Sunday, May 28, 2017

Rất dở nhưng vẫn phải niềm nở

Mình nhớ có hồi ở Dubai, cứ tối là mình mở phim The Gods must be crazy lên xem. Xem đi xem lại ông chồng mình phát chán nên mình ngồi xem cười hihi một mình. Trong phim có cảnh anh thổ dân cởi trần đóng khố đang vừa đạp xe đạp chở con gà đằng sau vừa hát véo von thì bị chị váy hồng chạy ra xin đi nhờ. Yên thì người ngồi, đằng sau thì gà ngồi, anh ấy chả biết cho chị ấy ngồi đâu bèn đặt chị ấy lên đùi. Nhưng chân anh ấy đạp xe vòng lên vòng xuống thế nào thì chị ấy cũng bị nhấp nhổm đúng như thế. Bất tiện quá nên phải đổi cách khác. Giờ thì chị ấy ngồi trên yên, tay ôm con gà. Còn anh ấy thì ngồi ở phía sau chỗ của con gà trước đó. Rủi cái chị ấy ngồi cao ôm gà che hết tầm nhìn, anh ấy không nhìn thấy gì phi thẳng vào đàn voi. Bánh xe đạp cong veo. Anh ấy một tay ôm gà một tay vác xe đạp bỏ đi, vẫn vừa đi vừa hát véo von. Lần nào xem đến đoạn đấy mình cũng cười ngặt nghẽo.

Đấy là châu Phi trong phim ảnh, còn châu Phi đời thực thì như sau:

-          Anh làm ơn cho tôi hỏi, kết quả xét nghiệm của các anh mỗi lần ra một khác. Tuần trước các anh bảo con tôi bị nhiễm Klebsiella Pneumoniae. Tôi làm lại xét nghiệm thì giờ các anh lại bảo nó bị nhiễm vi khuẩn khác. Thế là sao? Đây, kết quả lần trước tôi mang theo đây.
-          (Nó giương mắt đọc đọc một hồi rồi trả lời, mặt tỉnh queo như một con bò) À cái này là do mẫu nước tiểu bị nhiễm khuẩn từ phòng thí nghiệm thôi.
-          (Ôi tộ xư, nó bảo con mình nhiễm siêu vi khuẩn kháng gần như tất cả các loại thuốc kháng sinh hiện có, mình lo thắt ruột suốt 1 tuần, thế mà giờ nó nói nhầm nhẹ như cái lông vậy đó. Mình sốt tiết lắm rồi nhưng vẫn ôn tồn hỏi lại) Đây, lần trước trang 1 trang 2 đánh nhau, trang 1 bảo không có vi khuẩn, trang 2 bảo có vi khuẩn, giờ anh bảo là kết quả nhầm. Thế còn kết quả hôm nay đây, cũng trang 1 và trang 2 đánh nhau, vậy thì lấy gì đảm bảo các anh không nhầm lần nữa?
-          Kết quả này chị phải mang cho bác sĩ xem chứ chị đừng ngồi tự xem tự tưởng tượng.
-          Tất nhiên tôi sẽ đưa cho bác sĩ của con tôi xem. Nhưng lần trước bác sĩ đã chỉ cho tôi sự bất hợp lý trong kết quả của các anh và sự bất hợp lý này khiến ông ấy nghi là các anh đã làm nhiễm khuẩn mẫu nước tiểu của con tôi. Cuối cùng thì đúng là các anh làm nhiễm khuẩn nước tiểu của con tôi thật. Lần này lại có sự bất hợp lý tương tự nữa thì tôi mới hỏi anh trực tiếp. Theo tôi các anh nên xem lại quy trình xử lý mẫu nước tiểu trong phòng thí nghiệm của các anh, chứ không thể đưa kết quả sai rồi nói nhầm cứ như không thế được.

Ở xứ phát triển thì họ sẽ phải lịch sự tiếp nhận phàn nàn của mình và hứa kiểm tra lại quá trình xét nghiệm của họ hoặc ít nhất cũng phải giải thích cho mình. Nhưng ở xứ này thì cái mặt nó nhìn mình tối như đêm 30, và sẽ nói một câu ngang phè, hoặc sẽ chối bay chối biến, chối như không có ngày mai luôn. Mình cũng không vừa nhưng gặp quả não trạng này là mình thua òi.

Đi về, vừa tức vừa nản. Ngồi một lúc mới nhớ ra,
Mình đâu có đến đây vì sự thông minh chuyên cần của họ?
Mình đâu có đến đây vì sự phát triển cao của đất nước họ?
Mình cũng đâu có đến đây vì nền văn minh rực rỡ của họ?
Mình đến đây vì sự hồn nhiên của họ, như cái cậu thổ dân trong phim đâm phải đàn voi bánh xe đạp cong số 8 mà vẫn vừa đi vừa hát, mặc dù giờ mình đã nhận ra hồn nhiên là một chuyện, thật thà lại là chuyện khác.
Mình đến đây vì những đồng cỏ và cánh rừng nguyên sinh, mặc dù từ hồi con mình ốm chữa mãi không khỏi thì mình đâm sợ đủ loại bệnh tật ẩn nấp trong những đồng cỏ và cánh rừng ấy.
Mình đến đây vì sự nghiệp của chồng, và những dự định của hai đứa. Điều này may thay vẫn đúng.

Nuốt giận. Nhắn tin hỏi chồng “Ở đấy có gì hay không anh?”. Ông đang ở một nơi khá xa, xem bóng đá cùng thủ lĩnh bộ lạc. Rất nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng xuất thân từ bộ lạc đó và thủ lĩnh bộ lạc muốn các cầu thủ trẻ biểu diễn cho ông xem để ông còn tiến cử họ với các câu lạc bộ của Ý. Ông trả lời tin nhắn của mình bằng cách gửi cho mình một cái ảnh chụp ông trong một tư thế rất kỳ dị “Anh nghĩ em sẽ thích cái ảnh này”. Mình xem xong trả lời “Lại một cái quần nữa sắp rách tôi lại phải khâu rồi”. Đứng yên còn chả xong lại còn đá văng chân lên trời thế kia thì quần nào chịu được.

Mình ngồi gõ entry này có một lúc, thế mà lúc chạy đi kiểm tra bọn trẻ con thì suýt té ngửa vì chúng nó đã kịp biến một phòng ngủ thành chiến sự lô cốt ngổn ngang, hai bên nấp sau chiến hào bắn nhau hò hét như xé vải. Rồi đứa nào sẽ dọn đấy nhẻ? Nhưng mà thôi, cứ chơi cứ bày cứ phá cũng được, còn hơn là ốm.
Rồi còn phải chuẩn bị tẩy giun cho cả nhà và hội người làm.
Rồi mang chị trông trẻ đi xét nghiệm một loạt.
Rồi lễ quốc khánh cho tầm 600, 700 người sẽ tổ chức tại nhà. Và rất nhiều events phải tổ chức cũng ở nhà trong tháng 6. 
Rồi còn phải thay nhân sự trong nhà.
Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở là đây.

Sunday, May 21, 2017

Ông bố và ông con



Ông con trai mấy hôm liền mải mê luyện sáo vì chuẩn bị có bài kiểm tra nhạc. Trường mới chả lớp, học gì không học lại bắt con người ta học sáo. Tóm lại, tối đến giờ đi ngủ ông vẫn đang thổi sáo đinh tai nhức óc. Sáng sớm chưa tới 6h ông đã lại đang luyện sáo đinh tai nhức óc. Hồi bé mình nhớ có lần mẹ mình gọi người tới bật lại cái ruột chăn bông. Chẳng là chăn bông nằm một mùa thì xẹp lép xuống, không ấm nữa, nên thỉnh thoảng phải bật lại. Bạn nào nghe tiếng bật bông rồi sẽ biết, cứ phừng phừng phừng phừng. Chê ai đánh guitar phừng phừng như bật bông là vô cùng chính xác. Nhưng mình đảm bảo tiếng guitar bật bông nghe khá hơn tiếng sáo của ông con mình nhiều. Sau hai ngày phải bấm bụng chịu đựng, nhất là sớm tinh mơ đang ngủ thì bị tiếng sáo riết róng xói vào tai, mình chịu hết nổi “Ông ơi, chỉ có một từ mô tả tiếng sáo của ông: khiếp”, và bị ông cãi bắn cả nước bọt vào mặt.
Chiều ông về nhà, bảo thầy giáo đánh trượt Lê. Lý do là mọi người thi mãi chả sao, đến lượt ông tay chân hậu đậu thế nào làm sáo rơi cái xoảng xuống đất, vỡ thành mấy mảnh. Thầy giáo tức quá đuổi ông về chỗ và cho ông trượt thẳng cẳng!
Giời ơi, bố với con giống nhau, hầu như ngày nào trong nhà cũng phải vỡ, hỏng, mất, quên, nhầm. Mấy ngày trước nó vừa sút bóng vỡ một cái khung ảnh. Mấy ngày trước nữa cậu phục vụ đang mang khay đồ uống lên nhà cũng bị xơi một quả bóng của nó, vỡ tan một cái cốc. Tuần trước nó quên giày, rồi nó mất chai nước, rồi nó quên hộp đồ ăn, rồi nó mất cặp sách, rồi nó đi bơi và để quên dép lê đâu đó. Hầu như không ngày nào trôi qua mà không có chuyện cho người xung quanh phải cong đít chạy đi khắc phục hậu quả.
Ông bố cũng cạnh tranh một chín một mười cái sự ngáo ngơ hậu đậu với ông con. Quần ông rách hồi lâu lâu, mình xoen xoét mang về em khâu, xong mình quên béng mất. Hội người làm treo quần vào tủ không kiểm tra. Một hôm nhà có khách quan trọng, là thủ lĩnh một bộ lạc ở đây đến nhà chơi. Dân Phi ngay trong cùng một nước cũng chia thành rất nhiều bộ lạc. Mỗi bộ lạc đứng đầu là thủ lĩnh, gọi là chief. Phép vua thua lệ làng, các thủ lĩnh có khi còn được trọng vọng và có tiếng nói hơn cả quan chức chính phủ. Các thủ lĩnh không bao giờ ăn uống ở nơi công cộng, người thường không bao giờ được nói trực tiếp với chief mà luôn phải thông qua thông dịch của chief. Rồi có mặt chief thì không được ngồi bắt chéo chân vv và vv, nói chung là rất nhiều thủ tục khi tiếp xúc với chief.
Lại quay lại chuyện thủ lĩnh bộ lạc và tùy tùng đến nhà chơi, ông mặc vội cái quần rồi nhào xuống nhà đón khách. Rủi lại chọn đúng cái quần rách. May quá cậu quản gia thấy quần sếp rách lên tận cạp mới hoảng hốt gọi sếp lại và đứng ra che cho sếp quay lưng chạy lên nhà thay quần. Ông khoe với vợ. Vợ bảo “rách lên tận cạp thế mà anh mặc không thấy rộng không thấy mát à?”. Ông bảo “Chả thấy gì”. Vợ tởn quá ngay ngày hôm sau phải cặm cụi ngồi khâu quần cho ông, khâu hai lần liền đảm bảo ông có lên cân bao nhiêu quần cũng không thể bục.
Cậu quản gia còn bị một vố nhớ đời với ông nữa. Đi dự lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử, bao nhiêu nghìn người như thế mà điện thoại ông lại hết pin không biết phải tìm lái xe ở đâu. May quá cậu quản gia tình cờ thế nào lại nhìn thấy sếp đang loay hoay như gà mắc đẻ nên hứa sẽ đi tìm nhắn lái xe cho sếp. Xong rồi sếp tót đi dự tiệc cùng tổng thống, còn cậu kia tìm được lái xe xong thì phải ngồi đợi sếp ra để báo cho sếp. Đợi đúng 7 tiếng hễu ra ngoài bãi cỏ!

Được cái hai bố con giống nhau quá nên không chịu nổi nhau, bắt đầu vặc nhau loạn xạ. Ông bố tức ông con hậu đậu, nghễnh ngãng, giục mãi không làm, đến lúc làm thì làm một hỏng hai, ông con thì đang vào tuổi cãi, thế nên hai bố con làm chung cái gì với nhau là cũng vặc nhau loạn nhà. Có thế chứ, trời có mắt, đã đến ngày ông chồng tui phải trả giá. Thỉnh thoảng, nhằm mục đích chọc ngoáy, mình bảo “Này, ông mắng con trai tôi vừa thôi nhá. Con trai tôi cái gì cũng giỏi ông đừng có nói vớ vẩn nhá. Nếu có hậu đậu lẫn lộn thì là gene của ai ông biết rồi nhá”. Chà chà, bấy lâu nay mình toàn phải đóng vai cảnh sát trong nhà, cuối cùng cũng đến ngày mình rửa hận được đóng vai hiền mẫu bao che bênh vực thằng con kệ ông vai ác gầm gừ tức tối.

Ảnh: ông lớn đùng mà tối nào cũng mặc cả được quality time với mẹ. Quality time là code trong nhà, dùng khi mẹ con bỏ hết mọi việc, chỉ ôm ấp nựng nịu tâm sự với nhau. Bọn Lê La Na có khi một ngày đòi mẹ quality time mấy bận. Nhiều khi mình đang dở tay mà cũng phải bỏ hết đấy để quality time với chúng nó, mà lại phải từng đứa một chứ không được quality time chung nhao. Đứa nào cũng tranh giành được xếp cuối cùng vì hy vọng người cuối cùng sẽ được quality time lâu nhất.

Saturday, May 13, 2017

13/5/2017



Hồi mình còn ở nhà, nhà mình ở Láng Hạ. Láng Hạ cao hay sao đó, mưa ngập ở đâu đến nửa bánh xe nửa thân xe chứ Láng Hạ nhà mình cùng lắm chỉ có vài vũng nước lấp xấp trên đường. Nhưng chắc cũng vì cao mà chẳng bao giờ có nước. Xóm mình đêm nào mọi người cũng phải canh nước. Các máy bơm cứ hút khan hàng tiếng đồng hồ, nhiều khi phải đến 2, 3h sáng mới hút được tí nước.
Mãi rồi có một gia đình trong xóm đứng ra thầu hạ đường ống thấp xuống, ai muốn làm thì nộp hơn 1tr. Đường trong xóm họ tự đào lên, đặt ống sâu xuống, và cũng không lát lại. Chẳng biết họ hợp tác với ai và làm chính xác cái gì nhưng tóm lại nhà nào chi ra hơn 1tr hạ đường ống thì quả đúng là có nước thật. Dần dà chỉ còn mỗi nhà mình chưa làm và do vậy không có nước. Cuối cùng mẹ mình đành phải chi ra hơn 1tr để hạ nốt đường ống nhà mình xuống. Mẹ mình bán xổ số, 3 chị em mình vẫn còn đang đi học, hồi đó mình đi chợ một ngày chỉ có 7000đ mua đồ ăn cho cả gia đình 4 người, mãi sau mới nâng lên được 8000đ, thì các bạn có thể tưởng tượng số tiền hơn 1tr đối với nhà mình là lớn lắm. Nhưng ăn còn nhịn được chứ nước tắm giặt dội nhà vệ sinh thì nhịn làm sao.
Nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó, lại tình trạng cắt nước triền miên. Cả xóm rình nước còn hơn rình trộm. Lúc đó mình đã đi làm có tiền, chi tiền mua hẳn máy bơm xịn mà cũng không ăn thua. Nhưng lúc đó cũng không nghĩ gì, chỉ chấp nhận nó như một thực tế cuộc sống vậy thôi.

Rồi mình lấy chồng, sang Mỹ. Cảm giác đầu tiên là trời ơi sao cái dân này phí phạm thế, phí phạm trong tất cả mọi lĩnh vực, ăn uống, quần áo, năng lượng vv và vv. Ở Manhattan, đi bộ trên vỉa hè, thấy dân tình vứt đi những món đồ còn tốt nguyên, sofa, các thể loại bàn ghế, quần áo, giày dép. Các bạn đừng tin nơi nọ nơi kia Dubai, Hong Kong, châu Âu, nhận vơ là thiên đường mua sắm. Chỉ có Mỹ mới xứng với danh hiệu này, giá cực rẻ, hàng cực nhiều, sale cực khủng, và mua rồi trong vòng mấy tháng cho đổi trả thoải mái.
Chính vì thế mình nghĩ ngay cả khi $500 có gây chiến tranh thương mại với tàu khựa, dân tình cứ hoảng loạn chứ thực ra cái dân Mỹ mất chỉ là thị trường hàng tiêu dùng giá rẻ bị thu hẹp, tức là chỉ cần thay đổi thói quen tiêu xài bừa bãi vô tội vạ của mình, bớt sướng đi một chút chả chết ai mà có khi còn tốt hơn. Chứ kẻ móm nặng là tàu khựa kia kìa. Chả trách mà Tập tành phải xun xoe vác mặt thịt đi Mỹ ngay và bọn khựa bớt hẳn cái giọng ngạo ngược như trước.

Sau rồi mình sang châu Phi, chứng kiến cuộc sống ở đây, so sánh với các nước phát triển, thì mình nhận ra một điều rằng ở xứ giàu, xã hội của họ lãng phí, nhưng là sự lãng phí tự nguyện. Họ thích thì họ lãng phí, họ lãng phí cho sự phù phiếm cá nhân. Còn ở xứ nghèo, chúng ta lãng phí, nhưng là sự lãng phí bắt buộc. Sự lãng phí là hệ quả của cơ sở hạ tầng nát tươm, kiến trúc thượng tầng rối loạn, cơ chế quản lý yếu kém. Như ngày xưa nhà mình chẳng có chọn lựa nào ngoài việc phải bỏ tiền túi hạ đường ống hay thay máy bơm công suất lớn, vì không tự thân vận động thì cũng chẳng có ban bệ nào lo cho. Kêu trời thì trời không thấu, kiện thì kiện củ khoai.
Cũng như chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài phải chi thêm tiền mua thực phẩm sạch, hàng xách tay, đi khám bệnh viện tư hoặc đi bệnh viện nước ngoài, tiền thay phụ tùng xe liên tục vì điều kiện đường xá yếu kém hao mòn xe nhanh, tiền sửa xe bị ngập nước, tiền xăng dầu tiêu hao vì ngày nào cũng tắc đường chết cứng cả tiếng đồng hồ, tiền điện máy bơm chạy khan hàng tiếng đồng hồ, tiền đào giếng vì nước máy suốt ngày mất, tiền mua máy phát điện vì điện suốt ngày cúp vv và vv. Tỷ thứ tiền phải chi thêm để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu. Trong một xã hội có quy củ nơi nhà nước làm tốt chức năng của mình để người dân không phải tự bơi quá nhiều, số tiền ấy có thể được cho vào tài khoản tiết kiệm dưỡng già hoặc cho tương lai của con trẻ, hoặc đơn giản được dùng vào những nhu cầu cao cấp hơn như du lịch nghỉ dưỡng vài lần hàng năm, đặt vé máy bay ra nước ngoài để có mặt tại một buổi hòa nhạc yêu thích vv và vv.

Lại quay trở lại lý do tại sao mình lại viết bài này, thằng bé lái xe làm việc cho mình được tầm hơn 7 tháng, đã hỏng đến cái điện thoại này là cái thứ tư. Lương nó chỉ quanh quẩn tiền ăn, tiền xe đò đi lại thăm vợ con, tháng thì thấy nó mua được cái áo mới, tháng thấy nó tậu được đôi giày mới, còn lại là mua điện thoại mới. Các khoản phải chi phải mua cứ xếp hàng đợi lương, lương rót về một cái là hết veo, lại mòn mỏi giật gấu vá vai đợi lương tháng sau. Vừa mua được hết một vòng quần, áo, giày, điện thoại, chưa kịp thở thì lại phải tua lại vòng mới quần, áo, giày, điện thoại, vì đã kịp hỏng kịp nát hết rồi. Cứ thế người và lương rượt nhau chạy vòng vòng, đúng tình thế catch 22 trong tiếng Anh. Tính ra, nó nghèo thế mà tiền nó phải chi cho điện thoại còn nhiều hơn mình. Cái điện thoại Samsung mình mua ở Ý, gần 9 năm trước, hình như có 40e, giờ vẫn dùng tốt.
Cái kính bơi mình mua cho Lê La ở Ý, dùng 4, 5 năm nay rồi vẫn tốt. Kính bơi mình mua cho con Na ở đây dùng chưa được 2 tháng đã đứt phựt phải vứt đi rồi. Nhà nước không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, để thị trường tràn ngập hàng tàu kém chất lượng, rẻ thì rẻ thật nhưng dùng vài hôm là vứt. Thu nhập của dân thì cứ dùng để mua đi mua lại, mua được cái nọ thì lại hỏng cái kia lại phải mua cái kia, cứ xoay vòng mua hỏng hỏng mua, tốn tiền mà rác thì chất cao như núi, xử lý thì tốn kém không xử lý thì hỏng môi trường. Tóm lại tưởng rẻ mà hóa ra lại đắt vô cùng.

Tuesday, May 9, 2017

9/5/2017



Ở siêu thị có cậu quản lý cứ thấy mình là hay chạy ra nói chuyện. Cậu ấy người Syria, đang sinh sống yên ổn ở Damascus thì chiến tranh xảy ra, gia đình ly tán. Mình cậu ấy chạy xuống Ghana tị nạn, kiếm được việc làm ở siêu thị. Bẵng một thời gian không thấy đâu, mấy hôm trước mình đang ở quầy tính tiền thì cậu ấy chạy đến, mặt buồn thiu. Cậu ấy bảo tôi vừa về Damascus, bố tôi mất, bố tôi 87 tuổi rồi, ông mất vì già yếu chứ không phải bị trúng bom. Khổ lắm chị ạ, cả thành phố bị phá hủy hết cả, tất cả mọi nhu yếu phẩm đều đắt đỏ khủng khiếp, mọi người đói lắm, bánh mỳ không cũng không có mà ăn, nước sạch không có dùng, bom đạn rocket hàng ngày bắn phá khắp nơi, họ hàng tôi chết hơn 20 người rồi. Tôi mất công việc luật sư tôi từng gắn bó hơn 20 năm, tất cả tài sản, nhà cửa, mất hết. May tôi không vợ con chứ không thì không biết phải lo cho vợ con thế nào. Giờ bố tôi mất rồi, em gái tôi ở Dubai sẽ xin visa bảo lãnh cho mẹ tôi sang đấy, đi đâu cũng được miễn không bị bom đạn giết chết. Chị đừng tin bất kỳ bài báo nào bênh vực nước Nga, bênh vực Assad. Nước Nga more than bad, họ bắn phá thả bom khắp nơi, họ bịa đặt nói dối khủng khiếp. Ở Syria ai cũng biết chính tổng thống Assad dùng vũ khí hóa học giết hại dân thường. Ngoài ông ta ra làm gì có ai làm được điều đó. Ông ta làm tổng thống cho ai khi tự tay giết dân mình, để cho người Nga phá hủy đất nước mình, còn người dân thì căm ghét ông ta…Từ đầu đến cuối cứ thỉnh thoảng đang nói lại phải ngừng lại, nước mắt rân rấn, nghẹn nghẹn một lúc rồi mới nói tiếp được.
Mình nhớ cách đây mấy năm, mình cũng biết một anh vừa chạy nạn từ Syria sang, tay trắng nhưng may quá được đồng hương Syria cho một chỗ làm việc, lương ít thôi nhưng đủ để không chết đói. Ở Syria anh ấy là nhạc sĩ, đã ra mấy album. Hai vợ chồng sang được Dubai, chưa kịp mừng vì còn sống sót, người thân ở nhà thì vẫn còn chưa biết sống chết ra sao, thì cô vợ chẳng hiểu sao lại quyết định bỏ chồng. Kể cho mình nghe mà nước mắt anh ấy cứ rơi lã chã.
Chỉ bằng cách ngoáy tung Syria, Putin đã làm nội bộ châu Âu rối ren chao đảo. Mấy hôm trước nói chuyện với nhau về bầu cử Pháp, đại sứ EU bảo mình bà kia mà thắng là thôi tôi dọn đồ tôi hồi hương luôn. Cuối cùng may quá Macron thắng, nhưng vấn đề là ở chỗ xã hội Pháp đang ngả dần sang hữu. Le Pen được tới 35% phiếu bầu thì đâu có ít. Mấy năm trước, ai mà tưởng tượng được đảng cực hữu lại lấy được nhiều phiếu như thế. Nếu Macron nói riêng và các lãnh đạo châu Âu nói chung vẫn cứ nửa vời, sợ đụng chạm, sợ mất lòng tứ phương, cuối cùng là thành tắc tị, như hiện nay, thì chắc chỉ nhiệm kỳ sau là cực hữu chiến thắng chứ chả đâu xa.

Anh Putin đang hồ hởi khen $500 qua lại, tự dưng bị 56 quả tên lửa tát cho lật mặt. Tưởng đánh chặn hay trả đũa thế nào hóa ra ngoài vài câu dỗi dằn dọa suông thì im re. Rõ ràng là thấy mấy lãnh đạo thiên tả phương Tây mềm thì cứ nắn mãi, chứ gặp đầu chầy đít thớt kiểu Erdogan hay $500 thì cũng đành nuốt giận làm lành. Giờ mà Putin thấy con bài Syria mất hiệu lực mặc cả, lại quay sang chống lưng Triều Tiên thì vui nhẻ.
Mình chỉ không hiểu tại sao cái sân bay bé tí téo ấy mà Mỹ lại phải phí phạm tận 56 quả tên lửa, trong khi 2 quả thì đã đủ tan xác pháo rồi nhẻ? Mỹ đề phòng quả trúng quả trật nên phóng nhiều, hay xả hết kho tên lửa cũ để thay mới toàn bộ hả các bạn?
 
PS: Sắp tới bầu cử Đức, mình vẫn mong Merkel tái đắc cử. Riêng trong vấn đề tị nạn, Merkel bị lâm vào thế rất khó. Không nhận thì coi như tự phủ nhận các giá trị của mình, nhận thì không kham nổi, yêu cầu các nước thành viên cùng chia sẻ thì họ không chịu mà mình cũng đuối lý không ép được họ. Lý do đuối lý là vấn đề tị nạn từ bao lâu nay luôn luôn làm các nước vòng ngoài EU phía Nam đau khổ, nhất là Ý. Nhưng chính phủ Ý bao lần kêu cứu yêu cầu các nước thành viên chia sẻ gánh nặng trong bao nhiêu năm đều bị EU tìm cách trì hoãn hoặc tảng lờ vì chẳng ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Đến tận lúc Syria loạn lạc, người tị nạn vào đến tận nơi, đập đến tận cửa nước Đức, thì bà Merkel mới ra mặt. Mãi mới ra mặt mà lại phải nói lời thánh hiền nghĩa hiệp ngay mới chịu. Được lời như cởi tấm lòng, như van xả lũ mở hết cỡ, người tị nạn tung hô mẹ Merkel và ùn ùn kéo đến. Các lãnh đạo EU khác quay lưng bởi bà hứa chứ chúng tôi không hứa, bà đã được tung hô rồi giờ bà chết chìm một mình đừng kêu. Còn đồng minh Mỹ, vốn luôn gây sức ép lên các chính sách đối ngoại của châu Âu, thay lãnh đạo một cái là quay ngoắt luôn trong vấn đề nhận tị nạn. Merkel lại càng cô độc. Lần Merkel sang gặp $500, bạn nào đó bảo “trông mặt Merkel vừa buồn cười vừa coi thường $500” là sai. Chị cả châu Âu thân chinh đi gặp anh cả thế giới, thế mà trong tất cả các vấn đề chính không đạt được bất kỳ tiếng nói chung nào, chị cả châu Âu thất vọng tràn trề và lo quắn đít chứ cửa nào mà coi thường với buồn cười $500. Tuy nhiên, nói gì thì nói, mình vẫn rất tôn trọng Merkel. Có bà ấy, nước Đức xứng đáng với vai trò đầu tàu châu Âu. Phải chi bà ấy, vốn chỉ là người đến sau trong vấn đề tị nạn, đừng phát ngôn to tát quá mà chỉ lặng lẽ giải quyết vấn đề, thì mọi việc sẽ tốt hơn bao nhiêu.

Tuesday, May 2, 2017

Homo erectus

Mình tuy hơi thấp nhưng body cũng không phải loại thường. Thế mà gặp bọn Phi này mất điện các bạn ạ.
Trong tất cả các sắc dân thì mình thấy dân da vàng là thân hình xấu nhất. Con trai thì ốm o. Con gái thì cả mông cả ngực đều không có, tỷ lệ lưng dài thượt so với thân người, chân cột đình. Lại cộng thêm dáng đi dáng đứng lòm khòm không đẹp. Được cái da và tóc ổn.  
Dân da trắng khung xương cũng thuộc loại vạm vỡ cao to, con gái ngực nở, chân thon dài, nhưng cuộc sống thoải mái nhiều tiện ích quá, cơ nhão hết cả. Chưa kể da của hội da trắng rất xấu. Tuổi 14, 15 nhìn đứa nào cũng đẹp mê li. Mùa hè ra ngoài biển, đứa con gái 14, 15 nào chỉ cần không béo phì là nhìn ngời ngời như mẫu hết. Nhưng ngoài 20 là tàn nhang đồi mồi chi chít, tóc thưa, da cơ chùng nhão. Mình cũng đã từng nói ở vài entry lâu lâu nào đó là chị da trắng nào có đường cong mượt mà thì béo, mà thon thả thì người ngợm khô kiệt thiếu sức sống, anh da trắng nào nhìn cơ bắp, đô con vạm vỡ, thì thường phải tập cật lực hoặc uống các loại thuốc tăng cơ nên người cứ dày khự lên, còn anh nào mà thân hình mảnh mai mà lại săn chắc cân đối múi nào ra múi ấy thì đích thị phải là thân hình trời phú.
Thế mà đến đây, mắt chữ O mồm chữ A. Cuộc sống vẫn liên quan nhiều đến lao động chân tay nên anh nảo anh nào thân hình cũng trời phú hết. Đàn ông dáng cao, mảnh mai nhưng vai rộng, ngực nở, mông đầy, bụng 6 múi, chân dài, tay dài, cơ cực kỳ săn thon, đặc biệt đứng cực thẳng, không có ai gù hết. Những thằng đẹp hẳn không nói mà ngay cả những thằng bình thường thôi thì ở nhà hot boy cũng không bằng được. Đàn bà thì ngực tấn công, mông phòng thủ, lưng ngắn cũn cong chữ S, chân dài đến nách, mà chân thon thẳng tắp không hề có bắp đùi bắp chuối gì hết. Ở nhà lưng chữ S mông cong là của hiếm thế nào chứ ở đây đi ngoài đường cô nào cũng lưng chữ S mông cong hết. Đặc biệt nhiều đứa bắp đùi và bắp tay trên thẳng như một đường kẻ, săn thon không có một tẹo mỡ thừa nào.
Mỗi tội mặt đàn bà Phi khó đẹp. Đứa nào có khuôn mặt đẹp nữa thì thôi rồi, đẹp ngẩn ngơ luôn. Thêm một nhược điểm nữa, là đàn bà Phi không có tóc. Tóc của dân Phi hầu hết không dài được mà chỉ ngắn ngắn xoăn tít nằm sát da đầu. Số người tóc tự dài được hiếm vô cùng, mà có dài cũng chỉ dài lửng lơ loe toe đuôi gà chứ không thể cả suối dài, dày, óng như tóc Á. Đến đây rồi mới biết, các bà các cô tuyệt đại đa số toàn đội tóc giả. Dân có tiền thì mua tóc thật rồi nối tóc thật vào tóc mình. Dân bình thường thì nối tóc giả, hoặc đội luôn một bộ tóc giả cho tiện. Con bạn mình làm cho một hãng mỹ phẩm trang điểm rất nổi tiếng, toàn vào hậu trường với các siêu mẫu quốc tế. Nó bảo Naomi Campbell cũng tóc giả nốt. Hóa ra mái tóc lộng lẫy đen óng thẳng tắp của siêu mẫu Naomi là tóc giả, chứ tóc thật của Naomi xoăn tít và hói lên tận gần nửa đầu. Đàn bà Phi hay tết tóc li ti, da đầu bị co kéo, tết lâu rồi thì quen chứ mới tết đau đầu muốn chết phải uống thuốc giảm đau. Cứ đâu tháng một lần lại phải tháo tóc ra tết lại, lại phải uống thuốc giảm đau mấy ngày đầu cho hết đau. Người lớn không nói làm gì, trẻ con bé tí 5, 6 tuổi cũng bắt tết, cũng phải cho uống giảm đau. Mình lại thấy cứ để tóc nguyên bản xoăn và lún phún sát da đầu lại đẹp. Trẻ con thì nhìn gọn ghẽ lanh lẹ đáng yêu, người lớn thì cá tính. Nhiều khi bộ tóc giả vấn thành một đống cao ngất nghểu dởm rít trên đầu, tốn tiền mà nhìn nóng nực nặng nề phát hãi, không hiểu sao họ chịu được.

Lại quay về chuyện thân hình, có thân hình đẹp trời phú như vậy nhưng dân ở đây đại đa phần không biết giữ dáng. Chế độ ăn quá nhiều tinh bột khiến nhiều người phát phì, bụng một rổ, mông một đống, lại thêm chữ S ở lưng đâm ra trông nhiều người cứ lạch bạch như vịt bầu. Đồ ăn của họ nặng cực kỳ, đã toàn tinh bột lại còn giã thật lực cho quyện vào với nhau, đâm ra ăn một miếng bằng người thường ăn cả bát. Mà họ không ăn một miếng, họ ăn cả đĩa to. Có lần mình tổ chức party đồ ăn bản xứ cho nhân viên trong nhà, mấy chục cân sắn luộc lên, chất đầy tú hụ một cái chậu to, mà sau mấy tiếng giã miệt mài co lại còn vài cục bé tí. Để dễ tưởng tượng, các bạn cứ hình dung ở nhà mình ăn bánh dầy giò, cũng toàn tinh bột, giã cho dẻo quéo, ăn được một cặp chắc ngắc ngứ và no đến cổ từ sáng tới tối. Có lần mình tò mò ăn thử đồ ăn bản xứ, cũng ngon nhưng ăn xong bụng óc ách khó chịu, mắt ríu lại vì buồn ngủ mặc dù bình thường mình không có thói quen ngủ trưa. Chả trách dân ở đây có thể ngủ ở bất cứ tư thế nào, vào bất kỳ giờ nào, ngủ suốt đêm, rồi ngủ tiếp suốt cả buổi sáng, đến quá trưa sang chiều lại gà gật, và tối gà lên chuồng là người cũng đi ngủ nốt.