Tuesday, April 28, 2020

Chuyện đời

Xem anh $500 oánh vật với truyền thông mà tôi thấy ái ngại cho anh quá. Lịch tổng thống bận rộn đến từng phút, thế mà hàng tối bỏ ra cả tiếng tiếp xúc truyền thông, nhằm tạo một kênh trực tiếp cập nhật thông tin cho người dân đang lo lắng, 1 tiếng đồng hồ phải đối diện với bao nhiêu máy quay, máy ảnh, bao nhiêu câu hỏi cắc cớ, cứ sảy chân là bị nhậu cho chỉ còn xương, có phải chuyện đùa đâu. Nhiều lãnh đạo sợ rắc rối nên chỉ đọc diễn văn soạn sẵn và chỉ trả lời những câu hỏi được duyệt từ trước.
Anh thừa tự tin và muốn tỏ ra đôn đáo theo sát tình hình nhưng kết quả lại dội ngược. Từng lời anh nói bị phe anti lôi ra chế nhạo, mổ xẻ, cắt cúp, nghề của chúng nó. Từng câu hỏi chúng đặt ra là để khiêu khích cho anh vào tròng. Mà cái tôi của anh to quá, anh bị vào tròng liên tục mà không chừa.
Nhìn cách anh bị đối xử, và nhìn nhiều trường hợp khác, mới thấy lòng người đã trở nên hẹp như nào, con người đã trở nên thiếu thiện chí với nhau như nào. Dẫu có là việc gì, một chút cảm thông, một chút thiện chí, là đã giải quyết được rất nhiều vấn đề. Nhưng trên đời này nhiều kẻ kiếm cơm bằng cách tạo nên vấn đề thì phải. Vấn đề mà được giải quyết, được cho qua, thì chúng đói. Đói cơm, đói danh, đói đủ thứ.
Nhiều người hay hỏi tôi vì sao không tham gia mạng nọ mạng kia đông vui dễ dùng hơn. Tôi thiếu thời gian đã đành, mà những điều tôi nhìn thấy khiến tôi càng ngại ngần những chốn ấy. Vì vài cái like trên mạng xã hội, người ta có thể bất chấp thậm chí bán rẻ rất nhiều thứ. Các bạn VN của tôi hoặc là bạn blog tôi chưa từng gặp ngoài đời hoặc là bạn cũ nhưng lâu lắm rồi không gặp nên không biết thực hư ra sao, chứ các bạn nước ngoài của tôi, nhiều đứa ảo không tưởng tượng được.
Có đứa suốt ngày post ảnh sang chảnh nay nghỉ dưỡng ở đây, mai tận hưởng ở kia cho thiên hạ vào trầm trồ nhưng trên thực tế thì chả có một xu dính túi và kiếm sống bằng cách vòi vĩnh chỗ này một tí, ăn chặn chỗ kia một tẹo, phần còn lại là nhờ bố mẹ.
Có người ở trên mạng, mâm nào cũng thấy có mặt, phát ngôn nào của chính trị gia cũng mang về page phồng mang trợn mắt chửi bới, nói chung có vẻ như là một lực lượng chính trị rất đáng gờm. Nhưng trên thực tế thì…nói là một số 0 tròn trĩnh cũng không oan.
Có đứa suốt ngày hồn bướm mơ tiên, mơ về một thế giới công bằng bình đẳng quyền lợi cho trẻ em cho người yếu thế, cấp tiến đủ kiểu, thậm chí nhân từ với cả động vật, nhưng trên thực tế thì có đứa con cũng chả buồn chăm vì suốt ngày mải chúi mũi vào điện thoại. Con bé ăn bánh mỳ kẹp thịt muối trường kỳ.
Nhân đây mình cũng muốn bình luận về việc ở nhà nhiều người cứ phê phán cách chống dịch của tây. Thực ra tây đúng là chủ quan, nhưng mà dân chủ quan là chính chứ chính phủ cũng không chủ quan mấy.
Mà họ chủ quan cũng có lý do của họ. Thứ nhất, tàu sát nách ta, ta lạ gì thói ăn không nói có của tàu nên lúc nào cũng trong tâm thế đề phòng. Ta không thể bắt tây cũng phải có cái tâm lý ấy. Tương tự, ở Mexico mà có chuyện gì thì chắc chắn Mỹ sẽ cảnh giác ngay, còn VN ở tít xa đọc tin bệnh tật chết người ở Mexico thì cũng chỉ ngang tin xe cán chó.
Thứ hai, dân xứ tự do nó không quen khổ như dân mình, đừng mang tư tưởng của mình áp lên nó. Cấu trúc xã hội của nó cũng khác, không dễ thích nghi như mình. Các chính phủ biết thế nên còn chịu được hậu quả thì còn phải mở cửa, đến lúc thấy nguy hiểm cận kề khả năng không đỡ nổi rồi mới phải xiết lại. Các chuyên gia y tế chỉ lên tiếng trên phương diện sức khỏe là xong nhiệm vụ. Còn chính phủ mà đã ra chỉ thị là phải cân nhắc đến cả phương diện kinh tế. Chết kinh tế là chết hết. Thất nghiệp ở nước ngoài là hóa đơn và nợ ngân hàng dồn đống, mất nhà mất xe, dân không quen khổ là trầm cảm, tự tử, nổi loạn, chứ không đơn giản là thôi chịu khó có rau ăn rau có cháo ăn cháo linh hoạt như ở VN.
Thứ ba, các bạn nghĩ các chính phủ tư bản thực dụng họ hàng năm chăm chỉ rót tiền cho các tổ chức như WHO để làm gì? Từ thiện thuần túy hả, làm gì có chuyện đó. Các chuyên gia lương cao, đi xe công vụ, ở nhà sang, con học trường quốc tế, đi công tác thì ở khách sạn hạng sang, có khi còn bay vé thương gia. Họ chi tiền nuôi các vị để các vị theo sát tình hình thực địa và cảnh báo lập tức khi có vấn đề, để từ đó họ còn lên phương án đối phó. Mà WHO lần này đã làm được cái chết vạ gì? Cắt viện trợ, hy vọng sẽ biết sợ mà bắt đầu làm việc đúng chuyên môn thay vì mải chạy đi làm chính trị hoặc vuốt đuôi nguyên thủ. Tedros bất tài có lẽ nên mang bộ mặt lúc nào cũng nhăn nhó khổ sở hoàn cảnh về quê Ethiopia đuổi gà đi.
Sau vụ này hy vọng thế giới sáng mắt ra, đuổi cổ tàu khựa khỏi mọi tổ chức, diễn đàn. Không có chỗ nào khựa tham gia vào mà chúng không tìm cách lôi kéo, lũng đoạn, lừa lọc, dọa dẫm, lợi ít hại nhiều.  
Chuyện đời, không nói thì thiếu, nói thì thừa. Thời gian đó để trồng cây, ngắm gà, trêu mèo, nghe con chành chọe, tối rúc vào nách chồng ngủ, nhẽ thú hơn.  

P.S: một cái entry viết mấy ngày không xong vì thằng con chiếm máy học online, mình cứ phải rình lúc nó nghỉ giải lao nhảy vào viết vội vài dòng. Vừa tức tốc đánh máy vừa phải gào lên tiếp chuyện con Lila đang gọi mẹ ơi ới từ dưới vườn “Mẹ ơi, Ale nhổ nước bọt vào đuôi con mèo Fufu”. 

Monday, April 20, 2020

Muốn được là một con mèo


Hôm nọ tán chuyện với chị bạn lâu rồi không gặp. Chị ý bảo mịe, dân VN toàn ăn gà rù, corona cô rô niếc này nhằm nhò gì. Mình bảo nhưng gà rù có ho đâu, mà không ho thì liên quan gì tới corona. Bà ấy bảo không ho nhưng dãi rớt lòng thòng khác giề :-)))))))
Mới nhớ ra hồi bé đúng là toàn ăn gà rù. Gà phải rù mới được ăn, chứ đang khỏe mạnh chạy nhảy bình thường thì…của đâu dám xa xỉ giết ăn. Thế nên hồi bé nhìn thấy gà bắt đầu rù là thích lắm, là chuẩn bị được ăn món thịt gà kho gừng thơm phức béo ngậy, gà tím tái phản cảm quá thì…xát nghệ vào lại đẹp như thường. Con gà bắt đầu rù sẽ như thế này: đang mắt trợn tròn thao láo ngó nghiêng linh hoạt mào dựng đỏ chót, bị rù một cái là bắt đầu từ từ ỉu xìu dần, mắt lờ đờ nửa nhắm nửa mở, mào vật sang bên và tái dần, da dẻ tím dần, lông dựng lên, dãi rớt lèo xèo, cổ ngoẻo sang bên, chỉ qua 2 hôm là chết.
Có lẽ bà bạn mình nói đúng, nhờ đã được tôi luyện diet gà rù nên giờ corona chả nhằm nhò gì thật.

Vẫn chưa hết cảm giác lạ lùng về thế giới. Bỗng dưng một ngày thức dậy, mọi thứ đã thay đổi. Những thứ tưởng chừng như rất đỗi bình thường, ví dụ ra biển một ngày đẹp trời, đi dạo trên núi, đi lang thang không chủ đích vào những ngày trời không mưa không nắng chỉ nhiều gió, vác một quyển sách ra quảng trường, đặt một chuyến du lịch, hoặc đơn giản chỉ như mùa xuân sang thì cuốc đất trồng hoa, tự dưng lại thành những thứ ngoài tầm với.
Loài người đã ngăn sông, lấn biển, khám phá lòng đại dương, phóng những con tàu tối tân nhất lên vũ trụ, bước đi trên mặt trăng, hạ cánh trên sao hỏa, lập trình được các trí tuệ nhân tạo. Trên địa cầu này còn giống loài nào thông minh hơn, ưu việt hơn, mạnh mẽ hơn thế. Thế mà, chỉ một con virus, gần một nửa nhân loại ngồi bó gối trong nhà nhìn ra ngoài đường như thú đói.
Tự dưng có một lý do hoàn hảo để gặp người chỉ gật đầu chào rồi lảng ra xa, không cần phải ôm hôn, hỏi han xã giao, cũng không bị níu lại trò chuyện ba hoa xích tốc cả mấy chục phút vẫn không được thả cho đi. Có ai đó đã nói một câu đại loại thế này “Tuổi 20 không thấy người không chịu được. Tuổi 30 thấy ít người không chịu được. Tuổi 40 thấy nhiều người không chịu được. Tuổi 50 cứ thấy người là không chịu được”.

Mình nấu cho con mèo Fufu một cái đầu cá to. Xắn một nửa mang cho nó ăn. Chẳng bao lâu sau, mình nghe thấy một tiếng gà oác lên rồi tiếng chân gà chạy te tái. Mình biết ngay sự chẳng lành nên từ bếp chạy vội ra. Y như rằng lũ gà mái dưới sự lãnh đạo của con gà trống đã đổ xô tới và tống cổ Fufu khỏi khúc cá thơm ngon của nó. Mình vội xua lũ gà đi chỗ khác. Fufu tức tốc chạy trở lại, tai vẫn cúp dí vào đầu và đuôi vẫn xù lên vì sợ nhưng lại cắm mặt ăn tiếp không bỏ lỡ giây nào. Có mình đứng canh nên lũ gà không dám bén mảng tới lần nữa. Ăn xong, Fufu nằm lăn ra dưới chậu hoa, cái mũi đỏ hồng. Mình gãi gãi cái cằm nó, mặt nó lim dim hưởng thụ. Fufu, tao phải nấu cho mày ăn, phải canh cho mày ăn, xong lại phải gãi cổ cho mày, rồi tí nữa phải rửa đũa rửa nồi rửa bát cho mày và quét dọn chỗ xương mày vừa ăn vứt ngổn ngang ra kia, còn mày lại chui lên nóc nhà của chú bảo vệ, ngủ dưới tán cây hoa giấy phủ đầy hoa đỏ chói. Ôi, có lẽ tao muốn được là một con mèo.

Chả có việc gì làm bèn mở camera xem nhà xem vườn, tự dưng nhìn thấy con mèo. Con mèo đen trắng béo ú từ đâu đã tự động chuyển khẩu vào ở trong vườn của mình từ mấy tháng nay. Ban ngày nó chơi một mình trong vườn, đêm vào ngủ trong garage. Mấy cái gối mình để trong đó, nó làm thành một cái vũng tròn tròn vừa êm vừa kín gió, thu xếp ổn lắm. Lần này mình thấy nó đi lang thang trên mảnh vườn mình định bay về trồng hoa mùa xuân nhưng vì đang phong tỏa khắp nơi nên đành bỏ không đấy. Thấy nó đi loanh quanh, ngửi chỗ nọ một tí, hít chỗ kia một tẹo, rồi tự dưng nằm lăn quay ra đất uốn qua uốn lại nghịch ngợm giãy giụa một hồi. Rồi nó đứng lên, ngúc ngoắc cái đuôi thong thả đi băng qua đoạn vườn đất nâu mới lật lên vẫn còn mới tinh, băng qua con đường nhỏ, băng qua một đoạn cỏ xanh rì, băng qua một đoạn hoa dại cúc trắng cúc vàng mùa xuân bạt ngàn, trước khi biến mất tiêu vào vườn olive, trong một ngày nắng đẹp. Ôi tôi đích thị muốn được là một con mèo.


Sunday, April 12, 2020

Chuyện cách đây mấy hôm

Mình đang nấu ăn. Con La con Na đang tíu tít làm bánh pudding còn thằng anh tồ tẹt đứng hóng. Thỉnh thoảng chúng nó lại sai vặt làm thằng anh chạy cuống giò. Đang huyên náo tự dưng mình thấy căn bếp trở nên lặng như tờ. Quay ra nhìn, chúng nó đã kéo nhau cả 3 đứa đi đằng nào. Rồi mình nghe thấy tiếng rì rầm to nhỏ ngoài hành lang. Rồi mình nghe thấy một tiếng xì xì rõ dài, rồi tiếng ặc ặc như sặc, rồi tiếng thì thào cãi vã, rồi lại một tiếng xì xì rõ dài, lại tiếng ặc ặc, rồi tiếng cười rúc rích. Ôi thôi, chúng nó đang ăn vụng. Lén lút mở tủ lạnh lấy chai kem tươi ra hành lang rướn cổ xịt thẳng vào mồm nhau.
Chai kem tươi buổi tối thằng bố như thường lệ mở ra định xịt khí thế vào cốc cà phê, thì tối đó chỉ kêu xoẹt xoẹt rồi vài giọt kem lỏng bắn ra, còn lại toàn không khí là không khí. Mặt thằng bố như đưa đám. Sống ở xứ đồ ăn ngon khó kiếm, đang phong tỏa nên đồ ăn ngon lại càng khó kiếm, cốc cà phê Ý xịt kem tươi là niềm an ủi cuối ngày của người ta mà lũ con nỡ lòng nốc sạch.
Chưa hết, cái bát pudding thành phẩm, nhìn đã thấy kinh. Con Na không đụng tới. Thằng bố vốn hảo ngọt, gặp bánh trái gì ngon thì ăn tranh cả của con, thì lần này giả vờ không nhìn thấy cái bát bánh như cái ao để đấy. Thằng anh vốn tính háu ăn, ăn thủng nồi trôi rế, mà nhìn thấy cái bát pudding lỏng toẹt đấy cũng lắc đầu từ chối. Con La cố sống cố chết nuốt được 1 thìa cũng đành bỏ cuộc. Nó bắt mẹ nó nếm thử tác phẩm nghệ thuật của nó. Mẹ nó từ chối khéo “La ơi mẹ yêu con lắm nhưng mẹ đang bị đau bụng”. Nói đau bụng là nói thật, vừa nhìn cái bát bánh của nó mình lên cơn đau bụng nuôn.
Gọi điện cho cụ già hỏi tình hình corona. Cụ già đòi nói chuyện với thằng cháu trai. Chẳng hiểu cụ nói gì và nó có hiểu gì không mà thấy nó cứ Có Có liên tục. Mình đang mải cái gì chỉ kịp nghe lỏm nó được đúng một câu “Có, Ale đến chơi chừng nào corona virus xong dồi”. Ý nó là bao giờ hết dịch thì nó về VN thăm bà ngoại nó. Ai nói tiếng Việt đáng yêu như con trai tui.
Con Na chiều qua đạp xe đạp bị ngã nhào vào một chậu hoa, ống chân trầy một mảng, rớm máu. Sau khi bắt mẹ nó sát trùng, bôi kem, hôn hít, chăm sóc một hồi, nó đi ngủ giao hẹn hôm sau mẹ nó phải chăm sóc vết thương cho nó tiếp.
Sáng mẹ nó từ nhà trên ngó xuống sân, thấy nó lại đang đạp xe cùng anh chị nó. Mỗi tội nó đạp xe điệu bộ lòng khòng gượng nhẹ chứ không gò lưng đạp vun vút như quỷ sứ như thường lệ. Nhìn cái mặt nó phụng phịu chịu đựng mẹ nó vừa buồn cười vừa thương, bèn chạy đi mở máy viết blog. Tí nó lên nhà phải ôm nó hôn vào cái má mọng và cái mũi lúc nào cũng như đang hít hít cái gì của nó một cái.
P.S: Tuần sau chúng nó lại phải tiếp tục học online đấy giời ơi. Chúng nó lấy cớ học hành chiếm máy tính của mình, làm mình cả ngày cứ ngồi xa mút tay chả viết lách được giề. Tao hy sinh sự nghiệp viết lách của tao vì việc học hành của chúng mài, thế chúng mài có cho được tí kiến thức nào vào đầu với cái kiểu học online thế này không thế? Online kiểu gì mà lúc thì trò ngồi hễu mà chả thấy thầy, lúc thì thầy ngồi hễu mà chả thấy trò, lúc may quá có mặt cả thầy cả trò, thì đang học ngon trớn một trò tự dưng oánh luôn một tin nhắn vào group cho cả lớp xem “Ôi đói quá tớ đi ăn đây”. Một trò khác còn thật thà hơn “Đau bụng quá tớ đi ỉa đây”. Ngoài ra thì từng cặp bạn thân tranh thủ gọi điện chat riêng với nhau. Không có mình ngồi ngay đấy trông chừng con La thì nó lén lút buôn chuyện với bạn nó cả buổi sáng luôn.
Trong một diễn biến khác, ngồi thiền thế này thì cũng được đi. Nhiều lợi ích phết. Mỗi tội thủng hết đít quần. Sau 2 năm chăm chỉ ngồi thiền thì mình đã bị thủng đít đến cái quần này là cái thứ tư. Quần thì thủng đít, áo thì bị con Lila cắt rách toang. Công lý ở đâu hả giời???

Ảnh: Cơn mưa bóng mây năm ngoái, cầu vồng vắt ngang hai bãi cỏ trước nhà. Nhìn thích quá mình vội lấy điện thoại ra chụp. Nhưng thợ vườn nên chụp mỗi một nửa và quên mất nửa bên kia. 
Sau cơn mưa có phải cầu vồng sẽ tới?

Sunday, April 5, 2020

Chúng ta sẽ thiệt hại bao nhiêu vì corona?


Con bạn, gặp nhau hồi tháng 7 năm ngoái mọi sự vẫn vô cùng ổn. Thế mà đến tháng 8 chồng phát hiện bị bệnh ung thư miệng. Chữa chạy đến cuối tháng 12 mới tạm ổn. Đến tháng 1 đi kiểm tra lại lại phát hiện còn tế bào ung thư, bác sĩ bắt phẫu thuật lần 2. Vừa phẫu thuật lần 2 xong, vẫn còn đang nằm viện, thì lại nhiễm luôn corona từ trong viện. Biến chứng nặng, phải giành giật sự sống qua máy thở. Số vẫn còn may là qua mấy lần tưởng chết, thì hôm kia đã được xuất viện về nhà. Chồng nó là chủ một doanh nghiệp khá có tiếng trong ngành. Bình thường toàn ở nhà đẹp, đi xe sang, sở hữu cả một tòa lâu đài nhỏ ở vùng Bắc Ý. Nhưng từ tháng 8 năm ngoái tới giờ chữa chạy ung thư ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới, bỏ bê công ty, giờ lại thêm dịch bệnh giáng xuống còn kinh doanh gì được, thì khả năng kiệt quệ về tài chính hơi cao.
Mình hỏi chị bạn có công ty du lịch, dịch bệnh thế này chị có cầm cự được không? Chị ý bảo tới 6 tháng thì cầm cự được nhưng dài hơn thì sẽ khó khăn. Cầm cự được tới 6 tháng là giỏi, chứ nhiều công ty liểng xiểng, phải sa thải hoặc cho nhân viên nghỉ không lương ngay lập tức.
Nhà mình chỉ hạng tép riu thôi mà thiệt hại cũng không phải là nhỏ.
Bắt đầu từ vé máy bay. Đi nghỉ Giáng sinh về đã phòng xa đặt ngay vé máy bay cho kỳ nghỉ Phục sinh. Lo trước thành lo xa quá. Chẳng bao lâu sau hãng bay tuyên bố phá sản. Không nản chí, đặt tiếp vé với hãng bay khác. Ai dè chẳng bao lâu sau, tình hình dịch bệnh khiến hãng bay khác này cũng hủy luôn chuyến. Hủy chuyến hứa hoàn tiền nhưng quá hạn từ lâu rồi vẫn chưa thấy hoàn. Cả hãng phá sản kia hứa hoàn tiền vé trong vòng 10 ngày mà hơn 2 tháng rồi cũng không thấy tăm hơi. Khả năng 10 vé máy bay khứ hồi quốc tế đi tong. Chưa kể khứ hồi nội địa 5 người là thành 20 chuyến cũng chửa thấy hoàn xu nào.
Bắc thang lên hỏi ông giời
Hỏi tiền mua vé có đòi được không???
Ngay từ khi dịch bệnh bùng ra ở Ý, người thuê nhà ở Rome đã không trả tiền thuê nhà hàng tháng nữa với lý do đang gặp khó khăn. Cậu này là chủ một nhà máy sản xuất chocolate ở Ý, có cả một quán cà phê rất đông khách ở London. Dân có tiền thế mà dịch vừa nổ ra đã khó khăn ngay thì không hiểu những người kém tài chính hơn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Cái nhà nghỉ ở Salento, năm ngoái giờ này khách đã đặt kín cả mùa hè. Năm nay chắc quên luôn doanh thu đi cho thanh thản. Doanh thu chả có nhưng chi phí duy tu bảo trì và lãi ngân hàng vẫn giữ nguyên chứ có giảm được tí nào.
Với tình hình này dự là khoảng đầu tháng 5 Ý sẽ hết dịch. Nhưng cũng không trông mong vào việc mở cửa biên giới. Các nước vì có thời điểm bùng phát dịch khác nhau, cách chống dịch khác nhau, người hết sớm người hết muộn, nên khả năng đóng biên giữa các nước còn dài dài.

P.S: Con bạn mình, tiếp xúc với 1 người, nó biết người đó vừa đi châu Âu về nên cũng đề phòng đứng cách xa, không bắt tay ôm hôn gì cả. Mấy hôm sau biết tin người đó nhiễm corona nó lại càng chú ý xem bản thân có triệu chứng gì không. Chả có triệu chứng gì. Nó sau đó đi một vệt từ Accra qua London. Ở London cũng đi tứ tung, nhà hàng, khách sạn, nhất là lại vào bệnh viện thăm con. Rồi một hôm đang ở khách sạn thì đọc được khuyến cáo là có nhiều người mang virus mà không hề có triệu chứng gì đặc trưng như ho, sốt, mà chỉ tự nhiên bị mất khứu giác và vị giác. Thế là nó mới tá hỏa lên vì cũng tự dưng không ngửi được mùi gì và ăn cũng không cảm thấy có vị gì mà đang chưa hiểu tại sao. Chị gái sau đó mới chịu đeo khẩu trang vào và lại đi máy bay từ Anh sang Thụy Sĩ. Chẳng biết trong cả cuộc di chuyển vòng vèo của nó nó đã kịp lây cho bao nhiêu người.
Vợ chồng đồng nghiệp chồng mình ở Paris cũng bị nhiễm, giờ khá hơn rồi nhưng hơn tuần trước còn tưởng không qua khỏi. Virus có những biến thể rất nhẹ và những biến thể rất độc, không biết đằng nào mà lần. Có lẽ tin đồn virus được tạo ra từ phòng thí nghiệm cũng không phải là không có cơ sở.
Chúng ta có bao giờ biết được sự thật không nhỉ?