Monday, December 28, 2020

28/12/2020

Hôm nọ mình đang đi trong cửa hàng IKEA thì thấy một con bé tuổi độ 16, 17 đang trợn mắt vẻ mặt dữ dằn hai tay chém chém vào không khí và mồm thì nói cham chảm cái gì đó. Hai bậc phụ huynh mẹ thì đứng xụi lơ trước mặt nó, còn bố thì giả tảng ngó lơ chỗ khác, cả hai đều có vẻ bất lực cam chịu. Thú thật nhìn cảnh đó mình rùng mình vội rảo chân đi thật nhanh. Con bé làm mình nhớ tới cô con gái cũng đang tuổi teen của mình ở nhà. Con bé này mới trợn mắt tay chém chém không khí chứ con mình lúc lên cơn thì còn nhe cả răng, hai cái răng bàn cuốc.

Nhiều lúc mình cứ tự hỏi đứa con gái thơm tho sạch sẽ chúm chím điệu đàng váy áo công chúa của mình ngày nào giờ đi đâu rồi, thay thế bằng một khuôn mặt toàn trứng cá, mái tóc bóng dầu không chịu tắm gội, áo ngắn hở rốn nói cách nào cũng không chịu mặc cái nào dài hơn, điệu bộ động tác y hệt mấy đứa rapper du thủ du thực, để phòng bừa bãi như cái chuồng lợn, cãi láo như ranh và khi gặp cái gì không vừa ý thì nó hét với một giọng đảm bảo có thể làm thủng màng nhĩ bất cứ ai đối diện hoặc thậm chí chỉ cần đứng gần.

Cách đây vài tháng bạn của ngài mời cả nhà đến ăn tối. Nghe thấy thế mình mừng rỡ đồng ý liền. Hai vợ chồng đó mình đánh giá là người nghiêm túc, vẫn nhớ họ có 2 đứa con gái dễ thương chăm đọc sách và bằng tuổi con mình. Hy vọng lũ đười ươi nhà mình gặp gương sáng thì sẽ khá khẩm lên???

Thế là cả nhà khăn áo chỉnh tề rồng rắn kéo nhau đi. Đến nơi, mình sững sờ ú ớ suýt đánh rơi cả đóa hoa đang bưng trên tay khi thấy mở cửa cho mình là một con bé đi giày móng guốc bét ra cũng phải chục phân, quần bó chít, áo cũng ngắn hở rốn như con mình, móng tay mận chín vừa cong vừa dài, môi cũng tô son tím bầm dập, mắt tô phấn màu xanh lơ rất không liên quan, và mái tóc xơ nhuộm xanh đỏ tím vàng!

Trong bữa ăn mẹ nó kể với mình rằng để cho nó không xỏ khuyên và xăm trổ nhố nhăng thì chị ấy đành chấp nhận cho nó nhuộm tóc bất cứ màu gì nó thích, và có những đợt nó lên cơn thì đóng cửa ở lì trong phòng 3 ngày liền tù tì và chỉ chúi mũi vào điện thoại. Chị ý còn kể bạn của chị ý đau khổ khi thấy cô con gái một hôm về nhà với cái cẳng tay đã xăm kín, mà xăm gì không xăm lại xăm đúng tên và mặt thằng bạn trai. Bạn trai rồi chắc chắn sẽ bỏ, thế còn cái cẳng tay mình có tên và cái mẹt nó thì bỏ làm sao???

Ôi thế hóa ra con gái mình vẫn còn tử tế chán, vì chưa thấy nó đòi nhuộm tóc hay xỏ khuyên hay xăm trổ gì. Bên này nhiều đứa xỏ khuyên rốn, khuyên mũi, khuyên môi, khuyên lưỡi, khuyên lông mày, còn trên hai vành tai thì chúng nó làm cả một xâu, đi lại kêu leng keng như treo chuông.

Trong một diễn biến khác, ngài một hôm tức tối chạy ra bảo vợ “Em ơi, thằng Ale nhà mình nó thích tí, mà là tí đàn ông em ạ”. Giời ơi, nó vồ thì tiện đâu nó vồ đấy, chứ tí tiếc gì mà cứ đổ oan cho con trai người ta. Thằng con giời đánh cứ vài phút lại chạy ra vồ vào tí bố một lần, thằng bố rên xiết. Mấy ngày nay nó có vẻ không vồ tí nhiều như trước, nhưng đổi lại nó lại gọi ông bô nó là “Xinh đẹp”. Ông bô nó sau mấy ngày cực lực phản đối thì giờ có vẻ cam chịu, con gọi “xinh đẹp ơi” là bố trả lời luôn, và lúc gọi thằng con thì cũng gọi “xinh đẹp ơi” và thằng con cũng trả lời luôn! Mình cũng chết dở với thằng con dẩm dớ. Chòng ghẹo, tranh ăn với em, phá phách, suốt ngày rủ bố vật nhau, và cứ nhằm đúng lúc mẹ ngồi thiền là nhảy vào phá đám. Chưa kể suốt ngày cả nhà inh tai nhức óc cái giọng hát như bò rống của nó. Mà thế vẫn chưa tệ bằng việc cả ngày nắng đẹp khô ráo thì nó không chạy, nó đợi đúng lúc trời tối mò, vừa mưa vừa rét căm căm nó đầu trần áo cộc ra đường đi chạy. Tối quá mấy lần không thấy đường vấp ngã lăn quay khuỷu tay với đầu gối không còn chỗ nào là không sứt.

Nhưng hôm nọ mình đang đi có việc thì nhìn thấy hai thằng choai choai chạy ngược chiều nhau trên vỉa hè, vừa chạy vừa gáy lên như gà. Đúng theo nghĩa đen là gáy lên như gà, và lúc gặp nhau thì một thằng còn đập đánh bốp vào…chym thằng kia ra ý chào. Ôi thằng con của mình ở nhà dở người thì dở người thật nhưng ra đường thì lấm lét như rắn mồng năm chứ chưa đến mức này.

Vại là mình may mắn chán ra rồi. Càng may mắn hơn vì trong nhà vẫn còn một em bé sạch sẽ thơm tho đã hứa đinh ninh Na sẽ không lấy chồng Na ở với mamma suốt đời 💓.

Tuesday, December 8, 2020

8/12/2020

Lần bầu cử này, tôi đã chắc mẩm T sẽ thắng, chỉ để đến ngày 4/11, ngỡ ngàng khi báo chí xướng tên Biden. T họp báo sáng sớm tuyên bố I won nhưng mặt lại nghệt nghệt chứ không vênh váo một rổ tự tin như ngày thường. Chuyện gì đang xảy ra?

Một người rally luôn đông nghẹt mà có thể thua đối thủ vừa già vừa ngốc rally người tham dự thì ít màn hình nhắc chữ thì nhiều? Nại lý do vì covid nên ko ai đến ủng hộ, thế lúc bạo loạn cướp bóc cả tháng trời và lúc tưởng thắng đổ ra đường ăn mừng thì sao không thấy lôi covid ra?

Tại sao biểu đồ phiếu của Biden tự dưng nhảy một đoạn thẳng đứng lên giúp Biden chuyển bại thành thắng, mà lại phải nhảy vào lúc đêm hôm? Có phải do T bỏ xa Biden quá nên bọn chúng buộc phải tiêm phiếu cơ học, tính làm liều một miếng thật to đổi vận, ai ngờ nuốt trộng nên nuốt không trôi?

Rồi tin đồn có gian lận bầu cử vỡ ra và ngày càng nhiều lên. Người bảo có, người bảo không. Sự thật ở đâu?

Thế là nội trợ mấy tuần qua đành lục tung đủ mọi nguồn. Báo chí chính thống thì điếm từ lâu, nên giờ muốn biết sự thật thì phải đi tìm các nguồn không chính thống, tức là bao gồm cả các thuyết âm mưu. Người không có kinh nghiệm giờ tự dưng lại sa vào một biển thuyết âm mưu, những ngày đầu phải thú nhận là điên đầu, hoang mang, lẫn lộn. Nhưng cứ tiếp tục lội các thể loại thông tin, đối chiếu, chắt lọc và quan sát các hiện tượng, thì mọi sự cũng dần sáng tỏ hơn.

Thứ nhất là phản ứng yếu ớt của bên DC. Hai Bạch Cốt Tinh Clinton và Pelosi mọi khi mồm năm miệng mười lắm mà sao lần này im như thóc, cả cặp Obama cũng không thấy đa ngôn bóng bẩy như mọi khi. Biden-Harris xẹp lép như pháo tép ngâm nước, chả ra dáng cặp đôi vừa thắng cử đàng hoàng vang dội. Trong sạch thì sao không ra mặt khẳng định chúng tao cây ngay chả sợ chết đứng, chúng mày thích thì cứ việc chi tiền kiểm phiếu chúng tao tạo mọi điều kiện? Hay không dám phát ngôn gì sợ sau này sẽ bị vin vào đó mà buộc tội? Hay tin đồn cả xâu đã bị xúc vào Gitmo từ nhiều tháng nay là thật?  

Thứ hai, không có gì khuất tất sao phải thúc ép, đe dọa, ngăn kiểm phiếu, ngăn giám sát, không đồng ý cho đối chiếu chữ ký, tiêu hủy chứng cớ, loanh quanh hôm nay bảo có ngày mai bảo không vv và vv?

Thứ ba, lũ ủng hộ Biden ngoài thóa mạ cá nhân ông Trump và giễu cợt những người ủng hộ ông ý, thì vẫn chả có lý lẽ nào ra hồn.

Thứ tư, T và đội ngũ của ông ý vẫn tiếp tục ban bố các chính sách mạnh mẽ thể hiện các bước tiến quan trọng tiếp theo chứ chả có vẻ gì là rã đám.

Thứ năm, sự lên tiếng quyết liệt của luật sư Sidney Powell, Lin Wood, tướng Flynn, tướng McInerney. Họ đều là những nhân vật tài ba nổi tiếng lời nói ra có sức nặng chứ không phải hạng bá láp nói láo kiếm cơm.

Thứ sáu, Biden ngoài việc cố thủ dưới hầm trước bầu cử, và lại tiếp tục cố thủ dưới hầm sau bầu cử, và bò lên chỉ để nói những câu ngớ ngẩn kiểu chúng tôi có hệ thống gian lận bầu cử kiện toàn và rộng khắp, nếu bất đồng với Kamala thì tôi sẽ lâm bệnh và từ chức, rồi có mỗi việc nhìn màn hình đọc diễn văn mà còn lắp bắp palmist palmist, thì cửa nào dành được 80tr phiếu bầu??? Nhất là gần đây lại còn gia nhập câu lạc bộ ankle boots đúng như dân mạng đã dự đoán.

Rồi việc CNN bị ghi âm lộ mặt gian giảo láo lếu

Cuộc tập kích của quân đội Mỹ thu giữ máy chủ của CIA ở Frankfurt.

Một loạt avatar các nhân vật nổi tiếng chuyển đen trắng

Những bằng chứng gian lận hàng loạt không thể chối cãi, mà toàn gian lận có lợi cho Biden

Hollywood lặng như tờ. Hay tin đồn bị xúc vãn vào tù là có thật?

CIA FBI im thít, Gina Haspel biến mất ko dấu vết. Mỗi mình phe Trump cào mặt đấm ngực thùm thụp tố cáo hết gian lận nọ đến gian lận kia dường như để cho dân tình mở mắt.

FB Twitter chặn thông tin một cách trơ trẽn mất dạy như ko còn gì để mất.

Fact check của fb hóa ra là được điều khiển bởi hai cô gái gọi và một con mèo???

Đào sâu thêm, từ rất lâu T đã lên án vấn đề gian lận bầu cử, chẳng nhẽ người bản lĩnh và lão luyện như ông ý và các cộng sự lại không có sự chuẩn bị từ hàng năm trước? Covid xuất hiện và do đó đảng DC đòi bầu qua thư có thể là một trở ngại mới vào phút cuối. Nhưng T vẫn có khoảng thời gian vài tháng để thực hiện thêm các biện pháp phòng chống gian lận cơ mà?

Đào sâu thêm nữa: Gitmo đã được âm thầm nâng cấp từ năm 2018. Lệnh hành pháp trừng trị những cá nhân và thực thể can thiệp bầu cử Mỹ bao gồm cả tịch thu tài sản. Mỹ khôi phục lại án tử hình cho tội phản quốc. Rất nhiều nguồn tin độc lập cho biết có hoạt động đường không dày đặc quanh Gitmo thời gian gần đây.

Như vậy, khả năng ông ý ngay từ trước bầu cử đã nắm được thông tin tình báo của việc đối thủ dùng máy đếm phiếu và các thuật toán tinh vi thao túng bầu cử nên quyết làm một canh bạc đón lõng bắt tận tay và nhổ tận gốc, không phải là một giả thuyết vô lý. Chỉ là đến lúc các bằng chứng gian lận từng bang vỡ ra, hóa ra bên DC gian lận bằng mọi giá, ở mọi cấp độ, bằng mọi hình thức từ cao cấp tinh vi như dùng phần mềm gian lận đến trung cấp như in gian phiếu và đến cả hạ cấp thô sơ như xé phiếu giấu phiếu trơ trẽn đuổi giám sát viên CH ra khỏi phòng kiểm hoặc thậm chí là bê máy kiểm phiếu chạy, thì quy mô của nó và sự trơ trẽn táo tợn gan lỳ của bên DC khiến cho công cuộc lội ngược dòng của ông ý khó khăn hơn tưởng tượng ban đầu. Đó là còn chưa kể một cơ số các đảng viên CH phản bội. 

Cộng thêm các quan sát sau đây:

-          tàu khựa im lặng theo dõi tình hình, chỉ chúc mừng Biden thắng cử như một cách nhổ bọt trả đũa khi T ra danh sách cấm một cơ số các công ty tàu khựa làm ăn gian giảo. Và họ Tập liên tục cảnh báo quân đội chuẩn bị cho chiến tranh. Ngửi thấy mùi chuẩn bị ăn đập cái tội chơi dơ rồi phải không?

-          cách đây mấy tháng cả Trump và Pompeo đều tuyên bố có bằng chứng khá vững phòng thí nghiệm Vũ Hán là nơi phát tán virus, nhưng sau đó cả hai người đều không nhắc lại một lần nào những luận điệu này, trong khi mối nghi ngờ của nhân loại vẫn không giảm sút. Lẽ nào đúng là Wuhan lab để sổng virus thật, nhưng còn có nguyên nhân sâu xa hơn??? Lẽ nào còn có một cái gì đó lớn hơn rất nhiều mà người thường như mình không biết và người ở vị trí của các ông ý hiện giờ chưa thể tiết lộ?

Dù gì chăng nữa, một đảng phải dựa vào lũ du thủ du thực lưu manh trộm cướp Antifa, BLM và các thành phần bất hảo khác để o ép dọa nạt cướp bóc của dân lành thì không bao giờ là đảng của chính nghĩa. Những người ủng hộ Biden, bình luận chính trị không viện lý lẽ không tự dùng não của bản thân mà chỉ ăn theo nói leo thóa mạ cá nhân thì là kiểu cách của hạng người gì? là các người có trí tuệ quá bé hay cái tôi quá to? Trí tuệ quá bé thì không có gì phải giải thích, còn cái tôi quá to tức là trót thóa mạ giễu cợt người ta nhiều quá rồi giờ trở cờ thì xấu hổ nên phải tiếp tục lao theo bất kể lý lẽ hoặc âm thầm lạy giời cho Biden thắng để cho ego của mình cũng được đu theo thắng theo? 

Với chiến lược bẩn mấy lộ mấy dơ mấy cũng quyết lăn xả, thể diện không thành vấn đề vì đằng nào cũng không có, của đảng DC và những thế lực chống lưng cho nó, thì chính nghĩa cũng phải trầy vi tróc vảy. Tôi thực lòng cầu cho T sẽ vượt qua được cửa ải trùng trùng gian khó địch quây bốn bề này.

 P.S Trong quá trình đào bới các thể loại thông tin thì tôi có bấm trúng vào một video của chị Obama. Nhìn bộ nhá xi ca la vâu của chị cứ nhe ra như thể muốn dọa người đối diện, lại còn bóng bẩy “When they go low we go high” mà sởn mịe cả da gà. Giờ high tới tận nóc nhà luôn sướng nhé. Big Mike mà cứ làm quá :-)))))

Monday, November 16, 2020

Fake built on fake

Có lần, trong một bữa tiệc ngoại giao, một anh đại sứ đã bức xúc nói toang toang với tôi, ngay giữa phòng tiệc chả nể nang, “Ai chẳng biết đại sứ China mang từng vali tiền đi hối lộ các quan chức chính phủ để doanh nghiệp China trúng thầu”.

Làm kinh doanh kiểu gì cũng phải đáp ứng những quy định tối thiểu về đãi ngộ người lao động, chất lượng sản phẩm, môi trường, đạo đức kinh doanh. Thiếu những cái này bị phạt bị tù như chơi. Nhưng khựa thì khác, giá nào khựa cũng làm được, điều kiện nào cũng làm được, chất lượng và hậu quả không phải vấn đề trọng yếu. Chưa kể những công ty của phương tây đi hối lộ bị phát hiện thì về cố quốc đối diện án hình sự. Còn công ty khựa đi hối lộ công khai, còn được chính phủ khựa chống lưng ủn đít. Gói thầu nào khựa chả thắng. Tiền hối lộ vào túi quan tham nhưng khựa cũng chả thiệt. Khấu trừ vào chất lượng sản phẩm hoặc nâng khống chi phí dự án sau này là xong. Khựa không giỏi hơn ai nhưng đảm bảo không ai cạnh tranh được với khựa, từ hàng tiêu dùng đến hạ tầng đến ngay cả lĩnh vực ngân hàng. Gian thôi chứ cứ thử chơi đúng luật xem giá có rẻ hơn ai. Hồi lâu lâu trên báo VN có bài dịch Trung quốc là tay đua tự do trên…Đọc thì biết ngay nguyên câu tiếng Anh là free rider, mà dịch đúng ra là Trung quốc là kẻ ăn theo/kẻ xài chùa trên các nền tảng người ta đã mất bao công sức tiền của để tạo dựng.

Ngoài việc bị cạnh tranh không lành mạnh ra, các doanh nghiệp nước khác còn rất khổ ở chỗ nhiều khi các quan chức bản xứ đã chốt hợp đồng với doanh nghiệp Trung quốc rồi, nhưng lại giả vờ hỏi cả báo giá của các doanh nghiệp khác nữa kẻo mang tiếng ăn hối lộ. Các doanh nghiệp khác thấy có khách hàng hỏi thì bay sang tận nơi, tốn bao công sức lập báo giá, trình bày dự án, đi lại ăn ở tốn kém nọ kia, rồi về tay không.

Gái showbiz chúng nó mua đồ nhái hoặc mượn/thuê đồ hiệu, mặc lên, chụp ảnh quay video sang chảnh, thiên hạ ngây thơ tưởng chúng lắm tiền. Lắm tiền tức là thành đạt. Thành đạt thì hút fan. Nhiều fan thì thành nổi tiếng. Nổi tiếng thì các lời mời show tới tấp bay đến. Và vì nổi tiếng nên giá cũng nổi lên theo. Tôi gọi đó là fake built on fake, cứ giả này chồng lên dối kia, nhưng giá được thổi cao lên thì lại là thật.

Vậy thì tôi nói danh tiếng của tàu khựa cũng được thổi lên đúng bằng phương pháp Fake built on fake láu cá như thế. Tuyên truyền tẩy não, khuếch khoác có ít xít ra nhiều, phồng mang trợn mắt đe dọa. Thiên hạ lắm kẻ non gan và ngây thơ, thấy thế thì rén hoặc ô a thán phục, mặc nhiên trải thảm đỏ dành cho khựa một niềm nhún nhường e dè kính trọng, và vô tình hoặc cố ý thành cái loa tuyên truyền cho một danh hiệu bơm thổi. Danh hiệu thì giả nhưng sự e dè nể nang của thế giới thì lại là thật, kiếm bẫm đấy chứ không đùa đâu. Sau khi bị Mỹ vả cho vài cái điếng hồn, nghe phong phanh khựa lại quay ra tùng xẻo cái thằng đứng đầu cơ quan tuyên truyền “tại mày nổ quá đà mà giờ cả lũ gặp họa” :-))).

Giới ngoại giao ai cũng biết chính phủ mình ủng hộ chính sách Một Trung Quốc. Điều đó có nghĩa không được mời Đài Loan dự event, event của Đài Loan cũng không được tới. Có nước còn có cả điệp viên theo dõi nhân viên ngoại giao của mình để đảm bảo không vi phạm quy định, kẻo lại rầy rà với Trung Quốc. Đứa bạn mình hôm trước ngồi chung xe với một chị phu nhân ngoại giao Đài Loan thế mà bị phát hiện và hôm sau bị nhắc nhở ngay. Một ví dụ khác, quốc đảo São Tomé và Príncipe, nhờ Đài Loan mà sạch bóng sốt rét. Không có tài lực của người Đài Loan thì có mà đã chết vãn. Thế mà hơn 2 năm trước nghe lời tàu khựa ngon ngọt cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với họ. Ừ cứ rước khựa vào đi, rồi xem rừng còn gỗ biển còn cá hay không. Nói chuyện cá, các nước châu Phi có bờ biển đang rên xiết vì đang bị khựa vét sạch nhẵn cá. Cứ hai tàu khựa chạy song song giăng cái lưới ở giữa, cả một vùng biển cá to cá nhỏ sạch bách. Cộng đồng quốc tế cũng dùng chương trình định vị tàu nỗ lực trợ giúp, cứ thấy tín hiệu hai tàu chạy song song là báo cho chính phủ nước sở tại lập tức, vì 100% là hai tàu China đang đánh cá phi pháp. Nhưng cứ chính phủ sở tại biết là tàu khựa cũng biết và kịp giải tán trước khi cảnh sát biển ập đến. Mình có lần nói chuyện với một anh trong ngành, anh ý bảo lịch tuần tra của cảnh sát biển thay đổi liên tục để đảm bảo yếu tố bất ngờ, thế mà cứ ngày nào giờ nào tuần tra ở đâu khựa đều biết trước cả, không thể bắt được. Lót từ trên xuống dưới rồi thì bắt làm sao được.

Quay lại vấn đề cô lập Đài Loan, câu hỏi ở đây là, từ bao giờ chúng ta, những kẻ tự cho là văn minh cấp tiến, với một nùi lý tưởng, nguyên tắc, dignity và integrity, từ bao giờ chúng ta khom lưng nhắm mắt làm ngơ cho tàu khựa dở mưu hèn kế bẩn và các thủ đoạn nửa mua chuộc nửa dọa dẫm rẻ tiền như vậy? Vì quan hệ với siêu cường thì rõ ràng có lợi hơn quan hệ với một hòn đảo toen hoẻn ư? Thế còn danh dự và nguyên tắc thì sao? Vì thị trường tỉ dân thích xài hàng hiệu ư? Gucci Prada mang lại bao nhiêu tiền cho quốc gia, khi cái giá phải trả là bao nhiêu nhãn hàng thủ công bản địa nhỏ hơn đã chết yểu? Làm giàu cho khựa, để khựa có tiền mua hàng hiệu và chi tiền nuôi một đạo quân bất hảo thả đi khắp thế giới lũng đoạn ăn cắp và phá hoại, còn dân mình dùng hàng rẻ tiền made in china thải ra môi trường từng núi rác và tài sản trí tuệ của mình bị khựa hớt tay trên. Đến lúc nào thì sẽ nhận ra là không đáng?

Và các bạn biết ai là người dám nhận cuộc điện chúc mừng của quốc đảo Đài Loan bé nhỏ mà kiên cường, kệ mịe khựa tức rồ dọa dẫm không? Chính là $500. Mài nghĩ mài là ai mà lại dám bảo bố được nói chuyện hay không được nói chuyện với ai. Người đàn ông này tuy có kiểu ăn nói dễ khiến người khác nóng mặt, nhưng ít ra còn khảng khái chính trực hơn rất nhiều những kẻ tự xưng là tinh túy mà thực ra chỉ là những con lươn trơn tuột. Ai ghét mái tóc phất phơ, làn da đánh phấn màu da cam quá mức, cái miệng lúc nói cứ chu lên tròn xoe rõ ra dáng nhỏ mọn, động tác lắc vai lúc nói chuyện thể hiện cái tôi to tướng của $500 thì cứ ghét, còn tôi nói ông ý là một người khẳng khái, chính trực, ai tử tế thì ông ý chơi rất đẹp, mà ai giở trò bẩn thì ông ý có thể bẩn lại gấp đôi. Làm lãnh đạo thời buổi ma quỷ lên ngôi thế này mà không có tính cách ấy thì một là phải thỏa hiệp với ma quỷ, hai là bị ma quỷ đè cho chết tươi, các ông bà cuồng lãnh đạo soái ca ngôn tình chọn cái nào nói rõ hộ cái. Chứ cứ chửi khơi khơi thì có khác gì như dân gian gọi là chó sủa trăng???

Bình luận của cún béo: China was stealing just fine. Bao nhiêu tài sản trí tuệ của nhân loại, từ thời trang cho đến công nghệ bí mật quốc phòng, ai đổ tiền của thiết kế phát minh sáng chế, khựa bảo kê cho người đi thó về là xong. Gọn nhẹ, tiết kiệm.Thấy tình hình ăn cắp suôn sẻ năng suất quá, khựa bấm ngón tay tính chả mấy chốc mà đứng đầu thế giới, và theo đó giọng lưỡi lại càng hùng hổ láo toét hơn. Dân gian gọi là chưa khỏi vòng đã cong đuôi. Ai dè gặp thằng Mỹ bựa, đang ăn cắp ngon trớn thì nó chặn lại, chả nể nang gì tát khựa đánh bốp một cái. Khựa đá lại một cái chữa thẹn. Nó tát cái nữa. Khựa không dám đá nữa vì đau chân nhưng kém miếng thì xấu hổ nên khựa bèn nhổ bọt. Thường thì đến màn tiểu nhân nhổ bọt là quân tử lùi lại sợ bẩn quần áo roài, nhưng thằng Mỹ này nó lại không quân tử, nó không ngại vật nhau với lợn, nó vừa tru tréo “đồ ăn cắp” vừa làm luôn cho một chuỗi bốp bốp bốp bốp khựa tối tăm mặt mũi, thể diện quốc gia trơ ra như cái bánh bao thiu. Bao nhiêu lãnh đạo quốc gia trên thế giới ngã ngửa, éo gì lắm nữa, hổ giấy, tưởng giề. Còn dân gian thì bảo éo giề, ếch chết tại miệng.

Thursday, November 5, 2020

5/11/2020

Khi anh lên, thiên hạ nhiều đứa la làng chết dồi tại thằng bệnh hoạn đó mà từ giờ bạo loạn hatred phần ác quỷ trong con người sẽ lấn át phần lương thiện. 4 năm qua, dân chủ hay cộng hòa bạo loạn gây hấn và hatred?

Anh Putin của nước Nga có dạo cứ thích bay vờn qua mũi nước khác. Quan ngại, cực lực phản đối, suông thôi vì ai dám đụng tới cường quốc hạt nhân. Anh Tin rất cáo già, anh thừa biết cái đám dân chủ ông chẳng bà chuộc EU sẽ chẳng ngã ngũ được cái gì. Thế nên anh thích bay vờn là anh cứ bay vờn chúng mày làm gì ông. Trump lên, cảnh cáo một lần không chuyển, anh làm đòm cho một phát rụng máy bay anh Tin. Thế giới nín thở, chết mẹ rồi thằng điên chiến tranh hạt nhân nổ ra đến nơi rồi. Cuối cùng chẳng thấy chiến tranh hạt nhân ở đâu, còn anh Tin ngoài dằn dỗi mấy câu thì từ đó cũng không dám bay loạng quạng trêu ngươi nữa.

Xưa giờ ai cũng phải đi nhẹ nói khẽ không dám đụng đến Ủn Ỉn. Còn anh, lúc căng lên anh bảo bom tao súng tao còn to hơn, thằng tên lửa kia mày thích tao chơi luôn. Thế giới hốt hoảng, thằng thần kinh mày đụng đến Chí Phèo nó cho một quả tên lửa tiêu đời nước Mỹ sinh mạng bao người ngàn kilogram treo sợi tóc. Cuối cùng, có bắn đâu, lại còn gặp nhau bắt tay nhau. Bao nhiêu hoa hậu thân thiện có ai làm được điều đó?

Lúc anh lên, những kẻ ghét anh tru lên anh thân Nga, đi đêm với Nga. Nhưng hóa ra ca ngợi nhau vẫn ca ngợi, nhưng động đến lợi ích quốc gia và đồng minh, Nga vớ vẩn anh vả cho phát nào ra phát nấy, thân thuộc gì. Còn vụ vu cho anh thông đồng với Nga, anh nạn nhân thì trắng án lâu rồi, còn kẻ chủ mưu vẫn hạ hồi phân giải. Luật pháp Mỹ lâu thế ư?

Thế giới trước anh không ai dám động đến lông chân tàu khựa, ai cũng sợ siêu cường của thì tương lai. Bao nhiêu chuỗi cung ứng bắt nguồn từ đó hết, đứt cái là chết, không thể thiếu tàu khựa được đâu. Thị trường hơn tỉ dân, không làm phật ý khựa được đâu. Cuối cùng anh cho vài chưởng khựa bò lê bò càng, chơi bẩn thế bố éo cần chúng mài. Cùng với đà do anh khởi xướng đó, một số nước cũng bắt đầu ủa lên sao chúng ta lại ngậm tăm để khựa lếu láo lộng ngôn lâu như vậy? Về khựa tôi sẽ viết riêng một bài sau, tựa đề Fake built on fake.

Khi anh bắt đồng minh chi thêm tiền góp nuôi NATO, nhiều con vẹt kêu ầm lên Ối thằng ngu làm thế là mất đồng minh gây dựng bao lâu, đồng minh mạnh thì nước Mỹ mới mạnh chớ. Cơ mà, đồng minh mà cứ phải chi tiền bao hết mới chịu làm đồng minh, thì…ai muốn chi tiền bao đồng minh giơ tay. Trước Mỹ hót gì thì EU hót phụ họa lập tức, gọi là đồng chí hướng chia sẻ các giá trị cốt lõi của nhao. Giờ vì đang căng nhau nên có việc gì Mỹ hót vài ngày rồi EU mới hót, cũng hót y hệt thôi nhưng đợi vài ngày mới hót cơ. Các vị cứ làm trò. Chị Merkel tưởng hay mà vì bị bắt móc túi chi thêm, chị làm mặt nặng mày nhẹ với người ta, hóa ra chị cũng chả hay. Ngoài việc yêu cầu đóng góp sòng phẳng và tuyên bố dễ khiến người khác nóng mặt “America first” đó ra, thực tế là 4 năm qua Mỹ vẫn là nước đầu tiên và hào phóng nhất gửi viện trợ khi các nước khác gặp nạn hoặc cần tới trợ giúp. 

Khi anh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhiều con vẹt ào lên kinh sợ, thế này Trung Đông bạo loạn tới nơi rồi. Cuối cùng, chả thấy chiến tranh bạo loạn đâu, mà lại thấy ký được bao nhiêu hiệp định hòa bình. Nhiều chục năm trước, mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi ấy được chia cho hai bên, đến giờ, một bên thành cường quốc trên một cơ số lĩnh vực, còn bên kia vẫn ăn viện trợ quốc tế và đào hầm xuyên sang đất nhà người ta để đánh bom khủng bố. Tôi cũng chả thích cái sự tham lam của dân Do thái, nhưng anh làm thế là đúng. Ai o bế các ông Hồi giáo Palestine được mãi, thôi các ông dẹp sang bên cho người nghiêm túc người ta làm việc. Hòa bình thịnh vượng của cả một khu vực lại chả quan trọng hơn một nhúm mấy ông phá đám.  

Đó là về chính sách đối ngoại, còn về đối nội cún không tìm hiểu. Mà chỉ cần nhìn đám đông đổ ra đường đón đợi tổng thống của họ, thì cũng đủ hiểu họ cảm nhận được tổng thống của họ đấu tranh cho quyền lợi của họ thế nào. Làm lãnh đạo thì chỉ cần thế thôi, nhỉ. Đừng nói chỉ có bọn thất học ủng hộ Trump. Những doanh nhân kếch sù và những nhân vật thượng lưu trong xã hội mà tôi biết, họ đều ủng hộ Trump cả. Nhưng họ còn phải làm ăn, mà bọn kia thì đông láo và phát ngôn bất kể, họ không thể ra mặt để hứng về những búa rìu phiền nhiễu. 

Tôi từ lâu không quan tâm chuyện chính trị, nhưng phải thú thật nếu anh thua thì tôi hơi buồn. Tôi cứ nghĩ anh sẽ làm 8 năm, và vài chục năm nữa sẽ đi vào lịch sử như một trong những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ, người đã tiên phong hứng búa rìu dư luận để thực hiện những thay đổi bất tiện, đau đớn, khó chịu, nhưng về lâu dài là cần thiết. Chứ 4 năm thì chưa đủ để thiên hạ dẹp qua được hẹp hòi cá nhân và công nhận anh có lý, trừ khi Biden tiếp tục các chính sách đó. Mà nếu Biden tiếp tục các chính sách đó, thì cuối cùng thiên hạ chửi anh vì lý do gì? Vì anh tinh vi ngứa mắt con nhà giàu lại còn cao to trẻ đẹp trai già đẹp lão ngoài 70 đầu vẫn toàn tóc là tóc (trong khi người khác thì đã hói từ lâu) vợ siêu mẫu cả dàn con thành đạt sáng láng, ư? Hay vì người có đủ thứ như anh rồi thường sẽ triết gia ngậm miệng chịu làm bị bông cho thiên hạ đấm đá vài cái hả cơn thì kéo nhau đi chỗ khác, nhưng anh lại khác, anh vừa lu loa vừa đấm lại nhiệt tình nên chúng bu lại cho anh đòn hội đồng chết bỏ?

Mà nếu Biden lật ngược lại các chính sách đối ngoại của anh, thì tương lai sẽ là thảm họa. Nhiều thành tựu quốc tế đạt được trong 4 năm qua vì anh là Donald Trump huỵch toẹt sòng phẳng, vừa có sự hào sảng rất Mỹ vừa có sự nhỏ mọn thù dai của riêng Donald Trump, tử tế cũng tử tế được mà nhây cũng nhây được. Chứ giờ lại thêm một ông ngọt như mía lùi đến nói vài câu vô thưởng vô phạt, thì những bế tắc của hơn 4 năm trước lại phẩy tay đâu vào đấy mà thôi. Chính trị từ lâu đã thành một cuộc thi nói ngọt cho đỡ rầy rà và giữ phiếu cho đảng, đồng thời kiếm tiền cật lực để lúc lui về có một mớ. Người như anh không còn thấy nữa... 

P.S: Còn về covid, chúng nó cứ chửi anh xử lý covid không tốt, cứ như thể chúng có cách xử lý tốt hơn. Cứ như thể chúng chưa từng chửi anh khi anh đòi dừng các chuyến bay từ tàu và các nước châu Âu để ngăn dịch vào Mỹ. Cứ như thể chúng đã hợp tác tạo điều kiện tối đa cho anh làm việc không đánh phá gì anh mà anh vẫn còn làm không nên nên giờ chúng có quyền phê phán lên lớp anh. Nếu chúng chỉ cần có một xíu xiu lòng tự trọng, thế gian này sẽ dễ sống lên biết bao nhiêu. 

Monday, October 26, 2020

Một hôm đi dọc theo bờ suối

Buổi sáng, đến 10h sáng thì mình đã lấy bát đĩa rửa từ đêm ra khỏi máy rửa bát và xếp gọn ghẽ vào tủ, cho 3 đứa con ăn sáng, cho 2 đứa con gái tới trường, về nhà ăn vội bữa sáng, cho bát đĩa bẩn vào máy rửa bát, cho quần áo bẩn vào máy giặt, rồi đứng là một rổ quần áo cao ngất nghểu. Ông trong lúc đó thì chỉ đủng đỉnh dậy ăn sáng rồi ngồi nghệt trên sofa nghịch điện thoại. Giẻ và lọ xịt hóa chất đã thấy bày ra ngổn ngang nhưng chưa động tĩnh. Lúc nào cũng thế. Định lau cái nọ cái kia, lôi được cái giẻ ra thì lại bỏ giẻ đấy đi nghịch điện thoại. Mất 5 giây lôi giẻ ra nhưng mất khoảng 1 tiếng nghịch điện thoại. Lúc sực nhớ ra, bèn bỏ điện thoại đi lấy bình xịt hóa chất. 5 giây để lấy bình xịt hóa chất ra, lại bỏ đấy đi nghịch điện thoại thêm tiếng nữa. Thế nên mới có chuyện cả buổi sáng mà giẻ và bình xịt cứ nằm chình ình đấy mà người vẫn ngồi ôm điện thoại chứ chưa bắt đầu lau chùi gì được.

Ôm điện thoại chán, ông hỏi xin vợ 2 euro rồi tót đi đâu mất hút. Chắc lại đi uống cà phê. Máy pha cà phê ở nhà có ít nhất 2 cái nhưng cứ phải uống ngoài hàng mới có không khí sao đó. Còn mình là xong rổ quần áo thì lại vội vàng làm bữa xế cho thằng con học online háu đói, dọn dẹp lau chùi qua loa nhà cửa, thay ga gối một cái giường, phơi mẻ đồ máy giặt vừa giặt xong, rồi đi chuẩn bị bữa trưa.

Lúc đó đã quá 1h trưa và ông chồng quý hóa của tui  từ lúc đi uống cà phê về thì lại ngồi cái phịch xuống sofa nghịch điện thoại đợi ăn trưa. Bình xịt hóa chất và giẻ lau vẫn nằm chình ình giữa nhà. Ngày hôm nay còn khá, vì chỉ mới thấy lôi ra một bình một giẻ. Chứ gặp hôm xấu giời thì khắp nhà toàn giẻ là giẻ. Giẻ trên giá sách, giẻ trên máy tính, giẻ trên bàn ăn, giẻ trên bồn rửa mặt, trên bàn bếp, thậm chí trên giường ngủ chăn đệm trắng tinh cũng chễm chệ một cái giẻ! Mà giẻ nào có màu sắc nhã nhặn cho ra hồn, giẻ xanh lá cây chóe xanh da trời chóe tím hoa cà tím cải lương đỏ chóe vàng ươm và da cam chói lọi, để ở đâu là nổi bần bật ở đấy. Lý do giẻ khắp nơi là vì lôi giẻ ra để lau cái gì đó, nhưng vì bỏ đấy đi xem điện thoại, lúc sực nhớ có việc phải lau thì đã quên cái giẻ cũ nên lại chạy đi lấy cái giẻ mới. 5 lần như thế là 5 cái giẻ nằm chình ình khắp nhà.

Nhiều khi nghĩ giận bác mình lắm lắm. Ngày xưa nghèo nhưng mọi thứ cứ phải gọn ghẽ tinh tươm. Nhà lau xong bác mình bỏ guốc đi chân đất kiểm tra, thấy không dính chân mới được. Đồ đạc món gì phải để đúng chỗ ấy, để trong bóng tối không cần bật đèn vẫn có thể tìm thấy. Ai bảo ngày xưa bác mình rèn mình kỹ thế làm gì để giờ bừa với bẩn là mình không chịu được. Thế nên đầu óc mình cứ dự định những việc thanh cao thoát tục mà chân tay mình cứ suốt ngày lọ mọ cất dọn cái này cái kia, lau chùi chỗ này chỗ khác.

Hôm nay, thành Rome ngày mười tư tháng mười, ông chồng quý hóa của mình suốt buổi sáng ngồi trên cái sofa màu beige, suốt buổi chiều ngồi trên cái sofa màu xanh. Buổi tối ông té đi ăn pizza với bạn. Rồi đêm về ông sẽ lại ủ mưu giảm cân. Mài mà không béo trọn kiếp thì bà đi đầu xuống đất nhóe.

Mà ông té đi rồi đâm ra nhà cửa mới gọn ghẽ yên ắng một tí, chứ ông đang thử sức trong lĩnh vực thợ mộc, có ngày tự dưng 7h tối trong nhà bắt đầu vang lên tiếng đục đẽo! Đúng kiểu ban ngày thì mải đi chơi, tối lặn mặt giời đổ thóc ra xay. Ai lại 7h tối mà tiếng đục đẽo cứ chát chát bốp bốp trong nhà, thỉnh thoảng lại nghe cái gì đó đổ cái rầm và tiếng ông chửi thề…

Viết xong bỏ đấy chạy tong tưởi, lúc nhìn lại, ôi, những 12 ngày đã trôi qua. Thời gian trôi nhanh như chó chạy ngoài đồng. Mà thôi, trôi nhanh cũng được, cho chóng qua cái năm 2020 chết tiệt này.

Ảnh: nhân sinh nhật em Na, bố mẹ cho em đi tắm suối Saturnia. Từ ngôi nhà ngoài biển, lái xe khoảng 1 tiếng qua những ruộng đồng đẹp như tranh, là đến Saturnia. Suối khoáng nóng lộ thiên chảy xuống thành những cái thác nhỏ, lấp đầy những hõm đá tự nhiên thành những bể tắm nhỏ, bao quanh là đồng ruộng bao la vùng Tuscany. Ngày hôm đó xanh và cao, nắng vàng lộng lẫy.

Một hôm đi dọc theo bờ suối

Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối.

(Mít Đặc và các bạn)

 

Tuesday, October 13, 2020

Con gái cái bòn

Cô con gái lớn đã đến tuổi bòn. Chuyển vào nhà mới, nó đi khắp nhà tuyển chọn những món đồ ưng mắt nhất mang hết về phòng nó. Mở catalogue các nhãn hiệu nội thất chọn đồ rồi bắt bố nó mua cho nó, vung tiền cứ như đúng rồi. Thảm và gối các loại trong nhà nó xí cái nó ưng nhất mang về rải đầy dưới sàn và chất đầy trong tủ. Mở tủ của mẹ ưng mắt món quần áo nào là nó vác về tủ nó. Lại mở hộp đồ trang sức của mẹ ưng món nào là nó đánh dấu món đó. Giày dép của mẹ nó cũng lôi ra thử và xí phần cẩn thận dù chân nó đã to hơn chân mình từ đời nào. Thậm chí sang phòng thằng anh thấy ưng mắt cái thùng rác nó cũng rinh về phòng nó luôn.

Mình dẫn nó đến cửa hàng văn phòng phẩm, bảo nó “Con tự chọn, mẹ chạy ra đây tí rồi mẹ quay lại trả tiền”. Lúc mình quay lại, cửa hàng phang vào mẹt mình cái hóa đơn gần 300euro tiền văn phòng phẩm mình tí ngã ngửa. Đồ vác về nhà, nó tút vào phòng đóng cửa ngồi phân loại ngắm nghía dán nhãn đề tên say mê cho 2 ngày liền. Cũng tức là trong hai ngày đó nó để mình yên không mè nheo đòi cái nọ cái kia dức đầu. Thằng anh con em cần gì muốn mượn nó giấu kỹ nhất quyết không cho mượn.

Còn giờ là đến cái cốc đựng bút. Cặp cốc giống hệt nhau mỗi tội cái to cái nhỏ. Mình vừa chìa ra một cái con Na vì đứng gần nên xí được cái to hơn. Nhưng con La cũng muốn lấy cái to hơn!

Thế là bắt đầu màn chị gạ em đổi. Mình đang nấu ăn trong bếp, con La đã thầm thì ỉ eo gạ gẫm đổi cốc từ đầu giờ chiều và con Na nguây nguẩy không đồng ý, đến giờ thì bùng lên thành một cuộc cãi vã. Con Na hình như hết chịu nổi, làm toáng lên một tràng “Cái gì bà cũng phải to hơn tôi. Phòng bà to hơn phòng tôi. Bàn bà to hơn bàn tôi. Giá sách bà to hơn giá sách tôi. Tí bà to hơn tí tôi...”. Nghe lỏm đến đây mình từ trong bếp nói vọng ra “Tí tiếc thì liên quan gì nhỉ”. Nó giả điếc tiếp tục “... giờ đến cái cốc đựng bút bà cũng muốn lấy cái to hơn. Nhưng cái cốc đấy tôi lấy trước, nó là (gằn giọng) CỦA TÔI, CỦA TÔI, bà nghe rõ chưa?”. Con La biết trò vừa nỉ non vừa dọa dẫm lần nào cũng có tác dụng nhưng lần này không ăn thua, bèn thuyết phục con em tung đồng xu. Con em dại dột nhận lời luôn. Mình đứng trong bếp làu bàu “Ơ, cái cốc đang là của mình mà giờ tự dưng lại phải đi tung đồng xu 5 ăn 5 thua”. Thằng con trai vốn từ đầu chỉ ngồi giương mắt chiêm ngưỡng cuộc cãi vã, giờ nghe mẹ bình luận xong cười đến mang tai phụ họa “Chính xác”. May quá nó lại thắng. Thế là con chị đầu hàng, đành dùng cái cốc nhỏ hơn. Con em thở phào sung sướng vác cái cốc IKEA về phòng.

Đấy con gái mẹ chỉ xí được có một cái cốc đựng bút cũ rích rẻ tiền nhưng được cái to hơn ấy thôi. Còn đâu đồ tốt đồ đẹp đồ mới con chị lấy cả, thải sang cho em toàn đồ cũ không sứt chỗ này cũng mẻ chỗ kia.

Trong khi cô con gái lớn bòn rút đồ của mẹ thì thằng con trai tập trung bòn rút đồ của ông bố. Bộ sưu tập đồng hồ của bố nó nó đã ngó nghiêng hỏi giá tiền từng cái và nhắm nhe cái nọ cái kia. Giày của bố nó nó cũng đã thó được 3 đôi siêu đẹp, hấp tấp mang về chất trong tủ quần áo. Áo xống cứ thỉnh thoảng lại thấy nó tủm tỉm bưng về phòng nó. 

Nhưng nói về độ bòn rút thì thằng Lê phải gọi con La bằng cụ. Bằng chứng là đến ngay cả bộ trải giường nó cũng phải xí bằng được bộ đẹp nhất. Còn thằng anh chỉ vặn mẹ “tại sao mamma trải cho chúng nó các bộ đẹp nhất còn cho Lê bộ này?”. Ý nó hỏi tại sao mình lại dùng cho nó bộ trải giường cho trẻ con có hình chó mèo hổ sư tử rất sinh động. Con mẹ trả lời mặt tỉnh bơ “thì là bộ của Lê Lê dùng hồi Lê...một tuổi thì giờ Lê cứ việc dùng tiếp chứ còn sao”. Cậu nghe xong tủm tỉm cười giang hai tay ra vẻ bất lực rồi thôi. Là cậu chứ là con La thì nó khóc rấm rứt và cãi cham chảm đến lúc một là mình phải đầu hàng, hai là mình phải làm găng lên mới thôi. Mình nghi là tính tình nó khủng khiếp khó chịu một cách tự nhiên chứ chả phải tại tuổi hâm dở. May còn được cái má vừa mềm vừa thơm kéo lại.

Chúng nó lại vừa bòn rút được của thằng bố mỗi đứa một cái điện thoại di động mới coóng. Ở trường mới thầy cô thỉnh thoảng lại bắt chúng nó tra cứu thậm chí làm bài kiểm tra trên điện thoại nên mình buộc phải nhượng bộ. 

Con em thấy thế thì òa khóc vì tủi thân. Nó làm một tràng kể lể “Na toàn phải mặc lại dùng lại đồ cũ, điện thoại Na cũng là đồ cũ, mặt kính còn bị vỡ”. Mẹ ôm nó vào lòng “Thì mẹ thay cho em mặt kính mới được không?”. Nó rầu rĩ bảo “nhưng thay kính tốn tiền lắm”, rồi lại tiếp tục khóc nức nở. Nghe tiếng nó khóc bi ai sầu thảm mà mình đứt từng khúc ruột. Tội nghiệp con gái út ít thiệt thòi của mẹ. Cứ để rồi xem hai cái đứa tham như mõ kia chúng nó cuối cùng có hơn gì con gái mẹ không.

May quá sáng hôm sau con gái mẹ có vẻ đã quên biến vụ điện thoại, giọng điệu lại lạc quan phớt tỉnh, mắt lại tít lừ và cái mũi lại hỉnh lên như thường lệ. Mẹ thương con gái mẹ nhất nhất nhất trên đời. Còn mấy hôm nữa là con gái mẹ 10 tuổi. Mẹ muốn nói với con gái rằng 10 năm qua có con gái bên cạnh là 10 năm toẹt vời. 💓💓💓

Tuesday, October 6, 2020

Đi chợ trong vườn

Ngài rủ xem phim. Đang có seri phim hot nào đó trên Netflix. Mình ngồi vài phút rồi chuồn. Không còn hào hứng với những kiểu phim có những cô những cậu hôm nay kiếm tiền triệu, thái độ vung vinh, ở penthouse, đi Ferrari, ngày mai nhảy lầu.

Mình không tin kiểu kiếm tiền triệt hạ, để mình trúng quả được tung hô khen ngợi champagne chảy như suối, một ai đó phải cùng quẫn khánh kiệt. Để mình mua được nhà, một ai đó khác phải mất nhà. Vài mảnh cổ phiếu vài mảnh giấy sở hữu tráo qua đổi lại các thêm tí nước bọt, tiền từ túi anh chảy vào túi tôi.

Mình không tin vào kiểu sống mưu mô toan tính, lúc nào cũng phải vắt óc tính đủ nước để chiến được của người. Không tin vào kiểu sống bất an hồi hộp sẽ thua hay là sẽ thắng.

Giờ già, tin vào sự thành thật, và tin vào đất.

Nếu mình chăm chỉ cày cuốc nhổ cỏ dại bắt sâu tưới bón, cây sẽ cho quả, cho hoa. Không làm tổn hại tới ai cả. Thậm chí có những góc vườn bỏ hoang không tưới bón, chỉ cần có đất, cây sẽ cần mẫn cho quả, hoa dại sẽ cần mẫn nở. Cứ nở thôi, không cần có người chiêm ngưỡng. Nếu có thời gian, xách cái làn đi lang thang trong vườn, hầu như chắc chắn lúc nào cũng gặp được một vài bất ngờ nho nhỏ thú vị. Lúc thì gặp một vạt hoa vàng cắt về cắm một lọ vàng rộm to tướng, lúc thì mót được vài bông hoa còn sót lại trên cả một hàng cây ngỡ đã qua mùa, lúc thì hái được mấy thứ quả vì hiếm hoi nên ngọt lịm, lúc thì tìm được một mớ ớt xanh đỏ hạt mềm ngọt nướng ăn luôn ngon ngon ngon. Thậm chí cắt bỏ mấy gốc hướng dương cuối mùa đã lụi để mang đi làm phân bón, mà vẫn còn bói được một lọ hoa xinh xinh.

Ảnh: cúc vàng năm ngoái nở đẹp thế, nhờ lão làm vườn thiên tài mà mấy tháng sau biến mất không dấu vết, hỏi thì lờ đi không trả lời. May quá lúc trồng thấy một cành con con bị gẫy nhìn thương thương mình lấy trồng sang chỗ khác nên năm nay mình vẫn có cúc vàng. Jacaranda từ một cành trơ trụi gầy như ngón tay và dài nghêu sau mấy tháng trên ngọn đã ra một cái tán be bé nhìn cũng oách phết. Nhưng cũng lại đội ơn làm vườn thiên tài khua kéo cắt trụi, sang năm sau lại quay về cái máng lợn nhìn từ trên xuống dưới như một đoạn củi khô, mùa xuân soi mãi mới thấy mấy cái lá nảy ra từ gốc. Giờ jacaranda của mình thành ra lộn phộc, đoạn củi khô cao nghều đứng thẳng đơ ở trên còn tán thì là là dưới đất. Các thể loại cây ăn quả cũng bị cưa cắt cụt ngủn thảm thương. Cây lâu năm mà cành không chìa ra được quá một mét. Sau khi sa thải rồi mình mới biết làm vườn vốn là thợ mộc. Hèn chi, cưa cây như cưa gỗ, mà cứ động nói là lại vỗ ngực bèm bẹp ta đây chuyên nghiệp. Trên đời có thật là nhiều những người khó tả.

Khó tả kệ các người. 

Một ngày mùa thu thôi vần vũ, trời yên gió, nắng vàng như mật, thơ ngọt như Xuân Quỳnh, giọng ngọt như Bảo Yến.

Kìa bao người yêu mới

Đi qua cùng heo may

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại...


Yên nghỉ, bạn nhé. 


Wednesday, September 30, 2020

30/9/2020


Trong hệ thống trường Anh, trẻ con sinh từ tháng 9 trở đi là phải học cùng các bạn sinh năm sau. Thế tức là con Na sinh tháng 10 năm 2010 phải học cùng các bạn sinh năm 2011. Nó toàn lớn nhất lớp và dĩ nhiên cũng hổ báo cáo chồn nhất lớp.

Chuyển về hệ thống trường Ý, trẻ con sinh cùng năm sẽ học cùng nhau. Con Na phải học cùng các bạn sinh năm 2010 giống nó. Tức là nó bị nhảy cóc một lớp, vào luôn lớp 5, lại còn bé gần nhất lớp.

Trường Ý sợ nó vừa đổi từ tiếng Anh sang tiếng Ý, lại còn nhảy cóc một lớp, thì e là nó lao đao quá, nên đề nghị cho nó xuống lớp 4. Mình lúc đó đang nhà cửa tanh bành, mỗi ngày quần quật mười mấy tiếng đồng hồ, tất cả mọi việc đều đuổi sát đít, quả thực không còn thời gian nào nghĩ đến chuyện trường lớp. Thế nên trường bảo gì mình thụ động gật nấy. Trường bảo cho nó học lớp 4, mình cắm mặt đi mua sách lớp 4 và toàn bộ đồ dùng học tập lớp 4 cho nó.

Nhân cuối tuần mấy bố con nhà nó đi ra cái nhà ngoài biển nghỉ, mình dành hẳn một buổi tối giở sách lớp 4 của nó ra xem, thì mới tá hỏa nhận ra nó mà phải học lớp 4 thì chỉ có phá chứ không học hành gì được, vì toàn bộ chương trình toán nó đã học qua gần hết. Thế là sáng hôm sau, khi chỉ còn vài ngày nữa là nhập học, tức tốc gọi điện cho trường, yêu cầu cho con tôi vào lớp 5. Trường nó chắc lộn ruột mình lắm. Nhưng lộn ruột thì lộn ruột, nếu nó tạm đủ trình độ thì phải cho nó học đúng tuổi, rồi khuyết chỗ nào thì bổ túc thêm. Chứ cho học dễ quá thì phí một năm của nó, lại còn lớn nhất lớp, thì đảm bảo cả năm nó quay thầy cô bạn bè như quay dế. Thế là lại hộc tốc chạy đi mua sách vở và đồ dùng học tập lớp 5.

Nhanh thế, mới ngày nào mẹ vào lớp 5, được thầy Hợp chủ nhiệm dẫn đi thi học sinh giỏi. Thầy dắt xe đạp đi đằng trước, mấy đứa học trò loẹt quẹt dép đi sau, đi bộ từ trường Văn Chương, xuyên qua ngõ chợ Khâm Thiên ra thẳng đường Đê La Thành. Thầy chỉ dẫn đi, còn thi xong tự về. Thi xong cả bọn dùng tiền trường bồi dưỡng thi học sinh giỏi để đi ăn bánh chuối. Thi là phụ, ăn bánh chuối là chính. Trước giờ thi thì đã chui vào vườn cái nhà ngay bên cạnh phòng thi để hái trộm dâu.

Thế mà giờ con gái mẹ cũng đã vào lớp 5. Buổi sáng đến trường, mẹ bảo mẹ đợi dưới sân trường, em bé lên lớp ra cửa sổ vẫy mẹ để mẹ biết vị trí phòng học của em bé nhé. Nó gật rồi hai cái chân tăm của nó ton ton đi lên cầu thang vác cái ba lô to hơn người, và chỉ chưa đầy một phút sau đã thấy cái mặt nâu nâu của nó lấp ló ở cửa sổ một lớp học trên tầng 2. Mẹ yêu cái em bé nâu từ đầu đến chân trừ những lúc lên cơn còn lại thì vô cùng biết điều của mẹ quá đi mất.

Cũng trong cơn rối ren chuyển từ nước nọ sang nước kia, sửa nhà, rồi covid, mình và ngài đã đăng ký nhầm chương trình học cho thằng con quý tử. Chính ra phải học hệ quốc tế thì lại đăng ký nhầm vào hệ Cambridge. Thế là giờ thằng con đang phải học tạm Cambridge, đợi lớp quốc tế có chỗ trống để xin vào. Nó gào lên. Nó bảo chuyển từ Ghana về Ý, chuyển từ trường Anh sang trường Ý, chưa đủ khổ hay sao mà giờ chưa ở lớp mới ấm chỗ ông bà đã lại có kế hoạch chuyển tôi sang lớp mới nữa. Ông ơi mẹ biết dồi, biết dồi, shin lỗi shin lỗi. Mà chắc gì lớp mới có chỗ cho ông chuyển mà ông đã vội lo.

May quá cô con gái lớn thì đã học đúng chỗ không nhầm nhọt ở đâu. Thế mà chửa chi nó đi học được 2 buổi về đã quai mồm nhại bạn bè trong lớp, chê lớp học dễ quá, bạn trẻ con quá, và hỏi mẹ già của nó liệu La có thể nhảy cóc lớp được không. Mà khổ cái thằng bé ngồi bàn cạnh nó, ai lại 12 tuổi lớn đùng rồi mà gặp ai cũng hỏi mài đã xem Peppa Pig chưa??? Nhưng mà thôi em bé ơi mẹ xin em bé, em bé ở đâu ở yên đấy cho mẹ nhờ.

Ba đứa học ba cấp khác nhau, tan học vào 3 giờ khác nhau. Hàng ngày riêng chuyện đọc email trường gửi, xem tin nhắn hội phụ huynh gửi, rồi chợ búa cơm nước dọn dẹp giặt giũ đưa đón, đã đủ làm tui thở ra đằng tai. Chưa kể nhà cửa vẫn còn thiếu cái nọ dở cái kia, mãi không xong. Con bạn hỏi mày có muốn chung một cô giúp việc với tao không, bảo thôi hiện tại tao không có nhu cầu. 8 năm ở nước ngoài lúc nào nhà cửa cũng tấp nập người giúp việc. Lương thưởng quà cáp hồ sơ giấy tờ vé máy bay và một tỉ vấn đề kèm theo, mệt mỏi vô cùng. 

Mình đang hy vọng hết năm nay mình sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm, mà không biết hy vọng thế có lạc quan quá không nhẻ. 
Ảnh: nhờ mãi thằng con quý tử mới chịu chụp cho mẹ một tấm vừa mờ vừa rung vừa vẹo rồi quăng điện thoại cút thẳng. Càng lớn tính tình càng ngáo ngơ khó đỡ. Thằng bố, nạn nhân trực tiếp của cái sự ngáo ngơ hâm dở của thằng con, cứ thỉnh thoảng lại hỏi em ơi thằng này hôm nay chưa uống thuốc à. 

Wednesday, September 16, 2020

TSB Covid

 Mẹ hay hôn má con La, đúng cái chỗ nhiều mỡ nhất, và nắc nỏm « trời ơi mềm quá, em bé làm bằng gì mà mềm thế, làm bằng bông gòn à ? ». Con Na nghe thế lại tưởng cứ mềm là hay, một hôm cũng nắc nỏm « mông mamma mềm quá ». Nghe lời khen chân tình của nó mà lòng mình tê tái. Lúc đó đã là gần 5 tháng cấm túc trong nhà, trong đó hơn 3 tháng ngồi dí trên sofa trông chúng nó học, từ đầu đến chân mình nhão nhoẹt ra. Cộng thêm một tỉ loại stress làm tóc vừa bạc vừa rụng xơ xác.

Thế nên vừa đi nghỉ một cái là mình phải tân trang lại bản thân ngay. Bắt đầu bằng việc chăm chỉ tập lại các bài công pháp của Pháp Luân Công. Lúc còn ở Ghana không thể tập nổi với chúng nó. Tập làm sao nổi khi hai đứa chui dưới chân chí chóe và một đứa đứng hôn chíu chíu vào mặt. Khóa cửa ngồi trong phòng để tập cho khỏi bị quấy rầy thì cứ vài phút chúng nó lại la lối đập cửa bên ngoài, đập cửa không chịu mở thì đá binh binh muốn vỡ cửa. Ai mà thiền được trong hoàn cảnh ấy. Chỉ sau có 2 tháng không tập, cái đầu gối lại thấy lâm râm đau trở lại.

Thế, thế là buổi sáng tinh mơ một ngày nghỉ, biển êm, gió mát, mình bắt đầu tập lại. Đang tập dở thì con La và con mèo của nó kéo ra. Khởi đầu là con mèo đi quanh quanh cắn chân, vồ tay, quệt đuôi. Con La lôi con mèo của nó ra chỗ khác mắng mỏ. Mình cố hết sức tập trung vào bài tập mà vẫn nghe giọng nó nỉ non “Mamma đang tập, mày phải ngồi im không được quấy rầy. Mày ngậm cái mồm lại chứ đừng có há ra như này”. Im im một lúc, rồi tự dưng mình giật nảy mình vì bị một cái mũ chụp lên đầu và giọng con La thẽ thọt “Mamma đội mũ cho khỏi nắng”. Chưa kịp hoàn hồn thì lại bị nó mang các thể loại chăn ra khoác lên vai, cũng vẫn cái giọng thẽ thọt “mamma đắp cái này lên cho khỏi nắng”. Mà sáng sớm gió mát rượi có tí nắng nào đâu cơ chứ. Đành phải gọi ông ra cứu viện. Ông ra đuổi con gái ông đi rồi, mình chỉ vừa được yên thân có vài phút thì lại bị cành cây chọc vào người. Hóa ra nó đã kịp rủ con em gái xuống vườn nhặt cành cây mang lên khều mẹ. Thế là mình lại bỏ tập. Đợi chúng nó đi học lại vậy. Chuyện từ hồi tháng 7 rồi.

Giờ đã là nửa tháng 9, chúng nó vẫn nhơn nhơn ở nhà giời ơi. Trường mới lại đang nhăm nhe học một buổi nghỉ một buổi. Ôi mẹ ơi không chịu đâu. Học thì học tử tế đầy đủ luôn đi chứ buổi đực buổi cái thế là thế nào. Hơn 6 tháng nay bị ba con đười ươi tuổi teen bám dính 24/7, tui sống dở chết dở rồi đây.

Sáng bỏ dở việc vần thùng hộp từ góc nhà nọ sang góc nhà kia cặm cụi mở mở xếp xếp để chạy đi làm giấy tờ. Xong việc, thấy vẫn còn hơi sớm nên tranh thủ đi bộ ngắm phố phường. Một ngày gió, bầu trời mây xám, không khí trong veo, những cây cầu hàng trăm năm tuổi soi bóng mặt nước phẳng và sáng như gương, hàng cây dọc sông bắt đầu ngả vàng ối, thấp thoáng những mái vòm. Thành Rome vào thu đẹp nao lòng.

Và thế là, sau rất nhiều ngày tháng mệt mỏi, âu lo, chán nản, vì đủ thứ nhiệm vụ và đủ loại vấn đề, trong lòng người đàn bà trung niên lại lóe lên một nỗi hân hoan. Những ngày trở mùa lòng dễ hân hoan.

Thảnh thơi yêu đời rẽ vào một cửa hàng bán hoa và cây nội thất. Muốn mua quá mà chưa phải lúc. Mọi thứ vẫn còn đang lộn tùng phèo, chưa phải lúc để rước cây rước hoa về. Những cửa hàng hoa sao mà đẹp đẽ tươi tắn, đứng nhìn mãi không chán. Đi khỏi châu Âu, những cửa hàng hoa là một trong những điều nhớ nhất. Điều nhớ khác nữa là những quảng trường. 

Cứ muốn đi lang thang như thế nhưng sực nhớ đến giờ cho con ăn trưa nên đành phải gọi taxi về. Chấm dứt gần 1 tiếng thảnh thơi của người phụ nữ đang toan về già. Bao giờ mọi thứ xong xuôi có khi phải sắm cái xe đạp. Định mua một cái vespa nhỏ xinh cho soành điệu nhưng sực nhớ ra đi xe máy lại phải đội mũ bảo hiểm. Nguyên cái nồi cơm điện trên đầu thì còn gì là thơ mộng???

P.S: chưa kịp hoàn hồn vì lịch học buổi đực buổi cái của lũ con thì ông lại tuyên bố một tin nghe như sét đánh ngang tai “Anh sẽ làm việc ở nhà”, lại đồng thời đề đạt luôn nguyện vọng “Anh phải giảm cân. Anh muốn ăn nhiều rau, không ăn pasta”. Ôi, thế này thì tui phải chửi bậy thật rồi. TỘ XƯ COVID.

Monday, September 7, 2020

8/9/2020

 Ông làm vườn, từ trước khi tới mình đã cẩn thận hẹn gặp. Ừ ào rồi đến hôm hẹn cho mình đợi cả ngày và cuối cùng không đến. Mình lại hẹn tiếp 3 hôm nữa tôi trồng thêm mấy cái cây trong vườn, nhờ ông đến canh thợ, chả thèm trả lời mình. Đến hôm thợ đến trồng cây, thợ đến từ sớm, một lúc lâu sau mới thấy làm vườn ngật ngưỡng đến. Chưa kịp bàn bạc công việc làm vườn đã bảo phải đi uống cà phê. Quán cà phê ngay trước cửa nhà sao không uống rồi hãy đến. Uống cà phê xong tay chống hông oai vệ quay lại, mình lại định tranh thủ bàn công việc, thì bị làm vườn gạt đi bảo hôm nay không làm được gì đâu vì có việc bận ở chỗ khác. Mình đã thấy chối tỉ nhưng vẫn cố bảo hôm nay ông bận thì thôi nhưng bãi cỏ chỗ vàng chỗ xanh chỗ nâu thế nà…. Không để mình nói hết câu, làm vườn gào tướng lên ngay trước mặt 3 ông thợ trồng cây. 

À, giỏi nhỉ, tôi gọi điện ông không trả lời ông bảo ông phải làm việc không có thời gian nói chuyện điện thoại, nhắn tin ông không trả lời ông bảo ông bận, 8 tháng nay tôi mới đến mà hẹn ông lần thứ nhất ông cho tôi đợi cả ngày rồi cuối cùng không đến vì bận, lần thứ hai lững thững đến thì lại kêu cũng bận phải đi ngay, bãi cỏ chỗ xanh chỗ vàng chỗ nâu, hoa cỏ cây cối cứ thỉnh thoảng lại thấy vài nơi gần chết khô vì tưới trượt hoặc vô tình cắt trụi xẻo trụi, muốn bảo làm việc gì cũng phải ơi hời năn nỉ, động nói là gào lên như bố người ta. Ngày hôm nay tôi không cho ông vào vị trí thì ông quên mất ông là ai, đúng không?

Thế là mình cũng gào lên. Hay hát nên gào to cỡ nào cũng được. Làm vườn gào thêm một chặp nữa mà không át nổi giọng mình, bèn đấu dịu « Thế giờ cô bảo tôi làm gì? ». Giọng mình vẫn to như cũ « Tôi không cần ông làm gì hết. Ông bảo ông bận thì ông đi đi». « Thôi thế tôi ra ghế kia tôi ngồi xem thợ trồng cây vậy ». « Không, tôi không cần ông ngồi đấy. Tôi đã bảo ông đi đi ».

Làm vườn bỏ đi. 2 tiếng sau lại quay lại, đứng loanh quanh lảng vảng chắc hy vọng mình giao việc. Mình lờ đi như không biết. Hôm sau gọi điện mình không trả lời. Hôm sau nữa lại tự mò đến. À, giờ mới nhớ ra vườn mình lớn, công đòi mình cao hơn những nơi khác mình cũng không cò kè, thỉnh thoảng lại bảo làm vì đam mê chứ tiền công thế này chả bõ bèn mình cũng không buồn đôi co, làm sai làm hỏng làm ẩu gây thiệt hại bao lần mình cũng chưa từng bắt đền, một khách hàng như mình bằng chục khách hàng khác, phải không? Nhưng nhớ ra điều đó khí muộn ý nhỉ.

Ông trông nhà vốn trước đó đã dọa 3 người giúp việc vừa chậm rề vừa kêu ca vòi vĩnh kia mà bị sa thải là ông ý cũng thôi việc. Giữ lời, bậu xậu kia bị sa thải một cái là mafia Ý cũng anh dũng trả mình chìa khóa lập tức. Mình VN cộng sản cũng nhận luôn, chả nói lời nào. Lại dặn thêm ông chồng vừa nhẹ dạ vừa hay quên “ông ý sẽ hối hận ngay thôi nhưng em dặn trước anh là mình sẽ không nhận lại”. Y như rằng 3 hôm sau mafia Ý lại mò đến. Nhưng đã quá muộn. Làm hỏng làm vỡ gây thiệt hại bao lần toàn đổ thừa cho người khác mình không nói cũng không bắt đền, lại tưởng bản thân tài ba cấp thiết không ai thay thế được.

 Hồi ở Ghana, mợ nấu bếp mới bắt đầu làm được mấy tháng đã có dấu hiệu tinh vi, kiểu trình độ tiểu học còn chưa xong đã tưởng sắp hoàn thành luận án tiến sĩ. Mụ làm gì cũng phiên phiến, mình nói bỏ ngoài tai, thậm chí mặt còn sưng lên. Nhân viên khác góp ý thì mụ gào lên mình đứng trên nhà cũng nghe thấy. Cũng một lần như thế, mình thì nói nhẹ nhàng mà cái giọng mụ cãi còn to hơn cả mình, liến thoắng chối bay chối biến, xoe xóe xoe xóe. Ai đứng ở ngoài nghe lại tưởng mụ đang mắng mình. Mình đang vội, tiếng Pháp lại không phải thế mạnh của mình, nên đã định bỏ qua, kệ xác, mài thích dốt kệ mài. Nhưng tự dưng mình nghĩ nếu không bỏ công cho vào đúng vị trí ngay bây giờ thì sau này chắc thành tinh. Thế là mình quay người lại, bỏ hết những thứ đang cầm trên tay xuống, chống tay xuống bàn, nhìn thẳng vào mặt mụ, nói rành rọt từng chữ một “Lúc chị bắt đầu làm ở đây, chị không biết một cái gì hết. Nhưng làm ở đây 5 tháng rồi thì ít nhất cũng phải học được một cái gì đó chứ hả. Nếu vẫn chưa biết, thì phải hỏi. Không biết mà không hỏi ai, cứ tự sáng tác, người khác nói không muốn nghe, chị nghĩ chị là ai? Chị không thích làm ở đây thì có thể đi ngay chỗ khác, nhưng nếu đã làm ở đây thì phải làm theo ý tôi”. Nghe cái giọng lạnh như tiền của mình, mụ đấu dịu lập tức. Mặt mình lạnh te cho mấy ngày, cho mụ đứng ngồi không yên một phen. Từ đó đâu vào đấy răm rắp, mình nói gì cũng “Oui merci madame” nghe rõ là đon đả :-)))))

Trên đời này có những kẻ hay tưởng cứ to mồm hùng hổ là điều khiển được cuộc chơi theo luật của chúng nó. Mỡ thế.

P.S : 3 ông thợ trồng cây sợ thất sắc khi thấy mình lên giọng với ông làm vườn, lúc sau mon men ra hỏi « chị bình tĩnh lại chưa, đã hết cáu chưa ? ». Ủa, tôi lúc nào chả bình tĩnh. Việc phải quát thì quát, chứ cáu á, tuổi giề. 
Cám ơn trời giờ tôi đã thoát được các người. Tôi lại được hiền hậu nhu mì, ban ngày trồng hoa chơi với mèo, tối rúc nách chồng ngủ, có chuyện gì cũng lặng thinh như một hột cơm. 
Mà ô, mùa đã sang tự lúc nào. 

Tuesday, August 25, 2020

25/8/2020

Lang bạt 8 năm trở về, cảm giác như xóa bàn cờ làm lại từ đầu. Hộ chiếu phải làm mới, thẻ căn cước hết hạn, thẻ y tế không có, bằng lái hết hạn, thẻ tín dụng hết hạn, thẻ rút tiền quên mật khẩu nên cũng coi như hết hạn nốt. Dân nhập cư lậu cũng chỉ phi lý trên răng dưới dép như mình là cùng.

Đã thế blogspot còn chu đáo thay giao diện, làm người mù công nghệ như mình mở ra giật mình tưởng đi lạc vào blog nào. Giời ơi, đang yên đang lành tự dưng thay đổi làm giề. Mọi thứ thay đổi tuốt tuồn tuột thế này con người vốn chỉ thích lối mòn như tui biết sống sao???

Chưa hết. Đứng nhìn căn hộ sau 8 năm cho thuê tả tơi rơi rụng phải làm lại gần hết mà tim như hụt đi mấy nhịp. Lại những buổi chiều lùng sục ở các cửa hàng, đo đạc mua lại từng món một, chất từng món một lên xe. Quyển sổ ghi chép mở ra đóng vào nhiều đến mức nhàu nát hết cả ra.Tay chai, chân mỏi, móng tay gẫy, tóc tai da dẻ khô khốc như giấy nhám. Thành phố tháng 8 vắng teo, nắng như đổ lửa.

Vẫn biết rằng chỉ cần kiên nhẫn, tháng 10, tháng 11, mình sẽ ngồi trong phòng khách tinh tươm gọn ghẽ, nhìn ra ngoài cửa sổ xem mùa đông tới. Những bông hoa sẽ nở đỏ thắm trên bậu cửa. Mà từ đây đến tháng 10 nhẽ còn xa.

Ở tuổi trung niên, người ta bắt đầu nhìn thấy kết quả của những hành vi và lối sống từ thuở thanh niên. Ai đã sống ổn thì giờ này bắt đầu gặt hái thành quả. Ai đã sống không ổn thì giờ này bắt đầu nhìn thấy hậu quả. Mình vẫn luôn nghĩ rằng chỉ cần có sức khỏe, còn lại nếu mình cứ tiếp tục bền gan cố gắng làm tốt nhất có thể, thì một ngày nào đó, nhất định một ngày nào đó, tất cả mọi thứ sẽ ổn. Nhưng giờ mình lại tự hỏi, nếu mình ổn mà người quan trọng với mình không ổn, thì liệu có thể ổn thật sự không ?

Chiều hôm nọ chân tay người ngợm lấm bụi ho hen bê bết đi từ căn hộ đang sửa về căn hộ thuê tạm, da đen cháy vì đi nắng nên bụi lại càng trắng phớ hơn. Đi ngang qua một căn nhà bỏ hoang, tự dưng thấy một con mèo nằm bẹp dí giữa lối đi trong vườn, thẳng đơ bất động chẳng hiểu sống hay chết. Mình dí mũi vào hàng rào sắt, meo lên một tiếng. Nó bật dậy ngay. Trời ơi, cái mặt nó ta nói giống hệt Jocelyn Wildenstein. Chắc chị chàng Wildenstein kia khi đi thẩm mỹ cho ra mặt mèo đã lấy mặt con mèo này làm mẫu. Nhìn cái vẻ nhớn nhác của nó ngộ đến mức mình phải đứng lại nhìn nó một hồi thật lâu. Nói thật lâu nhưng thực ra chưa đến nửa phút. Nhưng nửa phút cũng là xa xỉ lắm rồi. Hùng hục từ sáng tới chiều. Con đến bữa mà chưa được ăn đang gọi nheo nhéo lên kia.

Hôm qua ngài chính thức chấm dứt nhiệm kỳ đại sứ tại Ghana. Mình cũng chính thức chấm dứt nhiệm vụ của mình. Chỉ đợi có thế chuồn luôn khỏi một cơ số các  nhóm whatsapp mà vốn bình thường mình cũng ít đọc. Đấy, phu nhân đại sứ, tư dinh, tiệc tùng ngoại giao, váy vớ, của các anh các chị cả. Em về Rome LÀM NGƯỜI TỬ TẾ.

Ảnh: cẩm tú cầu cuối mùa, sung cuối vụ. 

Thursday, August 13, 2020

Comfortably...dumb

Ở cái thị trấn bé tẹo ngoài mấy tháng hè nhộn nhịp khách du lịch thì cả năm vắng teo, có thằng bé hơn 20 tuổi thất nghiệp quanh năm suốt tháng. Năm nay thêm cúm tàu, việc đã hiếm lại càng hiếm hơn. Khách mình đến bằng máy bay riêng, tiền nong với họ không thành vấn đề, miễn họ hài lòng. Không tranh thủ kiếm tiền thì thôi nó lại than phiền là giờ làm việc thế này mất hết cả ngày của nhà nó. Nó làm đến 10h30 là xong, mẹ nó bạn gái nó 1h trưa là xong, ngày hè thì 9h mới tối, thế mà nó phóng đại hết cả ngày làm mình cứ thấy khó hiểu.
Mình kể cũng nhẹ dạ. Năm ngoái một việc nó bôi thành mấy việc, việc chỉ 1 người làm là được nó cũng kéo cả 3 người rồi tính tiền mình gấp 3 lên. Chưa kể người thường đến làm việc thực tế bao nhiêu giờ được trả công bấy nhiêu. Đây nó tính giờ mình từ lúc nó bước chân ra khỏi cửa nhà nó và đến tận lúc nó làm xong việc quay về tận nhà mới thôi. Tỷ phú thời gian mà cứ làm ra vẻ thời giờ vàng ngọc đi một bước tính tiền một bước. Đã thế lại còn luôn mồm phàn nàn vì nhiều việc quá. Có lần khách muốn mẹ con nó làm thêm chủ nhật, nó từ chối vì còn phải ra biển phơi nắng. Mà người ta trả 15euro một giờ chứ ít ỏi gì đâu. Vì đã trót vào mùa cao điểm mà mình lại ở xa nên mình phải cắn răng chịu. 
Hết mùa năm ngoái mình đã định chia tay không ngày gặp lại rồi. Ai ngờ đùng cái cúm tàu đến, tình hình bấp bênh khách không ai dám xuống tiền thuê nhà, mình bị kẹt ở châu Phi nên cũng không gặp gỡ thử việc người mới được, nó liên lạc tháng 4 giả vờ chúc Phục sinh nọ kia nhưng thực ra ý hỏi có việc không mình đã lờ. Mẹ nó đến tháng 6 vừa rồi lại nhắn tin ý hỏi han, mình nhẹ dạ lại giao việc cho mẹ con nhà nó. Mình là người tin vào việc cho người khác thêm một cơ hội, vả lại bụng cứ nghĩ chắc mấy tháng vừa rồi tê liệt vì dịch bệnh, nhà họ đã hiểu đồng tiền kiếm ra khó như nào, và thời đại toàn cầu hóa này một nơi sổ mũi thì cả địa cầu hắt hơi như nào, vậy nên có cơ hội là phải nắm lấy như nào. Hóa ra vẫn chả hiểu mịe gì, thậm chí độ vòi vĩnh kêu ca yêu sách còn tăng thêm vài phần. Mình thấy nó liên tục kêu nhiều việc quá làm không xuể và đòi thêm giờ, mới hỏi “cháu làm một cái giường thông thường hết bao nhiêu thời gian?”. Định hỏi để chứng minh cho cháu thấy số giờ cháu đòi là vô lý, ai ngờ cháu trả lời “cháu đã làm giường là làm đến khi nào đẹp mới thôi, không quan tâm đến giờ”. Ối, cháu xin vào làm khách sạn xem họ cho cháu bao nhiêu phút để làm mỗi phòng, mà làm cả phòng và nhà vệ sinh chứ không phải trải mỗi cái giường như cháu. Dốt mà cứ thích đại ngôn cá tính. 
Cô bị kẹt ở châu Phi thì cô phải chịu thôi, chứ cô đã về đến Ý rồi thì bằng giá nào cô cũng phải tạm biệt mẹ con cháu. 
Mà không cứ ông bà kễnh này đâu các bạn ạ. Thanh niên Ý nhiều đứa như này lắm. Bất tài vô tướng, học hành vớ vẩn, làm việc cũng cầm chừng, lớn tướng vẫn ăn bám bố mẹ thậm chí ngửa tay nhận tiền của ông bà. Mà ở cái xứ đồ ăn ngon và rẻ như này, chỉ cần tháng kiếm đâu được 300, 400euro là đủ góp tiền ăn cho mẹ; thậm chí dư tiền để thỉnh thoảng đi ăn pizza, góp 10e là đủ no say với bạn. Con 18 tuổi bố mẹ vẫn phải cho ở trong nhà và nuôi ăn, thậm chí hai mấy tuổi không tìm được việc bố mẹ vẫn phải cho ở trong nhà và nuôi ăn, bán nhà là phải chia tiền cho con, luật quy định thế. Thế nên thanh niên lại càng ỷ lại, lười nhác, không chí tiến thủ, làm việc cầm chừng, chỉ thong thả tận hưởng cuộc đời là chính. Xứ Địa Trung Hải nhiều cảnh đẹp, thời tiết đẹp hầu như 4 mùa, lại càng có lý do để tận hưởng cuộc đời.
Hồi trước trong tư dinh đại sứ có một thằng bé người làm. Nó hiền lành, mỗi tội vừa lười vừa chậm. Cả một ca làm 8 tiếng chỉ rề rà là được đúng vài món quần áo và rề rà phục vụ bữa tối. Phục vụ tức là nó chỉ việc dọn bàn, bê đồ ăn ra, rồi giúp đầu bếp dọn dẹp, thế mà trăm lần cả trăm cứ phải quên một cái gì đó. Làm việc thì ít, ngồi nghe đài, tán chuyện điện thoại hoặc biến đi đâu thì nhiều. Mình gọi nó lên bảo cậu còn trẻ khỏe mà công việc chỉ dừng lại ở chừng đó, 10 năm nữa vẫn như này à, cậu có muốn đảm đương thêm trọng trách này nọ không tôi cho cậu làm. Nó bảo madame cho tôi suy nghĩ. Ông suy nghĩ mất mấy hôm, chắc nghĩ tự nhiên lại thêm việc thì thành ra thiệt, nên ông từ chối. Thế là mỗi chiều ông lại tiếp tục đủng đỉnh là vài món quần áo, đến tối thì phục vụ bàn, và tiếp tục điếc đặc mọi việc khác. 
Trên đời này cái gì cũng có giá của nó. Tuổi trẻ, sức lực và nhất là não bộ đang sung sức tối đa, mà cứ muốn tà tà, việc nhẹ lương cao. Việc nhẹ lương cao tức là ăn cắp. Ăn cắp thanh xuân của chính mình, và thủ lợi trên thời gian và tiền bạc của người khác. 
Mình đã đang tính về lâu về dài là cho nó thôi, thì đùng cái dịch bệnh đến phải giảm một loạt nhân sự trong nhà. Dĩ nhiên người chọn việc nhẹ nhàng như nó bị thôi đầu tiên. Trách mình kém, đừng trách chủ bạc. Họ đã ở vị trí chủ mình, thì không có gì qua được mắt họ. 
Ngược lại, trong tư dinh cũng có một thằng bé khác, trẻ, khỏe, nhanh nhẹn, chăm chỉ, lái xe, lau nhà, là quần áo, thậm chí thỉnh thoảng đi chợ cho mình, việc gì cũng hăng hái làm. Thấy nó sáng ý lại ham quan sát học hỏi, mình chỉ cho nấu vài món cơ bản trong bếp và trước khi rời châu Phi còn bỏ thời gian dạy nó cách phục vụ bàn tiệc ngoại giao. Với chừng đó kỹ năng, không làm chỗ này thì làm chỗ khác, thời thế có thay đổi cũng không có gì phải nơm nớp. 
Ảnh: thích vô cùng những cơn giông mùa hè. 

Thursday, July 23, 2020

23/7/2020

Mùa hè. Những căn phòng ngập nắng. Gió lộng. Rau tươi. Quả mọng. Nấu ăn mẩu thừa chỗ nọ chỗ kia cũng đủ một bữa cho con mèo hoang quấn người. Vụn bánh mỳ và những hạt rơi vãi thì mang cho con chim sẻ đầu hồi.
Bọn trẻ con đi vào rừng. Trước khi đi con Na hỏi vọng vào mamma nếu gặp rắn thì mình chạy như nào. Mẹ nó dặn với theo gặp voi thì các con chạy vòng vèo, gặp rắn thì chạy thẳng, còn gặp gấu thì giả chết, nhớ nhé. Ai nghe được chắc cũng phì cười vì rừng lúp xúp kiểu Địa Trung Hải khô cằn này thì chim còn hiếm chứ nói gì đến voi hay gấu. Nhưng mẹ con tui vừa từ châu Phi rừng rú về, cứ lạc quẻ thế đấy làm gì nhao.
Sáng, mấy bố con nhà kia hay kéo nhau xuống biển. Không bận dẫn con xuống biển thì ngài sẽ bươi từ đống của nả linh tinh lỉnh kỉnh ra một món đồ nào đó và loay hoay ngồi nhíu mày dẩu mỏ phục chế. Hôm qua ngài tự hào chìa cho vợ một món gì bằng nhựa, nhìn như cái món úp đầu gối để bảo vệ khỏi chấn thương trong lúc chơi thể thao nhưng hóa ra không phải. Hóa ra đó là một phụ kiện nào đó của con xe máy cà tàng các cụ ạ. Ngài tự hào bảo anh đã phục chế xong món này. Cứ nói phục chế cho sang chứ ông lại dùng tăm bông ngoáy ngoáy chùi chùi, liếm nước bọt vào tay rồi miết miết vài cái, và dùng kem dưỡng da bôi nhoắng nhoằng, sứt vẫn hoàn sứt, méo vẫn hoàn méo, hỏng vẫn hoàn hỏng, chứ giề. Chả trách xe máy và ô tô cà tàng cứ đụng vào chỗ nào là rời ra như cơm nguội chỗ đấy.
Con mèo hoang, sáng đứng ngoài cửa kêu meo meo đòi vào. Cửa mở ra một cái là chạy vút vào nhanh hơn một cơn gió. Mình muốn thiền một tí mà nó cứ nhào tới húc đầu cọ đuôi. Một hôm thấy nó, thay vì xông tới phá đám như thường lệ, chỉ âm thầm lon ton lẻn vào như một thằng ăn trộm rồi cả ngày cứ bận rộn tất bật góc nọ góc kia. Tưởng cu cậu chỉ tò mò khám phá, hóa ra ối giời ơi nó đã lén lút làm vài bãi tè đánh dấu lãnh thổ, lại đánh dấu ở đúng cái chỗ khó dọn nhất là nguyên cái phòng ông kia đang mở tung tóe đồ linh tinh lỉnh kỉnh của ông ý ra, bày ngổn ngang từ dưới đất lên trên giường. Biết nó đánh dấu vào những chỗ nào trong cả bãi chiến trường kia hả giời? Người ơi là người mèo ơi là mèo.

Mà lũ mèo này thông báo cho nhau các địa chỉ có đồ ăn hay sao ? Chẳng bao lâu sau, buổi sáng mở cửa, suýt ngã ngồi khi thấy 4 con mèo đang đứng đợi trước cửa từ khi nào, mắt sáng hơn đèn pha. Nhiều mèo quá con chim sẻ bên hiên nhà đã bay đi mất.

Ảnh: thú vui hàng ngày, ngồi nghiên cứu hoa hồng, đợi mùa thu sẽ trồng. 

Monday, July 13, 2020

Tạm biệt Fufu

Hồi bé nhà tôi nuôi một con chó và một con mèo. Cả chó và mèo đều được mua về khi còn bé tí, nên chúng nó lớn lên cùng nhau và rất thân nhau. Nhìn chúng nó chơi với nhau suốt ngày vui lắm. Tôi viết bao nhiêu mẩu chuyện ngắn mô tả những lúc chúng nó chơi cùng nhau như thế. Mang tiếng bình đẳng chơi cùng mà lúc nào con mèo chán chơi, muốn bỏ đi mà con chó cứ cố níu lại bắt chơi tiếp, là nó tát con chó lia lịa, mà toàn chọn tát đúng vào mũi. Kệ cho con chó đang kêu ăng ẳng vì đau, nó thản nhiên nhẹ nhàng nhảy tót lên bể nước, rồi từ bể nước nhảy tót lên nóc bếp, rồi ngoắc đuôi bỏ đi ngủ mất dạng. Con chó thì vẫn nhảy nhổm rướn người gác cả chân lên thành bể vẫy đuôi kêu óc ách gọi nó quay lại để chơi cùng. Nó ngủ chán quay lại, lúc nào con chó cũng nhảy cẫng lên vì mừng, đợi bao lâu nó mới thèm về mà vẫn cứ nhảy cẫng lên vì mừng.
Hồi đó, trong sân nhà tôi không hiểu từ đâu lại có một cái thúng cạp bị sút một nửa. Tôi dựng cái thúng lên, nửa dưới cạp vẫn lành cho con chó cuộn tròn ngủ, còn nửa trên sút cạp, ấn phần tre đan xuống, thành chỗ ngủ lõm lõm vừa khít cho con mèo. Những trưa hè, nhìn chó nằm tầng dưới mèo nằm tầng trên ngủ thật thích. Hồi đó không có mạng xã hội chứ không chó mèo của tôi lại thành hot dog hot cat. Sau con chó lớn không chui vừa vào nửa cái thúng bên dưới nữa, tôi bỏ cái thúng đi, nhưng chúng nó vẫn nằm ngủ cùng nhau. Con chó nằm dưới đất, cuộn tròn lại, con mèo nằm chon von sạch sẽ bên trên. Những đêm mùa đông, tôi lót cho con chó miếng giẻ cho đỡ lạnh, nó nằm khoanh trên miếng giẻ, ôm tròn lấy con mèo nằm ấm êm ở giữa.

Tôi còn nuôi một con chó nữa. Một tối tôi đi học thêm về, hốt hoảng thấy hàng xóm đứng lố nhố quanh cổng nhà mình. Con chó của tôi đã ăn phải bả, đang chạy ra chạy vào kêu ăng ẳng đau đớn. Không ai biết làm cách nào để cứu nó. Tôi òa khóc. Anh hàng xóm, lúc đó đang là sinh viên năm mấy trường luật, thuê trọ ngay cạnh nhà tôi, nhiều năm sau quay lại thăm mẹ con tôi, vẫn bảo “Anh chưa từng thấy ai khóc vì một con chó như vậy”. Cái bờ sông Tô lịch nước đen ngòm ấy, là nơi tôi chôn con chó của tôi. Chị em tôi vác cái bao tải rách đựng xác con chó, trèo rào ra phía bờ sông tối om, cỏ cây rậm rì. Đào đất rồi lấp mộ bằng một cái bay cùn và cả bằng tay, mà không nghĩ tới bẩn, nhiễm trùng, uốn ván, không sợ móc phải một cây kim tiêm đã dùng rồi nào đó, không sợ bị côn đồ trấn lột. Đang lúi húi đào, thì có một thằng đứng ngoài hàng rào hỏi vọng vào giọng cà khịa “Chúng mày đang làm gì ở đấy?”, còn đang ngần ngại chưa biết trả lời sao, thì nó lên giọng hăm dọa “ Đm bố mày hỏi chúng mày không trả lời à?”. Tôi lí nhí “Em chôn con chó của em”. Nó không hỏi nữa, đứng nhìn một lúc rồi lẳng lặng bỏ đi. Tuổi 17 ngây thơ không biết sợ hãi và dường như lúc nào cũng có thiên thần hộ mệnh như thế.
Dần dần tôi không nuôi chó và nuôi mèo nữa. Tôi đã đủ bận. Vả lại, nuôi nó rồi chẳng may nó bị sao, tôi không muốn phải trải qua cảm giác ấy. Tôi muốn đời mình đơn giản, không muốn những nỗi buồn, nhất là những nỗi buồn dài, càng không muốn những nỗi buồn dài nhất.
Tạm biệt Fufu. Fufu ở lại ngoan. Không còn trẻ con cho Fufu chơi cùng, Fufu chơi với Simba cũng được vậy. Đừng đợi tôi nữa nhé.
Tạm biệt ngôi nhà mái ngói, sân rêu, có hàng hiên thuộc địa nhìn ra khu vườn xanh mướt bóng bàng bóng chuối, có đôi chim xanh, đôi cu gáy, và con mèo lười nằm ngủ hiền dưới giàn hoa giấy bốn mùa đỏ chói.

- Quo vadis?
- Romam vado, iterum crucifigi???

Tuesday, July 7, 2020

7/7/2020

Hơn 3 năm trước khi mình lần đầu đến trường này để xin học cho con, cô phụ trách tuyển sinh dẫn hai vợ chồng mình đi xem các cơ sở vật chất của trường. Trước đó mình đã trình bày trường kia chương trình quá dễ với con mình nên vợ chồng mình muốn tìm trường đúng sức của nó. Lúc vừa đi vừa nói chuyện, cô phụ trách tuyển sinh khoe trường có đội bóng rất mạnh. Mình vui vẻ bảo « Thế thì tốt quá, con trai tôi là thành viên trong đội bóng của trường kia. Hy vọng nó cũng sẽ được chơi trong đội bóng của trường mình ». Vừa lúc đi qua bể bơi, cô phụ trách tuyển sinh lại khoe bể bơi tiêu chuẩn thi đấu quốc tế gì đó. Mình nghe xong cũng vui vẻ bảo « Con trai tôi cũng ở trong đội tuyển bơi của trường cũ ». Thấy cô kia liếc mình một cái rất nhanh, trên mặt có một vẻ « khiếp chị, trong nhà nhất mẹ nhì con ». Mình không nói gì. Thời gian sẽ trả lời, đi đâu mà vội.
Hơn 3 năm trôi qua. Cô phụ trách tuyển sinh kia nếu theo dõi lũ con mình để xem có được như chị mẹ kia « nổ » ban đầu không, thì giờ hẳn đã hiểu mình rõ ràng là nói quá, nhưng là quá ít.
Dân tình đồn đại mình chuyển con khỏi trường cũ vì chê chương trình học dễ quá. Mình không biết vì thế mà mình trở nên nổi tiếng và bị rất nhiều bậc phụ huynh để mắt theo dõi xem ở trường mới có làm nên trò trống gì không. Cơ mà mình cũng không buồn giải thích là chương trình học dễ quá chỉ là một lý do thôi. Lý do nữa là mình không tiêu hóa nổi kiểu giáo dục nhu nhơ, tự do quá trớn trẻ con thích gì làm nấy, nơi thầy cô không dám nói thật vì sợ gặp phải phụ huynh cưng con xù lông làm toáng lên thì rầy rà, có khi lại mất việc, nên thôi cứ nói những lời phải đạo nhảm nhí cho đỡ phiền đến thân. Nói nhiều thành bản tính, cứ mở miệng là nói lời phải đạo, nghe như bị ngáo. Cái gì mà tất cả trẻ em trên đời đều đặc biệt, đều phải khuyến khích phải để cho tự do phát triển. Trẻ em giỏi giang chăm chỉ tốt bụng tôn trọng quy định của trường đặc biệt cần phát huy đã đành; còn trẻ em lười biếng láo toét gây gổ, trong lớp các bạn ngồi học thì nó nằm lăn ra đất, cũng đặc biệt thì…nhẽ cũng cần phát huy luôn? Còn nữa, cứ tăng cường dạy trẻ phải hướng ngoại, phải tự tin, phải tập đứng thuyết trình, đứng nói trước công chúng, nhưng không thấy dạy trẻ nền tảng. Nền tảng không có mà lại cứ nói thao thao, thì phải chăng là thành nói bậy ?
Ở đời bây giờ muốn tìm nghe lời nói thật cũng không phải dễ, nhất là khi tung hô khen ngợi đã trở thành định nghĩa cấp tiến văn minh. Ai chê, kể cả chê đúng mà xem, có khi còn bị cắm đuôi đuổi vào rừng. Cơ mà mình cứ tự hỏi không muốn hoặc không dám chê thì thôi, cứ im lặng ai bảo gì, chứ ai lại cứ đi khen bậy kiểu thế.
Trường học mà không rèn, thì ở đâu rèn ? Lúc còn nhỏ mà không rèn, thì lúc nào rèn ? Con trẻ được chiều chuộng khen ngợi tự do phát triển tự do sống theo ý thích rồi ra đời sức đề kháng kém, lực nhẫn nại kém mà lại bố đời ảo tưởng. Cuộc sống cứ ngon nghẻ thì không sao, chứ thử gập ghềnh một tí xem, biết nhau ngay.  
Sau khi mình chuyển đi khỏi trường cũ một thời gian, có phụ huynh trường cũ nhắn tin kể lể « G ơi mày chuyển đi là đúng. Con tao đang phải học một tác phẩm truyện ngắn có nội dung mẹ ngoại tình, bố bắt quả tang thế là giết cả vợ và nhân tình, sau đó bố ung dung đi uống cốc cà phê. Hết truyện ». Thầy cô nào tuyển được tác phẩm quý thế. Các thầy cô giáo da trắng ở đâu giỏi không biết chứ mà sang các nước da đen da vàng này thì phụ huynh cứ coi chừng, có khi còn kém xa giáo viên bản địa trong các trường quốc tế. Cũng tương tự với bệnh viện quốc tế, các bạn cứ thử tìm hiểu mà xem.
Còn gần đây, một chị người quen của mình kể con chị ấy cứ học được chừng 10 phút trong lớp là cô giáo lại cho phép nó đi « giải lao », vì tôn chỉ của trường là không ép uổng trẻ con. Nó đi giải lao vào thẳng trong thư viện trường oánh điện tử. Cô trông thư viện cũng chả nói gì, kệ cho nó chơi cả tiếng đồng hồ, vừa nhàn thân cô vừa làm vui lòng trẻ con. Suốt mấy tháng liền như thế đến tận khi chị kia một hôm đến trường đột xuất có việc mới phát hiện ra, làm toáng lên một trận và gọi điện cho mình thở than tìm trường để chuyển con đi.
 Lại quay lại vụ bọn trẻ con nhà mình, kết thúc năm học, mình nhắn tin cho ông « Thằng Ale năm nay đã rất nỗ lực để đạt được kết quả tốt đặc biệt. Đã đến lúc mình mua cho nó một cái điện thoại ». Ông nhắn tin lại ngay « Đứa nào nhắn tin? ». Mình nhắn lại « Vợ anh ». Ông vẫn chưa tin « gửi ảnh tao xem ». Mình gửi bảng điểm tổng kết của lũ con. Ông vẫn khăng khăng « gọi video tao xem ». Mình đành phải gọi video « bình thường ông ngờ nghệch như thiêu thân lao vào đèn dầu mà sao lần này ông cảnh giác thế ? ». Ông cười hí hí, bảo tại chúng nó lừa anh bao lần rồi. 
Ông con lần đầu tiên trong đời được mẹ hứa mua điện thoại cho sung sướng cười tủm tỉm suốt từ trưa đến chiều. Mẹ yêu ông con trai đang vào tuổi dở ông dở thằng mồm cãi lấy được nhưng trước khi ngủ bao giờ cũng nói « Lê yêu mẹ » nhất trên đời 💓.

Ảnh : Accra đã vào mùa mưa. Mưa gió vặt lá cây si trong vườn rải thành thảm dày trên mặt đất, tí che mất cây mít con mình mới trồng cách đây mấy tháng.


Sunday, June 28, 2020

28/6/2020

Mỗi lần chuyển nhà là một lần mình gần chết, lần này tưởng nhẹ nhàng mà cuối cùng cũng không ngoại lệ. Đang mùa covid phải giảm thiểu tiếp xúc với người ngoài, mình phải tự tay đóng hết quần áo giày dép sách vở và các đồ gọn nhẹ khác, chỉ để lại đồ gỗ to nặng cho công ty chuyển nhà.
Và hỡi ôi ai mở một cái tủ to vật và cao quá đầu người xếp đầy ặc hàng trăm món khăn trải bàn khăn ăn chăn ga gối đồ trải giường các loại, cái nảo cái nào cũng gấp vuông chằn chặn y hệt nhau toàn một màu trắng tinh khôi, mà lại phải phân chia cái nào của tui cái nào của tư dinh đại sứ, tức là phải đích thân mở từng cái một ra kiểm tra rồi gấp lại, thì mới hiểu nỗi khổ gạo đỗ trộn lẫn phải ngồi nhặt của tui.
Từ cả năm trước mình đã bảo ông loại bớt đồ, suốt cả năm thỉnh thoảng lại nhắc, khi còn 1 tháng cũng nhắc, còn 1 tuần cũng nhắc, ông đều ừ hữ chả làm. Đến lúc chỉ còn vài ngày nữa là công ty vận chuyển đến đóng đồ, ông bảo cuối tuần này anh làm. Bảo làm mà thứ 7 ăn xong ngồi nghịch điện thoại rồi ăn tiếp rồi đi ngủ rồi dậy lại ăn ăn xong lại nghịch điện thoại rồi lại đi ngủ, chủ nhật cũng ăn xong ngồi nghịch điện thoại rồi lại ăn tiếp rồi… tưởng bắt đầu làm việc thì lại tặc lưỡi đi ngủ tiếp. Ngủ dậy trời đã nhá nhem tưởng cuối cùng cũng bắt đầu động chân động tay, thì lại bắt đầu nghịch điện thoại. Mình buộc phải làm toáng lên một trận ông mới hoảng hồn quăng điện thoại lật đật chạy ra mở tủ loại đồ. Loại được đúng… 3 món. Toàn chổi cùn giẻ rách và sách nhảm mà nhìn cái gì cũng tiếc cũng muốn giữ lại. Bảo container sẽ bị đầy, anh giữ lại toàn đồ vớ vẩn thì sẽ không có chỗ cho những món đồ giá trị, ông bỏ ngoài tai. Đến lúc thấy không còn chỗ để chen chân và khả năng container thiếu chỗ là có thực, ông hoang mang cau có chống nạnh nhìn quanh vẻ suy nghĩ, rồi bảo « Chúng ta có thể bỏ lại con gấu bông của con Anna». Éo gì lắm nữa.
Toàn đồ vớ vẩn nên không phân loại được, thùng nảo thùng nào của ông ông cũng đề Miscellaneous, tức là Đồ linh tinh. Lúc kiểm kê để đưa vào container, thằng bé kiểm kê rụt rè bảo mình « Madame, hải quan Ghana không chấp nhận thùng mang tên Đồ linh tinh ». Mình bảo « Nhưng mà là đồ linh tinh thật mà ». Điệu bộ nó ngại ngùng khổ sở « Nhưng hải quan họ sẽ không chấp nhận. Thôi madame cứ cho tôi một cái tên bất kỳ cũng được ». Thế là đành phải mở hết các thùng Đồ linh tinh của ông để kiểm tra xem có gì trong đó đặng nghĩ ra một cái tên hợp lý.
Mình gửi sách trả lại cho trường rồi bảo lũ Lê La Na dọn đống vở viết, quyết định cái nào giữ lại, cái nào bỏ đi. Con La chọn giữ lại vài quyển vở có những kiến thức quan trọng cần nhớ, mẹ gật gù « Con gái mẹ được ». Ông Lê giữ lại cả đống vì chọn đi chọn lại cuối cùng thấy cái nào cũng quan trọng không bỏ được cái nào, mẹ làu bàu « Mày giống bố mày ». Riêng con Na không nói không rằng thẳng tay quẳng từng xấp vở, các bài kiểm tra, và từng tập tranh nó vẽ và chuyện tranh nó sáng tác, tuốt tuồn tuột vào thùng rác hết, mặt tỉnh như ruồi. Thấy nó mãi chẳng có vẻ tần ngần ngắm nghía muốn giữ lại cái gì, mình tiếc rẻ sốt ruột « thế chẳng nhẽ con không có phần kiến thức nào có lúc sẽ cần phải tra cứu lại, hoặc bài văn được điểm cao, hoặc bức tranh nào con tự hào và muốn giữ lại làm kỷ niệm à ?». Nó nhún vai gọn lỏn No, đoạn trút tuốt vào thùng rác. Mình mà nói thêm nữa thể nào cũng được những câu lý sự kinh điển kiểu « Học xong rồi thì thôi, năm mới lên lớp mới thì học cái mới chứ học cái cũ làm gì?», hoặc « cái gì cần thì phải ở trong sách của năm đó, chứ không thì có sách để làm gì », hoặc « kiến thức ở trong đầu Na hết rồi ». Nó trí nhớ cá vàng, đang nói dở còn quên « Ơ Na đang nói gì ý nhỉ ? », thế mà lúc nào cũng siêu tự tin kiến thức ở trong đầu hết như thế.
 Mở tủ dọn đồ, tần ngần ngắm nghía những món quần áo váy vóc xinh xinh của lũ con. Những món quần áo Juicy Couture, Pinko Palino, Il Gulfo, Valentino, Ralph Lauren, Gucci, Dior, Burberry, mèng ra cũng phải Petit Bateau, cái áo này con mặc trong dịp này, cái váy này con mặc trong cái ảnh kia, đôi giày kia mình mua lúc mình đang lang thang cùng nhau ở phố phường một nơi xa lạ nào đó, tất cả đều xinh xẻo quá đỗi, muốn giữ nâng niu như kỷ niệm mà không thể giữ được. Soạn ra đem cho cũng phải chọn người. Vì nhiều người không biết dùng, đưa họ đồ đắt tiền họ làm cho tả tơi rơi rụng nhàu nhĩ cháo lòng rất tiếc. 2, 3 năm trở lại đây, con La đua theo bạn, bạn mặc OVS là nó đòi OVS, bạn mặc Zara H&M Decathlon là nó cũng đòi Zara H&M Decathlon, còn con Na thì đua theo chị, nên mình mới bắt đầu mua đồ rẻ. Nhìn con Na suốt ngày quần đùi áo phông như thằng con trai, và con La quần soóc ngắn hở mông, áo ngắn hở rốn, chưa đủ ngắn thì nó cắt thêm cho ngắn, nhảy múa uốn éo các động tác khiêu khích, mồm không châu chẩu làm duyên thì cũng ông ổng hát nhạc não tình hoặc đọc rap, và lúc cười thì cười ha hả cúi gập người vừa nhảy nhót vừa vỗ tay đen đét vào đùi giống như dân ở đây, mà chán. Những em bé xinh xắn đáng yêu bẽn lẽn như những con búp bê của tôi đâu rồi ???
Thế, thế là nhà cửa đã trống trơn, container đã niêm phong, nhưng vé máy bay thì chưa có. Vậy là đồ đi người ở lại. Chuyến sắp tới là do đại sứ quán một nước châu Âu tổ chức. Dân tình tuyệt vọng tranh cướp vé, hoang mang hỗn loạn kinh khủng. Nếu muốn, ngài thừa sức cho cả gia đình lên chuyến máy bay đó. Nhưng ngài bảo « Phần cho Ý chỉ có hai chục vé, đại sứ Ý lại giành được cả 5 vé cho gia đình thì không ổn. Thôi ở lại, đợi chuyến khác ».
Ở thì ở, ở suốt 4 năm giờ ở lại thêm một chút có sao. Ngáo ngơ thì có khi bị mắng, chứ liêm khiết thì không, nhớ đấy. 

Saturday, June 20, 2020

Linh tinh


Con Na rất thích ăn đồ ăn mẹ nấu. Mẹ nó không thuộc dạng tài cán nấu nướng gì, nấu món được món không. Ngài và lũ Lê La nhiều khi chê ỏng chê eo hoặc không dám chê nhưng vừa ăn mặt vừa nhìn như bị giời hành, nhưng con Na thì khác. Món nào mẹ nấu nó cũng ăn uống nhiệt tình, vừa ăn vừa khen nức nở. Nó bảo mẹ nó nên mở nhà hàng, thế nào cũng đông khách.
À mà nó còn tín nhiệm tài năng chữa bệnh của mẹ nó. Đau đầu, đau bụng, sứt da, nóng sốt, bầm tím, ngứa chỗ nọ chỗ kia, đau chỗ này chỗ khác, thậm chí chả đau chả ngứa mà chỉ khó ở thôi mẹ nó cũng chữa được hết. Nó cũng khuyên mẹ nó nên mở phòng khám. Xong rồi nó đổi ý, nó bảo thôi mamma đừng mở, vì người ta đến đông quá rồi mamma lại không có thời gian chăm sóc Na!
Lại quay lại vụ nó thích đồ ăn mẹ nấu, trong tất cả các món thì nó đặc biệt thích món thăn bò bỏ lò. Mỗi lần mẹ nó làm món đó là nó xuýt xoa thèm thuồng vào tận trong bếp ngửi hít. Hôm kia mẹ nó làm món này, nó đã ăn ngấu nghiến. Trưa hôm sau còn thừa lại một ít, mẹ nó cắt ra cho 3 chúng nó mỗi đứa một ít. Thằng anh đang vào tuổi ăn, ăn xong phần của mình chạy ra xúc cả phần của con em ăn sạch. Nhìn thấy phần thịt bò teo hẻo chỉ một cái tợp là biến mất vào trong cái mồm cá ngão của thằng anh, con Na hét như cháy nhà. Mình đang điện thoại mà nó gào khóc chói lói làm mình phải lập tức chạy xuống nhà rã đông một khúc thịt thăn nữa, hứa mai mẹ làm lại, không cho thằng kia ăn nữa, thì nó mới chuyển từ gào khóc sang è è mè nheo. Suốt mấy tiếng liền nó cứ è è mè nheo như thế, và nhìn thấy cái gì, ngửi thấy cái gì, nó cũng liên tưởng tới phần thịt bị thằng anh ăn cướp, và mắt lại rơm rớm lên.
Mấy tiếng sau, mắt vẫn liên tục rơm rớm, nó bảo nó sắp hạ đường huyết đến nơi rồi, mình thì cũng đã chịu hết nổi tiếng nó lèo nhèo, bèn chạy xuống nhà lấy ít cơm nguội và thịt ba chỉ rang cháy cạnh còn thừa trong tủ lạnh, cũng là một món nó vô cùng yêu thích, hâm nóng lên cho nó ăn. Ăn xong có vẻ nguôi ngoai, nó bắt đầu hát. Hát một lúc nó bảo “mẹ ơi Na nhức đầu”. Hát cho lắm vào lại chả nhức. Đang nghĩ ăn cơm giữa buổi thế này rồi đến bữa tối lại ngồi gảy gót, ai ngờ nó hát nghêu ngao cho mấy tiếng liền nên đói bụng, đến tối lại ăn ngấu nghiến.  
Món thịt bò bỏ lò thì vô cùng đơn giản nhanh gọn. Thịt bò chọn khúc filet mignon, lọc sạch gân màng, thấm khô rồi cuốn chặt một lần giấy bạc và một lần cling wrap, cho vào lò, bật 50 độ C. Lò của mình là lò chuyên dụng cho events nên hơi nóng, lò bình thường có lẽ nên để 60 độ C. Để đó đi chơi, khúc thịt nào nhỏ thì 1 tiếng sau quay lại, khúc thịt nào to và dầy thì 1 tiếng rưỡi. Lấy ra khỏi lò, bỏ bọc, xoa ít muối, làm nóng bơ trong chảo rồi cho khúc thịt bò vào lăn qua lăn lại cho tái vỏ ngoài. Bơ chỉ cần đủ nóng để thịt bò cho vào kêu xèo một cái là đủ, không để lửa to quá làm cháy bơ. Quá trình lăn bơ này không quá 1 phút.
Xong rồi nhấc khúc thịt bò ra, thái thật mỏng xếp lên đĩa, rắc tiêu, rắc thêm ít muối nếu cần, và rưới dầu olive tươi lên. Dầu olive có thể cho thêm ít tỏi tươi hoặc lá thơm tùy thích. Thế, mất vài phút mà thành phẩm cực kỳ mềm, dù ăn ngay hay để tủ lạnh ăn ngày hôm sau đều rất ngon. Ngay cả thịt gà cũng thế, hai cái đùi gà xát muối chanh, cho vào lò, để 100 độ rồi đi chơi 2 tiếng, bao giờ gần đến lúc ăn mới thêm dầu olive và tăng nhiệt lò mấy phút để rám vỏ ngoài. Người ghét nấu ăn nên cứ phải thủ túi những món không mất thời gian đứng bếp. Bọn trẻ con háu đói, nhiều khi thấy 7h ăn mà 6h30 bà bô vẫn ngồi rung đùi, lo lắng chộn rộn hỏi sao mamma chưa đi nấu ăn. Bà bô nó bảo tao đi lúc nào kệ tao, miễn đúng 7h có bữa tối cho bố con mài là được chứ giề. Ngồi rung đùi nhàn tản thế thôi chứ mọi việc tính hết roài. Thịt thì đã ở trong lò cả tiếng, rau thì đã lấy ra cho thằng bé giúp việc rửa sẵn, nồi nước đã để sẵn dặn nó đến giờ thì bật bếp. Canh giờ nước sôi tui mới xuống. 3 bếp một lò, có lý gì mà vài phút không xong.  
Nhân việc nhà cửa đang tanh bành và người ngợm ê ẩm vì đóng đồ, điều mình thích nhất ở những thử thách mình buộc phải vượt qua là thử thách nào cũng có tính thời hạn. Mệt mỏi căng thẳng đến mấy, cứ tiếp tục nỗ lực thì ngày hôm sau sẽ gần đích đến hơn ngày hôm trước, và cứ đến ngày đó tháng đó, là mọi thứ sẽ xong xuôi bất kể làm có tốt hay không. Event lớn đến mấy, chuẩn bị mệt mỏi đến mấy, kết thúc events khách về là hết. Mấy trăm thùng hộp phải xếp mệt mỏi đến mấy, đến ngày công ty vận chuyển đến là sẽ bê đi hết. Một nhiệm kỳ ở một nơi chán đến mấy cũng chỉ tối đa 4 năm là hết. Nó không phải là những mệt mỏi tật bệnh hay những dày vò tinh thần, mà dù có cố gắng đến đâu ngày hôm sau cũng chưa chắc đã tốt hơn ngày hôm trước, và chỉ biết ngồi chờ số chứ không thể biết sẽ kéo dài bao lâu.
Thế nên cuối tuần lại chăm chỉ đóng đồ thôi vậy.