Tuesday, August 30, 2011

Thổ Nhĩ Kỳ du hí (4)

 
Người thứ hai buồn như trấu cắn trong chuyến đi không ai khác chính là bà Nuôi.
Khi thấy vợ chồng mình rục rịch kế hoạch đi nghỉ bà N than “tôi mà ở nhà một mình lần này nữa chắc tôi chết vì buồn quá cô ạ”. Mình nghĩ đi nghĩ lại quyết định mang bà N theo, hơi tốn một tý nhưng đằng nào bà N cũng giúp được việc trông Anna. Bà N vui lắm. Trên máy bay lúc đầu khi Anna mới bắt đầu gào khóc, bà N cuống quýt dỗ “khóc thế này lần sau mamma cho bà cháu mình ở nhà mút chỉ Anna ơi”. Sau nó khóc quá chả dỗ được, bà N lầu bầugồi gồi, lần sau ở nhà mọc gâu luôn cho biết”.
Nhưng hình như lên du thuyền được hai ngày thì bà N lại hối tiếc thà ở nhà cho xong. Thời tiết thì nóng, bà N lại toàn chơi đồ đen, lại ko chịu thò chân xuống biển bơi, nên bà N luôn trong tình trạng nóng gần chết. Chưa kể vì cả hội đi thăm thú các bãi biển cả ngày, bà N chả có việc gì làm ngoài ngồi ngáp vặt, chơi với Anna và mong ngóng cho chóng đến giờ ăn. Lên boong thì sợ nắng nhưng vẫn phải lên vì ngồi trong cabin thì có khác nào nhà tù. Đến hôm thứ 3 thì mình nghe bà N rầu rĩ “nám ơi là nám, gầu ơi là gầu”. Mình cũng sắp nói r thành g như bà Nuôi rồi đây.
Và thế là, như duyên trời định, hai người buồn gầu họ tìm đến với nhau. Hoặc nói một cách chính xác ra là gã thuyền trưởng tìm đến với bà Nuôi.
Thực ra cái điệu cười khớ khớ của bà Nuôi rất hay gây hiểu lầm. Vui thì cười đã đành, đây bực cũng cười, ngại cũng cười, khó xử cũng cười, khó chịu cũng cười, sai cũng cười, cám ơn cũng cười, xin lỗi cũng cười, toàn một điệu khớ khớ thế cả. Không biết có phải tại bà Nuôi cứ khớ khớ thế không mà gã thuyền trưởng đâm bạo dạn hẳn ra. Ngày nào bà N cũng cập nhật cho mình, cứ hành vi sau bạo dạn hơn hành vi trước. Ngày đầu là ly nước quả khi bà Nuôi đang ngồi hóng gió trên boong. Ngày sau là một đĩa hoa quả tươi gửi đến phòng bà Nuôi. Ngày sau nữa là cái quạt cây cho bà Nuôi khỏi nóng. Đỉnh điểm là ngày cuối cùng gã thuyền trưởng rình mò đợi bà Nuôi giờ chiều tắm xong mang quần áo ướt ra boong tàu phơi, gã đến gần ôm choàng lấy bà N làm bà N vứt cả quần cả áo co cẳng chạy biến về phòng đóng cửa.
Bà N chỉ cập nhật vụ này cho mình khi cả nhà đã rời tàu quay trở về khách sạn chuẩn bị ra sân bay. May đời gã thuyền trưởng là mình không biết vụ việc sớm hơn.
Bà N trở về thành Rome, vẻ rầu rĩ đã biến mất. Lý do là bà N bám càng mình đi mua sắm ở Bodrum. Bà N mua được một đôi giày, mấy cái áo phông tâm huyết và đặc biệt là hai chiếc nhẫn vàng 24k, một chiếc 5 chỉ, một chiếc 7 chỉ, mình xoẹt thẻ trả tiền hộ, 1500usd. Mình thì không biết giá vàng ở nhà ra sao nhưng thấy bà N lẩm nhẩm tính rồi hoan hỉ “lời lắm cô ạ”. Các bạn ở nhà có biết giá vàng ra sao thì bảo hộ mình có lãi thật không, chứ không bà N mua vàng theo dạng trang sức, nó tính thêm cả tiền công đánh nhẫn, lại lỗ chỏng vó ra thì khổ.
Ảnh: little girl, lips like cherry

Monday, August 29, 2011

Thổ Nhĩ Kỳ du hí (3)

 
Cũng may là thử thách cũng chỉ đến thế. Từ đó trở đi kỳ nghỉ rất thư giãn. Khách sạn đẹp, du thuyền tiện nghi, đầu bếp trên tàu nấu ăn ngon, phục vụ nhiệt tình, thời tiết đẹp, phong cảnh đẹp, nước trong xanh. Mọi người đều vui vẻ, cả ngày bơi lội, chèo thuyền, thăm thú các bãi biển, ăn uống, phơi nắng, tán gẫu. Chỉ trừ có hai người.
Người thứ nhất là gã thuyền trưởng. Lý do tại sao gọi gã thì sẽ nói sau. Gã thuyền trưởng bị cả bọn đì đặt biệt danh Sean Connery. Cắm ca cắm cảu, khó chịu vì nhiều trẻ con quá và nhất là khó chịu với chế độ ăn uống giữ dáng của lũ hành khách người Ý cả nam lẫn nữ. Người Thổ Nhĩ Kỳ có tạng người bệu, thịt chảy nhão. Lý do mình chắc chắn là do chế độ ăn của họ. Lâu lâu rồi trên tờ The Economist có bài bàn về gạo Nhật. Tất nhiên là ko liên quan đến entry này trừ cái tựa đề We are what we eat, thực phẩm nào con người nấy. Nhìn tạng người của một dân tộc có thể đoán được một phần đồ ăn của họ có healthy hay không. Ngày xưa bác Hồ hô hào từ ăn no mặc ấm chuyển sang ăn ngon mặc đẹp. Giờ ăn ngon mặc đẹp theo mình đã lỗi mốt. Mốt giờ phải là ăn lành mạnh mặc xa hoa. Đẹp mấy mà ko xịn mặc lên người ko tạo cảm giác xa hoa thì cũng chưa coi là đẹp. Vì lý do đó mà cashmere, lụa, lông thú, mới đắt tiền. Tuy nhiên phần này chỉ bàn đến ăn, ko bàn đến mặc.
Ăn healthy là chế độ ăn giúp duy trì cân nặng ở mức hợp lý, ko làm tăng mỡ trong máu, đường trong máu, thực phẩm được chọn lựa là thực phẩm organic tươi ngon được nuôi trồng hoàn toàn tự nhiên ko dùng các loại hóa chất bảo quản, kháng sinh, kích nọ kích kia vv và vv. Đặc biệt mục đích ăn healthy ngoài để giữ sức khỏe ra thì còn là để giữ dáng. Do đó chế độ ăn healthy rất nhẹ nhàng, bao gồm rất nhiều chất xơ, nhiều rau, các loại củ quả, nhiều cá, ít tinh bột, ít thịt đặc biệt các loại thịt đỏ, ít muối, ko xào nấu quá nhiều, ko rán, ko nướng, ko ăn đồ ngọt.
Quay trở lại chế độ ăn của người Thổ. Mình nhìn thấy anh đầu bếp cầm một lọ mayonnaise to tướng vừa bóp vừa vẩy thật lực vào đĩa salad mà mình hoảng vía. Mayonnaise và các loại kem sốt khác cứ cho thật lực. Đĩa salad bày lên, rau đâu ko thấy chỉ thấy kem sốt các loại cứ đặc quánh vào.
Chưa kể món nào họ cũng tương rõ nhiều hành, tỏi và các loại gia vị đặc trưng của họ, thú thật ngửi phải chỉ muốn ngất xỉu. Trong một lần lượn chợ với gã thuyền trưởng, mình bảo gã mua rong biển để làm món rong biển xào, nhưng yêu cầu ko cho tỏi tươi như hôm trước. Tỏi đã sống lại còn băm nhỏ, tài thánh cũng ko bới được ra. Gã thuyền trưởng cười khẩy dè bỉu “ăn rau mà ko có hành có tỏi thì có khác nào bọn súc vật chúng nó ăn rau, mình văn minh ăn là phải có hành có tỏi”. Mình nghe xong máu chua ngoa nổi lên, định nói “thế mà chúng tôi lại quan niệm văn minh là ăn xong mồm ko có mùi hành mùi tỏi cơ đấy ông ạ”, nhưng nghĩ nói thế thì hơi quá, nên chỉ nói cụt ngủn “thôi đừng bàn chuyện này nữa, tôi ko thích tỏi, ông cứ mua rong biển và làm món này nhưng đừng cho tỏi”. Gã thuyền trưởng nhún vai mặt cay cú. Món rong biển xào hôm đó vẫn có tỏi tươi băm nhỏ như thường .
PS: đồ ăn của Ý ngon nhưng không healthy. Hầu hết người Ý nào mình gặp cũng sợ ko dám ăn thả phanh. Người cứ có tuổi một chút là bụng chảy sệ, bất kể đàn ông hay đàn bà. Đồ ăn VN theo mình là khá healthy. Ngày xưa dân mình làm gì có khái niệm béo phì. Khái niệm béo phì chỉ có từ khi đồ tây du nhập vào. Tây nó muốn ăn như mình chả được, mình lại cứ phí tiền ăn như tây làm cái gì chả biết.

Monday, August 15, 2011

Thổ Nhĩ Kỳ du hí (1)

 
Đúng giờ dự định, cả nhà chất lên một cái xe to tướng, a lê hấp chạy ra sân bay. Chàng có một cái túi Napapijri màu xanh ngọc lam rất nổi bật mới mua mà chàng rất tự đắc “không thể lẫn với thằng nào được”. Hành lý đi thẳng đến ga cuối Bodrum. Người chuyển chặng ở Istanbul.
Lên máy bay tự nhiên Anna bắt đầu khóc. Khóc kinh đến mức thằng ngồi cạnh phải xin chuyển chỗ khác, mặt sưng như bị ong đốt. Tất cả hành khách người ngoái lên người ngoái xuống xem đứa nào mà khóc kinh thế. Tiếp viên đi qua mồm suỵt suỵt. Mình chỉ muốn độn thổ vì ngượng. Máy bay còn bị chờ mãi ở đường băng mà ko đến lượt cất cánh. Vụ gào thét đinh tai nhức óc này chỉ được giải quyết khi máy bay đã đạt độ cao ổn định và mình có thể bỏ dây bảo hiểm, đứng lên ru con ngủ. Con cũng mãi mới ngủ, mẹ hai cánh tay mỏi nhừ. Hành khách trên máy bay bị tra tấn lỗ tai tổng cộng gần 2 tiếng đồng hồ. Stress 1.
Chuyển chặng ở sân bay Istanbul, thời gian rất gấp. Cả nhà chạy như vịt. Đến gần giờ cất cánh hãng hàng không phải cử người đi tìm. Gặp cả nhà nhếch nhác con lớn con bé đang chạy lăng quăng ông ấy mừng húm, gọi điện bảo máy bay chờ. Tất cả hành khách đã ngồi ngay ngắn từ bao giờ, giương mắt lên nhìn cả bậu xậu lịch kịch đi vào, con lớn con bé, túi lớn túi nhỏ lỉnh kỉnh. Stress 2.
Máy bay hạ cánh ở sân bay Bodrum. Hai xe bus chờ sẵn. Chỉ một tích tắc mình cúi xuống mở xe đẩy bà Nuôi đã trèo lên nhầm xe bus mà mình không biết. Xe bus thả hết khách xuống mà ko thấy bà N cùng Lila đâu. Hoảng hốt. Bà N ko biết tiếng, ko biết vừa đi chuyến nào đến, ko biết sẽ phải đi tiếp đến địa chỉ nào, ko có tiền, ko có điện thoại, ko cầm theo số điện thoại, thậm chí còn ko biết cả tên cả họ của chàng để còn gọi tìm. Cũng may sân bay Bodrum nhỏ, bà N và Lila cũng dễ nhận diện, và chỉ có hai xe bus chờ sẵn nên nhờ nhân viên sân bay gọi điện sang xe bus kia tìm giúp cũng dễ. Chứ nếu mà lạc ở sân bay Istanbul chắc mình khóc. Stress 3.
Chờ mãi an ninh sân bay cũng dắt bà N và Lila đến. Nhưng hành lý thì mãi chả thấy đến. Mọi người đi về hết, còn mỗi nhà mình đứng trơ trọi. Lạc đúng cái túi Napapijri màu xanh ngọc lam bắt mắt bên trong đựng toàn bộ quần áo đồ dùng của giai. Sáng sớm mai tàu đến đón và từ đó sẽ đi lênh đênh trên biển. Hành lý mà ko tìm thấy thì giai cuổng trời à? Stress 4.
Ảnh: tác phẩm nghệ thọt của bà Nuôi.

Thổ Nhĩ Kỳ du hí (2)

 
 
Chờ mãi đành phải bảo “thôi anh ở lại tí nữa về sau cùng hành lý, em đưa bọn trẻ con về khách sạn trước”. Ra đến ngoài gọi taxi rồi mới nhớ ra ko mang theo hành lý thì về khách sạn làm sao thay quần áo tắm rửa cho bọn trẻ con và cho Anna ăn bữa bột tối. Chạy trở lại. Không được vào nên đứng ngoài gọi chồng đẩy xe hành lý ra hộ. Dán mũi vào cửa kính ngó vào thấy ông chồng quý hóa đã kịp bày ma trận đồ đạc ra đất, ngay giữa sảnh sân bay lối người ta qua lại, bản thân ông ấy thì đang bò lê bò càng trên sàn ko hiểu tìm cái gì. Chồng với con, toàn làm mình muối mặt. Gọi ơi ới “anh ơi đẩy xe hành lý ra cho em”. Thấy vợ gọi chân tay ngài bắt đầu cà cuống, vơ tất tật những đồ vừa bày ra nhét lộn tùng phèo trở lại. Ngài chạy mấy vòng quanh cái xe đẩy hành lý, điệu bộ cuống quýt ko hiểu định làm gì. Chạy vài vòng quanh cái xe đẩy có vẻ ko giải quyết được vấn đề của ngài, ngài bỏ xe đẩy đứng tơ hơ đấy chạy tót ra một góc khác của sảnh. Xong lại thấy cuống quýt chạy về, điệu bộ vẫn chưa giải tỏa. Chừng ấy thời gian mình đứng dán mũi dậm chân ngoài cửa đợi, xe taxi thì đang gọi nheo nhéo, con thì bắt đầu khóc, trời thì nóng, mình thì ko hiểu bố gặp chuyện gì. Cuối cùng chịu hết nổi mình hét vào “em đang vội, anh mang hành lý ra ngay cho em được không?”. Bố lon ton đẩy xe hành lý ra, bị vợ gắt nên mặt sưng sỉa. Hóa ra điệu bộ cuống quýt nãy giờ là ĐI TÌM THÙNG RÁC ĐỂ VỨT RÁC. Tưởng gì. Rác thì có gì đâu, chỉ là mấy đoạn tag hành lý của chuyến bay vừa xong. Ở nhà giấy tờ đáng phải vứt rác thì cả vài tháng trời cũng ko chịu vứt, cứ để bừa bãi khắp nơi. Thế mà ra ngoài đường thì lại phải vứt ngay lập tức, gọn ghẽ gớm. Cuối cùng, vì bị vợ giục nên không có thời gian tìm thùng rác, nắm rác được ngài vo lại để chon von ngay trên đống va li đồ đoàn. Vợ méo mặt chất con và chất vali lên taxi, lại bấm bụng cho nắm rác của ngài vào túi mình để mang về khách sạn vứt hộ. Vợ một đống con, một đống hành lý, cộng thêm bà giúp việc sờ vào đèn dầu cũng sợ giật, hối hả về khách sạn để cho con ăn uống tắm giặt. Chồng nhởn nhơ ở lại với cái ba lô đựng mỗi cái ví, cái điện thoại, cái kính râm, và một quyển sách, nho nhã lắm. Stress 5.
Check in khách sạn xong. Hối hả đưa mấy bà cháu về phòng. Chạy đi mua nước lạnh, xin nước nóng, chuẩn bị đồ ăn cho Anna xong xuôi, để Anna lại bà N cho ăn. Hối hả cho Lê La ăn uống lót dạ, đi đái đi ị, rửa ráy, thay quần áo thường sang quần áo bơi, thổi phao bơi, rồi a lê hấp xua chúng ra bể bơi cho đỡ mè nheo phá phách. Gần 8h tối. Quả là một khởi đầu sóng gió.
Đặt đít ngồi xuống ghế, chưa kịp khô mồ hôi thì thấy chàng đến. Chàng đến thấy con lớn con bé đang bơi tòm tõm dưới nước, con gái út đã ăn xong, cái bụng tròn xoe đang cười tít mắt nhảy tưng tưng trên tay cô giúp việc, vợ đang ngồi nhàn nhã tạo dáng trên ghế bể bơi, thì lại tưởng chàng nhận phần gian khổ về mình, tức là ở lại đợi hành lý thất lạc, còn nhường vợ phần việc nhẹ nhàng, tức là tút về khách sạn tiện nghi mát mẻ trước. Để tự thưởng cho mình, chàng cũng thay quần áo nhảy tùm xuống bể bơi. Thấy vợ khen có thằng trồng cây chuối dưới nước giỏi, chàng cũng quyết trồng cây chuối một phen. Thằng kia trồng cây chuối rất thẳng và rất lâu. Chồng mình trồng cây chuối xiên xẹo, đổ dúi đổ dụi, cay cú làm đến lần thứ tư mới thẳng. Vợ vỗ tay rào rào. Chồng mặt không giấu nổi niềm kiêu hãnh.
Làm wife khó lắm
Phải đâu chuyện đùa

Thursday, August 4, 2011

Lila

 
Hôm nọ mẹ tắm cho con gái. Mân mê cái mặt cười nhăn nhở. Cái cằm là chỗ mọng nhất trên cả thân thể khẳng khiu thấy sứt sẹo toàn vết cào cấu. Thủ phạm là con em. Nó đứng chả cao hơn chai sữa là mấy mà ghê gớm đanh đá ko ai bằng. Bình thường thì yêu chị lắm. Nhất cử nhất động của con chị đều làm con em cười như nắc nẻ. Thậm chí con chị chỉ cần vung tay lên cao hoặc giả vờ ngã là cũng đủ để con em cười đứt hơi. Thế nhưng muốn giành của chị cái gì là xông vào giằng bằng được. Không được thì với tay đánh, với được đến đâu đánh đến đấy. Hiện mới chỉ với được đến cằm nên cằm sứt. Vài tháng nữa chắc đến mặt cũng sứt nốt. Mẹ giận lắm, bảo “con khỉ gió”. Chỉ đúng hôm sau đã thấy thằng anh mắng con em “con khỉ gió” khi khẩu súng xếp bằng Lego mất bao công sức vừa mang ra khoe một cái đã bị con em hậu đậu bẻ ngoéo làm đôi.
Con gái giờ lớn lắm. Mẹ làm gì cũng tò tò đi theo xem. Đặc biệt mỗi lần mẹ thay quần áo trang điểm chuẩn bị đi đâu thì đôi mắt tròn trong veo của con gái ko rời mẹ giây nào. Mẹ làm gì cũng hỏi.
- mamma vẽ cái ấy lên mồm mamma làm gì thế?
- Để cho đẹp đấy bé ạ
- Thế bao giờ La lớn mamma cho La nhá.
- Cái gì đây mamma?
- Cái áo lót chứ còn cái gì hả bé, để che tí đấy.
- Bao giờ Lila lớn mamma cho Lila cái này nhá
- Được thôi bé. Thế bé có biết nó để làm gì ko thế?
- La biếc. để che cái tí cho muỗi nó ko cắn đúng ko mamma
Ai bảo mẹ hay kéo chăn lên đắp cho bé rồi dặn bé “thế này để che cho muỗi nó ko cắn”.
- Mamma ơi La thíc cái nhẫng của mamma lắm. Bao giờ La lớn mamma cho La nhá.
- Mamma ơi La thíc cái áo này. Bao giờ La lớn mamma cho La cái áo đấy được hông mamma?
- Mamma mặc cái này đẹp quá. Mamma là công shúa đúng hông mamma? Khi nào La lớn mamma cho La hết tất cả nhá?
Ảnh: chiếc nhẫn yêu thích của con gái. Cứ vài ngày lại xin mẹ cho đeo thử một lần.

Lại Lila

 
Tiếng Việt của bé cũng đến hồi chệch choạc giống thằng anh. Chẳng hiểu sao trật tự câu bị đảo lộn hết, nghe chả ai hiểu ngoài mẹ:
- (từ phòng tắm hớn hở xộc ra trần như nhộng) Mamma La xong rồi tắm
- (giọng mặc cả, tối nào cũng thế) La chỉ ngủ một cái bé tí thôi mamma nhá
- (năn nỉ khóc lóc khi mẹ có việc phải ra ngoài) Mamma ơi mamma đi ra ngoài tí tẹo lắm được không mamma?
Mồm miệng thì lém không ai bằng.
- (Bà Nuôi dọa) Lila mà hư bà giận bà bay về trời
- bai về trời cho La túm ống quần bà được hông?
- (Mẹ dọa) Nhõng nhẽo vừa thôi nhé. Đá đít
- (Đáp trả liền) Đá đít mamma thì có đấy (xong hát luôn rất thản nhiên và liền mạch) Kìa chú là chú ếc oong (nhấn mạnh) ó aiai mắt toòng.
Hôm qua mẹ bảo:
- Tại sao mẹ yêu bé thế bé?
- (nhăn nhở) Tại vì mamma là con chó coong của Lila
- Thế bé là con gì của mẹ?
- (mắt hiếng hiếng tinh nghịch) Lila là con mắm của mamma
Biệt danh con mắm xuất hiện vì con gái gầy quá. gầy như một bộ xương. Gần 3 tuổi rưỡi mặc vừa quần áo của bọn một tuổi rưỡi. Quần áo ko bao giờ chật, chỉ cộc lên. Con em 9 tháng đợt vừa rồi bí quần bí áo mượn quần chị mặc, vừa in. Mỗi tội con chị đang ngủ mở mắt ra thấy con em đang mặc quần của mình thì đòi lại bằng được. Khổ thân con em lại phải tụt quần trả lại. Mặt em giờ to hơn mặt chị, chân tay thì ăn đứt từ lâu.
Mẹ chán nản: có hai đứa con gái. Đứa thì vừa gầy vừa vổ, đứa thì vừa béo vừa móm. Thế là sao đây.
Ảnh: đi vào Castelli với mẹ. Con gái chỉ một cái bờm đòi mua. Mẹ xem giá rồi ngần ngại “bé có thật sự thích cái bờm này không?”. Con gái gật lấy gật để “có, có, La thíc lắm, mamma mua cho La đi”. Mẹ đành rút ví trả tiền. Hôm đầu tiên đi ngủ cũng đeo bờm. Ngủ bờm rơi ra lúc nào ko biết, nửa đêm khóc lóc tìm bờm, sáng ra ko thấy bờm trên đầu thì lục tung chăn đệm lên tìm, tìm được lại đeo lên ngay ngắn. Được đúng hai hôm. Chiếc bờm giờ xếp xó.
Chào các bạn. Nhà cún béo đi nghỉ hè ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thuê một du thuyền chung với hai gia đình nữa, đi thăm các đảo và các thành phố ven biển của nước Thổ. Dạ dày mình đang lởm khởm thế này ko biết đồ ăn Thổ có xơi được không đây. Người gầy gần giống một bộ xương, có khi chả dám mặc bikini.
Chúc các bạn nghỉ hè vui vẻ

Monday, August 1, 2011

Anna


 
Em của mẹ, chỉ trong vòng 15 phút em đã kịp đập vỡ một cái cốc thủy tinh, lôi toàn bộ sách trên các ngăn em với tới được vứt phạch xuống sàn, móc quần áo bẩn ra khỏi giỏ đồ giặt kéo lê vung vãi khắp nơi, lật đổ một cái ghế, bẻ gẫy cái tàu bằng Lego thằng anh vừa hì hục xếp, xé rách sách của chị gái đang đọc, vần cái cục ổn áp nặng đến hơn 1kg ra khỏi vị trí, đập bồm bộp cho mặt tủ kính lấm lem vết tay và vết nước dãi, đồng thời mồm nhai nhóp nhép một mảnh nilon ko biết em móc được từ xó nào ra. Giữ em lại thì em oằn người trườn ra để phá tiếp. Chân tay giò cẳng gì mà khỏe thế không biết, đạp phát nào ra phát nấy. Cả nhà mếu vì em.
Em bắt đầu đứng bỏ tay. Đứng ko yên còn nhún nhún nhảy nhảy, thế nên chỉ mấy giây là ngã sấp ngã ngửa xuống sàn. Nhiều khi vịn được vào tay mẹ đứng lên em còn nhảy múa như hóa rồ. Chắc em cảm thấy em thấp quá nên giờ vịn được ai là em vịn rất tranh thủ. Vịn mẹ, vịn bà Nuôi còn đỡ. Chứ vịn mấy bố con đãng trí nhà kia, đang cho em vịn chúng lại chạy tót đi mất rất vô trách nhiệm. Em ngã sóng soài, khóc váng lên.
Hôm nọ, em với được lên bàn, lôi tuột đĩa mỳ con chị đang ăn xuống. Đĩa mỳ ụp lên đầu em, mỳ, dầu, sốt tóe loe bê bết. Em bị kéo đi tắm gội hết một lượt từ trên xuống dưới, kỳ cọ như người ta tắm cho chó mèo mặc em khóc lóc phản đối. Em cáu đến mức khóc toáng lên ko dừng được và chỉ dừng khi chộp được cái khăn tắm toàn nước với xà phòng nhanh như cắt cho lên miệng mút chùn chụt.
Giờ em biết em hay bị người khác lấy đồ khỏi tay nên vớ được cái gì và thấy bóng mẹ chạy tới là em hấp tấp cho vào miệng nhai ngay. Viên sỏi mà em làm thế nào cắn được nó ra thành mấy mảnh. Hôm nọ thì mẹ kịp giật ra khi em định cho đồng xu vào miệng. Một đồng xu trong số rất nhiều các đồng xu mà bố em đánh rơi suốt ngày chả buồn nhặt, nói mãi cũng thế. Chỉ khổ mẹ chui vào đủ gầm ghế gầm bàn gầm giường gầm tủ nhặt tiền xu hầu một số người.
Em có anh chị lớn nên em thi đua khủng khiếp. Chị mà hát là em cũng hát cũng nhảy. Anh mà nhảy là em cũng nhún nhảy hoặc hấp tấp đứng lên bỏ tay ra khua rối rít. Ai nói chuyện là em cũng góp cái giọng giòn giã của em vào. Mỗi lần anh chị reo “yay” là em cũng đứng thẳng lên giơ hai cánh tay ngắn cũn lên quá đầu, mắt cười tít. Anh chị mà làm trò gì cho em xem thì em cười như nắc nẻ. Mẹ thích cái giọng cười khanh khách giòn tan thơ ngây của em quá đi mất.
Em thích mẹ lắm. Mẹ đang bế ai có chìa tay ra em cũng lắc hoặc ngó lơ đi chỗ khác. Ai đang bế mà mẹ chìa tay ra là em oặt người nhào sang, điệu bộ giống hệt con chó play dead trong một chương trình của David Letterman. Khi cần gì, em nhào vào lòng mẹ mồm gọi mamma rất sõi, 4 cái răng nhe nhe. Thỉnh thoảng đang chơi em nhớ mẹ hay sao đó, em tìm mẹ và rúc vào ngực mẹ bằng được để em hít hà sờ mó. Da em mát như thạch, em chắc và thơm như một nắm xôi nếp. Mẹ thích em quá đi mất.
Ảnh: chỗ nào cứng hoặc ráp làm đau đầu gối em thì em có sáng kiến bò như nhện thế này đây.