Friday, June 30, 2017

For your eyes only



Con bé trông trẻ của mình mắc bệnh hay ngủ. Đời mình chưa gặp người nào ngủ nhiều như nó. Tối 9h nó đã ngủ. Sáng 6h nó dậy, lên nhà trên giúp mình chuẩn bị cho trẻ con đi học. Trẻ con hơn 7h ra khỏi nhà một cái là nó lại quay về phòng nó ngủ tiếp một mạch đến gần giờ phải đi đón trẻ con mới dậy. Tối đã ngủ 9 tiếng, sáng ngủ thêm 5 tiếng, ấy vậy mà, thật là kỳ diệu, đón trẻ con về xong, trong lúc bọn trẻ con đang làm bài tập hoặc đọc sách với mình, thì nó lại vào phòng trẻ con lăn ra ngủ tiếp! Nó ngủ trong mọi tư thế. Nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp, nửa nằm nửa ngồi, thậm chí đang ngồi 100% cũng có thể ngoẹo cổ ngủ luôn. Mình thường bắt gặp nó nằm chúi đầu vào gầm giường ngủ ngáy o o, mông chắc to quá nên kẹt ở ngoài, nếu không chắc nó chui hẳn vào gầm giường ngủ luôn cho đã.
Bọn trẻ con đã quen với việc chúng nó chơi cứ chơi nanny ngủ cứ ngủ đến mức mình vào phòng hỏi cô M đâu thì chúng nó cười hí hí chỉ tay vào nanny đang ngủ một đống trên sàn nhà. Mình trông con mình thừa sức, nhưng buộc phải có nanny vì sợ buổi tối đi events, trẻ con ngủ ở nhà có chuyện gì như hỏa hoạn chẳng hạn, thì còn có người cứu. Nhưng với tình hình này, rủi có hỏa hoạn thật thì có khi con mình phải cứu nó chứ chả hy vọng nó cứu được con mình.
Hôm qua mình bảo nó chị đã ngủ suốt đêm và suốt cả buổi sáng rồi, chiều lên nhà làm việc tôi không muốn nhìn thấy chị ngủ nữa. Nó vâng dạ nhưng chẳng biết chống được cơn nghiện ngủ trong bao lâu.

Mấy năm trước có chị người quen mình kể chị ý có đứa bạn ngủ cực nhiều, mỗi ngày phải ngủ 12 tiếng. Có lần kỷ lục nó ngủ từ tối thứ sáu đến quá giờ ăn trưa ngày chủ nhật, tức là ngủ một mạch hơn 40 tiếng đồng hồ bỏ cả ăn. Ngủ nhiều quá đến nỗi ế chồng, vì tối 7h đã lên giường đi ngủ thì còn hẹn hò với ai được. Mình gặp chị gái đấy một lần. Người không săn chắc cân đối nhưng mặt thì như baby, căng mọng không một nếp nhăn nào dù tuổi ngoài 40, chắc nhờ ngủ nhiều. Không biết chị này và nanny của mình ngủ thi thì ai thắng nhẻ?

Hôm qua mình đã sa thải đầu bếp sau rất nhiều cân nhắc. Đây là nhân sự chủ chốt của mình, có thâm niên cao nhất trong hội người làm và có thể dễ dàng nấu cho events hàng trăm người. Chắc nàng cũng biết thế nên nổi tiếng bướng bỉnh, không nghe ai, thích gì làm nấy. Đại sứ trước cũng bực  lắm vì hàng ngày nàng ngồi chơi mà cho người ta ăn toàn một món. Nói mãi chả được cuối cùng đại sứ đành tự vào bếp nấu, phụ thuộc events không dám đuổi nên nàng càng làm tới. Chắc nàng nghĩ mình trẻ, nhẹ nhàng, con đông, lại càng không dám đuổi nàng. Nàng có lẽ quên rằng đây là quan hệ công việc chứ mình chả nợ nàng cái gì cả. Nhiều người đi làm việc để kiếm sống, lương thiếu tháng nào là đói tháng ấy, mà làm việc như kiểu ban ơn cho chủ, 100% là thể loại không có đầu óc.

Buổi sáng, ông con trai thách đấu bóng bàn với hội người làm. Cả đám túm tụm ngoài hiên, chia phe hò la cổ vũ. La Na nghịch trong bể bơi. Ngài đi làm. Mình rảnh tay tranh thủ chạy lên đóng đồ chuẩn bị tối lên máy bay.
Nhìn đống đồ đạc ngổn ngang mà oải chè đậu. Nếu đóng mỗi đồ đi nghỉ hè thì đơn giản thôi, quần đùi, áo may ô, dép lê, mũ, quần áo lót, quyển sách, bị cói, chun buộc tóc, hết vị. Nhưng đời có đơn giản thế đâu. Xuống máy bay, ngay buổi tối đầu tiên đã phải tham gia vào một buổi ăn tối rất nhiều người và phải ngồi vào bàn của giới chức sắc trong thành phố. Thế thì phải mặc quần áo tử tế. Khốn nỗi quần áo tử tế thì phải đi với giày tử tế, túi tử tế, đồ trang sức tử tế. Mấy vụ ăn tối và gặp gỡ phải tử tế như thế, đời đã hết đơn giản mợ nó rồi.

Mình vẫn bảo lưu ý kiến rằng đời người chả dài mà phải phức tạp hóa vấn đề. Chỉ muốn một ngôi nhà nhỏ nằm giữa vườn cây xanh, chỉ có vợ chồng và những đứa con ngoan, con học xong làm việc nhà giúp mẹ, chồng đi làm về thì loanh quanh giúp vợ. Ngôi nhà nhỏ thật nhỏ. Phòng ngủ nhỏ thật nhỏ. Nhưng những khung cửa sổ lại rất rộng. Phòng khách thật nhỏ có cái lò sưởi để mùa đông lấy củi từ ngoài vườn vào đốt lên sưởi ấm tiết kiệm năng lượng, mùa hè mở rộng cửa ngồi chơi cả ngày dưới mái hiên có những hàng cột kèo bằng gỗ mộc, hoặc ra vườn mắc võng. Đồ ăn mua vừa đủ để khỏi lo cân nặng, rác vứt tối thiểu để khỏi bẩn môi trường.

Ảnh 1: 3 em bé đi nghỉ hè
Ảnh 2: from me to you, for your eyes only hehe. 




Monday, June 26, 2017

Linh tinh



Con Na một hôm đi học về mắt tóe lửa. Hóa ra ở trường, nó đang chạy thì một ông bạn lại tinh nghịch giơ tay ra chặn, thế nào tay gạt bốp luôn vào cái mồm móm răng cộ đang lung lay của nó. Thế là nó phải vào phòng y tế. Trong phòng y tế người ta bắt nó ngậm cái thuốc gì có vị chuối. Nó kinh quá nhưng không dám chống lệnh nên đành ngồi há mồm, không được nói, mồm há lâu quá mỏi đơ, nước dãi chảy tè le khiến mồm nó có cảm giác “như cái bể bơi”. Mình phải cố nín cười ngồi nghe nó lu loa trần tình sự việc và nghe xong phải giả bộ bất bình “Bao nhiêu thuốc ngon không cho lại cho con người ta thuốc có vị chuối là sao”, thì mắt nó mới dịu xuống. Món thuốc có vị chuối đó có vẻ thực sự làm nó tởn. Vì từ đó không thấy nó xơi chuối, vốn là loại quả nó thích có thể chén tì tì một lúc mấy quả. Thậm chí một hôm cậu phục vụ mang ra món kem chuối, nó nếm có một miếng mà ọe ầm ĩ rồi tru tréo kem này giống cái thuốc có vị chuối cô y tá ở trường bắt Na ngậm! Điểm sáng trong vụ trauma vị chuối là từ đó nó không dám mò vào phòng y tế ăn vạ nữa chứ trước đó thì nó kiếm cớ mò vào hàng ngày. Mò một mình chưa đủ, có lần mình còn nghe lỏm nó phổ biến kinh nghiệm cho con chị khờ khạo của nó là nếu không muốn học thì cứ bảo ốm rồi vào phòng y tế mà ngủ. Mình thú thật ngày xưa đi học cũng đôi lần mò vào phòng y tế ngủ, nhưng lúc đấy mình đã 15, 16 tuổi, đây con ranh này mới có hơn 6 tuổi hức hức.

Trong một diễn biến khác, thằng anh vớ được bài thơ con cóc con em vừa hí hoáy làm, đọc xong cười haha bảo mẹ rằng Lê không có ý định xúc phạm nhưng bài thơ này not good, đoạn lên giọng đọc trầm bổng hai câu cuối:
Violet is a wonderful thing
Oh how I love spring!
rồi quay sang con em dè bỉu một câu gọn thon lỏn “fake”. Thế là con em tiểu thư lăn đùng ra khóc. Công nhận thơ mới chả thẩn nghe rất chi là khiên cưỡng. Lại làm mình nhớ tới con bạn mình hồi cấp 3, viết văn bí quá không biết kết thế nào bèn kết luôn một câu “Nguyễn Trãi thật là tài giỏi!”, xong than “Văn tao thối quá G ạ” :-)))))))
Lại nói chuyện làm thơ, năm ngoái, hồi vẫn còn ở Dubai, một hôm phụ huynh được gọi đến trường xem bài vở của bọn trẻ con. Mình lấy hết can đảm căng mắt đọc một bài thơ dài ngoẵng ngoằng viết chữ gà bới trong vở ông con. Đọc xong tức điên, hết thơ hay rồi hay sao mà thầy cô lại mang một bài thơ dở ẹt tối như hũ nút triết lý nửa mùa thế này ra dạy trẻ con. Nhưng định thần lại, đọc kỹ, mới vỡ lẽ bài thơ do chính ông con mình viết chứ đâu. Khiếp quá, thơ mới chả thẩn. Bố nó thì không có gene làm thơ, vậy gene làm thơ đích thị là của mình. Thế hóa ra ngày xưa thơ mình viết chắc cũng dở ẹt như này mà mình chả biết, viết thơ thành cả tập dày. May quá lớn lên đỡ hẳn.

Trong một diễn biến khác nữa, các bạn ạ, chắc giờ thì ai cũng biết blog cún béo luôn bị một vài kẻ cay cú ghen tỵ bám theo trên từng cây số. Có đứa chưa bao giờ gặp mình ngoài đời. Chỉ là lên mạng thấy mình thì ngứa mắt. Nhưng ngứa mắt kệ mịe chúng mài, bà cứ phải sống đời bà. Không lẽ bà lại phải giả xấu giả khổ giả buồn giả bần tiện để an ủi chúng mài. Nói thế để các bạn biết, cún béo chả quan tâm đến việc ai ghen tỵ hay ngứa mắt với mình. Ai chả có vài kẻ ghen tỵ, chỉ có là số 0 mới không ai thèm ghen tỵ với mình.
Nhưng mà, cún vừa tình cờ tra được tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh, bạn bè, họ hàng, của một nhân vật hay quấy rối blog cún béo, các bạng ạ. Giời ơi, ngoài nhân cách méo mó ra thì nó còn có một nhan sắc BỨC HẠI NGƯỜI NHÌN. Đúng chuẩn đã xấu lại còn xa.
Này em, nhìn em nói thật chả bõ đụng tay. Còn chưa xóa các trang cá nhân, email và các album ảnh Thị Nở tái thế trên mạng đi, kẻo thiên hạ họ lần ra được, mạng cùi lại cùi thêm nấc nữa thì khổ.   

PS: Nhân hôm trước có bạn hỏi mình vụ Cao Toàn Mỹ, mấy hôm nay cứ mở fb lên là thấy anh Mỹ bị chửi vì tống người từng đầu gối tay ấp vào tù, chia tay đòi quà. Thương vay khóc mướn lạ quá. Quà chắc là vài chuyến du lịch bao ăn ở mua sắm, vài cái túi vài đôi giày hiệu cho các cô se sua với bạn bè, chứ cứ gộp chung 16 tỷ là quà thì khổ cho đại gia quá. Đại mỹ nhân showbiz Việt cũng chả có cái giá đấy đâu, huống hồ là cô Nga thân hình ốm o. Chưa kể giờ đi mua dâm, sau đó cũng phải trân trọng nâng như nâng egg, hứng như hứng flower đối tượng bán dâm vì từng đầu gối tay ấp, thì bỏ mịe khách mua dâm à? Nếu đã trân trọng sao còn bỏ tiền để mua tình? Nếu muốn được trân trọng sao còn nhận tiền, thậm chí vòi tiền, để đổi tình? Đấy là tôi giả sử trường hợp mua dâm thật. Còn nếu không phải mua dâm, thì rõ ràng cô Nga bịa chuyện mua nhà để lừa đảo người ta. Giờ luật sư của cô bày cho cô kế im lặng chẳng qua là để chầy bửa gây khó khăn cho quá trình xét xử, chứ chả giúp cô nuốt trộng tiền của người ta được. Tôi nghĩ thế có đúng không, bạn nào có kiến thức pháp lý làm ơn khai sáng cho tôi?

Thursday, June 22, 2017

Rồi cỏ sẽ lên xanh



Mấy tuần chạy đứt dép sút chun quần. Được cái càng gần đến ngày nghỉ hè, đống giấy tờ sổ sách và các thể loại ghi chú ghi chép trên bàn mình càng vơi dần. Cái thì đã xong xuôi có thể hê vào thùng rác, cái thì cho vào hồ sơ lưu, cái thì giao cho kế toán quyết toán. Con đã thi cuối năm xong. Bài vở và các thể loại yêu cầu từ trường cũng đã vãn. Cảm giác nhẹ nhõm vui vẻ thặc khó tả.
Thực ra thì việc không lúc nào hết, nhưng ít nhất đầu óc không bị chia 5 sẻ 7, nào events, nào trường lớp bài vở bác sĩ của con, nào nhân viên và các vấn đề của họ, nào nhà cửa vườn tược nay hỏng chỗ này mai bảo dưỡng chỗ khác, rồi việc nhà cửa ở Ý, nào là những người mình gặp ở events liên lạc xin hẹn gặp, tất cả cứ réo inh ỏi, gọi ơi ới, gõ cửa cộc cộc, email tải xuống vun vút, hóa đơn gửi tới như bươm bướm, tin nhắn chiu chíu. Nói thật nhiều lúc mình gần như bị loạn óc. Ít nhất bây giờ vãn việc, đầu óc có thể tập trung vào một vài thứ thôi.
Cuối cùng thì cũng bắt đầu đào bể bơi ở ngôi nhà ở Salento. Xong bể bơi thì sẽ trồng cỏ. Trồng từng cây cỏ một vì trải cả thảm thì không đủ tiền, mà gieo hạt cỏ thì sợ chim lại kéo tới liên hoan thì bỏ mịa. Rồi còn phải làm cái lò sưởi. Ngài không thích lò sưởi nên cứ lờ lớ lơ. Đến lúc bị vợ bắt làm thì ra yêu sách tréo ngoe đòi làm cái lò sưởi cao ngang ngực. Thế thì lò sưởi nhìn khác gì lò vi sóng hả hả hả. Định bắt đây ngồi trên ghế nghển cổ ngắm lò sưởi hả hả hả. Định phá đám kế hoạch mùa đông, những ngày trời vần vũ, cả nhà ngồi đọc sách bên lò sưởi lách tách, củi thông thơm thơm lấy từ những cây thông trong vườn, của đây hả hả hả.

Nhớ lần đầu đứng trong ngôi nhà tối thui không điện nước, tường mốc, sàn vỡ, nhìn thấy trước một lượng công việc khổng lồ, cảm giác như đứng trước một núi chỉ rối phải gỡ. Trong lòng quả cũng hốt hoảng. 

Bèn ngồi xuống gỡ ngay, nhẫn nại, với niềm tin tưởng rằng chỉ cần mình cố gắng hết sức thì ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, tuần sau sẽ tốt hơn tuần trước, mùa hè này sẽ tốt hơn mùa hè đã qua, và nhất định một lúc nào đó sẽ nhìn thấy thành quả. 4 năm sau, núi chỉ rối đã vợi. Cuối đường hầm đã thấy le lói sáng.
Không có các con ngoan tuyệt vời thì làm sao bố mẹ có thể gỡ núi chỉ rối đó được. Nhưng kiểu gì bụng cũng cứ phải no, chứ bụng mà ngót thì vặc nhau loạn xạ chứ còn lâu mới ngoan được. Ngồi trong xe đi đường dài, cứ khi nào mình bắt đầu nghe thấy tiếng vặc nhau mách mỏ ầm ĩ là mình với tay ra sau chìa đồ ăn ra lập tức, thậm chí chả buồn quay lại. Đồ ăn chìa ra đến đâu chúng nó chộp đến đấy giời ạ. Chộp khỏi tay mình theo đúng nghĩa đen, cứ như sợ mình đổi ý rụt tay lại thì lại hỏng ăn hay sao đó. Ăn xong lại hát hò trêu chọc nhau cười đùa khúc khích.

PS: Mấy hôm trước, chẳng là dùng miếng bọt biển tự nhiên thấy mềm quá không thích, mà dùng bông tắm bán ở siêu thị cũng không thích vì toàn bằng nhựa, mình bèn đi mua xơ mướp về tắm cho thân thiện với môi trường. Nhưng có lẽ mình đánh giá quá cao khả năng sống đơn sơ gần gũi thiên nhiên của mình các bạn ạ. Vì xơ mướp cứng quèo thô ráp làm làn da châu Á mỏng manh của mình cân không nổi. Đã thế mình còn lười, tiện thể đang tắm quơ xơ mướp lau nhoắng nhoằng lên mặt. Lúc đó đã thấy rát nhưng đang vội đi họp cho con nên mặc kệ. Lúc đi về, mặt trời châu Phi đã làm quả má vốn đã xước vì xơ mướp của mình đỏ lừ lên một vệt tròn xoe như đồng xu. Tai hại là buổi tối mình lại có buổi ăn tối cân não ở nhà riêng tổng thống. Tai hại hơn nữa là ông ấy ngồi đầu bàn, đặt mình ngồi bên trái, mà cái đồng xu đỏ lừ to tướng bôi kem nền cũng không che được của mình lại nằm bên má phải. Thế là cả buổi ăn tối 3 tiếng ông ấy cứ phải nhìn quả má búp bê hỏng của mình. Hy vọng ông ấy cũng hiểu vấn đề má búp bê hỏng chỉ mang tính tạm thời!

Ảnh: căn phòng này ban đầu tối thui, giờ đã có một khung cửa sổ rộng tênh. 9h sáng là mặt trời đi qua, nắng vào đến tận nửa. Đợi con mèo tam thể nhà bác nông dân hàng xóm sang chơi. À, nhân nói chuyện mèo, mình suýt té ghế khi đọc thấy bài viết văn của con Na “Môi trường sống của mèo là trong thùng rác và ở ngoài đường”. Khổ thân nó, nó xin nuôi mèo mà mẹ nó nhất định từ chối nên nó hoàn toàn không có kinh nghiệm thực tiễn gì với mèo. Nó chỉ biết hồi ở Dubai mẹ nó hay để đồ ăn ngoài cổng cho lũ mèo hoang ăn. Thế nên nó tưởng mèo nảo mèo nào cũng chỉ sống trong thùng rác hoặc đi phất phơ ngoài đường như lũ mèo hoang kia thôi.

Friday, June 16, 2017

Trên bãi biển Alberese



có cậu da đen bán khăn, mùa hè 3 năm trước.
Mình ngồi trên bãi biển từ sáng. Chú ý đến cậu ý vì trong khi những người da đen khác chỉ mang vòng ốc, quần tắm áo bơi, kính râm, đến lẳng lặng hoặc lí nhí chìa vào mặt mời mua, thì cậu này rao hàng rất rổn rảng tươi vui, tràn trề năng lượng. Khăn cậu ấy bán nhìn màu sắc cũng đẹp, dày dặn, 20e một chiếc. Mình thì khăn ở nhà có cả đống, nên chỉ khen khăn của cậu ấy đẹp chứ không mua.
 Phải nói thêm là dân tắm biển ở Ý rất khó chịu với những người như cậu ý. Ra biển để thư giãn ngắm biển, đọc sách, nằm ngủ, phơi nắng, tán gẫu với bạn, mà cứ vài phút lại có người đến đứng sừng sững dí quần áo kính râm kẹo cao su đồ chơi túi xách vòng nhẫn, thậm chí là cả dừa miếng, vào mặt mời mua. Muốn không bị họ quấy rầy thì chỉ có cách nằm úp mặt xuống giả vờ ngủ. Úp mặt mãi thiếu không khí vừa xoay mặt sang bên thở một cái thì lại bị họ mang đủ thứ đến dí vào mặt mời mua tiếp!
 Lại quay trở lại cậu bán khăn, suốt cả ngày mình ngồi ở đấy, cậu ấy đi qua đi lại mấy lần, cứ đi hết một chiều dài bãi biển lại quay lại làm vòng nữa, cứ thế đến hết ngày người tắm biển về hết thì thôi. Thì cũng không có gì đáng chú ý, nếu như không vì mỗi lần đi ngang qua chỗ mình ngồi, nụ cười của cậu ấy lần sau lại kém tươi hơn lần trước, và giọng rao lại bớt rổn rảng đi một chút.
 Có vài người đứng lại xem khăn của cậu ấy. Có người trả nửa giá, cậu ấy lắc đầu. Khăn của cậu ấy dày đẹp, trả có 10e thì rẻ mạt quá chắc chưa đủ vốn. Có mợ còn bắt cậu ấy dỡ hết cả đống khăn ra, trải từng cái một trên cát, lật lên lật xuống xem từng cái một chán chê rồi cắp đít đi thẳng không mua, mà cũng không buồn trả giá câu nào.
Cứ thế, đến 5h chiều, bãi biển đã vãn người, mình lại thấy cậu ấy quay lại. Nhưng lần này cậu ấy không rao nữa. Cậu ấy đi thất thểu, lặng lẽ, đống khăn ôm trước ngực, vẻ mặt chỉ có một từ để tả: thê thảm. Chắc cả ngày không bán được cái nào. Trông cậu ý tội nghiệp đến mức mình đã rút ví, định gọi con La đang đứng gần đấy chạy theo gọi cậu ấy lại mua cho cậu ấy một cái khăn, nhưng con bạn mình đang kể năm ngoái em trai nó mất vì ung thư và bố nó vì đau buồn quá cũng qua đời mấy tháng sau đó, nên mình không dám chen ngang. Tóm lại, trong lúc mình còn đang lưỡng lự thì cậu ấy đã đi hút mất.
Nhiều khi, mình rất muốn nói với những người như cậu ấy, rằng các anh đến đây làm gì, dân Âu việc chẳng có, kinh tế trì trệ, giờ cũng hai xu một hào chứ làm gì có tiền đâu. Nhất là các anh chỉ được cái trông lực lưỡng khỏe mạnh chứ cũng không thông minh, không học vấn và cũng không hoạt bát chăm chỉ, cuối cùng cũng chỉ đi bán rong vài món đồ tàu hoặc đứng xin tiền ở siêu thị. Mà trông khỏe mạnh lực lưỡng thế lại đi xin tiền thì ai cho. Cuối cùng thì khổ vẫn hoàn khổ, đói vẫn hoàn đói. Bảo là vì chính thể tan vỡ, chiến tranh, mà phải chạy loạn đã đành. Đây các anh đến vì lý do kinh tế thì chắc phải tiếp nhận cả lục địa châu Phi may ra mới đủ.
Làn sóng người tị nạn từ châu Phi vẫn hàng ngày đổ qua bờ bên kia của Địa Trung Hải. Chính phủ Ý cũng chẳng có tiền mua vé máy bay bắt họ hồi hương, nhất là hồi hương xong họ lại lên thuyền sang tiếp. Chưa kể các tổ chức nhân đạo vốn rất giỏi môn thể thao chọc ngoáy, cứ thấy người bị hồi hương là đi biểu tình lên án chính phủ vi phạm nhân quyền nhân đạo nọ kia. Chối tỉ lắm nhưng vì thể chế dân chủ nên ai muốn nói cũng phải để cho họ nói.
Từ sau vụ tị nạn Syria cãi nhau như mổ bò, EU mới cà cuống họp lại bàn cách giải quyết vấn đề nhập cư trái phép. Các lãnh đạo tán thành giải pháp là phải tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi là kinh tế cho các nước châu Phi, làm việc với các chính phủ châu Phi, dạy nghề rồi tạo công ăn việc làm cho dân, để họ khỏi đói khổ quá mà phải lên thuyền vượt biển. Vấn đề hợp tác với châu Phi lại được đẩy lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự. Các lãnh đạo EU lại đi châu Phi như đi chợ. Các thỏa thuận hỗ trợ trị giá hàng trăm triệu euro lại được ký kết. Hôm qua mình dự reception của đại sứ một nước EU ở đây, nói chuyện về các giải pháp và cơ hội cho châu Phi, lại nhớ đến cậu da đen trên bãi biển Alberese. 3 năm rồi mà mình vẫn nhớ như in vẻ mặt tuyệt vọng thê thảm cuối ngày của cậu ta.
Vấn đề là người ngoài đã sẵn sàng giúp, nhưng các ông đã sẵn sàng thay đổi chưa? Hay tiền của các chương trình hỗ trợ lại bị xà xẻo tới lui, người giàu lại càng giàu, và người nghèo vẫn cứ nghèo cùng quẫn lại lên thuyền vượt biển như đúng rồi?

Sunday, June 11, 2017

Đàn ông kiệm lời


Trong lớp của con La có một con bé người Ấn. Nó thuộc dạng học giỏi đầu lớp. Trường của Lê La Na vận hành theo kiểu cũ, hàng tháng vẫn kỳ cạch trao giấy khen từng môn cho học sinh. Có lần mình đến trường, nó ra bảo mình “Lila giỏi quá. Cháu chưa bao giờ được 3 giấy khen cùng lúc như Lila cả. Cháu tối đa chỉ được 2 giấy khen thôi cô ạ”. Mình cười bảo nó “Không quan trọng 2 hay 3 giấy khen cháu ạ. Cô biết cháu rất thông minh và học rất giỏi. Lila bảo cô thế”.

Chuyện cũng chả có gì đáng nói nếu không vì bố mẹ con bé bắt con bé học rất ác. Đi học ở trường về là phải học tiếp ở nhà, học cả thứ 7 chủ nhật, tất cả các playdate của đám bạn gái nó đều không được đến vì phải học. Con bé này quả cũng là trường hợp hơi cực đoan nhưng con mình học kinh qua một cơ số trường lớp có dân Ấn thì mình thấy họ ít nhiều đều thế. Dân Âu thì hay tụ tập chơi nhởi, cứ bạn chơi hợp là tụ được, miễn đừng bully còn lại chả quan trọng giàu nghèo dốt giỏi. Nhưng dân Ấn thì khác. Họ mắc bệnh cạnh tranh và rất chọn người để tụ tập. Địa vị của nả phải hơn họ hoặc ít nhất ngang ngửa họ họ mới có nhu cầu kết thân. Kém hơn họ thì họ nhìn không bằng nửa con mắt. Họ đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích con họ chơi với những đứa trẻ học giỏi chứ học kém hơn con họ là họ cũng không có nhu cầu nốt. Ở trường cũ ở Dubai, thậm chí một số phụ huynh còn suốt ngày đến hỏi han mình làm sao mà con Lila học giỏi thế, mình dạy con bằng phương pháp gì, tài liệu gì cho họ một bản copy, mình nhất định phải thu xếp cho bọn trẻ gặp nhau chơi với nhau nhé rồi xin số điện thoại để nhắn tin hẹn playdate vv và vv.

Có lần mình ngồi nói chuyện về giáo dục với hội dân ngoại giao ở đây. Anh người Na Uy, anh người Đan Mạch, anh người Canada, thì nói về việc họ quan tâm phát triển cộng đồng, muốn đạt thành quả chung cho cộng đồng, làm việc tập thể thì quan tâm đến thành quả chung của cả tập thể. Chị người Ấn độ thì nói toẹt “Dân các anh ít nên các anh mới thế. Chứ chúng tôi quá đông, áp lực cạnh tranh quá lớn. Đứa nào không giỏi nổi bật thì sẽ không làm nên trò trống gì hết. Chúng tôi do đó phải cố hết sức để là người giỏi nhất, để đạt được thành tựu cá nhân xuất sắc nhất. Khái niệm tập thể quá xa vời đối với chúng tôi”.

Mình nghe thế mới hỏi “Nhưng chị có nhận thấy là người Á, như người Ấn, người Trung Quốc, cả người VN như tôi, học rất kinh nhưng học vì tấm bằng chứ không vì kiến thức. Học được cái bằng rồi, kiếm được việc tốt rồi, là coi như mục đích đã đạt, nhiệm vụ học hành đã xong, nghĩ đến học là sợ. Trong khi họ thì khác. Con họ không bị ép học nên không sợ học, và họ học vì ham kiến thức. Và vì ham kiến thức nên đến già họ vẫn thích học điều mới. Họ không hành xác để học như mình, không bằng mọi giá phải đạt thành tựu học hành như mình. Nhưng ra đời mình vẫn không giỏi hơn họ, hay kiến thức rộng hơn họ…”.

Mình rất ấn tượng những người 60, 70 tuổi mà vẫn nhiệt tình học thêm những điều mới hàng ngày. Có lần, trên chuyến bay xuống miền Nam Ý, ngài ngồi cạnh một ông già người Đức. Ông ấy về hưu rồi và thích sống ở Puglia nên hay xuống đấy. Ông ấy đang học tiếng Ý, cứ gặp người Ý là say mê thực hành và quay về Đức còn viết bưu thiếp tiếng Ý gửi cho ngài, tức là thực hành tiếng mọi nơi mọi lúc có thể được. Ngoài ra bạn bè mình cũng có nhiều người tuổi toàn hưu rồi mà hàng ngày vẫn say mê học cái mới, học kiến thức ẩm thực nước ngoài, học làm vườn, học làm dầu olive, học ủ rượu, học ngoại ngữ. Nhiều cặp chồng vẫn còn rất đẹp trai phong độ, vợ thì già không nhăn nheo thì béo chảy sệ, không béo chảy sệ thì nhăn nheo như táo héo. Nhưng nhìn họ trìu mến đi bộ nắm tay nhau, cùng đồng hành du lịch chỗ nọ chỗ kia, nay học cái này, mai học cái khác, thì mình chỉ mong về già mình cũng được như thế.

Quay trở lại chuyện con bé người Ấn bị bố mẹ bắt học suốt ngày, từ hồi con La vào thì con bé kia mất vị trí đầu lớp không đối thủ. Nhưng hai đứa vẫn chơi thân thiết, thi đua thì có nhưng tuyệt nhiên không có dấu hiệu chèn ép ghen tỵ nói xấu nọ kia. Mình đánh giá cao những đứa trẻ như thế. Bố mẹ có ép cũng chỉ ép được đến một tuổi nhất định, còn tính tốt thì sẽ theo ta suốt đời.

Trong một diễn biến khác, trong lớp ông con trai có đứa là ngôi sao trong tất cả các môn, lại lai đen trắng nên chắc phải đẹp trai lắm. Mỗi tội chắc cái gì cũng nhất nên sinh tính kiêu ngạo tự mãn, bạn bè không ai thích. Từ hồi ông nhà mình vào, cũng thuộc diện ngôi sao trong hầu hết các môn (tất nhiên là trừ môn thổi sáo), tính lại hiền nên nhiều bạn quý, cả bọn con trai các lớp lớn hơn cũng rủ vào hội, thì ông bị thằng bé ngôi sao kia đì cho tơi tả. Đen cho ông cái thằng kia nó lại được làm Sao đỏ, nên ông bị đì khả năng ngóc đầu lên được là rất ít. Có lần ông hậu đậu thế nào dẫm cả vào chân nó, và bị nó cho một bài “Đôi giày tao đi đáng giá hơn cả cái nhà nhà mày”. Ông về kể cho mẹ, mẹ hỏi “Thế ông nói lại nó cái gì?”. Ông giọng đều đều “Lê bảo Sure” :-))))). Đàn ông kiệm lời mẹ thích mẹ thích mẹ tặng ông bông hoa.

Bố con ông giống nhau, đọc điếu văn hay diễn văn chiến thắng hay tỏ tình giọng cứ đều đều như nhau, rất tài.