Wednesday, July 24, 2019

Đời sinh viên hoa mộng

Một buổi chiều rảnh rỗi ít bài tập, bèn vác quyển sách và hai quả đào ra quảng trường đẹp nhất thế giới ngồi bệt ăn đào đọc sách. Đang há mồm ngoạm khí thế vào quả đào thì phát hiện có con chó ngồi gần đó cứ nhìn mình hết sức trìu mến. Nó say sưa nhìn mình ăn đào đến mức chủ nó phát ngại phải giật giật sợi dây và hỏi nó cả đào mày cũng muốn ăn à.
Chén hết một quả, mình hăm hở mở túi lấy nốt quả thứ hai. Liếc sang con chó, nó vẫn đang nhìn mình say mê trìu mến, một chân lại thấy nhấc lên kiểu dợm dợm định chạy tới. Mình đành phải ăn uống rón rén nhỏ nhẹ chứ không dám ngoạm khí thế nhai rau ráu nghiến ngấu như trước.
Mỗi ngày 4 tiếng hành xác và hai tiếng đi bộ dưới nắng. Không hiểu ngày xưa mình làm thế nào mà học xong mười mấy năm từ phổ thông lên đại học. Mà thôi, hành xác thế này để biết yêu quý thực tế là tuy hơi già tí nhưng không phải lê xác đến trường học hành thi cử như bọn trẻ con. Chứ không lại suốt ngày chì chiết chúng mày chỉ việc ăn với học sướng bỏ cha không khổ như tao trăm nỗi lo toan.
Mình nhớ hồi học thi bằng lái xe, suốt nửa năm không chịu học, ngày thi đến sát đít mới cuống cuồng mở quyển sách dày cộp ra. 3h sáng vẫn ngồi học thu lu. Gần sát ngày đẻ, đi khám định kỳ, huyết áp lên tới 220, bác sĩ hoảng quá suýt giữ lại trong bệnh viện. Đành phải thú thật là tôi đang học thi căng thẳng quá nên huyết áp cao chứ không bệnh tật gì đâu, bác sĩ cho tôi về tôi còn thi lấy bằng nếu không mất tiền học phí. Hôm thi, mình đang đứng đợi đến lượt thi thì bị một ông già chống gậy đi ngang qua trỏ gậy mắng cho một trận té tát vì tưởng mình mới 18 tuổi mà đã vác cái bụng bầu to tướng. Khổ xung quanh mình toàn bọn 18, 19 tuổi nên ông ý mắt kém tưởng mình cũng 18, 19 tuổi nốt. Lúc đến lượt mình thi thực hành, vừa trèo vào xe, thầy chấm thi đã thờ ơ hỏi “Bao giờ cô đẻ?”. Sau câu trả lời cũng thờ ơ “Ngày mai” của mình ông ý sợ quá xua tay rối rít “thôi lái đi lái đi” và sau 5 phút đã cho mình đỗ luôn, chắc sợ mình căng thẳng quá đẻ rơi ra xe thì phiền. Chả bù mấy đứa choai choai bị quần cho 20 phút 30 phút vẫn trượt :-)))))))
Cứ dính đến sự học hành là đời éo le thế.

Về nhà, mở “Đâu phải bởi mùa thu" ra nghe. Giờ mình nổi hứng ca Đâu phải bởi mùa thu thì dân tình đang đi dưới đường có gọi lính cứu hỏa không nhẻ? Thôi, cẩn thận vẫn hơn.
Bèn hát Nỗi nhớ mùa đông. Một ngày nhiệt độ lên tới 40 độ, 7h tối vẫn nắng chết cha, gác xép áp mái nóng như nung, Nỗi nhớ mùa đông nhẽ hợp.

PS: Đang ngồi tự dưng nghe thấy tiếng xèo xèo rào rào, nghĩ bụng “Bọn công ty vệ sinh này hâm à, giữa trưa nóng chảy mỡ đi quét đường”. Là mình đang tưởng cái xe tải quét đường có 4 cái chổi tròn tròn gây nên tiếng xèo xèo rào rào ở trên. Ngồi viết blog thêm một lúc nữa thì nhảy dựng lên. Ối, không phải xe tải quét đường, mẹ ơi, là nồi bí xào của em đã cạn nước và đang cháy. Thế là bữa trưa có món bí xào nâu nâu. May nó mới cháy vừa chứ cháy thui là thôi khỏi ăn. Cách đây hơn chục hôm, vui mồm trót ăn một lúc hai cốc chè bánh lọt gì đó, hôm sau soi gương thấy thân hình phùng phèo rõ trạc tứ tuần U50. Sợ quá lại quay lại ăn rau trường kỳ, chả dám đụng đến đồ ngọt nữa. 

Thursday, July 18, 2019

Gác xép áp mái


Hồi bé, đọc những câu chuyện do các tác giả châu Âu viết, không hiểu sao cứ ấn tượng với những gác xép áp mái, nơi những sinh viên nghèo, họa sĩ nghèo, nhà văn nghèo, thuê ở vì rẻ. Vì phải leo cầu thang, mùa đông lạnh, mùa hè nóng, trần thấp tè, nên rẻ. Bây giờ, đi qua các thành phố của châu Âu, lúc nào cũng ngửa cổ ngắm gác xép áp mái, tự nhủ ở trên đó chắc thích lắm. Căn phòng nhỏ, chỉ có mình mình với cái cửa sổ.

Từ trước hè, con vợ ngài đã tuyên bố “Cho trẻ con vào trại hè rồi em đi học. Anh đi đâu thì đi”. Thế là nó thuê một gác xép áp mái nhỏ tí trong trung tâm thành phố để sống lại cảm giác sinh viên. Có chồng con quây quần thì cũng thích nhưng mèn ơi, ở một mình cũng có cái thú riêng. Đồ của mình để đâu ở nguyên đấy, không ai đụng tới. Quần áo chả có gì mà giặt. Nhà cửa sạch nguyên không phải lau dọn. Ăn ngày một bữa, còn lại qua quýt xong thôi, đâm ra bát đĩa cũng chả có gì mà rửa. Đi chợ mua có tí đồ, ăn vật vã mấy ngày không hết. Thế là tự dưng có cả ngày rảnh rỗi. Lâu lắm rồi mới có lại cảm giác thong thả, chỉ đi học rồi về nhà ngủ hoặc làm những gì mình thích.
Gác xép áp mái thấp tè, nhỏ tí, leo cầu thang muốn xỉu, nhưng có những ô cửa sổ xinh xinh. Chủ nhà mở cả cửa sổ trên mái nên căn hộ ban ngày toàn ánh sáng tự nhiên rất thích. Buổi tối, tiếng ồn ào huyên náo của dân tình đi dạo tán gẫu dưới đường vọng lên tận cửa sổ đến quá nửa đêm, thấy mình chả liên quan nhưng cũng vui.
Buổi đi học đầu tiên, vừa ra khỏi nhà đang định lăng quăng đi ăn sáng rồi đi học là vừa, đang túm một anh lại hỏi đường thì một chị đi qua dừng lại, nhìn mình lom lom “Em là G hả?”. Mình ngớ ra, hóa ra chị ấy chính là cô giáo. Thế là mình đành phải lon ton đi theo chị ý đến lớp, chả dám tạt ngang tạt ngửa như ý định ban đầu. Học đến quá trưa, bụng réo loạn xạ. Chị ý lại hỏi “Em có muốn đi về cùng tôi không?”, bảo “Không”. Lại hỏi tiếp “Mai em có muốn mình đi bộ đến lớp cùng nhau không?”. Bảo “Không” nốt. Học 4 tiếng một thầy một trò đã bỏ mịe tui, lại còn được cô giáo dìu dắt quãng đường đi 2km, về 2km, thì chắc tui bỏ học luôn.
Đi nghỉ hè, cho con vào trại hè, cho chồng đi phượt, còn bản thân thì cắm mặt vào học. Có ai thân lừa ưa nặng như tui?

P.S Nhưng bây giờ thì gác xép áp mái khác hẳn rồi. Điều hòa có nên đông hè nóng lạnh không thành vấn đề. Thang máy có nên cao mấy cũng không thành vấn đề. Chưa kể ở trên cao, trên đầu chả có ai, chả phải nghe tiếng bước chân của người ở tầng trên, lại có thể dùng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên. Nhiều người có tiền, có đầu óc, mua liền một lúc mấy căn gác xép áp mái kề nhau, phá tường làm thành một căn hộ rộng với view thành phố và ban công toàn hoa cực đẹp. Những căn penhouse như vậy thành ra lại đắt tiền nhất trong tòa nhà. Ai cứ sang Paris, London, Rome, New York, thì sẽ thấy. Chủ của các căn penthouse, toàn tỉ phú triệu phú chứ ít tiền chả với được tới gác xép áp mái.

Wednesday, July 10, 2019

Chuyện nhà người ta


Mình biết một chị, ly dị chồng năm hơn 50 tuổi. Ly dị, anh chồng phải xách vali đi, để lại nhà cũ cho chị ý và hai con. Chị ý không cho chồng cũ lấy đi bất kỳ thứ gì trong nhà, mặc dù ngôi nhà toàn là đồ đạc anh ý được thừa kế từ bố mẹ. Lý do chị ý đưa ra là không muốn bất kỳ sự xáo trộn nào ảnh hưởng đến con. Ý là thiếu cái tranh trên tường cũng có thể khiến con bị trầm cảm hay sao đó. Động đến quyền lợi trẻ con là pháp luật đứng hoàn toàn về phía chị ý. Thế là anh chồng, chủ nhân của ngôi biệt thự xinh đẹp trong thành phố cùng toàn bộ nội thất sang trọng, phải đi thuê một căn hộ bé xíu tạm bợ  ngoài ngoại thành, phải mua lại từ cái bát cái đĩa trở đi.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, hai đứa con đã đủ 18 tuổi từ lâu. Theo luật, đủ 18 tuổi là bố hết nghĩa vụ chu cấp. Nhưng pháp luật vốn nhân từ, đủ 18 tuổi nhưng chưa kiếm được việc thì bố vẫn phải nuôi và vẫn phải để nhà cho con ở. Hai đứa con học hành chả ra sao nên dĩ nhiên là thất nghiệp, anh kia lại tiếp tục gò lưng nuôi. Tệ nhất là mấy năm sau con kiếm được việc làm cũng giấu không cho bố biết, để tiếp tục nhận chu cấp và ở nhà của bố. Chưa kể, cạch mặt bố từ hồi bố mẹ ly dị nhưng cứ có việc gì cần tới tiền là cũng chẳng nói chẳng rằng gửi hóa đơn cho bố trả, ngoài khoản tiền chu cấp hàng tháng. Bố hỏi hóa đơn phẫu thuật này là phẫu thuật gì, con bảo phẫu thuật gì là việc riêng của con không phải việc của bố! 
Lại nói chuyện chị mẹ, chẳng bao lâu sau khi ly dị chị ý đã kiếm được người yêu. Hai người có vẻ hạnh phúc, đi du lịch thăm thú các nơi. Nhưng điều rất buồn cười là ông người yêu của chị ý, sau khi yêu nhau một thời gian thì chuyển luôn vào sống cùng chị ý. Đôi uyên ương tận hưởng hạnh phúc trong căn nhà xây bằng tiền mồ hôi nước mắt của người khác. Anh chồng cũ đôi lần muốn bán nhà, vì chỉ có cách bán nhà mới lấy lại được tài sản của mình và mời được bọn họ ra. Ấy thế mà người mua muốn đến xem nhà, năm lần bảy lượt đến chị ý đều không mở cửa. Người mua thấy tình hình phức tạp thế thì cũng chạy luôn. Thời buổi bán nhiều mua ít, lỡ một người thì phải vài năm nữa mới có người khác đến hỏi.
Anh chồng cũ oan ức thiệt thòi bao năm vác đơn kiện đi khắp nơi, nhưng pháp luật nước Ý chậm chạp, đòi được vạ thì má đã sưng, nhất là khi chị kia giở đủ mánh khóe để tiếp tục trì hoãn trốn tránh.

Chính ra đàn bà VN mình biết, khi ly dị phần lớn rất tự trọng, thậm chí thấy chồng cũ không mặn mà chuyện góp tiền nuôi con là cũng tự nuôi con luôn chả buồn đôi co, chứ đàn bà tây nhiều đứa thực dụng đến mức mất cả tự trọng như cái chị ở trên. Mà chị ý kém tự trọng một thì ông người yêu của chị ý phải kém tự trọng mười. Mình mà là chị kia chắc mình nhả ngay, không yêu được. Đàn ông phải thế này mình mới yêu: "Em trả lại nhà cho chồng cũ đi, về sống với anh, nhà anh nhỏ, không đẹp như nhà em đang ở, nhưng đó là nhà của anh. Anh không muốn người đàn bà của anh phải nhờ vả dựa dẫm người cũ”. Đàn ông mà kiêu hãnh như thế thì mình yêu vô điều kiện 💓
Chồng mình có một anh bạn rất tốt mà số đen đủi, vợ cũ ngoại tình có thai với bồ, thế là ly dị. Ly dị chưa xong thì một ngày đi làm về, mở cửa, tá hỏa thấy nhà cửa trống trơn. Hóa ra chị vợ đã tranh thủ lúc chồng đi vắng về nhà bê sạch, bê từ cái TV bê đi. Mà chuyện của chị này sau đó cũng rất thê thảm. Chị ý mấy năm sau phát hiện bị ung thư vú. Từ lúc phát hiện đến lúc chết chỉ có mấy tháng. Con chưa đầy 2 tuổi. Thằng bồ không muốn nuôi con. Anh chồng cũ thương đứa bé quá suýt nữa định nhận nó về nuôi. 
Kể chuyện một vụ khác, một anh cảnh sát ly dị, nhà phải để lại cho vợ con ở. Khổ nỗi nhà mua bằng tiền đi vay ngân hàng. Thế là nhà thì vợ con ở còn mình hàng tháng vẫn phải trả góp ngân hàng. Lương cảnh sát hàng tháng mang đi trả góp ngân hàng và trợ cấp nuôi con đã gần hết, tiền đâu mà đi thuê nhà nữa. Cơ quan thương tình đành phải linh động cho để cái giường trong hầm để xe của cơ quan để ngủ tạm. Cậu bạn mình kể cho mình chuyện kia xong, bình luận một câu “Anh chả dám lấy vợ nữa”.
Chả cứ anh, đàn ông tây giờ nhiều người sợ không dám lấy vợ, nhất là lấy vợ tây.


Sunday, July 7, 2019

Chuyện vặt

Một buổi sáng, chưa tới 6h, con Lila chạy ào vào phòng liến thoắng “Mamma, La chúc mừng mamma đã lên chức bà ngoại”. Mình đang ngủ say quáng quàng bật dậy chẳng hiểu mô tê gì “Hả, mài nói gì?”. Hóa ra nó vừa ra một quyết định trọng đại, đó là nhận con mèo Fufu làm con nuôi. Vấn đề là lấy theo họ bố thì tên con mèo hóa ra thành Fufu Favilli đọc lên chỉ thấy phều phào, mà lấy theo họ mẹ thì tên con mèo lại thành Vũ Fufu nghe không thoát tục. Nên tạm thời con mèo Fufu vẫn chưa có họ.
Nhận mèo làm con nuôi nhưng nó không có ý định nuôi nấng gì thì phải. Vì mẹ bảo “giờ mài nhận nó làm con nuôi rồi thì mài phải cho nó ăn, rồi lúc cả nhà đi nghỉ thì mài lấy tiền riêng đưa chú bảo vệ để chú ấy cho nó ăn ké”. Nghe thấy phải chi tiền riêng một cái là nó chối đây đẩy “But I don’t have a job yet”. Nó chưa làm ra tiền nhưng rất giàu. Tiền nó vặt từ ông bố, cho mẹ vay lấy lãi (vay có mấy tiếng cũng phải trả lãi hơn chục phần trăm), đổi 1 đồng lấy đồng rưỡi với con em và thằng anh. Ngày nào cũng giở ra đếm hí ha hí hoáy.
 Một lần mình và ông đi party nào đó. Đang nhảy nhót tưng bừng thì ông tự dưng sáng tác ra động tác lắc hai vai làm mình bò ra cười. Ông thấy vợ cười thì lại lắc vai lần nữa, mình lại cười khanh khách tiếp. Thấy thế, chỉ khoảng chưa đầy chục giây sau ông bổn cũ soạn lại lại lắc vai lần nữa, mình vừa cười khanh khách vừa nghĩ bụng bỏ mẹ ông làm nữa mình lại phải cười nữa à. Được chưa chục giây sau giời ơi y như rằng ông lại lắc vai tiếp, điệu bộ rất mong ngóng mình cười tiếp. Mình cả nể lại phải cười lần nữa, vừa cười vừa tự nhủ ông làm lần nữa mình sẽ không khách khí gì mà bảo ‘cut it out” và lường trước khả năng sẽ bị ông bảo đàn bà gì mà không nice. Kệ, chả nice thì đừng. Nhưng may cho đời mình là trước khi ông lại kịp lắc vai pha trò lần nữa thì có thằng chạy tới nói chuyện với ông, thế là mình chuồn êm.
Mấy tuần trước, trước khi đi làm ông quai mồm ra bảo con vợ “Have a good daaaiiii”. Con vợ phá lên cười. Thế là từ hôm đó, trừ những hôm ông quên còn lại sáng nào ông cũng phải có câu đấy rồi mới chịu đi đâu thì đi. Mình đã phải cười giả dối một cơ số lần và bắt đầu cảm thấy bế tắc. Đang tự hỏi làm nào để ông chấm dứt vụ pha trò nhạt mà không làm mất lòng ông giờ? Gặp đúng giai đoạn bận nên tự nhủ thôi cứ kệ đấy, tính sau. May quá chẳng bao lâu sau thì cả nhà đi nghỉ hè, cả ngày dính lấy nhau thế rồi thì cần gì phải chúc nọ chúc kia nữa, thế là ông tự khắc quên biến. Ngẫm ra thấy lời con Na nói rất chi là chí lý, rằng lúc có vấn đề Na cứ kệ đấy thế là vấn đề tự hết.
Càng già càng thấy trẻ con có lý, người lớn chính ra toàn làm phức tạp vấn đề, nhẻ.

PS: đang tự nhủ vất vả tất bật lôi thôi cả năm, giờ đi nghỉ phải thời trang xinh đẹp. Bèn đi cắt tóc. Tóc cả năm không cắt, dày nặng nhìn phát nản. Bảo cậu thợ tóc tôi nhìn thẳng đuột tẻ nhạt quá cậu cắt thế nào cho có gợn sóng tự nhiên, rồi mở điện thoại mải mê lướt net. Thằng thợ tung hoành một lúc lâu. Lúc mình ngẩng lên, mái tóc dài gần thắt lưng giờ đã thành chỗ dài chỗ ngắn không theo logic nào. Trên đỉnh đầu nó cắt còn khoảng hơn chục phân, để xõa ra thì thành ra có cái chỏm phồng phồng y hệt con voi Ellie trong phim Kỷ băng hà, còn buộc vào thì ngắn quá buộc không được. Tệ hơn, tóc bị tỉa dài ngắn so le thành ra tướp còn hơn xơ mướp. Thôi, lại đành áp dụng châm ngôn của con Na, cứ kệ đấy rồi một lúc nào đó vấn đề sẽ tự hết. Mỗi tội lần này chắc sẽ hơi lâu. Haiz.