Monday, August 26, 2019

Thương mến tặng thầy

Hồi bé tôi học trường Văn Chương. Hồi ấy nhà ở đâu thì đi học ở đấy. Cả lũ trẻ con xóm Nhà Dầu, khu đường tàu, phố Khâm Thiên, ngõ Khâm Thiên, ngõ Cống Trắng và cả ngõ Văn Chương đều đi học ở đấy. Trẻ con cả phố cả ngõ biết nhau hết, tan học là đi ríu ran thành từng nhóm trước khi tản về nhà từng đứa.
Trường tôi có một tòa nhà gạch xây 4 tầng; một tòa nhà hai tầng nhưng không xây bằng gạch mà ghép bằng chất liệu gì đó nhẹ nhẹ với cầu thang bằng sắt; một tòa nhà hai tầng nhỏ hơn có chỗ để xe đạp của thầy cô ở dưới và phòng ban giám hiệu ở trên, cầu thang đi lên cứ đến mùa là bên dưới lổm ngổm đầy sâu róm đen xì; một dãy nhà cấp 4 lợp ngói dột nát dành cho các lớp bổ túc. Nhà vệ sinh của trường lúc nào cũng trong tình trạng bẩn kinh khủng và lũ học sinh toàn phải đái bậy trên bờ cống nằm phía sau toà nhà ban giám hiệu, hoặc nhịn cả buổi. Lớp học chỉ có bàn ghế, thậm chí còn chả có quạt trần. Hơn 40 thậm chí 50 học sinh chen vào một lớp. Mùa hè nóng ngốt, mùa đông lạnh cóng vì cửa sổ trống hoác.
Thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 của tôi là thầy Hợp. Thầy Hợp gầy gầy, mặt tròn, hay mặc quần âu với áo jersey ngắn tay, giọng nhỏ nhẹ, giảng bài hay và dễ hiểu. Tôi không nhớ có lần nào thầy nổi cáu. Gặp hôm nào trò dốt quá, nghịch quá, mặt thầy chỉ nhăn nhăn tí. Hôm nào vui quá, thầy chỉ cười tủm tỉm. Hồi đó lũ học sinh chúng tôi cuối năm thường được thưởng vở. Cứ đạt danh hiệu gì đó thì lại được thưởng vài quyển. Những quyển vở mỏng mỏng bìa xanh lục ráp ráp. Tôi nhớ có học kỳ được thưởng cả một chồng vở cao ngất ngưởng.
Thầy Hợp muốn khen thưởng để khuyến khích học sinh thường xuyên hơn nhưng trường không có kinh phí. Mà thầy cũng không muốn học sinh phải nhận thêm vở. Thế là thầy rút tiền túi tự thưởng trò. Cứ cuối tháng, đứa nào ở vị trí nhất nhì ba là thầy rút túi thưởng. Tôi nhớ có lần được thầy rút túi thưởng luôn 5000 đồng. Tiền đấy để đi ăn bánh chuối.
Thầy Hợp rất tận tình với học sinh. Trong lớp đứa nào có năng lực vượt trội đều được thầy giao thêm bài khó hơn cho làm. Lũ chúng tôi cứ thế phấn đấu thật nhiều, thi đua với nhau thật nhiều, để hoàn thành những bài tập khó, để giành được phần thưởng của thầy mà chẳng biết rằng thầy cũng nghèo lắm, muốn khích lệ trò mà rút tiền túi ra vậy thôi.
Nhớ các ngày 20/11, lễ nọ tết kia, lũ học sinh lếch thếch đi bộ từ trường Văn Chương lên phố Phan Đình Phùng rồi quặt vào cái ngõ nhỏ tên Đặng Tất. Nhà thầy ở đó. Nhưng thầy chẳng bao giờ tiếp. Hoa mang đến lại mang về, tranh khiêng đến lại khiêng về. Có lần thầy ốm, cả lũ học sinh đến thăm thầy cũng không tiếp. Đường sữa học sinh khui ra ăn vã luôn trên vỉa hè. Tết mang rượu lúa mới biếu thầy, thầy chả tiếp, thế là một đám học sinh mở ra uống luôn, say bí tỉ. Đúng là nhất quỷ nhì ma. Thế mà rồi tất cả chúng em đều khôn lớn, thầy ạ.
Tôi nhớ đến thầy Hợp, khi mấy ngày nay trên mạng rần rần vụ học sinh tử vong ở trường quốc tế. Tôi nhớ cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của tôi, mắng mỏ, đe nẹt, để lũ học sinh đang vào tuổi mơ mộng không được xao nhãng học hành. Tôi nhớ cả thầy giáo dạy toán cấp 2 của tôi, nói gì cũng thêm từ ạ, “Các anh các chị không chịu học hành thì về sau ăn cám ạ”.
Cám ơn thầy cô, cám ơn mái trường nghèo mùa đông lạnh mùa hè nóng, cây cối trụi không mọc nổi vì trẻ con nghịch quá (trừ những cây đã mọc sẵn).
Ở đâu đó vẫn phải còn chứ, những ông giáo bà giáo khắc khổ mô phạm nhưng hiền từ tận tâm với trẻ, ở những mái trường xoàng xĩnh nhưng giờ ra chơi vẫn rộn rã tiếng cười, để lũ trẻ 30 năm sau vẫn muốn về thăm...

PS: Con tôi đi học bao năm rồi, tôi có thể tự tin mà nói rằng quan trọng nhất là người thầy. Năm nào được vào lớp có thầy giỏi là biết ngay. Gặp thầy giỏi giang, tận tâm, có trách nhiệm, thì có học trường làng cũng nên người. Phòng ốc có sáng choang, đủ thứ trang thiết bị hoành tráng, thì cũng chỉ được cái vỏ thôi. Quan trọng thứ hai là gia đình. Quan trọng thứ ba là bạn. Bạn bè với những đứa trẻ chăm ngoan giản dị hiếu học, chắc chắn sẽ khiến con mình học được nhiều điều có ích. Cơ sở vật chất kém tí có sao. Trẻ con kiểu gì chả vui. Vui là một đặc ân của tuổi trẻ. Chỉ là người lớn cứ mang những cố chấp của mình mà sợ thay cho trẻ con, cứ dốc sức mua cho trẻ con một cái vỏ…
Xã hội trọng hình thức quá, thế nên những thứ có nội dung nhưng hơi thiếu hình thức dường như càng ngày càng không có chỗ đứng. 

Thursday, August 22, 2019

Tạm biệt mùa hè

Mái tóc Loan sư tử này thật lợi hại. Nó làm mình trông nam tính suốt cả mùa hè. Mình thề mình không hiểu làm sao một thời nó có thể là mốt được? Tóc gì mà phần trên thì phồng ra, phần dưới ngang với cổ lại lượn vào, do vậy ẹp vào cổ, còn đuôi thì lót tha lót thót? Mình nhớ hồi kiểu tóc này là mốt, đứa nào ăn chơi đầu gấu lắm mới cắt kiểu này. Mình thấy đứa nào cắt kiểu này trông cứ ngông nghênh khinh khỉnh anh chị thế nào, đâm ra cứ sờ sợ, gặp là lảng. Ai dè mấy chục năm sau gặp thằng Ấn độ oan gia ngõ hẹp. Thế là giờ sáng nào mình cũng phải đối diện mình trước gương, chả lảng đi đâu được.
Suốt mùa hè, mình chả dám để xõa tóc mà toàn phải buộc túm vào. Để xõa ra, gió một cái, mình chỉ giữ được phần đuôi tóc, còn phần chỏm tóc bay bốn phương tám hướng nhìn không ra thể thống gì. Muốn giữ tử tế là cứ phải giữ bằng cả hai tay.
Vậy là dăm lần ra biển, dăm lần lên núi, dăm lần đặt chân đến những thành phố lạ, dăm lần ngồi nhìn hoàng hôn, mùa hè đã qua.
Từ mùa hè châu Âu, người đàn bà trung niên quay trở về mùa đông châu Phi. Quả cũng có tí buồn. Buồn thì cũng phải đứng lên ngay. Ông lúc nào cũng anh yêu vợ lắm anh nhớ vợ nhiều, mà vợ về tủ lạnh 3 cái thì rỗng không từ trên xuống dưới cả 3 cái, mà nhà 7 miệng ăn. Thấy ông bảo với hai đứa khách “Vợ tao về rồi, từ giờ chúng ta sẽ ăn ngon hơn”. Mấy tuần nay ba nhân vật chẳng lấy gì làm bận bịu ấy đã cầm cự đợi tui về.
Đi 6 siêu thị và cửa hàng mới gom đủ đồ ăn. Ở châu Phi nó thế, mỗi nơi chỉ có một vài thứ mình cần. Nhiều khi chả có hàng thì đến rồi lại về tay không. Ngồi trên xe tắc đường mấy tiếng, người lúc nhúc, ăn xin đập cửa, xe cộ hỗn loạn xả khói đen kịt, siêu thị nghèo nàn, điện thoại một đống email tin nhắn phải giải quyết, có một lúc mình lên một cơn buồn nôn muốn nôn thốc nôn tháo vì stress và chán tột độ.
Nhưng lại hít thở dặn lòng phải kiên nhẫn. Điều gì rồi cũng sẽ qua. Qua chậm cũng được. Qua nhanh già nhanh báu giề.
Buổi sáng thức dậy. Ngày u ám. Gió thổi. Sân gạch vẫn còn ướt mưa đêm. Vườn xanh lao xao. Đàn gà mới có thêm hai con gà con bé xíu xiu. Chỉ tội con mèo Fufu. Lúc mình đi cái đít nó béo múp bóp không thấy xương mà lúc mình về cái đít gầy tom xương nhô cả ra.
Nhờ có Fufu mà lũ Lê La Na đành nhăn nhó ăn cá. Vì mẹ chúng bảo ngày nào mình ăn cá thì Fufu cũng được ăn ngon. Nhưng sau vài lần thì thần chú có vẻ hết tác dụng, vì chúng nó bảo không có cá thì mamma cho Fufu ăn thịt, hoặc mua đồ ăn cho mèo bán ở siêu thị. Chúng mài đùa à, một túi đồ ăn như thế hết gần 20euro, mà sức của Fufu và Simba thì chỉ vài ngày là lẻm hết, tiền đâu. Con Na bảo “Cần tiền thì mamma ra máy ATM mà rút”. Quan niệm đơn giản thế mới hay chứ giời ơi.

Ảnh: đợi hoàng hôn trên hiên nhà.
Mùa hè bâng khuâng hoài,
 để tim xốn xang hoài,
và lòng ta vẫn như đang chờ bóng ai…
Vĩnh biệt mùa hè
Mùa hè còn ấm môi hôn ai khi đêm về….

Thursday, August 15, 2019

Già đi một cách duyên dáng


Có lần, cách đây mấy năm, đang đi nghỉ hè ở cái nhà ngoài biển, mình và ngài thức dậy sớm để đi dạo. Đang đi thì mình nhìn thấy một ông già đang bị kẹt đầu trong thùng rác. Ông ý mang thùng rác trong nhà ra định đổ vào thùng rác công cộng. Khốn nỗi thùng rác công cộng to và có cái nắp quá nặng nên ông già cùng thùng rác bé của ông ý kẹt luôn, tiến không được, lùi không xong. Mình thấy thế thì chạy đến sau lưng nâng cái nắp thùng rác lên cao. Ông già trút được rác xong, lẫm chẫm xách cái thùng không đi thẳng, thậm chí còn không biết có mình đứng đấy. Ngài lúc đó cũng kịp tiến đến bên vợ, cười cười bảo “Em có biết em vừa giúp ai không, một trong những người giàu nhất nước Ý đấy”. Người giàu nhất nước Ý sáng thức dậy sớm đi đổ rác, còn những người nghèo nhất nước Ý thì có lẽ vẫn đang ngủ và thức dậy một cái là than thân trách phận chửi chính quyền.
Mình có bà bạn người Mỹ. Hồi học chung nhóm với bọn mình bà ý đã gần 70 tuổi. Tuy bà ý học chậm và nhiều lúc già yếu mệt nên ngồi quay lơ ra ngó lên trần nhà làm cả nhóm phải đợi, nhưng mình vẫn nể. Mình mà gần 70 tuổi thì cũng chỉ mong vẫn còn tinh thần háo hức học hỏi được như thế. Những người như vậy, đầu óc họ không có chỗ cho sự buồn chán, thậm chí những ý nghĩ nhỏ nhoi tiêu cực cũng không có.
Thỉnh thoảng mình lại có dịp gặp hoặc quen những cặp vợ chồng già giờ rảnh rỗi thì dắt tay nhau đi du lịch, khám phá thế giới cùng nhau, làm cùng nhau những điều hồi trẻ nhiều thứ vướng bận không thể làm. Già kiểu đấy thì thích hơn những kiểu già khác.
Hôm mới đến thi thử để xếp lớp theo trình độ, mình gặp một chị người Pháp. 64 tuổi, tranh thủ hè đi học một khóa tiếng Ý hai tuần. Ngày cuối cùng, đang trên đường đến lớp thì mình thấy chị ý, cũng đang trên đường đến lớp, đi trong phố nắm tay một anh. Chắc vợ học xong thì chồng cũng từ Pháp bay qua để hai vợ chồng đi nghỉ hè với nhau.
Hôm nọ mình mang ông con trai đi khám mắt định kỳ. Đang ngồi ở phòng đợi thì một cụ ông từ phòng khám đi ra. Cụ ông nhìn phải ngoài 90, gầy lỏng lẻo, nước da trắng bợt của người già di chuyển kém nên chỉ ở trong nhà. Cụ ông di chuyển kém thật, chống gậy nhích từng bước, mỗi bước chỉ được khoảng chục centimeter theo đúng nghĩa đen, nhưng con cái xúm quanh định giúp cụ đều gạt ra để tự đi. Mình cười chào cụ và cụ cũng chào lại. Một lúc lâu sau, cụ vào tái khám xong đi về, trên đường ra phía cửa lại rẽ sang chỗ mình đang ngồi. Rẽ sang vài bước với người khỏe mạnh là việc chả có gì, nhưng với người phải nhích từng bước một thì không hề đơn giản. Thấy cụ chống gậy đến gần, mình ngẩng lên. Cụ hỏi “Cô người nước nào?”. Bảo “Cháu là người VN”. Cụ lại hỏi “Bọn trẻ là con cô à, sao tôi thấy chúng nó không giống cô?”. Bảo chúng nó lai Việt Ý cụ ạ. Mối băn khoăn của cụ có vẻ được giải tỏa, cụ cười xòe ra bảo “Cô đẹp lắm” rồi mới chống gậy quay đi. Đi mãi mới ra đến cửa. 

Mình thích những người già như vậy, tuổi tác bao nhiêu cũng không bao giờ khiến họ hết tò mò về thế giới. Chỉ sợ nhất những người thiếu sự khiêm tốn hoặc thiếu khát vọng, ngoài 20 thành tựu một tí đã tưởng thiên hạ trong tay mình hết; ngoài 30 đã thấy đời hết vị; ngoài 40 đời tròn trịa hay không cũng chẳng còn thời gian để làm việc gì khác, chỉ còn chờ chết.

PS: Thỉnh thoảng, đi đây đó, gặp những cụ ông cụ bà già lụ khụ khoác tay hoặc nắm tay nhau đi dạo, đang vội mấy cũng dừng lại mỉm cười. Cái nắm tay tuổi già là biết bao giông bão tuổi trẻ. Không yêu nhau lắm, không biết dẹp bỏ cái tôi, không bỏ rất nhiều công sức, thì chẳng có được sự nương tựa trìu mến ấy.



Tuesday, August 6, 2019

Chàng và nàng


Chàng cao lớn, đẹp trai, vô cùng sát gái. Nàng dong dỏng, xinh đẹp, ngoan ngoãn. Chàng hơn nàng trên chục tuổi nhưng cả hai nhìn rất đẹp đôi. Bạn bè ai cũng quý nàng vì nàng ân cần dễ mến, và cả thương nàng nữa vì chàng nhiều lúc đối xử với nàng chả ra sao.
Chàng lông bông mãi không chịu cưới, cũng không bảo nàng về sống chung. Chàng yêu nàng nhưng cho rằng nàng không xứng với chàng. Nàng học hành bình thường, chẳng có nghề nghiệp danh giá như chàng. Nàng lại là con nhà nghèo, dân nhập cư, lại nhập cư từ một nước dân Ý vốn rất có định kiến.
Nàng chờ mãi, chờ qua hết cả tuổi 20 mà lần nào thúc giục chàng cũng ậm ờ. Qua tuổi 30, nàng nhất quyết không chờ nữa. Nàng muốn lấy chồng, có con. Thế là nàng bỏ chàng.
Nàng sụt 7kg, gặp mình mặt mũi thất thần. Còn chàng, vốn tự phụ vì xưa nay chỉ biết bỏ gái chứ chả có chuyện bị gái bỏ, giờ phải xuống nước gọi điện mời nàng đi uống nước nói chuyện. Nàng nghe thế thì như chết đuối vớ được cọc chạy đến ngay, tưởng trước viễn cảnh mất nàng thì chàng đã quyết được. Ai dè vẫn màn ngập ngừng ậm ờ không muốn bỏ nhưng cũng không chịu cưới. Nàng bỏ đi hẳn, hận chàng thấu tim gan. 9 năm tuổi trẻ của nàng.
Chỉ mấy tháng sau khi bỏ chàng, nàng gặp bạch mã hoàng tử của đời nàng, cao to đẹp trai, cưới nàng và mang nàng sang xứ thiên đường lập tức.
Còn chàng, vài năm sau chàng cũng gặp được một người đúng như ý chàng muốn. Cô ấy không đẹp bằng nàng nhưng ăn diện và biết cách chăm chút bản thân nên hình thức cũng không thua gì chàng, gia đình gốc Ý chính hiệu, và quan trọng nhất là nghề nghiệp cô ấy còn danh giá hơn cả chàng. Chàng hãnh diện khoe sự học hành giỏi giang đỗ đạt của người yêu cho tất cả bạn bè.
Mỗi tội bạn bè chàng chả ai thích cô ấy và cô ấy cũng chả có nhu cầu được thích. Cô ấy kênh kiệu và chẳng buồn giấu diếm cái sự không hứng thú với bạn bè của chàng. Cô ấy cũng không hiền hậu chịu đựng như nàng.
Hồi mới quen cô ấy, chàng vẫn quen thói à ơi các em khác. Giữa bãi biển Dubai, chàng bị một trận mắng xối xả, ngồi mặt sưng vù không dám cãi lại mà chỉ dám nhịp nhịp bàn chân tỏ thái độ. May cô ấy chỉ mắng chứ không động thủ. Xứ đạo Hồi, phụ nữ dám to tiếng với đàn ông giữa chốn công cộng là cảnh sát đã kéo đến rồi, lại còn động thủ nữa thì lại khổ chồng mình phải tìm cách cứu cô ấy ra khỏi nhà tù.
Một tối, có vẻ sau khi vừa ăn vài bạt tai, chàng đã cay đắng thừa nhận “3 năm trước tao đã mắc một lỗi lầm khủng khiếp không bao giờ có thể sửa được nữa”. 3 năm trước là khi chàng và nàng chia tay.
Rồi chàng và cô ấy cưới nhau, bất kể việc cô ấy ghê gớm dữ dằn cho chàng lên bờ xuống ruộng, bất kể việc họ cãi nhau như cơm bữa, bất kể việc cô ấy cho chàng ăn bạt tai…

Mấy hôm trước tình cờ nhìn thấy cô ấy trong phố. Giữa dòng người vội vã đến chỗ làm buổi sáng, cô ấy mặc một chiếc váy đỏ cam, đi lừ lừ như tàu điện. Đi ngang mình mặt lạnh tưng như không quen. Chắc không nhớ mặt mình dù đã từng ở nhà mình cả chục ngày ở Dubai. Tự dưng nhớ đến nàng. Từ hồi lấy chồng nàng mất tích trên giang hồ, gần chục năm nay không thấy liên lạc nữa. Chắc là nàng hạnh phúc.

Đời cứ thế thôi.
Chẳng ai có lỗi.
Tất cả chúng ta rồi đều phải lớn.
Chỉ là lớn vào những thời điểm không còn ý nghĩa với nhau nữa mà thôi.

Thursday, August 1, 2019

Những kẻ ngốc

Hồi lâu lâu mình cần dọn nhà, chồng mình chả biết nghe ai xúi dại gọi một “công ty dọn nhà” đến. Nghe “công ty”, lại còn đòi 1000e tiền công, thì tưởng lúc đến phải mang máy móc chuyên dụng hoành tráng thế nào, ai ngờ hóa ra một bậu xậu dắt díu nhau đến, chả mang gì ngoài một cái máy hút bụi cọc cạch, chổi cùn, xẻng rách. Không biết nghĩ sao mà dám đòi 1000e.

Lại có một số vị khác, đến làm có hơn 3 tiếng, làm từ tận đầu giờ sáng, mà đến tối mình gọi hỏi vẫn kêu mệt quá mệt lắm. Mình cứ tưởng làm việc từ sáng tới tối quần quật kêu mệt quá mới có lý, chứ ai lại có hơn 3 tiếng làm từ đời nảo đời nào mà đến tối vẫn kêu ối giời ơi mệt quá. Thế hóa ra hàng ngày toàn thất nghiệp nằm chơi hôm nay phải vận động một tí là nhức mỏi kêu rên rầm rĩ. Càng kêu người ta càng thấy mình kém.

Lại có những người, bình thường thất nghiệp vêu mồm, thế mà có việc một cái tức thì thái độ thành chảnh chọe ngay lập tức, thậm chí còn ra giá ngược lại cho chủ. Chủ họ trót dính vào rồi nên họ phải cố chịu đựng nốt cho xong việc. Nhưng chỉ một mùa thôi, mùa sau lại thất nghiệp đâu vào đấy.

Mình quen mấy người, thuê họ đến lau nhà một lần rồi không dám thuê lần thứ hai. Lau nhà thì dùng cái chổi bẩn ngoáy ngoáy đẩy đẩy qua quýt lấy lệ, nước không chịu thay, nhìn là biết chỉ có bôi chứ lau gì. Đến nơi, đi loanh quanh đủng đỉnh mãi mới tìm đủ dụng cụ để bắt tay vào làm việc. Chưa hết giờ làm đã ngồi bấm điện thoại mải miết. Còn giữa giờ thì dắt tay nhau đi thong thả ra vườn, nửa tiếng sau mới thấy quay lại, chắc đi dạo. Thế mà thời gian thì kêu thiếu, bảo mình phải tăng thêm giờ mới làm hết việc được. Chả nhẽ mình lại nói thẳng tôi nhìn thấy hết qua camera, thôi mời cô cậu đi xin việc chỗ khác.

Có người, ở ngay đấy, mà bảo làm mỗi một việc mãi chả làm, lần nào mình nhắc thấy mặt mũi giọng điệu cũng ngần ngần ngại ngại. Đến lúc mình chán, gọi hẳn người từ nơi khác đến, thì lại vùng vằng tự ái gây khó dễ cho người mới đến. Thái độ rất kiểu trai làng gái bản.

Có người đến làm ở nhà người khác, chẳng chuyên tâm công việc mà chỉ chăm chăm học mánh khóe để tăng chơi giảm làm, chưa kể còn hay nhòm túi tiền chủ xem có giàu không, có hào phóng không, và đi làm công mà mồm bình phẩm tự nhiên cứ như ở nhà mình. Đừng hỏi tại sao chỉ vài tháng là chủ nó kiếm cớ đuổi khéo.

Những người như thế mình gọi là những kẻ ngốc. Trên đời này, tiếc thay, những kẻ ngốc lại rất nhiều. Đặc điểm chung của những kẻ ngốc là lúc nào cũng muốn một đập ăn quan. Không chịu tu dưỡng, không chịu bỏ công gây dựng lòng tin ở người khác trước, mà chỉ muốn vặt ngay ăn ngay.

Có một công ty chuyên dọn nhà, mình cứ đặt lịch với họ cả vài tháng một lúc, nói một lần và không cần nói lại lần thứ hai, họ làm đâu ra đấy. Họ mang theo các thể loại máy chuyên dụng, đến một cái là lao vào làm chân tay thoăn thoắt. Hôm nào nhà bẩn hơn bừa hơn, họ chỉ khiêm tốn xin thêm có nửa tiếng. Trong khi có những bậu xậu lèo nhèo khai thêm bắt mình trả thêm 3, 4 tiếng, thậm chí cả 6, 7 tiếng mặt cứ tỉnh như ruồi. Chị quản lý công ty này rất quý mình, thỉnh thoảng mình cần làm thêm việc gì đấy là đặc cách làm luôn. Nói “đặc cách” vì chị ý bận cực kỳ chứ có phải ngồi hễu ra đợi việc giống những kẻ ngốc đâu. Có lần chị ý bị cảm, cô nhân viên tự ý chạy ra ngoài vườn hái quả chanh vào cho chị ý uống. Chị ý hớt hải gọi điện xin lỗi mình mãi. Xin lỗi chưa đủ, chị ý còn không chịu lấy tiền công ngày hôm đó mặc dù mình nói đi nói lại mãi rằng không sao hết, chanh của mình chị ý không hái thì cũng tự rụng xuống đất bỏ đi chứ ai dùng đâu. Những người như chị ý, việc làm cả năm không hết, khách hàng xếp hàng đợi, mà có khi còn vừa phải làm việc của mình vừa phải chống trả những kẻ ngốc trâu buộc ghét trâu ăn.
Người giỏi, càng nhiều việc càng cọ xát càng giỏi. Người ngốc, toàn ngồi chơi chả có việc, đã ngốc lại càng ngốc hơn. Đời cuối cùng ai cũng vào đúng vị trí của mình hết.