Wednesday, May 29, 2019

Vầng

Tại một event, sau mấy tiếng ngồi nghe một nhà sử học và một vị trông coi bảo tàng ở đây kể lể về chế độ nô lệ, rằng người da trắng đã tàn nhẫn, độc ác, vô nhân tính, vân vân và mây mây như nào; và nhìn đám da trắng có mặt điệu bộ hối lỗi ngại ngùng ra sao, mình mới đánh bạo hỏi vài câu như sau “Người da trắng đến đây, trên vài con thuyền, đổ bộ xuống một bãi biển xa lạ, bao nhiêu bệnh tật chết người của châu Phi, làm sao họ có thể bắt những người châu Phi vốn có sức vóc hơn hẳn họ mang lên thuyền về nước làm nô lệ?”. Vị giáo sư khả kính trả lời “Vì họ được sự giúp đỡ của các chiefs. Vùng A giàu có như bây giờ là do bán rất nhiều tù binh cho người da trắng”.
Chief là tộc trưởng, người đứng đầu bộ lạc. Khi các bộ lạc đánh nhau, bên thua trận sẽ bị bắt làm tù binh. Tộc trưởng của bên thắng trận sẽ mang bán tù binh cho người da trắng để đổi lấy thuốc men và vũ khí.
Mình lại nói tiếp “Từ câu trả lời của giáo sư thì tôi lại xin hỏi ông câu hỏi thứ hai: trong bức tranh toàn cảnh về tội ác của chế độ nô lệ, ngoài việc lên án người da trắng, các ông có lên án tộc trưởng của vùng A này không?”. Vị giáo sư khả kính bắt đầu trả lời hơi có vẻ loanh quanh “Có phải mỗi vùng A đâu, các vùng lân cận đều thế cả. Tộc trưởng A mang tù binh đến giam nhờ ở cả các vùng khác”.
À như vậy là chính mồm ông nói đấy nhá, không chỉ một bộ lạc mà rất nhiều bộ lạc cùng liên đới, mạnh ai nấy lo, ai cũng muốn kiếm chác từ tù binh chiến tranh. Thằng mạnh thì bắt người rồi mang người bán làm nô lệ để thu về thuốc men súng đạn nên càng mạnh hơn. Thằng yếu thì bị bán làm nô lệ. Thương lái da trắng mũi thính thì ngửi cái ra ngay món hàng người siêu lợi nhuận. Là kinh doanh đôi bên cùng có lợi chứ bóc lột gì ở đây. Thế mà nghe mỗi tụi da trắng bị kể tội tui lại cứ tưởng da trắng đến đây vồ người bản xứ như vồ gà, trói gô quẳng lên thuyền đưa đi biệt tích, trước con mắt bất lực của những người ở lại chớ.

Mình còn câu hỏi thứ ba “Tụi Ả rập từ xa xưa đã dùng người da đen làm nô lệ và đến tận giờ cũng không đối xử với người da đen khá hơn. Tại sao các ông không bao giờ lên án người Ả rập mà chỉ thấy kết tội và bắt người da trắng phải bồi thường? Có phải vì người da trắng giàu có, văn minh và biết hối lỗi quá, càng làm tới càng có lợi nên các ông càng làm tới?”. Nhưng mình đủ khôn để không hỏi tiếp. Tạm hai câu thế thôi, dồn nữa mất vui.
Có lần, cũng tại một bàn ăn toàn dân ngoại giao, có hai bà da đen, một bà là quan chức và bà kia là phu nhân của quan chức. Bà phu nhân tung, bà quan chức hứng. Bà phu nhân hùng hổ tuyên bố Manhattan vô cùng phân biệt chủng tộc. Lý do bà ấy đưa ra là ở trong tàu điện ngầm, bà ấy đứng lên nhường chỗ cho một ông nhưng ông ấy từ chối. Bà ấy bảo vì bà ấy da đen nên ông ấy khinh không thèm ngồi vào chỗ bà ấy vừa ngồi. Bà quan chức gật đầu lia lịa. Hội da trắng ngồi im thít không đứa nào dám nói câu nào. Mình nghe ngứa tai quá mới bảo “Ông ta không ngồi vì họ quan niệm chỉ có đàn ông nhường chỗ cho phụ nữ chứ không có chuyện phụ nữ nhường chỗ cho đàn ông”. Đã là phụ nữ, lại còn già móm cả ra thế kia, thế mà lại cứ khăng khăng nhường chỗ cho đàn ông, người ta không nhận thì bảo người ta phân biệt chủng tộc. Phát ốm cả người với mớ suy luận hũ nút của các bà. Chồng bà ta nghe mình nói xong thì bảo “Có thể chị nói đúng”. Còn bà kia đuối lý nhưng vẫn lắc đầu quầy quậy “đấy là phân biệt chủng tộc”.
Sau vụ đó thì bà đó thù mình. Gặp ở chỗ khác mặt bơ như củ khoai lang. Càng tốt, miễn cho mình được khoản chào hỏi đãi bôi. Mỗi tội sau đó chồng bà ấy được thăng từ một cái chức cũ vốn đã rất to trong nội bộ quốc gia lên một chức mới còn to hơn, ở tầm châu lục. Gay go :-))))))). 
Anyway who cares. Mình giờ chỉ thích ngồi xem hoa hồng nở trong vườn. Tháng 5, Alberic Barbier nở như sao trên tường cũ. Pierre de Ronsard nép ở một góc hàng rào cũng bắt đầu bung nở lộng lẫy. Cả Generous Garderner, lần về vừa rồi mình loay hoay cả tiếng tuốt rệp cây, thế là chỉ mấy tuần sau đã chi chít nụ. Năm ngoái còn đang hì hục cuốc đất trồng hồng, bụng băn khoăn mấy đoạn củi khô này biết bao giờ mới thành được cây.

Thursday, May 23, 2019

Trời còn làm mưa

Mưa như ai trút một thùng phuy nước từ trên trời xuống. Ngập lênh láng khắp nơi. Cây đổ chắn đường về nhà. Cột điện đổ, internet tắt ngóm mấy ngày nay.
Xe mình đang đi bên này đường thì bị một xe đi bên kia đường ngoặt sang đâm cái rầm vào sườn. Lý do: xe nó đang đi thì gẫy bánh nên mất lái. Bảo hiểm nó không có nên không đền được mình.
Cái nhà ở Ý khách đầu mùa chuẩn bị vào. Hội đại lý cho thuê nhà chúng nó quay mình như quay dế. Từ sáng tới chiều điện thoại réo liên tục.
Lễ quốc khánh cho hơn 600 khách mời tổ chức tại gia đang đến mỗi ngày một gần hơn.
Thẻ rút tiền bị máy nuốt chửng. Lấy được ra thì lại hỏng pin. Lại lọ mọ đi xếp hàng ở ngân hàng để bắt đền.
Số đồ ăn mua từ Ý để phục vụ lễ quốc khánh, mình đặt từ tháng 3 trước khi đi nghỉ, cứ chắc mẩm cuối tháng tư nhận được. Ai dè bên siêu thị làm ăn kiểu gì mà lúc mình hỏi hàng về chưa mới cuống lên đi đặt. Gửi đường biển giờ thì chậm mất nên đành gửi máy bay tốn thêm một đống tiền. Và hạ cánh 4 ngày nay rồi mà vẫn không thông quan được.
Quá trưa, mình đứng ngẩn tò te phờ phạc giữa siêu thị, đầu óc bao việc rối bời nên không thể nhớ nổi cần mua những gì, chưa kể thức giấc từ hơn 4h sáng rồi stressed quá không ngủ được tiếp nên đến giờ này đầu óc bắt đầu đơ ra. Tự dưng, một con bé nhân viên siêu thị bắt đầu nhảy và quai mồm ra hát ‘am walking awaaaaiiiii, làm mình phì cười. Ờ, họ chả có gì mà họ vẫn vui. Mình có rõ lắm mà sao mình cứ suốt ngày chạy như con lật đật khổ sở thế nài.
Thế là mua đồ nhanh nhanh chóng chóng rồi về nhà, lên phòng, tắt điện thoại nằm lăn quay ra ngủ bỏ cả ăn trưa, tranh thủ bọn Lê La có lớp học tiếng Ý còn con Na thì đá bóng nên về muộn.
Tỉnh dậy, một đống cuộc gọi nhỡ và tin nhắn tải xuống chíu chíu. Kệ các người chứ.
Váy của Hà nội 17 năm trước, giờ lôi ra mặc ở châu Phi.
...Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài...

Thursday, May 16, 2019

Ăn niêu em


Con Na đang học phép chia có dư. Nó chả hiểu cái mịe gì.
Em bé Na, 18 chia 3 bằng mấy? Nó trả lời sau một hồi mặt đần ra tính toán “5 dư 3”. Hức.
Và vừa ngồi học nước mắt nó vừa lã chã vì không được xem hoạt hình. Nó đi học về, lấy cớ phải ăn nốt hộp cơm nên đã bật hoạt hình lên xem. Ăn hết, không còn cớ gì để xem nữa thì nó tót ra vườn trượt patin. Trời tối không trượt patin được nữa nó mới mò vào nhà, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tắm rửa xong thì đã gần đến giờ cơm tối và cũng đến lúc đó mình mới bắt được nó lôi sách vở ra. Mình bảo “Mẹ đếm đến 3 mà con còn chưa ngồi vào bàn học thì cứ liệu hồn”, và bị nó vặc lại “ Bà chỉ biết đếm đến 3 thôi à? Lần nào cũng thấy đếm đến mỗi 3”.
Sáng nào nó cũng bảo nó chán học lắm rồi và mặc cả để khỏi phải đi học. Phòng y tế của trường phát rồ vì từ đầu năm học nó đã kiếm cớ vào đó 23 lần. Từ lúc họ phản ánh tới giờ nó đã kịp mò vào đó thêm 2 lần nữa, nâng tổng số lần lên 25. Nhục quá vì con với cái. Trường lớp giờ chỉ còn hấp dẫn nó ở mỗi bộ môn thể dục. Hôm kìa thấy nó đá bóng, hôm kia thấy nó chơi khúc côn cầu, hôm qua thấy nó đổi sang bóng chuyền. Và sáng nay nó ho he định thử nốt bóng rổ thì mẹ già của nó chịu hết nổi quắc mắt lên tao không chạy theo mài mua hết món nọ đến món kia được, hiểu chưa, thì nó mới cun cút đi mất. Ở trường đã thế, về nhà lại màn đánh vật với bài tập của nó. Chuẩn bị có kiểm tra nó không học, chuẩn bị thi cũng không thấy nó học. Bảo nó thì nó bảo “dễ lắm, Na là một trong những người thông minh nhất lớp, bài kiểm tra quá dễ Na làm tí là xong mà các bạn làm mãi không xong”. Đoạn nó lại bỏ đi chơi tiếp. Phần lớn thời gian rảnh rỗi nó dùng để trượt patin, đi xe đạp, lên mạng xem tử vi và search xem bố nó nổi tiếng đến đâu.
Lại nói chuyện nổi tiếng, hồi lâu lâu ông bô bà bô nó đi event, event có mặt đệ nhất phu nhân Ghana. Vừa thấy mình một cái bà ấy bảo ngay “Con gái anh chị hỏi tôi là tôi có biết bố nó không”. Thì ra là mấy hôm trước có event ăn trưa cùng Hoàng gia Anh mà nó được mời. Đệ nhất phu nhân và hoàng gia Anh vừa tới bàn nó một cái thì bị nó hỏi luôn “Bà có biết bố cháu không? Bố cháu là Giovanni”, làm đệ nhất phu nhân ngẩn tò te ra mất một lúc mới trả lời nó được. Sau vụ đệ nhất phu nhân bảo nó “Tất nhiên là bà biết bố cháu” thì nó lại càng chắc mẩm ông bố thần tượng của nó là người nổi tiếng.

Hai tháng trước, nó đi thi học kỳ về, mẹ nó hỏi “Em bé Na làm bài thi thế nào?”. Nó tỉnh queo “Đằng nào cũng là thi thử thôi mà”. Năm ngoái nó bị một vố, thi xong rồi tưởng thoát rồi, hóa ra mới là thi thử, thế nên năm nay nó rung đùi chắc mẩm lần này cũng như lần trước. Mẹ nó la hoảng “ Thi thật đấy chứ ai bảo mày là thi thử”, thì thấy mặt nó đần thối ra rồi quay đi kín đáo lè lưỡi vẻ hơi lo lắng làm mình cũng lo theo. Ai dè hôm nhận được kết quả thi toàn điểm A*. Mình đã há mồm ra định khen thì nó đã thốt lên vẻ bàng hoàng “Không thể tin được” đâm ra mình lại ngậm mồm vào chả dám khen nữa. Mới học có lớp 3 mà mọi sự đã toàn nhờ vào may rủi thế này, rồi về sau mày ăn cám, con ạ.
Sau vụ nó học 6 tháng không vào bảng cửu chương, mà đã không thuộc bảng cửu chương thì nhân chia gì cũng tắc tị, con mẹ điên quá xạc cho nó một trận và huơ cái roi lên trong không khí, thì nó nước mắt ngắn dài đành ngồi vào học nghiêm chỉnh. Học xong bảng cửu chương, nhân chia nhanh hẳn lên, mẹ nó mới ôn tồn bảo “Con thấy ko, khi có vấn đề, thà con chịu khó dành thời gian giải quyết ngay còn đơn giản, chứ cứ trì hoãn thì vấn đề sẽ còn mãi ở đấy, thậm chí còn trầm trọng hơn...”. Nó bảo “Không đúng. Mấy lần Na có vấn đề, Na cứ để đấy và the problem solves by itself”. Haiz.
Ảnh: nó chìa vào mặt mẹ nó tờ giấy. Mẹ nó khựng lại vài giây rồi bắt đầu cười haha. Tiếng Việt thế mới gọi là tiếng Việt chứ. Nó bảo “Na viếc có đúng khôôông?”. Mẹ nó bảo “Quá đúng, con gái mẹ làm cái gì cũng đúng. Chiều mai đi học về con ghi âm câu này vào điện thoại mẹ để lúc con đi học mẹ vẫn nghe được con nói, nhá?”. Nó gật đầu vẻ hào phóng “Được. Sáng mai Na ghi âm cho mama luôn trước khi Na đi học, để mama nghe được luôn”. Sáng hôm sau, nó tức tốc đi ăn sáng rồi lên ghi âm cho mẹ. Thế là mẹ được nghe câu Ăn niêu em bằng cái giọng oanh vàng thỏ thẻ của nó suốt cả ngày 💓

P.S: sáng thức dậy mở báo, đập vào mắt là bài báo về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và dòng tiêu đề tàu khựa bảo Mỹ cái gì mà làm gì cũng phải giữ “nhân phẩm” giữa hai nước. Ối, gian thương, ăn cắp, lật lọng, mà đòi nói chuyện nhân phẩm. Lên đồng xung quá giờ bị kéo cổ xuống thì xấu hổ chứ giề. Nước cao thì nhìn hoành tráng chứ nước rút một cái té ra là chả mặc quần chứ giề, hihi.

Friday, May 10, 2019

Để làm gì cho đời


Một lần, nhà mình mời mấy gia đình đến nghỉ cùng. Trong số các cặp đôi có một cô rất hay. Nó hoặc là ngủ hoặc ngồi chơi trên sofa và selfie mọi tư thế để post lên mạng xã hội, cùng caption rất nhân văn kiểu “Gia đình là nơi bạn sinh ra, nhưng gia đình còn có thể là nơi bạn không sinh ra nhưng cảm thấy thuộc về”, ý là ở nhà mình thấy thân thương y như ở nhà. Năm mới thì gửi tin nhắn kèm tim hồng chíu chít đến tất cả mọi người, chúc mọi người bình yên hạnh phúc và yêu thương san sẻ với nhau. Phải cái ngôn từ thì đẹp long lanh nhưng động đến việc thì trốn biệt chứ không thấy san sẻ gì. Đến giờ nấu ăn không thấy mặt. Ngay cả lúc mọi người dọn bàn ăn cũng không thấy mặt. Đến lúc mọi người ngồi xuống ăn chồng phải vào tận phòng gọi. Viện cớ ốm không giúp gì được. Mỗi tội có lần ăn xong mọi người bật nhạc nhảy, nó vừa hò la vừa nhảy tung trời, còn khỏe hơn người không ốm. Nhảy xong một hồi hình như thấy hơi hố vì vừa bảo ốm phải nằm liệt giường, nên lại chạy vào phòng nằm, ai dọn thì dọn.
Mình vốn quen với đủ kiểu người nên không có vấn đề gì hết, đời phải có người này người nọ. Hợp thì thân lắm, không hợp thì thân vừa, có sao. Chưa kể mình chủ động mời khách chứ chả ai bắt. Thế nên cô khách kia mình thấy cũng chả có gì đáng nói, nếu như không có chuyện như sau xảy ra: hôm đấy mình không nhớ chồng nó kể cái gì đó, đại loại là với vợ mày thì được chứ vợ tao nó sẽ không đồng ý đâu, và chồng mình trả lời tắp lự “Yeah but she is nice”, ngay trước mặt mình. Ý là nó dù có thế nhưng nó vẫn nice, không như mình không nice.
Nghe xong câu đó mình quả có hơi chút nghĩ ngợi. 
Mình tỉ việc trên đời. Thời gian ở Ý ít, mỗi lần về phải tranh thủ làm rất nhiều việc chứ ngồi chơi không được đâu. Mình hì hục chuyển các bao đất 80 lít đổ vào các chum vại trong vườn. Chẳng biết 80 lít là bao nhiêu cân, chỉ biết là rất nặng. Tự làm vì chồng làm được một tí chán quá trốn luôn. Công giục giã nhờ vả thà tự làm lấy còn hơn. Một thằng bạn chồng, chắc ngại quá hay sao mà bỏ dở cuộc tán chuyện chạy ra hỏi em có cần giúp không. Nhưng mình nhìn nó bảnh bao từ đầu đến chân, áo jacket vải tweed, quần nhung corduroy và giày Church’s bóng lộn, mình bảo thôi anh đi vào đi chứ quần áo thế kia làm sao vác được đất. Chưa kể còn phải đi chợ và nấu ăn cho 15 người, bạn chồng là chính chứ bạn mình mấy đâu. Quần quật từ sáng đến đêm.
Thế mà trong mắt chồng mình mình vẫn không nice. Nó nằm ngủ hoặc ngồi chơi cả ngày, nói vài câu ngọt như mía lùi, thế là nó thành nice. Chưa kể, nó cứ ra khỏi phòng là trang điểm lộng lẫy, môi bóng nhẫy lông mi giả chập chờn, váy áo kiểu cách. Còn mình đầu bù tóc rối quần áo cũ mèm vì từng ấy việc rồi thì thời gian và sức lực đâu mà điệu đà nữa. Thế là nó đẹp long lanh còn mình thì xấu đui. Nó là vợ vừa đẹp vừa nice vừa thong thả quý phái, mình là vợ vừa xấu vừa bossy vừa chạy như con lật đật. Mình hâm hay là sao?
Được cái thần kinh mình vững, chỉ hoang mang mấy giây rồi bình tĩnh lại ngay. Mình hoàn toàn bình thường, chả có vấn đề gì hết. Mình không làm gương thì thôi chứ mấy cô fake này tuổi gì làm gương được cho mình. Mình tỉnh bơ bảo chồng mình “Nó không có con, không đi làm, suốt ngày chỉ ngủ và trang điểm, em mà rỗi thế thì em còn nice hơn nhiều, và nhất là đẹp hơn nhiều”. Nói xong mình lăn quay ra ngủ chả khách khí nho nhã giề. Cả ngày quần quật, đặt lưng xuống là ngủ say như chết.
P.S Trong số khách có một cô rất ít lời nhưng cứ thấy mình cặm cụi trong bếp là chạy vào giúp. Đi chợ cũng đôn đáo lấy thứ nọ thứ kia đỡ mình, trong khi cô khôn lỏi kia tót đi mua váy đẹp để diện ăn tối. God bless những người có tấm lòng chân thành tử tế. Còn những người đãi bôi thì thôi, chắc kiếp trước họ cũng phải tích được nhiều đức lắm nên kiếp này mới có thể mồm miệng đỡ chân tay như vậy. Phúc của họ thì họ hưởng.
P.S: một buổi tối cả hội rủ nhau đi xem kịch. Trước giờ kịch là một buổi lễ tân nho nhỏ. Mình đang ngồi ở góc phòng tán chuyện với đứa bạn thì thấy ai đang đứng ở một góc gần đó cứ nhìn nhìn. Đứng ở góc nhìn chưa đã hay sao mà thấy di chuyển ra phía sau lưng bạn mình và cứ đứng lỳ ra ở đó nhìn xuống mặt mình. Mãi thì mình cũng ngừng tán chuyện, ngẩng lên. Người đàn ông có dáng vẻ cao lớn, nam tính vật vã, mắt si tình đến ngây ngô. Mình vốn cũng đã đoán được vẻ ngoài của anh ta từ trước khi ngẩng lên. Đàn ông nhìn đàn bà như thế, không có dáng vẻ của một tráng sĩ mới lạ ý.
Ờ mà tráng sĩ thì cũng để làm gì cho đời?



Saturday, May 4, 2019

4/5/2019

Sáng, Accra lác đác mưa, bầu trời đầy mây mù. Tự dưng thấy nhơ nhớ Hà nội. Tự hỏi người ta đã quyết định số phận cái xưởng phim cũ ấy thế nào rồi.

Xưởng phim truyện trên phố Thụy Khê, lưng sát ngay hồ Tây, 20 năm trước, trong sân có một cây hồng xiêm...

Tôi đã thoáng thấy có kẻ đứng sững lại ở lối ra vào, nhìn tôi. Nhưng tôi không nhìn lại. Văn phòng đang đến hồi bận rộn, người ra vào đến đi nườm nượp, ai có việc thì đến hỏi, không liên quan thì thôi. Cho đến tận khi chị Art Director giới thiệu hai chúng tôi. Tôi ngẩng lên khỏi bàn làm việc. Và như nhìn thấy định mệnh. Một đôi mắt đang nhìn mình như bị thôi miên. Đôi mắt màu xanh thép mạnh mẽ, si mê, và hàng lông mày như vẽ. Tôi từ từ đứng lên, như mộng mị. Tôi và anh cứ đứng sững nhìn nhau như thế, miệng lắp bắp mấy lời giới thiệu vô nghĩa. Chị Art director buồn cười quá cứ cười hihi.
Nhưng rồi, tôi chẳng thèm quen anh. Tôi có cả tá đàn ông hâm mộ. Có vài phút mất tự chủ thì nhằm nhò gì. Lúc đó cả tôi và anh đều còn rất trẻ. Tôi 22 tuổi, anh 34. Là bây giờ nghĩ lại thì thấy trẻ, chứ lúc đó, với tôi, chỉ có tôi trẻ, còn anh thuộc về một thế giới người lớn xa lạ, anh quá già.
Anh kiếm mọi cớ để nói chuyện với tôi, vụng về như trẻ con. Anh mang đến bàn tôi một tờ giấy có mấy chữ viết vội, để nhờ tôi xem mẩu giấy viết gì mà anh đọc không hiểu. Chính chữ mình viết mà lại giả vờ không hiểu. Nhưng anh không tìm được nhiều cơ hội. Lúc đó tôi làm ở văn phòng phía Bắc, còn anh vẫn đang cùng đoàn phim ở phía Nam.
Anh không có số điện thoại di động của tôi, còn máy bàn thì luôn bận. Nhưng anh muốn nói chuyện với tôi đến mức từ miền Nam, anh gọi cho chị Art Director, nhờ chị ấy chạy đi tìm tôi cho anh nói chuyện. Chị Art Director mang điện thoại chạy đến đưa tôi. Tôi ngơ ngác. Còn chị ý thì buồn cười quá cứ đứng cười hihi.
Anh đi tìm tôi như trẻ con. Từ ngày đoàn phim chuyển lên quay ở Hà nội, ngày nào anh cũng kiếm cớ lên văn phòng để nói chuyện với tôi, mặc dù văn phòng của anh ở dưới xưởng phim, và mặc dù việc của anh và tôi không liên quan nhiều. Bàn làm việc của tôi lúc nào cũng có nhiều người vây quanh. Anh sau giờ làm việc, rời xưởng lên văn phòng, đứng loanh quanh đợi lúc tôi rỗi, chỉ để chào tôi rồi mới về.
Hôm đó tôi có việc phải xuống xưởng.
Biết tôi đến, anh ở đâu chạy về ngay. Tôi đứng nhìn anh, trong ánh nắng hanh hao của mùa đông Hà nội, dưới tán cây hồng xiêm. Anh đẹp trai lắm. Anh mặc quần bò, áo body màu trắng ôm khít thân hình rất đàn ông, tóc húi cua, ánh mắt bình thường xanh thép rất mạnh mẽ, trong ánh nắng của mùa đông Hà nội, lại thành trong veo lên. Anh gãi đầu gãi tai sờ nắn hồng xiêm trên cây, hỏi quả này có ăn được không nhỉ, rắn thế này làm sao ăn. Anh đang cố duy trì cuộc nói chuyện kẻo tôi đi mất. “Anh mời em đi uống nước được không?”. Tôi bảo “Maybe”. Anh thất vọng “Maybe, maybe not. Anh chưa bao giờ mời một người đến lần thứ tư mà vẫn không được”.
Anh kiêu ngạo, đàn bà vốn thường đồng ý trước khi anh ngỏ lời.
Tôi kiêu ngạo, đàn ông phải mời tôi 5 lần 7 lượt là chuyện thường, 4 lần đã là gì.
Sau này, khi chúng tôi xa nhau, anh bảo “Chỉ có anh yêu em theo đuổi em, còn em thì không”. Tôi vụng về giải thích “Tim bảo ông ấy phát hiện lúc nào lên văn phòng mắt anh cũng tìm quanh quất và chỉ dừng lại khi nhìn thấy em, còn em, vốn không bao giờ ngẩng lên hay nhìn ai dù là đàn ông hay đàn bà, sẽ ngẩng lên và nhìn theo anh khi anh đi đến máy photocopy ở góc phòng. Tim bảo thế nên ông ấy biết giữa anh và em có điều gì bất thường. Anh thấy không, em có yêu anh, chỉ là em không biết phải thể hiện điều đó ra như thế nào”…

Cái cây hồng xiêm trong khoảnh sân cũ nằm sát hồ Tây ấy, rồi người ta sẽ chặt nó đi mất, và xây nhà cao tầng? Như tất cả những gì dấu yêu của Hà nội, rồi sẽ mất hết, sẽ thay bằng những điều xa lạ? Tôi đã lưu giữ tất cả những kỷ niệm về anh, nâng niu như báu vật của tuổi trẻ. Cả cây hồng xiêm nơi anh đứng, một mùa đông Hà nội rất xa xôi nào đó, cũng thành một phần dấu yêu của ký ức. Cả ánh nắng mùa đông hanh hao hôm ấy, cũng thành một phần của ký ức. Dẫu anh chẳng biết.
Anh, nếu ngày nào đó gặp lại, mình còn gai góc vụng về, như thuở em 20, không?

P.S: góc phố Metropole là nơi có một ánh mắt si mê khác. Ánh mắt của người đã tha thiết nói “Dù có giữa nghìn người, vẫn nhận ra khuôn mặt em”. Góc phố ấy chắc vẫn còn. Người VN mình lạ thật. Của mình mà cứ phải để người ngoài vào giữ thì mới còn.