Thursday, April 29, 2010

Lila 35

 
Mình ngồi ngắm Lila lúc ngủ. Lúc ngủ trông bé ngọt ngào dễ thương lắm chứ cũng ko đến nỗi. Môi đỏ mọng bĩu bĩu và cái chót mũi bé tí tẹo thở say sưa.
Thế mà chỉ cần mở mắt ra một cái là thôi rồi. Vì cái mắt mi cong nhưng cái mí mắt lại lẳn lẳn giống thằng anh, nên càng bướng bỉnh, nghịch ngợm và tinh quái. Liếc, lườm, chớp mắt, cứ nhoay nhoáy. Chú Bình Nguyên cũng thế, lúc ngủ thấy cái mũi chú nhỏ cái môi chú mọng, từ bi lắm, thế mà lúc thức thì mũi chú cứ xòe ra chiếm đến nửa mặt và răng suốt ngày nhe nhởn như răng chuột nhìn thấy cả lợi.
Đầu tiên phải kể đến việc cái gì cũng thích tự làm “ko, lala tự, lala giọi”. Lên cầu thang cũng tự bám thành đi lên, lên gần đến nơi thì đi ko nổi mà phải bò bằng 4 chân. Từ vỉa hè bước xuống đường mẹ cầm tay dắt, bé ko chịu, mẹ mà vẫn còn cố cầm tay dắt xuống thì xuống rồi lại ì ạch trèo lại lên vỉa hè để tự xuống lại một mình. Lên thềm cao lại xách theo cái xe đẩy đồ chơi có con búp bê, mẹ định xách hộ cũng từ chối, vừa bò lên thềm, vừa kéo xe đẩy lên theo, thở ành ạch.
Giờ bé mới biết nói nên nói như vẹt suốt ngày, riêng nghe không thôi đã nhức hết cả đầu. Nhiều lúc cả nhà cười bò vì ngôn ngữ bé quá hài hước, nó là sự kết hợp của tiếng Bắc, tiếng Nam, tiếng Ý, tiếng Anh (học lỏm của thằng anh) và thêm cả chút tiếng bé bịa ra những lúc bí từ. Đặc biệt bất kỳ ai nói cái gì bé cũng cãi lại được nhem nhẻm.
- (Bà Nuôi giọng dỗi dỗi) Lala thấu
- thấu thì có đấy
Hoặc
- Thúi quá, lala lại pu pu rồi hả?
- Lala ko pu pu, thế bà có pu pu không?
Hoặc
- (mẹ đánh vật) Bé nằm yên mẹ lót cái miếng này vào nếu ko bướm bé lại ngứa đấy
- Bướm mamma ngứa thì có đấy (rồi tự thưởng cho mình một tràng cười ha hả)
Chưa kể giờ đến tuổi bé hỏi “ai thế” hoặc “đây là cái gì?”, hỏi suốt ngày. Mỗi tội chưa phân biệt được hai câu hỏi này nên cả người và đồ vật đều được gọi chung là “ai thế”. Mẹ trả lời điện thoại “ai thế mamma”. Mẹ lại trả lời điện thoại “ai nữa thế, mamma”. Nhìn thấy ảnh con rùa trên TV “ai thế, papa”. Có hôm chàng chạy ra thì thầm hỏi mình “em ơi, Lila nó chỉ vào ch.. anh và hỏi ai thế, anh phải trả lời thế nào hả em?”.
Bé cũng đã đến hồi điệu chảy nước. Bé đặc biệt yêu thích chiếc váy nhung đen có thêu những bông hoa bé tẹo màu hồng. Mỗi tội năm ngoái chiếc váy dài đến nửa bắp chân, năm nay ngắn đến nửa đùi, mặc hở hết cả bỉm và cặp chân cong. Thế mà đi đâu cũng sống chết mặc cái váy đấy, rồi lấy túi của mẹ xách đi tung tẩy “Lala xinh, mamma nhìn”. Mỗi lần ra ngoài đi chơi là mẹ lại nhờ vả “bé vào chọn váy cho mẹ đi, theo bé mẹ nên mặc váy nào thì đẹp?”. Thế là bé lon ton vào đứng suy nghĩ trước tủ quần áo của mẹ, và thể nào cũng chỉ vào một trong những chiếc váy da báo hoặc ngựa vằn “cái này đẹp này, mamma”. Nếu mẹ lắc thì bé sẽ tiếp tục chỉ vào cái váy da báo thứ hai “cái này, mamma”. Nếu mẹ vẫn lắc thì lại chỉ tiếp vào một chiếc nữa tương tự, hoặc thậm chí quay ra hỏi mẹ “thế mamma thích cái nào?”.
Có thời gian buổi sáng mẹ hay bỏ công ngồi tết tóc cho con gái đi học. Đến lớp, gặp ai cũng thấy Lila vẻ rất vô tình cầm bím tóc con con chìa ra đằng trước khoe. Thằng Lê lần đầu tiên nhìn thấy em gái tết tóc nó thích lắm, nó bảo“la xinh quá, hôm nào mamma làm cho la cái tóc ở đằng sau thế này này, xinh lắm Lê thích”. Thằng này bé tí mà lúc nào cũng toàn gái là gái.
Mỗi lần đánh anh xong Lila có thái độ đặc biệt săn đón và làm lành, ví dụ hôn hít, cầm tay, ôm, hoặc hỏi những câu rất quan tâm kiểu “ale có thíc ăn cà dốt ko hả ale?”, “ale có thíc quyển sách này ko hả ale?”. Có lần, mẹ giận quá vì nửa đêm vẫn múa hát tưng bừng ko có dấu hiệu gì là sắp ngủ, mẹ bắt đầu hỏi giọng gay gắt “thế nào, bé có định ngủ ko đây?”. Lila đang hát nín bặt, nhìn mẹ vẻ chăm chú rồi bắt đầu nheo nhẻo “la iêu mamma, la muốn hôn mamma”. Bó tay với con gái.

Monday, April 26, 2010

Chúng ta thường…

 
Chúng ta thường dốc túi để mua cho con miếng thịt ngon nhất, con tôm to nhất, con cá béo nhất, nhưng lại mắng con hoặc bực bõ trong bữa ăn, thậm chí cả trước và cả sau, mà quên đi rằng ko có món ngon nào bổ dưỡng hơn một môi trường yêu thương hoà thuận đầy ắp tiếng cười cho con lớn lên
Chúng ta thường tin rằng mình có thể bán máu, hiến thận, cho tay vào lửa, hứng đạn, nhảy lầu, hoặc chết vì con, mà quên rằng trong đời thường một sự hy sinh bi kịch như vậy có mấy khi cần tới. Trái lại, dằn lại một cơn cáu giận nhiều khi vô cớ, một sự áp đặt vô lý, giận cá chém thớt, là một hy sinh thực tiễn hơn nhiều.
Không có tình yêu nào đến tự nhiên, kể cả thứ tình yêu chúng ta thường tin tự nhiên nhất như tình yêu mẹ con.
Không phải cứ có một người bê đứa trẻ đến ấn vào tay ta và bảo “đấy, con mày đấy, yêu đi”, thế là ta yêu nó sống chết. Mẹ yêu con vì mẹ mang con nặng và đẻ con đau, thấy bụng mình lớn lên từng ngày, thấy hình con quẫy đạp và mút tay, cảm thấy chân con đạp, tay con sờ, và cả khi con nấc cụt, trong bụng. Để có con bên mình mẹ phải trả rất nhiều giá, trong một xã hội hiện đại và đời sống cao, những cái giá đó toàn rất đắt cả.
Không phải cứ có một người mang một người khác đến và bảo con “đấy, mẹ mày đấy, yêu đi”, thế là con yêu họ sống chết. Con yêu mẹ vì con mở mắt ra là có mẹ, con ngã mẹ hôn vào chỗ đau, con ốm mẹ nâng đầu cho con uống từng ngụm nước, con sợ mẹ ôm con vào lòng cho con cảm thấy yên ổn, trời mưa mẹ cởi áo che cho con khỏi ướt, khi có mẹ tất cả mọi việc khó khăn đều trở nên dễ dàng hơn với con, và khi tất cả các cánh cửa đóng lại với con, có cánh cửa nhà mẹ lúc nào cũng rộng mở.
Thế là mẹ con mình rất yêu nhau, con nhỉ
Chúng ta rất hay nói “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Thế mà chả có ai nói “có nuôi con mới biết có nhiều người con đáng được cha mẹ thương hơn thế”.
Mấy tuần nay mình rất bực một chuyện…

Sunday, April 25, 2010

Hoa hồng có gai

 
Mình rất thích hoa hồng. Mình thích những bông hoa hồng trông rất ẻo, cái cành gầy đến mức bông hoa cứ như đã trở thành quá nặng, và đặc biệt phải có gai, càng nhiều gai càng tốt, gai càng bé càng tốt. Trông thì mảnh mai thế thôi nhưng động vào là gẫy tay. Còn những bông hoa hồng cành to tướng, thân thẳng đuột dài cả sải tay, vài cái gai lèo tèo thậm chí trơn tuồn tuột chả có cái gai nào thì ẹc. Hoa hồng thì phải có gai, cũng như đàn bà thì phải kiêu.
Hôm về VN, buổi sáng ngồi lê vỉa hè ăn bún đậu mắm tôm với đứa bạn. Sáng ra nó gọi rủ đi ăn sáng. Chị gái lò dò đến, tuyên bố đi ăn bún đậu mắm tôm. Mình phản đối kịch liệt “sáng ra đã ăn mắm tôm” chả làm nó thay đổi quyết định. Thế mà cuối cùng mình chơi hẳn hai bát mắm tôm liền còn nó một bát đã ngắc ngoải. Đang ngồi khề khà trên vỉa hè thì có chị bán hoa đi qua. Mình chạy ra mặc cả. Chọn một bó hồng vàng và dài mồm chê “eo, hai cái nụ này rủ xuống như hai cái râu, hoa gì mà chả tươi gì cả”. Chị ấy la bai bải “giời ơi hoa hơi bị tươi của con nhà người ta đấy, nhìn này (chỉ vào những miếng giấy báo vẫn bao quanh từng nụ hoa), vẫn còn trinh nguyên nhá”. Cười gần chết với chị bán hoa vui tính. Mua cả một bó hồng nhí chắc đến 50 bông mà có mỗi mấy chục nghìn.
Bên này thì khác. Bên này hoa đắt dã man. 1 euro một bông hồng, nếu là hoa hồng to đẹp thì còn đắt hơn. Mình có một bình hoa rất to, cắm hoa hồng rủ rất đẹp nhưng để cắm cho đủ thì cứ phải 40, 50 bông, tiền nào cho thấu. Cái bình hồi ở VN rất hay dùng, bây giờ khi nào mà phải thấy một mớ hoa hồng đẹp ko cầm lòng nổi thì mới mua về lôi ra dùng, thỉnh thoảng lắm.
Mình thích để bình hoa trên bàn thấp, để đứng hay ngồi đều nhìn được. Mội tội nhà có hai khỉ đột, ko có cách nào chống đỡ được. Con trai thì trèo lên bàn chân nhảy tay đấm, có khi đá cả bình hoa đổ lăn chiêng. Con gái đi học về, thấy bình hoa mẹ để trên bàn, thì a lên một tiếng và trèo tót lên, cái tay mũm mĩm nhúm vào bông hồng, vặn nhẹ một cái theo chiều kim đồng hồ. Sau một tiếng “toách”, bông hoa hồng còn mỗi cái đài trơ trọi. Sau khoảng 5, 6 tiếng “toách” như thế thì lọ hoa của mẹ trụi một vạt, còn cánh hoa hồng thì vương khắp nhà lại cất công đi dọn.
Những thú vui nho nhỏ cứ trụi dần theo thời gian thế này.

Thursday, April 22, 2010

Thiên hạ vô đối

Hôm qua nhà có khách. Lúc chuyển sang main course, mình mang đĩa của khách vào bếp bày thịt và rau lên rồi mới mang ra bàn, và để lại đĩa rau serving trên bàn bếp, định là khách mà muốn ăn rau nữa thì mình sẽ mang ra chứ ko mang hẳn đĩa rau ra để trên bàn như thường làm. Nhoắt một cái bà Nuôi đã để ké luôn mấy phần rau cũ lên đĩa rau mới xào của mình (để còn rửa cái đĩa kia cho nó gọn). Chàng ko biết bưng ra mời khách. Mình phát hiện rau mới (xào) để lẫn rau cũ (luộc) lúc đã quá muộn. Mặt mình nóng ran lên.

Cũng như khi ta mặc một bộ váy đẹp mà lại vô tình hở ra cái quần lót rách bươm.

Cũng như khi ta nho nhã kiểu cách từ đầu đến cuối mà lại bị bắt gặp đang vội vàng liếm đĩa trong bếp.

Không biết là lần thứ bao nhiêu các cô giúp việc làm mình xấu hổ trước mặt khách

Cô thì cứ phục vụ là sai lung tung cả. Đã bảo bao nhiêu lần là đưa khay đồ ăn mời khách là phải đưa từ bên trái, mà dọn đĩa đi là phải dọn từ bên phải, và chỉ cần nhìn thấy khách xếp dao dĩa 10h20 trên đĩa là biết họ đã ăn xong, cứ việc dọn ko phải hỏi. Thế mà lúng túng làm mãi ko thuộc, có lúc chìa ra khay thức ăn từ bên phải, chợt nhớ ra lại bưng khay đồ ăn chạy tót sang bên trái. Khách tưởng được mời đồ ăn quay sang phải giơ tay định lấy thì chưng hửng, lại nhớn nhác quay sang trái. Lúc dọn đĩa lại thò tay định lấy từ bên trái, bị mình nhắc thì cười khúc khích chạy sang bên phải, có khi tương cả cái khuỷu tay vào đầu khách. Lúc dọn đĩa, khách vẫn còn bày tè he dao dĩa vẫn đang ăn dở đã đến nhăm nhăm dọn biến đi, còn lúc khách đã xếp gọn dao dĩa 10h20 lại cứ bị giúp việc hỏi ăn xong chưa để còn dọn. Khách nhiều khi mải nói chuyện giúp việc hỏi mãi ko nghe thấy còn bị giúp việc hích hoặc sờ vào vai để gây sự chú ý.

Cô thì khách với chủ đang nói chuyện cô ấy lắng tai nghe, cười khúc khích, chẹp chẹp miệng tỏ vẻ phản đối, hoặc chêm vào một hai câu, thậm chí còn cười phá lên ra vẻ rất nắm vững nội dung cuộc chuyện trò.

Cô thì khách và chủ đang nói chuyện rôm rả cô ấy mặt sưng vù vù mang con ra trả “đến giờ chị đi ngủ rồi em trông con em đi”.

Cô thì nhà có khách ăn tối mà cô ấy lại định diện một cái quần đông xuân. Cái quần đông xuân này kiểu cũ và mình thường trầm trồ “sao bây giờ chị vẫn có loại quần này”. Nó giống cả về kiểu dáng lẫn chất liệu cái quần đông xuân bác trai mình hay mặc cách đây 20 năm, mà chỉ mặc ở bên trong. Chứ nó lại được gần giống những kiểu quần legging thanh niên hay mặc bây giờ thì đã khá.

Bà Nuôi thì làm vỡ liên tục. Ngồi tại bàn ăn thấy bà Nuôi cứ thỉnh thoảng lại xoảng một cái gì đó trong bếp. Khách nhiều khi tỏ vẻ quan tâm cứ (giả vờ) hốt hoảng hỏi “có chuyện gì thế”, mình nhún vai “ko có chuyện gì đâu”. Bà N có hôm “Tôi là tôi mê nhất cái tủ bếp của cô, đấy, tôi mà sắm đồ là cứ phải như thế”. Vừa nói xong thì cạch một phát, cánh tủ bếp bằng sơn mài trắng mẻ một miếng vì bà Nuôi va cái chảo gang vào. “Cái tủ bếp đẹp bá chấy, nhìn mãi ko chán”, vừa nói xong thì “đeng”, cất cái bát lại va vào. Cái tủ bếp mẻ vài chỗ rồi. Sáng thì xoảng một cái vỡ cái cốc (lại sắp đến quý đi IKEA mua loạt cốc mới). Chiều thì choang một cái rơi cái nồi (may mà nồi không nhé) từ trên bếp xuống đất. Ra siêu thị thì làm vỡ trứng (không phải lần đầu tiên bà Nuôi làm vỡ trứng ở siêu thị). Lại còn đổ tại mình giục nhanh “đi siêu thị là người ta phải đi cả ngày, đi chơi, chứ cô đi mây về gió thế…”. Đổ tại mình thế là còn nhẹ, nhiều khi bà N còn chửi thề. Chết mẹ là chuyện quá thường, chủ yếu là đù mẹ và đù má nó. Hôm nọ bà N thay bỉm Lila, Lila thì hay táo bón, bà N thay bỉm lại giật phăng một cái, một hòn phân lăn ra rông rổng trên sàn nhà vệ sinh. Lila hớt hải ngón tay chỉ chỉ vào hòn phân “ối, chết mẹ”. Mình bảo bà N “cô đừng chửi bậy bọn trẻ con nó học được cháu rất là ko thích” thì bị bà N bảo “chết mẹ thì có cái gì mà ko nói được”.

Ngày mai là một buổi ăn tối quan trọng mặc dù khách mời chỉ có 2. Chỉ hy vọng ngày mai bà N đừng gây tiếng động đổ vỡ quá lớn gì từ trong bếp.
PS: nhà mình từng có một chị giúp việc mà phớt tỉnh như giai cũng phải hỏi “em ơi, sao chị ấy lúc nào trông cũng như vừa rơi từ trên cây xuống thế hả em?”. Chịu bố.

Wednesday, April 21, 2010

19/4/2010

Đang kỳ thi tuyển diplomats của bộ ngoại giao, bố Bình Nguyên phụ trách mảng tuyển sinh nên bận tối mắt. Không hiểu có phải kinh tế khó khăn ko mà năm ngoái chỉ có hơn 2000 người thi, năm nay tận hơn 4000 người thi. Trước hôm thi vòng loại đầu tiên làm bài Multiple choice, bố chú phụ trách phần in ấn và bảo mật đề đến tận 4h sáng mới về, sáng hôm sau 6h đã phải có mặt ở địa điểm thi. Râu ria xồm xoàm mặt mũi căng thẳng. Sau vòng đầu tiên chỉ còn 1000 người. Cuối cùng sẽ chỉ lấy 35 người, mà nếu thí sinh ko đủ giỏi thì còn lấy ít hơn. Nói chung đến cuối tháng 7 may ra bố chú mới đỡ bận, sau đó nhà Bình Nguyên muốn đi nghỉ ở đâu thì mới đi được.

Danh sách nhiệm kỳ vừa công bố. Mình đi ăn trưa cùng mấy đứa, chúng nó đứa thì đi New York, đứa thì đi Brussel, đứa thì đi Malta. Có đứa chồng trúng tổng lãnh sự Sydney, nó tháng 7 đẻ mà tháng 8 chồng đã phải nhậm chức ở Sydney, thế mà mặt mũi vẫn hớn hở chẳng tỏ vẻ gì lo ngại. Vậy là nếu mình định đi Sydney thì sẽ phải đợi bọn này 4 năm tính bắt đầu từ tháng 8 năm nay, đấy là nếu như bọn này hết nhiệm kỳ là chồng mình xin được chỗ của chúng nó luôn mà ko phải nhường cho người khác. Ở Rome tận 5 năm thì mình ko muốn. Đi quen rồi, di chuyển vất vả thật nhưng ở lâu quá một chỗ lại thấy mình trì trệ. Mỗi lần di chuyển đến một nơi mới là phải học hỏi nhiều thứ, tiếp xúc với nhiều thứ, đánh vật với nhiều thứ, cũng vất vả liểng xiểng nhưng thú vị.

Hôm nay sáng phải đưa Lila đi học, tranh thủ cho con gái khám ở văn phòng bác sĩ thường trực. Con gái 2 tuổi bằng cân nặng của hồi 1 tuổi, trước khi ốm. Ốm xong sụt 2kg, cả năm vừa rồi cũng chỉ lấy lại được 2kg đó rồi dậm chân tại chỗ mặc dù ăn như hoẵng. Cao bằng bạn nhưng bề ngang thì đúng bằng 1/3. Nhìn con gái cứ gầy nghêu mà thương. Cho con gái vào lớp rồi sang câu lạc bộ tập hát. Tháng 7 này có một buổi biểu diễn nên cả hội phải tập rất nghiêm túc. Dàn đồng ca vườn thế mà hóa ra nhiều lời mời biểu diễn phết, ở các thành phố khác của Ý đã đành mà ở cả nước ngoài, Pháp, Thụy Sĩ, cũng có. Chủ yếu là do quan hệ của các phu nhân ngoại giao hàng cấp cao. Mỗi tội nhiều khi cứ được người này thì mất người kia. Ví dụ tháng 5 có lời mời biểu diễn ở Perugia nhưng mình và mấy bà khác ko đi được, mình thì là vì đúng tuần đó chàng phải đi tập huấn ở Turino.

Hát đến 1h trưa mới xong, đói gần chết mà phải chạy lại trường Lila họp phụ huynh cho con gái. Ngồi họp mà mắt cứ díu lại vì buồn ngủ. Trên đời ko có gì khổ bằng đói mà ko được ăn và buồn ngủ mà ko được ngủ. Cô giáo lại nói nhiều, nói như xả băng đạn đến gần 3h mới xong. Ra đón con gái rồi hai mẹ con về. Vừa ra đến cầu thì trời mưa, chạy rẽ đất, may nhà ở ngay bên kia cầu.
Gần 4h mới ăn trưa, đói run hết cả tay. Ăn xong ngủ mê mệt đến tận hơn 7h mới dậy. Người ngợm vẫn run rẩy, chắc tại món cơm nguội với đậu phụ sốt cà chua.

While outside the thunder rolls...

 
Chiều hôm kia thành Rome tự dưng đổ một cơn mưa xối xả sấm chớp ì ầm.
Mỗi khi mưa giông, tôi thường có một cảm giác rất đặc biệt.
Đó là cơn giông của những chiều hè oi ả, đồng cỏ nhàu vì nắng, mặt sông bốc hơi, và lũ chuồn chuồn rủ nhau đi trốn. Sau cơn mưa, trên đồng hoang những ngọn cỏ lại đanh lại như kiếm, bàn chân trần của tuổi thơ ko sợ trầy xước.
Đó là buổi sáng ngày mới quen, khi anh hỏi xin số điện thoại, tôi đã trả lời rất kiêu ngạo “tôi ko có thói quen đưa số điện thoại trừ mục đích công việc. Nếu cần anh phải tự tìm”. Bầu trời màu xám và tiếng sấm rớt ì ầm ngoài cửa kính. Đến chiều, anh gọi vào số di động của tôi, giọng hớn hở như trẻ được quà “anh giở danh bạ văn phòng ra và tìm thấy số của em đấy, anh giỏi ko”. Anh ko quen bỏ công theo đuổi đàn bà nên với anh, việc tìm số trong danh bạ nhân viên là việc phải sáng tạo và thiện chí lắm mới làm được.
Đó là một buổi chiều tôi tìm đến anh, ko áo mưa. Thuở đó tôi còn ngây thơ đến mức chưa có mascara trên mắt nên ko sợ ướt. Anh đặt tôi ngồi lên chiếc bàn đá trong phòng tắm, cuống quít thấm khô tóc cho tôi, tiếng sấm vẫn ầm ì ngoài cửa sổ. Tôi vừa nhìn anh vụng về tách từng lọn tóc rối, vừa đung đưa chân. Nước từ ống quần tôi nhỏ giọt tong tong xuống nền nhà. Anh nhìn ống quần đu đưa trêu chọc của tôi vẻ suy nghĩ rồi a lên “anh nghĩ ra rồi” và vội vã rút ngăn tủ lấy ra chiếc máy sấy sấy ống quần ướt cho tôi. Nhìn mặt anh nghiêm trọng vì tập trung cao độ, tôi chọc chọc ngón tay vào má anh, để đôi mắt màu xám sửng sốt và buồn rầu, đáy mắt trong veo, dưới hai hàng lông mày như vẽ, phải ngẩng lên nhìn mình. Anh bảo “em ko biết anh thích em đến mức nào đâu”.
Anh, một ngày nào đó, nếu gặp lại, anh còn yêu em không?
Hanging on, still unbroken
While outside the thunder rolls…

Saturday, April 17, 2010

Tuyển tập bà Nuôi (4)

 
Hồi phỏng vấn bà Nuôi trên điện thoại, mình vì đã kinh nghiệm thương đau các đời giúp việc khó khăn ốm đau suốt ngày nên hỏi rất cặn kẽ “cô có hay mất ngủ ko, cô có bệnh gì ko”, bảo “ko, tôi đặt lưng xuống là ngủ liền, ko, tôi chả đau ốm gì bao giờ”. Sang đến nơi bà Nuôi than mất ngủ triền miên, và liên tục đau nhức bắt mình đi mua thuốc giảm đau suốt ngày. Hôm nay thì “tôi nhức cái bàn giò”, mai thì nhức sống lưng, kia thì nhức vai, kìa thì nhức cánh tay, kìa nữa thì nhức cẳng, thường xuyên nhất là nhức đầu. Mình bảo “cô có tuổi rồi, chuyện nhức mỏi là bình thường, nếu chỉ nghỉ ngơi hôm sau là tự khỏi thì cứ nghỉ ngơi, đừng uống thuốc cho hại người cô ạ, giảm đau hại thần kinh, hại gan, hại dạ dày, đau lắm ko chịu nổi thì mới phải uống”, thì bà Nuôi bảo luôn “đau là phải uống thuốc, ở VN là tôi đi bác sĩ rồi”. Theo bà Nuôi chỉ có ở cỡ nông dân đau mới ko chịu uống thuốc, chứ còn đã thành thị là phải thuốc đầy người, càng thuốc tây càng sành điệu. Thế là mình đành chịu. Ở Mỹ thì còn mua thuốc dễ, các loại giảm đau thông thường bán tự do, bà Nuôi uống xong thấy cơn đau biến mất sướng rơn bảo “đấy, cứ phải thế”. Về Ý khó hơn, chúng nó vặn vẹo rất kỹ mới bán thuốc giảm đau cho. Mình có hôm vừa mua vitamin Maternity vừa mua thuốc giảm đau thế là chúng nó ko bán. Mình bảo “tôi mua giảm đau cho giúp việc của tôi chứ ko phải cho tôi”, chúng nó nhìn mình bán tín bán nghi vì trông bộ dạng mình chắc là giúp việc chứ làm gì có chuyện có giúp việc riêng ở nhà. Thế là hôm sau phải đưa bà Nuôi đi cùng ra hiệu thuốc. Chúng nó hỏi han vặn vẹo bà Nuôi một trận rồi ko chịu bán giảm đau mà chỉ đưa cho mấy lá cao bảo về dán. Có vẻ từ đấy bà Nuôi mới xuôi xuôi, đỡ đòi uống giảm đau. Và đời mình cũng may từ đấy ko bị bà Nuôi hành cứ vài ngày lại phải đi mua giảm đau một lần, mà từ đấy cũng ko thấy bà Nuôi kêu đau gì cả. Mất công là một chuyện, mà cái chính là đỡ lo việc bà Nuôi dùng thuốc bừa bãi. Có lần mình đọc hướng dẫn rồi dặn rất kỹ là chỉ được uống ngày một viên, vừa nói vừa giơ một ngón tay đề phòng bà Nuôi ko hiểu. Bà Nuôi chả thèm nghe chơi luôn cho hai viên, say thuốc ngất ngây con gà tây nguyên một ngày, cũng may hậu quả mới chỉ dừng ở mức ngất ngây đấy thôi chứ chưa đi xa hơn
Bà Nuôi bị cảm lạnh. Tất nhiên bà Nuôi đòi mua thuốc. Mình hỏi cô nghẹt mũi, hay đau đầu, hay ho hen hắt hơi, chảy mũi cô cứ miêu tả cụ thể cháu sẽ mua thuốc cho cô. Bà Nuôi bảo tôi chỉ đau đầu thôi, ngoài ra ko khó chịu gì cả. Mình bảo thế thì lúc về đến nhà cô nhắc cháu đưa cô cái thuốc chồng cháu đang dùng, ko cần phải mua nữa. Cuối cùng ko thấy bà Nuôi nhắc nhở gì tưởng bà Nuôi hết đau đầu rồi. Sáng nay bảo bà Nuôi đi ra ngoài cùng bọn trẻ bà N thoái thác “tôi cứ ra ngoài là nhức đầu chịu ko nổi”. Mình bắt đầu bực “thế nhưng ko thể suốt ngày cứ ru rú ở trong nhà được cô ạ”, thì bà Nuôi chống chế “tại vì tôi đang cảm lạnh, mấy hôm nay mà ko có cái thuốc kia thì chắc tôi chết rồi chứ ở đó…”. Mình hoảng hoảng vì bà N cảm lạnh từ chục hôm trước, ko hiểu bà Nuôi lại tự ý dùng thuốc gì, tiếng Việt còn chả đọc được nữa là tiếng tây, bảo “cô dùng thuốc gì thế, cô mang cho cháu xem có được ko”. Bà Nuôi mang ra lọ thuốc xịt mũi bằng nước muối sinh lý, (cách đây mấy tháng bà N cũng cảm lạnh bắt mình đi mua thuốc, bọn hiệu thuốc hỏi triệu chứng thấy bà Nuôi bảo chỉ ngẹt mũi nên chúng nó chỉ đưa cho mỗi lọ xịt mũi này thôi). Mình chịu hết nổi “cô N rất thích dùng thuốc nhưng ko hề có kiến thức gì về thuốc. Đây là nước muối sinh lý bọn trẻ con hay dùng rửa mũi, có tác dụng gì với cái bệnh đau đầu của cô”. Bà N vẫn khăng khăng “tôi dùng thấy hết đau đầu, ở sài gòn cảm lạnh một cái là tôi phải đi gặp bác sĩ ngay”. Mịe, đúng là nói với bức tường.
Chị giúp việc trước bà Nuôi cũng thế, đau đầu, viêm họng, nhức chân, nhức tay, tất tật chị ấy đều ném mấy viên kháng sinh vào mồm và chiêu ngụm nước. Ở nhà mình một năm chị ấy dùng hết cả bó kháng sinh dự trữ mang từ VN sang. Nói “chị đừng dùng kháng sinh bừa bãi như vậy rất hại người, lúc bệnh phải dùng tới kháng sinh thật thì đã nhờn thuốc”, tất nhiên là ko thèm nghe “ở Vn chị toàn thế này suốt, con chị cũng thế, khỏi tất”. Chị giúp việc cũ nữa thì suốt ngày uống thuốc bổ, bổ gan, bổ thận, bổ khắp nơi, dầu cá, các loại vitamin, có bao nhiêu uống tất, vừa uống vừa tự hào mình nho nhã hơn người. Mình bảo “chị uống một lúc nhiều loại thế có theo chỉ định bác sĩ ko đấy, nhiều khi thừa vitamin còn nguy hiểm hơn là thiếu”. Chị ấy hứ cho mình một phát “em vớ vẩn, thuốc bổ uống càng tốt chứ làm sao, cái này đắt lắm đấy nhé”.
Mình thua luôn cho thanh thản.

Monday, April 12, 2010

Nhặt lá đá ống bơ

Riêng cái chuyện lãng đãng của bố chú Bình Nguyên thì có thể viết thành giai thoại. Mà có thể nếu ko chứng kiến tận mắt thì ai cũng cho là mình bôi bác thế nào chứ lãng đãng đến mức đó thì chắc giờ này phải nhặt lá đá ống bơ ngoài đường rồi chứ làm gì có chuyện được như thế này.
Đại loại cứ cho một ví dụ, cả nhà chuẩn bị đi chơi. Mỗi lần cả nhà Bình Nguyên chuẩn bị đi chơi thì lằng nhằng lắm. Kính râm, kem chống nắng, đi leo núi thì giày dép lỉnh kỉnh, đi ra biển thì nào đồ chơi cho bố nào đồ chơi cho con, rồi đồ ăn vặt vì Lê La ko có ăn thì chắc chúng nó vặt cánh tay mình ra chúng nó ăn mất, quần áo vì con lớn thì hậu đậu đánh rơi đồ ăn và ngã như bổ củi (ngã lấm quần áo thì còn kệ, chứ ngã lăn vào vũng nước thì kệ làm sao), con bé thì bé nên ko ngã ở đâu đó thì cũng đái dầm, sữa cho con bé vì nó nghiện sữa và khi đã lên cơn “La đói shứa” thì có mời món khác cũng ko ăn, rồi bỉm, rồi nước, rồi mũ, rồi khăn, rồi chiếu, rồi xe đẩy vv, tóm lại vô cùng lỉnh kỉnh.

Thế cứ tưởng tượng chừng ấy đồ đạc nhét vào cái xe bé tí, lèn đến mức ko còn lỗ nào hổng, lèn xong thở phào vì cứ tưởng ko lèn hết phải để cái gì lại, rồi cả nhà bắt đầu chui rúc vào xe. Con gái vào ghế bảo hiểm, bà Nuôi to béo nên ngồi phía trước, mình gầy gò thì ngồi ghế sau ôm Bình Nguyên khư khư trong lòng. Tất cả sẵn sàng, chỉ còn chờ bố chú ngồi vào ghế lái nữa là ale hấp ta lên đường.

Bố chú cởi áo khoác trước khi vào xe cho khỏi nóng, vì trong xe chật cứng rồi nên mở cốp đằng sau nhét cái áo khoác vào đó và ung dung sập cốp xuống. Ngồi yên vị trong xe rồi thì tự dưng mình thấy chàng đập đập tay vào túi quần rồi ngẩn ra “oh my god”. Mình biết ngay là có chuyện nghiêm trọng rồi. Hóa ra là chìa khóa xe thì để trong túi áo khoác, mà áo khoác thì vừa cho vào cốp sập lại rồi. Chìa khóa dự phòng thì nói chung là ko bao giờ biết ở đâu. Thế là thôi, cả nhà lại lục tục chui ra, lại vác đồ đạc lỉnh kỉnh lên nhà, trẻ con thất vọng khóc như ri, bà Nuôi ngỡ ngàng, mình cười phe phé. May quá, lúc mới rời nhà đi chàng bảo để chàng cầm chìa khóa nhà cho vì túi áo khoác chàng vừa sâu vừa rộng nhưng mình kiên quyết từ chối. Căn bản làm vợ chàng quen rồi, biết với chàng chuyện gì cũng xảy ra được nên kiểu gì cũng phải nắm chắc cái chìa khóa nhà để có chuyện gì xảy ra thì cũng vẫn vào nhà được. Chứ lại bị nhốt ở ngoài thì chắc phải thuê khách sạn cho con ăn uống ngủ nghỉ trong lúc đợi chàng thuê người phá khóa.

Còn những chuyện kiểu ba lô để lên nóc xe rồi lúc đi quên ba lô vẫn nằm chềnh ềnh đó, xe đi bên cạnh phải bấm còi pim pim nhắc nhở, lại phải dừng xe lấy ba lô từ trên nóc xuống, là chuyện bình thường. Cũng may chưa bay mất cái ba lô cà tàng lần nào. Tiện tay đâu là để đấy, rất hiếm khi có cái gì thọ được với chàng quá lâu, trừ những cái ko mang ra khỏi nhà bao giờ thì ko mất mà chỉ lạc đâu đó trong nhà.

Tuần trước, 15 phút sau khi rời nhà, chàng gọi điện về “em yêu, em chạy ra cửa sổ xem anh có để cái ba lô của anh trên vỉa hè ko”. Xin chú thích đây ko phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Mọi lần nghe bảo thế thì mình thường đủng đỉnh đi ra ngó vài cái lấy lệ. Lần này thì mình hốt hoảng lật đật chạy ra mở toang cửa sổ ngó cả nửa người ra ngoài để lia vỉa hè hai bên phải trái kỹ lưỡng. Lý do là vì buổi sáng vừa đưa hộ chiếu Việt Nam nhờ chàng scan hộ vì có việc quan trọng phải giải quyết ở VN. Mất hộ chiếu một cái phải đi làm lại thì rất phiền và lâu, việc ở VN thì gấp.

Nhiều lúc chính chàng phải tự than cái tính lãng đãng của chàng. Nguyên văn như sau:

- Em ạ, óc anh có vứt ra đất thì lợn chúng nó cũng ko thèm ăn

- (cố tỏ ra trung lập và hờ hững) Oh yeah?

- (dỗi) Em ko bao giờ biết khuyến khích chồng hay sao ấy

- (tỏ vẻ rất thiện chí hợp tác và nhún nhường) Thế em nên bảo thế nào, em bảo “khồng, lợn chúng nó ăn ngay” nhé?

Thế là dỗi mình hẳn.

PS: chồng mở toang cửa phòng ngủ bước ra thấy vợ đang vụng trộm đánh máy loách choách. Chồng hỏi “em đang làm gì thế”, vợ vốn là người trung thực nên sau một giây ngập ngừng đành nói lấp lửng “em đang viết về anh”. Chồng hí hửng sà ngay xuống “em viết gì về anh thế, em viết là anh đẹp trai ko tưởng tượng được à?”. Vợ đành nói thật “em đang viết về cái tính đãng trí của anh”. Thế là cũng dỗi luôn

Tuesday, April 6, 2010

Tuyển tập bà Nuôi (2)

Nhìn bà Nuôi lau chùi nhà cửa thì mới gọi là chán đời. Nói lau chùi thực ra là ko chính xác mà phải gọi là bôi mới diễn tả hết nghĩa.

Bà Nuôi hai tay hai khăn, tay phải lau đằng trước, tay trái lau đằng sau. Lý do có chuyện song khăn cầu kỳ này là vì một cái khăn sạch hơn cái còn lại, cái kém sạch hơn lau đằng trước, cái sạch hơn lau đằng sau theo mình chắc để back up. Vấn đề ko chỉ dừng lại chỗ đó, bà Nuôi hai tay hai khăn lau la liệt, lau từ sàn nhà vệ sinh, rồi lau lên bồn cầu, lau sang bidet, lau sang chậu rửa, rồi tranh thủ nhoắng nhoằng lau lên gương (mình thường ngán ngẩm gọi quá trình này là thứ tự chết người). Chưa hết, lúc xong đi ra thấy cái ấn xả nước bồn cầu hơi nhom nhem lại tranh thủ quơ khăn làm vài vòng lấy lệ. Còn nữa, ra đến phòng khách, vẫn đôi khăn trứ danh vừa lau nhà vệ sinh bà Nuôi có khi cũng tranh thủ làm vài phát nhoắng nhoằng lên bàn ăn và một số mặt bàn khác. Mình đi vào nhà vệ sinh, nhìn lên gương, bà Nuôi quơ vòng nào là mình biết vòng nấy vì cái khăn ko sạch nên để lại vệt. Bà Nuôi lại ko thích dùng đồ tẩy rửa vì sợ ko tốt cho sức khỏe (của bà Nuôi) . Nói bà Nuôi bao nhiêu lần ko được dùng khăn lau bừa bãi mà đâu vẫn hoàn đó. Bảo “cô dùng khăn ko sạch cô Nuôi ạ”, thì chắc chắc sẽ được nghe ngay câu trả lời “tôi dùng khăn là sạch bá chấy luôn đó”. Có lần nhẹ nhàng bảo “cái ấn xả nước trong nhà vệ sinh bằng Inox sáng loáng soi gương được nên dùng khăn bẩn là biết ngay, cô vào xem cháu nói có đúng hay ko”, thì một lúc sau thấy bà Nuôi âm thầm lẻn vào lau lại, xong lúc ra lại ba hoa như ko có chuyện gì xảy ra “tôi mà lau là chỉ có sạch bá chấy”.

Có hai việc bà Nuôi ưa thích nhất, đó là gấp quần áo và lau gương kính. Tạm gọi là ưa thích vì ngày nào lúc nào cũng thấy bà Nuôi làm, còn những việc bà Nuôi ko thích thì cứ phải nhắc, mà phải nhắc mấy lần mới chịu làm, ví dụ hút bụi và dùng Swiffer lau nhà khô, vốn là những việc rất quan trọng ở những nơi khí hậu khô nên nhiều bụi. Về chuyện lau gương kính, bà Nuôi đặc biệt chỉ thích lau gương và shower box trong nhà tắm, chứ kính cửa sổ lại ko bao giờ lau. Sáng nào cũng thấy bà Nuôi đứng hoặc ngồi ngẩn ra trước cái gương hoặc shower box, tay quơ những vòng rất chậm rãi và lơ đãng, cứ thế cả nửa tiếng đồng hồ. Mỗi tội gương thì nói ở trên rồi, còn shower box có 2 phần kính bà Nuôi ko hiểu sao chỉ lau cánh cửa kính lớn, còn cánh nhỏ hơn thì cứ kệ xác nó.

Về chuyện gấp quần áo, bà Nuôi phải công nhận là gấp quần áo rất tài. Chiếc nào chiếc nấy rất vuông vức, chồng lên thành một chồng vuông như bánh chưng. Mỗi tội bà Nuôi mê gấp quần áo đến mức quần áo Lê La mang ra phòng giặt đồ rồi mà bà Nuôi vẫn mải mê gấp thành chồng để đấy rồi lúc nào có thời gian giặt mới giặt.

Cứ lẩm cẩm thế nên cái việc người ta chỉ làm trong một tiếng thì bà Nuôi làm đến 4 tiếng chưa xong. Bọn trẻ con đi học từ 8h sáng đến 4h chiều mà bà Nuôi cứ luôn chân luôn tay ko nghỉ được phút nào.

Friday, April 2, 2010

Ngôi nhà đầu tiên (hết)

 
Tôi ko biết đã dành bao nhiêu chủ nhật để đi lựa từng viên đá viên gạch, từng cái đèn, từng món đồ cho vừa vào ngôi nhà bé của mình. Cuối cùng, ngôi nhà hoàn thành. Bé tí tẹo và cao ngất nghểu như một cái chuồng chim cu. Nhưng vào bên trong khá xinh xắn và ấm cúng. Chúng tôi có lối vào hai bên tường lát gạch mộc đỏ, phòng khách đèn vàng nền lát gạch Tây Ban Nha tôi đã phải trả rất nhiều tiền cho vài mét vuông (và xót ruột khi phải đào lên vì đường ống thoát nước ngầm bị ai chơi xấu lấy giẻ và gạch bịt lại), góc phòng khách là bình hoa bằng sành tôi thường cắm 3 cành chuối rừng đỏ chói hoặc mấy cành sen thơm ngát, phòng ăn giản dị trên bàn ăn bao giờ cũng có một bình hoa hồng nhí màu cà rốt mỗi khi nắng vào màu hoa cà rốt ánh lên rất vui mắt, 3 phòng ngủ và hai nhà vệ sinh xinh xinh. Tôi còn nhớ khi tôi yêu cầu cậu thợ mộc cưa bớt chân giường để cái giường trông ko quá lênh khênh trong cái phòng ngủ bé tí xíu, cậu ta đã la hoảng “ối giời ơi, gái chưa chồng mà đòi cưa chân giường, ko sợ ế chồng à, ko cưa đâu”. Nói mãi cậu ta mới vùng vằng “thích cưa thì cưa cho, về sau mà ế chồng thì đừng có đổ tại”.
Tôi đã mất gần 2 năm lao động cật lực để kiếm đủ tiền trả nợ xây nhà. Về cuối, cùng quẫn quá, lần đầu tiên (và duy nhất) tôi đã phải cầu viện đến sự giúp đỡ của đàn ông, người về sau này trở thành chồng tôi. Anh làm lệnh chuyển 2000usd chỉ sau một tiếng. Anh biết chuyện tôi xây nhà và làm việc cật lực để trả nợ trước khi tôi tự kể cho anh, và anh luôn bảo tôi “nếu em cần bất kỳ thứ gì cứ bảo với anh”. Sếp tôi hồi đó chắc phải rêu rao cho nửa đám đàn ông nước ngoài ở Hà nội về cô trợ lý lãnh cảm với đàn ông vì mải kiếm tiền xây nhà của mình. Tôi đã trả hết nợ anh sớm hơn lời hứa của mình.
Tôi vừa bán đi ngôi nhà bé xinh. Sau nhiều năm ngôi nhà xuống cấp, vả lại tôi ko còn ở đó để làm nó lúc nào cũng sạch long lanh và thơm mùi hoa tươi. Mẹ tôi đã già, bà ko thể leo nổi những bậc cầu thang lên phòng ngủ, nói gì đến lau chùi dọn dẹp.
Tôi có ước mơ mua một mảnh đất xinh xinh trong ngõ nhỏ yên tĩnh, dân trí đủ cao để ko ai bật đài nhạc sến đến điếc tai hàng xóm mà lại cứ tưởng đang cho hàng xóm được nghe ké. Tôi sẽ xây một ngôi nhà hai tầng xinh xinh màu trắng có cửa sổ rộng, tôi luôn thích những ngôi nhà có cửa sổ rộng, cánh cổng sơn trắng, có một giàn hoa giấy đỏ chói, có một mảnh sân vườn xinh xinh cho mẹ tôi trồng hoa. Rồi nếu có thời gian tôi sẽ cố đi tìm lại giống hoa hồng nhung và hồng bạch mỏng manh thơm ngát của miền Bắc, trồng lại vào mảnh vườn của mẹ. Nhưng cứ phải mơ đã, hiện giờ đang chưa có xèng.
Cậu bé mua căn nhà của tôi bảo “vợ chồng em muốn xin lộc của bác và chị”. Tôi đã suýt bật cười mà bảo cậu ta rằng “chẳng có lộc nào đâu em ạ, tất cả chỉ từ bàn tay mà ra thôi”. Nhưng tôi biết mình có tính tự tin đến mức báng bổ, và nó có thể ko vừa tai đối với những người ko suy nghĩ giống mình, nên tôi chỉ nói “mẹ chị già, nhiều cầu thang quá mẹ chị leo ko nổi, chứ thực ra mẹ chị rất gắn bó với ngôi nhà đó, mẹ chị tin rằng ngôi nhà nở hậu làm bọn chị học hành thành đạt. Chị cũng mong vợ chồng em gặp may mắn”.
Vài tuần nữa mẹ tôi sẽ dọn ra khỏi ngôi nhà bé tí tẹo và cao ngất nghểu như một cái chuồng chim cu. Đã 10 năm trôi qua
If we'd go again all the way from the start
I would try to change the things that killed our love...
PS: Nãy giờ toàn ôn nghèo kể khổ. Thôi thì ta post lên đây một cái ảnh bổ mắt…

Thursday, April 1, 2010

Ngôi nhà đầu tiên (1)

Năm 22 tuổi, tôi bắt đầu xây ngôi nhà đầu tiên của mình.

Mảnh đất đấy rất bé. Bé đến mức bạn sẽ ko mấy khi gặp một mảnh đất bé như thế, vì nó nguyên là cái bếp của nhà người ta mà mẹ tôi mua lại với giá 5 cây vàng. Thế mà 4 mẹ con tôi đã chen chúc trong đó suốt 5 năm trời, ngôi nhà 1 phòng vỏn vẹn chưa đầy 10m2, mùa đông lạnh buốt, mùa hè nóng thiêu đốt, mỗi lần mưa nước bắn vào tận nửa nhà tôi cứ phải lấy mảnh giẻ rách thấm và vắt liên tục đến khi nào mưa tạnh. Tất cả của nả chúng tôi có trong căn nhà bé tẹo ấy là cái giường một chật chội được họ hàng cho, cái tủ mọt trên để một cái TV cũ muốn bật lên cứ phải đập cho nó vài cái thật mạnh, một cái bàn học cũ kỹ, cái chạn toàn gián đối diện cái toilet chậm trôi. Tôi ko sợ đói, ko sợ nóng, ko sợ lạnh, ko sợ muỗi, ko sợ gián, chỉ sợ ỉa mà dội ko trôi. Nhà tôi 4 người, nỗi sợ của tôi rất thường trực.

Một người đàn ông đã rất yêu tôi, và tôi cũng rất yêu anh. Anh nằng nặc đòi tôi dẫn về nhà “I want to see Mum”. Tôi đã từ chối. Anh giàu có quá, tôi sợ anh sẽ thương hại tôi, và sẽ tính cách giúp tôi. Bởi vì có lần anh hỏi tôi “em đã nghe đĩa này chưa?”, tôi trả lời rất thật thà “em ko có máy nghe đĩa”, trả lời xong rồi quên ngay. Thế mà anh ko quên, anh lẳng lặng mua cho tôi một cái máy nghe đĩa rất xinh và rất đắt tiền, chẳng nói chẳng rằng dẫn tôi đi như chạy đến một cửa hàng băng đĩa, hấp tấp chọn tất cả đĩa của các ban nhạc mà anh biết tôi thích, anh phải ôm đầy một lòng đĩa khệ nệ ra quầy trả tiền, còn tôi cứ đứng thắc mắc “anh mua lắm đĩa thế làm gì, anh nghe sao hết”. Sau này, khi chúng tôi chia tay, anh bảo “em chưa bao giờ có ý định nghiêm chỉnh với anh, em ko bao giờ cho anh đến nhà em”. Tôi im lặng, ko có đủ can đảm để nói rằng “vì em quá nghèo, và em ko chịu được sự thương hại”.

Số tiền xây nhà là một khoản cực lớn với tôi hồi ấy, hơn 250tr. Tôi mới ra trường, mới đi làm. So với lũ bạn lương tôi đã là rất khá, nhưng để xây nhà thì sự khá đấy cũng ko là bao, tôi lại ko biết buôn bán đánh quả. Tôi nhận tài liệu về dịch thêm, rồi nhận 2 jobs, làm việc 20 tiếng một ngày, làm job 1 từ sáng đến tối, ăn tối vội vàng, chạy đến địa điểm job 2 miệt mài làm tiếp. Tôi thường mải mê trên máy tính đến 3h sáng, làm xong việc thì gục ngủ thiếp trên bàn, những khớp ngón tay đờ dại, sáng tỉnh dậy lại chạy về nơi làm job 1.

Số tiền xây nhà đội lên rất nhiều so với tính toán ban đầu của mẹ tôi. Mẹ con tôi phải vay nợ khắp nơi. Không nhiều người cho chúng tôi vay tiền. Mẹ tôi cắp nón rách vào nhà họ hàng, rồi chảy nước mắt cắp nón đi ra, sau khi phải nghe lời chì chiết “tiền ko có còn muốn xây nhà sang”. Trong mắt họ, mẹ con tôi thân cô thế cô, vay nhiều thế biết trông vào đâu để mà trả, nói là vay cho nó sang, chứ xin luôn cho nó xong. Vài năm sau, chính người họ hàng đó cũng xây một ngôi nhà quá khả năng của họ. Họ đã gọi tôi mượn tiền. Tôi đã vét túi và cả đi vay thêm để đưa tiền cho họ ngay lập tức, ko nói một lời nào, và ko bao giờ đòi lại.

còn tiếp