Wednesday, May 16, 2007

Những ngày đi học (phần 2)

Hết những ngày đi học, tớ quyết định thi vào làm giảng viên tại trường Ngoại Thương, để được nếm trải cảm giác hả hê của các thầy cô giáo tớ khi thấy lũ sinh viên tắc tị.
Trải qua 6, 7 vòng thi, trong đó bao gồm cả phần thi định hướng chính trị hay sao ấy, mà lại là vòng thi đầu tiên nhé. Cả hội trường D hơn 600 thí sinh vừa già vừa trẻ hì hục viết lách trong cái nắng nóng của tháng 7, với mấy cái quạt trần không đuổi được ruồi ở trên đầu. Thế mới biết dân tình khát khao được làm giảng viên trường NT đến cỡ nào. Tớ làm bài được nửa chừng thì bỏ dở ra về, vì oải quá, vì chẳng biết định hướng chính trị và lương tâm nghề nghiệp thế nào mà lần. Đại loại là sau khi viết nhăng viết cuội một lúc, phê phán đề bài hỏi vớ vẩn, tớ xin phép không trả lời câu hỏi trên. Cứ tưởng là thế là khỏi phải đến xem điểm để vào vòng 2, không bị vào sổ đen vì cái tính bất trị là may.
Thế mà lại được vào vòng 2 nhé. Sau đó là đến vòng 3, vòng 4, vòng 5 vv, tất nhiên là toàn về tiếng Anh và các kỹ năng có liên quan. Qua hết các vòng này thì tớ lại phải sang vòng kỹ năng vi tính. Mặc dù tớ không hiểu sao tớ thi làm giảng viên tiếng Anh mà đề thi vi tính lại bắt tớ tính lương trên Excel? Dù sao thì tớ cũng chắc mẩm là chẳng ai dùng kết quả của tớ, chứ không thì bộ phận phát lương chắc phải ra toà hết.
Vòng cuối cùng mới gay go, đấy là vòng vấn đáp. Tức là thí sinh vào vòng cuối phải giả vờ đứng lớp, giảng về một vấn đề nào đó. Những thầy cô giáo chủ nhiệm các khoa và cả hiệu trưởng hiệu phó của trường đều có mặt, đóng giả là những sinh viên, không phải sinh viên thường, mà là những sinh viên nghịch ngợm cơ .
Những cái này về sau tớ mới biết. Chứ còn lúc mới vào phòng vấn đáp tớ vẫn còn ngây thơ lắm. Hôm đó tớ đang đi chơi thì nhận điện thoại đến vấn đáp tại trường (chắc các thầy cô muốn bất ngờ để còn đánh giá thực lực), nên tớ đến trong một bộ dạng hoàn toàn không mang tính sư phạm. Đại loại là áo bó, quần ống loe (hơi loe thôi), dép xỏ ngón. Tai hại là hôm đó móng chân của tớ lại màu trắng. Tớ không bao giờ đánh móng chân màu trắng hay vẽ vời gì trên móng bao giờ cả. Chỉ tại con bé đánh móng chân sáng hôm ấy lại cứ quảng cáo là nước sơn mới trông rất nhã nhặn, nó cứ năn nỉ mãi tớ đành liều thử. Cuối cùng móng chân tớ trắng tinh, tẩy đi thì lại tiếc.
Thế nên tớ vào phòng thi với bộ móng chân màu trắng và đôi dép xỏ ngón làm các ngón chân của tớ cứ toè ra không giấu đi đâu cho được. Chưa kịp vượt qua cơn mặc cảm thì tớ đã thấy chóng mặt với dàn thầy cô giáo hắc nhất trường, ngày đi học là nỗi kinh hoàng của bọn sinh viên chúng tớ. Ngày xưa thi vấn đáp mà vào một trong những thầy cô này thì hầu như chắc phần điểm kém, không thi lại là may.
Vừa vào thì đã thấy cô hiệu phó mà được chúng tớ đặt biệt danh là "sâu róm" (vì cô có bộ tóc vừa dài vừa xoăn vừa xù vừa vàng) liếc xuống chân, liếc từ lúc tớ vào đến cửa đến lúc tớ giấu được đôi chân vào gầm bàn. Tớ cứ than thầm trong bụng.
Nhưng đứng một lúc thì tớ cũng định thần lại, quên phứt mất vấn đề chân cẳng của mình. Tớ phải đóng vai cô giáo trẻ, lại vào đúng lớp có nhiều sinh viên nghịch ngợm. Ngày thường các thầy cô chả bao giờ cười, thế mà lúc đóng vai sinh viên thì nhí nhảnh vô cùng. Tớ đi làm gia sư suốt mấy năm đại học, dạy từ học sinh bé đến học sinh lớn, nhưng chưa thấy học sinh nào nhí nhảnh như mấy thầy cô giáo của tớ đóng giả.
Bắt đầu bằng thầy chủ nhiệm khoa Kinh tế ngoại thương giả giọng eo éo trẻ trung "cô ơi, cô trẻ và xinh thế. Cô bao nhiêu tuổi rồi?" . Tớ vẫn còn đủ bình tĩnh để bảo "trong giờ học yêu cầu em không hỏi những chuyện ngoài lề. Nào bây giờ chúng ta bắt đầu" (sướng ơi là sướng, được gọi thầy giáo ngày xưa cho tớ điểm vớt môn này là em). Nghe thấy thế cô hiệu trưởng ngay lập tức nói luôn "thôi cô ơi, học làm gì vội, hôm nay buổi đầu tiên, cô trò mình ngồi nói chuyện đã. Nhà cô có mấy anh chị em? Cô là thứ mấy?".
Cứ như vậy các thầy cô tung hứng, nhao nhao hỏi, lại còn cãi nhau nữa. Tớ bị quay mất gần nửa tiếng như thế, toát mồ hôi hột và ù hết cả tai. Cuối cùng cô hiệu trưởng nhận xét rằng cô không nghi ngờ gì về kiến thức của tớ cả. Nhưng để làm giáo viên đại học thì tớ phải bản lĩnh hơn nhiều. Vì chương trình dạy rất nặng, mỗi tiết phải đảm bảo dạy đủ lượng kiến thức quy định. Nếu tớ không trấn áp được sinh viên, để chúng hỏi linh tinh như vậy thì sẽ mất hết giờ mà không dạy được tí gì. Cô nói như thể cô biết thừa là bọn sinh viên toàn bọn thành tinh hết.
Nhưng cô nói như vậy tức là tớ đã được nhận. Một anh gọi điện từ phòng giáo vụ thông báo cho tớ thế, giọng không vui không buồn, làm tớ cứ thắc mắc anh trẻ thế mà đã lãnh đạm với cuộc sống đến thế?
Đến trước ngày trường hẹn đến ký hợp đồng, tự dưng tớ nghe có người nói môi trường của trường tớ cạnh tranh và bon chen kinh khủng, vì ai cũng tranh giành suất đi học nước ngoài. Tự dưng tớ ngần ngại. Vì lý do duy nhất làm tớ thi ở lại trường là vì tớ nghĩ ít nhất trong môi trường ấy tớ cũng tránh được những bon chen vớ vẩn. Thế là dẹp.
Cánh cửa đó đóng lại. Tớ bắt đầu một ngả hoàn toàn khác. Từ đây cuộc sống mở ra với tất cả những hỉ nộ ái ố, mặt phải và mặt trái. Cuộc sống thật mênh mông, hết bao bọc, không ít lần một đứa sinh viên mới ra trường là tớ phải ngạc nhiên, phải sững sờ, phải nổi giận, phải rơi nước mắt, và rất nhiều những tình cảm phức tạp khác. Nhưng cứ thế mà tớ lớn lên. Chỉ có điều lớn nhanh quá, sau vài năm đi làm thấy mình già cỗi hết cả cảm xúc. Nhưng biết đâu đấy, vài năm nữa nhìn lại bây giờ lại thấy mình hồi này còn trẻ chán. It can only get worse.


3 comments:

  1. Giỏi nhể. Tôi ngày xưa thi trường bà còn không dám nữa là lại còn được nhận làm giáo viên. Ghê thật!

    ReplyDelete
  2. Hehe, đùa tí thôi. Relax!!!

    ReplyDelete
  3. Hôm nay chẳng hiểu sao tớ chẳng làm việc gì được, may có blog của G ngồi xem kỹ hơn một tí. Hi hi, đúng là người sắc sảo, blog cũng chẳng giống ai. Thỉnh thoảng phải được đọc mới được, không thì tớ toàn loay hoay trong cuộc sống bé tí của tớ, đầu óc trở nên hẹp không chịu được :-). Hóa ra hồi ấy G cũng thi vào NT à? Chẳng biết cùng năm tớ không. Tớ thì chẳng nhớ chuyện cũ được nhiều, hình như là năm 2001 thì phải. Cũng đến lúc ký hợp đồng thì chạy không ngoái cổ lại, vì nhiều lý do :-P. Híc, đọc bài này mới ngẫm thấy mình ở trong đó.... Cuộc sống quả là có nhiều điều bất ngờ....

    ReplyDelete