ từ chối không ăn cùng họ. Nhưng vì tớ cứ sờ sờ ra đấy, không chịu ăn nên họ cảm thấy họ ăn không an toàn. Và cuối cùng họ chửi tớ là bênh Tây, tiết kiệm tiền cho bọn Tây giàu, còn ta thì nghèo.
Một vấn đề nữa trong lĩnh vực điện ảnh Việt Nam là vấn đề đạo đức, không phải đạo đức theo cái kiểu ăn tiền hay không ăn như đã nói ở trên, mà là biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Không biết có phải do đặc thù nghề nghiệp không mà tớ đã được nghe khá nhiều người phàn nàn về những cú ngoắt khá ngoạn mục của giới làm phim. Thế giới có câu ngạn ngữ "Don't shit on people on the way up. You may need them on the way down". Khổ cái là có người chưa lên được đã muốn ngoắt với người chính ra mình phải hàm ơn rồi. Có một đạo diễn trẻ và đầy tham vọng, có mơ ước làm một bộ phim nghệ thuật cùng một đội ngũ làm phim trẻ và ưu tú. Trong bối cảnh phim ảnh xô bồ thì đây đúng là "một thanh âm trong trẻo". Chàng đạo diễn này lúc muốn nhờ vả thì cả hai vợ chồng ngọt nhạt, chầu chực. Xong một cái thì lặn mất tăm, chẳng được câu cảm ơn, thậm chí công lao chính đáng cũng chẳng được đề tử tế trên credit phim. Chưa thành đại nhân mà đã thấy tư cách có dấu chấm hỏi rồi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trăm sự cũng tại vì thiếu tiền mà ra. Thiếu tiền nên phim phải cắt xén, thiếu tiền nên mạnh ai nấy ăn, thành cái nếp xấu khó bỏ, thế nên phim lại càng phải cắt xén. Những đạo diễn dù có giỏi giang đến đâu cũng bó tay, vì chẳng ai có đủ dũng khí, nhiệt huyết và khả năng để thay đổi nếp nghĩ của vài thế hệ. Chứ còn nói về nghề thì các đạo diễn của mình chẳng kém ai. Tớ ví dụ kịch bản Nhật ký Đặng Thùy Trâm của chú Minh. Nhật ký này rất bình thường, hơi ướt át một tí. Chẳng dám nói là lên phim sẽ hay, vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Cũng chẳng dám nói là kịch bản hay, nhưng đọc cái cách chú Minh viết kịch bản bạn sẽ thấy đây là một đạo diễn có nghề. Nghề ở chỗ ngay cả khi bạn là một bạn đọc phê phán, đọc xong bạn cũng thấy tất cả các nút của kịch bản đều được cố gắng thắt lại. Hơn nữa, mặc dù kịch bản về đề tài chiến tranh cũ rích, chú ấy vẫn làm cho nó có tính thời sự bằng những liên hệ với suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam về cuốn nhật ký và với cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq hiện nay, và khiến người đọc phải suy ngẫm.
Nếu bạn gặp và nói chuyện với một số đạo diễn có tài, có tài nghiêm chỉnh chứ không phải mấy chú diễn viên-turned-đạo diễn nhăng nhít đâu nhé, bạn sẽ thấy họ thực sự đặc biệt. Họ sắc sảo, hóm hỉnh, hoặc cay độc thể hiện những suy nghĩ rất khác người. Biết đâu nếu phá bỏ hết rào cản, cho họ tung hoành hết khả năng họ sẽ làm được những phim để đời với thế giới...



No comments:

Post a Comment