Friday, May 18, 2007

Những ngày đi học (phần 4)

Trầy trật với môn thể dục, thế nên khi kết thúc môn thể dục chúng tớ đứa nào cũng vui sướng hoan hỉ. Nhưng thế vẫn chưa hết nợ. Môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa yêu cầu những công dân của nó phải vừa khoẻ để xây dựng tổ quốc thời bình vừa khoẻ để bảo vệ tổ quốc lúc lâm nguy nữa. Thế nên mới có bộ môn gọi là Giáo dục quốc phòng, mà lũ sinh viên gọi nôm na là môn Quân sự.

Hôm nay học Quân sự. Cái câu cửa miệng một thời làm bọn tớ vừa hoan hỉ vừa đổ bệnh.
Hoan hỉ là vì ngay từ đầu năm lũ con gái đã thì thầm với nhau là có lẽ năm nay chúng tớ sẽ phải đi học Quân sự xa nhà. Tức là cả khoá sẽ tập ở một doanh trại nào đấy, cùng đồng cam cộng khổ với sinh viên trường khác nữa, mà nghe nói hình như là được đi cùng bọn sinh viên kiến trúc. Thích quá. Các nam sinh viên trường tớ lúc nào cũng chỉn chu áo sống, chúng tớ đang tò mò muốn biết lãng tử thì trông như thế nào.
Đổ bệnh là vì cũng qua một số nguồn tin thất thiệt, chúng tớ nghe nói dân Bách Khoa hay Xây dựng gì đó đã được một kỳ học Quân sự cạch đến già. Cụ thể là nửa đêm phải dậy đi mốt hai mốt, lội xuống ao, đứa nào bị phạt thì phải gánh nước bằng hai cái ống bơ tưới vào chân cột cờ lúc giữa trưa, và nhất là được ăn món dưa chuột. Dưa chuột ở đây tức là ăn hết dưa muối thì thấy con chuột nằm dưới đáy.
Đại loại là những chuyện ly kỳ như thế làm lũ sinh viên non nớt chúng tớ cứ vừa nghe vừa rúm cả vào nhau, vừa sợ hãi vừa thích thú.
Nhưng cuối cùng chúng tớ phải tập ngay tại trường. Sau những gì đã được nghe kể, tớ thở phào, học ở trường cũng tốt. Bộ môn được chia làm hai phần, phần lý thuyết và phần thực hành.
Những buổi lý thuyết dài lê thê. Chú bộ đội bé tí tẹo đứng sau cái bục gỗ đặt chiếc micro. Chẳng thấy chú đâu, thấy mỗi cái micro và giọng nói sang sảng giảng về cách bài binh bố trận.
Gần một tháng học lý thuyết mà đến lúc kết thúc khoá học tớ không thể nhớ nổi chú ấy đã nói những cái gì, một chi tiết nhỏ nhất cũng ko nhớ nổi. Nội dung đã chán, giờ học lại sắp xếp rất khéo, đúng 1h trưa. Bọn sinh viên chúng tớ ăn trưa xong, tất tả lên giảng đường, ngồi phịch xuống thở, lại thêm cái giọng đều đều vô cảm của chú bộ đội mặt búng ra sữa nhưng lại cố tỏ ra nghiêm nghị, thế là hầu hết chúng tớ lăn ra ngủ gà ngủ gật. Nhưng chú bộ đội tỏ ra bản lĩnh rất cao cường. Nhiều khi giảng đường vắng toe, có mỗi mấy đứa sinh viên gan lỳ ngồi lại ngủ gật, mà chú ấy chẳng hề nao núng, vẫn giảng như thường, vẫn sang trang, xuống dòng, vẽ chi chít lên bảng, mũi tên để dẫn dắt ý, lại còn khoanh tròn đánh dấu những chỗ theo chú ấy là quan trọng.
Đến phần thực hành thì các bi hài kịch mới bắt đầu. Ngay từ buổi ném lựu đạn đầu tiên, chắc chú bộ đội đã đầy mình kinh nghiệm, nên chú đứng ở một nơi rất an toàn, đảm bảo không đứa sinh viên vụng về nào có thể vô tình ném vào chú được. Thế mà cũng ko xong. Có một đứa lớp tớ ném quả lựu đạn gỗ bay vèo lên nóc nhà để xe, ở một hướng không liên quan gì đến hướng nó phải ném. Quả lựu đạn lăn lông lốc xuống, rơi đánh cốp một cái vào đầu chú bộ đội, may mà chú ấy phòng xa đội mũ cối nên không hề hấn gì. Cái con bé sinh viên vụng về ấy cứ lo ngay ngáy sợ bị chú đì trong kỳ thi.
Chúng tớ mê mải triển khai đội hình ngang dọc, dưới trời nắng như đổ lửa, đi mốt hai mốt tay chân vung vẩy xiêu vẹo, khiến chú bộ đội thỉnh thoảng lại hô "mạnh mẽ lên nào, đi cứ như đi chợ ấy". Nhưng khí thế của chú không thể truyền sang bọn tớ được. Lũ sinh viên đói ăn, lúc nào cũng đói, vừa ăn xong đã đói, không đói thì khát. Đã thế lại phải hè nhau vác súng trường. Những khẩu súng nặng phải đến chục cân, chú bộ đội nhỏ thó cầm nhẹ như lông hồng, còn chúng tớ thì cứ kéo lê súng trên bãi cỏ, để lại sau lưng vành vệt do mũi súng cọ xuống.
Một bạn con trai lớp tớ lập kỷ lục chưa ai lập được. Bắn cả 3 lần đều được 3 điểm 0. Sau khi bạn ấy bắn xong chú bộ đội mang bia giấy ra kiểm tra, chú căng mắt nhìn mãi mà chịu không thấy vết đạn ở đâu, tức là bạn ấy bắn ra ngoài bia. Mấy đứa con gái cứ trầm trồ, bia to thế bắn trượt còn khó hơn bắn trúng, thế mà bạn này làm thế nào mà trượt hết ra ngoài. Học hơn 4 năm mà tớ không biết tên thật của bạn ấy là gì, chỉ thấy suốt ngày chúng nó gọi bạn ấy là bạn bác Hồ.
Đến hôm thi thực hành thì tớ xui tận mạng. Tớ mắc bệnh cuống lên một cái là không thể phân biệt được bên phải bên trái. Chú bộ đội kiểm tra đội hình đội ngũ 4 đứa một. Tức là cứ 4 đứa dàn hàng đi mốt hai mốt, quay phải quay trái. Chúng tớ đi mốt hai mốt thì rất ổn. Đang đi tự dưng chú hô "Đứng lại, đứng! Bên trái, quay!". Tớ cuống lên quay bên phải. Thế là 3 đứa kia quay một hướng, mình tớ quay một hướng. Tớ hoa cả mắt, vẫn còn kịp nhìn thấy lũ bạn đã thi xong đứng ngoài cười lăn cười bò, con bạn thân của tớ còn bò cả ra sân mà cười. Chú bộ đội vẫn nghiêm nghị. Chú cho tớ một cơ hội nữa. Tớ nhắm nghiền mắt, cố gắng tập trung xác định tay phải tay trái. Chú lại hô "Bên phải, quay!", tớ lại quay sang bên trái, thế là lúc trước thì tớ quay lưng lại đội ngũ, bây giờ thì tớ quay mặt lại đội ngũ, cái thằng đứng trước mặt tớ tròn xoe mắt nhìn rồi phì ra cười, còn tớ thì chỉ muốn khóc. Chú bộ đội cố gắng lắm mới nén được cười. Chú không nổi cáu vì nhìn mặt tớ thì chú biết là tớ hoàn toàn không cố tình.
Lúc cho điểm, chú bộ đội, vẫn cố giữ vẻ mặt nghiêm nghị, nhận xét rằng "đồng chí về mặt đội hình đội ngũ là được, chỉ có vấn đề xác định phương hướng là đồng chí phải luyện tập thêm". Tớ dạ rõ to. Tất nhiên là tớ điểm kém, nhưng bù lại, môn bắn súng tớ lại đạt điểm cao nhất khoá với hai phát trúng hồng tâm và một phát lệch tí tẹo làm chú bộ đội lác mắt, thế nên tớ cũng trầy trật qua được môn Quân sự.
Yếu điểm đó ám ảnh tớ đến tận bây giờ. Chồng tớ cũng rút kinh nghiệm. Nếu ai hỏi đường tớ chỉ sang bên phải thì y như rằng anh ấy sẽ khuyên họ đi sang bên trái. Cũng may là tớ sai rất nhất quán, chỉ cần làm ngược lại những gì tớ nói là đi đúng hướng.



5 comments:

  1. ơ hơ, thế chỉ có xã hội chủ nghĩa mới cần khoẻ để xây dựng và bảo bệ tổ quốc à?

    ReplyDelete
  2. đánh có mấy chữ mà cũng đánh sai. vấn đề là ở chỗ khoẻ được thì tốt quá, nhưng nếu không khoẻ được thì cũng đừng bắt người ta chứ.

    ReplyDelete
  3. thì vẫn đủ qua còn gì mà kêu,có quốc tịch Italia chưa nhỉ?Phải khoẻ để bảo vệ cả 2 tổ quốc.

    ReplyDelete
  4. Bạn ý bị gọi là bác Hồ vì giọng bạn ý trầm ấm cứ như là "Tôi nói đồng bào có nghe rõ ko?" ý. Tao cũng quên mất tên bạn ý rồi

    ReplyDelete
  5. K0 phải đâu mày, tại quê bạn ấy ở Nghệ An.

    ReplyDelete