Monday, July 17, 2023

Edelweiss, edelweiss, every morning you greet me...

Nhân dịp em Nhi hỏi chuyện ứng xử văn phòng thì mình kể lại một chuyện cũ. Hồi mình còn đi làm, mỗi lần sếp mình đi nghỉ thì lại phó thác mình cho một chị người Úc. Chị này không phải sếp của mình mà là sếp bên dự án. Các tổ chức phi chính phủ thường có các dự án khác nhau, mỗi dự án là một sếp, còn bên văn phòng thì là sếp tổng. Mình là trợ lý của sếp tổng.

Sếp đi nghỉ một cái là chị ý lập tức giao cho mình một đống việc. Nhiều việc chị ấy giao, nói thật quá trộn gạo với đỗ vào bắt Tấm nhặt. Nhưng bảo mình thì mình làm, cũng không ý kiến ý cò gì. Ai dè sếp về, gọi mình vào bảo “K bảo tao mày không làm những việc nó giao, thậm chí còn không trả lời email của nó”. Mình ngỡ ngàng. Việc gì chị ý giao mình cũng làm rồi phản hồi lại, mà chưa làm được cũng email bảo chị cho tôi thêm thời gian. Hay mình nhầm lẫn sai sót ở đâu?

Chẳng bao lâu sau, sếp mình lại đi nghỉ. Lần này mình rất cẩn thận, chị ấy giao việc gì mình cũng làm ngay lập tức rồi kiểm tra rất kỹ các email gửi đi. Ai dè sếp về vẫn gọi mình vào “K bảo tao mày không làm những việc nó giao và không trả lời email của nó”. Mình vẫn nghĩ chắc vô tình nhầm lẫn hay hiểu lầm ở đâu đó thôi, lần sau mình phải cẩn thận hơn. Mà nhà chị kia rất lạ, đi qua đi lại chỗ mình suốt, cười nói ngọt ngào không thấy phàn nàn gì, hỏi nhận được thư chưa bảo nhận được rồi. Thế mà sếp về lại hót với sếp mình như thế???

Đến lần thứ 3 đi nghỉ về sếp lại gọi mình vào quở trách thì mình chịu hết nổi. Mình bảo thẳng sếp “Việc nào K giao tôi cũng làm, email nào tôi cũng trả lời. Tôi không hiểu tại sao K lại phải bịa đặt như vậy?”. Dường như chỉ đợi có thế, sếp cười phá lên làm cho một tràng “Mày không hiểu thật à, Giang? Nó ghen tỵ với mày. Mày trẻ đẹp như thế, bọn đàn ông xếp hàng cho mày chọn. Còn nó, chẳng kiếm được ai, phải cặp bồ với một thằng bé 18 tuổi người Thailand...”.

Chuyện chị kia có thằng bé bồ người Thailand mình cũng đã nghe các chị trong văn phòng nói. Nói thật mình nghe xong cũng bỏ đấy quên luôn. Việc riêng của chị và nó, nó thì đã đủ tuổi, hai người thấy được là được chứ người ngoài có gì phải suy nghĩ nhiều. Còn việc chị ý ghen tỵ với mình như sếp nói thì quả thật mình chả nghĩ tới bao giờ. Một mợ đâu như 40 hay 50 ghen với một con bé ngoài 20, thật sự chứ ế có khi không phải tại xấu mà là tại dở người.

Quay lại chuyện đang kể dở, sếp làm một tràng xong, nhìn nhìn mình thăm dò phản ứng. Mình tỉnh bơ nhìn lại sếp, không nói gì, nhún vai đi ra khỏi phòng. Sếp ngồi chưng hửng.

Thật ra sếp chẳng định mắng mỏ gì mình, chỉ là sếp mang chuyện về muốn kích mình, muốn thấy phản ứng của mình, rồi thầy trò chụm đầu bàn tán sôi nổi cái chuyện chị kia già muốn hói đầu mà phải bao nuôi thằng bé đáng tuổi con. Mình chả nói lại sếp câu gì vì chả nhẽ lại nói ông đã biết động cơ bịa đặt của nó là ghen tỵ vậy sao không cảnh cáo nó mà lại mang những lời bịa đặt của nó về làm phiền tôi. 

Trên đời có những người như ông sếp của mình, họ không cần biết ai đúng sai hay dở, họ chỉ cần có trò cho họ xem. Biết thế để thích nói đến đâu thì nói, không thích thì thôi. Nói ít thì thị phi có ít đi không? Chưa chắc đã ít đi. Có khi chả nói gì nhưng thị phi vẫn bủa vây. Bủa vây thì bủa vây, ngồi nhìn thị phi bủa vây và cười hihihi. 

P.S 1: nói thật chứ mình mà già và lại kém sắc như chị kia, lại tìm được thằng bé trẻ khỏe đẹp trai chịu theo phục vụ, thì mình mừng húm tranh thủ tận hưởng chứ chả mất thời gian đi kèn cựa bịa chuyện khó chịu với người dưng làm cái giề. 18 chứ có phải 81 đâu ơ kìa.

P.S 2: miền nam Âu đang bị đợt nóng kinh hoàng. Thành phố nóng hầm hập. Lên núi tránh nóng mà hóa ra núi cũng nóng như cái lò rang. Nóng thế này bọn bò gặm cỏ ngoài trời có thấy nóng không nhể??? Thật chứ thời tiết cứ tiếp diễn như này thì châu Âu chả cần ai đánh cũng tự tan, dần dần thành hoang mạc hết.

Ảnh: con đường mòn ngoằn ngoèo lên núi nhìn qua thấy thơ mộng mà nhìn kỹ toàn phân bò là phân bò. May phân bò khô chứ ướt thì chắc cũng chả dám lê guốc qua. Ngài than thở con vợ ngài trong mọi sự tại sao nó không bao giờ đi được đôi giày hợp hoàn cảnh. Nài, trên đời không có khái niệm wrong shoes, chỉ có wrong situations thôi, hiểu chửa. Lên núi tranh thủ tìm edelweiss mà chả thấy. Trên các rặng núi sát biên giới Ý Áo mới thấy edelweiss. 

Monday, July 10, 2023

11/7/2023

Thằng bé gọi tôi. Nó cứ hỏi đi hỏi lại “...would you help?”. Việc của người lớn, không hiểu sao nó cứ suy nghĩ lẩn thẩn lo lắng. Nó làm tôi nhớ tới tôi. Hồi bé tôi cũng hay suy nghĩ lẩn thẩn lo lắng những việc của người lớn như thế.

Hồi bé, tôi ở với bác và bà ngoại trên Hà nội. Bố mẹ tôi ở Phủ Lý. Vài tháng một lần bà ngoại tôi lại đi xe khách về Phủ Lý một lần. Bà góp họ nên về lấy như nào đó tôi cũng không rõ. Bà về còn để lấy tiền mẹ tôi gửi mang lên Hà nội góp tiền ăn với các bác và đóng học cho tôi. Hồi đó làm gì có chuyển khoản ngân hàng nhanh veo véo như bây giờ đâu.

Tôi thường mong ngóng bà quay lại. Thỉnh thoảng bà sẽ mang theo thư tay mẹ tôi viết. Lũ em tôi thì mải chơi, chúng chẳng bao giờ viết thư cho tôi. Nhưng ngồi say sưa nghe bà kể chuyện chúng nó là cũng đủ mường tượng. Bà còn hay mang đu đủ từ dưới Phủ Lý lên. Cây đu đủ tôi trồng từ một cái hạt. Thực ra không phải tôi cố tình trồng mà chỉ là ăn xong vứt hạt ra vườn, hạt tự mọc thành cây, đứng cạnh bể nước mưa. Chẳng tưới bón bao giờ mà cây cho quả sai trĩu trịt, rất to và ngọt. Mỗi lần về bà hay mang lên Hà nội vài quả đu đủ chín cây. Những chuyến xe chen chúc ngột ngạt khiến cho đu đủ tới nơi luôn bầm dập, nhưng không hề gì, nó vẫn siêu to và siêu ngon. Cây đu đủ cứ sai quả từ gốc tới ngọn, quả siêu to siêu ngon như thế đến tận khi một cơn bão làm nó đổ ngang. 

Góc vườn nhà tôi còn có một cây trứng gà. Nó đứng nép vào một góc giữa nhà tôi và nhà bác hàng xóm. Giờ nghĩ lại thấy nó cũng ngon ngọt, nhưng hồi bé tôi lại ruồng rẫy nó, chỉ vì có lần đang ăn thì thằng hàng xóm bảo trông như ăn cứt. Hồi bé tôi hay dao động chứ không kiên định bướng bỉnh như lúc lớn lên.

Quay lại chuyện tôi ngóng bà quay lại mang theo thư của mẹ tôi, bà còn mang theo những câu chuyện về bố mẹ tôi, hai thằng em trai tôi, con chó con mèo của tôi, chuyện cây cối trong khoảnh vườn bé như chiếc chiếu, chuyện vài người hàng xóm…

Chỉ có điều bà hay thở dài và bảo “Mẹ mày túng lắm cháu ạ. Tháng này lại không có tiền đưa bà…”.

Mãi sau này bố mẹ tôi mới sa sút chứ hồi đó, so với mặt bằng chung xã hội nghèo khổ đói ăn, bố mẹ tôi rất khá. Bố tôi là cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm, có thời gian còn thấy cả ô tô con đưa đón. Mẹ tôi làm kế toán ở một cửa hàng xây dựng làm ăn phát đạt. Thời đó, xã hội có gì bố mẹ tôi có đầu tiên. Nhà mái bằng, xe máy, áo lông, quạt trần, nồi áp suất, đài cassette. Trong nhà tôi có căn buồng nhỏ nơi mẹ cất trữ các loại thực phẩm trong từng bình vò chum vại và hòm lớn. Tôi còn nhớ từng bó quế dài mẹ cất trong hòm, rất thơm và rất cay. Thỉnh thoảng tôi lại lẻn vào bẻ một thanh, vừa để nhá cho vui mồm vừa để chia với lũ bạn hàng xóm. Mỗi tết mẹ tôi gói hàng chục chiếc bánh chưng luôn luôn bị quá to vì nhiều thịt nhiều đậu và sên mứt dừa, mứt cà rốt, mứt cà chua, mứt bí, mỗi thứ một chậu to tướng. Làm sao bố mẹ tôi nghèo được.

Là mãi sau này lớn lên tôi mới biết, đặc biệt sau một lần tình cờ, mẹ tôi bảo “tháng nào mẹ cũng gửi bà tiền ăn cho con”. Nhưng lúc còn trẻ con, nghe bà nói tôi chỉ thấy lo thắt ruột. Có lẽ bà không muốn tôi cậy bố mẹ dư dả mà trở nên kiêu căng, đòi hỏi, học hành chểnh mảng, nói không nghe lời.

Nhưng có lẽ bà không biết những lời bà nói khiến đứa trẻ con chả biết gì là tôi buồn bã thế nào. Nhiều giờ ra chơi, bạn bè chơi đùa vui vẻ, tôi ngồi buồn so, lo nghĩ vẩn vơ, sợ em thiếu thốn, sợ mẹ vất vả quá lại đánh mắng em. Rồi cái mặc cảm bố mẹ không có tiền gửi nuôi tôi khiến tôi chẳng dám cả gắp thức ăn trong bữa…

Cậu tôi không ít lần phải cảm thán "trẻ con gì mà mặt cứ khó đăm đăm".

Tôi không trách bà vì những tháng ngày buồn bã. Bà muốn tốt cho tôi, ngày đó người lớn quan niệm yêu cho roi cho vọt. Vả lại, cuối cùng thì, cũng nhờ những buồn bã đó, lớn lên tôi luôn có thể giảm nhu cầu vật chất của mình xuống mức tối thiểu, cho khỏi phải cảm thấy cần kíp điều gì. Tôi ăn ít, ngủ ít, đồ dùng lâu hết và ít hỏng, không có nhu cầu trưng trổ, không thèm thuồng cái gì của ai. Nhờ vậy tôi tránh được rất nhiều rắc rối…

Tôi bảo thằng bé “Cháu cứ học hành chăm chỉ, ngoài giờ học thì giúp việc nhà, sau đó chơi đùa vui vẻ với bạn, đừng nghĩ chuyện của người lớn”.

Nó ở xa tôi quá, nếu không tôi sẽ rủ nó đi chơi. Sẽ nói chuyện ngô nghê như nó, với nó. Việc của người lớn kệ mọe người lớn, việc của trẻ con là vui. Không vui lúc này thì còn vui vào lúc nào nữa chứ. Càng trưởng thành những niềm vui càng khó đến. 

Ảnh: hoặc hơi tí cũng đủ vui. Ví dụ như khi thấy dây mướp lên. Viễn cảnh bắc võng đọc sách dưới giàn mướp cùng lũ chuồn chuồn là có thật, các cụ ạ. Mỗi tội ở chốn nhà quê nhà cún chỉ thấy mỗi chuồn chuồn ngô chứ chưa thấy con chuồn chuồn ớt nào.