Thursday, December 3, 2009

Ha noi Ha noi

 
Than ôi thời oanh niệt nay còn đâu
Ngày xưa đàn bà thì thường hỏi em có tập thể dục ko mà người em đẹp thế, em có đánh phấn ko mà da em mịn thế, em dưỡng tóc thế nào mà tóc em đẹp thế. Đàn ông thì bảo “trông em như một chiếc đồng hồ cát”, “ da và tóc em như lụa”. Có anh còn bảo “ở nước anh người ta sẽ gọi em là một cây đàn mandolin”, ý là ngực gọn, eo cực nhỏ và mông rất tròn.
Ngày xưa, kiêu nổi tiếng đấy. Giai tuyệt nhiên ko làm quen được ở những chỗ ăn chơi nhảy múa, chỉ hay làm quen được nhất ở chỗ làm. Thường là lễ tân hay chuyển cho những cú điện thoại giời ơi, thường gặp nhất là hôm trước gặp ở đâu đó hôm sau dò ra được cơ quan mình. Đen cái ở cơ quan có em cùng tên. Sau một thời gian thì em ấy sang văn phòng mình kêu loạn lên vì thỉnh thoảng lại phải tiếp điện thoại nhầm. Ngoài ra anh thì lấy cớ muốn gặp sếp nên cần nói chuyện với mình trước, anh thì cho lái xe mang hoa mang thiệp đến, hoặc là các cô thư ký gọi điện “chị ơi sếp em muốn làm quen với chị anh ấy cứ bắt em gọi điện xin số điện thoại di động của chị chị giúp em với”, anh thì khổ sở lúng búng “anh rất muốn hai công ty gần gũi nhau hơn mà ko biết phải làm sao”. Đi ngoài đường giai theo làm quen đến tận chỗ làm thì là chuyện xảy ra hàng ngày.
Thế mà giờ trông mình dị mọ. Tóc xơ và quăn queo, da khô nhăn nheo, mắt chân chim, môi khô héo, mặt ngày xưa đĩa tây cũng phải nể mà giờ thành hình tam giác là sao là sao. Lại còn thêm khoản mụn, không quen có mụn nên cứ có một cái là sờ mó thật lực, mụn lại càng rõ mồn một. Mặt mũi đầu tóc đã thế, thân hình còn tệ hơn. Ngực lép, mông phẳng lỳ ngồi xuống cái ghế cứng cứng là đau ê ẩm, vai xương xẩu, mặc quần pijama đi lại trong nhà thấy quần bay phần phật.
Ngày xưa, chồng chen bở hơi tai mới xin được lịch hẹn với mình. Thế mà bây giờ mình nịnh chồng một cây luôn, ăn uống phục dịch hầu hạ, chạy lăng xa lăng xăng như con thoi. Thế mà còn bị chồng chê “sao gầy thế, phải ăn vào”. Lộn ruột, cứ cẩn thận đấy.
Không có gì làm tinh thần mình xuống dốc như khi nhìn vào gương thấy phong độ của mình giảm sút ko thể cứu vãn.
Các bạn gái trẻ đừng thấy những quần áo xịn, giày xịn, điện thoại xịn, túi xịn, kính xịn của những chị già mà ước ao. Rồi sẽ đến lúc các bạn đủ tiềm lực kinh tế để khoác lên người những thứ đó. Chưa kể đó cũng chỉ là những vật ngoài thân, có thì tốt, chả có thì cũng thôi. Còn những thứ mà các chị ấy có ao ước cách mấy cũng ko bao giờ có lại được, là bộ ngực cao, hông tròn, mông cao, eo thon, chân thon, tóc mượt, da mềm của tuổi 20. À quên, khi còn trẻ, còn hấp dẫn, seek and destroy, chớ có ngoan ngoãn thủy chung làm gì cho thiệt. Every dog has his day. Còn là thời hoàng kim của mình thì nên tận dụng, để đến khi hết thời đến lượt thằng kia lên mình đỡ ấm ức.
Cũng may hồi đó đến phút cuối mình lại quyết định ko ở lại trường làm cô giáo nữa, chứ ko thì tính đến giờ ko biết đã làm hỏng bao nhiêu thế hệ phụ nữ VN.

Wednesday, December 2, 2009

Buôn chuyện

Anh Obama mặt hơi quắt nhưng được cái thân hình dong dỏng khá đẹp. Đàn ông Phi thân hình chúng nó đẹp thế là chuyện thường. Đi ngoài đường thấy đàn ông Phi thằng nào mà ko béo phì thì ngực và cánh tay cuồn cuộn, mông cao, bụng sáu múi, chân săn, bước đi vững chãi, nói theo ngôn ngữ của bà Nuôi là “nhìn đã con mắt”.

Thế nên việc anh Obama dáng cao thẳng dong dỏng chả có gì đáng nói. Cái đáng nói nhất là cách ăn mặc của anh ấy. Theo mình đàn ông da đen chỉ có cách ăn mặc đó là đẹp nhất, tức là tóc crop thật ngắn để ko còn nhìn thấy xoăn, sơ mi trắng và quần Âu giản dị, giày xịn, và ko khuyên tai khuyên mũi khuyên môi hay bất kỳ hình thức trang sức nào ngoài một chiếc đồng hồ xịn. Chứ đẹp trai cách mấy mà tóc lại cứ xoăn tít thò lò hoặc dựng đứng lên như vừa cho tay vào ổ điện 300V thì kể ra trông cũng hơi “tông dật” một tẹo. Mà lại còn thêm khuyên nọ khuyên kia cộng thêm cái mũ lưỡi trai (đội lệch) thì thôi đúng là thời trang nhọ nồi ko chạy đi đâu được.

Nhưng entry này muốn bàn về chị Obama kia. Chị Obama đã to như con tịnh mà lại toàn chơi các tông màu sáng. Theo mình chị ấy ưa nhất màu vàng chanh vì thấy chị ấy diện màu này hai lần rồi. Hai bộ váy vàng chanh kim tuyến lóng lánh làm chị ấy to gấp đôi anh chồng, thậm chí còn làm chị ấy trông hoành tráng bệ vệ hơn là khi mặc màu trắng.

Chị Obama cũng hay được báo chí bình luận vụ ăn mặc. Chị ấy thích mặc đồ của những nhà tạo mẫu ít được biết tới hơn là những tên tuổi toàn cầu của Pháp, của Ý. Mới thì mới thật, hiếm thì quả là cũng hiếm, nhưng mà đẹp thì chả đẹp. Thỉnh thoảng lắm mới có bộ đèm đẹp thì chị ấy lại tương ngay một món trang sức hỏng điểm. Thấy trong số những đệ nhất phu nhân báo chí hay nhắc tới có chị Bruni ăn vận thật ko chê vào đâu được. Cũng là nhờ vóc dáng người mẫu dễ bận đồ, nhưng mà ko thể phủ nhận gu thẩm mỹ của vị cố vấn trang phục và bản thân chị ấy. Mỗi tội chị Bruni kiểu cách quá làm cho người ta thấy chị ấy nỗ lực kinh hồn trong việc chỉnh đốn kiểu đi đứng ngồi chào cho ra dáng một phu nhưn chứ ko phải là một cô siêu mẫu đàng điếm.

Mình mà là chị Obama, việc đầu tiên là mình sẽ nhịn ăn để giảm khoảng 15kg. Sau đó mình sẽ gọi những tên tuổi lừng danh nhất trong làng thời trang đến cố vấn cho mình, đảm bảo chị Bruni khóc thét. Chị Obama càng đẹp đi cạnh anh chồng đẹp trai thì càng nổi, chứ chị Bruni càng đẹp thì anh chồng đứng cạnh trông càng buồn đời.
Lại buôn ngoài lề tí nữa, tại lễ trao giải Oscar hay gì gì đó năm rồi mà mình quên tên, chị Jolie xinh đẹp là thế lại bị ai tối kiến cho đeo một bộ ngọc xanh lủng la lủng lẳng ở tai ở cổ viên nào viên nấy to như ngón chân cái, trông chị ấy đeo nó gắng gượng chả ra làm sao. Mình ko nhớ có ai nói với mình là chiên gia phục trang trước lễ trao giải phải lục tung cả NYC lên để tìm một bộ trang sức độc cho chị ấy, những nhà kim hoàn lừng danh nhất NYC chả ai đáp ứng nổi, ko biết bộ trứng vịt xanh kia là của nhà nào. Nếu mình ko nhầm thì là của một nhà kim hoàn nhỏ nằm trên đường Lexington chứ ko phải một trong các đại gia trang sức trên đường số 5 và Madison, vì một lần đi qua thấy họ hãnh diện trưng ảnh chị Jolie với cái bộ trang sức kia. Còn chuỗi kim cương quanh cổ chị Penelope Cruz, đẹp mỹ miều, kiểu giống hệt chuỗi kim cương mình thèm thuồng ở Tiffany, nhưng chuỗi mình thèm nó nhỏ hơn nhiều. Nhưng ấn tượng nhất là chị Natalie Portman vóc dáng mảnh mai với bộ váy màu hồng cánh sen và phấn má cùng tông màu, vừa xinh đẹp bay bổng, vừa nhẹ nhàng tự nhiên, lúc thấy chị ấy bước ra sân khấu mình ngẩn hết cả người mãi ko nhớ ra nổi tên, công nhận xinh thật là xinh.

Tuesday, December 1, 2009

Ra ngõ gặp freak!!!

Hôm nay mình đưa Lila đi học. Lúc đi dọc hành lang đã nhận thấy có thằng nhìn nhìn và đi theo, trông ăn mặc cũng đàng hoàng, mặt mũi trẻ trung điển trai. Lúc đỗ xe đẩy ở bên ngoài thấy nó loanh quanh đảo đi đảo lại gần đó. Mình dẫn con đi vào nhà trẻ, cũng ko cảnh giác vì nghĩ là ở trong Bộ, ai ra vào đều phải có thẻ đàng hoàng và kiểm soát rất chặt chẽ. Đang lên cầu thang tự nhiên thấy nó đã theo sát ngay sau, chỉ chỉ vào chân mình bảo “giày của chị, giày của chị”. Mình ngẩn ra chả hiểu gì, trong một giây quê độ vì tưởng nó bảo mình dẫm phải mìn mình dừng lại ngó nghiêng nhìn giày của mình và bảo “có chuyện gì thế?”. Nó lại chỉ chỉ điệu bộ vô cùng khẩn thiết “bên trong giày”. Mình hoảng quá tưởng cái gì quý giá của nó rơi vào trong giày của mình, mới hoang mang mất cảnh giác nhấc bàn chân cô Cám ra khỏi giày ngó ngó. Chỉ chờ có thế nó ngồi bẹt ngay xuống cầu thang vồ luôn lấy bàn chân bàn cuốc đi stocking đen đang nhảy lò cò của mình, vuốt ve, bộ dạng vô cùng âu yếm đờ đẫn. Điên hết cả người. Lại nhớ trong Sex and the City cô Charlotte được một anh toàn offer giày miễn phí miễn là anh ấy được mân mê chân giúp cô ấy thử giày. Miễn phí kiểu đấy thì có mà vái cả nón. Trên đời có lắm sở thích kỳ quặc. So với những sở thích kỳ quặc có phần bệnh hoạn kia, thì việc con bạn mình ngày xưa thích nhất là dí mặt vào vào ngửi khói bếp dầu lúc vừa tắt bếp khói còn mù mịt, ho sặc sụa lên rồi nhưng nhất quyết ko chịu rút cái mặt ra, còn mình chỉ thích ăn đầu và chân tôm đến rát hết cả lưỡi chứ ko ăn phần nạc, kể ra cũng chưa gọi là freak lắm.
Mà sao thấy bọn tây freak nhiều, chứ dân ta có thấy ai freak đâu nhỉ. Ví dụ, đảm bảo ở nhà chả có anh nào lại chỉ thích mân mê bàn chân phụ nữ dư cái thằng lày. Cũng may cho mình các anh người yêu ngày xưa chả anh nào freak kiểu này, chứ ko thì mình mặc cảm chết vì bàn tay bàn chân của mình trông hơi giống xác ướp Ai cập một tí. Ấy thế mà chị giúp việc ngày xưa thường ngắm nghía bàn tay mình và bảo “sao mà chị thích bàn tay em thế, trông gầy guộc mỏng manh chỉ muốn che chở”, làm mình phải gạt phắt đi một cách khiêm tốn nhưng lúc ngồi một mình thú thật là lại phải giơ bàn tay mình lên ngắm nghía xem nó gầy guộc mong manh dư lào mà làm chị ấy cứ nhìn thấy lại rung động mãnh liệt như vậy.
Bonus: mỗi khi mình mân mê bàn chân trắng tinh có những móng chân nhỏ tí màu hồng ngón chân tòe tòe và cổ chân toàn ngấn của Lila, mình sẽ hỏi “bàn chân pé nõn nà như thế nào?”, và Lila sẽ trả lời “như nải chúi”. Là bé học được của bà Nuôi suốt ngày ôm chân bé hôn hít “sao mà cái bàn chân nó nõn nà như nải chúi dzậy cà”.

Thursday, October 8, 2009

Lesser of the two evils?

Chàng kể ở câu lạc bộ của bộ ngoại giao, quầy Bar, có một cô gái trẻ tóc đen, cực kỳ xinh đẹp, mỗi tội lúc cô ấy mở mồm ra thì thô lỗ ko thể chịu nổi.
Ở New York hôm nào ra đường ăn mặc giản dị thì y như rằng hôm đó con số các anh làm quen xin số điện thoại đông đảo hẳn lên. Còn hôm nào mặc thật soành điệu thì con số giảm chỉ còn một nửa, và nửa này thường ko ngần ngại đưa danh thiếp. Nhìn qua danh thiếp toàn thấy mèng ra cũng phải luật sư, bác sĩ, quản lý, hơn nữa thì chairman, president, CEO các loại. Lý do là vì đàn ông New York rất thực tế, họ ko phí thời gian vào những việc vô bổ. Ví dụ, nếu họ có công việc với mức thu nhập thấp thì chả bao giờ họ phí thời gian cưa cẩm một em mà nhìn thì cũng đoán được để mời em đó đi ăn tối một buổi thì phải tiêu cả tuần lương. Chưa kể, nếu xin được số điện thoại nhưng thái độ em chả mặn mà thì họ cũng thôi luôn khỏi gọi. Một lần, mình ăn mặc lãng nhách dáng điệu vô cùng lững thững dép xỏ ngón loẹt quẹt trên đại lộ 5 lúc 11h sáng, thấy một ông cứ nhìn nhìn, lẽo đẽo theo mình mấy block mới tiến lại gần làm quen nói chuyện. Thấy ông ấy trông già già đáng kính nên mình cũng ừ hữ đáp lời. Ông ấy hỏi ra vẻ rất khiêu khích chơi chữ “so you are working hard or hardly working?”. Mình bảo “this time of the day, dressing like this, you can get the answer for yourself”.  Cứ quẳng qua quẳng lại vài câu như thế, cuối cùng thấy ông ấy rút danh thiếp ra giới thiệu tôi là chủ tịch tập đoàn khách sạn boutique quốc tế, mình bảo “oh, interesting” rồi định cầm danh thiếp đi thẳng. Ông ấy ới lại “cô cho tôi số điện thoại của cô được ko”. Trót cầm danh thiếp của người ta rồi nên đành đưa số của mình. Ông ấy hỏi “tôi có thể mời cô đi ăn trưa hoặc ăn tối được ko”, mình mặt lạnh như tiền “maybe”. Chả thấy ông ấy gọi. Đàn ông NY, nhất những thằng thuộc giới thu nhập thượng lưu, thò chân ra thì cả tá các em trẻ đẹp, nên hờ hững thì chúng nó tuyệt đối ko thèm. Tương tự, đi ăn đi uống một buổi mà ngay sau đó ko có happy ending, tức là lên giường, thì thôi cũng chả thèm. Gọi điện thoại để lại voice message ko thấy gái gọi lại, chả thèm. Ngỏ ý muốn gặp lại, gái nhún vai thay vì mắt sáng bừng “oh yes I look forward to that”, chả thèm nốt.
Hiện tượng “chả thèm” này đặc biệt phổ biến trong Manhattan nơi nhịp độ cuộc sống gấp gáp, cạnh tranh và áp lực công việc cao, phụ nữ thì lại nhiều, lại sexy, lại dạn dĩ. Nói chung đàn ông ko cần cố gắng. Vả lại, cứ lẽo đẽo theo nài nỉ có khi còn bị gái kiện cái tội quấy rối. Gì chứ cứ vác đơn đi kiện vu vơ ở Mỹ có khi lại ra được khối tiền.
Đàn ông Ý thì khác, luôn cưa gái với một tinh thần quyết sống mái một phen. Điều đó có nghĩa là dù gái có ăn mặc xuyềnh xoàng như giúp việc hay soành điệu nhìn là biết đụng vào là tốn kém thì đàn ông Ý vẫn chả mảy may run sợ. Từ chối, xua đuổi, giả điếc, nhăn mặt khó chịu, tất cả đều ko làm đàn ông Ý chùn bước.  Chiều hôm kia, đang đi bộ từ bến xe bus về nhà, 7h trời đã tối, có thằng cứ lẽo đẽo rê chân xe máy theo hỏi “cô là ca sĩ à, cô tên là gì, cô ở đâu, cô lên đây tôi chở về nhà, nhìn này tôi có hai cái mũ bảo hiểm”. Phố thì vắng, chả đèn đóm gì, lại lắm cây nên càng tối hun hút. Đấy, những lúc này thì chỉ mong chả có cái cây nào.
Về nhà bảo chồng, thế là chồng mới kể chuyện cái cô tóc đen xinh đẹp cực kỳ nhưng cứ mở mồm là thô lỗ ở trên, tranh thủ tự sướng một câu “đấy em cứ gặp những người như thế mới thấy anh đặc biệt đến mức nào”.
Kết luận số 1 : rồi chả mấy chốc các cậu sẽ thấy tớ thô như cái bô.  Chắc cũng phải thế, ko thô ko cân nổi mấy anh Ýgan dạ có thừa và mồm như tép nhảy này.
Kết luận số 2: vợ bảo “vâng, em công nhận là anh thì ko chủ động cưa gái, nhưng gái nào mà chủ động cưa anh, bất kể gái đẹp gái xấu gái đắt gái rẻ, thì anh đều đổ sóng xoài, thế thì cũng có khác gì nhau”. Chồng dỗi luôn.

Tuesday, October 6, 2009

Tuyển tập Bình Nguyên (68)



 

Hôm nọ tự nhiên chú Bình Nguyên đi học về ôm cổ mẹ thủ thỉ “mamma, lớn lên Lê sẽ có nhiều bạng gái”. Mẹ hỏi “ai dạy mày thế hả cái thằng Ý con này”, chú cười tủm tỉm nhưng nhất định ko chịu nói ai đã tiêm tư tưởng đó vào đầu chú. Thường là người lớn nói cái gì chú đang chơi gần đó sẽ nghe lỏm, ngẫm nghĩ trong đầu chú cho nhập tâm, rồi một lúc nào đó sẽ nói ra như con vẹt.
Dạo này những băn khoăn về chim bướm tí to tí nhỏ đã được chuyển thành con trai và con gái đàng hoàng. Cái gì mà em gái ko biết làm hoặc ko biết nói là chú giải thích rất kẻ cả “La nó là con gái nên nó ko biết”. Chiều qua thì chú vừa hỏi mẹ “mamma ơi, tại sao con gái lại nhỏ hơn con trai hả mamma?”. Chắc chú thấy mẹ chú và bà Nuôi thì nhỏ hơn bố chú, còn Lila thì nhỏ hơn chú. Mẹ chú đang mải nấu nướng ậm ừ “ờ thì con gái nhỏ hơn con trai chứ sao”, chú lại hỏi tiếp “nhưng mà tại shao lại thế hả mamma?”, mẹ chú chẹp chẹp “ờ thì trời sinh ra thế”, “tại shao trời lại shinh ra thế hả mamma?”, “Ai biết đâu được Lê cứ hỏi linh tinh, thế mamma hỏi Lê nhá, tại sao Lê có chim mà La lại ko có, chả trời sinh ra thế thì là cái giề”. Thế thì chú mới thôi.
Còn hôm nọ thì tự nhiên chú hỏi bố chú “papa, tại sao Lê lại sinh ra trước?”, bố chú tắc tị mới cầu cứu mẹ chú “em ơi, Ale đang hỏi tại sao nó lại sinh ra trước”. Mẹ chú cũng tịt, chẳng biết trả lời ra làm sao.
Tối nọ chú Bình Nguyên bảo mẹ “mamma shinh cho Lê hai đứa trẻ con nữa, một đứa con gái giống La, một đứa con trai giống Lê”. Mẹ chú bảo “quên Lê khẩn trương, thế để mamma thành con lợn sề à”, thế là lại được nghe một loạt câu hỏi “con lợn shề là con gì hả mamma?”, “tại shao mamma lại thành con lợn shề?” rồi một lúc sau chú nhảy vào ôm mẹ hôn chíu chít “mamma, Lê hôn mamma cho mamma biến thành con lợn luôn”
Ngoài ra thì chuyện ị đái của chú Bình Nguyên cũng thật là lắm giai thoại. Cứ vào ngồi trên toilet một cái là chú xua mọi người ra, chú bảo “bà Nuôi đi ra rồi đóng cửa lại cho Lê, thế thì cái kia nó mới ra được chứ”.
Một lần, chỉ vừa ngồi trên toilet đúng vài giây chú đã gọi ơi ới “Bà Nuôi ơi Lê xong rồi”. Bà Nuôi ngạc nhiên:
-          Ủa sao mà Lê đi mau quá dzậy?
-          (chú giải thích) Lê rặn một cái nó ra cái bùm
Không hiểu chú học ở đâu từ bùm. Bà Nuôi vừa cười ngất ngưởng vừa  báo cáo “nó ị một đống ngang người lớn chứ ko phải chơi đâu”. Mình vừa đưa miếng bánh mỳ lên miệng lại bỏ xuống. Ko hiểu làm sao cứ lúc nào mình ăn là chú Bình Nguyên ị, và trăm lần cả trăm chú ị thế nào là bà Nuôi báo cáo tường tận thế ấy mặc dù nhiều lần mình đã xua tay rối rít “thôi thôi ko cần đâu u ạ”, “dà dà, (rồi lại tiếp tục) nó ị đầy một bô đây này cô vào mà xem, (rồi bắt đầu ngân nga) Lê ơi thúi quá Lê ơi”
Một lần khác, mẹ vắng nhà cả ngày gọi điện về xem tình hình Lê La ra sao. Lúc về được bà Nuôi kể nghe điện thoại kêu chú chạy từ nhà vệ sinh ra “Bà Nuôi ơi Lê đang rặn mà nghe điện thoại một cái Lê nín luôn. Có phải mamma gọi điện về ko bà Nuôi?”. Còn lúc tiếp điện thoại của mẹ chú, giọng chú lảnh lót “Mamma ơi mamma về nhanh chơi với Lê nhá. Mamma bảo papa về chơi với Lê nữa nhá. Mamma nhớ mua quà cho Lê nhá”. Nhá, đấy, nhé, nhỉ chú dùng điệu vô cùng.
Một lần cả nhà đi về Siena xem đua ngựa. Cả nhà túi lớn túi nhỏ ra đến ngoài cửa mới thấy lạc đâu mất chú Bình Nguyên. Mẹ chú lại phải quay lại tìm, tìm khắp nhà ko thấy chú đâu, cái nhà ở Talamone thì lại lắm phòng. Lúc mở cửa nhà vệ sinh thì hóa ra con trai vẫn đang ngồi đung đưa chân trên toilet hai tay hai máy bay điệu bộ rất bình thản. Mẹ chú bảo “Lê ơi may quá tí nữa thì quên Lê ở nhà, cho Lê thành Home alone luôn”, chú trả lời tắp lự “Lê ko sợ Lê đuổi theo xe ô tô rồi Lê chạy bắn vào trong xe luôn”.
Mẹ chú Bình Nguyên cứ bôi bác chú thế thôi, chứ chú 3 tuổi rưỡi cầm 3 hộ chiếu, mang 3 quốc tịch, nói 3 thứ tiếng trôi chảy, thực ra chú là một chú bé rất cool

Monday, October 5, 2009

Thấy dzậy mà hổng phải dzậy

Hôm nọ vừa khen bầu trời thành Rome lúc nào cũng trong xanh, thế là nó mưa cho liền mấy tuần, mãi mấy hôm nay mới trong xanh trở lại.
Hôm nọ vừa khoe buổi trưa có tiếng piano thánh thót vọng ra từ cửa sổ ngôi nhà bên cạnh. Mấy hôm trước có việc phải đi từ sáng đến gần 3h trưa mới về đến nhà. Đói mềm, vừa ngồi xuống định ăn thì nghe từ cửa sổ ngôi nhà bên cạnh vẫn tiếng piano như thường lệ, nhưng khuyến mại thêm cả một giọng opera nữ cao. Khiếp, hát với chả hò, cứ rú lên như bị ai bóp cổ. Suốt 15 phút mình ăn vội thấy cô ta cứ hú hú, tiếng piano đệm lúc khoan lúc nhặt có vẻ tung hứng rất ăn ý, lúc xong lại còn có tiếng vỗ tay lốp đốp. Giờ mình mới hiểu tại sao ông chủ nhà bên New York cao to tráng kiện ăn mặc lịch lãm trông rõ ràng một gentleman mà khinh bỉ opera, nhất là giọng nữ cao. Ông ấy bảo tôi mà nghe ca sĩ opera hét trên sân khấu là tôi ko chịu nổi. Tối về bảo chồng trưa nay ác mộng anh ạ, hát như mèo bị sập cửa vào lưng. Các bạn khi nào vô tình đóng cửa cái rầm đúng lúc con mèo đang đi qua, nó kêu óe lên thế nào thì nghệ sĩ hàng xóm của tớ cũng phát ra âm thanh đúng như thế ấy.
Hôm nọ vừa khoe thích màu đỏ poppy rực rỡ. Hôm sau diện áo đỏ ra đường. Đi ngang qua một cái chợ, nảy ra ý định rẽ vào xem sao. Căn bản từ hồi chồng con đến giờ đâm ra lại rất thích chợ búa, nhất là chợ cóc. Vừa quay người bước cái chân đầu tiên lên bậc thềm thứ nhất tự nhiên thấy cái gì âm ấm trên đùi. Cúi xuống nhìn, ko tin vào mắt mình, lại ngẩng lên nhìn. Con bồ câu đi tướt, tướt một phát từ ngực chảy dọc áo đỏ chuồn chuồn ớt, chảy xuống đùi, và nhanh như cắt chảy xuống tận chân. Cứ nhớ ngày xưa đọc ở đâu đó thấy bảo những con bồ câu tô điểm cho sự thơ mộng của những quảng trường ở châu Âu. Ai mà viết cái câu đó chứng tỏ ko thực tế, tức là chưa bị bồ câu ỉa vào người bao giờ. Bồ câu hôi rình, đậu đâu ỉa đấy, thậm chí vừa bay vừa ỉa, nói chung ỉa xoèn xoẹt suốt ngày. Phân bồ câu có a xít, ỉa vào tượng là mòn tượng, ỉa vào áo là áo phai màu, ỉa vào bạt là thủng bạt. Một lần đang đi bộ trên vỉa hè New York, mình nhìn thấy một ông kềnh càng, cao cỡ gần 2m, đeo kính cận dày cộp, trên mũi chễm chệ một bãi phân chim, thế mà chả biết gì. Tuy nhiên dù ghét bồ câu mình cũng ko dám đổ cho bồ câu lần này, vì nhìn thì biết là ko phải phân bồ câu, có lẽ là chim sẻ hay sao đó. Mình cứ đứng sững giữa vỉa hè trợn mắt nhìn ông kia hiên ngang đi qua, định bảo ông ơi tôi thấy cái gì trên mũi ông kìa nhưng lại sợ làm ông ấy quê độ quá. Một lần khác, chàng đậu con xe cưng bên đường, kính xe ko đóng kín. Con bồ câu bay ngang làm ngay cho một bãi lên cửa kính, một nửa số phân chảy ra ngoài lướt thướt,  nửa còn lại chảy vào trong, chảy lên phần da bọc, chàng nhảy tưng tưng “anh ghét bồ câu anh ghét bồ câu”. Vợ ôm bụng cười lăn cười bò trên phố, bảo may cho anh là nó chưa ỉa vào phần mái convertible bằng bạt, nếu ko thì còn chết nữa.
Lại quay lại chuyện con bồ câu đi tướt kia, giở túi ra tìm xem có cái gì dùng lau được ko, thấy mỗi cái bản đồ thành Rome, ví tiền, điện thoại và chìa khóa, đực mặt chả biết làm thế nào. May có hai anh gallant chạy tới, một anh mang chai nước rửa áo rửa chân hộ, một anh đưa cho gói khăn giấy. Tranh thủ khóc lóc một tý cho hai anh thương cảm.
Tóm lại, chim chóc bay trên trời là rất ghét, chim gì cũng thế thôi. Nó ỉa vào mình, mình ở dưới đất biết đằng nào mà tự vệ. May phúc cho mình là nó ỉa vào áo, chứ chệch mấy phân nữa, vào tóc hoặc mặt mình thì chắc ngượng đến độn thổ mất.
Nói chung, số vẫn xuân. Từ giờ hạn chế ca ngợi, ‘cause nothing is what it seems.
PS: lây ốm của con gái. Con gái cảm lạnh nghỉ học, sáng nay thấy đi lẫm chẫm trong nhà vừa đánh răng vừa quét nhà cho mẹ.

Saturday, October 3, 2009

Sang froid

Cuối tuần này chàng go on track, tức là lên đường đua.
Với cái xe thể thao cà tàng để mốc meo trong garage hầu như ko sử dụng trong suốt 8 năm đi nhiệm kỳ
Với cái lưng cả tuần nay kêu đau, đi cùng nhau vợ gầy gò vừa hai vai khoác hai túi, một tay cắp xe đẩy, tay kia bế con, chồng đi người không lưng thẳng đuồn đuỗn tay cầm mỗi tờ giấy mà mình tưởng mình cũng phải mọc thêm cánh tay thứ ba để khiêng cùng.
Vợ bảo “anh có chắc ko, anh yêu, xe anh lâu ko bảo dưỡng, mà lưng anh thì đau đi lại còn khó?”
Chồng bảo “chắc chứ. Đi lại thì khó, chứ lái xe thì có phải làm gì đâu mà ảnh hưởng”
Á, thông số kỹ thuật này thì mình chưa từng nghe bao giờ.
Mình nào có phải là người nhát gan đâu, ko ham mạo hiểm, nhưng cũng chả sợ. Ngày xưa ngồi sau xe máy một anh, anh ấy tăng ga phóng điên cuồng thể hiện trong gần 1 phút, lúc xuống xe mắt tròn mắt dẹt xem phản ứng của mình, mồm khoe “lúc đấy vận tốc là gần 250km/giờ”. Mình chỉ bảo “right”. Anh đấy hồi đấy có cái xe cũng vào hàng khủng ở Hà nội nên rất chăm chú việc thể hiện với các em.
Còn chuyện ngồi sau xe chàng mà chàng bốc đầu hoặc đi địa hình xông xáo trèo non lội suối thì là chuyện quá thường.
Mà chính chàng cũng chứng kiến sự lì lợm của mình chứ đâu. Hai đứa vừa giong katamaran ra vịnh thì trời nổi giông, một cơn giông cực mạnh. Chàng hoảng lên vì mình ko có kinh nghiệm đi katamaran. Thuyền lao như tên bắn vào vách núi lởm chởm đá nhọn, biển động dữ dội, Chàng cầm cán điều khiển, mỗi lần chàng đổi hướng buồm thì mình phải tháo dây và nhào sang sườn thuyền bên kia để buộc. Sàn thuyền có lúc lật nghiêng 90 độ so với mặt biển, mình lăn lông lốc từ bên này sang bên kia, gần rơi xuống biển thì túm được dây buồm lại đu lên. Suốt gần 1 tiếng vật lộn, lúc vào được đến bờ thấy ông chủ đảo đang đứng đợi trên bờ tóc tai dựng đứng. Chàng sau vụ đó phục mình sát đất, “cám ơn em đã ko gào thét hoặc khóc lóc”. Giờ thỉnh thoảng vẫn thấy kể với mấy thằng bạn hẩu.
Nhưng mà giờ có con rồi, cứ nghĩ mình mà bị làm sao, hai cái mặt hớn hở của Lê La tự nhiên lại thành bơ vơ, bị một ai đó mắng mỏ, hoặc thậm chí đánh đập, vì họ ko yêu chúng nhiều như mình, thế giới này thì chả nhẽ chưa đủ rủi ro, thế là chả hứng thú phiêu lưu mạo hiểm gì nữa.
Nguyên văn diễn văn của vợ: anh yêu, anh là đàn ông, anh sẽ phải làm tất cả những điều điên rồ bọn đàn ông hay làm, nên em sẽ ko cản anh. Nhưng có một điều em phải nói với anh trước, rằng nếu anh tàn phế vì ốm đau bệnh tật thì em vẫn sẽ là vợ anh, chung thủy với anh, và chăm sóc anh đầy đủ, nhưng nếu anh tàn phế vì liều mạng điên rồ thì em sẽ bỏ rơi anh. Vì em phải lo cho các con và ko muốn phải gánh chịu hậu quả sự liều lĩnh ngu ngốc của bất kỳ ai. Nếu người đời có bảo “con đấy là bitch, còn làm ra tiền cho nó tiêu thì còn ko sao, tàn phế mất việc là nó bỏ ngay” và nếu anh là người công bằng, anh sẽ bảo “ ko phải, cô ấy đã cảnh cáo tôi trước rồi nhưng tôi vẫn cố làm thì giờ tôi phải chịu”. Còn nếu anh vì tức quá vì vừa tàn phế vừa bị vợ bỏ rơi, mà hùa theo họ, thì em cũng chả quan tâm.
Chàng nghe xong bảo “máu lạnh”.
Nghĩ trong đầu mà chả nói ra: Máu lạnh thì sao lào? Đàn bà máu lạnh thì đàn ông bớt vô duyên. Cuộc đời thật lạ, nhiều người chỉ mong được sống an toàn, ở một nơi ko bão, ko động đất, ko sóng thần, có nước sạch, thực phẩm lành, ko khí lành. Nhiều người đầy đủ quá thấy đời thiếu vị lại phải tìm dịp sứt mẻ cho vui.

Thursday, October 1, 2009

Lila 29



 

Lila khổ sở vì cạnh tranh. Thằng Lê nó cậy nó lớn nó khéo léo hơn nên toàn chơi một mình hoặc chơi với anh chị lớn hơn, để mặc bé chân tay vụng về rượt theo anh mệt nghỉ. Chưa kể thỉnh thoảng nó còn có cái giọng rất kẻ cả “La nó là con gái nên nó ko biết”. Hồi còn ở Talamone, thằng Lê chơi cá ngựa với chị họ 9 tuổi. Nó mê mải một tay đổ cá ngựa tay kia chắn ko cho Lila vào vồ ngựa đưa lên mồm gặm, mồm nó cứ thỉnh thoảng lại hét bai bải “cái con kỷ này”, tức là cái con quỷ này. Sau mấy lần chạy vòng quanh chả xơ múi được gì, Lila tức lên nhảy bổ vào bàn cá ngựa ngồi thu lu, hai tay bé bám chặt mép bàn cá ngựa, mặt lỳ lỳ mắt nhìn xuống đất. Thằng Lê chỉ còn nước giậm chân bành bạch và khóc bù lu bù loa trước đống ngựa nghẽo đổ giạt.
Một lần mẹ cho hai anh em thau nước để thả cá nhựa vịt nhựa. Thằng Lê cũng có cái trò ngăn ko cho em chơi. Sau 5 phút chạy vòng quanh mà ko xí được con cá nhựa vịt nhựa nào, mẹ thấy Lila trèo vào trong thau ngồi thu lu, thau nhỏ nên Lila ngồi đầy thau, đầu gối co lên đến gần mũi, mặt rất lỳ lợm, mắt nhìn xuống đất. Thằng Lê khóc toáng. Mẹ chạy ra nhấc con gái ra, cái bỉm ngấm nước đã phồng to tụt xuống đến tận mắt cá chân. Nhiều lúc hai anh em chơi một mình, em giở trò đanh đá, là mẹ lại nghe tiếng thằng Lê dọa dẫm “La, Lê là con trai của mamma, mày ko được bắt nạt con trai của mamma mày hiểu chưa?”
Còn chuyện giành giật đồ chơi rồi rượt nhau chạy rẽ đất thì là chuyện 5 phút một lần. Thường là Lila sẽ lừa lừa giật một món đồ nào đó anh đang chơi, rồi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về phía mẹ, giơ hai tay “bế La bế La”. Mẹ vừa kịp bế bổng bé lên thì vừa lúc thằng Lê chạy tới nơi. Lila đã ở độ cao an toàn bình thản ngó xuống thằng Lê đang giậm chân bứt tóc ở bên dưới. Có lần hai anh em chơi mấy cái miếng xốp mấy chú thợ dùng để chèn đồ cho khỏi vỡ, La một cái, Lê một cái, thằng Lê chơi một cái ko đủ định giật nốt cái của em, mẹ thấy La xoay người né, tay giữ cái xốp khư khư, thằng Lê vẫn cố nhoài theo định lấy, bé bèn giấu ngay cái miếng xốp vào nách, tay kẹp chặt, mắt liếc liếc dè chừng xem anh chuẩn bị giở trò gì để còn chống đỡ. Khổ thân bé thấp bé nhẹ cân bị chèn ép nên cứ phải nghĩ ra những cách tự vệ chả giống ai.
Một lần ở Talamone, mẹ từ trong bếp nhìn ra thấy con gái đang ngồi chồm hỗm ngoài sân, hai tay chống xuống đất, mắt chăm chú nhìn xuống đất phía trước mặt. Rồi mẹ thấy đầu con gái cứ cúi dần, cúi dần, cùng với đà cúi của đầu thì mông cứ chổng dần lên. Cuối cùng thì mẹ thấy con gái trong tư thế mông chổng lên trời hai tay chống đất mắt ngó qua hai chân, vẫn nhìn cái gì rất chăm chú. Mẹ tò mò chạy lại gần hóa ra con gái đang xem kiến, con kiến chạy từ xa lại rồi chạy tiếp ra phía sau, chả chạy vòng lại chạy thẳng qua hai chân bé, thế nên mới có màn xem kiến vất vả ở trên. Mà con kiến đó may được bé để cho mà chạy thoát, chứ những con kiến ko may khác thường bị bé dí ngón tay bé tí cho bẹp dí rồi đem bỏ vào chậu nước. Thằng Lê  thấy Lila bắt kiến thì thường băn khoăn “Bà Nuôi ơi, sao con Lila nó ko sợ cái gì hết trơn?” .

Tuesday, September 29, 2009

Buôn chuyện

Nếu trên đời có cái gì làm cho trái tim trai shạn của tớ rung động thì đó là hình ảnh của những con hồng hạc. Thật đấy, những con hồng hạc dù là đậu trên mặt nước xanh rêu, mặt hồ xám bạc, hay chân trời màu xanh lam, thì đều làm cho tớ nín thở, người nổi gai.
Bởi vì màu lông của chúng vô cùng đặc biệt. Không phải sắc hồng nào trong số những sắc hồng hay gặp. Ta thường gặp blush là màu hồng phấn, baby pink là màu hồng nhạt trẻ con gái hay mặc, strong pink là màu hồng rực rỡ, lên đến fucsia là màu hoa mười giờ, màu lông hồng hạc ko thuộc màu nào trong số tất cả những màu trên.
Màu lông hồng hạc là sự pha trộn giữa màu hồng và màu trắng tinh khôi, tạo thành một sắc hồng nhạt nhưng lại vô cùng rực rỡ. Tớ vốn thích màu sắc rực rỡ, rực rỡ lên cho nó đỡ ảm đạm. Ví dụ đã là màu đỏ thì phải đỏ kiểu poppy red, đỏ như những vạt hoa thuốc phiện nở rực rỡ bên những cánh đồng mùa hè nước Ý, bạn nào chưa thấy hoa thuốc phiện bao giờ thì cứ tạm so sánh màu đỏ như màu con chuồn chuồn ớt đậu trên lá cỏ xanh hình chiếc kiếm, rực rỡ trong nắng.
Mà tóm lại, văn vẻ thế đủ rồi. Tại vì lâu nay chả có thời gian lướt net mấy, nên tình hình báo chí lá cải ở nhà tớ cũng ko đọc nữa. Chả hiểu các em Hoàng Yến, Thủy Top, Mai Phương Thúy, vv và vv dạo này ra sao rồi nhể.
Tự nhiên tớ lại nghĩ ra hồng hạc là vì cách đây khoảng hơn chục năm gì đó, một lần đi xem biểu diễn thời trang ở Hà nội, có một em người mẫu đi kiểu mổ cò. Em người mẫu này chính là Vũ Thu Phương hồi chưa nổi tiếng chứ đâu, giờ thành siêu mẫu rồi nhé. Hình như em ấy là người mẫu đầu tiên ở VN thử nghiệm kiểu đi này.
Người mẫu đi kiểu mổ cò sẽ ưỡn ngực, hông cũng vừa ưỡn ra đằng trước vừa oánh tá lả sang hai bên, đặc biệt có tên mổ cò vì chân sẽ bước rút cao lên, mô phỏng dáng đi của những con cò. Những con cò nếu muốn di chuyển được trong nước thì chân phải rút cao từng bước khỏi mặt nước, và chân phải rất dài để còn lội chỗ nước sâu mà kiếm miếng bỏ vào mồm. Kiểu mổ cò do vậy nhằm tôn vinh đôi chân gầy, dài miên man như chân cò chân sếu.
Liên tưởng đến hồng hạc cho hoa mỹ, chứ thực ra hôm đó em Vũ Thu Phương đi mà khán giả cười ồ. Vì em ý đi đúng như cò, ko phải cò khỏe mạnh mà là cò rù, lom khom lẩy bẩy nhìn chỉ lo em ấy ngã. Giờ đọc báo thấy báo chí cứ ca ngợi phong cách, chả hiểu là em VTP đã tiến bộ vượt bậc hay báo chí cứ nói đại thế. Báo chí ở nhà nhiều khi rất hài, chả hiểu là nói thật hay nói đùa. Nói thật thì hóa ra phóng viên viết cái mảng này nếu ko hơi bị hẻo kiến thức thì cũng bồi bút, mà nói đùa thì lại thành thâm nho quá.
Tương tự, báo chí ở nhà cũng cứ ca ngợi ko tiếc lời bạn Hà Anh. Mình thì thấy Hà Anh rất cá tính, thân hình rất chuẩn. Nhưng mà xem bao nhiêu tạp chí mẫu quốc tế, những người mẫu danh tiếng toàn là những người có khả năng biến hóa và nhất là phải có khả năng thể hiện nhiều nét biểu cảm trên gương mặt, cười, khóc, đau đớn, sững sờ, phê, hớn hở, thất vọng, ngây thơ, cáo già vv và vv. HA của chúng ta chỉ có thể để đúng một kiểu đầu mái Cleopatra dài xuống gần che mắt, mắt trang điểm đậm, và mặt thật lạnh, môi hơi vén vén, là đẹp. Bạn cứ để ý, những bức ảnh đẹp nhất của HA phải là những bức như thế. Chỉ cần vén tóc mái lên một cái theo tớ là mặt từ 9 xuống chỉ còn 5, nếu mà cười nữa chắc chỉ còn 2. Cuộc thi hoa hậu bãi biển, chuyên gia trang điểm nào sấy tóc mái Hà Anh dựng đứng lên như kiểu các cô gái Thái Lan những năm 90 các gia đình VN treo đầy tường, nhìn HA hết hồn.
Buôn tiếp chuyện nữa, em Mai Phương Thúy, để em làm hoa hậu từ thiện thì ổn quá, vì em ấy trông trong sáng, trẻ trung, dễ thương. Tự nhiên làm sao ai đó lại có tối kiến muốn xây dựng hình ảnh em MPT sexy. Em MPT diễn mặt sexy mắt cũng lim dim miệng cũng há há tư thế cũng sexy mà sao cứ tồ tồ ngố ngố ngồ ngộ, làm sao so được với Hà Anh và Quỳnh Thi là hai người mẫu sexy có đẳng cấp. Ngộ hơn nữa là bộ ảnh huyền bí biển đêm, em MPT ngồi như Phật tòa sen, trồng cây chuối như Yoga, và múa đến đâu sao bay lả tả đến đấy giống hệt cô Tinkle Bell trong phim Peter Pan.
Mà còn nữa, làm ngực to thế, có lẽ phải thành D-cup. Có ai đó bảo chiều cao thế thì ngực phải thế mới đúng. Ai bảo thế, cao là một chuyện, còn phải phụ thuộc vào shape của thân hình. Ví dụ mông to quá so với ngực thì trông như vịt bầu, mà ngực to quá so với mông thì lúc nào cũng như chỉ chực đổ ập ra đằng trước. Cả hai đều phản cảm.
Đấy, đọc báo thì thật là lắm chuyện hài. Để hôm nào ngồi nghĩ ra lại viết tiếp. Chỉ vì hôm nọ nhìn thấy hồng hạc mà về cứ suy nghĩ linh tinh. Thôi tớ đi ngủ.

Monday, September 28, 2009

Hai đứa con nhà anh chị cả

Hai đứa con nhà anh chị cả, một đứa 9 tuổi đứa kia 15 tuổi, được nuôi dạy cứ như trẻ con nhà giàu. Ăn đồ đặc sản, mặc đồ hiệu, cơm được bố mẹ bưng lên tận miệng, cả ngày ko động chân động tay vào bất cứ việc gì, thằng lớn cả ngày nằm trong phòng riêng nghe rock, đến giờ ăn mới thấy mặt, con bé cả ngày chơi nhởn nhơ, đến tắm cũng phải để bố mẹ tắm cho.
Cả hai đứa đều thừa cân và được bác sĩ khuyến cáo phải ăn ít đi nếu ko hệ tiêu hóa sẽ quá tải. Thế là hai bậc cha mẹ lại cuống cuồng bắt con kiêng khem đủ cách. Con bé con quen ăn nhiều giờ bị cấm ăn thì đâm ra thèm thuồng đủ thứ, nhìn người khác ăn mà nó ko được ăn thì nó cứ nuốt nước bọt ừng ực và cứ thậm thụt ra hỏi Lê La có ăn cái này hay cái kia ko để nó còn ăn hộ cho. Và để thỏa mãn cơn nghiện ăn thì nó mắt trước mắt sau là lẻn vào trộm đồ ăn từ tủ lạnh hoặc tủ bánh, gói vào giấy thủ vào trong áo mang ra ngoài sân ăn, cả ngày cứ ra một miếng vào một miếng, còn lãi hơn là ăn thoải mái tại bàn.
Chúng nó mắc một tật rất thông dụng trong đám trẻ con Ý là chỉ thích ăn pasta và thịt, ko đụng đến rau bao giờ. Mình hỏi nó “cháu ăn rau chưa?” nó bảo “cháu ăn cà chua rồi”. Thế tức là coi chén hai quả cà chua bi mỗi quả bằng đầu ngón tay cái là đủ rau rồi đấy. Chị dâu bắt chúng nó ăn rau bằng cách mua một lon nước súp rau đun sôi lên bắt hai đứa uống thì mặt chúng nó méo xẹo ngồi ngắc ngứ cả tiếng, đến lúc nhận được lệnh mẹ cho đổ bát nước súp đi thì cả hai đứa cùng đứng phắt dậy như sợ mẹ đổi ý, bưng vội bát súp đi đổ vào chậu rửa, còn ọe với theo một tiếng. Rau thì ngắc ngoải thế, nhưng pasta và thịt thì ăn như hùm đổ đó.
Chưa kể, cả ngày TV bật, bọn trẻ con nghiện TV, cứ ngồi ngất ngây con gà tây hàng tiếng đồng hồ xem đủ thứ kênh từ người lớn đến trẻ con. Rồi các loại trò chơi điện tử, các loại siêu nhân và người nhện, các loại phim hoạt hình tàu và Nhật, đồ chơi thì cả núi, bánh kẹo đầy tủ. Chúng là hai đứa trẻ dễ thương, con bé thì cứ quấn lấy Lê La chơi rất tình cảm, thằng bé thì ấn tượng dì út 31 tuổi mà còn thích rock metal nên mang cả sấp đĩa ra giới thiệu từng band rất hào hứng. Chắc chắn nếu bớt nuông chiều thì chúng sẽ là những exceptional kids.
Bà Nuôi thường bảo “cô ơi tôi thấy bọn trẻ con tây hồi trước tôi trông chúng nó được ăn nhiều bánh kẹo và xem nhiều TV lắm, mà cái ông tôi làm cho hồi trước, mỗi bữa ăn bả đưa tôi 1 triệu đi chợ hai vợ chồng ổng bả ăn một bữa là hết, chứ ko tiết kiệm như cô đâu”. Theo bà Nuôi, phải ăn nhiều sô cô la, trong phòng trẻ con phải có TV, đồ ăn phải thừa mứa đến mức ăn ko nổi phải hê bớt vào sọt rác, mới là biểu hiện của sự phong lưu.
Mẹ thì thà đưa cho con một khúc gỗ cho cái đầu bé xinh của con tha hồ tưởng tượng thành con ngựa, thành máy bay, xây thành nhà, bắc thành cầu, hơn là để con ngồi lịm trước TV thụ động tiếp thu kiến thức. Ở nhiều nơi nào đó trên thế giới này còn rất nhiều trẻ con đói khát,  nhiều trẻ con bị bắt lao động khổ sai, ngủ lăn lóc trên nền đất bẩn, nên lãng phí là một tội ác. Và nếu con mẹ có phải giúp mẹ quét nhà (mà con nào có quét vào, con quét ra là chính), mang vỏ chuối bỏ vào sọt rác, mang hộ mẹ cái chai ko bỏ vào thùng rác tái chế, hay mang bát đã ăn xong của con bỏ vào chậu rửa, nuốt nước bọt khi thấy đứa trẻ khác ăn kẹo, và nằm ngủ trên nền nhà trống trơn, thì cũng chẳng phải là khắt khe với con quá con nhỉ.

Monday, September 21, 2009

Đời là bể khổ


Sáng như thường lệ cho chú Bình Nguyên đi học rồi rẽ vào siêu thị. Bà Nuôi ko phải đi chợ có khác, nay hô hết sữa mai hô hết bột giặt kia hô hết giấy vệ sinh kìa hô hết bỉm. Mà hết là toàn hết sạch ko mua ngay là ko có cái mà dùng, ví dụ hô hết bỉm mà ko chạy đi mua bỉm ngay thì Lila cởi truồng. Dặn bà Nuôi đứt lưỡi là cái gì gần hết là cô phải báo cháu ngay, đừng đợi đến lúc hết sạch vì cháu rất bận ko thể lúc nào cũng chạy đi mua được, và phải làm một danh sách để khỏi quên cái nọ cái kia, chứ bao nhiêu lần cháu vừa đi mua cái nọ về thì cô lại bảo á có cái kia cũng hết sạch mà tôi quên ko báo cô. Bà Nuôi ậm ừ, đâu vẫn hoàn đấy. Túm lại, mỗi ngày mẫu hậu Nuôi phái mình ra siêu thị ít nhất một lần.
Trưa về, bà Nuôi luộc pasta vừa nát nhừ vừa quên cho muối, đành nhắm mắt ăn vội ăn vàng để còn đến Bộ gặp cô giáo Lila. Gặp cô giáo Lila xong thì lại đi gặp bác sĩ. Lúc về mình quyết thử đi bus xem tình hình bus biếc ở Rome ra sao. Hỏi con bé đứng chờ bus ở đấy xem mua vé thế nào thì nó bảo phải có tiền xu. Lại vào hiệu thuốc mua mấy thứ tranh thủ đổi tiền xu luôn. Cầm đồng xu lăm lăm sẵn trên tay tưởng chắc ăn thì một bà già đứng cạnh đấy lại bảo “có bus chấp nhận xu, có bus lại chỉ chấp nhận vé giấy, mà vé giấy thì phải ra hiệu thuốc lá mà mua”. Nẫu ruột, định gọi một cái taxi thì may quá chị gái đứng cạnh bảo tôi có một cái vé giấy bán cho chị.
Bus bảo 12 phút có một chuyến mà đợi hơn 20 phút mới thấy đến. Sung sướng vén váy định nhảy lên thì tẽn hết cả người khi thấy bus lừ lừ đi thẳng chả dừng lại tí nào. Bến xe bus thì đã bị 3 cái ô tô của ai đó đỗ chiếm chỗ. Đúng là đỗ xe kiểu Rome. Thế nên ai muốn đi bus thì phải đứng hết ra ngoài đường đợi, giữa đường lại có mấy cái cây to cành sà xuống gần đất, mình sợ da đen lại đứng trong bóng cây âm u tài xế bus nhìn ko ra nên đứng né ra một bên quả là cũng xa cái bảng xe bus. Có lẽ thế nên tài xế tưởng ko có ai cần lên nên ko thèm đỗ. Đấy là mình tưởng thế, nhưng hóa ra về sau mới biết ở Rome ta phải nhảy xuống đường vẫy điên loạn như vẫy taxi thì tài xế bus mới đỗ. Tóm lại, sau 40 phút thì cũng được ngồi gật gù trên xe bus. Google map bảo sau 9 bến thì phải xuống và đi bộ về nhà. Chưa kịp chắc mẩm 9 bến thì đã tá hỏa vì tài xế bỏ đến 4, 5 bến một lúc, thế này chắc đếm 9 lần đỗ thì phải đi đến tận Tân thế giới mất. Thế là đành cố căng mắt đọc tên mỗi bến để còn biết chỗ mà xuống. May thị lực tốt.
Thị lực tốt thế mà vẫn bị đi quá một bến. Nhảy xuống, giở bản đồ tìm đường về nhà. Mấy chú lính gác hình như trước cửa tư dinh của đại sứ Mỹ ra nhiệt tình định giúp mà hỏi viale Parioli ở đâu cả ba chú mù tịt. Về sau mình mới biết cái đường đó nó gần như ngay trước mặt, thế mà đứng gác cả ngày ở đó mà ko biết gì thì kể ra IQ các chú hơi thấp. Đang đi bộ lon ton có thằng cu mặt trẻ măng cứ lẽo đẽo đi theo năn nỉ đi uống cà phê, từ chối thì lại mời đi ăn tối, bảo tối chồng tôi ko cho tôi đi đâu thì lại năn nỉ hay là ăn trưa. Giai Rome dai như đỉa, chả bù cho giai New York.
Về đến nhà, bấm chuông đợi hơn nửa tiếng ko thấy bà Nuôi xuống mở, muỗi đốt sưng cả chân. Nhờ vả mãi cũng qua được một lần cổng, rồi một lần cửa lớn, lên đến cửa nhà bấm chuông ko thấy ai trả lời, đập cửa cũng ko thấy động tĩnh gì. Hơi hơi hoảng tưởng bà Nuôi hay bọn trẻ con bị làm sao. May quá ông hàng xóm vừa về và tình cờ ông ấy lại có chìa khóa căn hộ của mình. Vào nhà, “cháu bấm chuông mãi mà ko thấy cô trả lời, lên đây vừa bấm chuông vừa đập cửa ầm ầm cũng ko thấy ai mở cửa”, “ủa, trời ơi, dzậy hả, sao cô ko bấm chuông mẹ cho nó rồi”.
Nói ko xong, vì tiếng Bắc tiếng Nam khác nhau, bà Nuôi lại còn hơi lãng tai. Viết ko xong, vì bà Nuôi ko biết chữ, nên viết ra bảo bà Nuôi đọc thì bà Nuôi đánh vần lần mò từng chữ, đến cuối câu thì quên mất đầu câu viết gì. Bảo bà Nuôi viết bà Nuôi lại càng chịu chết. Bà Nuôi cùng bất đắc dĩ lắm mới ký toẹt một cái, chữ ký bà Nuôi như mèo cào. Còn chưa kể bà Nuôi còn mắt kém. Thế nên khoản communication thật là bó tay. Nhất là nói gì hiểu hay ko hiểu bà Nuôi đều bảo “dà dà”, thật ko biết đằng nào mà lần.
Có đúng đời là bể khổ hay chưa. Còn phần tình là dây oan để hôm nào kể tiếp.

Sunday, September 20, 2009

Lila 28



 

Lila trán dô, mắt hiếng, hai lúm đồng xu bên mép, môi đỏ như cherry.
Mẹ hay ngắm nghía và than thở “ôi con gái mẹ có cái mũi vừa cao vừa to rồi” thì thằng Lê lại phải chen ngang “No mamma mũi Lê to hơn mũi La”. Như thường lệ cứ cái gì tưởng hay là nó nhận về phần nó.
Thằng Lê đi học, Lila tha thẩn cả ngày một mình ở nhà, bé buồn bé cứ ra cửa chỉ chỉ “Ale bái bai”. Mẹ cố làm cho bé vui “mẹ con mình tranh thủ chơi đồ chơi của thằng Lê đi” vì thằng Lê mà ở nhà đừng hòng bé đụng được vào tàu hỏa của nó. Bé nghe lời mẹ chạy ra nhấn cho đoàn tàu hỏa chạy xình xịch, lại còn mang cả cây xăng ra đổ xăng rào rào. Đổ xăng cho tàu chán còn mang cả búp bê ra đút vòi xăng vào mồm búp bê, rồi đút vào mồm mẹ, từ chối là bị bé đút ngay vào tai. Lúc anh đi học về một cái hai anh em nhảy múa ôm nhau hôn hít rồi anh chạy như hóa rồ khắp nhà lôi em chân thấp chân cao chạy theo cười như nắc nẻ.
Lila mà ko thích ai làm gì với bé lúc bé đang mải chơi thì bé sẽ bảo “kệ”. Mẹ mang đi rửa đôi chân đen xì,  bé xua xua tay mồm bảo“kệ”. Mẹ bế đi thay bỉm, cái bỉm to tướng làm chân bé đi khuỳnh khuỳnh, “kệ”. Mẹ thay cho cái áo lấm lem vì nghịch và ngã, cũng “kệ” luôn. Mẹ mà cứ lau mặt cho bé kỹ quá là bé lắc “thôi thôi”.
Con gái gần 18 tháng lấy son của mẹ bôi lên mắt, lấy lược chải đầu, rửa mặt xong là xin kem của mẹ bôi lên má, mượn túi của mẹ khoác, xỏ chân vào giày cao gót của mẹ đi cập quạng, mặc váy thì chạy ra tốc váy lên khoe mẹ “đẹp đẹp”. Mẹ mà hở ra một cái là lấy lọ nhỏ mũi chọc vào cái lỗ mũi bé tí tẹo, khoắng nước toilet lên rửa mặt, liếm bidet, trèo cửa sổ, rúc đầu vào nồi niêu xoong chảo, ngồi vào rổ, trèo lên ngồi thu lu trên giá sách hoặc chui vào lò sưởi sục sạo, và cả ngày đi vẩn vơ trong căn hộ trống trơn hát múa líu lo vang lừng. Hôm nọ mẹ vừa bày bàn ăn, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy hai chiếc giày của con gái để ngay ngắn trên đĩa. Còn việc cả nhà ngồi ăn với hai chiếc giày của bé để chễm chệ trên bàn thì là chuyện thường ngày ở huyện.
Một lần mẹ hỏi con gái “papa đang làm gì đấy hả ?”, bé lấy tay chỉ trỏ mồm líu lo “papa, a, a a”, mẹ hiểu là bé muốn kể cho mẹ rằng papa đang ngồi máy tính nhưng mà ko biết nói thế nào, mẹ bảo “à, papa đang ngồi máy tính đúng ko?”, bé gật gật “ nhồi tính”, mẹ lại hỏi “thế còn của mẹ làm gì?”, bé bảo “La chơi tàu”. Bé đã nói được cả câu đầy đủ chủ vị mặc dù ngắn. Nghe tiếng máy bay bay qua bé bảo “máy bay kêu”. Hôm nào thấy mẹ rán cá thì múa lên “cá nhon”.
Ông hàng xóm ở Talamone tên là Gian Carlo bị bé gọi là Các cô, Alessandro thành Chan chô. Tiếng Việt chưa chi đã hai kiểu, chạy ra chỗ mẹ chìa tay ra thì sẽ bảo “bế bế” mà chạy ra bà Nuôi thì sẽ bảo “bồng bồng”. Mẹ dẫn con gái ra ngoài đi dạo, “con gái đi bộ có mệt ko? Bé bảo “có”. Bố lại hỏi lại bằng tiếng Ý “sei stanca Lila?”, bé bảo “si”.
Con gái mà chẳng thích búp bê, chỉ thích chơi với lá cây hoặc cầm khư khư trong tay viên sỏi, khỏi cần mua đồ chơi. Mẹ đỡ quá.

Wednesday, September 16, 2009

Kỳ thị hay là không?

Tối qua nhà có khách. Cô ấy viết một cuốn sách về người Do Thái với nước Ý và nhờ bố Bình Nguyên làm cầu nối (hồi vẫn nhiệm kỳ ở New York) mà cô ấy được gặp Giáo hoàng và thị trưởng vài thành phố của Ý. Vì vậy cô ấy đến Rome một cái là muốn đến thăm bố chú ngay.
Cô ấy đến trong tình trạng bừng bừng lửa giận vì vừa bị móc mất ví tiền. Lúc cô ấy chuẩn bị ngồi xuống ghế trên tàu, một người đàn bà đến cạnh bảo “xin lỗi đây là chỗ của tôi”, chỉ trong tích tắc lúc cô ấy ngước lên kiểm tra lại số ghế cái ví của cô ấy để tít sâu trong túi ko cánh mà bay. Đi trình báo cảnh sát gặp 4 người khác cũng vừa bị móc ví trên cùng chuyến tàu đó, trong đó có một ông bức xúc đến mức nhảy lên đùng đùng. Ông ấy đeo một cái túi trước bụng, tay kéo vali, thế mà chúng nó nhào vào giật cái túi trước bụng của ông ấy, biết ông ấy ko thể kéo vali đuổi theo, mà nếu để vali lại chạy theo chúng nó thì có khi còn mất luôn cả vali. Ông này cũng là cảnh sát ở Toronto đến Rome du lịch nên vô cùng cay cú khi bị bọn kia ăn cướp giữa ban ngày.
Ở Rome, người Phillipines đi giúp việc, đi chăm người già, đi trông trẻ. Người Rumania, người Nga nữ thì cũng đi giúp việc, nam thì đi phụ hồ. Người Mễ, người Trung Đông thì đi phụ việc bán hàng. Chỉ riêng có người gypsy thì toàn đi ăn cắp, ăn trộm, bắt cóc trẻ em, ai lương thiện lắm thì cũng chỉ đến ăn xin là hết, tuyệt nhiên ko chịu lao động.
Nói ra thì bảo phân biệt chủng tộc nhưng quả thật có sống trong xã hội nào đó mới hiểu nguồn gốc của kỳ thị. Người gypsy, hay còn gọi là dân Di gan (Tzigane), có truyền thống đi lang bạt, ăn mày ăn xin, bạ đâu ngủ đó, và bắt cóc trẻ em. Xã hội Tây Âu từ ngày xưa, từ thời những tác phẩm kiểu Thằng gù của nhà thờ Đức bà, đã phải chịu vấn nạn này. Phải cái ngày xưa dân ít, đất nhiều, lang thang bạ đâu cắm lều đó còn được, chứ bây giờ muốn cắm lều thì chỉ có ra ngoài rừng, mà ra ngoài rừng thì chết đói, thế thì chả vạ vật ăn xin ăn mày móc túi ở các thành phố lớn thì còn đi đâu được nữa.
Để politically correct thì ta thường nói cộng đồng nào chả có người thế nọ thế kia. Nhưng nếu 10 người mà có đến 9 người rưỡi thế nọ, còn mỗi nửa người thế kia, thì chả nhẽ để công bằng cho nửa người thế kia ta lại để cho 9 người rưỡi thế nọ cũng được ăn sái theo luôn hoặc cũng bị theo luôn. Ví dụ, người Do Thái thì khôn khéo có đầu óc, người Anh thì hài hước nhưng mặt lạnh như tiền, người Pháp thì ba hoa và lãng mạn, người Ý thì ăn nhiều nói lắm nhưng động đến làm thì hỏng, người Đức thì có kỷ luật có tổ chức nhưng khô khan, người Tàu chăm chỉ nhưng xấu tính và tham lam, người Việt Nam giỏi xoay sở nên hay lách luật vv và vv, là đặc tính thường gặp. Tương tự, người gypsy thì lười nhác, bẩn thỉu và chuyên ăn trộm ăn cắp. Cũng vì những khái quát hóa như thế thế giới mới có tiền của người Do Thái, truyền kỳ về những câu chuyện hài with stiff upper lip của người Anh, nụ hôn kiểu Pháp, đồ ăn của Ý, máy móc made in Germany là tuyệt hảo, và xã hội Tây Âu thì nhan nhản ngoài đường người Di gan ngồi ăn xin hoặc đi ăn cắp.
Cô bạn của bố chú Bình Nguyên ngồi 3 tiếng vẫn chưa hết tức, cô ấy bảo mình “nó mà ăn mặc giống Gypsy mà xán lại gần tao là tao chả ngại ngần gì tát cho nó một cái luôn, nhưng đây nó lại ăn mặc giống mày, giống tao, nên tao mới ko cảnh giác”. Cô này người Mỹ, người Mỹ huỵch toẹt, thẳng thắn, yêu cầu rất cao đối với xã hội, và đàn bà thì cũng y hệt đàn ông.

Monday, September 14, 2009

Sĩ gái di truyền

Chú Bình Nguyên sáng thứ bẩy được bố mẹ cho ra công viên chơi. Cả nhóm đi cùng còn có 3 đứa trẻ khác, hai trai một gái, đứa nào cũng lớn hơn chú nhiều.
Cả hội 4 đứa cùng trèo lên một cái dốc bằng gỗ trong sân chơi có căng một sợi thừng như kiểu leo núi. 3 đứa kia đi giày thể thao ma sát tốt nên bám thừng trèo lên thoăn thoắt, chỉ còn mỗi chú Bình Nguyên đánh vật mà ko thể trèo lên nổi. Mẹ đứng từ xa quan sát thấy chú cứ ngã oành oạch, ngã sấp, ngã ngửa, ngã vật sang một bên, hoặc lăn lông lốc từ nửa cái dốc xuống đất. Càng ngã thì chú lại càng cố hết sức để bám thừng đu lên. 3 đứa kia trèo lên được thì lại chạy vòng lại để trèo lần nữa, cứ diễu qua diễu lại làm chú Bình Nguyên càng khổ sở.
Tự nhiên 3 đứa kia bỏ cái dốc chạy biến đi. Là bố mẹ chúng nó gọi vì đã đến giờ về. Còn lại trơ khấc chú Bình Nguyên. Cuộc vật lộn của chú nãy giờ là để chứng tỏ cho bọn kia thấy chú quyết ko đầu hàng, giờ chúng nó đi mất rồi thì chú còn chứng tỏ cho ai xem. Thế là chú chạy ào đi tìm mẹ, khóc rất cay đắng “mamma, Lê cố lắm mà Lê ko thể làm được”. Mẹ chú bảo “làm gì có chuyện đó, con trai mẹ sẽ làm được. Đi với mẹ mẹ chỉ cho con”. Chú cầm tay mẹ quay lại cái dốc gỗ, vẫn khóc nức nở. Nhưng nghe lời mẹ bỏ đôi dép Crocs mòn vẹt đế  nên trơn tuồn tuột của chú ra là chú trèo lên được nhanh như khỉ ngay. Chú vui sướng vô cùng chú làm cho mấy chục vòng làm mẹ đứng chờ mỏi hết cả chân.
Với chú Bình Nguyên, bố chú là người-biết-hết-mọi-thứ, còn mẹ chú là người-có-thể-làm-được-mọi-thứ. Bất kỳ câu hỏi nào của chú bố chú đều trả lời được, từ trăng đến sao đến máy bay đến tàu thủy đến bóng bay đến kiến, và bất kể vấn đề nào của chú mẹ chú cũng giải quyết được, từ đói đến khát đến buồn ngủ đến buồn đái buồn ỉa đến sửa đồ chơi, thậm chí kể cả là ngứa đít, táo bón, sứt móng tay, nẻ mặt, ngã trầy đầu gối, hay trèo dốc gỗ như đã nói ở trên.
Nhưng mà kể chuyện trèo dốc gỗ để nói đến một chuyện khác. Mẹ chú ko biết rằng cái tính sĩ gái nó lại có trong gen di truyền. Hôm trèo dốc gỗ mà trong nhóm ko có một đứa con gái mà nó cứ lờ lớ lơ chú đi thì chú ko khốn khổ đến thế.
Bố chú cũng nào có khác gì, thấy gái một cái là cứ hoắng hết cả lên. Đang đi dạo trên quảng trường bình thường, tự dưng chắc liếc thấy có gái ngồi lố nhố, thế là bố chú trổ tài bay qua cột, kiểu bay như ngày xưa mẹ chú hay chơi nhảy vô. Chỉ tiếc rằng lúc bố chú thiện nghệ bay qua cột thì gái chả buồn nhìn, lúc bố chú đáp xuống đất ngã sóng xoài thì gái lớn gái bé quay ra ồ hết cả lên.
Còn đang đi dạo bãi biển, thấy từ xa có gái tiến lại là bố chú trổ tài trồng cây chuối rất điệu nghệ. Chả biết gái có phục tài trồng cây chuối của bố chú ko, chỉ biết rằng trồng cây chuối xong thì sái bả vai, khổ mẹ chú mấy ngày liền nghe bố chú than thở “I’m getting old”, mẹ chú lần nào nghe cũng phải phản đối lấy lệ “Nầu, you are not, what are you talking about”. Còn chưa kể ngày nào quên hỏi han cái bả vai sái thì lại bị càu nhàu là “em chả quan tâm đến anh gì cả”.
Còn có mặt gái là bố chú nhí nha nhí nhảnh hoặc hát rống lên thì là chuyện thường ngày ở huyện. Mỗi tội bố chú thường hát sai nhạc, có lần còn hát sai hoàn toàn đến mức hát đến hơn một phút quá nửa bài mẹ chú mới đoán ra bố chú đang hát bài gì. Và để giữ thể diện cho bố chú thì mẹ chú buộc phải nói thầm “anh yêu, em cho rằng anh nên dừng, anh hát hoàn toàn sai nhạc, thậm chí ko đúng một nốt nào”. Thế là bị bố chú dỗi luôn sau câu “em chả yêu anh gì cả”.
Chuyện bố con chú Bình Nguyên sĩ gái thì dài lắm kể ko hết.

Sunday, September 13, 2009

Căn hộ trên phố Luigi Bellotti Bon

Phố nhỏ rất yên tĩnh, rợp bóng cây, thuộc khu Parioli thời thượng ở Rome. Căn hộ của cô bạn bố Bình Nguyên cho cả nhà Bình Nguyên thuê ở tạm vài tháng với giá rẻ bằng nửa. Cô này cũng là dân ngoại giao, hiện đang đi nhiệm kỳ ở Paris.
Khu này toàn nhà đẹp, có cả vài đại sứ quán. Những ngôi nhà màu vàng, màu hồng, rất đặc trưng của Rome. Buổi sáng nhìn ra cửa sổ phòng ngủ thấy một cây thông xanh, một ngôi nhà màu hồng, và bầu trời xanh thẳm. Bầu trời Roman lúc nào cũng trong xanh. Buổi trưa có tiếng đàn piano vọng ra từ cửa sổ ngôi nhà bên cạnh.
Gần nhà là đại bản doanh của lực lượng Carabinieri, tức là một dạng cảnh sát, lúc nào cũng có hai chú carabinieri vác súng đứng giữa đường quan sát, chưa kể lúc nào cũng có vài sĩ quan từ doanh trại quân đội gần đó ra vào, và xe cảnh sát đi tuần. Các chú carabinieri rất thích chú Bình Nguyên, còn biết cả tên, vì mỗi ngày chú BN tung tăng đi học qua đó hai lần. Chỉ có điều lần nào bà Nuôi đưa đón thì các chú còn bắt chuyện với chú BN, chứ mẹ BN đi thì các chú chỉ nhìn trộm. Có lần về đến nhà bà Nuôi báo cáo “cái ông tướng đứng ở bên kia đường đó cô, cô cứ quay sang thì ông ấy lại quay đi, còn cô quay đi là ổng lại quay ra nhìn cô mãi”. Các cô giúp việc rất tinh mắt, ai nhìn ai là các cô ấy biết hết, chứ chính ra khổ chủ thì lại ko biết gì.
Trường học của chú Bình Nguyên chỉ cách nhà khoảng gần 10 phút đi bộ, rộng rãi và rợp bóng cây, trường Anh. Đi học về ngày đầu tiên chú đã tuyên bố “cái trường này đẹp, Lê thích”. Mẹ chú chắc chắn lý do chỉ là sân chơi của lớp chú BN có nhiều cầu trượt và xe ô tô chạy bằng chân cho chú tha hồ nghịch, chứ chả phải vì lý do cao sang gì khác. Buổi đầu tiên ngồi ngoài sân đợi chú học xong, mà chính xác ra là chơi xong, mẹ chú nghe thấy các cô giáo hò hét bọn học trò lớp lớn tinh nghịch bằng thứ tiếng Anh đặc giọng British mà thấy thú vị vô cùng. Cô giáo của chú Bình Nguyên có gương mặt nghiêm nghị, hơi khắc khổ, dáng điệu hơi stiff, rất đặc trưng của các cô bảo mẫu người Anh. Cô giáo kia trẻ, mặt rất xinh, người Boston, Mỹ.
Chú Bình Nguyên đi học mặc đồng phục áo trắng quần họa tiết tartan. May mà họ chưa bắt chú mặc váy kiểu Scotland. Chú là một học sinh ngoan. Buổi sáng trong khi các bạn khóc như ri theo bố mẹ thì chú lũn cũn tự xếp vào hàng, ngoái lại vẫy tay chào mẹ mồm cười rất tươi. Buổi trưa các bạn lại khóc như ri mặt mũi lấm lem quần áo xộc xệch, lắm bạn còn tè dầm ướt hết cả quần áo, thì chú Bình Nguyên nhảy ra chào mẹ vẫn nhanh nhẹn tươi tỉnh khô ráo như một con khỉ. Các cô giáo ở NYC bảo chú là một học sinh tuyệt vời, ngoan, thông minh, ko bao giờ đánh hay giành đồ chơi của bạn. Mỗi lần họp phụ huynh là một lần bố mẹ chú nở hết mặt mày khi các cô giáo ko ngớt lời khen ngợi.
Nhưng chú Bình Nguyên tuyên bố chú ko thích căn hộ số 1 phố Luigi Bellotti Bon. Chú chỉ mong chờ ngày được dọn về nhà mới. Một lần đến thăm căn hộ đang sửa dở dang, lúc về nhà chú bảo bà Nuôi “bà Nuôi ơi cái nhà nó dài như thế này này, có cả phòng cho Lê cả phòng cho bà Nuôi, giờ thì nó chưa đẹp nhưng các chú công nhân đang làm cho nó đẹp”.

Thursday, September 10, 2009

Bộ ngoại giao Ý



 

Bộ Ngoại Giao có rất nhiều hình thức trợ giúp cho các gia đình ngoại giao, ngoài việc cấp allowance cho vợ con khi ở nước ngoài. Ví dụ trong bộ có hẳn một văn phòng dành cho các bà vợ ngoại giao. Cô nào mới về Rome còn bỡ ngỡ có thể đến đó để hỏi những thông tin và nhận được những trợ giúp cần thiết.
Trong Bộ còn có một phòng khám đa khoa dành cho nhân viên và gia đình họ. Ngoài chuyện ốm đau vặt vãnh, các nhà ngoại giao và gia đình khi được điều đến một nước mới phải đến đó tiêm phòng, tiêm mũi nào là tùy tình hình nước sở tại đang có nguy cơ lây nhiễm bệnh gì. Các gia đình trở về từ nước ngoài cũng có thể đến đó để kiểm tra sức khỏe toàn diện.
Nhà mẫu giáo của Bộ dành riêng cho con các gia đình ngoại giao tốt nổi tiếng và chi phí rất thấp do đã được bộ đài thọ. Tiền đóng hàng tháng cho Lila học từ 8h sáng đến 3h chiều chỉ có 140 euro. Cũng may chứ nếu cả La cũng đi học trường quốc tế giống Lê thì chắc bố mẹ Lê La méo mặt.
Bên cạnh đó, chưa kể ngay trong Bộ đã có canteen miễn phí với đồ ăn rất healthy cho toàn thể nhân viên, Bộ có hẳn một câu lạc bộ gọi là Il Circolo trong một khuôn viên riêng biệt đầy hoa trái, cách Bộ khoảng 1km, dành riêng cho các nhà ngoại giao và gia đình họ. Đây ko chỉ là nơi giải trí mà còn là nơi các nhà ngoại giao và vợ mời bạn bè khách khứa. Ở đây có bể bơi người lớn, bể bơi trẻ em, bể bơi nào cũng có người trông giữ để đảm bảo an toàn, nhà hàng, quầy Bar, sân bóng đá, sân tennis, phòng thể dục và bãi cỏ rộng cho mọi người nằm phơi nắng. Đồ ăn khá ngon, healthy, rất rẻ vì chi phí đã được Bộ đài thọ. Đồ ăn healthy giúp các nhà ngoại giao và vợ duy trì dáng vóc gọn ghẽ. Các nhà ngoại giao thường đến tập trong phòng tập, hoặc bơi vài vòng quanh bể bơi, lên ăn trưa rồi quay trở lại văn phòng làm việc. Các bà vợ ngoại giao thì khỏi nói, bơi lượn, thể dục và ăn uống chán thì nằm tán gẫu ngoài bãi cỏ với bạn bè. Phí hội viên cho các gia đình ngoại giao chỉ khoảng 400 euro/năm cho cả hai vợ chồng, trong khi nếu các nhân viên thường muốn đến đó thì phải đóng mức phí gấp 10 lần.
Chính những đãi ngộ này làm việc relocation, tức là từ nước ngoài trở về Rome, đỡ khó khăn cho các gia đình ngoại giao, nhất là khi mức lương công chức của các nhà ngoại giao trong nước ko thể sánh được với mức lương bổng hậu hĩ ở nước ngoài. Ngoài ra, những tiện ích và trợ giúp của Bộ cũng đặc biệt cần thiết cho các bà vợ ngoại giao trẻ, những người buộc phải thích nghi với môi trường mới trong khi chồng làm việc từ sáng đến tối, con phải đến trường, ngôn ngữ mới, tập tục mới, thành phố xa lạ.
Haiz.

Friday, September 4, 2009

Good morning Roma!

Good morning Roma, đi đường mắt trước mắt sau nhìn ô tô và cứt chó. Sau đây gọi là CC vì oánh đi oánh lại mãi chữ cứt chó nghe rất khó chịu. 
Buổi tối ăn tối xong chàng rủ cả nhà đi dạo cho nho nhã. Vừa đi được vài bước dẫm luôn vào CC. Mà ko phải CC thường, CC ỉa chảy, đủ biết tình trạng thảm đến mức nào. Chuẩn bị mãi mới đi được, giờ lại bảo về ngay chắc Lê La khóc ngất ở ngoài đường mất. Đành nghiến răng đi dạo thơ thẩn mũi thoang thoảng mùi CC và tâm trạng sợ hãi CC dính vào dép rồi từ đó du lịch ra chân mình.
Hôm qua ăn mặc lếch thếch tóc vấn cao, một tay xách cái hộp đựng cái nồi mới mua, nách bên kia cắp cái khung phơi quần áo, đang trên đường về nhà thì thấy một cửa hàng trưng biển giảm giá đến 80%. Máu tham nổi lên, lon ton đi vào, khệ nệ đặt nồi và khung ngoài cửa. Vào bên trong, hai mợ già đỏm dáng chả chào hỏi gì, mắt nhìn mình trố thố lố như kiểu mày vào đây có việc gì. Người châu Á bên này chủ yếu dân Philippines, 99% là giữ trẻ, dọn dẹp hoặc trông người già. Mà nhìn mình thì ai cũng bảo là người Philippines, thế nên các mợ ấy ngạc nhiên cũng phải. Kinh nghiệm là cứ mặc thật đẹp, son phấn cẩn thận, mặt lạnh như tiền, chúng nó có đến xun xoe hỏi “chị có cần tôi giúp xem hàng ko” thì bảo “thôi kệ tôi, lúc nào cần tôi gọi”, vào xem xong đi ra có ko mua chúng nó cũng tưởng hàng của chúng nó bị mình chê xấu ko thèm mua. Chứ còn mặc bô nhếch mặt mũi thân thiện vào thì dù có mua chúng nó cũng vẫn cứ khinh khỉnh cho rằng cũng chỉ được một lần này mà thôi.
Dân Ý thuộc thể loại ăn như rồng cuốn nói như rồng leo làm như mèo mửa. Ra đường thấy trai gái đều ăn mặc chải chuốt. Con gái rất chú tâm mặc diện, son phấn ngất trời, còn có đẹp được hay ko lại phụ thuộc vào khiếu thẩm mỹ. Mình thì thuộc tuýp người tự do thích làm gì thì làm, thích ăn mặc kiểu gì thì ăn mặc kiểu đó, và đủ bất cần và đãng trí để ko mảy may để tâm đến kỳ thị. Thế nên là ta cứ bô nhếch tung tăng dạo phố xem thằng nào làm gì nổi ta.
Hôm qua thắng bộ đến trường học của con trai để làm nốt thủ tục trước khi nhập học. Chưa kể con số các anh nhìn lom lom hoặc cười cười làm quen chỉ trên đoạn đường chưa đầy 10 phút đi bộ, lúc về có một anh trẻ măng cứ đi theo lẽo đẽo hỏi hết câu nọ đến câu kia, theo vào đến tận chân cầu thang rồi mới tần ngần quay ra.
Nhà cửa trống trơn. Lê La tha hồ mà nghịch. Mình đi lại trong nhà thỉnh thoảng lại giật này mình vì hoặc là Lê hoặc là La nhảy ra từ một góc nào đó. Vừa từ trong bếp đi ra thì giật nảy cả người vì con gái thò cái đầu xoăn tít từ phía sau cột “bàu xét tê tê” tức là bausettete, tức là ú òa. Đi ra phòng khách thì giật nảy người vì con trai từ trong lò sưởi nhảy bổ ra “cou cou”.

Monday, August 24, 2009

Quả gáo



 

Hơn 9h tối, mình đang dọn dẹp trong bếp thì thấy bóng một thằng đi phăm phăm vào nhà, lướt qua phòng khách và vào thẳng phòng ngủ. Lại thằng bạn hẩu của chàng.
Lúc sau thấy nó trở ra “G mày có giấy báo ko?”. Chả biết nó có ý định gì nhưng cũng đi lấy cho nó một tờ báo cho xong chuyện, ko thì nó đi theo lèo nhèo nhức đầu. Nó chổng mông hì hục rải tờ báo cẩn thận trên mặt đất, rồi kê lên cái ghế, và gọi chàng ra. Lúc đó mình mới biết là nó và chàng đã thống nhất là nó sẽ cắt tóc cho chàng. Hèn chi buổi chiều đưa con đi cắt tóc mà nhất định giữ nguyên mái tóc dài thậm thượt của mình, hóa ra để dành về cho thằng bạn hẩu cắt.  
Thằng bạn hẩu chuẩn bị kỹ càng, luôn mồm trấn an mình “tao đảm bảo là nó sẽ hài lòng, mày nhìn đầu tao đây này, ngày nào tao cũng tự cắt tóc tao đấy”, vừa nói vừa chìa ra cái đầu trọc long lóc ra khoe. Mình bảo “thế nên tao mới lo”, nó giả vờ ko nghe thấy. Nó xoay đủ bốn phương tám hướng để tìm hướng cắt phù hợp. Chốc lại hỏi “G mày có lược ko, G mày có gương ko, G mày có làm thế nào để cái phích cắm này dài hơn được ko”. Quá nấu cháo rìu. Bạn nào ko biết điển tích điển cố này thì phải đọc truyện Nồi cháo rìu “Ngày xửa ngày xưa có một anh lính vừa đói vừa mệt gõ cửa một ngôi nhà nhỏ ở đó có một bà già sinh sống vv và vv”.
Dụng cụ chuẩn bị xong xuôi, nó lấy điện thoại bật bài Người thợ cạo thành Siberia thì biết rồi đấy. Nhạc nhẽo tưng bừng lên rồi nó mới xắn tay áo bắt đầu cắt, cái máy kêu xoèn xoẹt như tiếng cạo lông cừu. Mình ngồi xem chốc chốc lại ngó vào la hoảng “ôi mày cắt gáy chồng tao sao giống Linda Evangelista thế” (vì phần gáy nó cạo lên cao tớn, bằng chằn chặn và trắng tinh), hoặc “ô sao phần đằng sau giống ruộng bậc thang thế này” (và được nghe nó giải thích là tại đầu chồng mày lồi lõm nên nó mới chỗ cao chỗ thấp thế chứ tóc tao cắt thì bằng), hoặc “mày cắt thế này thì ngày mai chồng tao chả cần đội mũ “ (vì toàn bộ phần dưới thì ngắn còn phần trên lại xòe ra như tán cây kơ nia). Chồng mình ngó vào gương và hai thằng bắt đầu vặc nhau ầm ĩ.
Đến đoạn này thì mình hết kiên nhẫn, bỏ đi tắm. Lúc tắm xong ra thấy đầu chồng mình gần như bị cạo nhẵn thín còn mỗi cái chỏm lơ phơ và đã có thêm một thằng khác mang dụng cụ đến tiếp sức vì dụng cụ kia bị hết pin. Thằng bạn hẩu liên tục khuyến khích thằng mới đến “mại dzô” nhưng thằng đấy cũng khôn, nhất định ko chịu nhảy vào cắt cùng sợ trách nhiệm. Đã hai tiếng đồng hồ trôi qua, dự định ban đầu là cắt đi một tý thôi nhưng cuối cùng đã thành húi trọc sau mấy lần cắt hỏng.
Nửa đêm, hai thằng vẫn loay hoay thằng chổi thằng xẻng quét và hót tóc. Chàng đi vào phòng ngủ với cái đầu trọc lóc như quả bưởi, vẫn còn cố hỏi vợ “anh có đẹp ko em?” vợ bảo “dù sao tâm hồn anh cũng đẹp”, rồi nghĩ một lúc ko nhịn nổi đành đì đọt “thế này thì những cô bạn gái cũ của anh nhìn thấy anh chúng nó sẽ mừng là ngày xưa đã từ chối lời cầu hôn của anh” và bị chàng sửng cồ "làm gì có chuyện cầu hôn, toàn anh bỏ chúng nó thì có". Tuy nhiên mình còn sửng cồ hơn, mình bảo "gì thì gì giờ nhìn thấy anh thể nào chúng nó cũng thương hại em". Chàng đi ngủ mặt hằm hằm "làm gì mà to chuyện, mấy ngày nữa nó lại bình thường chứ gì".
May mình tỉnh táo và cứng rắn, hôm trước thằng bạn hẩu nằn nì xin mình cắt tóc cho chú Bình Nguyên mình kiên quyết từ chối.
Kể thêm, hôm gặp anh chồng anh ấy bảo “thằng đấy cũng gạ anh để nó cắt tóc cho, anh bảo nó thôi để tao về thợ cắt tóc quen của tao cho chắc”. Mình gật gù khen ngợi “anh thật là một người đàn ông sáng suốt”. Mấy hôm sau, chồng đầu đã trọc tếu còn lấy mũ lưỡi trai ra đội. Mình vốn ghét mũ lưỡi trai đành phải “(ngọt nhạt) anh ơi, có phải anh nghĩ anh là đại mỹ nhân đẹp quá phiền phức nên phải cố hết sức để tự làm mình xấu đi ko? ( rồi đổi giọng) Bỏ ngay cái mũ lưỡi trai ra”. Thế là đành bỏ cái mũ lưỡi trai, mặt mũi tiếc rẻ, và dỗi mình đâu mấy tiếng gì đó.
Câu chuyện đau lòng này xảy ra hơn một tuần nay rồi. Chiều nay chồng về thành phố để mai đi làm, vợ nhìn đầu chồng thấy vẫn như quả gáo.
Mình xin các bạn đừng hỏi ảnh. Xấu chàng hổ ai, khổ lắm.