Sunday, October 23, 2022

23/10/2022


Dân tình hay phải chuyển nhà thường nói rằng khi nào treo bức tranh cuối cùng lên tường tức là công cuộc chuyển nhà coi như hoàn tất. Là nói thế thôi chứ treo tranh lên rồi thì vẫn còn xa mới hoàn tất. Vì còn trường lớp, còn phải sắp xếp các hoạt động ngoại khóa cho trẻ con. Rồi hỏi han nhờ vả bao người mới tìm được thầy, nhắn qua nhắn lại mãi mới xếp được lớp, nhưng đến gặp thầy lần đầu tiên đã thấy có vẻ không ổn, y như rằng con học xong một buổi khóc rưng rức, thế là mẹ lại sấp ngửa lo lắng đi tìm thầy khác. Rồi còn lịch tiêm chủng cũng đã đến hạn, rồi playdate, rồi tìm bác sĩ chuyên khoa nọ chuyên khoa kia, rồi còn cái nhà ở miền Nam vẫn còn khách, rồi lại đã đến mùa events. Đủ thứ việc dí cho từ sáng sớm tới nửa đêm. Mà events thời chiến cũng phức tạp hơn thời bình. Có những lúc mình quần áo trang điểm xong xuôi chuẩn bị bước chân ra khỏi nhà thì lại nhận được lệnh phải hủy. Lý do chỉ vì ở events đó sẽ xuất hiện ai đó mà mình nhất định không được xuất hiện cùng với họ, nhất là khi bị vào cùng một khuôn hình, vv và vv.

Lại còn thêm lão kia hăm hở rủ thằng con đi đá bóng. Đá bóng về vứt ra một đống quần áo cho mình giặt, còn lão thì gọi điện khắp nơi khoe lão ghi hai bàn thằng con lão ghi một bàn. Từ lúc lão đá bóng về đến tối đi ngủ mình nghe lão khoe với ít nhất 4 người tài đá bóng thiện xạ của lão. Đêm, mình đang ngủ say sưa tự dưng nghe lão kêu ầm lên. Mình ngồi nhỏm dậy tim đập thình thịch, tưởng lão ngủ mê ngã khỏi giường lại gẫy cái gì rồi, hóa ra là đau lưng. Đau lưng đến mức không xoay được, không ngồi được, không đứng thẳng được, và đang nằm muốn ngồi dậy mà vật lộn nửa tiếng vẫn không ngồi dậy được. Mình loay hoay mà không biết làm cách nào, vì đẩy thì lão kêu đau, kéo lão cũng kêu đau, nâng lão cũng kêu đau, đứng tấn khom lưng xuống cho lão vịn lão cũng kêu đau, bế thì không được vì lão nặng quá. Có đêm, hơn 1h sáng lão đòi đi dạo trong nhà để “tập luyện cho cơ thể mềm dẻo”. Mịe đi lẫm chẫm thế này mà cơ thể lại mềm dẻo được thì mình có mà đi đầu xuống đất. Khổ đời mình gần 2h sáng ngáp ngắn ngáp dài thất thểu đi theo lão từ phòng nọ sang phòng kia. Buồn ngủ gần chết mà không dám đi ngủ sợ lão đi một mình ngã hay bị làm sao mà mình ngủ say không biết. Mấy đêm liền như thế, mặt mũi mình hốc hác, mắt thâm quầng. Lại thêm đang sụt cân thảm hại. Thế mà mình bảo lão “Anh thừa biết rằng bất cứ ai có đầu óc bình thường đá bóng xong mà bị như này thì sẽ không dám đá bóng nữa, phải không?” thì bị lão gân cổ “đây không phải tại đá bóng”.

Sau đợt hạn hán khốc liệt mùa hè vừa qua ở châu Âu cộng với vật giá mọi thứ đều tăng, mình tự cảm thấy duy trì cả hectare cỏ chỉ để ngắm thực sự quá phí phạm, thà trồng cây mặc dù cây ra nhõn một quả còn hơn. Thế là lại lên kế hoạch cắt bớt diện tích cỏ để trồng cây. Tranh thủ khắc phục luôn nhược điểm của hệ thống tưới mình phát hiện từ lâu mà không có dịp sửa. Lão chồng thiên tài của mình hồi trước cứ bọn thợ làm xong gọi điện đòi tiền là lão trả tắp lự mà không hề hỏi han chúng nó làm ra sao, có hợp lý không, đã xong thật chưa, sơ đồ đường ống chạy ngầm như nào, các van tự động ở đâu. Vì lão thanh toán rồi nên sau đó mình có đòi sơ đồ bàn giao đến đâu chúng nó cũng lờ. Thậm chí nhiều lúc mới xong có 80% mà lão đã nhanh nhảu trả hết, còn 20% nữa gần như phải nài nỉ chúng nó đến làm nốt. Mấy lần liền như thế, đến lúc mình điên quá bảo nếu lần sau lão còn tự động trả tiền thợ mà không hỏi mình trước thì mình bỏ luôn cho lão tự làm, mà không chỉ bỏ làm, mình bỏ luôn lão cho rảnh nợ. Phải làm căng đến mức đó lão mới chịu thua, chứ trước đó thì cứ gân cổ “Chúng nó làm xong thì phải trả tiền chúng nó chứ”, thậm chí viện dẫn cả ông thân sinh “Bố anh bảo nợ ai là phải trả ngay lập tức”.

Bây giờ muốn chỉnh sửa lại hệ thống tưới, bản vẽ kỹ thuật không có, lại phải mò lại từ đầu. Thôi hệ thống điện lão làm trực tiếp với thợ ra một hệ thống chằng chịt bật tắt muốn phát điên mà không bật trúng được cái đèn cần bật mình đã phải làm lại rồi. Hệ thống nước nóng lão làm trực tiếp với thợ không đủ nước nóng khách kêu ca mình cũng phải làm lại rồi. Hệ thống camera lão làm trực tiếp với thợ hơi tí là tắt ngúm mình cũng phải sửa lại rồi. Hệ thống điều hòa làm xong lão chả hiểu cái mô tê gì, hỏi lịch bảo dưỡng ai bảo dưỡng lúc gặp vấn đề gọi ai lão bảo “làm sao anh biết được” mình cũng phải tự mày mò tìm hiểu liên hệ rồi. Còn hệ thống tưới mình làm lại nốt cho đủ bộ.

Còn ai bảo tui nợ tiền kiếp là không có thật nữa thôi.

Video của Mary Quincy, nhiếp ảnh gia và blogger nghe nói khá nổi tiếng. Bạn nào ở Pháp có khi biết cô ý. Nhạc lồng trong video là một bài hát cực hay của Ornella Vanoni, bài L’appuntamento. 

Ho sbagliato tante volte ormai che lo so già

e oggi quasì certamente sto sbagliando su di te

ma un'altra volta in più che cosa può cambiare nella mia vita...

Monday, October 17, 2022

17/10/2022

Một hôm, thằng bố thấy tình hình trong nhà có vẻ loạn quá bèn quyết ra tay thiết lập lại trật tự. Trong bữa tối, thằng bố khề khà “Ở cái nhà này mẹ mày là hoàng hậu, còn tao là vua. Chúng mày chỉ là thần dân thôi”. Không để thằng bố nói tiếp, lũ đầu trâu mặt ngựa đốp lại ngay “Bà ý thì đúng là hoàng hậu, còn ông cũng chỉ là thần dân giống chúng tôi mà thôi”. Thằng bố phản đối “Không có tao là vua thì mẹ mày làm hoàng hậu với ai”. Lũ kia lại nhâu nhâu “Ông là vua sao bà ấy nói gì ông cũng nghe???”. Thằng bố chống chế “Nói đúng thì tao nghe”. Lũ con lại dồn tiếp “Thế bà ấy nói cái gì cũng đúng hả?”. Thằng bố ngắc ngứ. Mình lúc này mới bảo “Chồng tao nói đúng chúng mài phản đối cái gì. Không có vua thì làm gì có hoàng hậu, quá đúng. Nào đứa nào muốn cãi nữa?”. Thằng con trai đang định ngoạc mồm cãi tiếp thì con em gái ghé sang « you want more mackerel? ». Thế là thằng anh im bặt.

Vụ more mackerel này xuất phát từ việc con mẹ luôn cho rằng đi đến đâu thì nên ăn đồ ăn ở đó và mùa nào ăn thức đó, vừa rẻ, vừa thân thiện môi trường, vừa tươi ngon hơn đồ trái vụ hoặc đồ nhập khẩu ở tít xứ mù căng chải nào. Ở Dubai thì ăn chà là, ở Ghana thì ăn đu đủ, xoài, dứa. Về Ý mùa hè thì mơ mận lê đào, mùa đông thì ăn gì quên mất rồi. Và điều đó có nghĩa là đến Nga thì phải ăn bắp cải, dưa chuột và cá muối. Lũ con nhìn cá muối thì dĩ nhiên lè lưỡi la ó phản đối. Đang nghĩ cách bắt chúng nó ăn chưa được, thì thằng con cứ mẹ nói một câu nó cãi một câu, mình tức mình xúc luôn cho nó một thìa, kèm theo một câu chắc nịch “đứa nào cãi một câu tao xúc cho thêm một thìa cá muối. Nào cãi nữa đi, cãi càng nhiều càng tốt, cá này rất tốt cho sức khỏe”. Cả lũ xanh mắt, ngồi im thít. Từ đó trong bữa ăn, cứ thấy hũ cá muối là chúng nó tự bảo nhau đừng có cãi. Đứa nào trót quên thì đứa bên cạnh nhắc ngay « mài không định ăn thêm cá muối nữa đấy chứ ». Gọi là cá mackerel nhưng thực ra đó là cá herring, một loại cá trích nhỏ chuyên sống thành đàn ở các vùng nước băng giá. Ăn cá nhỏ và sống theo đàn cho đỡ hại sức khỏe và môi trường, con mẹ bảo thế.

Trở lại với chuyện đang kể dở ở trên, công cuộc thiết lập trật tự dừng lại ở đó. Lũ con đầu trâu mặt ngựa vẫn hoàn đầu trâu mặt ngựa. Thằng bố khiếp lũ con quá, sáng ăn sáng nhanh nhanh rồi chuồn đến chỗ làm. Trưa chỉ về nhà ăn trưa rồi lại chuồn khẩn trương đến chỗ làm. Tối về ăn tối rồi lại rủ vợ đi dạo, tức là lại chuồn tiếp. Mình cả ngày cân bọn nó. Có hôm thấy mặt lão chồng ló về, con vợ rít lên ành ạch “Hè năm sau bằng giá nào ông cũng phải cho lũ này vào trại hè”…

Cơ mà đấy là chuyện của gần 2 tháng trước rồi. Tự dưng hôm nay nhớ ra vì từ ngày 1/9 chúng nó bắt đầu đi học, mình chưa kịp hoàn hồn thì thời gian thấm thoắt thoi đưa, chúng nó đã lại được nghỉ giữa kỳ. Học chả thấy học chỉ thấy nghỉ, mà nghỉ chục ngày chứ ít đâu. Tối qua bố với con gái vặc nhau loạn xạ mấy tiếng đồng hồ, mặt lão nhăn như bị rách và sáng nay lão lại chuồn khẩn trương đến chỗ làm, để lại mình mình chiến đấu. Chưa hết nửa buổi sáng mà chị em đã cãi nhau loạn xạ, con chị thì hét váng nhà, con em thì vừa hét lại không kém cạnh vừa khóc rưng rức. Toán thì đang khó nó tick bừa phứa mà vẫn sai nó đang điên, con chị lại còn tranh chỗ máy tính và đuổi nó đi chỗ khác.

Con gái út ít của tôi nó 12 tuổi rồi, học cấp 2 rồi, mà nó vẫn mở toán ra không nghĩ ngợi gì, đọc câu hỏi chả hiểu mô tê gì, cứ tick trả lời bừa phứa, trúng thì trúng chả trúng thì trật, rồi 36 cộng 8 là bao nhiêu nó cũng đực mặt nghĩ mãi mới ra, tôi cũng chả biết phải làm sao.

Thật sự mình không hiểu những nhà đông con hơn làm thế nào họ có thể sống sót được???

Saturday, October 8, 2022

7/10/2022

Sáng, trẻ con đi học, mình nhìn ra ngoài trời thấy nắng đẹp, bèn bỏ hết việc đấy, vội vàng ăn sáng rồi cắp túi chuồn khỏi nhà. Mùa thu Moscow đang vào độ đẹp nhất, những tán lá đã vàng óng lên làm sáng bừng các vòm cây và các khu vườn bình thường xanh tối. Định đi ra đường Tverskaya mang cho cụ già ít tiền xu, rồi đi vào công viên gần đấy ngồi học tí tiếng Nga. Học trong công viên nắng vàng lá vàng rải thảm và đám hoa cẩm tú cầu paniculata đã ngả từ màu trắng muốt dạo mùa hè sang màu hồng nhạt mùa thu, lại chả thú hơn ngồi học trong nhà.

Nhưng không có cụ già ở đấy. Hay sớm quá cụ chưa đi tàu từ ngoại ô vào kịp. Có lần mình chạy ra siêu thị gần nhà mua bánh mỳ, thấy cụ ngồi trên vỉa hè dựa vào bức tường của lối vào tàu điện ngầm, lưng còng, hai tay để trước ngực cầm khư khư cái cốc nhựa. Cụ không nhìn người qua lại, cũng không xin. Hôm đó trời rét, lại cũng muộn rồi mà thấy cái cốc của cụ chỉ có lèo tèo vài xu, mình lấy túi tiền xu của mình trút hết vào cốc cho cụ, và bất ngờ khi thấy khuôn mặt đang bất động của cụ sáng bừng lên, cụ lắp bắp nói cám ơn, giọng như khóc. Cụ rất già nhưng có đôi mắt xanh và trong trẻo như mắt trẻ con.

Hôm nọ đi event ở nhà hát Bolshoi, trước cửa nhà hát cũng thấy mấy cụ già ăn xin nhưng mình mang ví nhỏ nên không cầm theo túi tiền xu bảo bối. Trái với những lời đồn đại rằng dân Nga giàu lắm, các cửa hàng thời trang và khách sạn cao cấp ở phương Tây toàn khách Nga, dân Nga đa phần rất nghèo. Người già có vẻ không được chính quyền chăm sóc hay sao mà đi đâu cũng thấy nhan nhản người già phải mưu sinh. Đi chợ Izmailovsky thấy rất nhiều cụ già chỉ trải cái khăn cũ ra đất rồi bày lên đấy mấy món đồng nát mỗi món chỉ vài chục rúp. Cả buổi chợ không biết các cụ có kiếm được trăm rúp không.

Moscow thì đắt đỏ vô cùng. Nghe đâu đã soán ngôi Nhật để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng phân khúc thuê nhà cao cấp thì giá có vẻ hạ. Từ hồi Nga xâm lược Ukraine, người nước ngoài chạy hết, business chạy hết, những căn hộ cao cấp và các không gian văn phòng cao cấp hầu như trống không. Mình thấy Moscow tắc đường khủng khiếp nhưng mọi người bảo như này đã là vắng lắm rồi, trước khi mọi người chạy hết thì còn đông hơn nhiều.

Lại quay lại chuyện ra công viên ngồi học, đúng là được hôm cún béo quăng nhiệm vụ sang một bên và quyết đi hưởng thụ, công viên đóng cửa. Công viên Alexander nằm ngay cạnh điện Kremlin hôm nay đóng cửa không cho khách vào vì bên trong đang diễn ra buổi lễ gì đó thấy có vòng hoa, đốt lửa, còn các chú lính thì đi đều bước cứ rầm rập rầm rập. Lại có cả đội kèn đồng thổi tò te tí. Không biết các chú lính cả ngày chỉ có ăn và đi đều bước như này có thấy chán không chứ mình đứng nhìn các chú ấy được 3 phút mình chán bỏ mợ ra. Bèn đi về. 

Trên đường về tranh thủ rẽ vào trung tâm mua sắm gần đó. Rẽ vào đi đái mất 60 rúp chứ mình từ lâu rồi chẳng có nhu cầu mua gì. Đi ngang cửa hàng của L’Occitane, đứng ngẩn ra trước một bức tranh khổ lớn. Bức tranh đồng quê nước Pháp, có ngôi nhà bằng đá nép dưới tán một cây cổ thụ, vạt hoa lavender nở tím và sau lưng ngôi nhà là đồng vàng. Tự dưng nhớ nôn nao những miền quê châu Âu xinh đẹp. Nhớ cảm giác tự do, thanh bình. Nhớ cảm giác ngồi giữa hoa cỏ, nghe tiếng gió rì rào qua vườn, tiếng ong rì rầm hút mật, tiếng lũ chim ríu rít bắt sâu nhặt cỏ, thấy những nhộn nhạo âu lo bất định của loài người thật chả liên quan.

Thôi quay về nhà, tắm gội bôi kem một chập hoành tráng. Lò sưởi bật rồi. Nóng quá. Định sấy khô nhau hay gì. Đang gầy gò, lại thêm da nhăn nheo vì không khí khô quá, có khi thành táo tàu mất. À quên trên đường về nhà nhìn thấy một chị người Á có mái tóc thẳng, bắt ánh mặt trời cả mái tóc đen óng ánh lên như một dải lụa. Tóc mình ngày xưa cũng óng ả thế. Thế mà giờ nó xơ giời ơi nó xơ. 

Sunday, October 2, 2022

Chuyện học (2)

Năm ngoái mình bảo ngài đăng ký cho con Lila vào một trường trung học rất nổi ở Rome. Dân tình đồn đại danh sách đăng ký xếp hàng rất dài, muốn vào phải có quan hệ cực mạnh và thường giới chính trị gia doanh gia gửi con học tại đây. Đấy là cửa ngách đồn đại thế chứ còn công khai thì trường sẽ công bố một danh sách các tiêu chí, mỗi tiêu chí sẽ được cho một số điểm nào đó, cộng hết điểm lại ra tổng rồi lấy từ trên xuống. Bình thường ngoài danh sách tiêu chí thì còn có thi đầu vào nhưng từ dạo covid kỳ thi này bị bỏ.

Ngài chỉ là công bộc của dân, chả phải chính trị gia doanh gia lắm quan hệ gì nên hàng dài thế nào thì con ngài cũng phải xếp. Mình còn đang nghĩ giá mà có thi đầu vào thì con mình còn có cơ hội, chứ xét tiêu chí thế này thì khó.

Lúc trường công bố danh sách trúng tuyển, mình chả biết gì. Đến tận khi một ai đó nói với mình con gái chị trúng tuyển rồi, mà đứng nhất bảng, mình mới ngớ ra chạy đi hỏi con Lila. Nó gật đầu mặt tỉnh queo, gửi cho mẹ nó danh sách trúng tuyển có tên nó đứng chễm chệ trên đầu.

Cuối cùng mình phải rút con Lila khỏi trường đó và xin cho nó vào trường nguyện vọng 2, là trường của ông con trai. Vì lúc đó nghĩ ngài đi nhiệm kỳ, mình ở Rome một mình không kham nổi 3 đứa con học ở 3 trường khác nhau. Trường của ông con trai cũng là trường có đầu vào khó, nhất là lớp quốc tế. Lớp quốc tế là một chương trình ưu tiên của chính phủ Ý trong đó học sinh vừa học chương trình Ý và tốt nghiệp như bình thường, vừa học chương trình Cambridge và có chứng chỉ quốc tế, học miễn phí không cần phải trả chi phí ngất ngưởng như trường quốc tế, chỉ cần học sinh phải đủ giỏi để trụ lại được. Chương trình này có danh sách đăng ký rất đông. Nhưng trường họ thấy bảng điểm của con Lila, và chắc là cũng biết anh nó học như nào, lại thêm bố nó bị điều đi Nga mà lúc đó chiến tranh đã nổ ra, nên họ nhận ngay.

Trái ngược với thằng anh chăm chỉ cày cuốc, con Lila hầu như không bao giờ thấy nó học. Đi học về chỉ nằm dài nghịch điện thoại. Hỏi nó sao con không học, nó bảo học ở trên lớp nhớ rồi không cần học ở nhà nữa. Bảo « con học như thế là không chịu đào sâu, cứ tiếp tục thế này thì học lên cao con sẽ kém dần ». Trả lời mấy năm trước bà cũng bảo tôi thế, từ đó đến nay điểm tôi vẫn toàn 10 bà muốn gì. Nó thi tốt nghiệp cấp 2, mình xua 3 bố con nhà kia đi nghỉ, còn mình suốt một tháng trời cơm bưng nước rót cho nó ở Rome, thế mà sĩ tử suốt ngày nằm ngủ chảy dãi trên sofa hoặc xin tiền tót đi chơi với bạn, sách nâng lên lại đặt xuống. 3 ngày trước kỳ thi mới mở sách ra, học từ sáng tới tận khuya, mặt cau có mọc đầy trứng cá. Nó thi xong, mình nhẹ cả người không phải vì mừng cho nó mà vì mình lại được đi lại sinh hoạt như người thường trong nhà chứ mấy ngày nó học thi mình cứ gây ra tiếng động nào là bị nó hét.

Thế mà các cụ ạ, điểm tốt nghiệp của nó 2 bài thi viết toán và tiếng Ý là 2 điểm 10. Còn bài thi vấn đáp tất cả các môn sử địa khoa học hội họa âm nhạc tiếng Anh tiếng Tây Ban Nha vv gộp chung lại một hội đồng hỏi thi tầm chục thầy cô giáo, là 1 điểm 10 cộng.

Ngài mỗi lần thấy kết quả học tập của con là ngồi lịm, mặt mũi lắng đọng. Nhưng đấy là hai cô cậu lớn chứ cô út thì vô cùng hỏi chấm. Bài tập về nhà làm lấy lệ, nhoắng cái là xong, nói cách gì cũng không làm nó mở vở ra lần nữa. Học chính khóa thì thờ ơ nhưng rất hăng hái những chuyện râu ria. Có đợt nó mê nghiên cứu sứa. Nhà cửa ra thấy sách về sứa vào thấy ảnh ọt về sứa. Từ sứa nó chuyển qua mê thiên văn, rất là liên quan. Bố nó con cón mua sách vở thiên văn kính viễn vọng về cho nó ngâm cứu. Còn mình, cả nhà đang đi nghỉ mà 3h sáng phải mắt nhắm mắt mở chân thấp chân cao đi như say rượu dẫn nó ra đài quan sát cho nó ngắm sao. Mỗi nó trẻ con còn lại toàn các cụ già. Sau đó một thời gian, nghe Metallica với mẹ, nó lại muốn tập guitar điện để oánh giỏi như James Hetfield, thiên văn lại xếp xó. Chỉ sau đó mấy hôm, nó lại đã nảy ra ý định học gẩy đàn harp, ý tưởng guitar lại xếp xó, chỉ vì ngồi gảy đàn harp trông kiều diễm quá hay sao đó. Tiếp tục sau đó vài hôm, đi trong phố, gặp nghệ sĩ violin  đàn đúng bài nó thích, nó xúc động mắt long lanh rơm rớm bảo sẽ học violin. Vừa vào trường mới, tiếng Nga tiếng Đức học một thứ đã đủ chết rồi đây nó đăng ký học cả hai. Harp, guitar và violin trở thành tự sản tự tiêu. Chưa được 1 tháng, tiếng Nga có vẻ cũng thành tự sản tự tiêu từ bao giờ, chỉ còn thấy nó gầm gừ tiếng Đức. Chả hiểu được mấy tuần trước khi tiếng Đức cũng thành tự sản tự tiêu nốt, chỉ biết hiện giờ nhiều khi mình đang xoay như chong chóng nấu ăn cấp tập mà nó cứ bắt phải nghe nó đọc tiếng Đức. Nhiều lúc nghĩ cũng điên ruột nhưng thấy nó giống mình quá nên cũng chẳng dám nói gì, sợ nó bật.

Mà nó bật tài tình các cụ ơi.

-          (con mẹ gằn giọng, không biết đây là lần thứ bao nhiêu chạy theo nó chưa kịp thở thì nó đã lại nảy ra ý tưởng mới) You must have a lot of nerves asking me such a thing!

-          (bật lại tắp lự) And you are getting on every one of them.

Con gái tui nó chơi chữ tài quá, mẹ nó đầu hàng không dịch được câu này.