Sunday, January 18, 2015

Tout est pardonné?

Ai sống trong xứ đạo Hồi mới hiểu đạo Hồi chi phối cuộc sống người dân thế nào. Người đạo Hồi mỗi ngày phải cầu nguyện 5 lần. Mỗi tuần phải dành ngày thứ 6 để cầu nguyện. Vào ngày thứ 6 thì tiếng loa rền rĩ gọi người đi cầu nguyện hàng ngày trở thành tiếng giảng đạo rất quyết liệt, hàng tiếng đồng hồ thấy cứ nói xa xả như quát mắng ai. Mới đầu mình không biết, cứ tưởng nhà hàng xóm bật TV to. Đặc biệt mỗi năm phải dành một tháng, tháng Ramadan, để cả ngày chỉ cầu nguyện (và ngủ, tối lặn mặt trời mới giở ra ăn uống). Trong thành phố cứ vài trăm mét phải có một cái nhà thờ, để khi nghe tiếng gọi đi cầu nguyện, trong vòng 15 phút bất kỳ ai cũng có thể đi bộ tới nhà thờ gần nhất.

Chị hàng xóm nhà mình có lần đi nghỉ, nhờ mình trông hộ cô maid. Đúng tháng Ramadan, mình hai ngày chạy qua bấm chuông một lần hỏi nó có ổn không có cần gì không. Nó ra mở cửa cho mình, lần nào cũng mặc bộ đồ cầu nguyện, mắt mơ huyền điệu bộ lâng lâng thoát tục, hỏi mấy lần mới trả lời.

Ngay cả ngôn ngữ và suy nghĩ của họ cũng có sự hiện hữu liên tục của Chúa. Chị có khỏe không? Cảm tạ Chúa tôi khỏe lắm. Ngày mai mình gặp nhau nhé? Vâng, nếu Chúa cho phép. Mấy đứa con chị ngoan quá! Cám ơn, cầu Chúa cho chúng được mãi thế. M, ở khách sạn trên trần nhà có vẽ hình mũi tên chỉ hướng thánh địa thì người ta còn biết thánh địa ở đâu, chứ ở nhà thế này làm sao anh biết thánh địa hướng nào để còn quay hướng đó khi cầu nguyện, nhỡ thánh địa hướng này anh quay hướng kia thì làm sao hả M? Madame, tôi biết chứ, nếu tôi không biết thì Chúa sẽ giúp tôi!

Sự chi phối của tín ngưỡng khiến họ có niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, không chấp nhận bất cứ sự hoài nghi phản kháng nào. Nhưng không hoài nghi phản kháng thì làm sao tiến bộ? Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi đạo Hồi nổi tiếng hà khắc, bảo thủ và lạc hậu. Giữa thế kỷ 21, ở thế giới tư bản văn minh tự do, nơi ngay cả việc giết một con thú người ta còn phải cân nhắc giết sao cho nhân đạo, khó ai có thể tin rằng ở thế giới đạo Hồi một người phụ nữ vẫn có thể bị ném đá đến chết vì quan hệ với bạn tình, bị treo cổ hoặc chặt đầu nơi công cộng vì một tội nào đó mà ở nơi khác chỉ là mấy năm tù, hoặc một người có thể nhận hình phạt hàng trăm roi tan xương nát thịt vì trót phát ngôn không được phép.

Bảo thủ dẫn tới độc đoán áp đặt, không chấp nhận những gì khác mình. Ngay trong cộng đồng Hồi giáo của họ họ cũng cãi nhau đánh nhau như mổ trâu mổ bò chỉ vì dòng nọ diễn giải lời của nhà tiên tri khác với dòng kia. Nhìn cách họ phản ứng dữ dội khi cảm thấy bị xúc phạm, thường ta sẽ tưởng như vậy chắc họ phải tránh xúc phạm các đạo khác lắm. Nhầm to. Người Hồi giáo tin tưởng một cách không giấu diếm rằng Chúa của họ là duy nhất, tối thượng, người đạo Hồi chết mới lên thiên đường, người theo đạo khác là vô minh, là tà đạo, chết không được lên thiên đường mà phải đi chỗ khác. Chỗ khác này chắc là âm phủ???? Cứ tưởng tượng nếu những người theo đạo khác cũng hay động lòng và chọn cách phản ứng dữ dằn như đa số người theo đạo Hồi, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Sự sùng bái tôn giáo tạo thành một tiền đề rất nguy hiểm là nhân danh tôn giáo người ta có thể làm mọi thứ. Nhẹ thì không dưng nhảy xổ ra trước mặt người khác bắt bẻ tại sao lại ăn mặc hở hang thế này, tại sao lại không thuộc Coran, tại sao không để Coran lên giá sách trên cùng cao hơn tất cả những thể loại sách khác, tại sao tay chân bẩn thỉu ở đâu mà vồ ngay Coran đọc ngấu nghiến như đúng rồi thay vì lót tờ giấy ăn cho nó thành kính, tại sao giờ cầu nguyện của chúng tao mà mày lại giở bánh ra ăn, vv và vv. Nặng thì phạt người vi phạm bằng những hình phạt dã man như thời Trung cổ. Và nặng nữa thì là xả súng giết người hàng loạt.

Tuy trên đời chẳng có thứ đạo nào cổ vũ người khác làm điều xấu và đạo Hồi cũng vậy nhưng tư tưởng sùng bái của đạo Hồi khiến vấn đề rất dễ nảy sinh. Người theo đạo Hồi nếu là người tốt, hiểu biết, thì họ chỉ là những người ngoan đạo, thiện tâm, trung thực và cực kỳ hào phóng. Nhưng nếu là người không hiểu biết, đặc biệt vì nghèo nên không có điều kiện hiểu biết, thì rất dễ thành cuồng tín manh động. Đặc biệt nếu là người không tốt, hoặc đầu bị hỏng ở chỗ nào đó, nếu theo đạo khác (hoặc vô thần) thì chỉ là thằng hâm hâm đi phá làng phá xóm làm rầu lòng cha mẹ, nhưng theo đạo Hồi thì rất dễ bị tẩy não, trở thành cuồng tín cực đoan thánh chiến.
Bạn nào muốn hiểu rõ hơn về đạo Hồi thì nên xem Wajda và Persepolis, hai bộ phim giản dị nhưng rất thuyết phục. Mình giờ chỉ thích xem những phim kiểu này chứ rất chán những bộ phim Hollywood nam thì yêng hùng nữ thì lẳng lơ một cách không cần thiết.

Sunday, January 11, 2015

Mare Nostrum

Hơn một năm trước, sau khi xảy ra mấy vụ tàu chở người di cư đắm ngay ngoài khơi một hòn đảo thuộc Ý khiến hàng trăm người chết thảm, chính phủ Ý khởi động chiến dịch Mare Nostrum nhằm tìm kiếm và cứu nạn người di cư bất hợp pháp tìm đường đến châu Âu qua ngả Địa Trung Hải, tháo chạy khỏi những nước Hồi giáo loạn lạc từ sau mùa xuân Ả rập. Những người này vượt biển trên những con thuyền nát, nhiều thuyền trông không hơn cái mủng là bao, thậm chí có chuyến còn bị bọn buôn người chủ động đánh đắm, nói chung tỷ lệ chết đuối rất cao.

Đây là một hành động có thể coi là “nghĩa cử” của Ý nhưng cuối cùng lại không được sự ủng hộ của các nước EU. Lý do là họ không muốn người tị nạn thấy bở là ồ ạt kéo tới, gây thêm gánh nặng trợ cấp cho xã hội vốn đang vật lộn với đủ vấn đề của nước họ. Họ có lý của họ. Dân họ làm mửa mật đóng thuế mà thời buổi khó khăn còn bị cắt giảm bao nhiêu phúc lợi, đời nào họ cho mang tiền thuế đi cưu mang những người chẳng liên quan, nhất là những người Hồi giáo nhập cư vốn không phải nức tiếng tốt đẹp gì. Còn Ý thì có lý của Ý vì ở vào thế khó do vị trí địa lý, hàng ngày tiếp nhận thông tin tàu đắm người chết ngay vùng biển nước mình, mang tiếng là nước văn minh, nhân quyền, nhân đạo cao, không thể nhắm mắt mặc xác cho chúng mày chết tao chỉ làm nhiệm vụ vớt xác.

Thế là hải quân Ý gồng mình gánh sứ mệnh nhân đạo cao cả, tìm kiếm, cứu trợ, cho ăn uống, thuốc men y tế, và lai dắt hoặc thậm chí chở người nhập cư tới đất liền, cứu được gần 150,000 người như vậy, mặc dù cứu xong thì hình như cũng chẳng biết làm gì tiếp???? Chưa kể còn có nguy cơ khủng bố trà trộn để thâm nhập vào châu Âu. Sau vụ Charlie Hebdo ở Pháp, cảnh sát Ý giờ cũng đang sốt vó lùng sục vì nghi có khủng bố Hồi giáo cực đoan trà trộn vào đám dân tị nạn ở Sicily.

Chiến dịch đó rút rất nhiều sức của hải quân và một khoản kinh phí khổng lồ hàng tháng lấy từ ngân sách vốn cũng đã rất eo hẹp của Ý. Sau một năm, Mare Nostrum đã buộc phải dừng lại.

Có hay không có Mare Nostrum, hàng ngày, rất nhiều người Hồi giáo tuyệt vọng vẫn vượt biển trên thuyền nát, hy vọng được đổ bộ lên xứ sở tự do giàu có bên kia bờ Địa Trung Hải. Mình thực sự không hiểu những nước Tây Âu, nhất là Pháp, sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Cộng đồng Hồi giáo trong xã hội ngày càng đông, vừa muốn có quốc tịch, vừa muốn giữ bản sắc, nhưng giữ bản sắc thì lại khó hòa nhập, tức là có quốc tịch nhưng vẫn cảm thấy mình đứng ngoài rìa xã hội, chả ai coi mình ra gì, rồi việc thì khó kiếm, kết hôn thì sớm, con thì đẻ sòn sòn, túm lại vẫn loanh quanh trong vòng đói nghèo lạc hậu, mãi rồi thành tâm lý hoang mang bất mãn thù ghét xã hội. Lại cộng thêm truyền thống sùng bái tôn giáo, đúng là con đường ngắn nhất dẫn tới cực đoan, tạo thành rất nhiều những quả bom nổ chậm trong xã hội.

Gặp những vụ khủng bố cực đoan kiểu Charlie Hebdo, chính phủ làm được gì ngoài bắn chết? Nhưng chết thế không vấn đề gì với chúng nó. Chúng nó tin rằng tử vì đạo là được lên thiên đường và được tận 70 trinh nữ phục vụ, thế chắc chắn là ngon hơn sống ở dương gian có khi chả có ẻm nào mà kiếm sống lại vất vả.

Mình chỉ biết sau vụ này rất nhiều người Hồi giáo sẽ bị vạ lây dù họ chẳng có lỗi gì. Cá nhân mình biết nhiều doanh nhân Hồi giáo rất thành đạt, ở Dubai nhà như cung điện, ra đường mọi người cung kính, nhân viên nhìn thấy chủ thì sợ xanh mắt mèo, mà sang tới hải quan phương Tây, giơ quyển hộ chiếu ra là bị hạch hỏi, quát tháo, thậm chí trả lời không thỏa đáng một cái là có khi bị tạm giam chờ xác minh xem có liên quan tới khủng bố không ngay. Người Việt Nam mình cũng bị kỳ thị phân biệt, nên chắc không khó tưởng tượng cảm giác của họ.

Còn về đạo Hồi, một thứ tín ngưỡng rất khó tả, mình sẽ viết ở entry sau.

Saturday, January 3, 2015

And pou’d the gowans fine…


Cả ngày chạy qua chạy lại như mắc cửi. Bọn trẻ con được nghỉ lễ, ở nhà phá như giặc, bày bừa khủng khiếp và ăn không ngớt mồm. Thêm ông chồng ở nhà điện thoại inh ỏi suốt ngày. Thế là mình vừa phải hầu thêm ông vừa phải nghe thêm tiếng điện thoại, cộng thêm tiếng con hò hét. Đúng là như ong vỡ tổ.

Tối, con vật ra ngủ hết, mình mệt bã người định đi ngủ luôn thì lại nhớ ra đống quần áo chưa giặt. Đang ngồi trong phòng đồ giặt phân loại quần áo, thì nghe được ông chồng quý hóa đang ông ổng vừa gan ruột vừa văn vẻ an ủi ai đó trên điện thoại “Rồi thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương” (Time is a gentleman)!!!

Thề có trời đất, nghe xong câu đó mình đang ngồi xổm suýt ngã ngồi ra đằng sau luôn. Quả là một người đàn ông tâm lý, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, lại còn nhiệt tình, lại còn sâu sắc. Thế mà việc nhà thì lười như hủi, vợ nhờ việc gì cũng kêu bận, thậm chí dùng hết lọ dầu gội đầu cũng lười tới mức không buồn vứt, vợ thi gan không nổi cuối cùng đành phải vứt hộ cho. Còn từ lúc ăn tối xong tới giờ chỉ có đủ sức lê đít từ bàn ăn dưới nhà lên sofa trên nhà, và ngồi ịch xuống thở, và ngồi nguyên ở đó từ đó đến giờ tức là sắp giờ đi ngủ. Người đàn ông ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng xuất sắc nhất mọi thời đại là đây.

Mình chỉ sợ cái bệnh vác tù và này càng về già càng nặng lên, kiểu như chục năm nữa ăn xong là ra ngoài đường chầu chực thấy ai đi qua là cũng chạy lại khăng khăng đòi giúp, ngay cả khi người ta không cần giúp.

Hôm sau, đã bận bỏ bu còn bị ông rào đón “mai anh đi đá bóng đấy nhé, anh là đội trưởng đấy”. Trước câu vâng cụt ngủn của vợ, ông băn khoăn dò hỏi “em không đến xem anh đá bóng à?”. Bảo “không”. Ông im im rồi chiều tối lại dò hỏi “em không đi xem anh đá bóng à?”. “Đã bảo là không rồi”. Sáng hôm sau, ông không dò hỏi nữa mà ông nằng nặc “Em phải đi xem anh đá bóng. Bao lâu nay anh không đá bóng, thế mà lúc đá em lại không xem”. Thế là đúng giờ chính ra phải cho con tắm và chuẩn bị bữa tối thì mình đành phải tắm cho con và nấu ăn từ sớm rồi tấp tểnh vác thân già đi xem mấy cầu thủ hói đầu phệ bụng chạy như chó quẩng trên sân.

Hôm sau nữa thì người ông ê ẩm chân đi lết lết, ngồi xuống không được, mà ngồi xuống rồi thì đứng lên không được vợ gầy gò toàn phải kéo. Mà kéo ông rất khó, kéo nhẹ thì không ăn thua, mà kéo mạnh thì ông la oai oái. Được ông anh chồng, kéo ông em trai quý hóa được đúng một lần đã bảo “mày như con lợn chết, kéo kiểu gì”.

Đợt nghỉ lễ, sếp to từ Rome sang phải đưa rước thăm thú nơi nọ nơi kia, cộng thêm bạn hơn chục năm nay mới gặp, cộng thêm gia đình anh chồng sang chơi, vui thì vui thật nhưng mình thở ra đằng tai. Đến hôm nay thì khách đã về, trẻ con đã đi học, ngài đã đi làm. Mình mở lịch điền events và những chuyến đi của năm mới. Lại một năm bận rộn đây, ít nhất là cho tới hè.