Monday, May 22, 2023

22/05/2023


Hồi mình vẫn còn ở Dubai, một lần đến ăn tối ở nhà một đại gia người Ấn độ, ăn xong thay vì tán gẫu như thường lệ thì chị chủ nhà lại bày ra một trò chơi. Chị ý đặt câu hỏi và tất cả mọi người đều phải trả lời. Câu hỏi của chị ý là “Nếu được trở lại 18 tuổi thì có muốn không?”.

Người thì trả lời « ở tuổi 18 tôi không có được nhiều trải nghiệm như bây giờ », người thì trả lời « 18 tuổi tôi nghèo lắm, ăn còn chẳng đủ. Còn giờ, ở tuổi này, tôi vừa ăn xong một bữa tối 7 món… ».

Tôi lúc đó chỉ ước được trở lại tuổi 25. Cũng chả nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ đơn giản là muốn trẻ lại nhưng không muốn phải đi học lại, thi lại. Nhưng bây giờ nghĩ lại, không chỉ không muốn phải trầy vi tróc vảy học lại phổ thông, đại học. Biết bao khóa học cuộc đời cũng phải trầy vi tróc vảy mới tốt nghiệp, cũng không muốn học lại nữa. Do vậy, ngay cả tuổi 25 cũng không muốn quay lại.

Ở tuổi 20, quay lưng chỉ là quay lưng, hờn dỗi thì quay lưng, rồi thấy người cũng quay lưng thì lại khóc. Nhưng ở tuổi ngoài 40, khi đủ dũng khí quay lưng lại với một người, thì trong lòng cũng đã chuẩn bị đủ dũng khí để chấp nhận khả năng người cũng quay lưng lại với mình. Tình đã nhạt, 20 hay 40 tuổi thì đều là đau cả. Nhưng nếu ở tuổi 20 hoảng loạn, thì bây giờ sẽ bình thản chịu từng cơn đau một, vì biết rằng cơn sau sẽ nhẹ nhàng hơn cơn trước, và đó sẽ là những cơn đau cuối cùng trước khi liền sẹo. Tôi đã tốt nghiệp khóa học đứng lên và bước đi như vậy.

Khi đi vào một cơn bão, ở tuổi 20 sẽ chỉ đơn thuần là hoảng sợ, sợ bị quật cho rách nát, sợ sau đó mình sẽ thảm thương, kiệt quệ, biến dạng. Còn bây giờ, không sợ nữa. Thấy bão, sẽ đứng đợi nó tới. Còn đường nào ngắn hơn thế. Thậm chí sẽ tận dụng khoảng lặng cuối cùng trước khi cơn bão tới, khi tất cả trở nên yên ắng, ngột ngạt, để rồi khi gió bắt đầu nổi, và càng ngày càng mạnh dần lên, thì đã sẵn sàng… Biết rất rõ những gì đợi mình trước mắt, nhưng cũng biết sau khi đi ra khỏi nó, bình thản và không thù hận, sẽ mạnh mẽ và trưởng thành hơn gấp nhiều lần. Tôi đã tốt nghiệp khóa học xử lý bão như thế.

Khi yêu một người đàn ông và kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần vì thất vọng, ở tuổi 20, chỉ biết ngồi khóc và mất lòng tin vào cuộc đời, cảm thấy mình thật xấu xí vô giá trị, nhìn quanh thấy ai cũng hơn mình hết. Nhưng khi đã tốt nghiệp khóa học xử lý những nỗi thất vọng, tôi biết ngày mai lòng sẽ yên lại và mỗi ngày sẽ càng yên hơn. Ngay cả khi thức dậy thấy còn khổ sở hơn hôm trước thì cũng không có gì mà phải hoảng sợ. It may get worse before it starts getting better. Để ra khỏi được một lần thất vọng, có thể đi chậm, có thể đi không nổi mà phải bò, nhưng mỗi ngày sẽ càng bỏ nỗi buồn xa hơn lại đằng sau. Xa thêm 1cm cũng là thành tựu. Tôi biết tôi vẫn là tôi, mất đi một người trong đời không thể làm tôi cảm thấy mình bớt giá trị. Đó là khóa học về giá trị bản thân. Tôi cũng đã tốt nghiệp nó.

Tôi cũng đã tốt nghiệp khóa học biết nhẫn tâm. Có nhiều thứ, dù cho lòng ta có chần chừ mọi nhẽ, đến lúc phải bước qua là phải bước qua. Có nhiều chuyện, việc ta ấm người lạnh, bản năng muốn ào tới an ủi chở che như đã luôn từng mà không thể làm được, bản năng không muốn bỏ mặc mà vẫn phải bỏ mặc, khiến ta đau lòng. Nhưng cuối cùng, ta không thể quyết định cuộc đời người khác, chỉ biết sống tốt nhất cuộc đời của ta.

Tôi cũng đã tốt nghiệp khóa học nâng lên và đặt xuống. Có nhiều người, dù cho lòng ta muốn níu kéo mọi nhẽ, thì ta chỉ để cho họ đi, im lặng không oán thán, dẫu rằng họ bỏ ta đi đúng lúc ta cần họ nhất. Ở tuổi 20, có lẽ sẽ trách họ bạc. Nhưng ở tuổi ngoài 40, người muốn đi thì cứ đi, đừng chần chừ, cũng không cần cảm thấy có lỗi. Có lỗi hay không, chỉ có nhân quả biết. 

Tôi đã trải qua rất nhiều khóa học cuộc đời như thế. Sẽ không đánh đổi những chứng chỉ tốt nghiệp quý báu của mình để có lại da nhung tóc lụa mắt trong của tuổi 20. Già quá xấu quá thì cùng lắm đi phẫu thuật thẩm mỹ. Phẫu thuật thẩm mỹ xong vẫn xấu thì kệ mọe nó, có vẻ đẹp tâm hồn là ngon dồi.

PS1: bạn xin được công việc tốt, bạn tự hào, mình hỉ hả mừng vui cho bạn. Bạn kể người này người kia ở chỗ làm theo đuổi bạn, mình và bạn cười rúc rích. Lúc nào mình cũng bảo với bạn rằng bạn là người xuất sắc. Thế mà mình đi ngoài đường có người nhìn, ngồi uống nước với bạn có người gửi giấy xin làm quen, bạn nhìn mình là lạ, mặt bạn khó chịu, rồi bạn thoái thác không muốn gặp mình nữa. Nếu ở tuổi 20, mình chắc chắn sẽ buồn. Nhưng ở tuổi này, mình biết rằng mình không cần tình bạn với người chỉ có thể hồ hởi nếu hơn mọi nhẽ. Bạn có tuổi rồi mà vẫn hành xử y như một cô học trò ganh đua suốt ngày sợ người khác xuất sắc hơn mình. Đến lúc cần người tâm sự, bạn liên lạc lại giả lả như không, sốt sắng quá mức bình thường. Nhưng mình, một người đàn bà đã bước một chân về phía 50, đã nhạt nhẽo không ngại ngần. Khóa học nằm lòng “Bất kỳ tình nào, tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp, tình hàng xóm, thậm chí tình ruột thịt, mà thiếu sự tương hỗ qua lại thì cũng đều là một mối quan hệ độc hại”, mình cũng đã tốt nghiệp nó. 

PS2: gửi Anh: cám ơn anh đã chúc mừng em nhân ngày của mẹ. Em xin lỗi vì những phiền phức không đáng có. I dance my way topsy turvy through life, happier knowing that there are readers with gentle hearts like you and your wife 🙏

Video: cún đang làm vườn sấp mặt ở Salento các cụ nhé. 

Wednesday, May 3, 2023

Chuyện kể tháng 1 (tiếp theo và hết)

Nhìn từng quyển sách dày cộp nó sẽ phải học để đuổi kịp các bạn, mẹ nó bảo “Con hãy ngồi xuống học ngay đi. Ngày mai con sẽ biết nhiều hơn ngày hôm nay. Tháng sau con sẽ sáng tỏ nhiều thứ hơn tháng này. Chỉ cần con bền bỉ, những gì choáng ngợp và đáng sợ ngày hôm nay, chỉ mấy tháng nữa nhìn lại con sẽ thấy là chuyện nhỏ. Mẹ đính cái danh sách những phần kiến thức con còn thiếu này lên tường, để một thời gian nữa nhìn lại mẹ con mình sẽ thấy đó là chuyện nhỏ”.

Vẫn chưa hết, mình tiếp tục viết thư cho các thầy giáo trưởng bộ môn. Mình bảo con tôi bình thường học toàn A*, vì điều kiện cuộc sống gia đình tôi phải thay đổi chỗ ở liên tục mà nó bị tụt lại như này. Nhưng nó đang cố gắng hết sức và tôi hy vọng chỉ hai tháng nữa sẽ bắt đầu thấy kết quả. Từ giờ tới lúc đó, tôi mong các thầy tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích nó.

Bình thường mình không bao giờ quảng cáo con cái kiểu đi trước một bước như này nhưng lần này là ngoại lệ. Mình cần các thầy giáo bảo thằng con mình là nó sẽ làm được, hoặc nếu không nói được như thế thì chỉ cần không nói gì.

Buổi đầu tiên vào lớp bổ túc toán do trường sắp xếp, thằng con ego to như cái đình của mình về nhà vùng vằng “các thầy xếp Lê vào tiết toán lớp 10. Lê không muốn học cùng bọn trẻ con…”. Mình hỏi nó “Con có học được cái gì mới trong tiết học đó không?”. Trả lời “Có”. “Vậy con hãy bỏ sĩ diện sang một bên, con thiếu một số phần toán lớp 10 thì con vào học chung với lớp 10, có vấn đề gì đâu”. Định kể Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm phưn còn được, mài to đùng phải học cùng bọn bé tí thì đã là cái giề nhưng nghĩ bọn tây dở này nghe xong chả hiểu gì đâu nên thôi.

Suốt mấy tháng trời, thời gian chỉ xoay từ ăn sáng, đi học ở trường, về nhà ăn trưa rồi lại tự học hoặc học cùng gia sư, rồi ăn tối và lại tiếp tục làm bài đến tận khuya. Thời gian biểu như này đối với học sinh VN hiếu học có thể là chuyện thường, nhưng với dân tây chủ nghĩa hưởng thụ đã ăn vào máu thì không phải chuyện thường. Nó học nhiều nên ăn như hùm, mình nó ăn bằng 4 người cộng lại. Mình chính ra phải về Salento vào đầu mùa xuân để làm vườn và chuẩn bị nhà cửa cho khách thuê, nhưng phải bỏ hết, ở lại Moscow để lo cho nó ăn và giúp nó theo được thời khóa biểu dày đặc. Chỉ đúng một lần mình cho nó ăn hơi muộn, nó vào bếp mở tất cả các cánh tủ bếp tìm đồ ăn rồi khóc hức hức vì đói quá. Còn cứ cho ăn đầy đủ đúng giờ thì nó ngồi im một chỗ học đến tận quá nửa đêm, đến tận khi mình vào phòng nó bắt đi ngủ.

Kể thêm là vừa học cường độ cao được 3 tuần, tình hình đang tiến triển khả quan, từng phần kiến thức khuyết đang dần được lấp đầy, thì một hôm thằng con mình về nhà mặt mày bí xị “trường đổi ngày thi sớm, cuối tháng 3 đã bắt đầu thi rồi”. Như vậy là thay vì 4 tháng, nó chỉ có tổng cộng 2 tháng 1 tuần, trong khi thời gian thì đang một ngày cũng quý. Thế là từ đó mẹ nó mang đồ ăn nước uống vào tận phòng cho nó, vì thời gian để đi vào bếp nó cũng không có nữa…

Nó bận tối mắt như thế nhưng vẫn được các thầy cô giáo bộ môn thể dục điều đi tham gia một giải bơi giữa vài trường quốc tế với nhau. Nó mang về cho trường hai giải nhất. 

Giờ nó đã thi xong 3 môn, chỉ còn đợi cuối tháng 5 thi nốt môn toán. Mỗi môn thi ba bài, bài nào xong về nhà mẹ nó cũng xoắn xuýt hỏi “con làm bài thế nào con?” và cả 9 lần nó chỉ ồ ồ đúng một từ “good” rồi lại im bặt hoặc hát rống lên. Khả năng ngôn ngữ của thằng con mình có thể gọi là dừng lại ở thời tiền sử.

Một ngày cuối tháng 4, mẹ nó hỏi nó “Bây giờ, đưa cho con những bài kiểm tra con từng bỏ trắng không làm được, con đã làm được hết chưa?”. Nó gật. Mẹ nó hỏi tiếp “Nhìn lại, con đã thấy những gì xảy ra là chuyện nhỏ chưa?”. Nó gật nữa 💝 .

P.S: Cũng may là chỉ phải chiến đấu có một học kỳ thôi. Giờ tình hình nó ổn rồi thì mình lại lặn, chứ không các thầy cô giáo ở trường cũng phát ốm lên với một mụ da vàng mũi tẹt, con điểm chác lẹt đẹt hỏi phần nào cũng tắc tị sắp đúp đến nơi mà không hiểu mụ ta căn cứ vào đâu mà cứ tỉnh queo ương bướng bảo con tôi A* các thầy cứ chờ mà xem.

Thầy giáo dạy Lý có vẻ sốt ruột quá không chờ được. Các bài thi sẽ phải scan rồi gửi về hội đồng bên Anh để chấm và phải đến tháng 8 mới nhận được kết quả chính thức, nhưng ngay sau bài thi đầu tiên từ cuối tháng ba thầy đã tò mò chấm thử cho nó. Thầy bảo nó bài của cậu được điểm 95%. 

Tuesday, May 2, 2023

Chuyện kể tháng 1

Thằng con mình vào trường mới giữa năm lớp 12, trường mới học nghiêm chỉnh chứ không lêu têu như trường cũ, nó lại khuyết mất 2 năm IGCSE trước đó, tức là nó thiếu rất rất nhiều giờ học Toán Lý Hóa so với các bạn trong lớp, mà lại thiếu toàn phần khó. Ví dụ như thiếu toàn bộ phần Hóa hữu cơ. Cái sự thiếu này cũng là do trường Ý học nặng về các môn xã hội và không học nhiều các môn tự nhiên. Từ một học sinh đứng đầu lớp nhận điểm A còn không vừa lòng, nó trở thành học sinh ngồi cắn bút trong các bài kiểm tra, thậm chí bỏ trắng bài làm, điểm nhận về B, C thậm chí cả D. Mình thì cũng biết nó thiếu nhiều kiến thức nhưng cứ tưởng còn 1 năm rưỡi nữa mới vào đại học, con mình đuổi kịp thừa sức. Ai dè tuy chúng nó học A level 13 năm nhưng cuối năm lớp 12 đã có cuộc thi AS, khi đã học được nửa chương trình A level. Dựa vào điểm của cuộc thi AS, các thầy sẽ dự đoán điểm thi của từng học sinh vào cuối năm lớp 13, tức là dự đoán kết quả A level. Học sinh sẽ dùng dự đoán này để nộp hồ sơ vào các trường đại học. Các trường đại học sẽ xem xét và phản hồi, ví dụ “nếu kết quả A level của thí sinh được đúng như dự đoán này, thì thí sinh sẽ được nhận vào trường của chúng tôi”. Các học sinh lớp 12 vì vậy phải cố hết sức để đạt kết quả tốt trong kỳ thi AS nếu muốn được trường đại học ra hồn nào đó cân nhắc.

Thế là thay vì có 1 năm rưỡi để đuổi kịp bạn bè, thằng con mình chỉ có 4 tháng. 4 tháng để bật lên từ điểm B, C, D trở lại về điểm A, mà 3 môn chứ không phải 1 môn.

Một tuần sau khi vào trường mới, nó về nhà bảo mẹ “các thầy bảo Lê thiếu nhiều quá, có khả năng phải học lại 1 năm”. Nó kể với mẹ, giọng đều đều, mắt nhìn xuống đất. Phải là hai con bé lắm lời nhiều nước mắt kia thì chúng nó đã lăn đùng ra đất gào khóc ăn vạ buộc tội bắt đền tại ông bà mà đời tôi dang dở. Nhưng thằng Lê là con trai, khả năng ngôn ngữ e chừng hơi cọc cạch, nó chỉ nói được đến thế, rồi ngồi cúi đầu im thít không nói gì thêm. Nhưng mình biết nó rất buồn. Nó xưa giờ học toàn A*, chơi thể thao giỏi, đi đâu cũng được già trẻ lớn bé khen đẹp trai, lại đang tuổi 17 ngựa non háu đá lòng tự tôn vốn cao như quả núi. Thế mà giờ phải chấp nhận khả năng học đúp như này.

Mình xót nó quá. Phải là lười như con La hoặc không quan tâm sự đời như con Na thì mình cũng đành chấp nhận. Ở đời không phải lúc nào cũng có đủ sức để bơi dòng nước ngược, có khi cứ để xuôi dòng dưỡng sức rồi làm việc khác có ích hơn. Nhưng chăm chỉ cầu tiến lúc nào cũng muốn hoàn thiện bản thân như thằng Lê thì khác. Không, mẹ sẽ làm mọi thứ để giúp con.

2h sáng, mình vẫn ngồi mò mẫm trên mạng. Đã chẳng có kinh nghiệm gì, thời gian lại gấp quá không hỏi được ai, cái gì cũng phải tự mò. Sáng hôm sau, khi đưa chúng nó xuống nhà đi học, mình bảo nó “chỉ cần con nói là con sẵn sàng chấp nhận thử thách phải học đêm học ngày trong ít nhất 4 tháng, mẹ sẽ thuê gia sư giỏi nhất cho con”. Nghe đến tiền công gia sư, nó lè lưỡi. Mẹ nó bảo “con đừng lo, chỉ cần con nói con muốn, mẹ sẽ thuyết phục bố”. Nó gật.

Thế là mình vào mạng liên lạc với hai gia sư mình đã chọn để gia sư cấp tốc cho nó 3 môn Toán, Lý, Hóa. Trầy trật hàng trăm tin nhắn qua lại mới khớp được lịch của thầy bận và trò bận vào với nhau và mới thống nhất được cách thanh toán trong tình cảnh ngân hàng cấm vận ngặt nghèo. Hệ thống giáo dục Anh đã biến thành một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, đi một bước trả tiền một bước. Ngày 11/1 nó vào trường mới, ngày 21/1 nó bắt đầu học giờ đầu tiên với gia sư.

Thu xếp gia sư cho nó xong, mình tiếp tục đến trường nói chuyện với thầy hiệu trưởng. Nhưng mình cũng biết là các thầy cô ở trường bận, họ giúp được đến đâu hay đến đấy chứ mình cũng không đòi hỏi họ giúp mình toàn bộ những thứ con mình thiếu. Thầy hiệu trưởng cũng nhiệt tình. Các giờ học bổ túc được các thầy cô giáo bộ môn sắp xếp ngay lập tức.

Rồi mình về nhà sắp xếp lại phòng của nó, giúp nó tổ chức thời gian, lịch học, mua chồng vở cho nó viết nhãn Vở tự học toán, vở tự học lý, vở tự học hóa, mua bút và bảng rồi gọi thợ treo lên tường ngay trước bàn học để cần ghi gì thì có thể ghi luôn và những thứ cần phải ghi nhớ, kế hoạch muốn làm, thì luôn ở ngay trước mặt, hàng tuần xóa đi viết mới. Chuẩn bị đến cả tập giấy nháp để cho nó lúc làm bài cần giấy nháp là có luôn. Lại in cả danh sách những phần kiến thức nó cần phải đuổi kịp và đính lên tường “con học xong phần nào con đánh dấu tick vào cho mẹ”. Bình thường mình không can thiệp tận nơi thế này đâu nhưng thời gian gấp rút, phải chuẩn bị sẵn sàng để nó có thể hit the ground running. 

(còn tiếp)