Thursday, July 23, 2020

23/7/2020

Mùa hè. Những căn phòng ngập nắng. Gió lộng. Rau tươi. Quả mọng. Nấu ăn mẩu thừa chỗ nọ chỗ kia cũng đủ một bữa cho con mèo hoang quấn người. Vụn bánh mỳ và những hạt rơi vãi thì mang cho con chim sẻ đầu hồi.
Bọn trẻ con đi vào rừng. Trước khi đi con Na hỏi vọng vào mamma nếu gặp rắn thì mình chạy như nào. Mẹ nó dặn với theo gặp voi thì các con chạy vòng vèo, gặp rắn thì chạy thẳng, còn gặp gấu thì giả chết, nhớ nhé. Ai nghe được chắc cũng phì cười vì rừng lúp xúp kiểu Địa Trung Hải khô cằn này thì chim còn hiếm chứ nói gì đến voi hay gấu. Nhưng mẹ con tui vừa từ châu Phi rừng rú về, cứ lạc quẻ thế đấy làm gì nhao.
Sáng, mấy bố con nhà kia hay kéo nhau xuống biển. Không bận dẫn con xuống biển thì ngài sẽ bươi từ đống của nả linh tinh lỉnh kỉnh ra một món đồ nào đó và loay hoay ngồi nhíu mày dẩu mỏ phục chế. Hôm qua ngài tự hào chìa cho vợ một món gì bằng nhựa, nhìn như cái món úp đầu gối để bảo vệ khỏi chấn thương trong lúc chơi thể thao nhưng hóa ra không phải. Hóa ra đó là một phụ kiện nào đó của con xe máy cà tàng các cụ ạ. Ngài tự hào bảo anh đã phục chế xong món này. Cứ nói phục chế cho sang chứ ông lại dùng tăm bông ngoáy ngoáy chùi chùi, liếm nước bọt vào tay rồi miết miết vài cái, và dùng kem dưỡng da bôi nhoắng nhoằng, sứt vẫn hoàn sứt, méo vẫn hoàn méo, hỏng vẫn hoàn hỏng, chứ giề. Chả trách xe máy và ô tô cà tàng cứ đụng vào chỗ nào là rời ra như cơm nguội chỗ đấy.
Con mèo hoang, sáng đứng ngoài cửa kêu meo meo đòi vào. Cửa mở ra một cái là chạy vút vào nhanh hơn một cơn gió. Mình muốn thiền một tí mà nó cứ nhào tới húc đầu cọ đuôi. Một hôm thấy nó, thay vì xông tới phá đám như thường lệ, chỉ âm thầm lon ton lẻn vào như một thằng ăn trộm rồi cả ngày cứ bận rộn tất bật góc nọ góc kia. Tưởng cu cậu chỉ tò mò khám phá, hóa ra ối giời ơi nó đã lén lút làm vài bãi tè đánh dấu lãnh thổ, lại đánh dấu ở đúng cái chỗ khó dọn nhất là nguyên cái phòng ông kia đang mở tung tóe đồ linh tinh lỉnh kỉnh của ông ý ra, bày ngổn ngang từ dưới đất lên trên giường. Biết nó đánh dấu vào những chỗ nào trong cả bãi chiến trường kia hả giời? Người ơi là người mèo ơi là mèo.

Mà lũ mèo này thông báo cho nhau các địa chỉ có đồ ăn hay sao ? Chẳng bao lâu sau, buổi sáng mở cửa, suýt ngã ngồi khi thấy 4 con mèo đang đứng đợi trước cửa từ khi nào, mắt sáng hơn đèn pha. Nhiều mèo quá con chim sẻ bên hiên nhà đã bay đi mất.

Ảnh: thú vui hàng ngày, ngồi nghiên cứu hoa hồng, đợi mùa thu sẽ trồng. 

Monday, July 13, 2020

Tạm biệt Fufu

Hồi bé nhà tôi nuôi một con chó và một con mèo. Cả chó và mèo đều được mua về khi còn bé tí, nên chúng nó lớn lên cùng nhau và rất thân nhau. Nhìn chúng nó chơi với nhau suốt ngày vui lắm. Tôi viết bao nhiêu mẩu chuyện ngắn mô tả những lúc chúng nó chơi cùng nhau như thế. Mang tiếng bình đẳng chơi cùng mà lúc nào con mèo chán chơi, muốn bỏ đi mà con chó cứ cố níu lại bắt chơi tiếp, là nó tát con chó lia lịa, mà toàn chọn tát đúng vào mũi. Kệ cho con chó đang kêu ăng ẳng vì đau, nó thản nhiên nhẹ nhàng nhảy tót lên bể nước, rồi từ bể nước nhảy tót lên nóc bếp, rồi ngoắc đuôi bỏ đi ngủ mất dạng. Con chó thì vẫn nhảy nhổm rướn người gác cả chân lên thành bể vẫy đuôi kêu óc ách gọi nó quay lại để chơi cùng. Nó ngủ chán quay lại, lúc nào con chó cũng nhảy cẫng lên vì mừng, đợi bao lâu nó mới thèm về mà vẫn cứ nhảy cẫng lên vì mừng.
Hồi đó, trong sân nhà tôi không hiểu từ đâu lại có một cái thúng cạp bị sút một nửa. Tôi dựng cái thúng lên, nửa dưới cạp vẫn lành cho con chó cuộn tròn ngủ, còn nửa trên sút cạp, ấn phần tre đan xuống, thành chỗ ngủ lõm lõm vừa khít cho con mèo. Những trưa hè, nhìn chó nằm tầng dưới mèo nằm tầng trên ngủ thật thích. Hồi đó không có mạng xã hội chứ không chó mèo của tôi lại thành hot dog hot cat. Sau con chó lớn không chui vừa vào nửa cái thúng bên dưới nữa, tôi bỏ cái thúng đi, nhưng chúng nó vẫn nằm ngủ cùng nhau. Con chó nằm dưới đất, cuộn tròn lại, con mèo nằm chon von sạch sẽ bên trên. Những đêm mùa đông, tôi lót cho con chó miếng giẻ cho đỡ lạnh, nó nằm khoanh trên miếng giẻ, ôm tròn lấy con mèo nằm ấm êm ở giữa.

Tôi còn nuôi một con chó nữa. Một tối tôi đi học thêm về, hốt hoảng thấy hàng xóm đứng lố nhố quanh cổng nhà mình. Con chó của tôi đã ăn phải bả, đang chạy ra chạy vào kêu ăng ẳng đau đớn. Không ai biết làm cách nào để cứu nó. Tôi òa khóc. Anh hàng xóm, lúc đó đang là sinh viên năm mấy trường luật, thuê trọ ngay cạnh nhà tôi, nhiều năm sau quay lại thăm mẹ con tôi, vẫn bảo “Anh chưa từng thấy ai khóc vì một con chó như vậy”. Cái bờ sông Tô lịch nước đen ngòm ấy, là nơi tôi chôn con chó của tôi. Chị em tôi vác cái bao tải rách đựng xác con chó, trèo rào ra phía bờ sông tối om, cỏ cây rậm rì. Đào đất rồi lấp mộ bằng một cái bay cùn và cả bằng tay, mà không nghĩ tới bẩn, nhiễm trùng, uốn ván, không sợ móc phải một cây kim tiêm đã dùng rồi nào đó, không sợ bị côn đồ trấn lột. Đang lúi húi đào, thì có một thằng đứng ngoài hàng rào hỏi vọng vào giọng cà khịa “Chúng mày đang làm gì ở đấy?”, còn đang ngần ngại chưa biết trả lời sao, thì nó lên giọng hăm dọa “ Đm bố mày hỏi chúng mày không trả lời à?”. Tôi lí nhí “Em chôn con chó của em”. Nó không hỏi nữa, đứng nhìn một lúc rồi lẳng lặng bỏ đi. Tuổi 17 ngây thơ không biết sợ hãi và dường như lúc nào cũng có thiên thần hộ mệnh như thế.
Dần dần tôi không nuôi chó và nuôi mèo nữa. Tôi đã đủ bận. Vả lại, nuôi nó rồi chẳng may nó bị sao, tôi không muốn phải trải qua cảm giác ấy. Tôi muốn đời mình đơn giản, không muốn những nỗi buồn, nhất là những nỗi buồn dài, càng không muốn những nỗi buồn dài nhất.
Tạm biệt Fufu. Fufu ở lại ngoan. Không còn trẻ con cho Fufu chơi cùng, Fufu chơi với Simba cũng được vậy. Đừng đợi tôi nữa nhé.
Tạm biệt ngôi nhà mái ngói, sân rêu, có hàng hiên thuộc địa nhìn ra khu vườn xanh mướt bóng bàng bóng chuối, có đôi chim xanh, đôi cu gáy, và con mèo lười nằm ngủ hiền dưới giàn hoa giấy bốn mùa đỏ chói.

- Quo vadis?
- Romam vado, iterum crucifigi???

Tuesday, July 7, 2020

7/7/2020

Hơn 3 năm trước khi mình lần đầu đến trường này để xin học cho con, cô phụ trách tuyển sinh dẫn hai vợ chồng mình đi xem các cơ sở vật chất của trường. Trước đó mình đã trình bày trường kia chương trình quá dễ với con mình nên vợ chồng mình muốn tìm trường đúng sức của nó. Lúc vừa đi vừa nói chuyện, cô phụ trách tuyển sinh khoe trường có đội bóng rất mạnh. Mình vui vẻ bảo « Thế thì tốt quá, con trai tôi là thành viên trong đội bóng của trường kia. Hy vọng nó cũng sẽ được chơi trong đội bóng của trường mình ». Vừa lúc đi qua bể bơi, cô phụ trách tuyển sinh lại khoe bể bơi tiêu chuẩn thi đấu quốc tế gì đó. Mình nghe xong cũng vui vẻ bảo « Con trai tôi cũng ở trong đội tuyển bơi của trường cũ ». Thấy cô kia liếc mình một cái rất nhanh, trên mặt có một vẻ « khiếp chị, trong nhà nhất mẹ nhì con ». Mình không nói gì. Thời gian sẽ trả lời, đi đâu mà vội.
Hơn 3 năm trôi qua. Cô phụ trách tuyển sinh kia nếu theo dõi lũ con mình để xem có được như chị mẹ kia « nổ » ban đầu không, thì giờ hẳn đã hiểu mình rõ ràng là nói quá, nhưng là quá ít.
Dân tình đồn đại mình chuyển con khỏi trường cũ vì chê chương trình học dễ quá. Mình không biết vì thế mà mình trở nên nổi tiếng và bị rất nhiều bậc phụ huynh để mắt theo dõi xem ở trường mới có làm nên trò trống gì không. Cơ mà mình cũng không buồn giải thích là chương trình học dễ quá chỉ là một lý do thôi. Lý do nữa là mình không tiêu hóa nổi kiểu giáo dục nhu nhơ, tự do quá trớn trẻ con thích gì làm nấy, nơi thầy cô không dám nói thật vì sợ gặp phải phụ huynh cưng con xù lông làm toáng lên thì rầy rà, có khi lại mất việc, nên thôi cứ nói những lời phải đạo nhảm nhí cho đỡ phiền đến thân. Nói nhiều thành bản tính, cứ mở miệng là nói lời phải đạo, nghe như bị ngáo. Cái gì mà tất cả trẻ em trên đời đều đặc biệt, đều phải khuyến khích phải để cho tự do phát triển. Trẻ em giỏi giang chăm chỉ tốt bụng tôn trọng quy định của trường đặc biệt cần phát huy đã đành; còn trẻ em lười biếng láo toét gây gổ, trong lớp các bạn ngồi học thì nó nằm lăn ra đất, cũng đặc biệt thì…nhẽ cũng cần phát huy luôn? Còn nữa, cứ tăng cường dạy trẻ phải hướng ngoại, phải tự tin, phải tập đứng thuyết trình, đứng nói trước công chúng, nhưng không thấy dạy trẻ nền tảng. Nền tảng không có mà lại cứ nói thao thao, thì phải chăng là thành nói bậy ?
Ở đời bây giờ muốn tìm nghe lời nói thật cũng không phải dễ, nhất là khi tung hô khen ngợi đã trở thành định nghĩa cấp tiến văn minh. Ai chê, kể cả chê đúng mà xem, có khi còn bị cắm đuôi đuổi vào rừng. Cơ mà mình cứ tự hỏi không muốn hoặc không dám chê thì thôi, cứ im lặng ai bảo gì, chứ ai lại cứ đi khen bậy kiểu thế.
Trường học mà không rèn, thì ở đâu rèn ? Lúc còn nhỏ mà không rèn, thì lúc nào rèn ? Con trẻ được chiều chuộng khen ngợi tự do phát triển tự do sống theo ý thích rồi ra đời sức đề kháng kém, lực nhẫn nại kém mà lại bố đời ảo tưởng. Cuộc sống cứ ngon nghẻ thì không sao, chứ thử gập ghềnh một tí xem, biết nhau ngay.  
Sau khi mình chuyển đi khỏi trường cũ một thời gian, có phụ huynh trường cũ nhắn tin kể lể « G ơi mày chuyển đi là đúng. Con tao đang phải học một tác phẩm truyện ngắn có nội dung mẹ ngoại tình, bố bắt quả tang thế là giết cả vợ và nhân tình, sau đó bố ung dung đi uống cốc cà phê. Hết truyện ». Thầy cô nào tuyển được tác phẩm quý thế. Các thầy cô giáo da trắng ở đâu giỏi không biết chứ mà sang các nước da đen da vàng này thì phụ huynh cứ coi chừng, có khi còn kém xa giáo viên bản địa trong các trường quốc tế. Cũng tương tự với bệnh viện quốc tế, các bạn cứ thử tìm hiểu mà xem.
Còn gần đây, một chị người quen của mình kể con chị ấy cứ học được chừng 10 phút trong lớp là cô giáo lại cho phép nó đi « giải lao », vì tôn chỉ của trường là không ép uổng trẻ con. Nó đi giải lao vào thẳng trong thư viện trường oánh điện tử. Cô trông thư viện cũng chả nói gì, kệ cho nó chơi cả tiếng đồng hồ, vừa nhàn thân cô vừa làm vui lòng trẻ con. Suốt mấy tháng liền như thế đến tận khi chị kia một hôm đến trường đột xuất có việc mới phát hiện ra, làm toáng lên một trận và gọi điện cho mình thở than tìm trường để chuyển con đi.
 Lại quay lại vụ bọn trẻ con nhà mình, kết thúc năm học, mình nhắn tin cho ông « Thằng Ale năm nay đã rất nỗ lực để đạt được kết quả tốt đặc biệt. Đã đến lúc mình mua cho nó một cái điện thoại ». Ông nhắn tin lại ngay « Đứa nào nhắn tin? ». Mình nhắn lại « Vợ anh ». Ông vẫn chưa tin « gửi ảnh tao xem ». Mình gửi bảng điểm tổng kết của lũ con. Ông vẫn khăng khăng « gọi video tao xem ». Mình đành phải gọi video « bình thường ông ngờ nghệch như thiêu thân lao vào đèn dầu mà sao lần này ông cảnh giác thế ? ». Ông cười hí hí, bảo tại chúng nó lừa anh bao lần rồi. 
Ông con lần đầu tiên trong đời được mẹ hứa mua điện thoại cho sung sướng cười tủm tỉm suốt từ trưa đến chiều. Mẹ yêu ông con trai đang vào tuổi dở ông dở thằng mồm cãi lấy được nhưng trước khi ngủ bao giờ cũng nói « Lê yêu mẹ » nhất trên đời 💓.

Ảnh : Accra đã vào mùa mưa. Mưa gió vặt lá cây si trong vườn rải thành thảm dày trên mặt đất, tí che mất cây mít con mình mới trồng cách đây mấy tháng.