Tuesday, September 27, 2022

Chuyện học (1)

Cuộc tranh đấu giữa phụ huynh và thầy hiệu trưởng : Tôi không hiểu sao nó lại đòi học Hóa ? Nó bảo tôi nó muốn làm kinh doanh, mà bảng điểm của nó năm trước tôi cũng không thấy có môn Hóa…Chúng tôi muốn đào tạo nên những sinh viên giỏi toàn diện chứ không phải giỏi mỗi việc học…Bình thường để thi A level chỉ cần học 3 môn là đủ rồi, 5 môn thì phải thuộc 5% những sinh viên xuất sắc nhất, 4 môn cũng là hiếm rồi…

Thưa thầy, tôi không ép gì con tôi hết. Con tôi học giỏi và rất ham học. Tôi không thấy có lý do gì mà nhà trường lại không cố hết sức để tạo điều kiện cho nó.

Phải nói đến câu đó thì thầy mới chịu thua. Thanh niên bây giờ nhiều đứa mải chơi. Gặp thằng ham học không mừng hết lớn thì thôi lại cứ bàn lùi là sao.Từ đầu cuộc nói chuyện mình đã giải thích rất ôn tồn nhưng có vẻ thầy vẫn chắc mẩm mình thuộc kiểu Asian mom ham thành tích ép con học đến phát rồ. Đây không phải lần đầu tiên. Mấy thầy cô giáo Anh Mỹ này nghe mình nói về con mình ai cũng có thái độ kiểu thôi xin chị trong nhà nhất mẹ nhì con, có người còn liếc xéo cho mình một phát. Sau thời gian chứng minh mình nói thế vẫn là rất khiêm tốn thì không thấy ai quay lại xin lỗi mình hết cả.

Nhưng thầy vẫn chưa chịu thua hẳn. Thầy bảo thằng con mình « học giỏi ở cái trường bé tí ở châu Phi đấy không có nghĩa là giỏi theo tiêu chuẩn của Anh ». Cái trường mà thầy gọi là bé tí ở châu Phi đấy lớn hơn gần chục lần trường này và mỗi kỳ thi bài làm của học sinh đều niêm phong gửi về hội đồng Cambridge ở Anh để chấm điểm chứ các thầy cô trong trường có được động tay tới đâu mà bảo là cho điểm kiểu Phi nên không bằng kiểu Anh. Thằng con mình, đang tuổi dở dở ương ương, bị chạm tự ái là tỏ thái độ bực bội chống đối. Mình bảo « Con đừng như thế. Có những thầy cô giáo không chiếm được cảm tình của học sinh lập tức, nhưng chỉ cần con thực sự ham học hỏi, họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ con. Mẹ hy vọng thầy hiệu trưởng là người như vậy ».

Sau đó mấy hôm, thầy kiểm tra bất ngờ. Sau bài kiểm tra bất ngờ ngớ ngẩn, thầy gọi thằng con ngáo ngơ của mình vào. Nó về kể với mẹ thái độ của thầy thay đổi hẳn. Thầy bảo nó cậu thuộc top 10% những học sinh thông minh nhất theo tiêu chuẩn Anh, thậm chí là top 5%. Ngay sau đó, các giờ học được bố trí ngay, bao gồm cả mấy tiếng học lý thuyết vào thứ 7 cùng một giáo viên mời từ trường khác sang. Thế là đi tong ngày thứ 7 của mình đưa đón chầu chực. Nhưng tình hình khó khăn như này mà tìm được thầy đúng chuyên môn là tốt lắm rồi mình chả ước gì thêm.

P.S: Mình vẫn nhớ hồi từ châu Phi về Rome, chuyển từ trường quốc tế vào học trường công của Ý, những tuần đầu nó vật lộn vì phương pháp học khác nhau, thầy cô giáo thì nói quá nhanh nó nghe không kịp. Thế mà chỉ mấy tháng sau nó lại đã dẫn đầu lớp. Sau một năm, bố mẹ nó, vì trước đó nhầm lớp, lại xin chuyển nó sang một lớp khác, còn khó hơn lớp cũ. Để được nhận vào lớp mới này, nó phải qua bài kiểm tra tiếng Pháp. Thế là suốt mùa hè, nó giở sách tự học đuổi chương trình tiếng Pháp các bạn đã học suốt 1 năm. Lớp mới học song song chương trình Ý cộng chương trình Cambridge học như first language, cộng thêm tiếng Pháp, rất nặng. Mỗi năm đều có học sinh bị loại. Đến hết năm thứ hai một nửa số học sinh trong lớp đã bị loại. Bình thường mình vốn không muốn tranh đấu gì với đời, có thì sống kiểu có, không có thì sống kiểu không có, ai muốn hơn thì hơn, chả có gì phải xoắn. Nhưng con trai mẹ mấy năm nay việc học hành liên tục gặp thử thách mà đều nỗ lực vượt qua, mẹ thương mẹ thương. Thương nhất cái nết môn gì kém sẽ tự giác học đến khi hết kém thì thôi, cái gì biết là đúng thì sẽ làm bất kể có khó khăn đến đâu. Thế nên phải tranh đấu mẹ sẽ tranh đấu, sợ gì.

Ảnh: kết quả bài thi IGCSE

Thursday, September 22, 2022

22/9/2022

Lại nhớ hồi chiến tranh mới nổ ra, mình rẽ qua mua rau của cụ nông dân hàng xóm ở Salento. Thấy mình, cụ vồn vã níu lại tán chuyện thời sự. Cụ nhẩm tính thành tiếng ngũ cốc thịt rau tôi tự cung tự cấp được rồi, nhưng điện gas xăng dầu rồi sẽ tăng giá ra sao, giờ mà bị phóng tên lửa hạt nhân thì xong đời, cô nhỉ. Thấy cụ lo lắng quá mình phì cười, muốn nói với cụ rằng cụ ơi những người như con mới chết chứ cụ lo gì, thế giới có biến động thế nào cái góc nhỏ này cũng có xao động gì đâu, tắt TV đi là xong.

Hồi đấy mình nghĩ thế mà cũng không thực sự hình dung được chiến tranh như vậy thì có ảnh hưởng gì tới mình lắm không ngoài việc giá cả sẽ tăng chút ít, nhất là khi mình không có ý định đi đâu khỏi nước Ý.

Ai dè giá cả tăng chóng cả mặt. Giá thực phẩm đồ dùng ở siêu thị ngay lập tức tăng khoảng 30%, các dịch vụ cũng tăng giá theo, giá phân bón cũng ngay lập tức tăng gấp rưỡi. Trước giờ mình toàn cho cỏ ăn Nitrophoska gold, giờ giá lên gần gấp đôi mình đành phải để dành cho hoa ăn, còn cỏ thì dùng một loại phân bón rẻ hơn. Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi bất kể việc mình sản xuất được điện mặt trời. Ngài vốn là người bình chân như vại, nhìn thấy hóa đơn tiền điện, mấy ngày sau vẫn chưa hoàn hồn. Gas thì mình đã nạp một bình 1600 lít từ một năm trước vẫn chưa dùng hết nên mình không biết tăng thế nào. Chắc cũng không kém cạnh.

Nhưng thế vẫn chưa hết. Container đồ đạc mãi mới rời Ý được vì từ hồi cấm vận các thể loại thủ tục trở thành phức tạp nhiêu khê và tốn kém hơn. Căn hộ muốn thuê cũng trầy trật mãi mới xong thủ tục cũng vì tình hình cấm vận và phong tỏa tài sản tài khoản của giới nhà giàu Nga. Đồ đạc còn thiếu muốn đi mua cho đủ cũng té ngửa vì giá quá đắt, mà không đắt vừa, đắt gấp 3, 4 lần ở Ý. Hỏi sao đắt thế thì được giải thích là hồi tháng 2 giá lên do đồng rúp mất giá, sau đó đồng rúp lên giá lại nhưng các chủ kinh doanh sợ đồng rúp lại mất giá tiếp thì lại thua lỗ tiếp nên không chịu hạ. Tài khoản cũng loay hoay mãi mới mở được, mà mở ra cũng chỉ để cho tiền mặt vào rồi ngân hàng cấp cho cái thẻ cho đỡ phải vác tiền mặt đi lăng quăng thôi chứ cũng không chuyển tiền từ Ý sang được. Thế tức là lúc hết tiền bên này thì mình lại phải về Ý mang tiền mặt sang tiếp? Vé máy bay từ 200e giờ thành gần 3000e, mà cũng chẳng có mà đặt. Muốn rẻ hơn thì buộc phải đi đường bộ sang một nước khác rồi mới lên máy bay. Hành trình vốn chỉ có 3 tiếng máy bay giờ thành mấy chục tiếng đồng hồ đổi các thể loại phương tiện mới tới.

Thế vẫn chưa hết, thằng con hai năm cuối trung học chọn học 4 môn Toán Lý Hóa và Kinh tế, một hôm đi học về thông báo trường không có giáo viên dạy Hóa nên đến giờ Hóa là ngồi vểnh râu chơi. Từ hồi chiến tranh rồi trừng phạt cấm vận các kiểu, cuộc sống trở nên đắt đỏ và đi lại nhiêu khê khiến các thầy cô giáo bỏ về nước hết và có lẽ vì còn quá ít học sinh nên trường cũng không muốn tuyển giáo viên cho tốn kém. Thế là mình, thùng hộp đang chất như núi trong nhà bỏ đấy, đóng bộ đến trường đấu tranh với thầy hiệu trưởng « Con tôi học giỏi và muốn học. Tôi không thấy có lý do gì mà nhà trường không cố hết sức để tạo điều kiện cho nó ». Thấy mình kiên quyết, thầy hiệu trưởng đành nhượng bộ, đề xuất một số giải pháp tạm gọi là chấp nhận được trong tình hình khó khăn hiện nay.

Mình tạm yên lòng, quay về nhà với đống thùng hộp. Bàn ghế giường tủ sofa các kiểu đã để hết lại bên Ý, thế mà vẫn 200 thùng chất ngất. Nhưng thôi vấn đề này chỉ phụ thuộc vào mình nên cũng không lo. Vừa mở thùng xếp đồ vừa nghĩ thế mà lão chồng mình khi nịnh vợ đi cùng, lão ngon ngọt bảo « Em cứ để mọi việc anh lo. Anh đi trước cùng container, anh tìm nhà, xếp đồ, mọi thứ sẵn sàng em sang chỉ việc ở, không phải đụng tay vào việc gì hết ». Cũng may mình từ lâu đã có thói quen coi lời lũ đàn ông 3 đồng một mớ chỉ để nghe cho vui, nên đã chuẩn bị sẵn tinh thần lại phải trải qua một giai đoạn tàn tạ hai cẳng tay sứt sẹo vì bị thùng hộp cứa vào và hai bàn tay lại chai ráp lên. Chẳng sao, xong việc rồi thì sứt lại lành, chai lại mềm. Vừa làm vừa mơ đến lúc hoa lại nở rực rỡ trên bậu cửa sổ. Với tốc độ mở thùng xếp đồ như này thì không lâu nữa đâu. Đã nói dồi trên đời này chỉ sợ nhất những vấn đề không phụ thuộc vào mình, có cố đến đâu cũng không giải quyết được.

Tưởng thế là sắp kết thúc chuỗi ngày long đong mà cuối cùng chả phải. Trường hôm kia lại gửi email thông báo sẽ không có kỳ thi A level cho khóa của thằng con, tức là học thì cứ học nhưng sẽ không có chứng chỉ tốt nghiệp, vì chương trình Cambridge vừa thông báo sẽ rút khỏi Nga. Thế là thế nào, mẹ sang đây chỉ để con học nốt hai năm cuối và thi A level. Hai năm nay sao toàn những tin nghe xong xây xẩm mặt mày.

Chưa nghĩ ra giải pháp nào ra hồn cho cái tin xấu trên kia, buổi tối lại thêm có người đi làm về mặt ủ mày chau chứ không hát rống lên như thường lệ, rồi vừa ăn tối mắt vừa dán vào điện thoại cập nhật tin tức từ lệnh tổng động viên rồi biểu tình bắt bớ. Hỏi em có muốn xem không, bảo thôi em không muốn xem, muốn làm đà điểu rúc đầu xuống cát.

Thời oanh đã qua và liệt đã tới. Tới rồi cản không nổi.

Thôi chả cản nữa.

Đến đâu thì đến.

Wednesday, September 7, 2022

Nhớ vườn

Hôm nọ đi bộ ra công viên Gorky, thấy hầu như hoa nào họ trồng ở đó mình cũng biết tên và biết cách chăm sóc. Mới chợt nhận ra mấy năm nay mình mải mê nghiên cứu hoa cỏ, lưng vốn từ số 0 trồng hoa bách phát bách chết mà giờ đã thành kha khá. Ngồi thu lu ở nước ngoài, ngó cái vườn cây cối chỗ chồng chéo xiêu vẹo chỗ trọc lóc, hoa vài bông lèo tèo ngẫu hứng còn lại toàn lá là lá, mà buồn. Lại tự dưng phát hiện ra ông làm vườn mới ngay từ đầu tháng 6 lúc lũ thược dược vừa lên tươi tốt ông ấy đã lấy dây cột hết cả chúng nó lại cho khỏi đổ. Mình đang mừng rơn ôi bình thường mấy ông làm vườn cũ mình nói mỏi mồm cũng chẳng thèm làm, ông mới này chủ động quá, không cần bảo đã biết việc cần làm. Ai ngờ cột thân chính thôi thì không đây ông ý lại cột tuốt cả cành to cành nhỏ lá to lá bé thành một bó chặt như bó rau, hoa thiếu không gian nên bé tí, méo mó. Hồi đầu tháng 5 mình đi vội quá không kịp hướng dẫn, hoa thì toàn những loại ông ý chưa thấy bao giờ vì mình mua từ nước ngoài. My bad.

Giờ chỉ ước được lọ mọ trong vườn, một mình, mải mê nhổ cỏ, cắt cành khô lá úa, thấy hoa nào đói thì cho ăn, cây nào khát thì cho uống, cây nào hư mọc lung tung thì mắng, ngoan ngoãn ra nhiều hoa nhiều quả thì khen. Mình mắng và khen lũ cây cối thật đấy các cụ ạ. Nhưng đứa bạn mình bảo trò chuyện với cây cối không có vấn đề gì, bao giờ thấy cây cối trò chuyện lại với mình thì mới đáng lo. Mà mình thì chưa thấy lũ cây cối hoa hoét cãi lại mình bao giờ, thế nên là vẫn chưa đáng lo. Dọn dẹp trong vườn có rất nhiều cái thú. Lũ ong cần mẫn hút mật ngay cạnh, việc ai nấy làm ong không đốt người người không đuổi ong. Rồi đến một lúc nào đó con mèo béo đi chơi về sẽ chọn lối tắt đi tạt ngang qua vườn hoa. Giá có ngày sờ được vào cái mặt nó. Béo thế chắc mềm lắm…

Và đọc truyện cổ tích, hoặc những vần thơ nhẹ nhàng tối giản. Già rồi, rất sợ những chuyện máu hận tình thù vật vã thê thảm.

Ta phải yêu người như thế nào

Mới có thể đi qua phồn hoa

Đi qua thời gian

Không hư vọng, không cuồng điên…

Bài thơ này mình đọc ở đâu không nhớ, cứ ấn tượng cái sự da diết mà tĩnh tại sâu thẳm của nó.

P.S ngày đầu đi học, mình quay nhìn 3 cô cậu quần áo tề chỉnh mặt như ngỗng ỉa ngồi băng ghế sau và hỏi vẻ phấn khích « Chúng mình có thích được đến trường mới không ? ». Bình thường gọi với hỏi gì toàn phải gào vài lần mà chưa chắc chúng nó đã thèm trả lời, lần này cả ba cái mỏ lập tức đồng thanh « Nầu ». Nghe đã thấy điềm không lành.

Mà thôi, chúng mài không phấn khích thì tao phấn khích. Ba tháng hè liên tục chăn thả ba Tôn Ngộ Không ăn như thụi chí choé nhau như điên cãi giả láo như ranh, gia đình sứt mẻ đến nơi dồi.

Chú lái xe cuối tuần đi nghỉ ở dacha của chú ấy. Dacha ở đây nghĩa là một căn nhà ngoại ô có vườn. Sáng thứ hai chú ấy mang cho mình một túi táo thơm nức, bảo tôi có mười mấy cây táo, mới thu hoạch 3 cây, được 600kg. Đùa à, cây táo bỏ mịe của mình ở Salento, năm ngoái ra nhõn một quả, năm nay từ hồi tháng 6 thấy ra tận hai quả, không biết có chín nên hồn không hay lại rụng từ bao giờ. Chú lái xe bảo mang táo nhà trồng cho mình làm mứt táo. Chú này mới nên chưa biết mình mà lại chịu bỏ thời gian làm mứt táo thì có khi chiến tranh thế giới thứ 3 nổ ra từ lâu roài.

Ảnh : táo thì vớ vẩn nhưng mận thì có vẻ khả quan hơn. Loại mận này mình quên tên, hình như mận Stanley, quả thuôn thuôn vỏ tím ruột vàng, lúc chín ăn dẻo dẻo, rất ngon.