Saturday, December 14, 2019

14/12/2019


Con Na, như thường lệ, thi xong quên điểm, đặc biệt quên những môn nó không thích nhớ. Môn tiếng Anh đọc hiểu nó được điểm B. Mình bảo thi mà không học hành gì cả thì điểm làm sao cao được. Nó bảo đọc hiểu thì làm sao mà học được. Ý nó là môn đọc hiểu, đọc mà hiểu thì là hiểu, không hiểu thì là không hiểu, chứ học ôn kiểu gì. À, mà nó còn tỉnh bơ bảo B chỉ sau A chứ mấy, làm gì mà bà phải quan trọng hóa vấn đề. Mày học ở đâu cái logic lạ đời thế hả con?
Hôm qua, nó kể chuyện nhận điểm thi môn địa lý, mắt rân rấn nước. 38/40 điểm, chưa kịp mừng thì cô giáo bảo “À có bài cô chấm nhầm”. Nhầm ai không nhầm lại nhầm đúng bài của nó. Thế là nó mất 2 điểm, còn 36/40. Nó bảo it’s not fair, cho con nhà người ta 38 điểm rồi còn lấy lại 2 điểm. Mình bảo điểm phải được tính dựa trên số câu trả lời đúng, chứ làm sai mà vẫn đòi điểm cao thì hóa ra là gian lận à em bé. Xong mình dặn thêm “Các em bé của mẹ khi nhận bài kiểm tra hay bài thi bao giờ cũng phải soát lại, nếu sai mà cô giáo quên trừ điểm thì phải lên nói với cô. Thà nhận điểm kém hơn nhưng trung thực còn hơn nhận điểm cao mà gian lận, nhớ chưa?”. Con La với thằng Lê gật gật, còn con Na giả điếc nhưng nhìn mặt nó thì có thể đọc ngay được ý nghĩ “nhầm là tại cô giáo, chả phải tại tui, việc gì tui phải xoắn” của nó.

Cô con gái Lila năm nay vừa lên cấp 2, tuổi vừa chớm teen mà đã cho mẹ già của nó lên bờ xuống ruộng. Vừa vào năm học mới mấy tuần, phải đi họp phụ huynh, mẹ hớn hở vác mặt đi chủ yếu vì tò mò xem cấp 2 các thầy cô sẽ khen con mình thế nào. Ai ngờ 10 thầy cô thì 8 người phê bình vì nói chuyện riêng trong giờ, hoặc vào lớp muộn, hoặc không làm bài tập. Chưa kể cứ năm ngày ba bận nó lại xin nghỉ học vì lý do đau bụng. Mình vắt óc nghĩ không ra tại sao nó lại đau bụng được. Mãi mới phát hiện ra vì tiền túi rủng rỉnh nên hay ăn quà vặt, và ăn quà vặt xong thì tào tháo đuổi. Mình quán triệt tư tưởng lão chồng vụ cho con tiền tiêu vặt, lão gật đầu hứa đinh ninh lắm nên mình yên tâm vấn đề đã được giải quyết. Ai dè mấy hôm sau trường lại gọi điện bảo con chị đang ở phòng y tế trường vì đau bụng. Hóa ra thằng bố, buổi sáng con mò vào xin tiền tiêu vặt, mải ngủ nên giúi tiền cho con luôn để khỏi bị quấy rầy. Con có tiền lại mua quà vặt ăn, và tào tháo lại đuổi ngay 15 phút sau đó. Mẹ thương cái em bé đang tuổi tò mò cái gì cũng muốn thử quá đi mất.

Con gái quậy ở trường đã đành mà ở nhà cũng chả khá hơn. Tính tình chỉ có thể gói gọn trong một từ “khủng khiếp”. Tuần trước, cả nhà đi ăn tối về, Lê xin phép mẹ cho ngủ muộn vì phải làm bài tập. Con Na nhát gan sợ ngủ một mình nên bình thường toàn xin ngủ với anh. Nó thích ngủ với chị lắm nhưng toàn bị chị đuổi quầy quậy, đuổi không được còn đánh em. Giờ anh chưa đi ngủ nên con Na cũng không dám vào phòng ngủ trước một mình. Đang loanh quanh đợi thằng anh thì từ cuối hành lang con chị ngó đầu ra khỏi phòng gọi “Anna tối nay có muốn ngủ với Lila không?”.Con em nghe xong òa lên vì mừng “Sure”. Cái hành lang dài, hình như nó sợ con chị đợi lâu đổi ý nên không dám đi bình thường mà phải vội vã chạy tới thật nhanh, tay vẫn xách cái quần đùi. Nhìn nó chạy lao đầu về phía trước mà xót. Mấy hôm sau mình kể lại chuyện cho con La, rồi bảo “Con phải làm thế nào đó để em coi chuyện con tử tế với em là chuyện bình thường. Chứ em mà phải mừng rỡ đến thế vì một lần con tử tế, thì chứng tỏ rất hiếm khi con tử tế với em”. Nghe mẹ nói xong đôi mắt đẹp của nó nhìn mẹ chăm chăm vẻ suy nghĩ, thay vì liếc, nguýt, hoặc nhìn lên trần nhà như thường lệ. Từ hôm đó đến nay cũng được hơn tuần, nó quả cũng tử tế với em gái nó hơn. Mỗi tội chả biết sẽ được bao lâu.

Ảnh: mẹ thương cái em bé nâu từ đầu đến chân có logic hơi lạ đời nhưng mà hiền khô phớt tỉnh lại còn vui tính của mẹ quá đi mất.

Sunday, December 8, 2019

Tư bản nhân văn

Chồng bảo mai anh phải đi dự buổi khai trương một dự án nông nghiệp, em đi cùng anh. Bảo thôi, mai em phải làm nhiều việc, đi cùng anh mất nguyên ngày, rồi việc dồn lại mệt lắm. Ông vẫn cứ năn nỉ đi cùng anh cho vui, dự án về nông nghiệp, chắc chắn là em sẽ thích. Ông nói mãi nên cuối cùng mình đành gác lại các việc khác để đi cùng ông cho có bầu bạn.
Dự án nông nghiệp này nghe thì thấy rất có ý nghĩa. Người Ý bỏ tiền khai khẩn đất hoang thành ruộng vườn, dẫn nước từ sông vào để tưới, mua giống cây và hạt mang tới, mang tới cả công nghệ chăm sóc cây trồng. Phần dân làng là ra lao động trên đồng. Nông sản thu hoạch được họ thoải mái dùng theo nhu cầu, cải thiện bữa ăn vốn nghèo dưỡng chất. Số còn lại người Ý lại tìm kênh bán hộ, tăng thu nhập cho dân làng. Sau một thời gian cho mọi thứ vào guồng, người Ý cuối cùng sẽ rút đi, giao lại đất cho từng người để họ tự canh tác, sinh nhai.
Nghe xong mình đã nghĩ ngay làng ngay đấy, bãi đất thì ngay cạnh làng, sông lại ngay cạnh bãi đất, mà bãi đất cũng bằng phẳng, toàn cây bụi nên việc phát quang không phải việc khó khăn, nhất là thấy rất nhiều đàn ông khỏe mạnh trai tráng đi lững thững trong làng, vậy thì tại sao lại phải đợi người Ý đến họ mới có vườn trồng rau?
Lúc ra đến ngoài đồng, nói chuyện với một ông kỹ sư nông nghiệp người Ý, ông ý bảo “Khó lắm chị ạ. Mới đầu có 25 người làng đăng ký muốn tham gia hưởng lợi từ dự án. Bây giờ họ trốn hết, chỉ còn mỗi 10 người mà thái độ cũng có vẻ ngần ngại. Họ quen được người da trắng cho tiền rồi, giờ bắt họ lao động mới ra thành quả thì họ không thích”.

Ở đây, dân thành thị còn đỡ một chút chứ dân quê vẫn sống hồn nhiên như cây cỏ. Đói thì đi quanh quanh kiếm cái ăn, sắn khoai mọc đầy ra, mọc lẫn ngút đầu với cỏ dại nên nhìn cũng không hiểu là do người trồng hay tự mọc, chỉ biết là rút lên là có cái ăn. Quả ăn xong vứt hạt, hạt lại mọc thành cây, xoài chuối mọc khắp nơi, đói bụng mà không muốn nấu nướng thì làm quả xoài quả chuối là xong bữa. Ăn xong đi kiếm chỗ ngủ. Ngủ thì kiếm một gốc cây nằm là đủ mát mẻ, nhà cửa chả quan trọng lắm. Trời đất ấm áp quanh năm nên khỏi lo chuyện sưởi ấm, thậm chí chẳng cần quần áo. Điều kiện thiên nhiên dễ chịu nên con người không có động lực phấn đấu. Đang ăn sắn mãi chả sao mà giờ để có rau tươi ăn, ngày nào cũng phải ra đồng toát mồ hôi gẫy lưng cày cuốc tưới nước nhặt cỏ bắt sâu, thì họ chả muốn ra là phải rồi.

Trong buổi lễ khai mạc, ông trưởng làng lên phát biểu, nói đi nói lại xin các vị da trắng cho nốt tiền nạo bùn khúc sông. Nghe xong ngài chả nói gì. CEO của công ty tài trợ dự án cũng chả nói gì. Lúc nào cũng chỉ muốn đi xin, còn việc bày ra trước mắt đấy thì không chịu làm. Không tự thân vận động, sự trợ giúp nào từ bên ngoài sẽ là đủ?

Ngài đi dự lễ khai mạc về, cả chặng đường mặt nhăn như bị rách. Không phải nói gì chứ tư bản Ý nhân văn hồi mới đến châu Phi hăm hở lắm, đầu toàn những điều vĩ cuồng thay đổi thế giới. Chả bù cho Việt nam cộng sản, vài tháng là đọc vị ra ngay, bị tư bản Ý quở “cô đầu óc suy nghĩ tiêu cực”. Giờ sau hơn 3 năm, tư bản Ý xẹp lép như cái bánh tráng, tiêu cực còn hơn VN cộng sản, đặc biệt độ nhân văn cũng không còn nhiều, nếu không nói là chả còn giề.

Lại quay lại ông kỹ sư nông nghiệp cau có và vườn rau sạch cho còn không đắt, sau khi ca cẩm một hồi, ông ấy bảo “Giá như ở VN thì chắc chắn mọi việc đã khác”. Ông này đã đến làm việc ở VN rất nhiều lần chứ không phải nịnh suông cho vừa lòng cún.

P.S: Tiền dự án là từ một công ty của Ý. Tư bản nhân văn tư duy như sau: nếu một công ty trong quá trình hoạt động sinh lợi gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường, tức là có dấu chân carbon lớn, thì sẽ phải lập công chuộc tội, tức là trích lợi nhuận làm các việc ủng hộ cộng đồng, bảo vệ cải thiện môi trường vv. Những hoạt động này vừa giúp thu nhỏ dấu chân carbon vừa tô điểm cho bộ mặt của công ty, tức là công ty sẽ ít bị chính quyền, đối thủ cạnh tranh, và dư luận lên án, đại loại là như thế. Thế cho nên nguồn tiền làm các dự án nâng đỡ cộng đồng này rất dồi dào, mặc dù hiệu quả thì hên xui. Mà có vẻ như hên hay xui không quan trọng, miễn giải ngân được và ghi được hoạt động đó vào trong portfolio của mình là xong việc, mặc dù dĩ nhiên họ không bao giờ công nhận điều đó. 

Sunday, December 1, 2019

Chuyện ăn

Một tuần toàn event lớn tại nhà. Một event ăn tối 500 người và một event ăn trưa 90 người trong đó có cả thủ tướng Ý. Event ăn trưa đầu tiên bảo 40 người, mình rung đùi, cuối cùng phình to thành 90 người, mình chạy sút cạp quần. Thủ tướng về nước rồi, hôm sau mình tổng kết, cho hội người làm một buổi ăn uống liên hoan cuối năm, rồi mình nằm bẹp cả buổi chiều không dậy nổi. Mà thôi, xong rồi, nhẹ nợ. Entry trước mình nói chuyện tiền, entry này mình nói chuyện ăn.
Mình nhớ hồi mới tới Dubai, có lần dẫn lũ con đi chơi cuối tuần ở một trung tâm mua sắm tầm tầm nào đó. Đến giờ ăn trưa, chúng nó đòi vào McDonald. Mình thì đã kiệt sức sau mấy tiếng liền chạy theo 3 đứa trẻ con lít nhít đi một bước ngã một bước, nói luôn mồm và cứ vài phút lại vồ vào mặt mình một lần, nên chúng nó thích gì mình chiều luôn cho xong nghĩa vụ ăn uống, đằng nào cũng rẻ.
Trẻ con mắt to hơn mồm, chúng nó mỗi đứa bưng về một khay đầy hự, háo hức nhưng ăn vài miếng là chán. Mình vốn rất ghét đổ bỏ đồ ăn nhưng đang mệt chả muốn mệt thêm, nên bảo chúng nó tự xử đống đồ ăn, không ăn hết được thì tự mang bỏ đi.  
Chúng nó đang lục tục chuẩn bị hê cả ba khay đồ ăn hầu như còn nguyên vào thùng rác, thì mình thấy một cậu Ấn độ rất trẻ, gầy gầy, ngồi bàn gần đó, cũng vừa ăn xong đang đứng lên. Chuyện cũng không có gì đáng nói nếu cậu ấy không đưa mắt liếc nhìn mấy khay đồ ăn của lũ Lê La Na một cái rất nhanh. Có rất nhiều thứ trong ánh mắt ấy. Tiếc rẻ, thèm thuồng, và nhiều thứ nữa rất khó gọi tên, trên khuôn mặt cố tỏ vẻ ngó lơ bình thản. Cái khay của cậu ấy sạch trơn.
Cậu ấy hẳn là một trong hàng nghìn người Ấn độ sang bán sức lao động rẻ mạt ở Dubai. Lương thấp, điều kiện sống tồi tệ, lao động nặng nhọc hại sức khỏe. Các bạn cứ tưởng tượng nắng nóng tới 45, 50 độ mà họ phải làm việc ngoài trời từ sáng tới chiều tối, còn đêm về ngủ chen chúc trong một căn phòng tồi tàn nào đó. Và họ thường phải ngủ trong điều hòa rét run vào buổi đêm để ban ngày có thể chống chọi được cái nóng khủng khiếp khi làm việc ngoài trời. Nhưng dân Ấn độ, Pakistan, Bangladesh vẫn xếp hàng đợi sang bởi viễn cảnh được chủ bao ăn ở, ốm chủ cho thuốc, đi làm có xe đưa đón, quần áo lao động cũng chủ lo, vậy thì lương có thấp thế nào cũng vẫn là món để dành được.
Cậu Ấn độ kia hẳn là một người như vậy, cuối tuần đi chơi trong một trung tâm mua sắm bình dân, selfie gửi về nhà, rồi tự thưởng cho mình một bữa ăn tại McDonald.
Cái liếc mắt tiếc rẻ thèm thuồng của cậu ấy làm mình phải suy nghĩ. Từ đó, đi ăn ở đâu, đắt hay rẻ, bao giờ mình cũng nhắc bọn trẻ con chỉ gọi đủ món. Nếu thấy chúng nó khả năng sẽ không ăn hết, là mình không gọi món của mình nữa. Lúc đồ ăn dọn ra, mình ăn ké chúng nó vài miếng là xong.

Theo mình, người VN ăn quá nhiều đạm. Cơ thể người không cần nhiều đạm đến thế. Ăn thế cơ thể không thể hấp thụ hết được, tức là tiền đổ xuống cống hết. Mà với tình hình thực phẩm bẩn như hiện nay, ăn thế tức là mất tiền để rước bệnh vào người, rồi lại mất tiền chữa.

Loài người vốn là loài săn bắn và hái lượm, có thể ăn được rất nhiều thứ. Xung quanh mình các loại rau củ quả hạt bản địa rất phong phú, mỗi thứ có một loại dinh dưỡng riêng. Chuyện ăn uống không quan trọng đến mức phải liên tục chi tiền bồi dưỡng, săn lùng sản vật ngon độc lạ, liên tục lo lắng không béo, không khỏe. Chưa kể thế giới thì đang ngày một quá tải vì sức tiêu thụ khổng lồ và lãng phí của con người.

Thời buổi này, ngay cả ở châu Phi người ta cũng muốn gầy. Ở phương tây, nhiều khi phải có tiền mới gầy được. Vì ở phương tây ăn để gầy tốn tiền hơn ăn để béo rất nhiều. Trong khi ở VN, ăn để gầy rất dễ. Chả có lý do gì mà không tận dụng lợi thế đó, mình thật.

P.S: Mình từng ngồi cùng mâm với những đứa trẻ cứ ăn xoi xói, chọn những miếng ngon nhất ăn, không cần biết ngoài mình còn bao nhiêu người khác. Có đứa còn có trò dùng đũa xục xới lung tung vào đĩa đồ ăn để chọn ra miếng mình thích. Bố mẹ cũng chả nhắc, cứ như thể mừng vì con mình tranh được phần hơn. Có lần, nhà mình đi nghỉ đâu đó cùng một gia đình khác. Mấy ngày liền, cứ đồ ăn vừa dọn lên là chị vợ nhà kia lập tức chất đầy đồ ăn lên đĩa đứa con lười ăn của chị ấy. 7 người còn lại chia nhau phần còn lại. Thậm chí, đĩa chất đầy rồi mà chị ấy lo con bé vẫn còn muốn ăn thêm, là anh chồng đang ăn uống hăm hở bị chị ấy họ lại ngay. Con bé bữa nào cũng bỏ mứa rất nhiều đồ ăn, còn 7 người còn lại thì có khi ăn chưa đủ. Con mình ăn chưa đủ thì mình cho ăn thêm ít rau, quả chuối, bắp ngô, miếng khoai, vài cái hạt, hoặc uống thêm cốc sữa. Chả thiếu cách để ăn no, không cứ gì cứ phải cá thịt. Thế nên mình cũng không nói gì chị kia. Chỉ có điều mình tự hỏi bố mẹ như thế thì dạy con kiểu gì?