Thursday, May 31, 2012

Tinh thần thể dục

    

Ngày hội thể thao ở trường Lê La. Từ sáng bọn học sinh, mỗi đội một màu khác nhau, đã tập trung thành từng hàng dài dưới sân. Bố mẹ ngồi kín một vạt khán đài, mặt mũi ham hố.

Lễ khai mạc, tiếng loa oang oang “bây giờ chúng ta hãy dành 30 giây tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất vừa qua”. Trên khán đài và dưới sân im phăng phắc nghe thấy cả tiếng con ruồi bay qua. Một giây, hai giây, ba giây, giữa thinh không vắng lặng tự nhiên nghe óe lên một tiếng, rồi một giọng Việt Nam cất lên hoành tráng “Ang na muống mamma. Ang na muống mamma”. Bắt đầu nghe tiếng cười rúc rích. Mình ngượng đúng là chỉ muốn độn thổ. Không hiểu làm sao nhà này ai cũng thuộc diện đi nhẹ nói khẽ cười duyên mà cái con Anna này giọng cứ vang rền.

Các cuộc thi bắt đầu. Trời càng lúc càng nắng nóng. Mình sáng đi vội ko ăn sáng, cộng thêm cái nóng hầm hập chói mắt, chỉ muốn xỉu. Mình chưa kịp xỉu thì một vị phụ huynh đã lăn ra xỉu trước, xe cấp cứu chạy đến, nhân viên y tế khiêng cáng chạy lúp xúp. Lý do là vị phụ huynh nhịn ăn vì sợ béo, nắng, nóng, chịu không nổi lăn quay ra đất. Các phụ huynh nữ ở trường Lê La cực kỳ đỏm dáng, luôn ngất nghểu trên giày cao gót từ 10 phân trở lên, bơm vá khắp nơi, phục trang sành điệu, luôn ám ảnh nỗi lo thừa cân.

Con thể dục cứ thể dục, bố mẹ tiếp đồ ăn đồ uống cứ tiếp đồ ăn đồ uống. Con đang chuẩn bị co giò chạy vì đã đến lượt thì bị mẹ lôi tuột ra nhét bánh vào tay bắt ăn. Các bà mẹ Ý cũng rất lo lắng chuyện ăn uống của con. Mà mình thấy mang tiếng là ngày hội thể thao chứ thực ra hội chú Bình Nguyên bé tí, ông con mình lại còn bé nhất trong số những thằng bé tí, toàn chơi những trò vớ vẩn kiểu chạy vòng vòng quanh một cái đôn, chui qua một đường ống, nhảy qua một cái vòng, tóm lại không khác xiếc khỉ là bao nhiêu.

Gần trưa mình chở bà Nuôi và Anna về nhà. Ăn trưa vội vàng rồi đi đón ông con. Chở ông con về nhà rồi đi đón bà con. Chở bà con về nhà đã hơn 4h. Đưa đón chầu chực cả ngày, chiều về mình ê ẩm hết cả người. Đúng là full time driver chứ chả chơi. Chả thể dục thì đừng. Đón con về thì đến lượt có người đến xem nhà. Rồi ông thợ sửa đường ống đến sửa đường ống trong bếp. Rồi nấu nướng. Hết một ngày của nội trợ kiểu mẫu.

Lúc mẹ đến đón ông con ở sân thể thao về, ông khóc lóc phản đối vì muốn đợi nhận huy chương. Mẹ bảo “huy chương của lớp Lê ngày mai mới trao con ạ”. “Ngày mai là mấy giờ hả mamma?”, “9h sáng mai đấy”. “Sớm thế Lê làm sao đến kịp?”, “À, nếu Lê cố gắng đừng đi ị đúng lúc chuẩn bị đi học thì sẽ kịp đấy Lê ạ”. Sáng nào, cứ đến lúc mở cửa chuẩn bị đi học mà ông con tru tréo “Lê phải đi poo poo” đoạn vớ quyển sách chạy biến vào nhà vệ sinh, là mình chán đời. Cứ dăm ngày mình lại chán đời một lần, ko vì Lê thì vì La. Cái tật đọc sách trong nhà vệ sinh của một số người không ngờ lại mang tính di truyền

Wednesday, May 30, 2012

Tự nhiên nhớ ra

2002. Tôi hẹn uống nước với một cậu bạn. Chính xác ra cậu ta là bạn của anh. Anh nhờ cậu ta chuyển cho tôi một món quà. Tôi chẳng nhớ anh viết gì trong tấm thiệp, chỉ nhớ câu kết “yêu em”.

Cậu bạn hỏi “em và nó thế nào rồi?”, tôi bảo “anh ấy vẫn gọi điện, nhưng càng ngày càng thưa đi”. Hồi mới về nước anh gọi cho tôi hàng ngày, mỗi lần 1, 2 tiếng, rồi hai ngày một lần, rồi tuần hai lần, rồi tuần 1 lần. Lúc cậu bạn hỏi, đã gần 2 tuần mà anh chưa gọi.

Nghe tôi nói thế, cậu bạn quay sang tôi, giọng rất nghiêm nghị “em nghe này, nếu nó vẫn còn gọi điện tức là nó vẫn còn yêu, hiểu chưa?”.

Phải, tôi biết anh vẫn còn yêu tôi chứ. Anh còn yêu tôi lúc đó và rất lâu sau đó nữa. Anh là một người đàn ông đẹp trai và thành đạt. Trong quỹ thời gian bận rộn của mình, anh đã cố gắng thu xếp thời gian để gọi cho tôi. Người đàn ông đẹp trai và thành đạt cho rằng thế là đã đủ để minh chứng tình yêu. Nhưng vấn đề ở chỗ tôi tin rằng tôi xứng đáng được yêu nhiều hơn thế.

Anh không biết đâu. Anh gọi ngày thứ 5. Thứ 6 thứ 7 tôi nhảy múa hát ca như một đứa trẻ. Chủ nhật, niềm hân hoan lắng xuống, tôi bắt đầu tự hỏi hôm nay anh làm gì. Thứ hai tôi tự hỏi tại sao anh không gọi cho tôi. Thứ ba tôi buồn ngơ ngác, mở điện thoại xem liên tục, chỉ sợ máy mình mất sóng anh gọi tới ko được. Thứ tư tôi ủ rũ, đi làm đi chơi như cái máy và trong đầu chỉ toàn nghĩ đến anh. Lại thứ 5, tôi làm xong việc lủi thủi đi về nhà, trong đầu tưởng tượng ra một tỷ lý do anh không gọi cho tôi, tôi xem giờ bên này, tính giờ bên ấy, đợi đến khi biết chắc rằng hôm đó anh sẽ ko gọi.

Cho đến một hôm, lòng tự kiêu trong tôi trỗi dậy, và câu nói của cậu bạn là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Enough. Thỉnh thoảng một cuộc gọi, điều đó có nghĩa với ai chứ chẳng có nghĩa gì với tôi hết. Tôi trẻ, và tôi có cả tá đàn ông hâm mộ. Từ hôm đó, tôi không trả lời những cuộc gọi của anh nữa. Anh ghen điên cuồng, anh gọi dai dẳng đến mức một ngày tôi tháo sim vứt luôn vào sọt rác, thay sim mới.

Sau này, tôi luôn luôn nhanh chóng bỏ rơi đàn ông, nhất là khi tôi tin rằng mình xứng đáng được đối xử tốt hơn thế.

Cuộc đời này quá ngắn, làm sao có thời gian cho phép người khác làm mình đau đớn?

Khi ngoài 30 tuổi, tôi lại ngộ ra một điều nữa: cuộc đời này quá ngắn, làm sao có thời gian cho phép bản thân mình làm người khác đau đớn?

Tuân thủ đúng điều đã ngộ, dạo này mình tử tế với chồng không tưởng được. Như kiểu mình đi tập về, mở cửa ra thấy ngài đang ngồi trên sofa đợi sẵn, quần đã cởi nhưng áo thì chưa. Thấy mình về ngài lao tới “em ơi, tầm này mà anh chưa được ăn thì anh nhức đầu lắm”. Hơn 9h tối, mình mệt chết đi được, cứ tưởng ngài về trước thì ngài đã chuẩn bị món gì đó, ai ngờ lại ngồi nhịn đói đợi vợ. Thế mà mình vẫn không nổi cơn tam bành, vẫn lon ton vào bếp chuẩn bị bữa tối cho ngài. Càng nghĩ càng tin rằng mình thật là một người vợ nhân hậu tử tế.

Monday, May 28, 2012

Ở chợ có Ali

Chính xác ra không phải là chợ, mà là siêu thị. Ở siêu thị có Ali.

Ali là một anh chàng người Pakistan, làm cái nghề gọi là supermarket bagger, tức là tự nguyện giúp khách cho đồ vào túi tại quầy trả tiền, tự nguyện mang đồ ra tận xe cho khách, cho bao nhiêu tùy vào lòng hảo tâm của khách.

Ali là một ví dụ điển hình cho lý thuyết của mình: trên đời này, ko cần phải làm giám đốc, chủ tịch, ông này bà nọ mới nên thân với đời, một người dù ở vị trí nào miễn làm tốt nhiệm vụ của mình, là xứng đáng được trân trọng. Mình cũng thử vài anh rồi mới chốt lại ở Ali. Một lần, vì không mang theo tiền mặt, mình từ chối khi Ali đến gần định giúp. Ali hiểu ra xua tay bảo “lúc nào chị cũng cho tôi nhiều tiền, hôm nay chị không cần phải cho tôi gì cả”, nói đoạn nhanh nhẹn vác hộ mình mấy túi đồ ra xe. Từ đó mình chỉ nhờ Ali mà thôi. Ali mùa đông chỉ có một bộ, mùa hè chỉ có một bộ, nhưng vẫn rất sạch sẽ tươm tất. Ali rất nhanh nhẹn, lạc quan, vui vẻ, sáng ý, việc gì mình cũng chỉ cần nói một lần là hiểu, ko làm sai bao giờ, xe chỉ cho một lần là nhớ, nhà dẫn đến một lần là biết, mình hay đi mua đồ ngày nào cũng biết, đồ nào để vào túi nào, đồ nào để riêng, nước lấy loại nào, chỉ dặn một lần là nhớ hết. Mình có cái tính nói gì cũng chỉ thích nói một lần, nên gặp người tối dạ, nói mãi mà vẫn ko hiểu, vẫn làm sai, là mình tránh. Cạnh tranh với Ali có một cậu mặt mũi lúc nào cũng bí xì xị, dặn một đằng làm một nẻo, bị một lần là mình cạch luôn. Thấy mình hay nhờ Ali, cậu ta cay cú còn lèm bèm “lúc nào cũng phải Ali mới được”, bị mình lườm cho một trận.

Mình tiếp xúc với nhiều người, ở đủ mọi tầng lớp, thấy có nhiều người làm những công việc danh giá mà đầu óc chậm chạp, messy, tối dạ, chỉ là may mắn mà lên được cao đến thế. Rồi ở cao thế mà cũng chẳng tạo được uy tín gì ra hồn. Ngược lại, có nhiều người làm những công việc thấp cấp mà cực kỳ thông minh, chu đáo, sáng ý, chỉ là do xuất thân quá thấp nên buộc phải như vậy mà thôi. Và dù là thấp cấp họ vẫn tạo dựng được uy tín tương đối trong xã hội.

Chuyện hơi hơi liên quan: nhiều người hồi trước biết mình thường bảo “như mày/em, ở nhà chồng nuôi làm gì cho phí”. Mình thường gật gù “ừ, phí” nhưng thật ra phí gì mà phí. Với mình, đi làm chỉ có mục đích là kiếm tiền. Do đó, nếu trong gia đình người đàn ông đủ sức lo cho cả gia đình về kinh tế thì người vợ đi làm hay ko là lựa chọn cá nhân. Với mình, ko cần tiền thì đi làm làm gì cho phí, đời có bao thứ hay ho để làm. Ai đó nói ở nhà là ăn bám chồng tức là một là người đó lớn lên chứng kiến người xung quanh mình quan niệm nếu ko mang về nhà được dăm ba đồng một tháng gọi là thì tức là ăn bám, hai là người đó có người chồng không tốt. Trên đời này có rất nhiều người chồng không tốt, không trân trọng sự vất vả không tên của người vợ, cuộc sống gia đình cứ phải là vài đồng tiền mang về hàng tháng mới coi là đóng góp, còn mười mấy tiếng lao động không công hàng ngày thì không coi là gì.

Ngày xưa mẹ mình thường lo lắng “con ơi mày kiếm nhiều tiền thế rồi ế chồng thôi con ạ”. Cụ sợ con gái về sau phải gánh vác gia đình. Giờ cụ lại lo con gái ở nhà làm nội trợ, đẻ một đống con, lôi thôi xấu xí, thằng rể thì ngày nào cũng mặc như chú rể đi làm, rồi thì chắc chắn nó có bồ ruồng rẫy con gái mình.

Ruồng rẫy thì ruồng rẫy chứ sao, hồi trẻ mới cần đàn ông chứ giờ đây già rồi đây chẳng cần đàn ông nữa. Ruồng rẫy thì ruồng rẫy nhanh lên để đây còn nhiều kế hoạch khác. Chồng nghe vợ nói thế thì giơ tay định tát may vợ né được.

Thursday, May 24, 2012

Linh tinh

   

Ngày xưa, có lần đi cùng một anh vào trường Đại học ngoại ngữ, đi qua cổng, có hai đứa con gái đang ngồi chơi ở cổng cứ nhìn mình chằm chằm. Mình đi qua thấy một đứa nói nhỏ với đứa kia “con này người đẹp nhưng mặt xấu” ặc ặc. Mình chắc tại anh kia người nước ngoài ăn vận lịch lãm trông nổi nổi nên mình mới bị hai bạn kia soi mói đì đọt.

Lại thêm bà Nuôi, “cô mà không trang điểm xấu chết mẹ”. Gần đây lại có con bạn học cùng ngày xưa “ấy mà không trang điểm trông chán hẳn”. Đời thật là đen bạc.

Dạo này mình hay nghĩ vẩn vơ. Khi nào mình già chắc chắn mình sẽ không thể vắt vẻo trên giầy cao gót như bây giờ được. Sau đó, già thì tay sẽ run. Tay run thì làm sao mà kẻ mắt được? Mình nghĩ ngợi chuyện này vì hôm nọ mình gặp một cụ già gần 70 tuổi, rất đẹp lão, mỗi tội mắt kẻ chì đen nham nhở run rẩy như gián nhấm. Không giày cao gót, ko mắt mèo, thế này thì mình lại trở về cái máng lợn mất, lo quá.

Hôm qua mình đã có một quyết định rất quan trọng. Số là tập pilates xong mình bèn sang hóng ở phòng Oriental dance ngay cạnh. Cô giáo không trẻ, cũng ko xinh, nhưng khi cô ấy vươn cánh tay ra thì mình cứ nhìn mãi cánh tay cô ấy. Cánh tay dài, nâu, săn, thon, rất đáng yêu. Mình quyết định sẽ phải tiếp tục giữ thân hình mảnh mai hiện nay, ko cố gắng vật vã tăng cân làm cái con khỉ gì cả.

Hôm nọ, đang nói chuyện với con bạn ở câu lạc bộ thì mình nhìn thấy một cặp vợ chồng đi qua. Nhìn phong thái thì đoán chắc là đại sứ và đại sứ phu nhân đã về hưu. Ông chồng thì lịch lãm vô cùng. Bà vợ cũng ăn vận toàn đồ đắt tiền, nhưng áo đỏ chóe, váy xanh chóe, giày xanh chóe, môi son đỏ chót, mặt vác lên trời, trông đồng bóng không chịu nổi. Cái chuyện ăn mặc cũng giống như dùng nước hoa, cứ dần dần rồi quá đà lúc nào không biết. Mình chỉ hy vọng về già mình không đồng bóng và kênh kiệu đến mức ấy.

Hôm nay rẽ vào một cửa hàng thời trang. Mình thích một cái áo mỗi tội nó quá rộng. Bà bán hàng bảo “cái áo cô đang mặc còn rộng hơn cái áo này”. Mình đang mặc áo của chàng. Dạo này mình toàn mặc áo của chồng đi ra ngoài, dài đến đầu gối mình cũng mặc kệ. Bà Nuôi có lần còn lo ngại “trời, cô mặc áo của ông cô đi cùng như vậy hả”. Với thực trạng này có lẽ mình chẳng cần lo một ngày nào đó sẽ ăn diện đến mức lố bịch như vị đại sứ phu nhân ở trên.

Wednesday, May 23, 2012

Marinella

    

Hôm nọ, trong một nỗ lực cải thiện tuổi già đang sầm sập đến, mình quyết định mua một lọ nước cốt Aloe Vera rõ to về uống. Bụng nghĩ thôi thì cứ uống bừa, lô hội vốn tốt, không bổ ngang thì cũng bổ dọc. Về nhà, hăm hở mở ra uống, rủ cả bà Nuôi uống cùng cho trẻ lâu, ai ngờ trời ơi, nước gì mà chua loét như cứt mèo, mùi vị kỳ dị. Nhắm mắt bịt mũi uống được đúng hai lần thì đầu hàng vô điều kiện. Thôi, dẹp, chả trẻ thì đừng.

Mấy hôm trước mình sang Bộ làm hộ chiếu ngoại giao cho cả nhà. Chìa ảnh chàng, cô làm hộ chiếu nhận ko nói năng chi. Chìa ảnh Bình Nguyên, cô ngắm nghía gật gù ko nói năng chi. Chìa ảnh Lila cô nhìn nhìn cười cười, nhận luôn, vẫn chẳng nói năng chi. Chìa ảnh Anna cô ngắm mãi, khen nức nở con bé trông giống búp bê quá. Chìa đến ảnh mình, cô nhìn nhìn rồi hỏi vẻ vừa ân cần vừa ngần ngại “chị có muốn đổi ảnh khác không?”. Giận quá.

Tối qua, ăn uống no say xong ngài bảo “anh đi chạy đây”. Ngài đang ráo riết chạy bộ để lấy lại cơ cho quả chân gãy, mục tiêu là “tháng 6 này anh lại đá bóng như thường”. Nói đoạn, ngài đánh độc một chiếc quần lót, xỏ giày thể thao, và bắt đầu chạy lẹp bẹp trong nhà. Chạy được chục vòng ngài chán, chê không có cảnh đẹp, nên mặc quần áo tử tế rồi tót ra ngoài chạy dọc bờ sông. Mình đang lo. Tháng 6 đóng đồ chuyển nhà, ông đá bóng mà gẫy chân lần nữa thì chắc đời mình xuống dốc.

Buổi sáng, chồng đang mặc quần áo chuẩn bị đi làm, vợ tiến lại ngắm nghía “is it a Marinella?”. Chồng lập tức gầm lên “thằng nào đã nói cho em về Marinella?”. Vợ nhún vai bỏ đi. Chồng đi theo “thằng nào trong số những thằng em từng thích biết về Marinella?”, gặng hỏi đến lúc vợ phải hai tay dắt hai con chuồn vội ra khỏi nhà mới thôi. Nếu vợ đã hỏi “is it a Louis Vuitton/Armani/Dolce Gabbana?” thì chắc chồng đã ko làm loạn lên như thế.

Nếu bạn đang tìm hiểu một người đàn ông, mà trong tủ quần áo của anh ta có cravatte Marinella, thì hãy cho anh ta cơ hội. Một người đàn ông đã ở mức biết tới và sử dụng Marinella, thì hẳn phải là một người đàn ông lịch lãm đẳng cấp.

Monday, May 21, 2012

Phải mang đi bắn bỏ

Từ hồi đứa con đầu tiên biết bò biết lấy mọi thứ cho vào miệng, mình đã năn nỉ ngài đừng bỏ tiền xu vung vãi khắp nơi như thế. Hơn 6 năm nay mình dọa dẫm có, làm ầm lên có, giải thích có, dỗ dành có, thậm chí là van vỉ cũng có, mà tiền xu vẫn cứ vung vãi khắp nhà, trên bàn, dưới sàn nhà, trên giường, trên sofa, ngăn tủ thấp cũng thấy tiền xu, thậm chí hôm qua còn thấy mấy đồng xu để khép nép trên cái khay mình chỉ dùng để đựng chìa khóa. Con mình cả 3 đứa đều thích cho mọi thứ vào mồm từ lúc biết cầm đến lúc ngoài 3 tuổi, nhiều khi đang săm soi cái gì trên tay thấy mẹ chạy đến là bỏ tọt luôn vào mồm để giấu. Thế nên chửa Lila 9 tháng mình bò lồm cồm trên sàn nhà nhặt tiền xu vì sợ Ale cho vào miệng. Chửa Anna 9 tháng mình cũng bò lồm cồm trên sàn nhà nhặt tiền xu vì sợ Lila cho vào miệng. Giờ Anna một tuổi rưỡi mình vẫn đang bò lồm cồm trên sàn nhà hàng ngày nhặt tiền xu đây.

Mình nói bà Nuôi bao lần là cái gì sắp hết thì phải nhắc mình ngay, hoặc phải viết ra giấy cho khỏi quên rồi đưa cho mình lúc mình đi chợ, thế mà gần 4 năm nay cứ vài ngày một lần lại có thảm cảnh này xảy ra: mình vừa đi chợ về, mệt đứt cả hơi, chưa kịp đặt đít xuống ghế thì đã bị nghe “ôi hết xyz mà tôi quên chưa bảo cô”. Mà hết là hết nhẵn, nếu ko đi mua ngay thì chiều nay Anna sẽ ko có sữa uống vì sữa đã hết sạch, tối nay sẽ ko rửa được bát vì viên rửa bát đã hết sạch, ngày mai ko giặt được quần áo vì xà phòng đã hết sạch, vv và vv. Nhiều lúc mình đề phòng bà Nuôi đến mức đang ở siêu thị trước khi trả tiền mình còn gọi về nhà hỏi cô ơi nhà có sắp hết cái gì ko để cháu mua luôn thể, thế mà nhiều khi chỉ vừa về đến nhà, hoặc ngay ngày hôm sau “ôi xyz hết mất rồi mà tôi quên chưa bảo cô”.

Có lần, chán nản vì sáng thì bò trên sàn nhặt tiền xu, chiều thì phải chạy đi mua gấp vài thứ vì bà Nuôi quên, tối về mình bảo ngài “để anh với bà Nuôi thay đổi thói quen thì chỉ có cách mang đi bắn bỏ”.

PS: ngài có một chiếc xe máy ngài hay dùng để đi làm. Cái xe máy đi về là ngài luôn đỗ ở một chỗ cố định ngay trước tòa nhà. Có một con chó rất oái oăm, ngày nào đi qua nó cũng tương đúng một bãi lên bánh xe sau. Lần nào ngài cũng nhảy tưng tưng lên chửi rủa con chó nọ, lần nào đi ngang qua chỗ đỗ xe mình cũng bị ngài lôi lại chỉ chỉ trỏ trỏ vẻ bất bình “đấy em thấy chưa, nó lại đái lên xe anh rồi, gỉ hết xe anh rồi ”. Mình bảo giờ anh đỗ xe ra chỗ khác đi xem sao. Người gan, cứ đỗ xe đúng cái chỗ đấy, đã bảo là để thay đổi thói quen thì chỉ có cách mang đi bắn bỏ còn giề. Con chó còn gan hơn, sáng hôm sau ra là thấy một bãi roài, trăm ngày cả trăm, đúng bánh xe sau. 3 năm nay người và chó thi gan, bất phân thắng bại và tương lai là sẽ hòa.

Bình luận của cún béo: con chó này có khi cũng phải mang đi bắn bỏ.

Friday, May 18, 2012

Tỏa sáng như ngọn nến trong đêm…

    

Con chị mảnh mai, da trắng muốt, tóc nhạt, giọng nói thanh thanh, răng vẩu.

Con em ục ịch, da dẻ đỏ đắn phởn phơ, tóc sẫm, giọng vang rền, mồm móm.

Hai chị em chỉ giống nhau mỗi cái chân vòng kiềng.

Ngắm hai chị em chơi với nhau rất thích. Chị bắt em làm búp bê để chị chăm sóc, em vui sướng tăm tắp làm theo mọi lời chị bảo. Mỗi tội muốn bảo em nằm xuống để chị đắp chăn cho ngủ, thay vì bảo em tử tế thì chắc muốn cho nhanh chị đẩy luôn vào trán em một cái em ngã chỏng vó.

Nghe câu chuyện của hai chị em rất thích. Anna có thích ôm Lila không, Có. Anna có thích đắp chăn không, Có. Anna có yêu Lila không, Có. Anna có thích bướm không, Có. Anna có thích hác với Lila không, Có. Anna có thích đi công viêng không, Có. Anna cho Lila cái đồ chơi của Anna không, Nầu.

Buổi sáng hai chị em đuổi nhau chạy vòng vòng, chị cười hí hí, em cười há há. Nghe tiếng cười cũng đã biết đứa nào nữ tính đứa nào không rồi.

Thằng con trai, buổi tối nó trèo lên giường định giở sách ra đọc, mẹ bảo “con trai từ từ để mẹ hát cho con trai bài này đã”. Nó ngồi nghe chăm chú. Mẹ hát lần một nó cười hihi. Nổi hứng lên mẹ bảo để mẹ hát lại lần nữa, nó vẫn vừa nghe vừa kiên nhẫn cười hihi. Mẹ hát xong lần hai điệu bộ vẫn muốn hát nữa nên lại năn nỉ “để mẹ hát lại cho con lần nữa nhé”, nó chịu không nổi rên lên “Thôi”, đoạn quay ra vồ ngay lấy quyển sách, không để mẹ kịp trở tay. Mẹ dỗi mò sang giường con em, hát lãi thêm được tận 2 lần nữa:

I wanna call the stars down from the sky

I wanna live a day that never dies

I wanna change the world only for you

All the impossible I wanna do

I wanna hold you close under the rain

I wanna kiss your smile and feel the pain

I know what’s beautiful looking at you

In a world of lies you are the truth

And baby, everytime you touch me

I become a hero

And I’ll make you safe no matter where you are

And bring you everything you ask for

Nothing is above me

And I am shining like a candle in the dark

When you tell me that you love me…

Thursday, May 17, 2012

Thế nào là một người đàn ông cool?

Một người đàn ông cool trước hết phải độc thân. Cún đã có chủ rồi thì không thể được coi là cool nữa.

Sau đó anh ta phải có một căn hộ/ biệt thự đẹp trong một khu đẹp.

Sau đó những đồ đạc bày trong nhà cũng phải đẹp, phù hợp với kiến trúc tinh tế của ngôi nhà.

Anh ta phải có một nghề nghiệp đủ danh giá để có thể tiếp xúc và giao lưu với những người thuộc tầng lớp ít nhất trung lưu trở lên

Anh ta phải nói vài thứ tiếng, phải từng đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới, phải thông tuệ, phải yêu âm nhạc, yêu sách và yêu đàn bà. Anh ta cũng phải đủ yêu bản thân để duy trì một thân hình vừa vặn.

Anh ta phải throw cool parties, đồ ăn phải ngon, đồ uống phải ngon, bày biện phải long lanh, nhạc phải hay, và khách mời phải đẹp. Nhất là khách mời phải đẹp. Đàn ông cool thì hay có nhiều khách mời đẹp. Một party toàn các cô nàng giản dị thì chủ nhân không thể gọi là cool.

Rồi anh ta phải nhảy ở giữa vòng, sơ mi trắng và quần bò, các cô gái xinh đẹp nhảy quấn xung quanh. Không hiểu sao có mặt tại những party của những anh chàng rất cool thấy họ toàn mặc sơ mi trắng và quần bò, trong khi các cô gái ăn diện son phấn ngất trời.

Rồi anh chàng célibataire cool nổi tiếng bỏ vòng nhảy đến hôn tay mình đang ngồi thù lù trên sofa và than thở “Em, tôi cô đơn như một con chó”.

Gần 200 kiều nữ sành điệu mà ông vẫn than ông cô đơn như một con chó?

Mấy ông bạn chí cốt của chồng không hiểu sao rất hay tâm sự với mình. Chắc thấy mình hiền và hay vui vẻ đón tiếp bạn bè chồng. Anh chàng độc thân rất cool này là bạn chí thân của chồng, là một luật sư rất thành đạt. Mỗi lần gặp là một lần thấy ông đang date một em mới. Em nào ông cũng chê ở một điểm nào đó và cuối cùng chỉ vài tháng là ông chia tay. Một lần gặp mình ông than “chẳng hiểu sao tôi toàn gặp những người đàn bà kỳ quặc em ạ. Con bé tôi đang date nó gửi message cho tôi có mỗi chữ gâu gâu thế này thì em bảo sao”, nói đoạn mở điện thoại cho mình xem. Chết cười. Tháng trước cả bọn gặp nhau ăn tối, ông quay sang mình tâm sự “em ạ, tôi dành mấy chục năm đi tìm người đàn bà lý tưởng. Giờ thì tôi nhận ra rằng điều mấu chốt là mình phải trở thành người đàn ông lý tưởng cái đã”. Mồm cứ xoen xoét thế mà gặp cô nào cũng chê. Cô thì không đẹp, cô thì không thông minh, cô thì tính tình kỳ quặc, cô thì quá ghen.

Mình nghĩ bụng may chồng mình có mình rước đi cho, chứ độc thân đến tận giờ thì đảm bảo hâm còn hơn ông kia. Vợ con đề huề mà nhiều lúc còn hâm không đỡ nổi đây. Điển hình là mấy hôm trước ông thông báo ông đã mua thêm một chiếc xe máy địa hình nữa. Vợ trợn mắt chưa kịp nói gì thì ông bảo “em cấm anh mua cái Porsche xanh lá mạ ý chứ có cấm anh mua xe máy đâu”. Đến tối hôm nay thì ông ko có nhà, ông đang bận đi đến tận chốn khỉ ho cò gáy nào đó để rước xe máy về

Tuesday, May 15, 2012

15/5/2012

Cuộc sống càng ngày càng đắt đỏ.

Đầu năm học, tức là tháng 9 năm ngoái, đổ xăng đầy bình có 50 đồng, giờ đã lên 80 đồng. Bạn mình bảo xăng ở Ý đắt đến mức nó lái xe từ Pháp quay trở lại Ý mà phải đổ đầy bình xăng cái đã rồi mới vào đất Ý.

Giá cả ở siêu thị cũng tăng cao. Siêu thị giờ có khi không cạnh tranh nổi với những cửa hàng tạp hóa của người tàu và người Trung đông. Ngoảnh đi ngoảnh lại ở siêu thị chẳng ai phải mua nhiều đồ như nhà mình. Mỗi lần mình chất đồ lên băng chuyền là cậu cashier cảm thán “trời ơi, cả một núi”. Nhiều đồ đến mức toàn phải tự động nhường cho những người có ít đồ thanh toán trước. Gia đình bên này thường chỉ 2 người (vì ko con cái) hoặc 3 (bố mẹ và 1 đứa con). Nhà mình 6 người, mỗi lần đi chợ là è cổ vác đồ về. Đến mức có lần ở ngoài chợ cóc mình còn bị hỏi nhà cô bán hàng ăn à.

Nhà 6 người, đồ ăn và các vật dụng lặt vặt là một chuyện, còn tiền điện, nước, điện thoại, gas, rác, phí chung cư, các loại thuế phí đánh vào bất động sản và ô tô, người giúp việc, rồi thuế phí phải trả cho nhà nước cái tội có người giúp việc, tóm lại là chi phí cực kỳ nhiều. Đấy là còn chưa kể tiền học, tiền đồng phục, quần áo, tiền đóng góp các kiểu của con.

Mình cũng thuộc diện chi tiêu tiết kiệm chứ ko thích vung tay thừa thãi, đặc biệt rất ghét thói hoang phí đồ ăn. Bà ngoại ngày xưa bảo “hạt cơm là hạt ngọc thực”, thấy một hạt cơm rơi cũng nhặt lên, bẩn rồi người ko ăn được thì để cho gà. Lâu dần mình thành thói quen, thấy ai ăn uống lãng phí là nổi da gà. Lê La biết tính mẹ nên ăn là phải vét sạch đồ ăn trên đĩa, đứa nào để đĩa be bét sau khi ăn là bị đứa kia nhắc “vứt đồ ăn đi là hư rồi đúng không mamma”. Các cô giúp việc người VN nào đến nhà mình ban đầu không quen cũng có vẻ choáng, vì theo các cô ấy thì nhà giàu là phải ăn uống thừa mứa, càng lạnh lùng đổ đi càng chứng tỏ nhà giàu, chứ ai lại tiết kiệm như mình. Cũng phải nói mãi luyện mãi các cô ấy mới tập được thói quen lấy cho trẻ ăn chỉ lấy vừa đủ, thậm chí hơi ít, thiếu thì lấy thêm. Chứ ban đầu các cô ấy cứ chất lên đầy phè một đĩa, người ăn gẩy gót ngúng nguẩy làm đồ ăn rơi vãi khắp nơi. Nhiều lần mình bảo bọn trẻ “các con đừng bỏ phí đồ ăn thế này, trên đời này còn bao nhiêu người đói”, các cô giúp việc nhà mình lại tưởng mình điên. Bà Nuôi hồi mới đến nhà mình suốt ngày ca bài ca “cặp vợ chồng tôi làm cho hồi trước, vợ việt chồng tây, họ ăn uống linh đình lắm chứ ko như nhà cô. Tôi đi chợ mua cả triệu (cách đây 7, 8 năm rồi) tiền tôm cua mực, hai vợ chồng họ ăn một bữa là hết. Ăn là phải ăn thế chứ ai ăn thế này”. Ở lâu nhà mình thì bà Nuôi cũng hiểu ra, rằng đồ ăn mình mua toàn đồ ăn ngon nhất, rằng với số tiền có hạn mình thà mua đồ ngon và mua ít còn hơn mua đồ rẻ hơn chút để mua được nhiều. Bà ngoại ngày xưa hay bảo “miếng ngon ăn ít ngon nhiều” mà mình rất thích. Mẹ mình ngày xưa cũng chẳng được như thế. Mẹ mình có thói quen con đã thèm gì là bà mua rất nhiều, ăn cho chán lần sau nhìn thấy ko thèm thuồng nữa. Tưởng đó là thương con nhưng thực ra đó là tâm lý rất sai lầm, là tâm lý của một thời thiếu đói.

Hồi lâu lâu đang dừng đèn đỏ thì có ông già đến xin tiền, quần áo rách rưới răng rụng sạch chẳng còn cái nào. Mình cho ông ta 2 đồng và giật thót cả người vì ông ta sung sướng rú lên “Oh Dio/ôi chúa ơi”, sau đó ông ta luôn miệng cảm ơn đến mức mình phát ngại. Chỉ có 2 đồng mà phải rú lên như thế, đúng là trên đời còn rất nhiều người khổ đến mức không tin được.

Monday, May 14, 2012

Tại bả mải đi đánh bài

Em nói đã nhức đầu cả nhà thế nhưng em mà ko nói thì cả nhà còn nhức đầu với em hơn. Vì khi em im lặng thì em chắc chắn đang giở ra một trò nào đó, trò của em thường vô cùng lợi hại.

Có lần, khoảng 2 phút ko thấy tiếng nhí nháu của em, mẹ chạy đi tìm. Vào phòng Lê La mẹ tá hỏa khi thấy em đã mở túi mẹ lấy trộm ví mang vào đó từ bao giờ. Em đang ngồi tè he chia chác chiến lợi phẩm, tiền mặt, các loại thẻ, các loại hóa đơn giấy tờ, bằng lái, chứng minh thư, em xòe ra như bươm bướm trên sàn. Lila ngồi chầu một bên, em giúi cho cái gì cầm cái đấy. Riêng trong chuyện phá phách thì em là thủ lĩnh băng đảng, Lê La nghe theo em tăm tắp.

Một lần, thấy em ăn rau im lặng khác thường, bình thường đến lúc ăn rau là em vừa xúc ăn vừa hát nghêu ngao vì lúc đó em đã gần no, mẹ chạy lại ngó nghiêng. Thấy đĩa em sạch bóng, mẹ cho em trèo ra khỏi ghế. Em trèo ra một cái lẫm chẫm cắp đít đi thẳng. Mẹ đang định khen em một câu thì trố mắt khi thấy em đã nhét toàn bộ số bí xanh vào cái khe tủ ngay cạnh chỗ em ngồi. Bà Nuôi chẳng hề hay biết vẫn đang trầm trồ “nó ăn hết sạch số bí xanh và cà rốt tôi làm cho nó, con này nó ngoan gì đâu”.

Mẹ đi chợ về, bỏ đống đồ đi chợ đấy vào phòng thay quần áo, không thấy em lũn tũn đi theo hóng như thường lệ. Lúc trở ra thấy lốc sữa chua đã bị dứt đứt lọ nào lọ nấy lăn lóc, một lọ sữa biến đi đằng nào. Cũng không thấy em đâu. Lần theo dấu sữa nhỏ giọt dưới sàn thì tìm thấy em đang nấp trong góc sau tủ lạnh, đang hấp tấp ngửa cổ tu nốt những giọt sữa cuối cùng, mặt sợ sệt lấm lét nhưng điệu bộ rõ ràng là cứ ráng làm cho hết hậu quả đến đâu cũng chấp nhận. Nhìn điệu bộ em thế ai mà giận em được.

Sáng nay, mấy phút liền ko thấy em đâu, mẹ chạy đi tìm. Mẹ tìm thấy em của mẹ đang nằm khểnh, tay kê dưới đầu, trong bồn tắm. Thấy mẹ chạy đến em vội giúi vật em đang cầm khư khư trong tay vào tay mẹ như kiểu “đây, trả”. Lọ nước muối sinh lý dùng để rửa mũi, em đã mút gần hết, mút phải nước muối chắc mặn hay sao đó mà em đang nấc íc íc. Nhà này nước muối sinh lý bị bọn trẻ con uống trộm là chính chứ rửa mũi được mấy đâu.

Gây ra trò gì tai quái bị mẹ lườm là em rụt cổ, mắt nhắm nghiền, mồm cười bạnh vẻ cầu tài nịnh nọt.

Tối qua mẹ gọi “bà Nuôi ơi cho Anna đi ngủ đi cô ơi”. Em nghe thấy thế lon ton chạy thẳng vào giường thằng anh, bật đèn đọc sách, lật chăn, chui vào nằm ngay ngắn, chăn kéo lên tận ngực, giở sách ra đọc chăm chú. Bà Nuôi cười phe phé vừa bước chân vào phòng định bế em ra thì bị em xua tay rối rít “Bà Bôi đi ngụ đi”. Mỗi ngày em giở ra một trò mới toanh làm cả nhà bó gối với em.

Mỗi khi em bày ra một trò làm người lớn phải toát mồ hôi khắc phục hậu quả, bà Nuôi lại lẩm bẩm một mình “bà mụ là bả tính nặn thằng con trai, nhưng tại bả mải đi đánh bài nên thay vì nặn con cu thì bả lấy cục đất bả làm cái bẹt, thế là gồi gồi”.

PS Tuần trước, mẹ cũng vừa đi chợ về, bỏ đống đồ đấy đi thay quần áo. Cũng một khoảng im lặng chết chóc khoảng 5 phút rồi tiếng bà Nuôi la làng. Cả một túi lê gần chục quả con gái đã kịp táp mỗi quả một nhát. Sau đó để mặc bà Nuôi kêu trời kêu đất trong bếp, con gái chạy ra ngoài phòng khách và bắt đầu vừa nhảy vừa hát một bài tự sáng tác“Ép cồ bồ ép cồ bồ ép cồ bồ, ô ô ô ô”, cái mồm bé tí môi mỏng dính tròn xoe ra ô ô rồi dang tay cúi chào rất điệu nghệ. Ai mà giận cho được. Buổi tối mẹ ngồi ăn cố mấy quả lê cho đỡ phí, quả nào quả nấy nham nhở như chuột gặm. No một bụng lê. Điệu này mấy tháng nữa cũng ko có nhu cầu ăn lê.

Sunday, May 13, 2012

Em bé Việt Nam của mẹ

    

Hôm nọ em đang ngồi thu lu như cái đụn rạ, lưng thẳng đuỗn, thì bị mẹ lấy ngón tay chọc cho một cái vào cái bụng tròn xoe, mẹ bảo “trêu đấy, trêu Anna”. Hôm nay, mẹ ngớ ra khi thấy em trèo lên giường, chọc cho mẹ một cái vào đùi lúc mẹ đang ngồi thu lu “trêu mamma”, mồm cười bạnh mắt cười tít. Lúc em không cười thì mắt em to mồm em bé, lúc em cười thì mắt em bé mồm em to. Yêu em lắm cơ.

Có em bé nào một tuổi rưỡi mà ngoan như em không. Khi đói em chạy tới níu áo níu quần người lớn “Na đói, mamma nấu, măm măm”. Cho em ngồi vào ghế là em tự xúc ăn nhem nhẻm. Khi khát em chạy tới khều khều “nướt, khát dồi”. Khi buồn ngủ em chạy tới cái giường đập đập “Na khò”, khò xong em ngồi dậy thông báo “dậy dồi”. Mẹ cho em ăn phở em múa lên sung sướng, em vừa múc ăn tới tấp mồ hôi túa ra trên đỉnh đầu mồm vừa nói beo bẻo “nhon cá, nướt xươn”. Em gọi phở là nước xương. Mẹ bảo “bé có đi đón Lê La với mẹ không nào?”, là em reo lên “có”, rồi lẫm chẫm chạy đi thu đồ chơi cất vào hộp, mồm leo lẻo “cấc, cấc, xong dồi, đi, mamma, áo, giày”, điệu bộ cuống quýt lấy áo lấy giày. Mẹ bảo “đi tắm nào, ai đi tắm với mẹ không” là em nhảy cẫng lên giơ hai cánh tay ngắn cũn lên trời hò reo sung sướng “có, Na Na”.

Em nói suốt ngày. Em gọi thằng anh bằng cả tên đầy đủ chứ ko Ale cụt ngủn như trước. Mỗi tội em hơi ngọng tí, em bảo “A lê nhăng nhô”, có lẽ thế nên em gọi bã bọt mép mà thằng anh thậm chí còn không thèm ngoảnh ra. Mẹ vừa mặc váy ngắn tung tẩy đi ra thì thấy ngón tay béo mập của em chỉ chỉ “Chim mamma”. Mẹ không hiểu “bé nói gì bé?”. “Chim mamma”, tay vẫn chỉ chỉ. “Ô bé hâm rồi. Chim đâu”. “Chim đây này”, nói đoạn chạy tới vạch váy mẹ lên chỉ vào tận nơi. Mẹ đến chết với em thôi.

Đi học về, mẹ vừa lái xe vừa hỏi Lila“hôm nay bé học hát bài nào?”, thì em đang ngồi cạnh ghé vào tận mặt chị hỏi lại “ọc ác bày nàu?”. Anh chị kiểu gì mà toàn lờ, chẳng thèm trả lời em gì cả.

Buổi sáng Lila chạy vào phòng, em bám sát gót, Lila vừa thút thít “mamma ơi Alê đánh Lila”, thì em tiếp lời luôn “mamma, Lê đánh La, đau La”. Mẹ bảo “ừ thế để mẹ bảo anh. Thế giờ bé ra hôn chị cho chị đỡ đau đi”, thế là em chạy tới kiễng chân chìa mỏ hôn chị. Em tình cảm vô cùng. Em thậm chí còn sáng tác bài hát yêu cả nhà, phỏng theo bài “meo meo meo rửa mặt như mèo, xấu xấu xấu chẳng được mẹ yêu” như sau “ “meo meo meo meo meo, lấu lấu lấu Yêu Lila”, sau đó nhảy vài vòng lại tiếp “meo meo meo meo meo, lấu lấu lấu Yêu bà Bôi”, lại nhảy vài vòng lại tiếp “meo meo meo meo meo, lấu lấu lấu Yêu Ale”, cứ thế em tua hết danh sách cả nhà mới thôi, không thiếu ai bao giờ cả.

Ngoài ra thì em cũng cạnh tranh khủng khiếp, mẹ đo nhiệt độ cho anh sốt, em chạy quắng lên hỏi “còn Anna?”, mẹ lại phải chọc cái nhiệt kế vào tai em đo cho đủ bộ. Mẹ cho anh uống thuốc em dậm chân bình bịch “còn Anna?”. Mẹ cho chị ăn kem, em đang làm gì cũng bỏ đấy lăn xả vào hỏi liên hồi kỳ trận “còn Anna, còn Anna?”, đến tận khi mẹ phải cho một mẩu đít cái ốc quế mới thôi. Giọng em của mẹ vang rền, người thì bé mà nói thì to thế không biết. Không chừng về sau em của mẹ lại làm ca sĩ nổi tiếng nuôi mẹ thì thích nhỉ. Số mẹ sướng, hồi nhỏ bố mẹ nuôi, lớn lên chồng nuôi, về già con nuôi, em nhỉ.

Em thèm khát váy áo của chị và nữ trang của mẹ. Hôm mẹ bảo “cái váy này Lila mặc ngắn quá rồi, thôi cho em Na”, em sung sướng chộp luôn cái váy nhung đen hoa nhí, khoác ngược lên người, mồm nắc nỏm “đẹp đẹp ”. Có lần thấy em cứ mắt tròn mắt dẹt nấp ở một góc mút tay nhìn mẹ chuẩn bị đi ra ngoài, mẹ bảo “khi nào em lớn mẹ cho em đôi hoa tai này nhé”, em gật đầu đánh rụp một cái “có, đẹp , cho Nana”.

Ảnh: em tự ăn phở, lấy thìa múc lấy múc để rồi mà hình như vẫn chưa nhanh như ý em muốn, cuối cùng thì em bê cả bát phở lên húp thế này vừa nhanh vừa không rơi ra ngoài tí nào. Ăn xong em đi khắp nhà trèo leo hát ca vang lừng

Friday, May 11, 2012

Linh tinh

Mấy tháng trước hai vợ chồng rủ nhau đi ăn tối ở một nhà hàng VN. Mình gọi phở bò chồng gọi cơm rang rau. Mình thèm phở thế mà nhà hàng dọn lên bát phở mình ăn không nổi. Bánh phở cứng quèo. Vài miếng hành lá nổi lều phều. Thịt bò gây. Tệ nhất là nước phở, nhạt thếch không ra cái mùi vị gì, chỉ thấy vị mặn của muối và vị lợ của mì chính. Buồn cười nhất là đĩa cơm rang của chồng dọn lên, toàn cơm là cơm chỉ điểm vô cùng lơ thơ vài miếng cà rốt thái bé hơn cái móng tay út. Chàng dỗi, trả lại. Nhà hàng lụt cụt bê đĩa cơm đi rồi chàng còn quay sang bảo mình “chắc chắn nó nghĩ anh stupid lắm nên mới cho anh đĩa cơm rang rau kiểu thế”. Nhà hàng này hồi trước cũng không đến nỗi tệ. Mỗi tội ít khách quá nên chắc họ tìm cách tiết kiệm chi phí. Nhưng mà ai lại tiết kiệm chi phí kiểu thế.

Cuối buổi cậu phục vụ lân la ra nói chuyện với mình. Cậu ta người Thái Bình, gầy và xanh rớt, được cái hay cười hớn hở. Cậu ta bảo “chị ơi vợ em nó mới sang, chị có việc gì chị cho nó làm giúp em. Nó nói được cả tiếng Anh và tiếng Ý”, đoạn ghi số điện thoại cho mình. Mình bảo “chị sẽ cố nhưng mà chị ko dám hứa”.

Tự nhiên mấy hôm sau ngồi lẩn thẩn lại nảy ra một ý tưởng theo mình là rất hay. Hai vợ chồng con bạn mình khó khăn, lại đông con, nó vật vã hàng tháng nay ko tìm được người giúp vì ko thỏa thuận được tiền công. Thế là gọi cho con bạn “tao có một người có thể giúp mày. Tao chắc chắn cô ấy sẽ chấp nhận rate của mày. Cô ấy ko có kinh nghiệm gì nhưng mày chỉ cần chỉ cho cô ấy một vài lần là cô ấy sẽ học được”. Con bạn mình đồng ý phỏng vấn. Mình gọi điện cho cậu kia định cho số con bạn thì cậu ý bảo “chị G à, chị gọi cho bạn chị hẹn gặp cho em, chị hiểu chưa, vợ em tiếng Anh tiếng Ý nó nói được ít lắm, sợ chị ý hẹn ngày giờ địa điểm mà nó ko hiểu, chị hiểu chưa. Rồi cái hôm phỏng vấn nhờ chị đi cùng giúp luôn, chị có thể hẹn ở chỗ nào gần nhà chị cho chị tiện đến cũng được, chị hiểu chưa”. Từ đầu đến cuối mình cứ bấm bụng ngồi nghe “chị hiểu chưa”. Cậu ta nói xong mình bảo “được rồi chị sẽ hẹn phỏng vấn và nhắn lại cho em, nhưng đi cùng thì chị ko đi được vì chị rất bận”. Xong rồi gọi cho con bạn mãi nó chẳng nghe máy, hôm sau mình lại đi nước ngoài, thế là mình đành nhắn tin cho con bạn bảo nó liên hệ với hai vợ chồng kia.

Cuối cùng thì họ cũng hẹn hò được với nhau. Hôm hẹn, cô vợ kia người ta hẹn 2h thì gần 4h mới hớt hải gọi cho mình “chị ơi chị gọi điện cho bạn chị bảo là em lạc đường đến muộn”. Một lúc sau lại gọi mình nữa “chị ơi, em đến đây rồi nhưng không biết bấm chuông nhà nào”.

Xong từ hồi được bạn mình nhận làm đến giờ thì mất hút, ko cám ơn mình câu nào, cũng ko báo mình một câu là chị ơi em được nhận vào làm rồi. Mà thôi, mình cũng chẳng cần cám ơn, ko cần update, miễn là hai vợ chồng cô ấy kiếm thêm được ít tiền trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở thành Rome này.

Sáng nay đang ngồi cà phê vỉa hè với cậu bạn thì có cậu da đen đến nói chuyện với cậu bạn. Cậu da đen người Algeria, dân bóng rổ, đang nhờ cậu bạn mình xin cho một chân làm việc. Cậu ta quay sang bảo mình “Chơi cho các câu lạc bộ nhà nghề ở đây rất khó vì họ đòi phải có giấy tờ hợp pháp. Ngoài bóng rổ ra tôi chẳng biết làm gì khác, hiện tại  tôi đang kiếm sống bằng nghề bán dạo này để đợi cơ hội chơi bóng tiếp. Chị biết không, ở đời phải kiên nhẫn. Tên tôi (cậu ta nói ra một cái tên Imxa gì đó) có nghĩa là kiên nhẫn”. Ở thành Rome rất hay gặp các cậu da đen bán bít tất, khăn mặt, khăn giấy. Chẳng hiểu họ kiếm được bao nhiêu mỗi ngày. Mình bảo Imxa “cậu có cái khăn gì đấy, cho tôi xem”. Mình trả tiền, cậu Imxa sướng “Thank you mme, you make my day”. Có khi cậu Imxa lại tưởng mình ngố, cái khăn xấu như điên thế ngoài siêu thị bán 2 đồng là cùng mà tự nhiên lại đi mua 10 đồng của cậu ta làm gì.

Cậu bạn hỏi “lịch ngày hôm nay của em như nào?”, bảo “sáng 9h hẹn uống cà phê với anh. 11h30 hẹn ăn trưa với hai cô bạn. 1h30 có người đến xem nhà. 2h chiều hẹn uống cà phê với một cô bạn khác. Sau đó đi đón con. Đưa chúng nó về nhà là 4h chiều thì phải trang điểm để 5h đi nghe hòa nhạc. Shamefully busy”.

6h chiều nay có buổi hòa nhạc do tổng thống tổ chức, nhạc trưởng nghe nói nổi tiếng lắm mà mình quên tên rồi. Chẳng biết có ra gì không chứ dạo này cứ ngồi xuống ghế êm êm nghe nhạc nhẽo du dương là mình ngủ gật. Đêm qua con Anna hành mình đến phát khóc lên được đến tận hơn 2h sáng. Thế nên khả năng lớn tối nay mình lại ngủ gật.

Thursday, May 10, 2012

Haiz

Lâu lắm hôm nay mới lôi một cái váy cũ ra mặc. Cái váy này may từ hồi chú Bình Nguyên được 10 tháng gì đó, tức là lúc đó mình đã gầy lắm rồi. Phần ngày xưa là đai giờ tụt xuống tận hông, thế là lại phải lấy thắt lưng thắt vào. Cáu thật. Tại sao bạn nào sau khi có gia đình có con cũng đều phát tướng mà mình thì càng ngày càng teo tóp đi một cách thảm hại? Bình thường ko nhận ra mình teo tóp dần đi, nhưng mặc lại quần áo lâu lâu ko mặc một cái là biết nhau ngay.

Mình nói thật là cũng ko muốn phát tướng quá, nhưng gầy quá cũng chẳng muốn. Phụ nữ kiểu gì cũng phải có da có thịt một tý mới hấp dẫn chứ cứ còm nhom như bó củi khô thế này thì ai mà chịu được.

Không phải mình ko cố gắng để béo lên. Cách đây mấy tuần mình nảy ra ý định tăng 2kg. Từ hôm đó đến nay mình ăn rất cố gắng, ko bỏ bữa nào. Thậm chí mình còn nhờ bà Nuôi rán cho ít bánh bột mỳ, sau đó phết Nutella lên, để tủ lạnh cho mình lôi ra ăn dần. Bột mỳ, trứng, dầu, nutella, không thể béo hơn thế này nữa. Thế mà từ hôm đó đến nay mình đã ăn đến chục cái thế này rồi mà ko lên được lạng nào. Xì choét thế không biết. Mình đang vừa ngồi viết blog vừa cố ăn nốt hai cái bánh còn lại trong tủ, chết nghẹn, ọe lên ọe xuống vì ngán quá. Thế mà rồi cũng chẳng ăn thua gì đâu cho mà xem.

Tối qua đi tập pilates, buổi thứ hai sau khi mất mặt từ tháng 8, tháng 9 năm ngoái. Mặc quần áo tập đứng trước gương mới hốt hoảng “trời ơi, cái giề thế này”. Hông mình ngày trước khá tròn, tức là lượn vào ở eo, lượn ra ở hông, rồi mới đổ xuống đùi, hông tròn mà đùi rất thon. Thế mà bây giờ cái đường lượn tròn ra ở hông lại thành một đường thẳng, cái phần ngày xưa tròn ở hông giờ đã chuyển xuống đùi, đâm ra nhìn trực diện thấy hông hóp mà đùi lại thừa thừa ra một cơ số mỡ, véo vừa một nắm tay. Lần này thì phải tập tành nghiêm túc thật rồi.

Nhưng mà e chừng mình phải chuyển sang loại hình tập nặng hơn vì tập pilates chẳng có tác dụng gì. Bằng chứng là tập 2 buổi rồi mà chẳng thấy người đau ở đâu cho mình nhờ. Không đau tức là ko có tác dụng đúng ko. À quên, tối qua đang kỳ cọ thì tự dưng sờ má mình thấy đau đau. Đang tự hỏi “tập tành kiểu gì mà người ko đau lại đau má thế này”, thì mới nhớ ra hôm kia mình bị con Lila vung cái xẻng nhựa xúc cát vào mặt. Nhưng sờ sang má bên kia cũng thấy đau, thậm chí sờ vào mũi cũng thấy đau nốt, thì chả hiểu?

Lila ngày nào cũng sợ mẹ đi mất nên ngày nào cũng hỏi “hôm nai mamma có đi thể dụt không hả mamma?”.

Còn bà Nuôi thì bảo “cô chắc sắp thành cái ngón tay út”.

PS: chuyển sang hình thức thể dục nào thì phù hợp bây giờ nhỉ. Chạy thì sợ chân to. Bơi thì sợ hỏng da hỏng tóc. Võ thì sợ thô người. Nâng tạ thì sợ chai tay. Trèo núi giả thì sợ tay có bắp, chưa kể èo uột như mình trèo sao nổi. Tập trên máy thì không biết điều khiển máy. Đánh tennis thì toàn vợt trượt. Chồng bảo “hay đi đạp xe đạp với anh cho vui, cảnh hai bên sông đẹp lắm?”, vợ chối phắt “thôi, chai đít”. Đúng là văn thì dốt vũ thì dát.

Ảnh: ảnh thẻ, hàng trên hàng dưới cách nhau một năm

Monday, May 7, 2012

Những chuyện kỳ bí

        

Ở nhà mình hay xảy ra những chuyện cực kỳ lạ lùng. Người như mình vốn chỉ tin vào khoa học và những lập luận chặt chẽ, nhiều khi vắt óc nghĩ mà ko hiểu tại sao lại có thể xảy ra chuyện như thế được.

1.      Mấy hôm nay tự dưng cái máy sấy tóc biến mất tiêu, tìm toét mắt không thấy. Mình là người cuối cùng dùng nó, chính xác cách đây 3 hôm, lúc tầm 6h tối, gội và sấy tóc cho lũ Lê La Na, dùng xong cuốn dây cất rất cẩn thận lên kệ. Bà Nuôi từ hôm đó ko dùng hôm nay phải gội đầu mới hỏi. Chàng tóc lơ thơ vài cọng, tắm xong đi ra, chưa đi được chục mét tóc đã khô hết cả nên đã bao giờ hỏi tới máy sấy tóc đâu. Cái máy đó khá to và nặng và để trên cao nên Na ko thể với được. Lê La chưa bao giờ tỏ ý tò mò đòi chơi cái máy sấy tóc. Mà kể cả lũ trẻ con có chơi thì cái máy to như thế, nhà mình lại bày biện đơn giản, mất tích đi đằng nào được. Thế mà nó vẫn mất tích như thường, cứ như là có chân để chạy trốn.

2.      Lò nướng nhà mình có chế độ khóa, đề phòng trường hợp bọn trẻ con vô tình vặn lên chơi. Để bật lò, phải ấn giữ nút bên tay trái 10 giây liên tục để mở khóa, sau đó vặn nút bên tay phải để đặt chế độ nướng, thì cái lò mới bật. Nếu chỉ ấn giữ mở khóa bên trái mà ko vặn đặt chế độ bên phải thì lò cũng ko bật, và chỉ vài giây sau lại tự động trở về chế độ khóa như cũ. Nếu chỉ vặn đặt chế độ bên phải mà ko ấn giữ nút bên trái mở khóa thì lò cũng ko bật. Nút bên trái phải là tay người lớn khỏe mới ấn và giữ được 10 giây. Như vậy là bọn trẻ con ko tài nào bật được. Bà Nuôi thì ko biết bật nên ko bao giờ mon men dám đụng tới cái lò. Chàng thì ko ở nhà và có ở nhà thì cũng chẳng bao giờ vào bếp nấu nướng, mà có vào bếp nấu nướng thì cũng ko bao giờ dùng lò, chưa kể còn ko biết bật lò. Thế mà cái lò vẫn bật nóng tưng bừng, có khi bật nóng suốt đêm mà mình ko biết, kiểm tra xem có phải ai vô tình đặt timer không thì không phải. Thế thì là lý do tại sao? Có ai giải thích được không?

Câu trả lời đơn giản ngã ngửa như sau:

1.      Điên ruột vì tìm khắp nơi mà ko thấy máy sấy tóc, mình buột miệng than thở với chàng, than thở cho đỡ điên ruột chứ chắc mẩm là chàng ko biết. Ai dè nghe xong chàng hối hả chạy đi lấy máy sấy tóc để quên trong túi, đưa vợ, bảo “tối hôm nọ anh mang xuống garage ĐỂ SẤY XE”. Hết lấy trộm kem dưỡng da của mình mang xuống garage để bôi cho xe thì giờ lại lấy máy sấy tóc của mình xuống sấy xe. Bạn nào có chồng yêu xe như này ko thì bảo mình để mình còn cảm thấy được an ủi tí. Mà bạn nào có chồng yêu xe hơn như này thì cũng bảo mình để mình còn chia buồn.

2.      Sau rất nhiều lần lò nướng không ai bật cũng tự bật lên thì mình buộc phải điều tra cho ra. Rất tình cờ mình phát hiện ra như sau: bọn trẻ con hiếu động và cái bụng to của bà Nuôi kết hợp lại chính là thủ phạm. Bọn trẻ con hiếu động luôn xoay xoay vặn vặn bất cứ cái gì chúng có thể xoay xoay vặn vặn được. Tức là cái núm đặt chế độ nướng bên phải luôn bị chúng xoay ra khỏi vị trí số 0. Bà Nuôi, trong lúc nấu nướng, phải đứng gần thì mới nhìn thấy, đứng gần thì cái bụng to vô tình tì vào cái nút bên trái, tì như vậy 10 giây là khóa tự mở. Như vậy là nút bên trái thì mở, nút bên phải thì vặn ra khỏi số 0, cái lò cứ thế bật lên, nhiều khi cực nóng và cứ nóng như vậy suốt đêm. Chẳng trách hóa đơn tiền điện cuối tháng tăng cao.

Mới chỉ tiện kể ra đây hai việc rất kỳ bí nhưng cuối cùng cũng lý giải nổi. Ở nhà mình còn nhiều việc không lý giải nổi cơ. Nhiều khi cái đầu ưa duy lý của mình nghĩ nát ra mà ko thể tìm ra lý do đành phải đầu hàng như kiểu tặc lưỡi “trời sinh ra thế”. Sống trong căn nhà nhiều việc khó tin như vậy cuối cùng mình bớt duy lý đi rất nhiều. Giờ mình e lại thiên về tình cảm hơn, thế mới chết chứ

Sunday, May 6, 2012

Nâu cài lên đầu

    

Mình vừa về, đang lạch xạch mở cửa đã nghe một tiếng rích lên như chuột ở bên trong và tiếng chân dậm bình bịch vẻ sốt ruột. Cửa vừa hé ra một cái một cái bóng bé, lùn, mắt cười híp, luồn tọt ra và chạy thục mạng, vai khoác một cái túi đồ chơi bằng nhựa. Mình bảo “Bye bye Anna” rồi đi vào định đóng cửa. Tưởng là dọa đóng cửa cho nó sợ nó chạy lại, ai ngờ nó chẳng sợ, chân vẫn lon ton chạy thẳng ra cầu thang. Mình sợ quá chạy theo túm được nó đúng lúc nó đang định lao xuống không chần chừ. Vác cái thân hình ngắn ngủn và đen trũi đang cười khanh khách vào nhà, đặt xuống “liệu hồn”, nó nhắc lại luôn “liệu hồn”. Đoạn ngửa mặt lên trời cười tít, mắt híp, hàm răng dưới đưa ra, hàm răng trên thụt vào. Nhìn mặt thế ai mà mắng tiếp cho được.

Con gái dạo này mồm mép càng ngày càng lém lỉnh hơn. Ai nói gì cũng nhắc lại như vẹt ngay được. Mẹ bảo “La mà hư là mẹ đánh đít nhé”, con chị quắc mắt lườm mẹ còn con em thì lảnh lót “đánh đít nhé”. Mẹ bảo “con trai Ale của mẹ ra đây”, thằng anh chưa nhúc nhích thì con em đã “ra đây”. Ngoài ra còn mắc bệnh cãi. Bà Nuôi hái một bông hoa mẹ vừa mua “Anna ra đây bà cài lên đầu cho”, thì bị trả lời ngay cùng cái lắc đầu nguây nguẩy “Nâu cài lên đầu”. Tương tự, không muốn đi ngủ thì “Nâu đi khò”. “Bé trèo lên ghế đi mẹ cho xem phim”, “Nâu trèo”.

Mẹ thấy rõ ràng 3 thứ tiếng một lúc trong nhà làm con gái út của mẹ bối rối và lẫn lộn. Hôm qua thấy bảo mẹ “lắm ma yêu”, trong khi hồi trước có thể nói “yêu ma lắm” trôi chảy có vấn đề gì đâu. Được cái mẹ thích nghe Lê La Na nói ngọng, nói nhầm. Mẹ sợ lớn lên không ngọng không nhầm nữa thì đời mẹ mất đi một khoản gây cười nghiêm trọng.

Tối nay thì con gái út mới có trò mới. Con gái hai tay túm hai ống quần kéo lên cao, để lộ cẳng chân vừa cong vừa đen, đi khắp nhà trình bày “đau” với mẹ, với bà Nuôi, rồi với bố. Mẹ cúi xuống “bé đau ở đâu để mẹ hôn”, thì thấy ngón tay béo béo chỉ trỏ lung tung trên cái cẳng chân đen đúa. Mẹ hôn xong chưa kịp đứng lên thì hai cánh tay con gái đã choàng luôn vào cổ mẹ “mamma bế bé tí”. Mỗi ngày cũng nũng nịu “bế tí” được khoảng chục lần.

Mẹ thường hỏi con gái “bé biết chính xác phải làm gì để đạt được những điều bé muốn đúng không?”. Con gái chẳng hiểu có hiểu mô tê gì không, chỉ biết là gật đầu trả lời tắp lự “Có”.

PS: sáng mẹ thấy em tự nhiên rít lên ành ạch và mắm môi mắm lợi đánh vào tay mình. Hóa ra con gái ngồi xếp nhà, vừa làm đổ một cái là lấy tay đánh vào cái tay làm đổ kia luôn để trừng trị, mồm leo lẻo “đánh Na Na đánh Na Na”. Học nhanh thế, hôm nọ cụng đầu vào cửa đau quá mẹ vừa dỗ vừa đánh cái cửa, hôm nay đã thực hành được ngay rồi.

Ảnh: em vừa ngủ dậy, chưa tỉnh ngủ hẳn nên mặt mới từ bi thế này

Ấn tượng Dubai

Hạ cánh xuống Dubai, chán nản. Cả một thành phố nóng bức, trơ trọc, cây cối xanh xám. Một phần là vì cát, một phần là vì mặt trời thiêu đốt khô hạn tới mức cây cối ko thể xanh tươi mỡ màng nổi. Đường cao tốc mỗi bên 4 làn xe chạy vun vút, giảm tốc độ một cái là bị bóp còi. Xe chạy rất láo. Những tòa nhà chọc trời. Đường vòng trên đầu. Đường vòng dưới chân. Mình nhà quê sợ cầu vượt, lại sợ nhất sự kết hợp của cầu vượt và nhà cao tầng. Tức là nhìn thấy tòa nhà cần phải đến thù lù ngay mặt rồi mà đi vòng vèo mãi chả tới nơi, rẽ nhầm một phát thì lại thấy long nhong trên đường cao tốc không biết đến chỗ nào mới exit để quay lại được.

Dubai gồm khách sạn, nhà hàng, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp và trên hết là các trung tâm mua sắm. Xin hết. Mình mấy năm nay làm sao, ko còn hứng thú mua sắm gì nữa. Trong các thể loại shopping ghét nhất shopping malls. Các shopping malls ở Dubai rất hoành tráng, lúc nào cũng đông đúc. Các cô gái đi shopping bằng Rolls Royce có tài xế đội mũ rất oách, bản thân họ thì ăn mặc như chuẩn bị đi dự black-tie dinner hoặc mèng nhất thì cũng phải là tiệc cocktail.

Thế mà ở ngoài kia, ngoài vỉa hè, 5,6h chiều, hàng trăm công nhân xây dựng đứng chen chúc chầu chực xe bus đến đón, trong cái nóng hầm hập đầu hè xứ Ả rập. Cả trăm khuôn mặt không thấy nổi một nụ cười. Khuôn mặt họ mệt mỏi, bụi bặm và tăm tối, toàn dân nhập cư từ Ấn độ, Pakistan và Iran sang. Lương tháng của họ không bằng một bữa tối cho hai người tại một nhà hàng sang trọng. Họ sống trong điều kiện rất kham khổ, nghỉ trưa mình thấy họ trải miếng bìa nằm thẳng cẳng ngủ ngay tại chỗ xây dựng.

Chẳng phải mình chưa bao giờ chứng kiến hay sống trong cảnh khổ. Nhưng ở Dubai, sự giàu sang tột đỉnh và sự nghèo khổ tột cùng chỉ cách nhau vài bước chân, làm mình thấy khó ở. Nó không phải là sự khác biệt của việc bạn mặc một cái váy đẹp, trang điểm lộng lẫy, xách theo cái túi hàng hiệu và ngồi nhâm nhi ly đồ uống hảo hạng trong bar Angelina của khách sạn Metropole, Hà nội, nhìn ra ngoài trời nắng gắt thấy một người đàn bà mặc áo rách đang giằng co một thúng trái cây với công an. Người đàn bà kia thì nghèo nhưng bạn chưa phải là giàu. Trong khi đó, sự giàu sang của thế giới Ả rập phải nói là kinh khiếp, hoặc ít nhất thói quen dát vàng dát bạc trải lót nhung gấm khắp nơi của họ gây cho người khác cảm giác như vậy. Đặt cạnh sự giàu sang ấy, tầng lớp lao động trở nên khốn cùng, thậm chí có khi còn khốn cùng hơn thực tế.

Nói sang chuyện khác, trong các shopping malls rất hay thấy cảnh tượng đàn ông Ả rập mặc dishdasha đi dép lê loẹt quoẹt đằng trước, cô vợ mặc abaya đi lũn cũn đằng sau, thon thon hình vai thoai thoải hình chum, rất giống barbapapa.

Nhưng công nhận khuôn mặt của đàn bà Ả rập đẹp, đẹp dramatic chứ ko đẹp nhàn nhạt kiểu Âu. Mắt họ sâu, lông mi dày, mũi cao, môi đầy đặn, da nâu mịn và trang điểm rất kịch tính kiểu mắt đen thẳm và môi đỏ mọng. Đặc biệt họ quấn hijab che cổ và tóc. Khuôn mặt đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào xương hàm và xương cằm thì hijab đã che đi mất, thế nên cô nào thấy cũng đẹp thần sầu. Nhưng mà tóm lại, đẹp xấu mình cũng chẳng quan tâm.

 

Xin kể nốt chuyện nữa là hai vợ chồng được cậu bạn dẫn lên tầng thứ một trăm bao nhiêu của tòa Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới. Từ trên đó nhìn xuống thấy thành phố bé tí tẹo, toàn cát là cát có sầu không cơ chứ. Nhà quê như mình đây mon men ra cửa sổ toàn kính từ trần xuống tận sàn, tính ngó xuống xem tình hình ra sao. Đúng hôm gió mạnh, tòa nhà chao đảo rất rõ, cảm giác càng rõ hơn khi đứng gần rìa cửa sổ. Mình hoảng hồn lùi lại, ngồi cố thủ trên ghế sofa, từ đó chỉ mong chóng đến lúc được bước chân xuống đường bình yên. Cậu bạn kể có đêm gió mạnh quá, cậu ấy ngồi trên giường mà thấy người cứ lắc lư chao qua chao lại đến 2 mét. Cậu ấy sợ quá hôm sau cũng thu xếp đồ đạc, quay về ở villa một tầng, bỏ hoang căn hộ tầng cao trên Burj Khalifa từ đó đến nay. Xin đủ mấy cái tòa nhà chọc trời này

Tâm trí mình còn đang bận bịu với một ngôi nhà toàn cỏ hoa, ngoài cổng dựng một chiếc xe đạp có giỏ đằng trước để mình mặc áo lụa đèo hoa đi loanh quanh. Cứ đèo loanh quanh cho vui thế thôi chứ chả có mục đích cụ thể giề.

 

Phải là một cây cầu cũ…

 

P.S Cái mình thích nhất ở Dubai là hoa phượng. Phượng trồng nhiều lắm. Mới chớm hè mà có cây đã bắt đầu nở hoa đỏ như lửa. Bàng cũng thấy trồng nhiều. Không biết lá bàng có bao giờ ngả đỏ được như chớm thu ở nhà không nhỉ, ở cái mảnh đất nóng thiêu cái gì cũng giả có mỗi cát là thật này.