Friday, February 25, 2022

The man who laughs last...

Tôi xưa nay không có hứng bình luận về Biden. Ông ta rõ ràng là hạng khoác lác bất tài. Dấu ấn duy nhất làm cho thiên hạ để ý đến B đó là cú ăn cắp bầu cử 2020. Đã ăn cắp mà còn làm không nên. Nhiều khi nhìn Biden nhướn mắt đọc diễn văn từ teleprompter bộ dạng ngẩn ngơ tôi là ai và đây là đâu, nói thật cứ nguyên bản như thế cho thẳng vào bảo tàng Madame Tussauds là chuẩn rồi, chả cần chỉnh sửa gì.

Tôi cũng không muốn nói về Trump. Tôi đã bình luận về T nhiều, ý kiến vẫn bảo lưu như thế. T dù có thế nào, trong 4 năm ông ý làm tổng thống, kinh tế ổn định, lòng dân yêu mến, không có cuộc chiến mới nào được khơi mào, đầu gấu như Putin cũng phải nể, họ Tập thì lo lập cập chống đỡ muốn đái ra quần, còn gặp gỡ được cả Chí Phèo Ủn ỉn Bắc Triều và làm cu cậu chấm dứt cái trò phóng tên lửa loạn xạ vốn làm các nước láng giềng sống không yên cứ dăm bữa nửa tháng lại thót tim một lần, thậm chí ghét nhau truyền kiếp như Do thái và Ả rập mà cũng chịu ngồi vào bàn hợp tác dưới sự tác động của Trump. Trump hết nhiệm kỳ, đi đến đâu dân rần rần kéo đến ủng hộ đến đấy. Vắng thái độ đáo để sát ván của Trump, nhìn xem Tập và Putin đang làm gì. Đã bao giờ Putin có thái độ ngạo ngược, giọng điệu bất cần và hành vi bất chấp ở mức độ như vậy?  Tôi nói qua như thế, toàn facts cả, muốn trở thành người hiểu biết thì tự đi tìm hiểu, đừng nói luyên thuyên cá mè một lứa tôi không ưa. Phân biệt được đúng sai cũng là một dạng trí tuệ.

Điều tôi muốn nói hôm nay là về sự thảm hại của những người ghét T điên cuồng bất kể lý lẽ. Đàn ông thì cứ như thể T cướp bồ cướp vợ của họ, đàn bà thì cứ như thể bị T chê xấu không thèm chiếu cố. Có thời, ủng hộ Trump bị coi là ít học, ngu si, thần kinh, mông muội. Còn chửi Trump ghét Trump được coi là biểu hiện của trí thức, học cao hiểu rộng, cấp tiến. Nhận vơ thế không biết có sang lên tí nào không. Thời đại cái gì cũng dễ tiếp cận này tạo điều kiện cho nhiều kẻ bầy đàn ăn theo nói leo mà cũng to còi hung hãn khiếp. Suốt hơn năm nay tôi đợi những người này lên tiếng, cũng với sự hừng hực giả bộ hiểu biết giả vờ thanh cao như hồi họ còn chửi Trump. Thế mà buồn cười quá, tất cả những người ngày xưa chửi vung cán tàn, chửi từ cái cúc quần của Trump chửi đi, nếu cứ áp dụng những tiêu chí ngày xưa chửi Trump vào chửi Biden thì giờ hẳn là có nhiều thứ để nói lắm đây, giờ lại cứ im re như ngậm hột thị.

Há miệng mắc quai nên đành chọn im lặng là vàng, thôi nhận đi cho tiến bộ :-)))))

Từ sau vụ Putin nuốt trộng Crimea, tất cả những gì có thể trừng phạt được thì phương Tây đã làm rồi. Giờ có vì thể diện mà làm bất kỳ cái gì thì cũng đều là tự bắn vào chân mình.

Những lãnh đạo như Putin chỉ gờm những thằng ăn miếng trả miếng dám nói dám làm, chứ còn đám chính trị gia ông chẳng bà chuộc chưa thò đã thụt thì Putin bóp một phát là lè lưỡi chết hết. Đức thì mới toe, Pháp Áo Canada là hạng nhãi ranh, Ý thì xưa giờ đụng đến chính trị là chuồn, Mỹ thì tổng thống lẫn cẫn và phó tổng thống chỉ biết cười hí lên như một con dở, những nước khác thì cơ bản là không đáng quan tâm vì đối trọng kinh tế không có. Gian hùng như Putin dĩ nhiên là nhìn ra được hết.

À mà giờ khi mọi nước cờ đều bí, điều phó tổng thống Mỹ ra tiền tuyến ré lên một tràng belly laugh quái gở có khi lại làm cho Putin khiếp đảm phản cảm quay lưng bỏ chạy cũng nên.

Cái này là tôi phỏng theo ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu, đúng với ai thì đúng: có đàn ếch sinh sống trong hồ nước nọ. Hồ nước vốn do một con chim ưng chăm sóc bảo vệ. Lũ ếch chả thích con chim ưng. Mắt chim ưng nhìn gì cũng ra thấu, mỏ lại sắc, điệu bộ lại tinh vi. Lũ ếch thì lại nhạy cảm mong manh dễ vỡ, chúng theo đuổi những giá trị theo chúng là ếch bản hòng mong một ngày chúng sẽ tiến hóa lên một thế giới ếch đại đồng ếch sống để yêu ếch. Thế là chúng hợp lực loại con chim ưng ra. Một con ếch thì không mùi mẽ gì nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng phá hoại của rất nhiều con ếch hợp lại. Rồi chúng cầu nguyện để thượng đế gửi xuống cho chúng một người lãnh đạo hợp lòng chúng hơn, đặc biệt không được có cái mỏ sắc làm chúng đau lòng, văn minh là phải làm đẹp lòng nhao. Chẳng bao lâu sau đó, một cành cây khô rơi cái bọp xuống hồ nước, dựng đứng im lìm ở đấy. Lũ ếch sướng tỉnh người, chúng ộp oạp thoải mái cành cây vẫn chả ý kiến ý cò, thế mới gọi là lãnh đạo sành sỏi chính trị gia có nghề, chứ ai lại politically incorrect như ai kia. Vắng bóng con chim ưng, chẳng bao lâu sau, một con diệc mò đến ngay. Nó bắt đầu tàn sát cư dân ếch trong hồ. Những con ếch hoảng loạn ngước nhìn cành cây cầu cứu. Nhưng như mọi khi, cành cây vẫn im ru bà rù…

Tuesday, February 22, 2022

22/02/2022

Hồi còn ở châu Phi có lần mình cần sửa mấy cái quần bụng hơi rộng. Thợ may đến, tay không bắt giặc, bảo gì cũng yes yes. Mình hỏi “Chị được gọi đến sửa đồ mà không mang theo phấn, không mang theo kim, cũng không muốn ghi chép, thì chị sửa cái gì?”. Nó cười hì hì bảo tôi nhớ được. Kết quả: mình tiếp tục mặc quần rách vì cả 4 cái quần mới nó bóp cho bụng chắc còn 50cm. Nhìn nó đứng ngẩn ra với mớ quần hỏng và răng không hiểu sao cứ nhe ra, mình phải tiễn nó đi thật nhanh. Dân ở đấy cứ hay nhe răng, mà lại không phải cười. Chả hiểu.

Còn một lão khác, mang tiếng designer có tiếng nọ kia, đến nhà may đồ cho mình, giọng điệu tinh tướng “Thử một lần là ổn luôn”. Cuối cùng, cắt quần kiểu gì mà đằng sau vừa nhưng đằng trước cạp quần trễ xuống tều ra như bụng chửa 8 tháng. Hóa ra là tạng người Phi, đít cong ra sau nhưng bụng cong ra trước, nên cắt quần là cứ máy móc phải chừa chỗ cho cái bụng. Điên mề nhất là mình bảo thu nhỏ bụng và cắt ngắn gấu, mình nói cứ nói, chỉ cứ chỉ, nó cứ ừ ừ, không đánh dấu, không ghi chép. Lần sau mang đến cái quần vẫn nguyên xi dài thượt và bụng chửa tám tháng như cũ, mặt lại còn sưng lên vì tự ái ta đây designer nổi tiếng mà phải đi về mấy bận không xong việc. Đến lần thứ tư thì mình thua, bỏ của chạy lấy người.

Cũng một nhà thiết kế khác, mình gọi đến, đưa cho một cái váy nhung đỏ nhờ sửa tí ở phần gấu. Mấy hôm sau nó mang cái váy quay lại, gãi đầu gãi tai bảo chưa hiểu nhờ mình giải thích lại. Nhưng mình chưa kịp giải thích lại thì phát hiện ở thân dưới của chiếc váy làm sao lại in rõ mồn một hình một chiếc bàn là. Hóa ra cô nhân viên nào của nó có nhã ý là hộ, mỗi tội là mo nang thế nào thì cũng định là nhung y như thế, áp thẳng bàn là nóng lên mặt vải nhung và thế là toi của mình cái váy. Vái cả nón các cụ thiết kế tự phong.

Mình rỗi việc dở dói ra học lại tiếng Pháp. Thầy giáo đến, dõng dạc “Hôm nay chúng ta học đại từ”. Ok thì đại từ. Thầy giáo muốn giải thích đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, thứ hai, thứ ba, bèn đặt thứ nhất = A, thứ hai = B, thứ ba = C. Thế là A nói chuyện với B về C, A nói trực tiếp với B nhưng không nói trực tiếp với C, nếu A nói trực tiếp với C thì C phải trở thành B. Vẽ mũi tên vòng qua vòng lại, lý lý luận luận mà càng lý luận càng rối (là thầy tự rối chứ mình không rối), trông quýnh quáng như sắp đẻ rơi một quả trứng trên bảng. Sau buổi đầu tiên mình đã nản lắm rồi nhưng tự nhủ phải kiên nhẫn, cho đời và cho mình cơ hội nữa. Ai ngờ buổi thứ hai còn tệ hơn. Bạn nào từng ngồi thiền song bàn trong suốt 1 tiếng thì sẽ hiểu nỗi đau khổ của mình, vận hết khả năng chịu đựng ngồi đếm từng giây phút cho hết giờ. Mình ngồi nhìn thầy chòng chọc, tự dưng lại nhớ tới Một tấn kịch của Sekhov có ông gây ra án mạng vì chịu hết nổi. Rồi mình lại lan man nhớ tới thằng bé con hàng xóm nhà mình ở ngõ chợ Khâm Thiên hồi mình vẫn còn ở đấy. Thằng bé con ngồi cắt tóc mà xin đi đái liên tục khiến bố nó cắt mãi không xong nổi cáu quát ầm ĩ. Giờ mình mới hiểu nỗi khổ của nó. Còn 15 phút nữa là hết giờ học mình chịu hết nổi cũng phải xin đi đái.

Thằng bé làm vườn, mới đầu mình thấy nó ôi chao sao mà đẹp thế. Chân dài, tay dài, vai ngang, bụng thon, mông săn cao, tượng đồng đen cũng chỉ chuẩn được đến thế. Mặt trông lại rất ethnic. Tầm nó ở phương Tây chắc phải được liệt vào hàng siêu mẫu. Thế mà toàn bộ ấn tượng đó thui chột hết, sau khi chỉ có nhõn việc rất chi đơn giản là sáng thứ 7 làm việc xong làm ơn đóng cái cửa chuồng gà lại trước khi đi về, mà nói mãi nó vẫn không thủng. Gà cứ thứ 7 chủ nhật là đi lăng quăng ị lung tung thậm chí đứng ngoài hiên nhìn chòng chọc vào phòng ăn, rồi ỉa cái xoẹt trước khi cắp đít đi thẳng.

Cả 4 năm ở châu Phi mình không phải lòng ai lần nào.

SỨC HÚT TRÍ TUỆ nghe trừu tượng thế thôi nhưng mà có thật đấy, các cụ ạ.

P.S Thế còn đàn ông Nga thì thế nào các cụ nhẻ, chứ ai cũng như anh Putin thì chết cụ em??? Con bạn mình hồi trẻ yêu đắm đuối một anh người Nga. Chuyện tình đang tốt đẹp thì một hôm nó hâm lên, bảo chàng “Anh nghèo quá, em cũng nghèo, chúng mình chả có tương lai gì...”. Thế là chia tay, chàng đau khổ lắm. 6 tháng sau nó hối hận, gọi điện lại nhưng chàng không bắt máy. Nó cứ tiếc mãi người đàn ông nghèo nhưng luôn làm nó cười, chả bù cho giờ có đủ mọi thứ mà mặt ủ màu chau. Và mãi sau nó mới biết, chàng và nó chia tay được đúng 1 tuần thì chàng bị cô bạn thân của nó vợt luôn vì cô ấy đã thầm yêu chàng từ lâu. Cô ấy lại giàu nên việc chàng nghèo không thành vấn đề…

Hồi trẻ, không cơn cớ gì mà tự dưng cứ có những cơn hoảng sợ điên lên chạy trốn như thế…

Wednesday, February 16, 2022

16/2/2022

Cái nhà ở miền Nam, có giai đoạn cứ mưa là nước chảy vào nhà. Nước chảy vào nhà thì ông trông nhà gọi báo ngài, gửi kèm cả ảnh nước lênh láng. Ngài tức tốc gửi ảnh cho thằng thợ làm cửa, không quên đay nghiến mấy câu. Thằng thợ ậm ừ hẹn mãi mới đến, đến quều quào mấy nhát silicon hú họa rồi lại mất hút. Lúc mưa nước lại vào nhà, ông trông nhà lại gọi báo ngài, ngài lại nhắn tin đay nghiến thằng thợ, thành một vòng luẩn quẩn. Tường phát mốc lên vì ẩm, lại tốn tiền sơn lại. Ông trông nhà bảo cửa đểu, ngài chửi thằng thợ đểu, thằng thợ đi đi lại lại mà vẫn không giải quyết xong vấn đề nó cũng phát chán lên. Cũng khổ thân nó, lúc mưa thì nó không đến, lúc nó đến thì lại không mưa, nên cuối cùng chả tìm nổi nguyên nhân do đâu và do đó cứ sửa hú họa. Hú họa nên toàn trượt.

Tiếp đến là công đoạn nhiều thầy nhưng không thối ma. Sau khi thằng thợ tự xịt silicon lung tung và nước vẫn vào, ông trông nhà quả quyết phải thay gioăng cửa. Thế là ngài bắt thằng thợ thay gioăng. Thằng thợ nhẫn nhục thay gioăng. Thay xong nước vẫn vào. Ngài lại hò tới kiến trúc sư. Kiến trúc sư và chủ thầu xây dựng đến chỉ trỏ tư vấn bảo phải bóc bậu cửa sổ và thềm nhà làm lại. Thế là ngài đuổi thằng thợ cửa, bảo chủ thầu điều thợ nề đến bóc hết ra làm lại, trả một đống tiền. Mưa nước vẫn vào. Chủ thầu trở mặt, lại đổ tại cửa. Ngài chưng hửng lại quay lại truy nã thằng thợ cửa, bảo phải thay cửa sổ mới đền cho ngài. Thay gioăng xịt silicon vớ vẩn thì còn làm được, chứ viễn cảnh thay cửa sổ tốn kém làm thằng thợ phát hoảng, nó giông thẳng. Ngài nhắn tin, nó chả thèm trả lời. Ngài chửi vung lên một chập rồi quên biến. Mưa nước lại chảy vào. Tường mốc xanh lên. Mấy năm liền như thế.

Cuối cùng thì mình chịu hết nổi. Một kỳ nghỉ, mình lẳng lặng mang chai nước ra đổ vào khung cửa sổ để nghiên cứu tình hình thoát nước. Lại nhân một ngày mưa ngồi quan sát nốt cửa ra vào xem nước tràn vào từ đâu và chụp ảnh lại. Sau đó nhắn tin cho thằng thợ “theo tôi nước tràn vào trong vì khung cửa sổ bị trũng giữa nhưng lỗ thoát nước lại ở hai bên chỗ cao hơn. Ngày mai cậu đến xem tôi nói có đúng không. Cậu đến từ xa thế thì nhớ mang theo khoan kim loại để khoan luôn chứ đừng đến tay không”. Không dặn nó thế thì nó lại tơn tơn đến tay không rồi lại về không chả được cái việc gì.

Hôm sau nó đến, mang theo khoan kim loại khoan hai lỗ tại chỗ trũng nhất trên khung cửa sổ theo yêu cầu của mình và nhờ những tấm ảnh mình chụp ngay lúc trời đang mưa nó xác định được kẽ hở trên cửa ra vào và bơm silicone hàn kín. Mình cũng bảo nó “Tôi không muốn cậu đến làm miễn phí. Nếu cửa cần bảo dưỡng hàng năm, cậu cứ báo tôi thời gian và chi phí để tôi thu xếp”. Ai cũng cần tiền, mình không muốn lấy không của người khác cái gì.

Từ đó tới giờ, mưa rất to rất nhiều lần, nước không vào nhà nữa. Chỉ cần một nhát silicon vào đúng chỗ và đục có mấy cái lỗ bé tẹo thôi giời ơi. Thế mà mấy năm liền, tổng cộng 6 ông đàn ông bàn bạc cãi vã, nhức hết cả đầu.

Tự dưng nhớ ra chuyện này vì tòa nhà mình ở có tuổi đời dễ đến trăm năm rồi, và vì nó được liệt vào danh sách các công trình kiến trúc được bảo tồn của thành phố, nên sẽ nhận được khoản kinh phí trùng tu 1 triệu euro, với điều kiện các cư dân trong tòa nhà phải trình được bản kế hoạch trùng tu trước hạn định và nếu chi phí trùng tu vượt quá 1tr thì tự trả cho phần vượt quá đó. Cách đây năm rưỡi khi mình hì hục trồng hoa trên bậu cửa sổ, ông hàng xóm bảo tòa nhà sắp trùng tu nên sẽ che kín đằng trước, hoa của chị sẽ chết trồng làm gì cho phí công. Bảo vâng tôi cứ trồng, bao giờ họ che thì cứ việc che. 

Trước viễn cảnh được nhận dững 1tr để làm cho tòa nhà long lanh trở lại, khỏi phải nói đám cư dân tranh luận như mổ trâu mổ bò ra sao. Mấy năm liền ngài cần mẫn dự các cuộc họp chung cư. Lâu lâu không thấy ngài ỏ ê gì, mình hỏi “Tình hình thế nào rồi anh?”. Hóa ra hết thời hạn vẫn mải tranh cãi không ngã ngũ được cái gì, thành phố rút mọe nó kinh phí về rồi còn đâu. Thế là cái máng lợn vẫn nguyên xi là cái máng lợn. Đám cư dân chửi vung chính quyền kém hiệu quả rồi lục tục giải tán ai về nhà nấy.  Còn mình thì vẫn hì hục trồng hoa trên bậu cửa sổ.

Không biết đã bao lần một ông bạn độc thân nào đó của ngài sẽ nhờ vả “G em có cô bạn nào thì giới thiệu cho anh”, thỉnh thoảng lại còn yêu cầu chi tiết “ai mà giống em ý”. Nhưng lần nào nghe mình cũng giả điếc hoặc đánh trống lảng. Bố ai mà dám giới thiệu cho đám người Ý lắm điều nhiều lời mà chả được việc gì ra hồn các ông.

Tuesday, February 8, 2022

Linh tinh

Lão chồng phát sốt lên vì con vợ tính cả thèm chóng chán.

Khắp nhà đây đó ngổn ngang những công trình nó đang làm dở.

Một bài hát nó đang học dở

Bức tranh nó đang vẽ dở

Một đống vải may váy bày ra đấy vì nó đang nghĩ kiểu chưa ra

Bản đàn nó đang mày mò dở

Vài quyển sách đang đọc dở

Vở mở ra định học lại cái gì đó rồi vứt đấy

Đấy là chưa kể trên máy tính nó còn đang mải nghiên cứu hoa mới chả hoét nên mở trang nào đó ra rồi bỏ ngang đấy, và một đoạn văn blog nào đó nó đang viết dở...

Lão chồng phát sốt lên vì con vợ cái gì cũng muốn làm mà làm cái gì cũng đầu cua tai nheo, cả thèm chóng chán. Cơ mà cả thèm chóng chán chỉ là phụ thôi, cái chính là không có thời gian. Tất cả những thứ trên, muốn làm thì phải bỏ vào đó vài tiếng liên tục. Lấy đâu ra vài tiếng liên tục trong cả ngày. Sáng đi loanh quanh trong nhà, chỗ nào bừa thì dọn, chỗ nào bẩn thì lau, chỗ nào thiếu cái gì thì thêm, hết thì thay mới, thấy quần áo sứt chỉ đứt cúc thì khâu, thấy rác bắt đầu đầy lên thì mang đi đổ, trả lời các cuộc điện thoại và tin nhắn của nhà thầu và các loại thợ thuyền, chưa kể còn phải đi chợ mua đồ ăn, rồi giặt là quần áo, nấu ăn, ngẩng lên đã trưa trầy trật ra rồi. Lũ con về đói ngấu nghiến, chậm ăn phút nào là tan cửa nát nhà phút nấy. Cho chúng nó ăn xong thì cũng lại gần đến giờ phải chở đứa nào đó đi chơi thể thao. Chơi thể thao xong chở con về đến nhà thì lại đến giờ nấu cơm tối. Ăn tối xong dọn dẹp, trả lời vài email tin nhắn việc nọ việc kia, sớm lắm cũng phải 10h đêm mới xong việc, có hôm còn tới nửa đêm. Xong việc là mắt ríu lại vì buồn ngủ. Ngày nào cũng thế, chả trách có thứ cứ mở ra rồi bỏ đấy có khi cả năm trời.

Gần đây con vợ lão lại thỏ thẻ “anh mua cho em một cái xe máy bé rồi gửi nó về quê, nhớ là xe máy phải có hộp để đồ đằng sau để em còn chở đồ nghề vẽ ra đồng ngồi vẽ”. Viễn cảnh mặc bodycon, đội mũ nan, xách làn cói phi ra đồng ngồi vẽ mải mê, xung quanh không một bóng người, cũng hay đấy chứ nhể. Tầm này rất là sợ người, chỉ thích một mình, xung quanh là hoa cỏ đất và mèo.

Có lần có một nhóm khách đến nhà mình, trong nhóm có một anh mang theo một con mèo. Con mèo rất hay, chủ đi đâu nó đi lẵng nhẵng theo đấy như một con chó con. Cả ngày người và mèo đi đâu cũng có nhau như thế. Nghĩ kể mà có con mèo đi theo mình ra đồng, mình vẽ, nó cuộn tròn ngủ hoặc hóng bên cạnh, thì cũng vui, nhỉ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại thôi. Mình ngoẻo trước nó thì ai nuôi nó, nó ngoẻo trước mình thì mình lại buồn. Đời vui quá hay sao mà phải đi chuốc thêm phiền não.

Ảnh 1: thuở vẫn còn thích vẽ body đàn ông

Ảnh 2: khi con mèo Fufu muốn đi ngủ mà mình lại đang ngủ chiếm chỗ của nó. 

Tuesday, February 1, 2022

1/2/2022

Hôm nọ con Na lục trong đống ảnh gia đình được cái ảnh 3 anh em nó chụp trên bãi biển Sri Lanka cách đây gần 9 năm. Nó dán lên tường phòng nó và trầm trồ cái ảnh này Na xinh quá. Là nó ảo tưởng thế chứ trong ảnh mỗi anh chị nó xinh chứ nó thì mồm móm xọm ra.

Mình bảo “Nếu bé mà cắt lại cái đầu bắp cải này thì bé sẽ xinh như trong ảnh đấy”. Nó hỏi thật hả thật hả, có vẻ xuôi xuôi. Mấy hôm sau nó đòi cắt tóc. Mình bảo cắt cái tóc bắp cải giống hồi bé nhé, nó gật. Mình phải thú thật bình thường khi cắt đi nhiều tóc như thế bao giờ cũng phải minh họa cho chúng nó thấy, chắc chắn rồi mới cắt. Nhưng lần này mình quá muốn nó lại để quả đầu bắp cải ngộ nghĩnh như hồi bé, nên hấp tấp cắt ngay.

Cắt gần xong, nó đứng lên nhìn vào gương và hét toáng lên rồi bắt đầu khóc nức nở. Con chị nghe em khóc chạy vào và ngay lập tức lôi máy sấy tóc ra sấy lấy sấy để tóc con em như thể muốn khắc phục hậu quả. Thằng anh chạy vào cười sằng sặc ối giời ơi sao mày xấu thế Anna ơi. Thằng bố nhìn tóc con lịm người một lúc rồi bảo “thỉnh thoảng cũng nên đổi kiểu tóc”. Nghề ngoại giao cần câu cơm của lão mà lão còn không khen đãi bôi nổi một câu thì đủ biết dồi nhóe. Thế là con bé càng khóc lóc thảm thiết hơn. Tôi bảo bà cắt một ít mà bà cắt đầu tôi thành như quả bóng thế này, tôi không yêu bà nữa, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bà!

Sáng hôm sau ngủ dậy, tóc nó phồng lên trông y cái bắp cải, và còn ngắn cũn hơn cả lúc mới cắt. Nó tiếp tục khóc thảm thiết. Trên đường đến trường nó khóc. Đến trường vẫn khóc. Lúc cô gọi lên trả bài nó vừa trả bài vừa khóc. Chiều về nhà nó vẫn khóc, mặc dù mình cho nó ăn xong bữa xế thì nó bắt đầu cười hi hi và nô như giặc trong nhà. Nó bảo Na yêu mamma nhưng Na vẫn không tha thứ cho mamma. Tình hình như vậy là có tiến triển.

Từ hôm vác mái tóc cũn cỡn, nó trở thành láo không chịu được. Mình nói một câu nó đốp lại một câu. Mặt béo, mũi lúc nào cũng vểnh lên như đang hít hít cái gì đó, tóc ngắn cỗng đến ngang tai, điệu bộ tươi tỉnh và nhâng nháo, nhìn rất buồn cười. Mà nó cắt tóc thế này mình mới nhận ra đầu nó bé như quả trứng chim cút, nhìn từ đằng sau đầu đúng bằng một nửa mông.

Đợi mấy hôm thấy nó đã xuôi xuôi, mình mới lân la hỏi “thế mọi người đã khen tóc em bé đẹp chưa?”. Nó bảo “Khen nhưng chắc nói dối”. Mình bảo “Tóc này đẹp thật mà em bé” và bị nó đốp lại “Đẹp sao bà không cắt tóc bà giống thế”.

Mình nhớ hồi còn ở Ghana, có lần đang buổi sáng mình thấy điện thoại trường gọi tới. Nhìn số của trường gọi tới là tim đập thình thịch, vì sợ nó lại giả ốm chuồn vào phòng y tế. Bật máy lên, một giọng nói ong óng làm cho một tràng “Chào chị, tôi gọi điện để báo chị biết là con gái chị đã được trao giải tính cách”. Mình phải định thần mấy giây mới hỏi lại được “Xin lỗi, cô bảo con tôi được trao giải gì?”. Giọng nói đầu dây bên kia bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột “TÔI NÓI LÀ CON CHỊ ĐÃ ĐƯỢC TRAO GIẢI TÍNH CÁCH”. Thế tức là tui không nghe nhầm. Giải Tính cách là cái giải bỏ mịe gì giời ơi. Ai mà dám vác mặt đi xem mài nhận giải Tính cách. May quá từ hồi về lại châu Âu không thấy trường lớp nào trao giải lăng nhăng như ở châu Phi nữa.

Đời mình hiếm hoi nuối tiếc cái gì. Mình quan niệm nếu muốn thì đã làm rồi, không làm tức là không muốn, tiếc nuối gì cho mất thời gian. Nhưng tự dưng hôm nay mình lại tiếc nuối tột độ đã không mua chuỗi vòng cổ ở New York. Hôm đó mình và lão vào Tiffany trên đường số 5. Lão muốn mua tặng mình một món trang sức nhân dịp sinh Lila. Hồi đó lão còn gallant, sinh đứa nào là tặng vợ một món trang sức đứa ấy. Mình thích ngay lập tức chuỗi vòng cổ kết kim cương solitaire chuỗi đơn. Có 3 cỡ, chuỗi lớn nhất giá 150k usd chưa tính thuế nhưng đằng nào thuế cũng được miễn. Chuỗi mình thích nhỏ hơn, giá khoảng 120k, mà vì mình hay đeo kiểu choker nên luôn phải cắt ngắn bớt, thì giá còn giảm nữa. Mình nhớ lúc mình bỏ đi không mua, lão cứ chạy theo hỏi “em có thích không, em có muốn mua không” và nói đi nói lại “nếu em thích anh sẽ mua cho em”. Quả là một cuộc tranh đấu tư tưởng gay go. Cuối cùng lý trí đã chiến thắng. Mình nhất quyết từ chối, muốn để dành tiền mua nhà. Tại sao lại có thể có người phụ nữ mẫu mực như vại??? Mẫu mực để làm cái chết vạ giề? Mua nhà là việc của lão việc của mình đâu. Giờ rút kinh nghiệm, lão ỏ ê muốn mua cho mình món gì là mình gật luôn. Mỗi tội hồi đó hơn trăm nghìn lão cũng sẵn sàng chứ giờ có vài nghìn lão đã bảo mài điên à, và lâu lắm dồi chả thấy lão ỏ ê giề. 

Tết muốn làm mấy cái nem mà sờ bánh đa nem hết tiệt. Chai nước mắm cũng đã hết từ đời nào. Mấy hôm nay ăn canh măng nhưng là măng giang cứng quèo, mồm sứt luôn một miếng. Lão đi làm về lại còn thảo mai thảo quả chúc mừng năm mới em yêu. Chúc suông, chả có tí tiền mừng tuổi nào. Đang điên quát cho lão một trận, tết nhất ông định đãi bôi hả. Lão hoảng quá chuồn luôn. À mà hồi sinh con Na lão có mua cho mình cái gì không nhẻ? Định hỏi lão nhưng lão chuồn mất rồi nên chả có ai để hỏi.