Thursday, October 18, 2007

Black tie dinner




Black tie là một quy định về trang phục trên lý thuyết là dành cho những buổi ăn tối hơi hơi trọng thể. Black tie là tiếng Anh, hoặc đôi khi còn nói dinner jacket, ở Mỹ người ta hay dùng tuxedo hoặc tắt là tux (dân Mỹ kiểu gì cũng tìm được cách nói tắt), nhất là dân ở các bang phía Bắc, dân Ý lại gọi là smoking. Riêng với dân Ý, một bộ smoking có thể hoặc là màu đen hoặc là màu trắng. Nhưng màu trắng chỉ dùng cho ban ngày và trong mùa hè, và cũng càng ngày càng ít xuất hiện. May ra chắc chỉ còn thấy trong những bộ phim mafia đám cưới đại gia đình các mafia nhảy nhót. Còn lại, đại đa số các bộ smoking là màu đen.

Trở lại khái niệm black tie, một bộ black tie (tất nhiên là màu đen) bao gồm áo complet nẹp satin/lụa đen trên ve áo (gọi là dinner jacket), quần nẹp satin/lụa đen ở đường chỉ ngoài (nếu là kiểu Mỹ thì chỉ nẹp một đường, nếu kiểu Âu thì sẽ là hai đường nẹp song song), áo sơ mi trắng may xếp ly giấu khuy trước ngực và cổ nhọn hoắt như tai chó bẻ sang hai bên, nơ đen (tiêu chuẩn là nơ phải may bằng chất liệu thô nhưng trên thực tế người ta dùng cả nơ lụa, nơ satin thậm chí nơ nhung), đai quàng quanh bụng xếp ly bằng satin/lụa đen, và dây đeo quần (thường bằng satin/lụa trắng), tất lụa đen và giầy đen kiểu bóng loáng soi gương được chứ ko phải là giày da bình thường. Nói chung đủ bộ black tie thì cũng khá lỉnh kỉnh mặc dù trên thực tế người ta có quyền bỏ bớt cái nọ cái kia.

Vì có thể bỏ bớt thứ nọ thứ kia nên black tie trên lý thuyết mới chỉ là trọng thể ở mức bình thường. Còn trọng thể hơn nữa phải là white tie, tức là đàn ông phải mặc áo đuôi tôm đằng sau dài tới khoeo chân, gọi là tailcoat, đằng trước cắt xéo ngắn cũn (trông y hệt dế mèn phiêu lưu ký), các quy tắc cũng cực kỳ cứng ngắc và ko cho phép người mặc được sáng tạo hay cải biến gì. Nhưng white tie trên thực tế chỉ được sử dụng khi có buổi lễ đón tiếp cực kỳ trọng thể cấp đứng đầu chính phủ các quốc gia hoặc hoàng gia, đặc biệt hoàng gia Anh với vị nữ hoàng lụ khụ đi đâu cũng đội cái mũ một là tí tẹo chụp sát vào đầu như cái nồi hai là xoè tán như cái mâm toàn ren là ren, già thế rồi mà chưa chịu thoái vị để ông con cũng già lụ khụ đợi mãi ko được tiếp quản ngai vàng, chưa kể còn mấy ông con giời xếp hàng đằng sau.

Chính vì white tie ít dùng như vậy nên trên thực tế ngay cả những nghi lễ trọng thể lắm cũng chỉ dùng đến black tie là cùng. Cùng với đàn ông mặc black tie, phụ nữ có thể mặc cocktail dress (váy ngắn đến đầu gối thường bằng lụa, dùng riêng cho các tiệc cocktail) nếu giờ tiệc là ban ngày, và váy dài đến gót chân (evening dress) nếu giờ tiệc là buổi tối, có người cầu kỳ còn đeo cả găng lụa dài đến khuỷu tay. Đại đa phần evening dress là màu tối, những màu mạnh sặc sỡ chỉ phù hợp cho những buổi nhảy nhót tưng bừng.

Nếu đi dự tiệc trong giấy mời ghi dress code là black tie thì tốt nhất phải ăn mặc cho tử tế. Vì đã đến dự tiệc black tie mà ko biết quy cách ăn mặc thì thể nào cũng bị liếc.

Mấy tuần trước ở khách sạn Waldorf Astoria New York đã diễn ra một buổi tiệc tối black tie như thế do Columbus Citizens Foundation tổ chức để đón vị bộ trưởng Tư pháp Ý sang thăm và cũng là để trao tặng huy chương cho mấy nhân vật Ý có đóng góp to lớn về văn hoá. Cô American Idol Katherine McPhee được mời đến hát, hát ẽo ẹt và phát biểu vô duyên. Không phải tớ khó tính mà là vì cô hát nghe phong phanh cũng thấy giông giống Whitney Houston, nhưng âm vực thì xách dép chạy theo cũng không bằng, trong khi tớ lại là một người hâm mộ giọng hát của Whitney một thời. Phát biểu vô duyên là vì cô bảo cô không phải người Ý, nhưng hồi trước cô cặp bồ với một anh Ý và bây giờ là một anh Hy Lạp, mà Ý với Hy Lạp thì cũng rưa rứa, nên cô cũng cảm thấy cô Italian ra phết. Thế ko vô duyên thì là cái gì, chưa kể những lúc im lặng bí hiểm (thực ra là ấp úng) rồi cười ré lên phá tan sự im lặng làm cử toạ cứ ngơ ngác.

Có khoảng gần 100 bàn, mỗi bàn khoảng 10 người, ăn rào rào như tằm ăn rỗi. Có một chú bốc thăm trúng thưởng tự dưng trúng cái xe Maserati trị giá gần 200,000usd, còn nỗi sung sướng nào bằng. Có 3 người, bao gồm cả vị bộ trưởng tư pháp, được trao huy chương, kèm thêm một cái tượng Columbus bán thân, chắc tượng nặng quá hay sao mà nhận xong thấy người được tặng khệ nệ vác tượng chụp ảnh rồi để luôn đấy. Bố chú Bình Nguyên than thở tượng thế thì hải quan chắc chắn sẽ gây khó dễ lúc mang ra khỏi Mỹ, rồi chúng nó lại bắt lãnh sự quán cầm, rồi chắc chắn lãnh sự quán sẽ dúi vào văn phòng của bố chú bắt bố chú bày.

Tháng 9 tháng 10, có khi kéo dài đến tận cuối năm, ở New York là khoảng thời gian của những chuyến viếng thăm cấp cao. Tiệc black tie rất nhiều. Những buổi tiệc black tie rất thú vị vì đồ ăn ngon, chương trình hay, người ngồi cùng bàn thú vị, lúc về bao giờ cũng có quà đẹp. Ít nhất cũng bõ công đi ra ngoài buổi chiều từ 6h và về đến nhà lúc quá nửa đêm.

1 comment: