Sunday, May 31, 2020

Lan man

Ở Ý có một vùng chuyên trồng một loại hành củ nổi tiếng vì cực ngon, là vùng Tropea của Calabria. Hành Tropea giòn, ngọt lịm, và đặc biệt ăn sống không bị cay và hăng chảy nước mắt như các loại hành tây thường gặp, ăn xong hơi thở cũng không bị mùi hành nồng nặc. Con mình bình thường đồ ăn có hành tây là bịt mũi hoặc lọc ra, thế mà từ hồi ăn hành sống ở Tropea thì cứ ấn tượng đòi mẹ tìm mua tiếp mãi. Tiếc là từ đó đến nay chẳng có dịp nào gặp lại loại hành củ thuôn dài, màu tím đỏ trứ danh của Tropea nữa. Hành này ngon và nổi tiếng đến mức hàng năm có cả lễ hội hành, cho thực khách ăn hành và mua hành thả xăng. Cuối xuân đầu hạ, hành tràn ngập phố phường, cả củ tươi vừa thu hoạch lẫn củ khô đã tết thành từng chuỗi rất đẹp mắt. Dân Ý làm việc thì vớ vớ vẩn vẩn nhưng ăn uống thì sành khỏi nói.
Đang định mùa hè cho lũ con vào trại hè vui chơi và hai vợ chồng lái xe từ Bắc xuống Nam, lang thang ăn uống ngắm cảnh ở bất kỳ nơi nào thích, lên núi ăn nấm, xuống biển ăn hải sản, qua vùng quê thử rau trái, thấy nơi nào có cái gì đẹp đẹp thì mua chất lên xe, tỉ như vài món đồ gốm, hoặc hành tỏi ớt cà chua tết thành từng xâu mang về treo trong bếp cho đẹp, thì đùng cái dịch bệnh nổ ra. Toàn thế giới ngăn sông cấm chợ, tất cả mọi thứ đều trở nên bấp bênh. Mình vốn là người quen lập kế hoạch rõ ràng mà giờ đến cả kế hoạch tuần sau cũng không lập được, đừng nói tháng sau. Đành cứ ngồi đây trông con học và cho con ăn hàng ngày, dọn dần đồ đạc trong nhà, và mơ một ngày sẽ lại được tự do bay nhảy khám phá, người với người không phải nhìn nhau nghi ngại qua lớp khẩu trang.
Ý đã chính thức gỡ bỏ phong tỏa được 1 tuần. Thế là dân Ý lại được ôm nhau. Phong tỏa suốt hơn 2 tháng, bao nhiêu doanh nghiệp và cá nhân khốn đốn, thế mà chúng nó chỉ lo bao giờ lại được ôm nhau. Mấy ngày nữa lệnh cấm di chuyển giữa các vùng cũng sẽ được gỡ bỏ, và đến giữa tháng 6 thì hy vọng sẽ mở biên. Mấy tháng đóng cửa như thế, nền kinh tế bị tàn phá khủng khiếp lắm. Hiện giờ vẫn còn quá sớm để nói biện pháp phong tỏa nghiệt ngã của các nước châu Âu thì giúp ứng phó với dịch tốt hơn hay thả nổi cho đạt miễn dịch cộng đồng như Thụy Điển tốt hơn. Nhưng có một điều chắc chắn, là nửa vời như nước Anh là kiểu ứng phó với dịch dở nhất. Thả không ra thả, xiết không ra xiết, làm gì cũng lần chần không tới. Đúng kiểu nửa đái ra quần, nửa phớt Ăng lê.
Ảnh: hết tháng 5, hoa hồng cũng đã tàn tự bao giờ. 

P.S: Nhận được tin bố bạn mất. 2 ngày mới quen được với sự thật. Ký ức tuổi trẻ như một khu rừng già, tự dưng trống hoác ra một khoảnh. Bác như một cây cổ thụ cao lớn, lạc quan, vững chãi, làm điểm tựa cho những người xung quanh. Bác là người một buổi chiều đã dẫn mình đi bộ xuyên cái ngõ nhỏ tí dài hút trong khu Văn Chương, ra đến chợ cóc gần Quốc Tử Giám, để gửi gắm mình cho ông sửa xe đạp quen tên Sơn. Ông Sơn ngồi ngay trước cổng một trường học nào đó mình không còn nhớ tên. Mình vẫn nhớ trước khi quay về để mình lại cho ông Sơn, bác dặn dò ông ấy “Nó sinh viên nghèo, ông sửa cẩn thận đừng lấy đắt của nó”.
Bác cũng là người cứ thỉnh thoảng mình đến chơi lại ra kiểm tra xe đạp của mình xem có non lốp, đảo lốp hay hỏng phanh không.
Thuở đó, nửa thích rong chơi, nửa thèm hơi ấm gia đình, mình đóng đô ở nhà lũ bạn. Học, ăn, tâm sự, tán gẫu. Chỉ thiếu mỗi ngủ.  
Ôi những tấm lòng tử tế đã giúp tôi đi qua những tháng năm vất vả.
Ký ức tuổi trẻ như một khu rừng già, đầy màu sắc, hương thơm và những thanh âm yêu mến. Cứ nghĩ rừng già sẽ luôn ở đó, cổ thụ cũng luôn ở đó. Cứ nghĩ mình cứ đi xa thỏa thích, lúc nào rảnh lúc nào mỏi chân thì về, rừng già và cổ thụ vẫn còn ở đó không thể mất đi đâu được…

Sunday, May 24, 2020

May in, May out

Đến giờ ăn bữa phụ buổi sáng, con Na nhảy chân sáo ra cầu thang, líu lo “Na đi ăn kem”. Nó có cốc kem hôm trước đã lấy ra định ăn thì mẹ nó không cho ăn vì gần tới giờ cơm nên nó đành để tạm vào trong tủ đá. Nó nhảy chân sáo xuống cầu thang, mình đi theo sau mấy bước. Nó đi trước nên không nghe thấy thằng anh giọng ồ ồ đắc chí nói vọng theo “Tao ăn mất rồi”. Chỉ mấy giây sau, mình nghe tiếng nó khóc ré lên. Chắc đã mở tủ đá ra và thấy cốc kem đã không cánh mà bay. Nó tức tốc chạy ngược trở lại, tiếng khóc lóc kể lể tru tréo nhỏ dần theo từng bước nó bành bạch đi lên cầu thang. Rồi chỉ mấy giây sau mình đứng trong bếp nghe thấy tiếng thằng anh la làng. Em mới chả ún lại đánh anh rồi.
Thằng anh thì đang vào tuổi ăn như thuồng luồng rắn ráo, gặp món vừa mồm là ăn thủng nồi trôi rế. Mình hôm nọ phải vào trong kho đồ ăn đích thân mang túi bả chuột đi vứt. Sợ thằng con trong một cơn háu ăn mò vào đó lục lọi, nhìn thấy túi bả chuột lại tưởng túi kẹo thì chết dở. Mà nó có ăn nhỏ nhẹ từng viên như con nhà người ta đâu để thấy không ngon thì nhè ra kịp, nó toàn dốc tuột cả túi vào mồm một lúc, lúc hiểu ra cơ sự thì e đã quá muộn.
Sau hơn 2 tháng cặm cụi ngày nào cũng phục vụ các bữa chính và phụ cho mấy cái tàu há mồm, đến hôm nay thì tui tự hỏi lương khô bán ở đâu để tui đi mua về tích trữ trong nhà. Đứa nào kêu đói tôi quẳng cho một thanh thế là xong chuyện.
Trong một diễn biến khác, ngài đã mấy lần gạ vợ chúng mình làm nốt cái nhà, chẳng là trong vườn còn một căn nhà nhỏ, muốn cải tạo thành mấy phòng ngủ, mà vợ ngài nó chỉ nói ngắn gọn “Em không làm nhà với anh nữa”. Ai phải làm chung với người chỉ mải ngủ, ăn, chơi, tán phét và o bế xe cộ, còn mình thì nhiều việc đến mức không ngẩng mặt lên được, cả ngày chỉ chạy chứ không đi theo đúng nghĩa đen, và làm xong phần mình phải nghiến răng dốc sức làm nốt phần của cả người chỉ giỏi chuyện ruồi bâu hoa thơm bướm lượn hoa không thơm là bướm lảng kia, thì sẽ hiểu nỗi khổ của tui. Điên nhất là lúc giục mãi thì không làm, đến lúc mình tức quá tự làm lấy hoặc gọi thợ đến làm thì còn bị ông vừa đi mất mặt ở đâu về hoạnh họe “Mày gạt ông ra mày tự quyết định lấy hả, nhà này của cả ông chứ của mỗi mày đâu”. Thế cho nên cái nhà nhỏ cứ để hoang thế trong vườn cho cổ kính, nhóe.  

Tối hôm nọ đi ngủ đến nơi rồi ông còn nổi máu nghệ sĩ chân tay vung vẩy luyên thuyên về một tác phẩm sắp đặt. Văn hóa tây không quen chê, bố mẹ chỉ có khen con, nên con nảo con nào lớn lên cũng tưởng mình tài năng nguy hiểm. Ông chồng mình cũng luôn cho rằng nếu không bận làm nghề ngoại giao thì giờ này ông ý phải là nghệ sĩ hoặc đạo diễn thành danh òi. Ý tưởng lần này là chọn 1 cái cây trong vườn, sau đó làm 1 cái khung bằng sắt hoặc gỗ tái chế, cho cái cây nằm giữa cái khung tạo thành một bức tranh cây siêu to khổng lồ. Đã thế lại cứ lải nhải không tốn tí tiền nào đâu. Mịe nghe đã thấy nhảm. Thấy thái độ mình ừ hử nhạt nhẽo, lão đổ quạu bảo tâm hồn nghệ sĩ của lão cứ bị con vợ kéo ghì xuống đất.
Còn từ hôm qua lão lại lên cơn say thiết kế. Lần này là thiết kế giá sách. Mình đang túi bụi nấu ăn mà lão cứ mè nheo nào thước kẻ nào bút chì cho lão thiết kế. Mải thiết kế đến giờ ăn gọi mãi không xuống. Quá nửa đêm vẫn ngồi loay hoay thiết kế không chịu đi ngủ. Sáng tinh mơ đã thấy trở dậy mang giấy bút thước vào giường tiếp tục thiết kế. Từ sáng đến tối luôn mồm bàn chuyện thiết kế.

Mình thì đầu óc đang ngổn ngang trăm mối. Nhà cửa cũng bắt đầu ngổn ngang cái phải bỏ đi, cái phải bán đi, cái phải cho đi, cái chuẩn bị đóng container chuyển về Ý. Hôm qua phải kiểm kê đồ trong tư dinh đại sứ, mất mấy tiếng đồng hồ mệt phờ cả người mà vẫn chưa xong. Còn tâm trí nào mà tiền hô hậu ủng những ý tưởng trái khoáy tối kiến nhiều hơn sáng kiến của ông.

P.S: Tất cả rồi sẽ qua. Thương lắm. Không giận. Không giận.

Monday, May 11, 2020

Cho ta nương nhờ chút thở than

Hồi đại dịch mới bắt đầu hoành hành ở Ý, trên mạng đã lan truyền một status đại ý lương trả cho cầu thủ bóng đá hàng chục triệu euro, còn lương bác sĩ và các nhà khoa học thì bèo bọt, vậy bây giờ bảo cầu thủ bóng đá đi mà chữa dịch. Câu ghép đôi so sánh hơi khiên cưỡng nhưng cũng có điều đáng suy ngẫm trong đó.
Nói chuyện lương lậu, mình rất nhớ một lần phải lên phường xin xác nhận gì đó, khoảng năm 2005. Tiếp mình là một cậu công an trẻ, gầy gò, nhẹ nhàng thân thiện. Đọc hồ sơ của mình xong, cậu ấy hỏi, vẻ ngài ngại vì câu hỏi hơi riêng tư nhưng kiểu tò mò quá không hỏi không chịu được, “chị làm cho nước ngoài thế chắc lương cao lắm chị nhỉ? Chắc phải được đến 1 triệu ý chị nhỉ?”. Nghe cậu ấy hỏi mà mình phải ngồi một lúc rồi mới trả lời được “Vâng, cũng được khoảng thế, anh ạ”. Lúc đó lương mình cao gấp mười mấy lần như thế, cộng cả những việc mình nhận làm thêm thì phải gấp mấy chục lần như thế.
Rồi mình cứ nghĩ mãi về điều đó. Nếu 1 triệu là mơ ước của cậu ý, thì chắc lương của cậu ý chỉ được vài trăm nghìn. Rồi phấn đấu, thậm chí đấu đá, mãi mới được lên chức, vài năm lương lại tăng thêm được vài chục nghìn…
Hồi mới học xong đại học, trải qua bao nhiêu vòng sát hạch mới được trường giữ lại làm giảng viên. Thế mà chỉ vì một câu kháo nhau của bọn bạn “trong trường đấu đá nhau kinh lắm, để giành suất đi học nước ngoài” mà mình bỏ luôn. Tưởng môi trường giáo dục là đơn thuần nhất mà còn thế. Quyết định của mình khiến mẹ mình, nhất là bác mình là cô giáo dạy toán ở một trường cấp 3, thất vọng lắm. Giảng viên đại học, mà lại là đại học Ngoại thương, bao người muốn chẳng được, nhà mình được lại còn không muốn.
Sau đó mình còn có ý định thi vào Bộ Ngoại giao để trở thành nhà ngoại giao. Thế mà lại nghe “trong Bộ đấu đá nhau kinh lắm…”, cũng thôi luôn. Con người mình đơn giản, chỉ muốn đi làm kiếm tiền bằng kiến thức thực lực của mình, không muốn bận đầu óc vào những việc đấu đá tranh giành mánh khóe nọ kia của người đời. Nhưng mình có nhiều lựa chọn. Trên đời đâu phải ai cũng có nhiều lựa chọn như thế. Có những người bỏ nghề, ra khỏi ngành, là đâu còn lối đi nào dưới chân.
Mình nghĩ những ngành nghề cơ bản như giáo viên, công an, bác sĩ, các nhà khoa học, lương phải ở mức đủ để cho họ sống trong sạch được với nghề. Nghe những chuyện bác sĩ đi trực ca mười mấy tiếng tiền bồi dưỡng chả đủ ăn bát phở, mà ngành nghề của họ phải học hành gian khổ mới thành được, mà xót. Hoặc cậu công an có khi phải bỏ dở bữa ăn để đi trấn áp tội phạm mà lương có vài trăm nghìn kia, nghĩ mà xót. Biết đâu tất cả bọn họ đều xuất phát là những người có lý tưởng, muốn làm nghề tử tế. Nhưng lương không đủ sống, thì người ta làm nghề tử tế làm sao?
Thỉnh thoảng mình vẫn nhớ tới cậu công an phường kia. Mình vẫn thế, vẫn rụt rè lớ ngớ mỗi lần phải tới chốn công quyền. Còn cậu ấy, vẫn gầy gầy, nhẹ nhàng thân thiện với dân, rụt rè ngại ngùng khi hỏi một câu tế nhị, hay đã trở thành một chú công an bụng phệ, mặt bóng mỡ, điệu bộ hách dịch, quát dân sang sảng và vòi vĩnh xin đểu như một lẽ dĩ nhiên phải thế?
Có lẽ trong xã hội này, tất cả chúng ta đều có lỗi trong sự sa sút đạo đức của nhau. Có lẽ rụt rè lớ ngớ là một biểu hiện của may mắn, của một số ít những người được bao bọc không buộc phải lớn lên hay xấu đi vì cơm áo gạo tiền.

P.S Có một buổi sáng thức dậy, nhìn thấy tin nhắn, giụi mắt mấy lần tưởng đọc nhầm. Rồi muốn quay lại giường ngủ lại, coi như vừa gặp ác mộng, để đến khi thức dậy lần nữa mọi thứ vẫn tốt đẹp như cũ.
Tự dưng cứ nghĩ về chữ duyên. Rằng mọi mối quan hệ trên đời này từ vợ chồng con cái đến anh chị em bạn bè đều vì một chữ duyên mà đến. Có thiện duyên và ác duyên. Thiện duyên là để trả ơn. Đời trước ta làm việc tốt, đời này họ đến tìm ta để trả ơn, làm cho cuộc đời ta nhẹ nhàng, vui vẻ, nương tựa. Ác duyên là để trả nợ. Đời trước ta làm việc xấu, đời này họ đến tìm ta để đòi nợ, làm cho ta khổ sở điêu đứng.
Mà nếu như vậy, ngay cả khi có thiện duyên vẫn phải cẩn thận. Hưởng phúc nhưng phải tiếp tục sống tốt, nếu không đến lúc hết phúc thì chả còn lại gì. Và ác duyên thực ra lại là cơ hội, phải cám ơn người vì ác duyên mà đến, bởi họ cho ta cơ hội trả nợ. Trả sớm thì hết sớm, lần lữa mãi nợ vẫn còn đó chứ có tự hết đi đâu.
Ghi lại, để một thời gian đủ lâu sau nhìn lại xem mình đã vượt qua giai đoạn này như thế nào. Với người tu luyện, bất kỳ sự việc nào xảy đến đều là một khảo nghiệm. Phải nhớ phải nhớ.