Sunday, February 28, 2010

28/2/2010

 
Cả bà Nuôi lẫn chàng, cả hai đều chậm một cách dị mọ. Mình ko hiểu cơ chế cái sự chậm chạp của hai nhân vật này. Như mình suy từ con bạn mình ra, nó cũng thuộc hàng nhanh nhẹn tháo vát, nhưng cứ khi nào vừa làm cái gì đó vừa buôn thì thôi rồi, chân tay rờ rẫm hẳn ra. Theo mình, ở một số người não bộ vừa phải điều khiển việc buôn bán vừa phải điều khiển chân tay làm việc thì hơi quá tải, gây nên sự chậm chạp, điều này hiểu được. Chính là con bạn mà mình về nhà nó ăn cơm chực, ăn xong đợi mãi nó vẫn chưa xong bèn trèo lên giường đánh một giấc. Tỉnh dậy vẫn thấy nó đang nhẩn nha nhấm từng hạt cơm nhai nhai nuốt nuốt cứ như ăn là một cực hình. Mà mình hồi đấy đã nổi tiếng là ăn chậm chứ nào có nhanh nhẹn gì cho cam (Giờ hai con rồi thì ăn như chảo chớp, vừa ăn mắt vừa đảo đảo để còn chuẩn bị đối phó với các tai nạn hai khỉ đột Lê La chuẩn bị gây ra).
Trở về cái sự chậm chạp của bà Nuôi, lý do mình ko hiểu cơ chế chậm chạp của bà Nuôi là vì lúc làm bà Nuôi cũng có buôn bán gì đâu mà tại sao chậm kinh hoàng đến thế. Có lần, ở ngoài biển, mình bê chảo mỳ từ trong bếp ra, định mang ra ngoài sân cho cả nhà ăn, chợt nhớ ra bà Nuôi ngại ngồi cùng cả đại gia đình, chả nhẽ để cả nhà ăn hết bao nhiêu còn lại mới đến bà Nuôi thì mình ko muốn, chưa kể mỳ nguội ngắt còn ngon lành gì, mới bảo “u lấy đĩa cháu lấy cho u trước rồi cháu bê ra cho cả nhà luôn thể”. Bà Nuôi nghe mình bảo thế thì mới thong thả đi trở ngược vào bếp, lục đục mãi mới thấy thong thả đi ra, vừa đi vừa nhìn sang phải sang trái rất ngẫu hứng (như kiểu vừa đi vừa hát), tay cầm cái thìa gõ gõ vào cái bát, ống quần tung bay như múa “cô sẻ cho Lila luôn ra đây tôi cho nó ăn trong này luôn”. “Ơ thế u quên đĩa của u à”, “à ừ” rồi lại thong thả quay trở lại vào bếp. Mình nãy giờ bưng chảo mỳ cho 9 người ăn, vừa bắc từ trên bếp xuống, tức là vừa nóng, vừa nặng, mồ hôi toát ra tim đập thình thịch, chịu hết nổi “cô nhanh nhanh lên hộ cháu đi cô”. Bị mình nhắc bà Nuôi cuống lên, chạy ào vào bếp rồi chạy ngược ra ngay, ko tìm thấy đĩa, mà ngay cả bát với thìa của Lila cũng để quên trong bếp luôn “thôi cô cứ mang ra đó đi, tôi ăn sau”.
Còn chàng thì cũng chả kém. Nhờ đi lấy hộ vợ miếng bánh mỳ trong tủ đá, nội cái chuyện bố “đọc nốt cái mẩu tin này đã” rồi mới bỏ báo xuống nhấc đít lên đi dặt dẹo về phía cái tủ đá là mình đã chờ dài cổ. Mở tủ đá ra rồi là đứng ngẩn ra nhìn như kiểu chưa định thần lại được xem định làm cái gì. Định thần lại được là hỏi liên hồi kỳ trận “bánh mỳ ở đâu? Em ăn loại nào? Sao anh ko thấy? em trả lời anh nhanh ko thì cái tủ nó bắt đầu bíp rồi đây”. Cái tủ đá nó bíp từ nãy, từ lúc bố còn đang đứng ngẩn ra nhìn chưa định thần lại được, chứ nào có phải nó sắp bíp đâu. Giải thích mỏi mồm ko ăn thua, đành đặt con đang nhảy như choi choi xuống, chạy vào mở ngăn bánh mỳ tự lấy cho xong.
Đã thế rồi chàng và bà Nuôi lại còn hay chê nhau chậm mới chết mình. Chàng mấy lần nhờ bà Nuôi làm gì đó, vừa chờ dài cổ vừa được tận mục sở thị sự lóng ngóng vụng về của bà Nuôi là chạy ra chán ngán bảo vợ “bà này chậm thật đấy”, hoặc “bà này có khi bị hâm ý em ạ” . Bà Nuôi thì ngôn ngữ biểu cảm hơn nhiều. Khi bà Nuôi chê ông chồng của bà Nuôi chậm thì bà Nuôi sẽ ví ông ta như sau “cái lão nhà tôi lão chậm y như con rùa lật ngửa dzậy đó”. Còn một lần, mình bận nên chàng và bà Nuôi phải làm chung cái gì đó với nhau, bà Nuôi xong xuôi ra thì thầm với mình “chậm chi mà chậm dữ dzậy trời, ổng mà là đàn bà chắc con khóc rốn lồi ra cả thước quá”
Mình cứ hay lâm vào những hoàn cảnh ái ăm dư lày chứ nào có phải người hài hước gì đâu.

Friday, February 26, 2010

Nỗi buồn chảy nước

Hồi trước, trong số các chị/em ve vãn chàng có một cô mình khá ấn tượng. Mình ấn tượng vì cô ấy rất là hay buồn. Có lẽ là người buồn bã nhất mà mình từng biết cũng nên. Cứ dăm bữa nửa tháng lại thấy cô ấy bảo với chàng “em buồn quá, anh cho em gặp nói chuyện với anh được ko”. Sáng buồn, trưa buồn, chiều buồn, nửa đêm cũng thấy nhắn tin bảo buồn. Nói chung là trời ko chớp bể, chẳng mưa nguồn, đêm nảo đêm nao cổ cũng buồn.

Buồn với chàng chưa xong, cô ấy còn tranh thủ buồn với cả mẹ chàng nữa. Bố mẹ chàng sang VN chơi, cô ấy cứ năn nỉ xin gặp, tặng hoa tặng quà. Xin gặp lúc họ mới đến cho biết mặt đã đành, lúc biết họ chuẩn bị về cũng xin gặp để chia tay. Chàng chịu hết nổi từ chối “bố mẹ tôi vừa đi ngủ trưa rồi”. Không biết cô ấy lại cố nì nèo gì thêm mà chàng lại “không, bố mẹ tôi mệt tôi muốn để bố mẹ tôi nghỉ một lát”.

Không cho cô ấy gặp chia tay thì cô ấy có cách khác. Cô ấy viết thư tán tỉnh bà già. Mấy năm trước mình về dọn dẹp để bán ngôi biệt thự của bố mẹ chồng từ hồi bố mẹ chồng mất thì bỏ hoang ở đấy, đang lọc giấy tờ của bà già để xem giữ lại bỏ đi cái nào thì vớ được mấy bức thư cô ấy viết. Gớm chữ nghĩa gì mà gà bới chính tả ngữ pháp sai toe toét, được mỗi cái nhiệt tình. Nổi bật nhất trong thư, ngoài việc gọi bà già là “mẹ”, khen “nhà mẹ đẹp quá vườn mẹ đẹp quá giá mà con được đến thăm”, thì cô ấy lại bảo cô ấy BUỒN.

Với các anh ta, buồn có khi lại hay, cứ mắt em buồn thăm thẳm, mặt em buồn hiu hắt, cả người em buồn thỉu buồn thiu có khi lại làm rung động được ối anh. Riêng tây thì lại khác, tây nó chỉ thích vui. Em nào mà cứ buồn buồn ruồi đậu lên mép ko buồn đuổi là bọn tây chúng nó sợ lắm, buồn suốt ngày như thế để chết con người ta à. Với chúng nó, người cứ chuyện bé xé ra to để mà buồn là những người phải đi điều trị SM. Điều trị này tốn kém lắm mà kết quả theo mình cũng chả có gì là chắc chắn. Chưa kể, đàn ông VN thường quan niệm lấy vợ về trước hết là để có người chăm sóc, để sinh con đẻ cái vv, đàn ông tây lại quan niệm lấy vợ về để share and enjoy life together, tức là đi party cùng nhau, ăn tối cùng nhau, nhảy nhót cùng nhau, đi du lịch cùng nhau, thậm chí đi chơi với đám bạn nhí nhố của nó nó cũng muốn lôi cả vợ đi cùng. Với quan niệm như thế, cô nào buồn bã quá thì chả khác nào một cái chăn ướt nó vái cả nón. Cái chăn ướt là dịch từ một thành ngữ tiếng Anh, để chỉ một người lúc nào cũng rầu rĩ bi thảm làm người khác mất hứng.

Tự nhiên hôm nay lại nhớ ra cô này, mới tự hỏi ko biết cô ấy đã đỡ buồn chưa, hay là vẫn cứ buồn như trấu cắn như vậy.
PS: Mình thuộc thể loại ko buồn ko vui, lúc nào cũng thấy bình thường. Chồng hỏi em có vui ko? Bình thường. Em có thích phim này ko? Bình thường. Em có hào hứng với kỳ nghỉ này ko? Bình thường. Em có giận ông ta ko? Bình thường. Lúc nào cũng lờ đờ như cá chết thế này ko hiểu đàn ông tây và ta chúng có thích ko nhỉ?

Thursday, February 25, 2010

Cuộc xâm lăng của khỉ

Buổi sáng, anh nhanh chân chạy tót vào toilet, em lụt cụt chạy theo “toa léc toa léc”. Anh vội vàng tụt quần chiếm toilet trước. Em chạy đến nơi thấy anh đã đang đái te te, biết mình chậm một nước thì òa lên khóc, nước mắt từng giọt từng giọt to tướng nặng trịch rơi xuống sàn, chân dậm bình bịch “la mún pee pee trước”, rồi bắt đầu đấm anh thình thịch. Bà Nuôi vừa dỗ vừa phải lấy khăn lau chỗ nước mắt đang tong tong xuống sàn ko thì tí nữa ko đứa này thì đứa kia ngã trật mắt.

Mình có hôm cố ngủ nướng, đang ngủ say sưa tự dưng thấy cái gì cứng quèo nhét vào mồm. Ặc ặc mở mắt thì thấy con gái đang chăm chú nhét miếng bánh mỳ đã khô cong vào mồm mẹ mồm liến thoắng “la cho, la cho”. Đã kịp qua bếp xin bà Nuôi miếng bánh mỳ.

Thế rồi chỉ trong nháy mắt, hai anh em leo tót lên giường, tất nhiên là mang theo các loại đồ chơi lỉnh kỉnh, nhào lên cổ bố ặc ặc “papa mình chơi đánh nhau”, cười ré lên phấn khích. Cũng may khâu này tương đối ngắn. Vì chỉ vài phút sau là ko anh thì em rủ nhau “mình đi ăn sáng đi”, rồi “bye bye mamma, bye bye papa, Lê/La đi ăn sháng”. Thế là kéo nhau đi, tự động mang theo lỉnh kỉnh đồ chơi, bỉm bẩn, quần áo nóng mẹ cởi ra cho từ đêm hôm trước, chai sữa uống dở từ đêm trước.

Xong phần ăn sáng là đến phần mặc quần áo chuẩn bị đi học. 8h sáng là xe của trường đón chú Bình Nguyên. Phần này thì mình buộc phải giúp bà Nuôi, vì cứ cởi quần áo ra một cái là Lê La trần trùng trục vùng chạy khắp nhà như hóa rồ. Con trai chạy, cái chim như quả ớt vung vẩy sang bên phải bên trái, còn con gái thì vừa chạy vừa ôm tí, cười như nắc nẻ. Bà Nuôi cứ cầm cái áo giăng ra như cầm vải đỏ giăng ra trước mặt bò tót, nói luôn mồm “mặc vào đi con, mặc vào đi con”. Lê La thấy thế thì lại càng tinh nghịch, chạy lòng vòng cho bà Nuôi lật đật đi theo thuyết phục mỏi mồm. Mình thì ko nói nhiều. Chuẩn bị quần áo xong xuôi rồi đuổi theo túm lại một đứa, mặc kệ cho giãy giụa hò hét phản đối, mình xỏ quần xỏ áo xỏ giầy thật nhanh xong rồi vỗ mông cho chạy đi đâu thì chạy. Xong lại đuổi theo túm đứa kia, tương tự, chả phí tí nước bọt nào. Mình mà mặc quần áo cho Lê La thì chỉ mất vài phút. Còn bà Nuôi có khi cả nửa tiếng ko xong, và phải nói bã bọt mép. Vì bà Nuôi ko chuẩn bị trước. Mặc được cái áo xong thì lại phải đi tìm quần, Lê La lại xổng mất, tìm ra quần rồi thì lại quá trình thuyết phục đuổi bắt lại từ đầu. Có khi xe bus đã đến bấm chuông inh ỏi mà mấy bà cháu vẫn quýnh quáng ở trên nhà.

Chiều về, cho tắm, cho ăn, đánh răng, thay quần áo ngủ, xem phim nửa tiếng, rồi đi ngủ. Bye bye hôn hít chúc ngủ ngon chán chê, lùa vào phòng đóng cửa lại rồi mình mới thở phào và đi chuẩn bị đồ ăn cho chàng. Thế mà nhiều khi vẫn nghe tiếng choe chóe cãi nhau và tiếng Lila quát anh lanh lảnh “Lê thấu nhể” (tức là Ale xấu nhỉ). Rồi tiếng cửa mở toang, tiếng chân chạy bình bịch ra, Lê La mắt sáng trưng, miệng cười hết cỡ, tỉnh như sáo. Thế là lại màn bye bye, hôn hít, chúc ngủ ngon lần nữa. Mỗi tối cứ phải 3, 4 lần như thế thì thằng Lê mới ngủ lăn quay. Còn Lila thì ba tuần nay rồi, toàn quá nửa đêm mới chịu ngủ. Ai lại gần 1h đêm mà vẫn ngọng líu Âu mai đo lừng âu mai đo lừng ầu mái đó lứng kê men tai (Oh my darling Clementine) thì có chết mình ko cơ chứ

Đêm ngủ mình nằm ko dám cựa giữa một đống đồ chơi gồm tàu hỏa (3 chiếc lớn nhỏ), ô tô, cá nhựa (3 con lớn nhỏ) và một con cá heo bằng bông, con chuột biết phát sáng, thằng siêu nhân bằng nhựa, sách chuột Mickey. Hôm nào sơ ý nhảy ịch vào giường một cái thì tím mông hoặc gẫy xương sống. Buổi sáng chàng đứng dậy khỏi giường, mông dính cái sticker hình con cá tối qua con gái mang vào giường mân mê ngắm nghía. Chưa kể nhà cửa cứ lộn tùng phèo hết cả lên. Khách đến định pha trà mời khách, mở ấm trà ra thì thấy toàn lego xếp gọn ghẽ trong đấy. Mở nồi thì tìm thấy sỏi. Rổ rá nằm dưới gầm sofa. Dép trên giường. Thìa dĩa nấu ăn trong bồn tắm. Lược trong thùng rác. Nồi niêu xoong chảo trong phòng ngủ. Chìa khóa nhà trong vali đi học. Hoa của mẹ bị rước vào nhà vệ sinh.
Có lần nghe chàng ca cẩm “nhà mình trẻ con cứ như là mọc từ trong tường ra ý em nhỉ”. Còn mình nhiều lúc cáu quá cũng phải than thở “Lê La ơi mẹ yêu các con nhưng sao mẹ thấy các con giống khỉ đột quá à”.

Tuesday, February 23, 2010

Con lạy hồn

Hôm nay mình đã phải viết một bức thư rất “hạ mình”. Mới chợt nhận ra mình là người rất proud. Cái chuyện mình quá proud thì đã nhiều lần nghe nhiều người nói, nhưng tự mình ý thức được nó thì ko nhiều lần.
Đây là lần thứ hai trong đời mình phải viết một bức thư như thế này. Lần đầu tiên là khi chàng bỏ mình. Đang yên đang lành suốt ngày hỏi “em có đi sang nước mới với anh ko”, hoặc “nếu anh hỏi cưới em thì em có đồng ý ko”, thế mà đùng một cái tuyên bố bỏ mình luôn. Mình thì vốn tự tin đàn ông chỉ có mình bỏ nó chứ nó đố mà dám bỏ mình, nhất là cái thằng hiền cấu vào mặt cũng chả dám tự ái này, nên lúc bị bỏ thì choáng nặng (mặc dù lúc đó mình có yêu đương gì cho cam). Toàn bộ sự tự tin, lòng kiêu hãnh, và cả sự ngạo mạn, nói chung là lộn tùng phèo hết cả. Trong hoàn cảnh rối ren đó mới viết cái thư hạ mình hỏi lý do. Mình hối hận ngay sau đó, nhưng đã gửi đi thì ko thể lấy lại. Hai tuần sau chàng muốn quay lại với mình. Hai tuần, đủ để mình lấy lại sự tự tin và lạnh lùng thường có, mình từ chối. Tuy nhiên về sau này có nhiều diễn biến phức tạp mang tính chất số phận kể ra thì dài lắm, tóm lại cuối cùng là lấy nhau như các bạn đã thấy. Ngay cả bây giờ nhiều lúc nhớ ra chuyện đó mình vẫn ước giá đừng gửi cái bức thư kia, hạ mình chả ra làm sao.
Mình vốn ko có tính căn vặn. Ai làm gì là tự quyền của họ, thích kiểu gì mình chiều kiểu đấy, ko thích đặt câu hỏi vặn vẹo hoặc giận dỗi cho đời mất vui. Rất sợ những người phức tạp, nhất là phức tạp cả với người dưng. Quan hệ với những người này mình có cảm tưởng như đang cầm trứng mỏng, thở mạnh một cái là vỡ. Mà vỡ ra rồi thì nhiều chuyện lắm, nhẹ thì vài câu phán xét bình luận làm mình phải đính chính (ngay cả khi ko muốn đính chính) mệt nghỉ, nặng thì cạch mặt làm mình tẽn tò. Mà bạn biết đấy, cuộc sống bận rộn, thời gian ngồi xuống thở và nghĩ còn hiếm, phần lớn sự việc chỉ kịp quăng vội vàng vào một góc nào đó của bộ nhớ và một hôm đẹp trời nào đó thình lình nhớ ra, chứ làm sao còn có thời gian cái gì cũng phải nâng như nâng trứng kẻo vỡ lại rầy rà. Đi đâu cũng phải công theo một kho trứng mỏng thế chắc mình chết sớm mất.
Mình đi xa về, mẹ mình kể ra những chuyện từ ngày xửa ngày xưa mình chả nhớ gì. Mẹ mình bảo “làm sao mày lại có thể ko nhớ ko biết những chuyện như thế được”. Mình ko thể giải thích cho mẹ mình hiểu rằng mẹ mình nhớ cái chuyện âm ti củ tỉ kia vì mỗi ngày bà nghĩ tới nó vài lần, và trong cuộc sống của bà chỉ có những mối quan hệ rất quen, những công việc rất quen, thậm chí lối đi về cũng quen, và đó là kiểu cuộc sống cả chục năm người ta vẫn còn nhắc tới một đám cưới, một cái nốt ruồi, một cái quần hoa. Mẹ mình ko sống cuộc sống của mình, có nói ra bà cũng ko tin và ko hiểu.
Còn về bức thư hạ mình lần thứ hai trong đời này, hy vọng mình sẽ ko hối hận. Đây là người quan trọng với mình, thực ra là ân nhân của mình. Họ đã ở bên mình khi Lila ốm nặng. Thái độ tự nhiên ngoắt 180 độ của họ bây giờ mình chả hiểu ra sao. Mình cũng cố lắm mới viết bức thư này, chứ như các mối quan hệ bình thường khác thì cũng thôi, sugar you you go, sugar I I go.
Cuộc sống phức tạp quá, mình thì lại già, phức tạp quá là cân không nổi. Hic.
Nhắc đến cái chuyện đời phức tạp này là lại nhớ ra câu nói bất hủ của đứa bạn “con lạy hồn, hồn để cho con nhờ”

Sunday, February 21, 2010

Thursday, February 18, 2010

18/2/2010

Mấy tuần nay trung bình cứ một tuần mời khoảng 7, 8 khách. Túm lại, ngày nào mình cũng phải đi chợ một lần, vật lộn với cái túi kéo đựng linh tinh lỉnh kỉnh trăm thứ bà rằn các loại đồ ăn đồ uống. Các cô giúp việc từng làm cho nhà mình đều than “chưa bao giờ làm cho nhà ai lắm khách như nhà cô”.

Sáng nay đang chuẩn bị đi thì bà Nuôi gọi với lại “cô mua cho tôi cái bàn chải giò”. Chữ giò bà Nuôi dùng có nghĩa rất rộng, đùi, vế, cẳng chân, bàn chân, tất tật đều là giò hết hay sao ấy. Đi chợ về, vừa mở cửa thì ông con hỏi với ra “mamma có mua cái bàn chải giò cho bà Nuôi ko?”

Bà Nuôi thì thật thà. Thật thà nói chung thì là cái tốt, nhưng thật thà quá thì cũng chả tốt lắm. Nguyên do sự việc là bà Nuôi ko biết nấu ăn, nhất là món Ý thì bà Nuôi bó toàn thân. Thế nên có khách là mình nấu, mình phục vụ, bà Nuôi chỉ cho bát đĩa bẩn vào máy rửa bát và chơi với bọn trẻ con. Mình cũng cố làm thực đơn đơn giản, nhưng một bữa ăn của bọn Ý mời khách rút gọn mấy cũng vẫn phải có một món mỳ/cơm, một món thịt/cá, một hoặc hai món rau, rồi tráng miệng, và các loại rượu. Chưa kể nhiều khi nếu số người ăn lên tới 10 người thì mình phải làm 2 món mỳ và hai món thịt, để đề phòng có khách ko ăn được cái này thì ăn cái kia, và nấu với số lượng ít thì đảm bảo chất lượng hơn là nấu số lượng nhiều. Đã tối hết cả mắt mũi, bà Nuôi ko giúp được gì lại còn bảo “Nấu nướng này thì cũng đơn giản, có cái gì đâu. Ở VN kìa, mời khách phải linh đình lắm kìa”. Có lần mình nghe thấy thế tưởng ý bà Nuôi là bà Nuôi thấy mình nấu rồi, giờ có thể tự nấu được nên bảo “ô thế thì lần sau cô nấu hộ cháu nhé”, thì bà Nuôi giãy nảy “thôi tôi biết đường nào mà nấu, nấu lên cô với ổng lại chê”. Chưa kể nhiều lúc bà Nuôi lại còn “nấu nướng làm gì cho khổ, các cô hồi trước tôi làm ở Sài gòn, có khách là gọi đồ ở ngoài vào đầy nhóc”. Đến chịu bà Nuôi.

Tối qua có 5 khách. Lúc bày ly lên bàn mới nhìn thấy ly ko sạch. Dặn bà Nuôi bao nhiêu lần là khi xếp ly pha lê vào tủ thì phải đi găng tay ko thì vân tay sẽ in lên thành ly, bà Nuôi cứ khăng khăng “ko tay tôi sạch, tôi cầm ở bên dưới”. Tóm lại, hôm nay mình phải lôi ly trong tủ ra rửa lại hết, tiện thể mở cái máy sấy vệ sinh toàn bộ vì dạo này bà Nuôi than là máy sấy gì mà ko tốt, sấy lâu và ko khô. Hôm qua thì máy rửa bát gì mà ko tốt, rửa ko sạch (chẳng qua vì đã đến lúc phải cho muối và dung dịch làm bát đĩa bóng sáng mà những cái này thì bà Nuôi hoàn toàn ko biết). Toàn việc ko tên bất ngờ.

Chiều đi đón Lila. Chú Bình Nguyên cũng xin đi theo. Chết cười Lila vừa đi vừa nhắc anh luôn miệng “Ale, uýt chó uýt chó”, ý là anh đi cẩn thận ko thì dẫm phải cứt chó. Anh mà trèo leo lên đâu là em cũng lanh lảnh “Ale, ngã đau chết”. Anh mà mắt mũi nhớn nhác đi va vào em là em lại the thé “Ale, cẩn thận, ngá iem”. Suốt ngày lảnh lót sửa gáy anh. Anh thì dạo này mẹ mà bảo “mẹ yêu con” thì giả nhời đốp đốp “Lê biết rồi” hoặc “okay okay”, cứ như là mẹ mắc bệnh nói lắm ấy

Tuesday, February 16, 2010

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 71)

Nhiều khi nghe bà Nuôi với chú Bình Nguyên nói chuyện với nhau mà mẹ chú cứ phải bấm bụng cười.
- Ale ra đây bà cho con ăn cái này

- (nghe đến ăn là chạy lại ngay) Bà Nuôi cho Lê ăn gì đấy?

- Con cứ trèo lên ghế đi. Bà cho con ăn một cái bất ngờ

- (hấp tấp trèo lên ghế, nóng ruột) Bà Nuôi Lê thích cái bất ngờ lắm nhưng cái bất ngờ đâu rồi?

- Bà nuôi cho Lê ăn bánh pút đinh mẹ làm nhé

- (reo hò) A vâng Lê thích bánh cút đinh lắm. Mamma Lê yêu mamma lắm ngày mai mamma làm bánh cút đinh cho Lê ăn nứa


- Bà Nuôi dấm vào chân Lê rồi, bà Nuôi phải nói xin lối bằng tiếng Ý đi, bà Nuôi phải nói scusa

- Ờ ờ cu già



- Bà Nuôi ơi cho Lê bánh, Lê ko béo phì như bà Nuôi đâu. Bà Nuôi dỗi “ai bảo Lê là bà Nuôi béo dzậy?”. Hoặc đang đi ngoài đường chú tự nhiên kéo tay bà Nuôi “Bà Nuôi ơi, cái bà kia béo hơn bà Nuôi rồi, béo phì rồi bà Nuôi ạ”.


- Bà Nuôi ngó vào toilet “ủa con có pu pu ko dzậy?”, “có chứ bà Nuôi, nó chìm ở dưới ấy, một đống luôn”. Bà Nuôi vẫn nghi ngờ “nhưng sao mà nhanh quá dzậy?”, “nó đang từ bé, nó thành to dần to dần, rồi tự nhiên nó rơi bụp bụp”.

Thỉnh thoảng bà Nuôi hay tâm sự với chú Bình Nguyên, bà Nuôi hay rủ rỉ kể chuyện ông Sáu Kho, bà Tám Thương, cứ như chú Bình Nguyên biết hai ông bà này là ai. Hôm nọ thì nghe bà Nuôi kể “Ale ơi, hổm rồi bà bị con ong dzò dzẽ nó uýnh, cái mặt bà sưng thùi lùi cả tuần”. Khái niệm không gian và thời gian của bà Nuôi hơi lẫn lộn. Hổm rồi của bà Nuôi chắc phải cả chục năm trước. Còn mình mà hỏi cái gì ở đâu thì thể nào cũng được bà Nuôi chỉ ở trên trển, ở bên bển, ở trong trỏng, hoặc ở cái chỗ đó đó, chỗ nào hả u?, cái chỗ mà đi quéo trở lại đó đó. Tài thánh cũng ko hiểu nổi. Nói chung là chưa lần nào bà Nuôi chỉ chỗ mà mình tìm ra được cả.

Lại trở về những đoạn hội thoại của bà cháu chú Bình Nguyên:

- (bà Nuôi giọng đầy băn khoăn) Ủa Lê đái hết chưa mà sao cái chim nó cứ dựng đứng lên vậy ta ơi?

- (mặt tỉnh bơ giải thích) Bà Nuôi cứ kéo quần Lê lên đi thì cái chim Lê nó sẽ chết xuống.

Ngoài ra, có lần mẹ chú nghe chú phàn nàn với bà Nuôi “papa và mamma, kỳ à nha, ko có cho thằng bé đi cắt tóc gì hết trơn hết trọi”. Lần khác, đang hí hoáy mở cái hộp đồ chơi, bà Nuôi ngồi bên cạnh nhìn lom lom, chú cảm thán “Kỳ cục, sao chả có cái gì mà nó nặng dữ dzậy ta ơi”.

Tiếng Cần Thơ của bà Nuôi đấy. Hận lắm

Mẹ rất hài lòng khi thấy Lê La gắn bó với bà Nuôi, và ăn gì làm gì cũng ko quên bà Nuôi. Tắm cùng bố cũng rủ bà Nuôi vào tắm chung . Bố hôn tạm biệt hai anh em cũng bắt bố hôn cả bà Nuôi, làm bố chú lại phải gửi cho bà Nuôi một cái hôn gió. Mẹ đang bảo mẹ yêu Lê mẹ yêu La mẹ yêu papa thì cũng phải hỏi “thế còn bà Nuôi thì sao mamma?”, làm mẹ lại phải đính chính “ờ ờ yêu cả bà Nuôi luôn”

Sunday, February 14, 2010

14/2/2010

Tuần sau chú Bình Nguyên được nghỉ. Dân Ý bao giờ vào thời điểm lạnh nhất của năm cũng lũ lĩ kéo nhau đi trượt tuyết cả tuần, gọi là tuần lễ trắng. Cũng may cho mình năm nay ko phải khăn gói quả mướp đi vồ tuyết.

Chú Bình Nguyên mà ở nhà thì mẹ chú chết dở. Vì chú bám mẹ lẵng nhẵng như cái đuôi. Đi ra chú ra theo, đi vào chú vào theo, đi tắm thì chú ngồi chờ ở ngoài, cứ vài giây lại hỏi “mamma xong chưa?”, khi nào mệt quá thì chú nằm còng queo luôn xuống cái thảm trải ngay ngoài cửa buồng tắm đứng, kiên nhẫn đợi ko bỏ cuộc bao giờ.

Lila thì khoảng 10 ngày nay ko chịu ngủ. Buổi tối lúc anh đã ngủ như chết thì em vẫn đi lon ton khắp nhà hát, múa, nói ko ngớt mồm. Bà Nuôi vốn biết tính bé cứ ngáp một cái là chuẩn bị lăn ra ngủ nên hỏi dò vẻ nôn nóng “sao lala ko ngáp?”, thì bị bé trả lời gọn lỏn “lala chưa nháp”, xong lại lôi đồ chơi ra chơi tiếp. Thấy mẹ đọc báo cũng hóng hớt ngó vào, thấy ảnh người thì hỏi “mamma, ai?”, thấy ảnh vật thì hỏi “mamma, con gì?”. Nằm trên giường trình bày cho mẹ cả chục bài hát bắt mẹ vỗ tay mỏi nhừ mà vẫn ko chịu ngủ, miệng vẫn líu lo, cái chân béo mập nhịp nhịp xuống giường, còn tay thì ngoáy như tập tầm vông con công nó múa. Hát chán thì bắt đầu phân công ai/cái gì nằm ở chỗ nào “mamma ơi, tàu thomas nằm đây, tàu billy nằm đây, con cá nằm đây, lala nằm đây, mamma nằm đây, thế còn papa?”. Chán trò phân công thì lại lấy tay rờ rờ lên mặt mẹ, mắt nhìn lom lom hiếng ơi là hiếng “mamma ơi, múi này, mắc này, má này, mồm này, tóc này, cằm này”. Mẹ hỏi “thế tí pé đâu?”, thì lại chỉ xuống bỉm. Tí và bướm bao giờ cũng lẫn lộn nhau.

Gần nửa đêm thì lay mẹ “mamma, lala pu pu, thối ”. Mẹ lại lọ mọ dậy thay bỉm. Ị xong thì lại ngót bụng “mamma, lala đói , cho lala thứa”. Mẹ lại lục đục đi pha sữa. Uống sữa xong đã thiu thiu thì tự nhiên lại vùng dậy tỉnh như sáo chơi tiếp hát tiếp làm mẹ thất vọng quá chừng. Mẹ cứ hy vọng rồi lại thất vọng vài lần như thế đến quá nửa đêm bé mới chịu lăn ra ngủ khì. Mẹ cho rằng bé đang giai đoạn lớn rất nhanh về nhận thức, lại vừa học được kỹ năng nói, nên hào hứng luyện nói đến mức ko thiết ngủ. Mỗi tội mẹ thiếu ngủ quá. Vì sáng đúng 7h là chú Bình Nguyên mở cửa đánh xạch một cái, chạy bành bạch vào “papa, mình chơi trò vật nhau đi”.

Đầu tuần đi chợ tàu mua đồ về nấu phở và làm nem cho có không khí tết. Mỗi tội chưa đến tết đã ăn sạch cả nem lẫn phở. Quấn cho chàng mấy cái nem rau, chàng nhìn bát nước chấm hỏi vẻ ngờ vực “trong này ko có nước ninh thịt đấy chứ?”. Hiểu biết về đồ ăn VN thế cơ chứ. Chàng ghét tất cả những món thịt luộc, hầm, và ko chịu được nước ninh thịt. Do vậy nhìn thấy phở là chạy rẽ đất. Nem sống mà quấn có thịt luộc là cũng lắc đầu quầy quậy.

Hôm kia Rome tự dưng đổ tuyết xối xả. Lần đầu tiên có tuyết trong suốt 25 năm. Thế mà đúng hôm đó thì tinh thần thể dục lên ào ào. Thế là bất chấp lạnh lẽo bẩn thỉu tuyết tủng be bét buổi tối mình lò dò đến lớp tập. Cô giáo ốm nghỉ. Lại lọ mọ đi về. Hôm sau thứ 7 trời nắng đẹp, chồng rủ “đi ra biển chơi đi”, từ chối, quyết đi tập bù buổi hôm qua, vì thấy dạo này người mình nó cứ xộc xệch kiểu gì. Khăn gói đến nơi đợi dài cổ ko thấy giáo viên, lại chưng hửng đi về. Tóm lại mình cứ nằm khoèo ở nhà khỏi thể dục thể thao gì cho nó được việc.

Hỏi chàng rất bâng quơ “anh có biết mai là ngày gì ko?”, chồng trả lời rất ngây thơ “chủ nhật”. Chàng ko biết chủ nhật là mùng 1, lại càng ko biết cũng là Valentine. Cứ nói trước thế để các bạn khỏi hỏi Valentine này chồng tặng vợ yêu cái gì.
Ngày xưa bao anh săn đón tranh thủ mọi lý do lý trấu để tặng hoa tặng quà, nhận quà nhiều phát ngại. Thế mà thế nào vớ phải đúng ông cứ trần xì như con nhộng.

Tứt tựt từn tang

 
Sáng chủ nhật, mình ngồi luyện giọng. Ngày mai phải trả bài. Sợ nhất là một công việc tập thể. Vì nếu mình làm một mình, hay dở mình chịu kệ mình, có hứng thì mình làm hay, ko hứng thì mình làm dở, lúc khác có hứng lại làm hay cũng ko muộn. Nhưng làm tập thể, mình dở ảnh hưởng đến cả đội thì rất ngại. Thế nên sáng chủ nhật phải mang bài ra luyện.
Mình hát bè nữ trung trong dàn đồng ca. Cô giáo thế là làm khó mình rồi, vì giọng mình là giọng nữ cao. Khổ nỗi bè nữ cao đã hùng hậu lắm rồi, hơn chục người, bè trầm cũng 6, 7 người, mỗi bè nữ trung là rất hẻo, nhiều lắm cũng chỉ được 4, chưa kể có lúc còn chỉ có mỗi 2.
Bè nữ trung của mình là yếu nhất, vì đã ít người mà giọng nữ trung còn hát rất khó, vì nó cứ ngang phè ra, cao ko tới, thấp ko phải. Mình lại mắc bệnh lập trường ko vững, tức là cứ đang hát giọng trung nghe lỏm thấy giọng cao một cái là hát cao vống lên theo, đến nỗi con bé cùng bè đứng cạnh mình, hát cả buổi với nhau, còn hỏi vẻ băn khoăn “thế em cùng bè với chị hay bè cao bên kia?” thì biết rồi đấy. Đã thế, vào giọng cả dàn thì toàn nghe thấy giọng nữ cao, giọng nữ trung cứ mất hút đi đâu hết, theo mình có hát cũng như ko.
Bài tập về nhà là Ave Maria. Bài này giọng nữ cao phải hát cao chót vót. Mọi khi mình hay ngồi đằng sau nên ko quan sát được bè nữ cao. Lần trước ngồi hình vòng cung, ngó sang được bên họ, phải cố lắm mới ko rích lên cười. Các cô đúng là gân cổ cò co cổ ngỗng, và cô nào cô nấy mắt cứ tròn xoe nhìn cô giáo chằm chằm, mồm há hoác nhìn thấy cả amiđan, nhất là những đoạn lên khó, nói chung trông khổ sở căng thẳng vô cùng. Và âm thanh thì thôi rồi, như là tiếng kim khí va nhau. Hèn nào ông chủ nhà ở New York chả mấy lần tâm sự ông ấy ko chịu nổi giọng nữ cao, nghe cứ như ai đang bị bóp cổ.
Mẹ ngồi luyện giọng, Lila ngồi kè kè sát bên nhìn mẹ mắt long lanh tóc vàng hoe, mẹ cứ dừng hát là lại vỗ tay rối rít “mamma, hay, hay, nứa, nứa”. Chỉ tối nay là chắc chắn bé sẽ sáng chế ra một bài mô phỏng gần giống. Chú Bình Nguyên đang chơi tàu cướp biển thấy mẹ cứ “Maria Maria” hò qua hò lại chú mới hỏi bố chú “ma chi è questa Maria?”, tức là “but who is this Maria?”, tức là “nhưng cái cô Maria này là ai mới được chứ?”, dịch ra tiếng Việt ko hết được tính băn khoăn biểu cảm trong câu hỏi của chú.
Bà Nuôi bưng cho bát phở, bình luận “suốt ngày chỉ ăn với lại hát, thế mà còn không trẻ mãi ko già thì tôi thua cô”. Bà Nuôi hay quên thế nào ý chứ. Tuần trước khách khứa nườm nượp, thấy mình tất bật chợ búa nấu nướng chính bà Nuôi còn bảo “cô ko giống tiểu thơ con nhà giàu heng, các cô tôi làm cho hồi trước các cô ấy tứt tựt từn tang lắm chứ ko đi mây về gió như cô”. Tứt tựt từn tang theo ngôn ngữ bà Nuôi tức là thong thả, bước khoan bước nhặt điệu đàng e ấp giống các cô tiểu thư, còn “đi mây về gió” là vì mình chạy ào ra chợ rồi lại chạy ào về bật bếp lên nấu nướng chứ ko thảnh thơi ngó nghiêng rẽ ngang rẽ tắt gì
Ảnh: My Valentine

Tuesday, February 9, 2010

Múa tay ra tiền

Entry này lại phải bán than nữa đây. Tranh thủ bán than nốt quả cuối để năm mới khỏi giông.

Chuyện là, ở VN, trong trăm sự mình sợ nhất họ hàng ở nhà quê. Mà toàn họ hàng kiểu lúc mẹ con mình nghèo đói khốn khổ cơm ko đủ ăn quần áo ko đủ mặc thì họ líp đi đâu mất, 4, 5 năm chả thấy ai hỏi thăm nửa lời. Thế mà vừa nghe được tin mình đi làm cho nước ngoài một cái là thấy họ đã có số di động của mình từ lúc nào. Họ gọi mình, được cái họ thật thà thẳng thắn, họ giới thiệu tên rồi hỏi vay tiền luôn chả vòng vo gì, ví dụ “G à, chú T đây mà, chú đang định mua cái nhà mày cho chú vay…”, và họ nêu ra một khoản tiền bằng mấy tháng lương của mình, hoặc “chị G à, em là V con của cô N con gái bà M, chị cho em vay tiền đóng học phí”.

Họ nhiều khi làm mình khó xử ghê gớm. Vì họ nghiễm nhiên coi nhà mình là địa chỉ cho họ đến ngủ nhờ mỗi khi họ ra thành phố chơi, con họ ra thành phố trọ học, hoặc họ hàng/người quen của họ ra thành phố có việc. Trong cái sự ở nhờ này bực nhất là nếp sống khác nhau quá xa. Ví dụ mình thì có tính gọn ghẽ, thế nên đi làm đã mệt mà về đến nhà thì mùi thuốc lá từ tầng trệt lên đến tầng thượng, quần áo vứt tung tóe, bát đĩa bẩn vứt trên bàn, chai rượu đổ chỏng chơ, và một chú nằm đơ cu lơ xỉn quắc cần câu trên sa lông phòng khách.

Ừ mình biết rồi mình hiểu họ chả có tiền, ra thành phố phải nhờ vả người ở thành phố. Nói chung họ nhờ thì cứ phải nhờ, mình thấy bất tiện và khó xử thì cứ thấy bất tiện và khó xử, chả giải quyết được kiểu gì.

Nhiều người lại còn hay “tưởng Việt kiều thì phải thế nào chứ chi tiêu chặt chẽ thế, ky thế”. Ơ, có đi cướp của giết người hay buôn lậu được đâu mà chả quý đồng tiền. Ở nước ngoài kiếm sống cũng khó chứ dễ dàng gì mà khinh tiền. Mười người chê người khác ky thì 9 người chính họ một xu cho người khác cũng ko muốn bỏ. Và cái sự chê bai người khác ky thường xuất phát từ tâm lý thất vọng vì tưởng sẽ được họ vung tay cho tiền mà cuối cùng lại chả bõ bèn gì niềm hy vọng.

Hôm nay thằng em lại kể người nhà quê gọi hỏi vay tiền, mà vay có ít đâu, vay cả trăm triệu. Như kiểu họ định mua cái gì đó, họ đã có sẵn 1 triệu họ đi vay nốt 100 triệu cho đủ. Thằng em học xong ở nước ngoài về, tự lập công ty, cũng làm việc vỡ mặt. Thế mà họ cứ làm như gõ đầu nó là ra tiền

Friday, February 5, 2010

5/2/2010

 
Hôm nay thay màu son môi.
Thỏi son màu gạch non của Guerlain ko nhớ mua từ bao giờ chưa dùng lần nào đến nỗi phần vỏ bằng kim loại bị xỉn cả màu. Những thỏi son Guerlain thường đắt hơn những thỏi son khác rất nhiều. Lý do chưa chắc vì chất lượng hơn, mà có lẽ vì thiết kế thỏi son Guerlain thường rất cầu kỳ, gương xoay, nắp từ tính, nhiều khi nhìn thỏi son mà cứ tưởng cái điện thoại di động.
Từ dạo mùa hè còn ở ngoài biển, nhà bên cạnh tổ chức party. Mình đứng tán gẫu với một cô làm cho công ty mỹ phẩm của Ý. Cô ấy bảo nếu ko làm trong ngành thì chắc cô ấy sẽ tốn ko biết bao nhiêu tiền cho mỹ phẩm, giờ biết rồi nên luôn chọn những sản phẩm chất lượng tương tự nhưng giá rẻ hơn nhiều. Lý do là vì công ty của cô ấy chuyên nghiên cứu công nghệ mới và sản xuất ra mỹ phẩm ở dạng chưa đóng gói. Sau đó các hãng mỹ phẩm mua lại, đóng gói và đưa thành phẩm ra bán trên thị trường. Ví dụ, công ty chào bán công nghệ mới phấn phủ ngọc trai. Chanel là hãng đầu tiên mua công nghệ này (ví dụ thế vì mình ko nhớ chính xác tên hãng cô ấy tiết lộ). Chanel mang phấn phủ ngọc trai đi đóng bánh, vào hộp, rồi phân phối với giá gấp mấy chục lần giá mua phấn rời ở công ty gốc. Sau đó công ty gốc này lại tiếp tục bán công nghệ phấn phủ ngọc trai cho một hãng mỹ phẩm khác thấp cấp hơn, Sisley chẳng hạn. Hãng này cũng đóng bánh, vào hộp, rồi phân phối. Nhưng có thể công nghệ đóng bánh ko cầu kỳ như Chanel, ko có logo nổi trên bề mặt phấn, ko có hộp xịn bằng, nhưng phần phấn bên trong thì y hệt. Thế mà giá có khi chênh nhau đến vài lần. Tương tự cô ấy còn đưa ra rất nhiều ví dụ khác về mascara, son, các loại phấn mắt vv.
Tóm lại cô ấy khuyên cứ chạy ra siêu thị mua đồ của L’Oreal, Nivea là được rồi, không cần chi bộn tiền cho Guerlain, Chanel, Givenchy, Estee Lauder vv và vv, làm gì cả. Cô ấy là người trong ngành, chắc chắn là nói đúng.
Hèn nào đại gia thời trang nào cũng phải nhảy vào làm một tý trong lĩnh vực mỹ phẩm siêu lợi nhuận này.
Hồi lâu lâu chị bạn gửi cho một phóng sự điều tra về thị trường hóa mỹ phẩm ở Hà nội. Tuyệt đại đa số là sản phẩm made in china nhái sản phẩm thật. Thế thì biết tìm đâu ra địa chỉ tin cậy để khỏi tiền mất tật mang nhỉ? Hồi còn đi làm, một lần nghe các chị ở công ty bảo có một cửa hàng trên Hàng Ngang Hàng Đào hay Hàng Bông gì đó sản phẩm phong phú lắm, đồ toàn nhập từ Hàn Quốc với Thái lan về, khách hàng đông nườm nượp. Nghe xong tấp tểnh đi mua, phấn mắt và son môi. Dùng phấn mắt xong mấy phút thấy mắt mình cứ từ từ sưng húp lên như ngủ nhiều, dùng son môi xong thấy môi mình cũng cứ từ từ sưng phồng lên. Mình có mắt như hai quả nhót mất mấy tiếng và đôi môi cá vàng mất mấy ngày. Từ đó sợ hẳn.
Ảnh: Lila vừa giành đồ chơi với anh, sai lè lè mẹ ko bênh được nên mặt bé hầm hầm mẹ nịnh mấy môi vẫn cứ mím chặt ko thèm cười.

Tuesday, February 2, 2010

Tâm sự thật nòng!!!

 
Tớ tự biết tớ ko phải là một người dễ thương. Tớ nói ra điều này ko phải để nhận comment của các bạn “khồng, cún béo dễ thương chứ”. Tớ tự biết tớ thế nào, các bạn ko cần an ủi.
Nhiều khi thấy nhiều bạn thật là nice, sweet, such a lovely person tớ cũng thèm được như thế lắm ý. Nhưng mà ko mở mồm ra được, cố nói ra thì thấy mồm mình nó cứ ngượng ngùng cứng cứng giả tạo làm sao. Nói thật là giờ còn đỡ lắm rồi ý, chứ ngày xưa thì còn tệ hơn thế nhiều. Cứ nói chuyện bình thường thì còn véo von, chứ động đến tình cảm một cái là câm như hến cạy mồm cũng ko ra. Bị bao giai bỏ cũng là vì cái tội này.
Đến chàng còn phải than thở anh có nhiều bạn gái, chúng theo đuổi chúng treat me like a prince, chứ chưa có ai kém nice với anh như em.
Giờ lấy nhau rồi thì ko than thở tế nhị thế kia nữa, mà bảo toẹt mình như sau “sao em cứ như cái máy cày thế”, vừa nói vừa giả tiếng máy cày chạy xình xịch. Nguyên từ tiếng Anh là tractor.
Ai muốn thế đâu cơ chứ.
Tự nhiên hôm nay nhìn gương thấy mình xấu tệ, mặt thì xấu, tính thì khô, tâm trạng cáu kỉnh suốt từ sáng tới giờ. Không phải tự chê mình xấu để các bạn lại phải bảo “khồng, cún béo đẹp chứ” đâu đấy nhé. Tớ tự biết tớ. Dạo này tớ xấu như khỉ, má hóp đít tóp, mình nhìn còn phải chán mình.
Hay là tại cái gương, mà nói chính xác là tại ánh sáng trong phòng tắm của mình nó làm mình trông như thế nhỉ. Nghi lắm.
Trầm cảm nặng
Pix: gerbera in my living room.

Monday, February 1, 2010

Cuối tuần vỡ mật

 
Cuối tuần vừa rồi gia đình hai anh trai bố chú Bình Nguyên đến chơi nhân dịp sinh nhật chú. Chính ra là từ tuần trước nhưng cả hai bác đều bận nên hẹn sang tuần này.
Nhà bác cả 4 người, nhà bác hai 3 người, nhà Bình Nguyên 5 người (kể cả bà Nuôi), tổng cộng 12 mạng người nhét vào một căn hộ. Vui ơi là vui, cười rách mép. Ba anh em nhà bố chú Bình Nguyên tuổi thì đều đã lớn tóc bạc nhiều hơn tóc đen nhưng tính tình thì nhí nhảnh quá trẻ con. Ăn xong già trẻ lớn bé đuổi nhau chạy khắp nhà như hóa rồ, chơi các trò chơi trẻ con lớn bé bằng nhau cãi nhau chí chóe, còn mỗi 3 chị em dâu ngồi cười ngất ngưởng. Tất cả chỉ kết thúc khi có tiếng chú Bình Nguyên khóc ré lên, kết quả là “cái tay của Lê nó hỏng rồi mamma ơi”.
Nhưng riêng việc lo ăn uống ngủ nghỉ cho từng đấy người cũng làm mình gần chết. Mỗi người một ý, người quá béo, người quá gầy, người ko ăn cá, người ko ăn rau, người kiêng thịt, người ăn thịt nhưng ko phải là những món thịt chế biến thẳng từ thịt sống, người ko ăn cay, người thích ăn nhiều muối, người lại ăn ít muối, người ko ăn tỏi, người uống sữa nguyên kem, người lại phải uống sữa đã hớt hết kem, người ko uống được sữa tươi bình thường mà phải uống loại sữa tươi dễ tiêu, người uống nước thường, người phải uống nước có ga vv và vv, tóm lại mẹ Bình Nguyên quay như chong chóng. Bà Nuôi cũng khổ. Bà Nuôi tuy ko phải nấu nướng nhưng riêng khoản dọn dẹp cũng đủ chết. Mỗi ngày nhà Bình Nguyên chạy máy rửa bát 3 lần. Cái tủ lạnh to đùng ngã ngửa mẹ Bình Nguyên cẩn thận lèn chặt đồ ăn hết bay như có phép lạ, đấy là còn chưa kể còn lấy bao nhiêu thịt cá từ cái tủ đá cao to ngang ngửa và bánh trái đồ ăn khô từ kho đồ ăn khô của mẹ Bình Nguyên.
Đến cuối ngày thứ hai, thấy mẹ chú đuối đuối nên bố chú hăng hái xung phong chuẩn bị một bữa. Nếu mà biết trước thảm họa sẽ xảy ra chắc mình cũng cố lết đi làm nốt cho xong. Bố chú mở tủ lạnh hai lần. Lần thứ nhất lấy ra 4 gói tortellini, là một loại viên bánh nhồi thịt làm sẵn, ko hiểu sao lại làm vỡ một quả trứng chả liên quan gì. Lần thứ hai mở tủ lạnh lấy thêm một gói tortellini nữa, lại làm vỡ nốt 6 quả trứng. Vị chi tổng cộng 7 quả, bét bẹt trên sàn nhà, bà Nuôi lau chùi méo mặt (từ đó sợ ko dám mở tủ lạnh, mình bảo anh cứ mở đi, có bao nhiêu trứng vỡ hết rồi ko sợ vỡ nữa đâu). Chưa hết, bố chú luộc tortellini ko hiểu nước trào lênh láng ra sao mà cái bếp điện cháy thui, mùi khét bốc lên nồng nặc, điện cả nhà tắt ngóm.
Thế là ko nấu nướng được gì nữa, toàn phải gọi đồ ăn từ bên ngoài. Hôm nay thợ điện đã đến, vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Tối phải chạy đi mua một cái bếp điện dã chiến để mai còn nấu cho Lê La ăn. Gì chứ Lê La mà ko có cái ăn chắc ko xong.
Lần sau có cho tiền mình cũng ko dám để bố trẻ đụng tay đến việc gì
Ảnh: khổ thân em được chị lau mũi, mũi em ở một đằng mà chị cứ úp cái khăn ở một nẻo