Tuesday, March 31, 2020

Phong tỏa

Ghana đã phong tỏa từ hôm qua.
Chả cần đợi lệnh phong tỏa thì mình đã tự phong tỏa trong nhà cùng lũ con, giảm thiểu tiếp xúc với bên ngoài, từ hơn 2 tuần nay. Nhưng nghe lệnh phong tỏa ban bố chính thức, thì nói thật thấy lo hơn là mừng.
Mình có điều kiện. Tiền có sẵn trong tài khoản lúc cần chỉ việc ra rút. Điện, nước, Internet, phim ảnh, sách, ở nhà đều có. Đồ ăn, đồ uống lúc nào trong kho cũng có dự trữ. Bể bơi, sân, vườn, rộng rãi cho trẻ con chạy chứ cũng chẳng chịu tù túng. Phải phong tỏa thì cũng chỉ mất đi chút tự do chứ mấy. Nhưng còn người khác?
Những chuyện nghe tưởng bình thường ở nơi khác mà ở đây lại thành xa xỉ với rất nhiều người. Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng để loại virus vi khuẩn, nghe hay đấy. Nhưng nước ăn còn không có, lấy đâu nước rửa tay? Dùng nước rửa tay khô, tiền ăn còn không có lấy đâu tiền mua nước rửa tay khô? Ho vào khăn giấy, đeo khẩu trang, đi ở ngoài về thì thay quần áo cho vào máy giặt, đảm bảo khỏi mang được virus vào nhà, nhưng tiền đâu mua khăn giấy, khẩu trang, xà phòng giặt? Ở trong nhà tránh tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm chéo, nhưng phần đa dân số kiếm ăn ở ngoài đường, đi chợ cóc mua đồ. Chợ cóc chen chúc chỗ ngồi bán hàng còn chẳng có, biết giữ khoảng cách với nhau thế nào? Siêu thị thì vô cùng đắt đỏ chỉ dành cho số ít dân có tiền. Còn nữa, bắt họ ở trong nhà tức là họ đói ngay lập tức. “Ngay lập tức” nghĩa là lệnh phong tỏa áp từ sáng, họ không được ra khỏi nhà kiếm tiền từ sáng, thì chỉ đến trưa là nhịn, là đói. Mà đấy là những người còn có nhà mà ở, chứ nhiều người không có nhà, toàn ngủ vỉa hè, giờ bắt họ biến khỏi vỉa hè thì họ phải đi đâu?
Dân ở đây không có dự trữ. Họ sống hồn nhiên như cây cỏ, ăn bữa nay lo bữa mai. Nhiều người thậm chí dự tính mai có cái ăn rồi là nằm nhà ngủ khỏi đi làm luôn. Dân expats ở đây hay nói đừng cho nhân viên bản xứ tiền, vì có tiền trong tay là hôm sau không đến làm, bao giờ tiêu hết tiền, đói bụng, mới mò đến làm tiếp.
Vì thế, phong tỏa tức là đói. Đói thì sẽ gây nên bất ổn xã hội. Dự là chỉ trong vòng 1 tuần số vụ cướp bóc đột nhập tư gia sẽ tăng lên. Chính phủ cũng biết thế nên vẫn cho các công ty bảo vệ hoạt động bình thường. Nhưng ở đây buồn cười lắm, các vụ đột nhập tư gia hầu hết đều do thông đồng với bảo vệ và người làm trong nhà, chứ các chú trộm châu Phi vô cùng amateur chả có dụng cụ gì mà nhảy tường, cắt rào thép gai hay cắt khóa được.
Còn chưa kể dân bản xứ vốn đã tức sẵn obroni cái tội mang virus vào nước họ. Obroni theo tiếng bộ lạc nghĩa là “da trắng”, là từ họ dùng cho tất cả những người có màu da sáng hơn họ. Một vài obroni đi ngoài đường đã bị bảo “Go back to your country”. Dân Ghana nói chung hiền hòa nên mọi việc mới chỉ dừng ở mức đuổi mồm, chứ ở mấy nước khác quanh đây đã có trường hợp obroni bị hành hung, có người còn bị ném đá tới chết.
Mình mấy hôm nay gọi điện tứ tung khắp nơi quyên góp để trợ giúp những người nghèo bị ảnh hưởng lập tức bởi lệnh phong tỏa. Phải ngồi nhà nên mọi việc thành khó khăn hơn bao nhiêu. Ngài thì mấy hôm nước sôi lửa bỏng mặt mũi nhăn nhó, điện thoại réo liên tục từ sáng tới đêm. Ngài bảo vợ chuẩn bị sẵn vali đi, bạo động nổ ra là hồi hương hết. Ờ thì chuẩn bị vali.

Ảnh 1: em nhìn thấy cây kim tiêm thì sợ mếu luôn, tiêm xong vẫn còn đau nhưng lại toe ra cười ngay. Em cần phải tiêm những mũi cơ bản này để bảo vệ bản thân khỏi nhiều bệnh tật.  Em là một cô bé kayaye, từ miền Bắc đi xuống, kiếm ăn bằng cách đội hàng thuê ngoài chợ.
Ảnh 2: hai em bé sống trên bãi rác Agbogbloshie ô nhiễm nhất trên thế giới, toàn rác thải hàng điện tử vô cùng độc hại từ các nước giàu có đổ về, hợp pháp có, phi pháp có. Chắc chủ nhật nên các em được mặc váy đẹp. 

Sunday, March 22, 2020

Bao giờ???

Hai ca dương tính đầu tiên ở Ghana phát hiện một tuần trước, đều là do người đi du lịch hay công tác nước ngoài mang về. Con số đang tăng lên từng ngày.
Châu Phi hệ thống y tế yếu nên tự biết không thể ra gió. Ngay lập tức, các hoạt động hủy hết. Trường học đóng cửa; công sở đóng cửa; nhà thờ đóng cửa; biên giới đường bộ, đường không, đường thủy, đóng hết. Bạn bè nhiều người vội vã hồi hương. Giới ngoại giao có đứa đã phải xách vali về nước theo lệnh của chính phủ, chỉ có vài tiếng chuẩn bị để ra sân bay, trước khi chuyến máy bay cuối cùng cất cánh.
Mình phải đứng trước một quyết định khó khăn: về hay ở, mà phải quyết định ngay vì đầu tuần sau là hết chuyến.
Về Ý thì, khu vườn mùa xuân hoa mơ hoa mận đang nở trắng xoá, cỏ đang lên xanh, nắng vàng mật, trời xanh ngăn ngắt trên đầu, đường quê cả ngày cũng không có tiếng xe chạy qua. Trốn kỹ ở đó, hàng ngày cuốc đất trồng hoa, giả vờ như mọi sự đảo lộn ngoài kia không liên quan gì đến mình, không tiếp ai ngoài lũ mèo đến chơi.
Ở lại đây thì, tự cách ly trong nhà cũng ổn thôi, nhưng viễn cảnh bị kẹt lại, không biết bao giờ mới có chuyến bay tiếp theo để ra khỏi đây, rồi rủi có chuyện gì thì sẽ phải phó mặc mọi sự cho số phận, rồi nhìn bạn bè tháo chạy, bảo không chộn rộn bất an thì là không đúng.
Nhưng đường về giờ là nguy hiểm nhất, có khi không nhiễm bệnh ở nơi đi hay ở nơi đến, mà nhiễm bệnh trên đường. Rồi mình thì có khi không sao nhưng nếu chẳng may đã mang virus mà lại di chuyển như vậy sẽ để lại cả vệt lây lan cho người khác. Rồi bọn trẻ con còn chưa học xong. Rồi bệnh viện ở Ý cũng quá tải rồi. Thôi, ở lại. Điều gì phải đến thì sẽ đến. 

Hơn chục ngày trước tự dưng cả Lê La Na đều bị tào tháo đuổi. Na đang đi thăm quan với lớp cô giáo sợ quá còn phải gọi xe cứu thương đưa về. May quá mình chỉ pha có trà gừng mật ong thêm vào một thìa giấm táo mà uống xong bụng êm hẳn. Vừa khỏi đau bụng được 3 hôm thì lại đến màn ốm sốt. Sốt đùng đùng 39, gần 40 độ, mà sốt mỗi một đêm, sáng hôm sau mặt lại tỉnh như ruồi, phá như giặc. Na vừa hết thì đến lượt ông Lê. Hai đêm liền mình phải liên tục dùng khăn ướt giảm sốt chứ không dùng thuốc, và đo thân nhiệt đều đặn rồi ghi lại để nếu phải gọi bác sĩ thì cho bác sĩ xem. Ở đây có nhiều bệnh nhìn biểu đồ sốt là bác sĩ có thể đoán ra bệnh hoặc loại trừ, nên sốt quá không cách nào hạ được mình mới phải dùng đến thuốc. Chứ vừa sốt cái uống hạ sốt ngay, hạ sốt lại kèm cả giảm đau chống viêm, thì bác sĩ chịu không thể tìm ra nguyên nhân. Đi xét nghiệm thì đợi kết quả lâu, chưa kể còn bệnh một đằng phòng lab xét nghiệm ra một kiểu. Xét nghiệm ra kết quả sai mà mặt nó cứ trơ ra, nói nó thì nó lại cậy da đen để át mình, thế nên thôi tránh được là tránh cho lành. À mà mình nghe nói giảm sốt bằng paracetamol an toàn hơn bằng Ibuprofen. Vì Ibuprofen nếu tương tác với thuốc khác thì gặp vấn đề ngay hay sao đó, mình không có kiến thức y khoa nên không dám nói. Nhưng đã nghe vài trường hợp gặp nguy hiểm tính mạng vì dùng Ibuprofen hạ sốt mà bác sĩ không biết lại tương thêm thuốc khác vào.
 Lại nói vụ thức hai đêm liền để hạ sốt cho con, con khỏi, mẹ bảo “thôi chúng mày tự chơi cho mẹ ngủ bù một tí”. Ngủ có hơn một tiếng, chạy ra, con La và con Na đã kịp cắt nát hai cái áo để biến thành tác phẩm nghệ thuật. May nó cắt áo phông của bố nó chứ chưa đụng đến áo của mình. Nghỉ học ở nhà chúng nó cãi nhau chí chóe suốt ngày. Mười mấy tuổi mà cãi nhau om xòm vì những chuyện kiểu như Lê với La ai yêu mẹ hơn, hoặc đứa nào nói yêu mẹ trước. Cãi qua cãi lại bất phân thắng bại. Mà chúng nó sẽ nghỉ ở nhà ít nhất một tháng đấy giời ơi.
Ngài đi làm về, thấy cảnh 3 đứa con đang cãi vã và lúc cãi mỏi mồm thì quay ra đá xông phi vào nhau, và con vợ thản nhiên ngồi vẽ giữa cảnh náo nhiệt, ngài vừa nghĩa hiệp vừa tràn trề sức lực nhảy vào can thiệp liền bị chúng nó cãi văng nước bọt, cãi qua cãi lại có đâu chục phút ngài thua, ngồi thở hồng hộc. Ngài thán phục con vợ ngài quá, ngài hỏi làm sao mài có thể chịu đựng được lũ này từ sáng đến chiều như thế nài. Giời ơi, chúng nó cãi vã và phá phách là chứng tỏ chúng nó khỏe. Tầm này còn mong gì hơn sức khỏe nữa mà cáu với chả không cáu hả ông ơi.
Ảnh: hè năm ngoái, hai vợ chồng đến nơi, một trong những ngôi làng đẹp nhất thế giới đang giờ ngủ trưa. Những cánh cửa đóng, ngõ nhỏ vắng lặng, cả hoa cỏ như cũng đang ngủ yên. Bao giờ thì lại được lang thang tự do tự tại như thế nữa nhỉ?

Friday, March 13, 2020

Lượm lặt thời corona

Hồi Vũ Hán mới vỡ trận, lũ trẻ con đi học về hay kể chuyện. Một bạn tàu trong lớp chú Ale, đang trong tiết học tự dưng hắt hơi một cái, thằng bạn da đen ngồi sau cuống lên chắp tay cầu nguyện rối rít. Còn con Na thì mặt cười bạnh ra kể một đứa bạn trong lớp nó vừa ho một cái, đứa ngồi gần lập tức chui tọt ngay xuống gầm bàn để né. Dân expat ở đây thì chả biết thật hư ra sao nhưng cứ rúc rích rỉ tai nhau chuyện ở sân bay, đang xếp hàng chờ kiểm tra thân nhiệt trước khi nhập cảnh, một chú tàu tự dưng ho sù sụ lên, thế là nhân viên sân bay xô cả ghế cả bàn chạy tháo thân :-)))))
Dạo đó, thấy ông con trai tỏ vẻ khó chịu với các bạn tàu trong trường, mình bảo “con đừng như thế, các bạn ý cũng chỉ là nạn nhân. Con đừng quên giờ về Ý, trong mắt người Ý con cũng giống tàu lắm đấy nhé. Để họ đối xử khinh miệt với con, bảo con mang virus đến lây cho họ, xem con cảm thấy thế nào”. Ông dĩ nhiên chả thèm cho vào tai. Chẳng bao lâu sau, dân Ý nhà ông được sáng nhất châu Âu luôn. Mẹ lại hỏi ông “Thế nào rồi ông, ở trường có ai tránh xa ông vì sợ ông mang virus không? Úi giời, mặt tàu lại nói tiếng Ý, đến chơi nhà ai có khi người ta lót lá chuối dắt ông ra cửa ý ông nhỉ”. Ông tịt, chả cãi lại được câu nào mặc dù bình thường ông cãi văng nước bọt :-)))))))
Quan sát vụ corona này chiêm nghiệm được ối thứ hài.
Tàu khựa cộng sản, bình thường gặp ai cũng đe nẹt, dọa nạt, lộng ngôn, lấy thịt đè người, thì dính ngay quả Vũ Hán đầu tiên, liểng xiểng. Tịt ngòi được mấy tuần, giờ có vẻ lại bắt đầu huênh hoang trở lại. Đúng là khựa, thực tế một đằng nhưng lại cứ phải nói trật lất đằng khác mới chịu.
Dân Ý mới đầu cũng kỳ thị tàu khựa lắm, kiểu như có người ho ngoài chốn công cộng còn bị bảo thẳng vào mặt “về nhà mày mà ho”. Chẳng mấy chốc, đến lượt Ý tóe loe, đi đâu người ta cũng sợ. Nhưng các nước khác trước khi kỳ thị Ý thì cũng nên biết là ở chính nước họ, càng test càng ra bệnh, chẳng qua là không test, chẳng qua là chọn cách đà điểu rúc đầu xuống cát.
Bình thường, khu vực Bắc Ý giàu có thịnh vượng phải gánh khu vực Nam Ý nghèo hơn nên nhiều người bất mãn đòi cắt khoản ngân sách giúp miền nam hàng năm, đòi thân ai nấy lo, không ai gánh hộ được mãi. Ai ngờ đâu corona giáng trúng miền bắc, lại giáng vào đúng khu thịnh vượng giàu có nhất, là đầu tàu kinh tế cả nước. Dân bắc đổ xô xuống phía nam lánh nạn  Dân miền nam cũng không vừa, tranh thủ giáng trả dân miền bắc mối hậm hực bấy lâu, kiểu như “các ông ở yên tại chỗ trên đó đừng xuống miền nam lây cho chúng tôi”. Giờ thì phong tỏa cả nước, nam hay bắc cũng ở yên tại chỗ hết. Với một dân tộc mà bình thường tụ tập ăn uống chém gió là lẽ sống, tự dưng giờ phải đóng cửa ngồi nhà, khỏi phải nói đau khổ thế nào. Buồn cười nhất là trên mạng lại xuất hiện lời hiệu triệu bôi bác “Bác sĩ y tá họ làm việc 20 tiếng một ngày được, thì chúng ta cũng ngồi yên trên sofa được” :-))))
Bình thường châu Phi da đen toàn bị coi thường khi dễ này nọ vì nghèo khó, tham nhũng, tệ nạn. Cứ tự nhiên có anh da đen mon men đến gần là ai cũng cảnh giác. Đùng cái corona xuất hiện, giàu mấy cũng bị corona làm cỏ, thì châu Phi nghèo rớt lại cứ nhơn nhơn chả sao. Giờ tại cửa khẩu nhìn thấy da trắng da vàng đều sợ, nhìn thấy da đen lại yên tâm.
Một thằng Ý, bị phát hiện dương tính ở Nigeria và bị chính quyền cho vào trại cách ly. Cách ly chưa được bao lâu thì nó...trốn mịe mất. Chính quyền lùng bắt lại được và tiếp tục cho vào trại cách ly. Nó chả sợ, hung hăng tuyên bố tao sẽ trốn tiếp. Lý do là điều kiện ăn ở ở trại cách ly kém quá, muỗi nhiều quá, có khi chưa toi vì corona đã toi vì sốt rét hoặc tiêu chảy!
Một chị gái, đang dịch bệnh xôn xao như này, lại yêng hùng làm hashtag hiệu triệu "Corona tao không sợ mài" và lập group mời mọi người đến nhà ăn uống hoành tá tràng. Câu trả lời đầu tiên nhận được là “Tao éo đến” :-)))). Chị định thí mạng cùi của chị thì cũng được đi, nhưng người khác người ta không muốn thí mạng người ta thì sao?
Còn đức ông chồng mình, cứ lảm nhà lảm nhảm “safe s..., safe s...”, tức là phải làm chuyện đó an toàn, phải làm chuyện đó an toàn. Vợ ngơ ngác “vại nghĩa là gì?”, ông bảo nghĩa là làm gì làm miễn đừng hôn nhao!
Ở trên tán chuyện cho vui thế thôi, chứ thực tế corona cũng đuổi đến sát gót rồi. Chỉ sau 1 đêm thức dậy, tất cả mọi thứ đã trở nên nháo nhào. Hai người trong khối ngoại giao dương tính với virus. Mà trong vòng vài ngày số người tiếp xúc trực tiếp đã lên tới cả trăm, chưa tính số người tiếp xúc gián tiếp. Một số trường quốc tế chỉ sau 1 đêm đã đóng cửa. Trường Lê La Na dự là sau hôm nay cũng đóng nốt.
Corona thời hậu tàu khựa là bệnh của người "giàu". Chứ người nghèo, người nào người nấy ở yên chỗ, chả có dịp hội hè tụ tập tiệc tùng mít tinh đi máy bay như đi chợ nọ kia, thì nhiễm ai và nhiễm cho ai được.

Mặc kệ cho loài người xôn xao lo lắng, giành giật nhu yếu phẩm siêu thị, thiên nhiên vẫn lặng lẽ sinh sôi. Mùa xuân đang về, cỏ đang xanh lên từng ngày, thủy tiên đã nở trắng mé vườn, và trên bãi cỏ, mận mơ đào lại đã đang bung nở lộng lẫy. Giá mà được trở về khu vườn yên tĩnh, ngồi nghe nắng, và lòng không vướng bận...
Ảnh: La Na mùa thu năm ngoái ở Salento, cứ sểnh ra là đạp xe sang nhà bà nông dân hàng xóm để chơi với mèo. Mèo thì cứ thấy người là chạy ra đón. 

Thursday, March 5, 2020

Parlami d'amore Mariu'

Một chị đại sứ bảo với tình hình dịch bệnh thế này, chúng tôi đang cân nhắc có khi hủy lễ quốc khánh, vì để tổ chức được quốc khánh vào tháng 6 thì chúng tôi phải bắt đầu chuẩn bị và đặt hàng đồ ăn ngay từ bây giờ. Ôi mình nghe xong mà ước ao được làm việc với những người biết lo xa như chị ý quá.
Đây đức ông chồng mình, có ý định tổ chức một giải đánh golf, lấy cái tên vô cùng bóng bẩy Cúp đại sứ Ý, chỉ còn gần 3 tuần nữa là đến ngày dự định tổ chức mà tất cả vẫn mới chỉ là nói mồm, chưa có bất kỳ bước tiến cụ thể nào ví dụ lên danh sách khách mời, lên chương trình, gửi thư mời, chốt số lượng mời ăn để mình còn chuẩn bị. Mình giục mãi không nhúc nhích mới dọa “trong vòng tuần này anh mà không báo cho em số người định mời ăn ở nhà thì anh ra khách sạn mà tổ chức”. Hết hạn con vợ đặt ra, bị nó nhắc, ông chốt bừa một câu kiểu bỏ bom “100 người”. Nhưng con vợ ông nó rất tỉnh, nó vặn lại “Con số 100 người ở đâu ra? Đưa danh sách khách mời em xem”. Ông chả có danh sách nên chống chế “Thì trước event một tuần, nếu 100 người đến thì chuẩn bị đồ ăn cho 100 người, mà 30 người đến thì chuẩn bị cho 30 người. Có vấn đề gì đâu”. Ôi, để làm tiệc buffet cho 100 người, mình phải thu xếp nhân viên, con cái, thuê đồ, lên thực đơn rồi đi khắp thành phố gom hoặc đặt nguyên liệu ngay từ bây giờ, thế mà lão nói nghe nhẹ hều vậy đó. Nói thật nghe xong chỉ muốn vít tóc cho mấy nháy vào trung tâm nghe nhìn cho tỉnh. Nhưng thiền rồi nên thôi.
Sáng nay, mình phải lấy một giọng hết sức nhẹ nhàng tha thiết bảo “Vì corona, bao nhiêu sự kiện họp hành quan trọng còn bị hủy, nữa là những sự kiện không quan trọng, chỉ có tính giao lưu tăng quan hệ như này. Hơn nữa, giờ nhắc đến Ý là người ta sợ, anh tổ chức sự kiện lớn như thế ai người ta tham gia. Thời tiết thì đang vừa nóng vừa bụi. Hay anh lùi ngày tổ chức Golf Tournament lại đi? Đã mất tiền mất công tổ chức mà lại phải lo lắng không biết có ai đến không, thì tổ chức làm gì, thà đợi thời điểm thích hợp hơn”. Ông nghe xong nói gọn lỏn “Để xem đã”, rồi lừ lừ đi thẳng. Mà đấy là mình còn chưa nói hai ông hăng hái đánh golf nhất, lại còn thân nhau, thì một ông Ý, một ông Hàn quốc. Thời điểm này mà nhắc tới hai ông thần corona này thì thiên hạ chỉ có chạy cho xa chứ ai dám lại gần.
Đấy, rõ ràng lý thuộc về mình nhưng cứ phải  nói thật nhẹ nhàng chứ thử nói gay gắt xem, ông lên cơn thách thức, khăng khăng đòi tổ chức lấy được, thì còn mệt hơn. Mà thôi, thích thì chiều. Rủ nốt ông Iran nữa, cho 3 ông thi Nam vương luôn đê.
Thế nên là mình cứ mong đến lúc quay về Ý, làm đời nội trợ, khỏi phải chạy theo các sáng kiến của ông. Sáng kiến gì còn gạt đi được chứ sáng kiến công việc là ông muốn gì mình phải theo nấy không dám cãi. Về Rome hả, công chức lương ba cọc ba đồng, đừng có lôi công việc ra hù bà. Định mời bạn bè bù khú theo thói quen hả, cứ tích đủ phiếu bé ngoan đi rồi bà xem xét.
Phiếu bé ngoan sẽ được tính như sau:
Đổ rác: nửa phiếu
Lau nhà: 1 phiếu
Giặt và phơi quần áo: 1 phiếu
Là quần áo: có khi phải cho 2 phiếu
Nấu ăn: 1 phiếu
Nhưng nấu ăn xong để bãi chiến trường cho bà dọn quá tội: bà trừ đi nửa phiếu
Đi chợ: 1 phiếu
Nhưng đi chợ mà lại lén tuồn vào xe đẩy các loại hóa chất không cần thiết, bà trừ cả phiếu
Vv và vv
Cứ tích được 10 phiếu thì bà cho mời bạn bè đến bù khú ở nhà, hoặc bà thả cho đi chơi, một lần.

Cơ mà áp bức thế nào để vừa đủ lại là một nghệ thuật, kẻo ở Rome được 2 năm bị áp bức quá lão lại khăng khăng đòi lôi cả nhà đi nước ngoài tiếp thì nhọc.

PS: sáng, con bạn gọi bảo sẽ đến muộn. Nó bình thường thuộc dạng cực kỳ đúng giờ, hẹn chính xác đến từng phút kiểu 8.35 tao đến. Thế nên có hẹn với nó là mình không dám vớ vẩn, phải quần áo túi giày sẵn sàng nó đến là lao ra ngay. Hôm nay nó muộn, thế là mình có thời gian đứng ngắm gương và hát hò. Hát ở cửa sổ là sẽ có con chim đến hót xen vào ngay. Cơ mà hôm nay hát trong nhà vệ sinh nên đỡ khoản chim chóc. 

Sunday, March 1, 2020

Dốt toán không phải là cái tội

là câu cửa miệng của con Na mỗi khi mình rên rỉ giời ơi sao mày dốt thế con ơi. Ai lại lớp 4 rồi mà 100 chia 20 bằng mấy mặt nó nghệt ra như ngỗng ỉa, rồi bắt đầu đoán bừa. Mà nó không đoán bừa rón rén tí cho mình nhờ, nó toàn đoán bừa phứa kiểu 100 chia 20 bằng 8? bằng 12? 12 không được à, thế 20 thì có được không? Tự nhiên mình trở nên đồng cảm với bà mẹ vì học cùng con mà bị lên cơn nhồi máu cơ tim hồi lâu lâu báo chí đưa tin :-))))))
Buổi sáng con Na bảo mẹ nó rằng tối qua nó gặp ác mộng. Mẹ ân cần hỏi han ác mộng dư lào. Nó kể là nó mơ thấy cái ván trượt patin của nó bị cong và bánh xe lộn lên trên. Con mẹ chưng hửng. Cái ván trượt ấy ở Ý đi đâu là nó cắp nách theo đấy, trượt veo véo, ngã sấp mặt không biết bao lần. To quá không cắp về châu Phi được nên nó cứ thỉnh thoảng lại nhớ cái ván trượt thiết tha. 
Buổi tối lũ Lê La Na đi ngủ hết rồi mình mới nhìn thấy một bài kiểm tra cong queo nhàu nhĩ dưới sàn nhà. Lại là cô con gái lớn tính tình buông tung bỏ vãi bừa bộn luộm thuộm phát kinh. Mình nhặt lên, thấy bài được có 22/25 điểm, mới xem cẩn thận xem nó làm sai ở đâu. Nó làm sai một bài toán như này: một hình đa giác đều có một góc 172 độ, hỏi hình đa giác có bao nhiêu cạnh?
Mình thú thật là mình phải lấy giấy bút loay hoay một lúc mới giải được. Mà đây chỉ là toán lớp 7. Lớp 7 trường Anh thì tương đương với lớp 6 trường VN. Thôi tranh thủ hướng dẫn củng cố chúng nó bây giờ được chừng nào hay chừng ấy, chứ chả mấy chốc con mang bài hỏi mẹ mẹ nhìn bài con như nhìn cái đít nồi thì buồn.
Mấy tháng qua mình rất stressed vụ xin học cho con ở Rome. Thấm thía nỗi khổ của các bậc cha mẹ con mới sinh ra đã phải tính chuyển nhà tới những khu có trường công tốt để sau này còn có cơ hội xin vào. Mình cũng may, vì các trường muốn xin thì đều gần nhà, mà bảng điểm con mình trường nó nhìn thấy một cái thì nhận ngay không hỏi thêm câu nào. Xong một nhiệm vụ nặng nề, bắt đầu rờ tới nhiệm vụ nặng nề tiếp theo.
Trong một diễn biến khác, mấy hạt mít mình gieo từ độ tháng 1, giờ là tháng 3 rồi mà soi mãi hai cái chậu chả thấy cái gì mọc lên ngoài mấy cái lá nhìn giông giống lá chua me đất. Hay con gì mò đến móc hạt mít của mình lên ăn rồi? Giời ơi, hay mấy con nhím trong vườn ăn mất mấy hạt mít của tui rồi?
Mấy tháng trước, con vợ ngài, trong cơn mê say vườn tược, đã đi sắm một chiếc váy kẻ carô thùng thình tay lỡ. Chẳng là nó ngồi mơ mộng tưởng tượng bản thân mặc váy ca rô rộng rãi dân dã, đội mũ nan rộng vành, chân đi giày bệt, tay xách làn tre, ra vườn trẩy hoa quả, thơ biết bao nhiêu là bao nhiêu. Ngài nhìn nó đắc chí quấn mấy vòng mới thắt được cái thắt lưng thì mặt mũi ngờ vực, xưa giờ nó có bao giờ chịu mặc đồ thùng thình thế đâu. Lũ con thì bảo trông mamma như có bầu mấy tháng. Kệ tao, ra vườn phải mặc đồ cotton thùng thình mới đúng kiểu.
Mấy tháng sau, cơn mê say vườn tược vẫn chưa hết mà nghe chừng còn nặng đô hơn vì giờ nó không chỉ muốn trảy hoa quả mà còn muốn lội đất làm vườn, nó mè nheo “Em muốn mua một đôi ủng làm vườn. Chứ giày da thế này không dính đất bẩn được”. Ngài hăng hái lên mạng tìm ngay ra một đôi ủng màu xanh lá cây. Con vợ ngài lắc đầu “Em muốn ủng hồng”. Ngài bảo hồng như nào, ủng xanh lá cây mới nhã. Con vợ ngài khăng khăng em không muốn nhã, em muốn sành điệu, anh mua cho em đôi ủng hồng rực fucsia đi. Mặt ngài chán đời. Vấn đề ủng iếc chưa ngã ngũ tạm gác lại đấy.
Sáng, con vợ ngài nó lại nỉ non anh mua cho em cây mít con. Ngài viện cớ phải đi làm lủi mất. Chắc hy vọng tối về thì con vợ cả thèm chóng chán đã quên biến vụ cây mít. Chắc ngài cũng tưởng mình đã quên vụ ủng hồng. Đừng hòng. Ghi sổ rồi làm gì có chuyện quên. Tại tình hình corona diễn biến hơi phức tạp, có khi phút cuối lại phải hủy chuyến về Ý, nên biết bao dự định vườn tược mùa xuân đành tạm gác sang bên.
Từ hồi ở Dubai và giờ là ở châu Phi, mình thấm thía một điều: ở một nơi bụi bặm, ô hợp, nước bẩn, đất bẩn, không khí ô nhiễm, thì dốc sức làm ra một cái nhà đẹp mấy cũng vô nghĩa.
Ngồi ở châu Phi hít không khí màu tím nhức phổi và mấy tháng rồi trời đất vàng ệch mịt mù ô nhiễm, rất nhớ những ban mai bình yên chim hót, sương rơi tí tách, không khí đẫm mùi cỏ nồng và mùi thông thơm, và bầu trời, khi lớp sương sớm tan đi, thì sẽ xanh và cao như thế kia.