Tuesday, February 27, 2018

Tailored black



Mình trước giờ cứ tưởng người mình gầy gầy gió thổi bay, trên người cái gì cũng ít, chỉ mỗi tóc là nhiều. Ai dè hôm nọ đi cắt băng khánh thành công trình xây dựng từ thiện, được con bạn quay video cho xem, ối giời ơi một thân hình béo múp từng khúc rung rinh núng nính. Mình ăn ở hiền lành có hại ai bao giờ, làm sao lại ra nông nỗi. Công lý ở đâu hả giời.
Về tới nhà bèn chạy thẳng vào nhà tắm trèo lên cân. 46kg, không tăng không giảm. Hay tại già người nó nhão ra nên trông mới rung rinh núng nính như thế nhẻ?
Biết xấu thế thì ngồi yên một chỗ mịe cho rồi. Đây lại cứ tưởng mình mảnh mai đẹp đẽ u buồn trang nhã nên cứ đi đi lại lại. Đời quả không cái dại nào giống cái dại nào nhẻ.
Thôi, lại phải quay về mặc đồ đen. Mỗi tội ở đây nóng quá, vừa nóng vừa ẩm, ngoài trời nóng, trong nhà cũng nóng. Điện đắt nên dân tình tiết kiệm điều hòa. Nghĩ đến màu đen thôi đã ốm cả người, nói gì đến chuyện mặc. Giờ sao?
Trong các chất liệu thì có lẽ chất liệu mình hay dùng nhất là jersey. Thứ nhất là nó co dãn nên dễ vừa người. Thứ hai là nó cũng mềm mại dễ chịu trên da. Thứ ba là có thể cho vào máy giặt thoải mái hoặc cùng lắm là giặt tay chứ không cần phải nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Thứ tư là nó rẻ nên đi đâu hay dịp gì mặc cũng được mà không sợ bị chỏi.
Mỗi tội chất liệu jersey mặc dễ lộ. Người thừa thịt chỗ này một tí, hơi nhão chỗ kia một tí, mặc những chất liệu che chắn tốt kiểu len, jeans, cotton, không sao, chứ mặc jersey là lộ hết chả giấu đi đâu được. Có lẽ đây chính là lý do tại sao mình tá hỏa khi nhìn thấy bộ điệu mình ú na ú nần trong video. Muốn bảo con bạn xóa cái video chết tiệt ấy đi quá mà không dám. Rồi nó mang phát tán khắp nơi thì quả là bôi gio trát trấu.
Hồi ở Dubai, có đợt mình gặp một anh người Ý, chủ nhãn hiệu jersey tốt nhất trên thế giới. Tất cả các tên tuổi thời trang đình đám kiểu Chanel, Dior, Gucci, đều đặt hàng jersey của anh ấy cả. Các bạn đi mua cái váy hàng hiệu làm bằng chất liệu jersey, có khi hơn nghìn euro một chiếc, là trả cho thiết kế, cho nhãn hiệu và cho các khoản marketing, chứ tiền vải giá gốc có khi chả đến chục euro một mét khổ rộng. Jersey là chất liệu tương đối bình dân.
Mình vốn không thích quần áo may sẵn. Người mình thấp nhỏ, mặc quần áo không kỹ lưỡng về số đo thì nhìn không ưng. Quần áo may sẵn toàn vừa mông thì rộng bụng, vừa bụng thì chật mông, sửa lên sửa xuống vẫn không ưng, chưa kể còn bị sửa hỏng. Thế nên là thôi, mình cứ trung thành với chiến lược tự tìm mua chất liệu và kiếm thợ đặt may. Hỏng cũng nhiều nhưng món nào đã vừa ý là vừa ý cực kỳ.
Hồi mình còn ở Dubai, có chị vợ một đại gia Ấn nhất định đòi may tặng mình 1 chiếc váy từ xưởng may tại nhà của chị ấy. Người Ấn cầu kỳ về vải vóc nên một vài đại gia lập hẳn xưởng may có thợ may thợ thêu thợ dệt trong nhà chỉ chuyên làm đồ cho gia đình mặc. Chị ấy mang cho mình xem một tấm vải trắng thêu tay và bảo “Chị đừng lo. Chị nhỏ, cần ít vải, nên chỉ cần thêu một năm rưỡi, chứ để đủ vải để may cho tôi thì phải thêu mất 3 năm”. Mình nghe xong lo quá té luôn. Cuối cùng hóa ra chị ý bảo thợ cứ nhìn người mình ướm ướm mà may và may xong thì gửi đến tận nhà cho mình hết chối. Chị ấy nhiệt tình quá nhưng cái váy chật ngực, chật mông, và rộng bụng. Nhìn mình như một hình chữ nhật từ cổ tới đầu gối. Mình thử một lần trước gương rồi cất đi luôn chưa bao giờ đụng tới.
Nhưng với tình hình body nhão thế này có khi mình lại phải lôi cái váy hình chữ nhật kia ra mặc mất. 
Vĩnh biệt jersey!

Tuesday, February 20, 2018

Hồi bé và hồi lớn



Hồi bé, thích tết lắm. Tết được mặc áo mới, được đi chơi, được tiền mừng tuổi, được ăn giò chả.
Hồi bé, tôi ở với bác. Nhà bác ngay cạnh chợ. Chợ Khâm Thiên. Chợ Khâm Thiên lại có một cái miếu con con. Nhà bác tôi ở trong ngõ miếu chợ Khâm Thiên, để phân biệt với ngõ chợ Khâm Thiên. Chợ không thiếu thứ gì, rau củ, mấy hàng cơm, hàng bán giò chả, hàng bán cá, hàng bán chả cá, hàng chuyên bán các loại rau thơm, hàng bán các loại quà bánh, đồ ăn sáng, hàng chơi điện tử, không thiếu thứ gì. Thậm chí có cả một cửa hàng mậu dịch chuyên bán thịt và thỉnh thoảng lại bán kèm thêm cả đậu mơ.
Sau này hàng quán mới có thói quen mở ngay từ mùng 2 chứ hồi đó chợ sau tết cứ phải sớm nhất là mùng 5 mới họp. Thế là các lều chợ suốt 5 ngày tết cứ vắng hoe gió lộng, trẻ con tha hồ lấy làm chỗ chơi.
Hồi bé tôi nhớ tự dưng có dạo các bà đi chợ cứ xì xào kháo nhau về một ông già ăn xin mới đến, không hiểu con cái gia đình như nào mà ông ý lại đi ăn xin. Ông già ăn xin trải một cái chiếu rách ngay cạnh đống rác, ngày ngồi, đêm ngủ ngay tại đấy. Mới đầu, ông già xin được nhiều lắm. Mọi người thương ông già một thân một mình nên rất hay cho. Nhưng rồi quen đi, chẳng ai cho nữa. Có hôm đi học về, tôi thấy ông ý ngồi trệu trạo móm mém nhai mấy cuộng bắp cải già. Thứ lá bắp cải người bán hay chặt bỏ trước khi cân cho khách. Lá bắp cải già này thì vô thiên lủng. Lần nào tan chợ cũng thấy vun thành đống. Tôi hay đi xin lá bắp cải già về băm rồi trộn với cơm cháy bóp vụn cho gà ăn.
Rồi tôi nhớ, một hôm tết, anh họ tôi chạy về báo tin sốt dẻo “Ông già ăn xin sắp chết rồi, ra mà xem”. Thế là cả lũ trẻ con bọn tôi chạy ùa ra xem. Ông già mặc cái áo bông rách bươm nằm còng queo trên manh chiếu rách, cạnh đống rác hôi thối ở một góc ngôi chợ tết vắng hoe, hơi thở đứt quãng khò khè rất khó nhọc, bọt sùi ra ở hai bên mép. Bọn tôi đứng xem một hồi lâu chả thấy tình hình thay đổi gì bèn kéo nhau về.
Tôi còn chạy ra xem ông già hình như vài bận nữa. Ông ý vẫn nguyên tình trạng như vậy, nằm mê man, thở rít lên từng cơn, và bọt sùi ra ở hai bên mép. Tôi không nhớ cảm nghĩ của mình lúc đó. Nhưng nếu tôi có thương ông già thì chắc chắn là chẳng thương lâu. Trẻ con, lại đang Tết, đang được ăn đồ ngon, mặc áo đẹp, được tiền mừng tuổi.
Hình như sáng hôm sau thì ông già mất…
Lớn lên, tôi không thích Tết nữa. Tết lãng phí và quá nhiều thủ tục, trong khi tôi lại là người ưa tự do. Tôi nhớ người lớn thường hay hỏi trẻ con được khách mừng tuổi bao nhiêu để còn áng chừng mừng tuổi lại cho con cháu khách bấy nhiêu kẻo sợ mất lòng. Tôi nhớ người lớn phải lo dành dụm tiền tiêu tết từ mấy tháng trước. Tôi nhớ những mâm cỗ ngày tết ê hề nhưng chỉ có mỗi món su hào cà rốt hoa lơ xào của bà tôi là chạy nhất. Tôi nhớ những khuôn mặt đàn ông đỏ gay chếnh choáng cả ngày vì rượu. Uống ít nhưng ghé chỗ nào cũng phải uống một ít, nên thành ra nhiều.
Tôi chỉ thích quãng thời gian mấy ngày trước tết tranh thủ dọn nhà, bỏ đi những thứ lưu cữu cả năm. Rồi đi chợ hoa. Rồi đun nồi nước lá mùi già để tắm gội và thảnh thơi đi chùa với bạn. Lên chùa cho có không khí thế thôi chứ tôi không phải người ngoan đạo. Bạn tôi khấn vái lâu lắm, còn tôi nhoắng cái là xong, trừ những khi thất tình. Tôi có con bạn khác, nó khấn vái còn nhanh hơn cả tôi. Lý do là vì nó chỉ xin xỏ đầy đủ ở đúng ban thờ thứ nhất, còn từ bức tượng thứ hai trở đi nó sẽ ngắn gọn “Con xin Phật những điều giống như con đã xin ở ông bên kia”.
Không hiểu sao cứ tết là tôi lại nhớ tới ông già ăn xin, đến cơn hấp hối nặng nhọc trong tiếng trẻ con hiếu kỳ bàn tán trên đầu.
Nhiều khi rất muốn mình bé lại, mà nhiều khi lại thấy mừng vì mình đã lớn lên…

PS: cô hiệu trưởng trường Lê La Na lại còn gửi hẳn thư riêng chúc mừng năm mới. Viết hoành tráng Happy Chinese New Year. Nhã quá. Nghĩ từ hôm nọ tới giờ mà chưa biết phải trả lời sao.
Ảnh: trên đầu thấy cây me. Bèn trèo hái quả ăn. Chua muốn té đái. Thế này sao hồi bé ăn lại ngon thế nhỉ.

Tuesday, February 13, 2018

Lộn xộn

Hôm qua mình và ngài mời ăn trưa một nhóm bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng từ Ý sang. Trong nhóm có một bác sĩ được mệnh danh là thiên tài vì đã tìm ra cách chữa bệnh Parkinson rất hiệu quả và rẻ tiền từ một loại đậu hạt. Họ đang thử nghiệm trên nhóm bệnh nhân ở châu Phi vốn không bao giờ đủ tiền để mua các thứ biệt dược đắt đỏ do các hãng dược quảng cáo.
Vấn đề là từ việc phát hiện ra thế này đến lúc đưa được ra công chúng cũng là một chặng đường rất gian nan. Lý do là bởi các hãng dược không thích điều này. Ngành công nghiệp sản xuất thuốc chữa Parkinson trị giá hàng bao nhiêu tỷ dollar mỗi năm, giờ dân tình lại té ngửa là dùng một loại đậu hạt rẻ tiền cũng có tác dụng tương tự, thì hãng dược nào cam lòng chấp nhận.
Điều đó càng khẳng định niềm tin của mình rằng rất nhiều thứ bệnh tật quanh ta có thể hoàn toàn chữa được từ các loại cây cỏ cũng quanh ta nốt. Dĩ nhiên mình không tẩy chay thuốc tây. Bệnh tình đến một mức độ nào đó thì cứ phải thuốc tây mới trị được. Nhưng cứ hơi tí là ra tiệm thuốc tây, hơi sụt sịt tí cũng ném thuốc tây cái tọt vào mồm, thì chỉ tổ rước độc chất vào người và cúng tiền cho các hãng dược.
Một bác sĩ trong đoàn, đã có công trình nghiên cứu về moringa, tức là lá chùm ngây, và tinh bột nghệ. Nhưng chị ý bảo tinh bột nghệ cơ thể người chỉ có thể tiêu hóa được nếu được hấp thụ cùng bột hạt tiêu đen. Mình chưa nghe điều này bao giờ, ở nhà chỉ toàn nghe tinh bột nghệ với mật ong tốt cho dạ dày. Hay vi khuẩn trong ruột người châu Âu khác vi khuẩn trong ruột người châu Á nhẻ? Nghe mình nhắc đến noni họ rất tò mò. Riêng về noni thì lại phải viết hẳn một entry riêng.
Họ cũng bảo việc dùng các viên uống bổ sung vitamin và nguyên tố vi lượng hàng ngày cũng không cần thiết, trừ khi vừa trải qua một giai đoạn đặc biệt nào đó ví dụ vừa mang thai, hay trải qua đợt điều trị gì đó. Nói chung là phải có triệu chứng, chứ đang yên đang lành cứ tọng các loại vitamin vào thì có khi còn hại chứ không có lợi. Cúng bao nhiêu tiền vào vitamins, uống vào rồi lại đái ra hết. Không đái ra được để lưu cữu trong cơ thể còn khổ hơn.
Mình nhớ hồi trèo vào rừng già nguyên sinh ở São Tomé, khu rừng này hồi xưa tương truyền ai vào là chỉ có chết chứ không trở ra được. Giờ thì cũng bớt rậm rạp hơn xưa nhưng vẫn còn rất khổng lồ. Bao nhiêu tầng cây che trên đầu nên giữa trưa mà chỉ có một màu tối u u. Rậm rạp mù mịt thế nhưng dân bản xứ chuyên đi rừng họ biết chính xác chỗ nào có cây nào, cây nào để làm thuốc, cây nào để cứu nguy lúc sắp chết khát, cây nào bị sốt rét đến hái lá về ăn sốt rét gì cũng khỏi. Và họ lấy dè sẻn để cây cối còn sinh trưởng trở lại, để còn có nguồn cung lâu dài, chứ không phải gặp cái là đánh cả cụm mang về nhà giấu mình mình dùng còn người khác nhịn. Khai thác tận diệt như thế thì chả mấy chốc mà sạch bách.
Gần đây, ở phương Tây còn có phong trào không ăn cá lớn nữa. Mỗi một cá thế cá lớn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái, hơn hẳn vai trò của các cá lau nhau. Như trong một khu rừng, cây leo cây bụi sinh trưởng thì dễ chứ cây cổ thụ phải mất rất nhiều năm, đẵn đi một cái là trống hoác cả rừng luôn. Những loại cá nhỏ, cá đàn, sinh trưởng nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn, tái tạo lại nhanh, mà cũng bổ dưỡng kém gì đâu. Người VN không hiểu sao mà lúc nào cũng phải tẩm bổ cật lực. Cái tư tưởng lúc nào cũng phải tẩm bổ đó ở thời đói kém còn hiểu được, chứ ngày nay bữa nào cũng ăn, ăn tới no thì thôi, mà vẫn phải tẩm bổ thì lạ thật. Đồ tẩm bổ thì lại toàn những thứ phản môi trường kiểu vi cá mập, sừng tê giác, cao hổ cốt, và thịt của những loại động vật hoang dã quý hiếm.

Mấy năm gần đây, cứ mở báo là thấy dự án cáp treo cho dân tình đu dây lên đỉnh nọ núi kia. Làm cáp treo là một kiểu khai thác tận thu, kinh doanh hủy diệt, cho dân tình lũ lượt kéo tới, chỉ vài năm là danh lam thắng cảnh hỏng hết thì nhà đầu tư cũng đã kiếm đủ và dông thẳng, để lại cái bãi rác. Các bạn thử nghĩ xem, ở nhà còn cái thắng cảnh nào mà còn giữ được vẻ nguyên sơ đẹp đẽ sau khoảng chục năm khai thác đại trà? Nhà đầu tư thì tham, chính quyền thì quản lý kém, và dân thì ý thức không cao. Mình mà ở nhà đừng hòng mình bỏ tiền mua vé đi cáp treo. Muốn lên đỉnh thì tự trèo, không trèo được thì ngồi nhà.

Mà thôi, cả năm vừa qua chả nhớ gì, còn suýt tưởng năm mới là năm 2019. Nhưng vẫn nhớ như in cảm giác buổi sáng đó thức dậy,
-          sau khi đã đặt điều hòa 19 độ và ngủ như chết suốt 10 tiếng đồng hồ,
-          sau 4 ngày đêm không ngủ trong bệnh viện bẩn thỉu, sốt, nôn, tào tháo đuổi, sốc phản vệ,
-          ở một thành phố xa lạ, trong một ngôi nhà xa lạ, nhưng chợt nhận thấy tất cả chỉ là một cơn ác mộng đã qua, everything is still here, tất cả những gì thân yêu thân quen vẫn đang ở đây, đang rúc rích chí chóe ngay bên cạnh này,
thế là lòng vui bừng lên, như mùa xuân 💓

Thursday, February 8, 2018

Cái đôn màu tím của Kartell


Con đã đi ngủ, vợ với chồng ngồi thảo luận làm cái hàng rào, cãi nhau như mổ trâu mổ bò, đây là lần thứ hai. Vợ điên quá “Lần trước anh chiến đấu để cho hàng rào dây thép vào chỗ này. Lần này anh lại chiến đấu để KHÔNG cho hàng rào dây thép vào chỗ này. Vậy thì trong hai lần nhất định phải có một lần anh vô lý. Anh giải thích ra sao về việc đó?”. Chồng dỏn mồm lên bao biện “Thì con người có quan niệm thay đổi là chuyện bình thường. Theo thời gian người ta phải trưởng thành chứ”. Ôi mẹ ơi, có từ tuần trước tới tuần này, thế mà viện chữ “thời gian” nghe lại tưởng cả chục năm.
Vợ bình thản hỏi tiếp “Ờ vậy cứ coi như tuần này anh đã trưởng thành còn tuần trước anh chưa trưởng thành. Tuần trước chưa trưởng thành mà anh cũng cãi rất to và rất bướng. Biết đâu tuần sau anh lại trưởng thành còn hơn nữa, và lại thấy tuần này chính ra anh đừng bướng như này thì phải lẽ hơn. Anh nghĩ sao?”. Chồng vùng vằng không thèm làm tiếp nữa. Càng tốt, mình làm một mình, dùng hàng rào gỗ tiêu chuẩn, dẹp hết hàng rào dây thép khỉ gió ông tự thiết kế.
Hè năm ngoái làm cái bể bơi cũng mệt mỏi với ông. Ai lại ở độ sâu 1m nước rồi mà cứ muốn thiết kế bậc thật rộng để còn ngồi. Có ai cứ khăng khăng muốn ngồi chìm nghỉm dưới một mét nước như chồng tôi? Mà mỗi bậc mình đã phải làm dài 4m rộng 60cm mà ông vẫn cứ bảo chưa đủ chỗ cho ông ngồi, phải làm rộng 1m phòng trường hợp ông muốn ngồi xoay ngang. Vợ bảo ông ngồi thì lên trên mà ngồi, chứ chỗ này nước sâu cả mét ông ngồi kiểu gì. Mà kể cả ông muốn ngồi xoay ngang ở độ sâu này, thì 60cm cũng vẫn thừa rộng cho ông ngồi. Vòng mông ông bao nhiêu mà lo thiếu chỗ?”. Thế là ông cũng dỗi, bỏ ngang, kệ vợ làm việc với kiến trúc sư từ đầu đến cuối. Bể xong, ông thích quá, nằm, ngồi, bơi, phơi nắng tung tăng đủ kiểu, xong ông bảo “Vợ chồng mình thống nhất làm cái bể bơi hợp lý quá, em nhỉ”. Trí nhớ cá vàng di truyền sang cả cô con gái. Vừa nói chưa dứt mồm xong lại hỏi luôn “Na vừa nói cái gì ý nhỉ?”.
Trước giờ mình cứ tưởng với đàn bà, khó nhất không gì khó bằng là chấp nhận việc bị lão hóa theo thời gian. Hóa ra có một thứ còn khó hơn, đó là cứ phải tung hô khen ngợi đàn ông hoặc mỉm cười vị tha khi đàn ông huênh hoang tự sướng, trong khi thấy chúng cứ như một lũ dở người.
Nói chuyện lão hóa lại nhớ ra, tóc đang bạc dần, cổ ngẳng dần, người cũng đang mất dần độ mềm mại. Người giờ mà nhão, mất dáng, là toàn bộ số quần áo hiện tại phải bỏ đi hết. Quần áo mình dù may hay mua sẵn thì bao giờ cũng phải sửa cho vừa in mới mặc. Bất cứ số đo nào thay đổi là một cơ số quần áo sẽ phải bỏ đi. Haiz, lại thêm một động lực để tập thể dục. Nào thì thể dục.

Đới, bà đang lo thân bà bỏ mợ ra đây, lũ nào dở người mặc kệ chúng mài.

PS: Hồi làm cái nhà ở Rome cách đây chục năm, mình cũng đến khổ vì ảo tưởng thiết kế của ông. Có một phần đường ống trần nhô từ dưới sàn lên nằm giữa lối đi cần phải che đi. Mình định gọi thợ mộc thì ông bảo em cứ để anh sáng tạo. Ông bỏ thời gian đo đạc rồi đi mua một cái đôn nhựa hình vuông của Kartell, màu tím hoa sim hết hồn. Sau đó ông thuê người khoét hai lỗ trên cái đôn. Nhựa rất cứng, phải dùng cưa điện mà cũng chỉ khoét ra hai cái ô nguệch ngoạc. Ông mang cái đôn úp vào đường ống. Đường ống thì bé, cái đôn thì to chiếm hết cả chỗ đi lại. Thế là ông đi qua bà đi lại trẻ con đạp xe qua, liên tục quệt vào đôn, đôn liên tục vẹo ra khỏi vị trí. Chưa kể cái màu tím rịm, kết hợp với các màu xanh đỏ khác trong nhà, nhìn phát nhức nhối. Được mấy tuần, mình chịu hết nổi, gọi thợ mộc đến làm một cái hộp gỗ vừa khít, sơn trắng, bao quanh đường ống và gắn cố định trên nền nhà. Còn cái đôn thì phải dỗ ông mang ra cái nhà ngoài biển mà để. Sau vụ thiết kế tốn tiền và thảm họa, mỗi lần ông nổi máu thiết kế, vợ lại nói gọn lỏn câu thần chú “Cái đôn màu tím của Kartell”, là ông lại nằm im trong bị. Mấy năm nay vợ quên không nhắc đến cái đôn nữa, thì ông lại suốt ngày đòi thiết kế. Ông lại đang đòi thiết kế rèm cửa từ bao tải. Có khi tối nay mình lại phải niệm câu thần chú cũ :-(