Saturday, May 13, 2017

13/5/2017



Hồi mình còn ở nhà, nhà mình ở Láng Hạ. Láng Hạ cao hay sao đó, mưa ngập ở đâu đến nửa bánh xe nửa thân xe chứ Láng Hạ nhà mình cùng lắm chỉ có vài vũng nước lấp xấp trên đường. Nhưng chắc cũng vì cao mà chẳng bao giờ có nước. Xóm mình đêm nào mọi người cũng phải canh nước. Các máy bơm cứ hút khan hàng tiếng đồng hồ, nhiều khi phải đến 2, 3h sáng mới hút được tí nước.
Mãi rồi có một gia đình trong xóm đứng ra thầu hạ đường ống thấp xuống, ai muốn làm thì nộp hơn 1tr. Đường trong xóm họ tự đào lên, đặt ống sâu xuống, và cũng không lát lại. Chẳng biết họ hợp tác với ai và làm chính xác cái gì nhưng tóm lại nhà nào chi ra hơn 1tr hạ đường ống thì quả đúng là có nước thật. Dần dà chỉ còn mỗi nhà mình chưa làm và do vậy không có nước. Cuối cùng mẹ mình đành phải chi ra hơn 1tr để hạ nốt đường ống nhà mình xuống. Mẹ mình bán xổ số, 3 chị em mình vẫn còn đang đi học, hồi đó mình đi chợ một ngày chỉ có 7000đ mua đồ ăn cho cả gia đình 4 người, mãi sau mới nâng lên được 8000đ, thì các bạn có thể tưởng tượng số tiền hơn 1tr đối với nhà mình là lớn lắm. Nhưng ăn còn nhịn được chứ nước tắm giặt dội nhà vệ sinh thì nhịn làm sao.
Nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó, lại tình trạng cắt nước triền miên. Cả xóm rình nước còn hơn rình trộm. Lúc đó mình đã đi làm có tiền, chi tiền mua hẳn máy bơm xịn mà cũng không ăn thua. Nhưng lúc đó cũng không nghĩ gì, chỉ chấp nhận nó như một thực tế cuộc sống vậy thôi.

Rồi mình lấy chồng, sang Mỹ. Cảm giác đầu tiên là trời ơi sao cái dân này phí phạm thế, phí phạm trong tất cả mọi lĩnh vực, ăn uống, quần áo, năng lượng vv và vv. Ở Manhattan, đi bộ trên vỉa hè, thấy dân tình vứt đi những món đồ còn tốt nguyên, sofa, các thể loại bàn ghế, quần áo, giày dép. Các bạn đừng tin nơi nọ nơi kia Dubai, Hong Kong, châu Âu, nhận vơ là thiên đường mua sắm. Chỉ có Mỹ mới xứng với danh hiệu này, giá cực rẻ, hàng cực nhiều, sale cực khủng, và mua rồi trong vòng mấy tháng cho đổi trả thoải mái.
Chính vì thế mình nghĩ ngay cả khi $500 có gây chiến tranh thương mại với tàu khựa, dân tình cứ hoảng loạn chứ thực ra cái dân Mỹ mất chỉ là thị trường hàng tiêu dùng giá rẻ bị thu hẹp, tức là chỉ cần thay đổi thói quen tiêu xài bừa bãi vô tội vạ của mình, bớt sướng đi một chút chả chết ai mà có khi còn tốt hơn. Chứ kẻ móm nặng là tàu khựa kia kìa. Chả trách mà Tập tành phải xun xoe vác mặt thịt đi Mỹ ngay và bọn khựa bớt hẳn cái giọng ngạo ngược như trước.

Sau rồi mình sang châu Phi, chứng kiến cuộc sống ở đây, so sánh với các nước phát triển, thì mình nhận ra một điều rằng ở xứ giàu, xã hội của họ lãng phí, nhưng là sự lãng phí tự nguyện. Họ thích thì họ lãng phí, họ lãng phí cho sự phù phiếm cá nhân. Còn ở xứ nghèo, chúng ta lãng phí, nhưng là sự lãng phí bắt buộc. Sự lãng phí là hệ quả của cơ sở hạ tầng nát tươm, kiến trúc thượng tầng rối loạn, cơ chế quản lý yếu kém. Như ngày xưa nhà mình chẳng có chọn lựa nào ngoài việc phải bỏ tiền túi hạ đường ống hay thay máy bơm công suất lớn, vì không tự thân vận động thì cũng chẳng có ban bệ nào lo cho. Kêu trời thì trời không thấu, kiện thì kiện củ khoai.
Cũng như chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài phải chi thêm tiền mua thực phẩm sạch, hàng xách tay, đi khám bệnh viện tư hoặc đi bệnh viện nước ngoài, tiền thay phụ tùng xe liên tục vì điều kiện đường xá yếu kém hao mòn xe nhanh, tiền sửa xe bị ngập nước, tiền xăng dầu tiêu hao vì ngày nào cũng tắc đường chết cứng cả tiếng đồng hồ, tiền điện máy bơm chạy khan hàng tiếng đồng hồ, tiền đào giếng vì nước máy suốt ngày mất, tiền mua máy phát điện vì điện suốt ngày cúp vv và vv. Tỷ thứ tiền phải chi thêm để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu. Trong một xã hội có quy củ nơi nhà nước làm tốt chức năng của mình để người dân không phải tự bơi quá nhiều, số tiền ấy có thể được cho vào tài khoản tiết kiệm dưỡng già hoặc cho tương lai của con trẻ, hoặc đơn giản được dùng vào những nhu cầu cao cấp hơn như du lịch nghỉ dưỡng vài lần hàng năm, đặt vé máy bay ra nước ngoài để có mặt tại một buổi hòa nhạc yêu thích vv và vv.

Lại quay trở lại lý do tại sao mình lại viết bài này, thằng bé lái xe làm việc cho mình được tầm hơn 7 tháng, đã hỏng đến cái điện thoại này là cái thứ tư. Lương nó chỉ quanh quẩn tiền ăn, tiền xe đò đi lại thăm vợ con, tháng thì thấy nó mua được cái áo mới, tháng thấy nó tậu được đôi giày mới, còn lại là mua điện thoại mới. Các khoản phải chi phải mua cứ xếp hàng đợi lương, lương rót về một cái là hết veo, lại mòn mỏi giật gấu vá vai đợi lương tháng sau. Vừa mua được hết một vòng quần, áo, giày, điện thoại, chưa kịp thở thì lại phải tua lại vòng mới quần, áo, giày, điện thoại, vì đã kịp hỏng kịp nát hết rồi. Cứ thế người và lương rượt nhau chạy vòng vòng, đúng tình thế catch 22 trong tiếng Anh. Tính ra, nó nghèo thế mà tiền nó phải chi cho điện thoại còn nhiều hơn mình. Cái điện thoại Samsung mình mua ở Ý, gần 9 năm trước, hình như có 40e, giờ vẫn dùng tốt.
Cái kính bơi mình mua cho Lê La ở Ý, dùng 4, 5 năm nay rồi vẫn tốt. Kính bơi mình mua cho con Na ở đây dùng chưa được 2 tháng đã đứt phựt phải vứt đi rồi. Nhà nước không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, để thị trường tràn ngập hàng tàu kém chất lượng, rẻ thì rẻ thật nhưng dùng vài hôm là vứt. Thu nhập của dân thì cứ dùng để mua đi mua lại, mua được cái nọ thì lại hỏng cái kia lại phải mua cái kia, cứ xoay vòng mua hỏng hỏng mua, tốn tiền mà rác thì chất cao như núi, xử lý thì tốn kém không xử lý thì hỏng môi trường. Tóm lại tưởng rẻ mà hóa ra lại đắt vô cùng.

28 comments:

  1. Em viết đúng quá em ạ. Một thời gian vì công việc chị làm ở khu Manhattan thấy họ bỏ đồ phí lắm. Nhưng về Việt Nam, nhà Ba Mẹ chị có gần chục cái vợt muỗi của Tàu, mua ba bảy hai mốt hỏng vứt đấy, chị mới thấy ghét sự lãng phí kiểu đấy. Chất lượng kém, bỏ thì thương, vương thì tội thế nên rẻ mà lại đắt.

    Chị khâm phục Mẹ em và các chị em em. Gia đình khó khăn nhưng các anh chị em đều thông minh, giỏi giang và nhân hậu. Chúc Mẹ và em một ngày của Mẹ thật hạnh phúc.

    Chị H - Toronto

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị đừng dọa em. Em cũng đang có một cái vợt muỗi của tàu, chạy bằng pin, vợt trúng muỗi nổ lách tách. Em chả muốn mua tí nào nhưng ở đây lắm muỗi quá mà dạo này không hiểu sao đập bằng tay không em toàn đập trượt :-D

      Delete
  2. Chào chị Giang,

    Em đọc blog của chị đã lâu, được biết chị đã từng có một thời gian sống tại nước Ý và em cũng rất thích chị. Chuyện là em đang có ý định du học ngành Kiến trúc tại trường Politecnico di Milano tại Ý. Nhưng em còn một số điều cần suy nghĩ không biết có nên quyết định để đi hay không.
    Em không biết giáo dục ở Ý nói chung, và ngành kiến trúc nói riêng được đào tạo như thế nào? Cuộc sống ở Ý đối với sinh viên thì sao hả chị? Và ở thời điểm hiện tại thì Ý có đáng để đến du học hay không? Vì em biết nền kinh tế đang xuống dốc. Em dự định học chương trình tiếng Anh, có thể sẽ học thêm ít tiếng Ý để giao tiếp với người bản địa. Và em cũng không biết cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ như thế nào?
    Mong chị hồi đáp giúp em, vì quả thật em không biết ai đã từng ở Ý cả, em cảm ơn chị nhiều ạ.

    Em chào chị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em vao day hoi nguoi hoc o nganh do truong do luon nhe https://m.facebook.com/profile.php?id=1641264256&tsid=0.8518869588151574&source=typeahead

      Delete
    2. Có bạn ở trên đã cho link, em vào hỏi trực tiếp bạn đang học ở đó nhé. Chị không biết trong trường họ dạy ra sao nhưng chắc chắn nếu học về kiến trúc thì Ý là nơi quá tốt để đi thực địa rồi còn gì.
      Nếu em sang Ý học, em phải học thêm tiếng Ý vì dân Ý rất kém tiếng Anh. Cơ hội việc làm thì chắc khó đấy em ạ. Kinh tế Ý đang ì ạch, dân không có tiền, không có nhiều cơ hội việc làm đâu. Bạn chồng chị đã có 3 kiến trúc sư Ý phải ra nước ngoài tìm việc. Chúc em may mắn.

      Delete
  3. Happy Mother's Day chị!!! :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Giời ơi vậy là một năm có bao nhiêu Ngày của Mẹ? Chị hỏi thế vì chị nhớ là mới mấy tháng trước cũng có ngày này rồi?

      Delete
  4. Em có quen một chị bạn, chị ấy mua đồ cho bản thân và bọn trẻ toàn đồ xịn nhưng sử dụng lại rất bền, chị ấy bảo: tao không giàu để xài đồ dỏm :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị giờ có kinh nghiệm mua quần áo trẻ con, toàn mua những món có thể dùng được vài năm. Nhất là đồ con gái con chị mặc chật thì thải cho con em nên thời gian sử dụng lại càng lâu, có khi được tận 5 năm. Váy thì có phần ráp ở vai chéo vào như áo yếm, đảm bảo không bao giờ bị chật vai. Mặc vài năm tay dài thành tay lỡ, váy cộc thì thành áo. Quần cho ông con trai bao giờ hai bên sườn cũng có chun, rộng quá thì rút chun vào cho vừa, sau lớn thì nới từng nấc chun ra. Đồ tốt, giặt giũ là ủi cẩn thận, mặc vài năm vẫn ngon lành, mang đi cho vẫn còn rất mới và đẹp. Đúng như bạn em nói, thà mua hẳn đồ tốt rồi học cách giữ gìn thì còn tiết kiệm hơn mua đồ rẻ chất lượng kém có muốn giữ gìn cũng không giữ gìn được. Chị tiêu rất ít tiền vào quần áo cho trẻ con.

      Delete
    2. @xương rồng: em ko biết có phải đó là chị Quyên Trần ko chị? Haha tại câu này nghe quen quá à, chị Quyên cũng hay nói câu này hihi

      Delete
    3. @Professional_Rat: Không phải em ơi. Cơ mà cũng có nhiều người cùng quan điểm hén.

      Phải công nhận là dùng hàng xịn thì thích đó, nhưng đa số người dân của mình lại không đủ tiền để mà mua hàng xịn, hoặc ko tìm được hàng tử tế để mua.

      Delete
  5. Kết câu cuối chị ơi, tưởng rẻ mà lại rất đắt đúng thật chị ah!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xã hội tiêu dùng quá nhanh bây giờ, khi quần áo chỉ một mùa là nát là lỗi mốt, giày dép đi vài tháng là trông như cái bánh mỳ ôi, là cực kỳ lãng phí, gây thâm thủng túi người tiêu dùng (một cách từ từ khó nhận ra), làm giàu cho thiểu số các ông chủ tập đoàn, và gây ra gánh nặng cực lớn cho môi trường. Môi trường ô nhiễm thì nhà nước lại tìm cách đánh thuế môi trường, tức là lại lên đầu dân. Thế thì thà mình tiết kiệm, chi tiêu khôn ngoan ngay từ đầu còn hơn.

      Delete
  6. Có lẽ tình hình chung về vấn nạn made in Tàu cậu ơi. Sang nhà bố mẹ chồng, thấy đồ điện tử gia dụng made in USA mấy mươi năm vẫn chạy tốt, còn mình mua đồ mới nguyên (máy giặt), cũng là hiệu Mỹ nhưng xài vài năm đã có trục trặc, máy xay sinh tố hiệu Cuisinart cũng thế, xài vài lần đã mẻ cái trục quay bằng nhựa cứng. Gọi thợ đến sửa thì tốn phí hơn nửa tiền mua mới, mà mình vẫn cứ bấm bụng chọn giải pháp sửa để giảm bớt rác thải ra môi trường. Đúng là hoàn cảnh, nếu chọn giải pháp thuận tiện cho cá nhân thì lại hại cho cộng đồng. Đúng là "quân tử là người biết chịu thiệt" như bạn nào đã comment trong blog cậu trước đây ấy! Chẳng biết mình sẽ mang mác quân tử được bao lâu nữa đây ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hàng tàu, nhãn tàu chất lượng tàu, chất lượng kém đã là một nhẽ. Ngay cả những nhãn hàng của Âu Mỹ, nhưng sản xuất tại tàu, các chủ nhãn hàng cũng tìm cách giảm chất lượng sản phẩm để giảm giá thành, rút ngắn vòng đời sản phẩm để người tiêu dùng phải tiếp tục mua và do đó tăng doanh thu. Nhiều khi mình cứ đổ tại made in China nhưng thực ra hàng kém hẳn chất lượng là chủ ý của nhãn hàng.
      Không chỉ máy móc gia dụng, cậu cứ nhìn ô tô Mỹ là rõ nhất, so sánh xe bây giờ với những chiếc xe được sản xuất từ lâu. Xe mới bây giờ rẻ, nhẹ hều, va chạm nhẹ là nát bét. Chúng nó cố tình làm như thế để người dùng phải đổi xe liên tục. Chứ mua một cái xe sau 40 năm vẫn chạy tốt thì chúng nó không bán được nhiều xe.
      Tớ thì càng ngày càng hạn chế mua bán những thứ không thực sự cần. Nếu có nhiều lựa chọn thì bao giờ cũng cố gắng bỏ tiền mua đồ tốt và giữ gìn cẩn thận. Hỏng thì tìm cách sửa và cố gắng giảm thiểu lượng rác thải ra hàng ngày.
      Từ hồi tớ tiếp quản dinh đại sứ ở đây, tớ đã cắt được lượng rác thải xuống còn 1/3.

      Delete
  7. Ôi, thật sâu sắc và chí lý. Em dạy con học theo chị, không mua đồ chơi Tàu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị cả năm may ra chỉ mua đồ chơi cho bọn trẻ con 1 lần vào dịp sinh nhật. Mà giờ chúng nó lớn, có khi đòi quà sinh nhật là một quyển sách chứ cũng không đòi đồ chơi nữa. Đồ chơi nhà chị chỉ nhiều nhất là Lego, cho tha hồ tư duy sáng tạo. Đồ Lego vẫn là đồ chơi chất lượng cao. Đồ chơi tàu kinh lắm em ạ, có vài món chị từng cầm lên, mùi nồng nặc và cảm giác như mủn ra trên tay. Phải chơi những đồ ấy thì thà cho nó nghịch đất đào giun còn hơn.

      Delete
  8. Tớ thấy ưng bài viết này quá nên lại vào viết vài dòng. Đúng là có đi nhiều mới thấy rõ sự khác biệt. Sống ở Mỹ sướng thật, mua đồ sale rẻ khủng khiếp. Hồi đứa lớn nhà tớ gần 1 tuổi, cũng sang Mỹ một thời gian, mua đồ sale cho con sướng mê tơi, hàng Gap trái mùa sale cứ 99 xu/món, rẻ hơn hàng VN nhiều. Tớ còn mua một đống đồ gia dụng bếp núc về VN, dùng cho đến tận bây giờ (mang về VN rồi tiếc, lại mang sang châu Âu, hâm thế, nhưng mà hài lòng vì tiết kiệm được bao tiền).

    Giang kể một loạt thứ bị "cưỡng bức" tốn kém, tớ còn nhớ vụ máy lọc nước nữa. Bơm nước rồi mà nước có đạt chuẩn về chất lượng đâu, kiểm tra thấy toàn dính asen và chất có hại khác, mỗi gia đình lại tự đầu tư vài triệu mua máy lọc nước, 3-6-9 tháng lại đều đặn chi tiền thay lõi lọc. Khổ, nhà nước mà đầu tư hệ thống lọc đầu nguồn ổn ổn thì các gia đình nói riêng và xã hội nói chung tiết kiệm được nhiều lắm. Rồi hệ thống ga cũng vậy, nếu lắp đặt đường ống ga tổng cho các tòa nhà chung cư hoặc khu dân cư, mỗi nha sẽ không phải gọi bình ga 12kg hàng tháng --> tiết kiệm diện tích trong bếp, tiết kiệm bình ga và nhân công giao hàng/lắp đặt, lại còn an toàn nữa chứ,....

    Mình có điều kiện một chút, được đi đây đó thì mua đồ ngoại, giá tương đối nhưng dùng lâu bền được, tính ra lại tiết kiệm. Nhưng dân tình nhìn chung thu nhập thấp, tránh sao được hàng Tàu chất lượng dỏm, giá (so với giá trị sử dụng) cao. Vậy nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ muôn đời vẫn khổ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ, hàng Việt Nam nhiều thương hiệu tốt mà. Ngày xưa, tớ có 1 đôi dép xỏ ngón Bitis, đi mãi không hỏng. Giày Thượng Đình cũng thế. Sau này, tớ cũng mua được một vài đồ VN tốt như dệt kim Đông Xuân, áo thun Hoàng Tuấn, áo quần bằng lụa đũi của làng nghề,... Nhưng mà nói thật lòng thì áo đó mặc được thôi và cũng bền, chứ mẫu mã không đa dạng, size quần áo thì chỉ có SML, gọi là mặc vừa chứ không chuẩn, hàng lụa đũi thì hay phai màu, phải giặt riêng bằng tay + là lượt cẩn thận. Đồ trẻ em tốt và rẻ thì không đa dạng, nhanh xuống mã sau vài lần giặt, được cái bền. Sau này, tớ ít thời gian lượn lờ nên giảm mua hàng ở VN, nếu có dịp đi nước ngoài thì vào hàng sale mua thật lực cho cả gia đình mặc nhiều năm luôn, vì biết thương hiệu đó mặc hợp và đúng size của cả nhà, khỏi mất công thử (VD như Gap, Gymboree, Uniqlo,...). Giờ nhìn lại, những mặt hàng bền và đẹp mà tớ dùng lâu dài vẫn là hàng nhập, ví dụ có cái thắt lưng da mặc với jeans đã dùng 20 năm, và đúng là trong ngần đó năm tớ chẳng mua cái thắt lưng nào khác mặc với quần jeans cả. Một áo len cổ lọ thì mặc từ lớp 11 đến khi đi làm, đến nỗi họp lớp có đứa bạn thắc mắc là "áo này Linh mặc từ hồi đi học hay sao ý nhỉ?". Áo khoác dạ ấm tớ mua ở Mỹ cho cả 2 vợ chồng từ 10 năm trước giờ vẫn rất ổn và đẹp, chỉ cũ đi thôi. Còn quần áo ấm của tớ hồi nhỏ do bố tớ mua hàng sencond-hand ở Mỹ thì sau khi tớ mặc ngắn, chật, còn được chuyển sang cho các chị em họ hàng, rồi lại chuyển lần nữa về quê cơ.

      Delete
  9. Ba má em cũng có quan điểm mua đồ y như chị. Ba em ghét hàng tàu dữ lắm, ông toàn mua đồ lắp ráp ở Thái hoặc cùng lắm là Việt Nam chứ không bao giờ chịu hàng tq. Đồ điện máy nhà em xài mười mấy năm, tã quá, với hàng cũ không tiết kiệm điện, mới đi mua đồ mới về thay. Cửa hàng còn thu mua lại máy cũ của nhà em, vừa được bớt tiền vừa đỡ mất công cân ký bán ve chai.
    Đồ Việt Nam tính ra cũng bền lắm chị. Em mua giày Bitis lội nước ngập ở Sài Gòn hết mấy mùa thì nó mới chịu bung đế để em mua giày mới. Đồ nhựa của Duy Tân hay Đại Đồng Tiến thì xài cả chục năm là bình thường.
    ND

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ừ, đấy, đầu tư khuyến khích những mặt hàng trong nước phát triển và hạn chế bớt hàng tàu. Hàng khựa gửi trả về cho dân khựa chúng nó dùng.
      Hồi chị ở nhà Bitis cũng đã là cái tên được nghe nhiều. Bao nhiêu năm mà vẫn tồn tại được trong một xã hội tràn ngập hàng tàu thì cũng không phải loại vừa.

      Delete
  10. Em cũng nhớ cái vụ hạ đường ống, được độ nửa năm có nước tử tế. Sau các nhà cùng hạ ống hết thì lại quay về thiếu nước như cũ. Mà chị G đi trc khi sinh Lê nhiều k? chứ 2005 có bận mưa ngập Láng hạ, e đi hụt 1 cái mà ướt đúng đến bụng

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị đi năm 2005 đấy, hình như tháng 6 tháng 7 gì đó. Lê sinh cuối tháng 1 năm sau. Nhà chị nói là ở khu Láng Hạ nhưng là ở cuối đường, từ Láng Hạ rẽ vào phố Vũ Ngọc Phan, rất cao, chẳng bao giờ ngập. Em nói chị mới nhớ hình như đường Láng Hạ có một chỗ rất trũng nhưng chị không nhớ đoạn nào, có lẽ là đoạn Thái Hà Huỳnh Thúc Kháng gì đấy.

      Delete
  11. Ngoài lề ạ: Bác Cún có thấy ai nhìn cô Kỳ không?
    http://m.afamily.vn/ly-nha-ky-dien-cay-hang-hieu-hon-4-ty-long-lay-tren-tham-do-lhp-cannes-ngay-2-20170519105138977.chn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thợ ảnh họ chụp toàn phải có mục đích hết. Events toàn sao thì thợ ảnh họ phải cố gắng chụp thật nhiều ảnh sao để còn bán cho báo lấy tiền, chứ người không nổi tiếng hơi đâu họ chụp em ơi. Thảm đỏ dài, người tới liên tục, các thợ ảnh chỉ có khoảng thời gian rất ngắn để xem lại ảnh vừa chụp trước khi một ngôi sao nữa lại xuất hiện. Các cô nhà mình biết thế nên cứ phải mang theo thợ ảnh riêng.

      Delete
  12. Truyền thông nhà mình...vịt tưởng thiên nga

    ReplyDelete
  13. http://ngoisao.net/tin-tuc/hau-truong/showbiz-viet/ly-nha-ky-doi-style-lanh-lung-tren-tham-do-cannes-3587929.html

    ReplyDelete
  14. Nguoi dung, ong kinh chia cho khac

    ReplyDelete