Sunday, June 4, 2017

4/6/2017



Mình nhớ cách đây mấy năm, thấy con Lila loay hoay với bài tập chia số lớn, mình mới lấy giấy bút ra chỉ cho nó. Mình ngạc nhiên vì con bé bình thường rất thông minh, mẹ nói một lần là hiểu ngay, mà lần đó mình làm tận 3, 4 ví dụ rồi mà nó vẫn lóng ngóng. Cuối cùng mình hiểu ra, rằng thì là ở lớp phương pháp của cô giáo là viết số bị chia sang bên trái, và kết quả lên phía trên, trong khi mình lại viết số bị chia sang bên phải và kết quả xuống bên dưới, như mình được học hồi bé. Thế là con bé lẫn lộn. Từ lần đó, chúng nó mà hỏi mình cái gì mình cũng phải mở vở chúng nó ra xem hoặc hỏi dò chúng nó xem ở trường cô dạy ra sao để dạy chúng nó y như thế. Có những thứ mình phải đến trường chụp lại phương pháp của cô giáo để về dạy con ở nhà.
 
Hồi còn sinh viên, mình hay đi dậy gia sư kiếm tiền. Cứ người nọ giới thiệu cho người kia, đến tận khi mình quá tải dạy thêm học thêm nên không nhận thêm học sinh nữa mới thôi.
Thế là buổi sáng mình đi học ở trường đến 1h trưa mới về tới nhà, nấu vội cái gì cho mấy chị em ăn rồi đạp xe đi dạy thêm. Dạy thêm xong thì lại đạp xe đi học thêm. Có hôm mình còn dạy thêm được hẳn 2 buổi rồi mới đi học thêm. Tính cả tuần, ngoài giờ học chính khóa, mình học thêm dạy thêm tổng cộng tới mười mấy buổi một tuần.
Mình nhớ có lần dạy thêm xong, đói vì buổi dạy thêm đó hơi sớm nên đi học về chưa kịp ăn trưa, mình vét túi đi mua nửa cái bánh mỳ pate rồi ra vườn hoa Hàng Đậu ngồi ăn đợi đến giờ học thêm của bác Tuấn. Ăn xong rồi mà vẫn chưa tới giờ học, mình ngồi giơ chân giơ tay ngắm nghía bản thân. Hôm đó mình mặc một cái quần tím bầm tím dập mẹ may cho, áo trắng hoa nhí của bác mình hơn 50 tuổi thải ra, đi đôi dép lê trắng bằng nhựa dẻo của mẹ mình. Đôi dép nhựa dẻo quá nên đi cứ oặt à oặt ẹo, lại còn decal hoa hồng đỏ ở gót nhưng vì cũ quá nên decal bong ra quăn tít. Xe đạp thì lúc nào chả cũ không nói làm gì. Mình nhớ lần đó vì đó là lần rất hiếm hoi mình tự ti bi quan, thấy mình xấu xí cũ kỹ quê kiểng chịu không nổi. Ngoài ra thì mình chả quan tâm.

Những năm tháng đi gia sư đó cũng vất vả nhưng hóa ra lại rất có ích. Nó khiến mình rất thấm một điều, là trẻ con học kiểu gì cũng không được hổng kiến thức. Chương trình học được xây dựng một cách hệ thống, phải tiếp thu cái này rồi mới có đủ kiến thức để tiếp thu cái tiếp theo. Thiếu đi bất kỳ phần nào, mảng nào, khái niệm nào, cũng sẽ khiến việc tiếp thu kiến thức tiếp theo trở nên khó khăn. Kiến thức đã hổng rồi về sau nghe giảng ở lớp sẽ ù ù cạc cạc, kiến thức lại càng hổng hơn và cuối cùng sẽ sinh tâm lý thua kém tự ti chán học sợ học. Hồi đó mình có cậu học sinh, bố làm chủ thầu xây dựng, nhà giàu lắm. Hà nội năm 96 hầu như toàn nhà cũ, lụp xụp, nhà ống, thì nhà nó đã là một ngôi nhà mấy tầng mới toanh, to tướng, cổng sắt im ỉm. Mẹ nó bảo mình “Miễn là cháu làm cho em giỏi lên, bằng giá nào cô cũng chấp nhận”. Nhưng kiến thức thằng bé hổng quá, đụng đến cái gì cũng mù tịt. Thời gian mình kèm nó, phải trám lại những lỗ hổng, tốc độ rất chậm, không thể chạy đua với tốc độ thầy cô dạy cái mới ở trường. Tóm lại là nó có khá lên nhưng so với bạn bè vẫn tụt hậu. Bố mẹ để con dốt đặc cán mai dài cán thuổng rồi mới đổ tiền nhồi con học, thì gia sư có là thánh sống cũng chả vực đứa trẻ lên được.

Cũng nhờ những năm tháng gia sư đó mà mình hệ thống lại kiến thức của mình, cả toán lẫn ngữ pháp tiếng Anh. Giờ mình quên cũng nhiều rồi nhưng ở trình độ của Lê La thì vẫn đơn giản với mình. Ở nhà không biết sao chứ bọn tây không nhiều người có thể học cùng con. Trong cộng đồng người nước ngoài ở đây, phụ huynh thường thuê gia sư kèm con học bài. Nhưng nhiều gia sư toàn làm bài hộ trẻ con để vừa đỡ phải vất vả kèm cặp vừa giúp trẻ lấy điểm cao. Bố mẹ thấy con mang điểm cao về thì cứ mừng chứ đâu biết con mình dốt vẫn hoàn dốt. Con bạn mình nghe mình bảo mình học bài cùng con thì cứ trố mắt ra. Con nó học lớp 4 phải thuê gia sư làm bài tập cùng vì mẹ nhìn bài tập của con như nhìn cái đít nồi, kêu khó ầm ĩ.

Con mình mình không hề ép học nhiều, có bài tập thì phải làm, không có bài thì làm gì tùy ý (trừ Ipad và trò chơi điện tử). Trẻ con đọc sách, gấp giấy, cắt dán, xếp lego, chơi với hoa cỏ ngoài vườn, đá bóng, thậm chí ngồi ngắm kiến, đều là học chứ không phải ngồi làm toán tập viết mới là học. Nhưng mình luôn dặn đi dặn lại nếu ở lớp con có bất kỳ điều gì không hiểu mà không hỏi cô được thì phải mang về hỏi mẹ, không được lười, không được giấu dốt. Không phải cái gì mẹ cũng biết nhưng nếu mẹ không biết thì mẹ con mình sẽ cùng nhau lên mạng tra cứu. Mẹ muốn kiến thức của con phải rất vững. Kiến thức con vững rồi, về sau con học cái gì cũng dễ. Ngoài ra, nhất lớp nhì lớp giấy khen giải thưởng có thì tốt không có cũng không sao. Nhắc nhở thế là một chuyện, thỉnh thoảng mình lại kiểm tra đột xuất, cái gì chúng nó lơ mơ là mình dạy lại. Bọn Lê La đang thi, tuyệt nhiên chả thấy học gì. Mẹ hỏi nắm vững hết chưa thì bảo nắm vững hết rồi. Được,  mẹ để cho tự giác, nói thế nào thì mẹ tin thế. Kết quả thi mà không tốt thì lúc đó sẽ có cách khác. Mình nói chung là yên tâm về Lê La. Chỉ có con Na láu lỉnh ma giáo thì mình mới phải cảnh giác. Được cái nó cũng biết điều, và rất nể mẹ, nên mình nói nó vẫn nghe. Chả biết nó sẽ nghe được đến bao giờ nhưng đến đâu lo đến đấy, lo trước lại thành lo hão phí đi.
PS: Về chuyện xà phòng đen của các bạn, mấy hôm trước cậu Edem vừa nhắn tin khoe có khách hàng ở Việt Nam đặt số lượng lớn, và cậu ấy vừa tìm được cách ghép container để chuyển hàng đường biển. Cậu ấy không nói ai, ở Hà nội hay Sài gòn, và mình cũng không hỏi. Nhưng điều đó tức là sẽ sớm có xà phòng đen cho các bạn ở VN tha hồ mua. Các bạn kiên nhẫn tí nhé. Bạn nào nhập được xà phòng đen về thì ới lên đây cho mọi người biết cái nhé.

32 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tính chị thế chứ không phải chị cố gắng nỗ lực để thoát hoàn cảnh đâu em ạ. Bằng chứng là ngay cả khi chị không nghèo thì chị vẫn cứ y nguyên như thế.

      Delete
    2. Da chi. Em nghi hiem ai ma co duc tinh vay lam chi.

      Delete
  2. Chính ra cái cách viết số bị chia bên trái, kết quả viết phía trên hay ra phết chị ạ vì có thể nhân ngược lại luôn để kiểm tra. Kiểu nhà mình viết kết quả ở dưới, muốn nhân kiểm tra lại phải viết sang phép tính riêng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng là viết kiểu mình thì lúc kiểm tra lại bao giờ cũng phải viết sang phép tính riêng. Em nói chị mới nhận ra.

      Delete
  3. Thương một thuở vất vả, đến được một kết quả hạnh phúc đủ đầy như hôm nay thật đáng tự hào, phải k Giang?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình không tự hào gì hết bạn ơi. Thấy thế cũng bình thường. Như ngày xưa mọi người cứ bảo mình khổ nhưng mình thấy cũng bình thường. Mẹ mình thường than thở là "Cái con này cái gì nó cũng thấy bình thường" :-)))))

      Delete
    2. Haha đọc dòng này em nghĩ em cũng có chút xíu giống chị :) Đến nỗi có lần em gặp 1 vấn đề khá lớn, bạn bè gọi điện xác minh em cũng vẫn uh uh không nói gì thêm, mọi người còn hỏi "sao gặp chuyện đó mà mày có vẻ vui?" Em cũng không biết trả lời sao.
      Về sau em nghĩ có khi ngày nào mình cũng vật vã tiến lên thành thói quen, gặp chuyện gì cũng nghĩ rồi sẽ vượt qua, nên cũng thấy bình thường :D
      Em Hạnh.

      Delete
    3. Same here :), tớ cũng hay bị mẹ phàn nàn về cái tính vô tư xởi lởi của tớ, ex của tớ cũng từng nhăn nhó bảo rằng "sao em chẳng bao giờ biết lo gì cả!" :D. Thời này con người hiện đại cứ loay hoay tìm đủ cách để xả stress, người vô tư như mình chẳng phải đi trước thời đại hay sao :)))

      Vụ học của trẻ con bây giờ tớ thấy chúng nó học chương trình nhanh như vũ bão, lơ ngơ là mất căn bản như chơi, lên đến lớp lớn là đuối.

      Delete
    4. @ Hạnh: chị thì vấn đề vừa vừa thì chị còn kêu cho vui, chứ gặp vấn đề thực sự là chị im thít ngay. Vì lúc đó đánh giá tình hình, thấy cần phải tập trung hết sức để giải quyết, kêu ca chỉ làm năng suất của mình giảm đi.

      Delete
    5. @ Baglady: Tớ thì không xởi lởi nhưng chắc ngày xưa cũng hơi vô tư. Giờ có con rồi mới nhiều nỗi lo chứ nếu chỉ có một mình thì chắc tớ lại càng vô tư hơn, vì nhu cầu của tớ ít lắm.
      Nhà to thì tốt, nhưng nhà nhỏ cũng không sợ lắm, chỉ sợ nhà nhỏ mà còn hôi hám bừa bộn. Có quần áo đẹp thì tốt, nhưng ngay cả khi chỉ có quần áo xấu cũng không sợ lắm, chỉ sợ lười nhác chểnh mảng làm cơ thể rệu rã, trong ngoài xấu đều như nhau. Sợ hình thức xấu, nhưng sợ hơn cả là đã xấu lại còn dốt nát cẩu thả và vô duyên. Giờ có con rồi thì quả cũng có sợ nghèo, nhưng sợ nhất là đã nghèo lại còn hèn. Giàu thì tốt, nhưng giàu mà dốt nát hợm hĩnh thì cũng chả tốt. Đẹp thì quá tốt, nhưng đẹp mà dốt, mà rẻ tiền, thì cũng chả tốt nữa. Một người là tổng hòa của rất nhiều thứ, đem mỗi giàu nghèo hình thức xấu đẹp ra nói thì rất hay sai.

      Delete
    6. Thích comment này của chị lắm, nhất là cái vụ bây giờ có con rồi sợ nghèo, em còn sợ cả chết nữa :))
      Con lớn từng ngày, mỗi ngày thấy con làm được điều gì mới đều thấy vui, em nghĩ bố mẹ ko học cùng con thiệt cho bố mẹ là chính. Nhưng quả thật dạy trẻ con phải kiên nhẫn, có đứa hiểu nhanh, có đứa hiểu chậm, làm thế nào bắt được nhịp của từng đứa thật khó.

      Delete
    7. Tớ dùng từ không chính xác, tớ chỉ không lo lắng chứ chắc không xởi lởi, thậm chí hơi reserved (hồi đó tớ có đám bạn hay đùa với nhau 'vô tư đê, xởi lởi đê', có lẽ vì thế nên tớ quen gộp hai tính từ lại làm một :) ).

      Mình may mắn không có tính đua đòi bon chen, hồi đó quả thật cũng có lúc tự ti mặc cảm nhà nghèo, nhất là bạn mình rất nhiều đứa con nhà giàu. Bây giờ điểm lại một số sự kiện, vẫn mừng vì mình ko đua đòi, nếu không thì đã hư sớm.

      Delete
    8. @ Chi: đúng là trẻ con có đứa hiểu nhanh có đứa hiểu chậm. Nhưng ngoại trừ vấn đề gene thông minh di truyền ra, thì trẻ con sẽ hiểu nhanh hơn nếu bố mẹ nhất quán, không nay nói này mai nói khác, hoặc nói một đằng làm một nẻo, bắt con một đằng nhưng mình lại làm một nẻo.

      Delete
    9. @ Baglady: ngoài vụ một lần ngồi vườn hoa ngắm nhan sắc cũ kỹ xấu xí xoàng xĩnh của bản thân ra, thì tớ còn một vụ nữa. Đợt đó thi đại học xong rồi, trong lúc đợi nhập học thì tớ đi bán xổ số giúp mẹ tớ. Một hôm đang ngồi bán ngoài đường thì thấy bạn trai cùng lớp cấp 3 mình thích đi xe đạp ngang qua. Trong vài giây tớ sợ bị bạn ý nhìn thấy quá chừng. Hôm đó tớ cũng đi dép lê, mặc quần tím và một cái áo phông màu lòng tôm. Toàn những màu kinh dị mà mẹ tớ mua và tớ phải mặc vì không có đồ gì khác.
      Đợt đó đỗ đại học, hội bạn cùng lớp toàn nhà khá giả của tớ đứa nào cũng được bố mẹ thưởng, có đứa được đi du lịch xuyên Việt, mấy đứa được mua xe máy đập hộp. Bạn trai ở trên cũng được mua xe máy xịn. Riêng mình ngồi bán xổ số và vẫn đi xe đạp cũ. Thế mà mình cũng không buồn tủi ghen tuông gì cả. Đúng thật cám ơn trời không cho mình tính sân si ghen tị đua đòi bon chen, nếu không thì hẳn mình đã unhappy vô cùng chứ không thể lúc nào cũng lạc quan phơi phới như thế được. Đã nghèo lại còn buồn nữa thì đời còn gì không?
      Vụ vườn hoa và vụ bán xổ số gặp người quen đó rất có ích cho tớ, rèn tớ bản lĩnh để không pretend to be what I am not. Thế nên tớ mới hay nói cảm ơn đời đã cho mình những lúc khó khăn. Là cảm ơn thật lòng chứ không phải giờ xong rồi thì mới nói cứng.

      Delete
    10. Cậu làm tớ nhớ đến thời gian ấy, khi mới đỗ đại học. Thực ra tớ thương mẹ, biết bà buồn vì chẳng có gì để thưởng cho mình, mà bản thân mình thì chẳng có nhu cầu được tưởng thưởng gì cả, chỉ sung sướng vì sẽ được chơi thỏa thích vì vừa xong một đợt hành xác luyện thi vất vả mà thôi :-). Đời thật ngộ, nếu nhất cử nhất động của mình đều được thưởng thì nó sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu vì bản thân chứ chẳng có lợi gì cho sự phát triển cá nhân cả. Sống ở phương Tây riết rồi tớ lo cho con cái, về cái khoản khen ngợi tưởng thưởng quá thể đáng, làm cho bọn nhỏ ảo tưởng rằng chúng vĩ đại lắm. Thế nên mỗi khi con mang giấy khen gì về nhà thì tớ cũng cố gắng để ý không khen thưởng gì cho con mà chỉ nói với nó mình thật vui và tự hào về nó, vì nó đã cố gắng và chăm chỉ. Mình làm thế thì nó cảm thấy bản thân nó có giá trị, mình không muốn nó có động lực cố gắng vì một sự đổi chác nào đó.

      Delete
    11. @ Baglady: tớ mệt nhất vụ khen của trường tây. Thầy cô giáo toàn khen, chả dám chê vì sợ bố mẹ học sinh động lòng. Tớ thì khi đi họp phụ huynh chỉ muốn nghe chê. Miễn đừng chê kiểu trù dập là được. Chê thì còn biết hạn chế ở đâu để còn khắc phục, chứ cứ khen ào ào thì ai biết đâu mà lần. Ở trường cũ con tớ còn lúc nào cũng "Tất cả chúng ta đều đặc biệt theo cách riêng của mình". Thế thì còn đặc biệt quái gì nữa. Toàn dạy trẻ ảo tưởng thắng lợi tinh thần vớ vẩn.

      Delete
  4. Em cũng hay học lại cùng con những bài đồng dao xưa, để đọc cùng con vui lắm chị ah.
    Hóng vụ xà phòng đen quá chị ơi! Cam ơn chị nhiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tính chị làm sao, học cùng con chả thấy vui gì cả hehe. Nhưng chị muốn rèn cho chúng nó giai đoạn đầu, cho vào nề nếp quy củ, có nền tảng tốt. Có nền tảng tốt và kỷ luật tốt rồi thì từ đó cứ tự nhiên mà phát triển tiếp thôi, chị không cần can thiệp nữa.

      Delete
  5. Cuộc sống cứ an nhiên tự tại, làm tốt nhất những gì mình có thể trong từng hoàn cảnh. Cũng có tí phục bạn Giang.

    ReplyDelete
  6. Em cũng thích kèm con học , vừa vui vừa đc gần con hiểu con. Trước e toàn tự học, vì nhiều cái bm e ko biết. Mà e nghe mấy chị có con lớn hơn bảo ở đây tiểu học ko có bài tập, high school thì làm bài chừng max 20 mins / ngày nên đang sợ mình lo hão. Cái xứ học ít chơi nhiều, tuần lên lớp 2 tiếng/ ngày cái chính chúng nó đi tập thể thao aerobic hợc vẽ vời đây c ơi.

    Hồi 18t e cũng tính đi làm cô giáo nhưng chả đủ kiên nhẫn. Mới phải luyện tập sự kiên nhẫn từ lúc bắt đầu làm mẹ :-) với con với bản thân vì có quá nhiều dự định ấp ủ. Thấy chị ở nhà chăm con ko đi làm em thấy phục chị lắm lắm. Em mới ở nhà 8 tháng mà muốn điên (ko phải vì chăm con mà vì tâm lí muốn làm cái này cái kia)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị không thích làm cô giáo, vì tính chị không thích chạy theo người khác và nói đi nói lại mãi một vấn đề hết năm này qua năm khác hehe. Chị được tuyển làm giáo viên trường Ngoại Thương mà chị nghĩ đi nghĩ lại rồi bỏ, mặc dù lúc đó nhà chị phản đối rất ghê vì cái danh giảng viên trường NT bao người mơ không được.
      Chị học cùng con để xây cho chúng nó nền móng vững chắc ban đầu và nề nếp kỷ luật thôi, chứ ổn ổn rồi là phải tự chứ chị không học cùng mãi được. Chị còn bao việc muốn làm cho bản thân mà vì con nên cứ phải lần lữa.

      Delete
    2. Chị mà làm cô giáo FTU chắc có khi ko gặp Ngài bây giờ hehe.

      Mà em thấy chương trình học của VN nặng quá chị ơi. Ngoài mấy môn Toán Văn học thêm công Nghệ, Giáo dục công dân, Kiểu như đào tạo cta cầm kì thi hoạ :-))) vậy cũng khó mà trông đợi con người ta nắm vững kiến thức ko hổng lỗ nào.

      Delete
    3. Linh nói đúng quá. Mình học ở VN đủ thứ mà bây giờ chẳng nhớ gì. Giang học ngoại thương khoá mấy? Mình học K31 chắc lớn hơn Giang.

      Delete
    4. @ Linh: là chị đang nói các môn chính như toán, văn, ngữ pháp, khoa học. Chứ học từng ấy môn mà môn nào cũng vững vàng thì đứa trẻ nhất định phải có tố chất chứ trẻ bình thường chắc chắn là chật vật.
      Giáo dục ở VN thì chị thấy vì bệnh thành tích đâm ra thành ép uổng học sinh. Học sinh vì bị ép uổng nên sinh tính đối phó chứ không quan tâm mày mò tìm hiểu kiến thức. Cái chính là bệnh thành tích, chứ còn các môn học thực ra nếu có thời gian và dạy tốt thì môn nào cũng có một ích lợi nào đó. Nhưng nếu chương trình đã đủ nặng rồi thì cũng nên lược bớt đi một số môn. Trẻ con phải học thì rõ rồi, nhưng cũng phải chơi nhiều mới phát triển toàn diện. Con chị may cả 3 đứa đều thuộc diện hiếu động chứ lại cứ suốt ngày cắm mặt vào học thì chị buồn lắm.

      Delete
    5. Em học K35, sau chị 4 khóa. Em năm nhất thì chị năm cuối. Có khi nào mình đã nhìn thấy nhao ở trường không nhỉ?

      Delete
    6. Giá mà trẻ hơn thì gặp được em rồi :) Thời chị học thầy Lưu là hiệu trưởng, hiệu phó thì chị nhớ mỗi cô Mơ và nhớ thầy Dũng trưởng phòng quan hệ quốc tế...Chị chưa về lại trường gần 20 năm rồi. Mỗi khi về Hà Nội bận đủ thứ nên chẳng ghé qua. Năm cuối hồi đấy đi thực tập là chủ yếu, ít ở trường nên lỡ mất cơ hội thấy em.

      Delete
    7. Em K36 đây mà còn chả được diện kiến Giang bao giờ :)

      Delete
    8. Các người ơi, gặp sinh viên nào xinh xắn, ăn diện, năng nổ hoạt động tập thể, tức là nổi nổi tí thì còn ấn tượng để mà nhớ. Chứ gặp người quần tím áo hoa nhí dép lê, mặt mũi lơ ngơ như bò đội nón, thì có đi ngang qua nhau hàng ngày trong trường cũng chả nhớ nổi mặt đâu, các người băn khoăn làm giề.

      Delete
  7. Hà Nội bây giờ chắc chị ko đạp xe nổi lúc 1h nữa đâu huhu. Đợt rồi chặt >6000 cây, đợt này >1000 cây, HN thành cái lò nung gạch của bác hồi ở Ba-lê luôn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nóng thế chắc chỉ chết dân lao động chứ mấy thằng quyết định chặt cây chắc ngồi máy lạnh không chết đâu nhỉ.

      Delete