Thursday, May 31, 2007

Ma lực của kim cương




Đã là đàn bà, có ai lại không mê mẩn những chùm sáng rực rỡ như lửa hắt ra từ một viên kim cương...

Có một câu nói thế này “Thượng đế rất công bằng. Người không lấy đi tất cả của ai bao giờ, và cũng không cho ai tất cả”. Thế mà đúng. Những nước châu Phi đói nghèo bệnh tật thì lại lắm kim cương. Chứ Việt Nam rừng vàng bể bạc rồi thì chả cần kim cương nữa.

Khỏi phải dài dòng kim cương quí vì thứ nhất là nó hiếm, thứ hai vì những đặc tính trong cấu trúc phân tử của nó mà khiến nó trở thành nguyên liệu cứng nhất trong tự nhiên, có độ tán sắc cao, dẫn điện tốt và cũng chính vì cứng như vậy mà nó không dễ bị bào mòn vv và vv. Trước khi các nhà khoa học tổng hợp được những vật liệu còn cứng hơn cả kim cương thì người ta phải dùng chính kim cương để cắt kim cương. Thông minh gớm.

Thế nên mới có câu Diamond cuts diamond, mà vận dụng vào tiếng Việt có nghĩa là Kẻ cắp gặp bà già. Nhưng hôm nay tớ không nói chuyện văn học.

Kim cương rất đắt tiền, và không phải ai cũng có thể soi ra lỗi của viên kim cương bằng mắt thường được. Thế nên nếu định mua kim cương cỡ lớn, cách tốt nhất là phải yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng. Có rất nhiều các phòng thí nghiệm trên thế giới đều có nghiệp vụ định giá trị và chất lượng của kim cương nhưng viên kim cương nào có chứng nhận của GIA (Gemological Institute of America) là chuẩn nhất. GIA là định chế xếp hạng kim cương khắt khe nhất thế giới. Tất cả những viên được GIA xếp hạng đều có thể có thứ hạng cao hơn nhiều nếu đã được những định chế khác đánh giá. Sao hôm nay văn chương tớ cứ lủng cà lủng củng.

Khi đọc chứng nhận chất lượng thì phải nắm được những thông tin sau:

Thứ nhất, trọng lượng của viên kim cương (Carat weight), tính bằng carat. Tất nhiên kim cương càng lớn thì càng đắt. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khác.

Thứ hai, màu sắc (Colour). Kim cương đắt nhất khi nó không có màu. Trên thế giới có những viên có màu nâu, vàng, xanh vv cực kỳ đắt nhưng chủ yếu theo tớ là vì chúng rất to nên thành rất hiếm, chứ còn nếu cùng kích cỡ thì một viên kim cương không màu mới là đắt nhất, ngay cả kim cương hồng là màu hiếm nhất trên thế giới cũng không thể sánh được với kim cương không màu. Bảng xếp hạng màu của kim cương không màu bắt đầu bằng D,E,F,G rồi cứ thế đi xuống, không biết là xuống đến đâu, hình như là đến Z thì phải. Nhưng hình như sau I thì viên kim cương không còn được xếp vào hạng không màu nữa. Trong bảng này, D,E,F là hạng đắt nhất, tức là hoàn toàn không màu, và mắt thường không thể phân biệt được sự khác biệt, đến G,H,I thì đã ngả sang màu vàng mà người sành kim cương sẽ nhìn được.

Thứ ba, độ trong suốt (Clarity). Bắt đầu trên bảng xếp hạng độ trong suốt là Flawless, tức là không tì vết khi soi trên kính hiển vi, cả trong ruột viên kim cương (internal) lẫn trên bề mặt (external). Viên kim cương nào được xếp hạng Flawless thì cực kỳ hiếm. Sau Flawless là đến VVS1 và 2. VVS là viết tắt của Very very slightly included, tức là Rất rất ít tì vết. Sau đó là đến VS1 và 2, tức là Very Slightly Included (Rất ít tì vết). Những viên kim cương nào được xếp hạng độ trong suốt từ VS trở lên là hiếm, và mắt thường nói chung không phát hiện được tì vết, chỉ khi soi trên kính hiển vi thì mới thấy được tì vết không đáng kể . Dưới nữa thì sẽ có SI1 và 2, và I1,2,3 vv tức là Slightly Included và Included. Đến hạng này thì viên kim cương đã bớt sáng đi nhiều.

Thứ tư, kỹ thuật cắt (Cut). Một viên kim cương chỉ phát huy tối đa giá trị phát sáng của nó khi được cắt khéo. Lý tưởng ra, nghệ nhân cắt kim cương phải tính toán các chiều cắt sao cho ánh sáng đi vào bề mặt viên kim cương và phản chiếu ra cũng xuyên qua bề mặt (cái này lại liên quan đến kiến thức vật lý). Nếu viên kim cương bị cắt bẹt xuống, tiếng Anh là shallow cut, thì viên kim cương sẽ có bề mặt lớn hơn, tạo cảm giác to hơn, nhưng lại không sáng tối đa vì tia sáng đi vào bề mặt và đi ra ở đáy viên kim cương. Nếu viên kim cương bị cắt làm cho cao nghếu lên (Deep cut) thì ánh sáng đi vào bề mặt sẽ bị phản chiếu ra thành. Cả hai trường hợp đều khiến viên kim cương có một vành tối nhìn từ trên bề mặt. Thế nên khi xem chứng nhận, nếu thấy xếp hạng Kỹ thuật cắt từ Good, hoặc đến Very Good và Excellent là quá ổn. Đặc biệt, nếu có dụng cụ kiểm tra kỹ thuật cắt, khi lật ngược viên kim cương lên khách hàng có thể soi thấy 8 trái tim lửa rõ nét toả ra 8 hướng đều tăm tắp, và khi lật xuôi xuống thì sẽ soi thấy 8 mũi tên lửa cũng tỏa ra 8 hướng đều tăm tắp. Đang nói về viên kim cương tròn đấy nhé, chứ không nói đến các hình dạng khác như bầu dục, trái tim, công chúa, giọt lệ vv.

Tớ đi lượn xem kim cương. Sau khi nói kích cỡ con bé bán hàng lấy ra mấy viên trong tủ kính đều bị tớ lắc. Nó lầu bầu bảo viên này colour F đấy. Tớ hỏi nó Colour F do viện nào chứng nhận thì nó đưa ra một cái tên viện nào đó. Tớ yêu cầu chỉ xem những viên của GIA chứng nhận. Thế là nó trố mắt, gọi sếp nó ra, bắt sếp nó mở két bảo mật và lấy cho tớ xem. Rồi nó còn chìa cho tớ xem chứng chỉ nghề của nó do chính GIA đào tạo và thừa nhận với tớ rằng tớ rất sành kim cương. Nhưng xin chú thích là chỉ sành về chất lượng, còn giá cả thì mù tịt nhé. Vì với những viên kim cương đắt tiền việc bị hố vài nghìn đô là rất dễ xảy ra.

Thế nên nếu đi mua kim cương, được trang bị những kiến thức trên là ổn. Tất nhiên vì rủi ro cao nên tốt nhất phải mua ở những địa chỉ uy tín. Nếu không chúng làm giả chứng nhận chất lượng thì chết dở. Cộng thêm không cẩn thận lại mua phải kim cương dởm. Bây giờ thiên hạ bán đầy một loại đá gọi là Cubic, cũng trong suốt, cũng lấp lánh, và cứng chẳng kém gì kim cương, thường được ứng dụng trong công nghiệp để thay thế cho kim cương quá đắt tiền.

Đấy chú Bình Nguyên lại đang đứng ở cầu thang hò Mẹ mẹ, tớ phải chạy xuống đây không thì chú sẽ khóc nhặng lên bây giờ...

No comments:

Post a Comment