Thursday, May 10, 2007

Đi ngắm hoàng hôn

Chiều hôm qua chúng tớ được mời lên du thuyền của một người quen để đi ngắm hoàng hôn trên cửa biển.
Chưa bao giờ tớ lên một chiếc du thuyền hoành tráng như thế.
Du thuyền có phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm lát đá cẩm thạch, phòng giặt là, bếp, tất cả đều bề thế sang trọng, một đội ngũ nấu ăn và phục vụ, chưa kể đến anh thợ ảnh luôn được giới chính trị gia Mỹ săn đón vì anh nổi tiếng có tài chụp lên làm người ta đẹp hẳn lên. Riêng vợ chồng Clinton thì chỉ nằng nặc đòi anh chụp trong các buổi tiếp kiến ngoại giao.
Chúng tớ xuôi theo sông Đông đi ra cửa biển, rồi đi ngược lên sông Hudson ở phía Tây, lên tận cầu George Washington trên Harlem.
Hoàng hôn thật lộng lẫy. Ánh nắng vàng như mật lấp lánh trên mặt nước và trên cửa kính các toà nhà cao chọc trời của Manhattan. Tượng nữ thần tự do đứng sừng sững trong hoàng hôn, mặt hướng ra phía biển. Hồi trước khách du lịch còn được lên đến tận chiếc vương miện trên đầu tượng. Giờ vì lý do an ninh bà con chỉ được lên đến hết bệ tượng là phải xuống. Thế nên tốt nhất là chỉ ngắm tượng từ cách xa vài chục mét, chứ đến tận chân tượng thì lại tổ mỏi cổ nghếch mắt mãi lên mà chả nhìn được cái gì.
Bức tượng này là do chính phủ Pháp tặng, chắc lúc tặng chả người Pháp nào lại nghĩ rồi nó lại trở thành biểu tượng của nước Mỹ, của New York. Cũng như lúc người Nhật mang cây hoa anh đào tặng cho thủ đô Washington DC họ không ngờ rằng hoa anh đào lại thành biểu tượng của thủ đô nước Mỹ. Mỗi năm khi hoa anh đào nở, Washington DC lại chật cứng khách du lịch loay hoay tạo dáng chụp ảnh. Mà mấy bác Nhật sao cứ mang hoa anh đào đi trồng khắp nơi thế nhỉ? Còn may là chưa cố gắng phổ biến nghi thức trà đạo khúm núm vốn là một trong những nguyên nhân làm chân cẳng của vài thế hệ nổi tiếng vòng kiềng. Tớ chả thích cái kiểu khúm núm đấy của người Nhật. Làm cái gì mà cứ khúm núm lạy lục khép nép như là sinh ra trên đời này là một tội lỗi lớn thế nhỉ.
Thôi trở lại chuyện đi ngắm hoàng hôn. Ông chủ của du thuyền Brianna là một đại gia trong ngành thực phẩm. Trên du thuyền còn có rất nhiều đại gia khác trùm sò trong các lĩnh vực thầu xây dựng, dầu mỏ, giao thông vận tải. Nghe nói một đại gia ở đó là người giàu nhất New York với dinh thự thẳng cánh cò bay và bộ sưu tập xe hơi khiến ai nhìn thấy cũng phải ghen tỵ.
Đại gia trong ngành xây dựng có giọng hát tuyệt hay. Ngồi thu lu trên ghế mà ông hát như ca sĩ opera. Thế này nếu đứng ông còn hát khoẻ hơn. Ông lại còn viết sách, soạn nhạc. Nhiều khi tớ cứ tự hỏi là người ta có tài viết lách thật, hay vì tự tin vì lắm tiền và nổi tiếng nên cứ viết đại, thể nào chả bán được.
Thời đại này muốn giàu chỉ có đi buôn, chứ cứ đi làm công ăn lương thì may ra chỉ đủ ăn tiêu, trừ khi được thừa kế lắm tiền.
Chúng tớ đã có một buổi tối rất thú vị. Nhưng tớ vẫn cứ vui hẳn lên khi đặt chân lên đất liền. Con người một khi đã thân quen với cái gì rồi thì khó từ bỏ. Cũng như một số bà vợ biết chồng cạn tình cạn nghĩa nhưng vẫn cứ níu giữ. Cũng như có người đàn ông biết người phụ nữ mình yêu phản bội và dối lừa nhưng vẫn không thể từ bỏ. Cũng như có người đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng lại chỉ nhớ những phố phường bụi bặm của Hà nội. Và cũng như có người đã nếm đủ các loại sơn hào hải vị, và kể cả những món chẳng phải sơn hào hải vị, nhưng lại không thể thiếu được nước mắm của Việt Nam.
Nhưng có phải chính sự bảo thủ đó đã làm cho người ta không cảm nhận được những điều mới mẻ xung quanh? Cũng như có một người nào đó đã nói "You can't discover new oceans unless you have the courage to lose sight of the shore".








No comments:

Post a Comment