Thursday, June 30, 2022

30/6/2022

Cậu làm vườn cũ nhắn tin. Từ khi mình rời châu Phi cậu ý nhắn tin lần này đã là lần thứ bao nhiêu. Mới đầu chỉ là madam ơi chúng tôi nhớ madam. Lần cách đây hơn tháng cậu ý kể bị kết thúc hợp đồng, xin mình giúp vì đang khó khăn. Mình nghe xong để đấy. Dân ở đấy bao giờ chả khó khăn. Nhưng lần này cậu ấy bảo mấy đứa con phải nghỉ ở nhà vì không còn tiền cho đi học…

Hồi mình còn ở đấy, biết lương cậu này rất thấp mà mình không can thiệp được, tháng nào mình cũng cho cậu ấy tiền. Chưa kể còn hướng dẫn cậu ấy cách đi đứng bưng bê phục vụ để mỗi lần nhà có events lớn là cho cậu ấy làm thêm thay vì gọi phục vụ ở ngoài. Mình cũng biết mình đi là cậu ấy sẽ đói.

Có những người chủ có thể tiền chùa thì tiêu vô tội vạ, nhưng tiền từ túi của họ thì lại là chuyện khác. Có những người chủ có thể vung vãi phung phí cho bản thân họ, nhưng lại không xì nổi một xu cho người làm. Có những người chủ lúc nào cũng tình thương mến thương khen ngợi niềm nở, nhưng bằng giá nào họ cũng phải được phục vụ đầy đủ, còn nhân viên sống chết mặc bay không phải việc của họ. Có những người chủ lúc nào cũng bắt lái xe phải trong tình trạng chủ gọi lúc nào phải sẵn sàng lúc ấy, từ 7h sáng đến 10h đêm, không cần quan tâm đến việc lái xe ăn nghỉ thậm chí đi vệ sinh vào lúc nào.

Mình thì không làm như thế được. Ngay từ đầu ngày mình đã thông báo lịch làm việc của cả ngày, đầu bếp phải nấu món gì hoặc mấy giờ phải vào bếp phụ mình, trông trẻ mấy giờ phải đón trẻ và phải làm việc đến mấy giờ, lái xe cần phải lái lúc nào và đi đâu, vv và vv, cho họ được chủ động sắp xếp giờ ăn nghỉ của họ. Chưa kể còn những vấn đề kiểu họ ốm, người thân họ ốm, cưới hỏi ma chay thậm chí sắm sửa cho con cái vào năm học mới, ngày nào cũng có việc phải để tâm đến. Đi xa về thường phải tha lôi quà cáp. Rồi lễ tết cũng đều phải phong bì thậm chí giỏ quà cho họ. Giỏ quà không bao giờ mua sẵn mà lúc nào cũng là mình tự tay chuẩn bị, đảm bảo cho vào những thứ thiết thực với họ nhất. Nhiều lúc mệt cũng muốn hê hết, nhưng biết là họ mong mỏi lắm nên lại cố. Có lần họ vui mừng với giỏ quà Giáng sinh madam tặng đến nỗi họ lên nhà xếp hàng để cám ơn. Mình vô tình quay ra thấy một hàng người tối rầm rầm đang đứng nhìn chòng chọc thì giật nảy cả người tưởng họ lại cãi nhau lên nhờ mình phân xử.

Hồi ở châu Phi, thường là mỗi năm một lần, sau khi xong hết các nhiệm vụ của năm và trước khi đi nghỉ, mình sẽ tổ chức liên hoan cho hội người làm. Nói là tổ chức chứ mình chỉ đưa tiền, họ muốn làm gì thì làm. Họ thích lắm, fufu party trở thành sự kiện họ mong chờ suốt năm. Họ tíu tít phân công nhau đi chợ, rồi người đội từng thúng sắn về, người đội từng thúng thịt về, người mang rau tới. Đứng trên nhà ngó xuống dưới sân thấy họ cười nói rổn rảng nói thật cũng thấy vui vui, dù nhìn cảnh họ đồ sắn rồi bắt đầu cho vào cối giã cho từ bở tơi biến thành dẻo quánh, phải giã tay hàng tiếng như thế, mồ hôi văng tứ tung, cả mẹt sắn to tướng cuối cùng co lại thành một vốc tròn tròn bé tí, thấy thán phục cái công họ bỏ ra để ăn uống. Mà đâu có phải giã không thôi, một người giã còn một người phải liên tục thò tay vào trộn, thần kỳ làm sao không giã vào tay nhau. Chứ giã vào tay nhau một cái thì cái thân già nào phải mang họ đi bó bột các cụ tự đoán. Chẳng hiểu sao họ không ăn luôn sắn vừa đồ cho nhàn. Chả biết ăn vào được bao nhiêu chứ sức lực đổ ra để giã còn quá tội. Mà cái vốc sắn dẻo tròn tròn đó, nhìn bé thế thôi chứ lợi hại vô cùng. Cỡ mình ăn một rẻo bằng hai đốt ngón tay là cả ngày khỏi ăn gì khác.

Niềm vui của họ thô sơ đơn giản. Ăn no xong họ nhảy múa hát ca hoặc kiếm chỗ nào đó lăn ra ngủ hoặc cãi nhau. Mười mấy người trong nhà thô sơ đơn giản như thế, chỉ nói không thế này thì không thể kể hết sự mệt mỏi.

Quay lại chuyện cậu nhân viên cũ xin tiền, lại phải nhờ ngài xác minh rồi chuyển cho cậu ta một ít. Cũng chỉ là trì hoãn cơn đói của gia đình cậu ta thêm một thời gian. Và chỉ một lần thôi.

Không thể đặt tất cả vấn đề của người khác lên vai mình, phải vậy không…

Ảnh: đã chăm chỉ đi bơi hành xác chục ngày nay. Đi ngoài đường bị một ông da đen chặn lại hỏi "Chị người châu Phi à?" 🙄. Ngài mà nhìn thấy con vợ đi lượn với cái túi mở toang hoác thế kia thể nào ngài cũng xạc cho một trận. Xạc đi. 

Thursday, June 23, 2022

Chuyện hạt



Bạn đến chơi, mang cho một mớ hạt. Có thời gian một cái là bày hạt ra ngắm. Tầm này thích hạt cây hơn hạt xoàn, thế mới hay.

Hồi bé, mỗi mùa hè, mẹ sợ tôi lêu lổng suốt ngày giang nắng bắt chuồn chuồn bọ ngựa cào cào châu chấu rồi vừa gầy vừa đen tính tình như con trai và vào năm học mới đầu óc lại trắng phớ như tờ giấy nên bắt tôi vác sách sang học ở nhà cô giáo hàng xóm. Chả thích học, chỉ thích giúp cô chú bóc lạc. Lạc từng bao đổ ra, dùng cái kẹp sắt kẹp toách một cái, hạt lạc từ trong cái vỏ khô lăn ra rông rổng, chỉ một chốc đã vun thành đống to. Cái thích thứ hai là được ngồi học dưới giàn mướp xanh rượi, vừa râm vừa mát, ngồi tí là mắt ríu lại. Lá mướp ráp ráp, những quả mướp non có gân sần sần lủng lẳng cong queo trên đầu, hoa mướp vàng rực thu hút rất nhiều ong mật và bọ rùa. Tôi chả nhớ lũ bọ rùa làm ăn gì ở đấy, chỉ nhớ lũ ong hút mật xong chui ra, đầu chân cánh bụng lấm lem toàn phấn vàng của hoa mướp. Cứ mường tượng chui vào nằm hẳn trong một bông hoa mướp như thế chắc là thích lắm. Nhiều lúc cứ nhớ nhớ cái màu vàng ám ảnh đó. 

Tôi thích xôi gấc. Quả gấc nếp bổ ra, thơm thơm, ruột đỏ ối, trộn với gạo nếp thật mẩy. Ăn xôi vớ được cái hạt là tỉ mẩn lấy răng cào cào lớp màng bao ra ăn, bùi bùi béo béo, đến tận khi cái hạt sạch bong nhẵn thín mới thôi. Bây giờ ngồi nhìn hạt gấc, tui đã mường tượng cả giàn gấc trĩu quả, đĩa xôi gấc thơm lựng và món sinh tố gấc mật ong mát lạnh. Sinh tố gấc mật ong là tôi hóng trên mạng chứ tôi chưa thử bao giờ. Đã có cụ nào thử món này chưa? Có ra gì không hay lại là một trong các món các con giời giảm cân làm đẹp tâng bốc lên tận giời nhưng đụng tới thì…éo giề thà bà tiếp tục xấu còn hơn phải uống cái của nợ nài???

Tôi vẫn luôn luôn mơ ước có một cây mít. Nhà tôi chỉ có mình tôi ăn mít. Lũ kia ngửi mùi mít chạy mất dép. Tính tôi lại cả thèm chóng chán nên chắc chỉ ăn được vài múi là quăng đấy. Nhưng chưa chi tôi đã tưởng tượng cảnh mình bắc cái ghế đẩu ngồi thu lu ở cổng đợi lũ cừu đi qua mời chúng nó ăn xơ mít vỏ mít, hoặc vác một túi xơ mít vỏ mít đi vào làng để hối lộ lũ dê và bò. Đường đi dạo trong làng đi qua rất nhiều những khoảnh sân khoảnh vườn bò dê gà ngỗng chăn thả tự do. Thấy có người đi qua là chúng nó hiếu kỳ chạy xô lại hàng rào hóng hớt. Có đoạn còn có một con chó rất thân thiện. Thấy người đi qua là nó nhảy vút cái qua luôn bức tường, chạy theo vẫy đuôi đòi được gãi, trong tiếng sủa óc óc bất lực và ghen tỵ của những con còn lại không nhảy qua được. Người gãi nó vài cái rồi đi tiếp, nó lại chạy theo nằm lăn quay ra trước mặt để được gãi tiếp. Cứ thế bao giờ nó thấy đủ xa thì tự động chạy ngược trở lại, lại nhảy vút qua bức tường để vào nhà.

Cây phượng vĩ mọc trong sân một xí nghiệp, giữa xanh rì cỏ cây. Xí nghiệp nằm bên bờ sông, cổng lúc nào cũng đóng im ỉm, có ông bảo vệ hắc xì dầu ngồi canh, cứ nhìn thấy lũ trẻ con chúng tôi là đuổi quầy quậy. Từ bốt bảo vệ có một bức tường chạy dốc xuống tận mép nước. Mùa nước lên, một phần bức tường ngâm trong nước. Muốn đến được cây phượng mà không bị ông bảo vệ phát hiện, sẽ phải lần xuống bờ sông, tùy tình hình nước cao thấp mà sẽ quyết định lội vòng hay bơi qua chỗ bị bức tường chắn, rồi lần mò song song với mép nước thẳng tới bậc thang đá. Lội thì còn đỡ vì chỉ việc xắn quần, chứ bơi là cả vấn đề vì không cởi quần áo, làm ướt bẩn quần áo thì tối về ăn đòn, mà cởi quần áo thì chả nhẽ đoạn sau đó trần như nhộng trèo cây? Chưa kể đoạn sông vì có bức tường chắn nên rong và bèo hay tụ lại, có bèo có rong thì lại có đỉa. Chết đuối có khi không sợ nhưng lại sợ đỉa. Rồi vượt qua cái đoạn tưởng rất cam go đó thì đoạn sau lại còn cam go hơn, là đoạn leo lên cây để hái hoa hái quả. Vì đứng chon von trên cái cây cao như thế mà rung mà bẻ, kiểu gì không bị ông bảo vệ thì cũng bị một nhân viên xí nghiệp phát hiện ra ngay. Và vì toàn người trong làng nên phụ huynh do vậy cũng được cấp báo ngay, chiều về là ăn roi nát đít. Cây phượng vĩ vì vậy được yên thân với lũ trẻ con chúng tôi. Cả mùa hè nó là một cái tán đỏ chói, cánh hoa rụng hồng cả những bậc thang đá dẫn xuống bờ sông phía dưới...

Bao giờ tôi sẽ có cây mít quả lúc lỉu từ gốc tới ngọn, giàn mướp giàn gấc quả xanh quả đỏ treo lủng lẳng lố nhố và cây phượng vĩ tán đỏ chói cánh hoa rụng hồng cả thảm cỏ bên dưới, hả các cụ???

Video: vườn ở châu Phi, một ngày mưa. Có lần nghe mình hát, một con chim lập tức bay tới  đứng trên cây quác quác phụ họa. Cứ mình hát thì nó quác quác, mình ngừng thì nó cũng ngừng. Có lẽ hôm đó mưa to quá nên nó không tới??? 

Wednesday, June 15, 2022

Linh tinh

Con bạn nhắn tao đang ở câu lạc bộ, mày đến không. Thế là đã xách túi chuẩn bị đi chợ lại quyết định tót qua chỗ nó.  

Con bạn đang chuẩn bị đi nghỉ hè. Muốn có beach body nên từ hơn tuần nay ngày nào cũng canh ty ở câu lạc bộ từ sáng tới chiều, hết bơi lại phơi nắng phơi nắng xong lại bơi, ăn cầm hơi, rượu không đụng đến một giọt. Đang ăn cọng bánh mỳ que rau ráu mà nghe nói bánh mỳ que này còn béo hơn bánh mỳ thường thế là quẳng luôn. Mình đến, chị gái đang nằm úp để phơi nắng cho rám mông. Nó nằm ngoài nắng, mình ngồi trong râm, tán chuyện rào rào. Được một lúc nó rủ đi bơi. Bảo tao không mang đồ bơi. Nó khăng khăng tao có một bộ dự trữ. Bảo thôi tao mặc bộ của mày không vừa rồi lúc bơi lại rơi lúc nào không biết. Nó bảo không rơi được, mày thắt dây đến lúc nào vừa thì thôi. Bảo thôi nước lạnh lắm tao không bơi được. Cứ lý do lý trấu thoái thác thế chứ thực ra thành Rome mới đầu tháng 6 mà đã nóng như rang. Hè năm ngoái, liên tục gần 2 tuần ngày nào mình cũng bơi 1km, thấy thân hình ngon nghẻ hẳn lên. Nhưng giờ nghĩ lại chuyện ngày nào cũng phải hành xác cả tiếng, lóp ngóp bơi qua bơi lại động tác y như nhau chán ngắt chứ nào phải biết bơi nhiều kiểu phong phú, thế là lại dẹp luôn ý định.

Hai đứa đang tán chuyện rào rào thì một chị bạn của nó đến, làm mình đang nhấp nhổm định đi lại phải ngồi nán lại. Cuối cùng nhìn đồng hồ, ối mẹ ơi, co cẳng chạy ra chợ. Vừa chạy ra chợ một cái thì lại gặp chị bạn hơn chục năm nay không gặp, thế là lại bị níu lại thêm chập nữa. Hối hả mang đồ về đến nhà, cuống quýt bật bếp nấu bữa trưa. Định đi một tiếng mà cuối cùng tút cho hơn 3 tiếng. Ngài đói quá mặt dài như cái bơm. Lại làm mình nhớ tới mụ Bất trong tác phẩm Những thiên đường mù. Nhà có giỗ, các nguyên liệu chính đã đủ chỉ còn thiếu vài món rau dưa gia vị. Chồng mụ Bất cử mụ ra chợ mua. Mụ đi mút chỉ. Khách khứa đến ngồi đợi đầy nhà mụ vẫn chưa ló mặt về. Chồng mụ sốt ruột chạy ra chợ tìm, bắt quả tang mụ đang quỳ trước hàng bánh đúc. Chồng mụ uất quá ngã lăn đùng ra đất giẫy giẫy. Được cái chồng mình chỉ mặt mũi thiểu não nhào vào mấy cái túi đi chợ xem có món gì ăn được ngay thì lôi ra ăn luôn chứ không càu nhàu con vợ mải chơi câu nào.

Ngài nghỉ làm ở nhà, buồn mồm ra mở tủ lạnh xoành xoạch. Trong khi mình và Lê Na chỉ ăn khi đói thì ngài và con La ăn luôn mồm ngay cả khi không đói. Ai lại vừa ăn bữa trưa no kềnh xong mà nó lại tiếp tục mở tủ lạnh lấy táo ra ăn. Ăn xong quả táo to tướng lại bốc một bát tô cherry mang ra ăn tiếp. Ăn xong cherry nó lại tiếp tục lôi cà chua bi ra ăn. Và lúc mình quay lưng đi vào phòng một cái là nó tức tốc đi làm bánh ngọt, nghe tiếng máy đánh trứng bật xè xè là mình hiểu ngay cơ sự. Nó nướng cái bánh xong, bánh vẫn còn bốc hơi nghi ngút nó tức tốc lẻm luôn hơn một nửa, nhanh như cắt như thể sợ bị mẹ họ lại. Còn non nửa kia ăn hết nổi nó vứt tơ hơ ngay trên bàn bếp. Ăn xong bánh, chưa kịp thở, nó lại tiếp tục lấy táo và cherry ra ăn tiếp. Lúc đó là gần 6h chiều và nó đã ăn luôn mồm từ hơn 2h trưa. Mình phải quát lên nó mới tẽn tò lủi vào phòng nó, lúc sau chui ra tuyên bố nó phải đi tập gym. Thế là cái thân già lại phải hằm hằm chở nó đi tập gym cho tiêu lượng đồ ăn nó đã nạp vào. Nó tập ở trong, mình ngồi ở ngoài đợi, trời thì nóng hầm hập ra. Trong thời gian hai mẹ con vắng nhà, thằng bố đã kịp phát hiện non nửa cái bánh ngọt trên bàn bếp. Không hỏi của ai, cũng không cần kiểm tra xem có phải bả chuột không, lão chén sạch. Nó đi tập gym về, hỏi bánh La đâu. Bảo chỉ có thằng bố mài ăn chứ không ai vào đây, mài đợi lão đi đá bóng về mài hỏi. Hai bố con ăn luôn mồm nên lúc nào cũng âu sầu lo béo. Riêng chuyện đón đưa, ngồi đợi, rồi giặt quần áo tập quần áo đá bóng và ngồi nghe than thở vụ béo cũng đủ làm mình thở hắt ra.

Cả tháng sáu bạn bè mình đi nghỉ hè hết, còn mình sẽ phải chôn chân ở Rome canh nó thi. Nó thi cuối cấp mà suốt ngày chỉ ăn hoặc nằm ườn nghịch điện thoại hoặc ngủ lơ mơ nước dãi chảy tè le, hoặc học được 2 phút nghỉ giải lao nửa tiếng. Không vì nó có cái má quá mềm quá mọng hôn quá thích thì đảm bảo nó đã bị ăn roi rất nhiều lần 💓💓💓.

P.S: con bạn mình thì vừa bơi vừa nhịn ăn vừa phơi nắng để có beach body, mình thì đã chả thể dục thể thao gì thì chớ lại còn ăn xôi liền tù tì cho mấy ngày. Định nấu ít ít cho hai mẹ con ăn mà cuối cùng thấy chỗ nếp còn lại ít quá nên đổ vào nấu nốt, thành ra một nồi bọng. Con La đã thế lại còn đi chơi với bạn nên tóm lại cả nồi xôi to có mình mình ăn vật vã. Bỏ đi thì tiếc mà ăn xong chỗ này thì phải biết. Nhất là mấy hôm nay đang lười, ăn xong lại nằm khểnh lướt net.

Ảnh: lão gọi với qua cửa sổ “Em yêu, anh phần em cơm đấy”. Mình nghe thế thì yên tâm ngồi chơi với con mèo Fufu ngoài vườn. Lúc đói bụng mò vào bếp, nhìn âu cơm lão phần mà tí ngã ngồi ra sàn nhà. Phần mới chả phò 🙄.

Wednesday, June 8, 2022

8/6/2022

Chuyện kể rằng có một anh được phân một vai trong một bộ phim. Vai rất phụ, chỉ có mỗi một phân cảnh có tiếng súng nổ cái đùng, và anh chỉ phải nói mỗi câu “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây”.

Được phân vai dù là rất phụ, anh sung sướng lắm. Từ đó anh về nhà và bắt đầu chăm chỉ thực hành, ngày này qua ngày khác.

Đi chợ, anh thực hành “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây”

Nấu ăn, anh cũng thực hành “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây”

Tối xem TV, anh vẫn thực hành “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây”

Trước lúc đi ngủ, anh cũng thực hành “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây”

Thay quần áo, anh lại thực hành “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây”

Thậm chí vừa tắm anh cũng vừa thực hành “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây”

Tóm lại thực hành mọi lúc mọi nơi.

Ngày quay phim đến, anh tự tin vào vị trí. Mọi người vì biết anh tay ngang nên tỏ ý lo lắng, anh bảo đừng có lo, tôi thực hành nhiều lắm rồi. Đạo diễn yên tâm hô “Roll camera. Roll sound”. Ngay lập tức có tiếng súng nổ cái đùng, đúng như kịch bản. Anh nghe tiếng súng thì hoảng hồn, và thay vì nói câu thoại “Tôi nghe có tiếng động nhỏ đâu đây” đã thực hành suốt cả tháng qua thành như cháo chảy thì anh lại tru tréo “ối giời cái éo gì thế” :-)))))))

Hơn tháng trước con Na về nhà tự hào tuyên bố nó đã được chọn vào đội chạy tiếp sức cho Đại hội thể thao ở trường. Từ đó, mỗi chiều và mỗi tối mình phải bấm bụng ngồi nghe nó thao thao bất tuyệt kể chuyện nó phải khỏe thế nào, chạy nhanh như nào, fit như nào, tóm lại là ưu tú như nào, mới được chọn vào đội chạy tiếp sức mỗi lớp chỉ lấy một người, không như con chị đi đứng khụng khiệng làm cái gì gắng sức cũng thở dốc của nó như nào. Mình vẫn nhớ hồi còn ở nước ngoài, cứ lần nào có Sports day là con La lại phải chơi trò nhặt khoai tây vốn là trò của lũ trẻ con mẫu giáo, tức là đứa lớp trên nào phải kém thể dục lắm mới bị phân vào môn của lũ mẫu giáo như này. Thế mà con gái cưng của mình TÁM NĂM LIỀN đều phải nhặt khoai tây như thế. Mình thú thật là sau năm thứ 8 thì mình cho nó ở nhà. Trước đó, mỗi lần nó năn nỉ xin ở nhà trốn Sports day trốn potato picking mình đều không đồng ý. Mình bảo “Nếu phải nhặt khoai tây thì mài sẽ nhặt khoai tây, có vấn đề gì đâu”. Nhưng mường tượng ra cảnh nó học cấp 2 to đùng ngã ngửa, lại phải thi nhặt khoai tây với bọn trẻ con mẫu giáo bé bằng nửa, thì giống tranh đả kích quá, nên mình đành nhượng bộ. Mà hình như nó vào đội nào thì đội đó cũng không thắng thì phải. Mình đoán thế vì chưa bao giờ thấy nó khoe nhặt khoai tây thắng cả. Sau đó nó có thử sức trong lĩnh vực chạy 100m, chạy xong lăn ra ngất. Sau đó nó lại thử sức tiếp trong lĩnh vực bóng chuyền, bị quả bóng bay vào mặt ngã lăn chiêng khóc nhè ngay giữa sân bóng. Từ đó đến nay đi học về nó lại nằm dài trên giường như thường lệ.

Lại quay lại chuyện con Na được chọn vào đội chạy tiếp sức, sau hơn một tháng kể lể, cuối cùng thì Sports day cũng đến. Buổi sáng, nó tíu tít chạy qua chạy lại chuẩn bị rậm rịch hoan hỉ lắm. Buổi chiều nó về nhà, mặt sưng lên một đống.  

Hằm hằm ăn xong đĩa đồ ăn mẹ chuẩn bị, nó mới bắt đầu khóc bù lu bù loa.

Hóa ra lúc cả đội đã đứng vào vạch xuất phát, thầy giáo bắn một phát súng lệnh, con ai chạy thì chạy, con tui nghe tiếng súng to quá thì giật mình, khóc ầm lên quên cả chạy. Tức là đã chuẩn bị tinh thần và thể lực rất kỹ trong suốt một tháng qua nhưng lại quên biến là có tiếng súng chỉ thiên. Bọn bạn chạy lên trước hết, con mình khóc một lúc mới nhớ ra phải chạy, nên quả cũng cố gắng chạy cho đủ lệ bộ, vừa chạy vừa khóc và cuối cùng là ẵm huy chương đồng. Nghe xong mình liên tưởng ngay tới cái chuyện ở trên nhưng cố lấy giọng ôn tồn an ủi “huy chương đồng trong tổng số 12 người thi thì cũng đâu có tệ”. Nó ngừng khóc quay ra lườm bà mẹ kiến thức thể thao bằng 0 của nó “Có 3 đội, mỗi đội 4 người, không thì bà tiếp sức cái kiểu giề”. Ờ nhẻ, tao quên là chạy tiếp sức chứ không phải chạy đơn. Con mẹ vẫn cố an ủi “thì đội của con về bét nhưng không có nghĩa là cả 4 chặng đều về bét, đúng không”. Nó bảo chặng nào cũng về bét hết. Đến lúc đó thì mình nhịn không nổi nữa, ôm bụng cười sằng sặc. Và từ đó đến tối, cứ nhìn thấy cái mặt vẫn xị ra một đống của nó một cái là mình lại không nhịn nổi cười.

Mẹ trêu thế thôi chứ mẹ thích em bé của mẹ quá đi mất. Phải khóc nhè thế mới thấy vẫn còn là trẻ con, chứ bình thường đòi mua áo vừa hai dây vừa hở rốn, xem những video tik tok nhảm nhí, hát nhạc não tình và lý luận như bà cụ non làm mẹ lại cứ tưởng con gái mẹ lớn mất rồi 💓💓💓💓💓