Sunday, June 20, 2010

Đậu Hòa Lan, bóng đá và TV

Mẹ tôi vốn ko phải là người ưa nấu nướng, ăn với bà luôn luôn chỉ là nghĩa vụ, ăn để sống. Lũ con bà do thế cũng mất nhờ khoản ẩm thực, chúng ko thích ăn, và hầu như ko bao giờ khen đồ ăn bà nấu ngon.
Hôm đó bà đi chợ mua xương lợn về hầm với đậu Hòa Lan (không biết cái tên đậu này có chính xác không, chỉ biết đó là loại đậu hạt rất to, màu trắng ngà). Món cũng chẳng có gì, rửa sạch xương lợn (dính tí thịt) cho vào nồi hầm, rồi cho tiếp đậu hạt, hầm đến khi nào chín thì bắc xuống ăn. Lũ con được ăn món lạ khen ngon nức nở, đánh bay cả nồi đậu hầm no óc ách.
Thừa thắng, hôm sau bà lại làm món đậu Hòa Lan hầm xương lợn tiếp. Lũ con vẫn khen ngon nức nở và ăn nhiệt tình.
Ngày thứ 3, lại món đậu Hòa Lan hầm xương lợn tiếp. Lũ con ăn lặng thinh chả nói gì.
Ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6, trên mâm cơm vẫn chỉ duy nhất cái món mà ai cũng biết là món gì đấy.
Đến ngày thứ 7, món đậu hầm trở nên ngán ko nuốt nổi, lũ con bắt đầu kêu ca và ko đụng đũa, bà nổi giận đùng đùng “mọi hôm chúng mày khen ngon hôm nay chúng mày lại chê là thế nào”.
Tôi bắt đầu ghét ăn đậu hạt từ đấy. Niềm căm ghét này phát triển sang tất cả các loại đậu hạt khác và tất cả các loại hạt làm cho tôi liên tưởng đến đậu. Đến tận bây giờ tôi vẫn ko thể chịu nổi hoặc nhìn nổi món đậu hạt. Trên các bàn tiệc tôi từng tham dự, bất kỳ món nào chế biến từ đậu hạt, nổi tiếng đến mấy, cầu kỳ đến mấy, nể khách đến mấy tôi cũng lắc đầu từ chối.
Hồi bé, nhà các bác tôi ở cùng nghèo lắm. Cả nhà chỉ có độc nhất cái TV nhỏ xíu, rè rè, độc quyền của bác tôi muốn xem gì và xem giờ nào, tôi, bà ngoại, và tất cả các thành viên khác chỉ được xem ké. Riêng có anh họ tôi được độc quyền chiếc TV các chiều chủ nhật để xem bóng đá thường là truyền hình trực tiếp. Anh ấy bật TV cực to (cho có không khí chứ anh ấy hoàn toàn ko điếc), hàng tiếng liền, tiếng reo ồ ồ của khán giả trên khán đài, tiếng các chú bình luận viên nói nhảm, tiếng máy quay xè xè, tôi phải học bài trong sự náo loạn đó. Ngày đó làm gì có nhiều trò giải trí như bây giờ, không học bài thì chỉ có nước ra ngoài hiên nhà ngồi ngáp ruồi. Cái nhà cũng bé, vào trong buồng đỡ ồn hơn tí thì lại tối om. Không thể đi đâu để trốn được tiếng TV ám ảnh đó. Một lần, hết chịu nổi, tôi mách bác tôi cái tội anh họ tôi bật TV quá to, bác tôi mắng đôm đốp “anh ấy là con trai, anh ấy có quyền xem bóng đá, mày có quyền gì mà thưa với chả thốt”.
Tôi ghét bóng đá từ đó. Cứ nghe TV xè xè tiếng reo hò của khán giả, tiếng bình luận viên ầm ĩ là tôi cảm thấy nhức đầu kinh khủng. Nó thành một phản xạ có điều kiện.
Thế mà ngày đó các chú bình luận viên bóng đá còn chưa nói nhảm kinh như bây giờ. Gớm chết có mấy thằng trai đen đúa cục mịch mồ hôi mồ kê nhễ nhại chạy ào ào theo quả bóng mà các chú bình luận viên cứ mô tả nó như thơ, có chú hăng lên còn lôi cả thần thoại Hy Lạp ra mà ví von, nghe vừa khiên cưỡng vừa khập khiễng. Nhiều khi nghe các chú gân lên một câu văn vẻ hùng hồn, vừa gân vừa ngập ngừng vắt óc nghĩ, mà phát phì cười.
Lớn hơn một chút, tôi về ở cùng mẹ, bà hay có thói quen bật TV xem phim Hàn Quốc rồi ngủ quên. Bà ngủ say lắm, ngáy to rõ ràng, thế mà chúng tôi chỉ cần lén chuyển sang kênh yêu thích là bà vùng dậy ngay “ớ chuyển đi đâu thế, tao đang xem hay”. Chưa kể bà còn chuyển 3 kênh để xem 3 bộ phim một lúc, và thường phàn nàn đau khổ thế này “sao cái số tao nó khổ, xem một bộ phim cũng ko trọn vẹn”. Thế là cả TV tôi cũng thôi ko xem nữa.
Kể ra thế đời cũng bớt được nhiều ái ố hỉ nộ rất ko cần thiết
Nham nhở: Sau này một chị giúp việc của mình cũng có thói quen liên tưởng vận vào số phận mình như mẹ mình. Chị ấy vốn thích ăn món cay và món đắng, ví dụ ăn món nào cũng phải cho rất nhiều ớt, và đặc biệt thích ăn mướp đắng, rau đắng vv. Chị ấy thường ngồi rung đùi chén nhưng mắt lại rưng rưng “cái số mình nó cay đắng có khác, toàn thích món cay và món đắng”. Mình nghe mà phải cố lắm mới ko phá lên cười. Cứ thế này mà suy thì bạn nào mà thích ngọt thì đời sướng phải biết nhá.

Friday, June 18, 2010

Và con gái

 
Con gái thì rõ con gái. Thích đi giày đẹp, cầm túi điệu, hôm nào mẹ rỗi rãi tết cho hai cái bím tóc như hai cái đuôi chuột thì lại càng điệu rớt mùng tơi ra. Chỉ thích mình được giống công chúa Bạch Tuyết. Thậm chí đến quần lót mẹ cũng phải mua quần lót in hình công chúa Bạch Tuyết mới chịu mặc.
Tất cả các túi của mẹ đều bị con gái lấy ra diện thử, khoác đi tòn ten khắp nhà. Cái nhẹ thì đi nhún nhẩy, cái nặng thì đi lặc lè. Nhưng có trò mới một cái là túi nào cũng bị con gái quăng luôn xuống đất, thậm chí có hôm còn chạy qua dẫm lên. Mẹ kêu trời kêu đất vì xót túi.
Giày của mẹ cũng bị con gái lôi ra xỏ thử, đi lạch bạch, tay cầm túi, mắt chớp chớp, đít cong tớn nguẩy sang bên nọ bên kia. Hôm qua con gái vừa đi giày của mẹ vừa hỏi “Mamma có thích giày của La ko hả mamma? La thích giày của mamma lắm”.
Mẹ mặc một cái áo lâu rồi ko mặc. Bé hỏi “ai thế mamma?”, mẹ bảo “áo mới của mẹ đấy bé ạ”, bé vuốt vuốt cái áo rồi khen “cái áo này đẹp, La thích”. Mẹ bảo “thế để về sau bé lớn mẹ cho bé cái áo này nhé?”, bé gật rối rít “có”. Đi ra chợ xem cá với mẹ thì váy áo giày vớ túi tắm đủ bộ rất cẩn thận, mà đi học thì chỉ muốn cởi trần cởi truồng, mẹ phải đánh vật mới mặc nổi quần áo cho con, thế này là sao đây. Mỗi lần mẹ đưa đón là một lần thấy một bạn trai ra hôn thắm thiết vào má. Mới đầu mẹ còn hết hồn sợ con gái lại giơ tay vả cho bạn một cái thì mẹ chui xuống đất. Hóa ra thấy mỗi khi bị hôn con gái chỉ lì mặt chịu đựng mắt gườm gườm, bạn hôn xong là con gái ôm cá heo và kéo vali cùn cụt đi thẳng.
Mẹ đi ở ngoài đường trời nóng về con gái bưng cốc nước đi lon ton ra “Mamma ơi nước đây, mamma có uống nước này ko hả mamma?”. Mẹ ăn trưa thì con gái cầm cái kéo lăm lăm “Mamma có cắt thịt không hả mamma?”, chắc hỏi mẹ xem mẹ có muốn cắt nhỏ miếng thịt ko để còn cắt hộ. Mẹ ăn xong đưa đĩa cho con gái là con gái lon ton mang vào bếp cất. Mẹ trầm trồ “ôi con gái giỏi quá, sai vặt được rồi, bõ công mẹ quá”.
Con gái ngọng ríu mà toàn phát ngôn hộ anh. Đi gặp bác sĩ, bác sĩ hỏi chú Bình Nguyên “cháu có đói ko?”, Lila quay sang hỏi anh “Ale có đói ko Ale?” hoặc tự trả lời hộ anh luôn “Ko, Lê ko đói đâu”. Mở cửa ra ngoài, gặp cơn gió, bé ríu rít “gió nhiều, mát , Ale có mát ko hả Ale?”. Ba mẹ con ngồi trên sofa. Mẹ hỏi “con có yêu mẹ ko Ale?”, Lila lại quay ra hỏi anh “Ale có yêu mamma ko Ale?”. Chú Bình Nguyên bảo “có”, thế là Lila lại quay ra mẹ thông ngôn luôn “Ale bảo có, mamma”. Mẹ bảo “thôi bé cứ lo việc của bé thôi bé ạ, bé nói phần bé ko xong mà lại còn cứ phát ngôn hộ người khác là thế nào”. Chú Bình Nguyên thì cứ mải làm việc của chú, từ đầu đến cuối chả thèm chấp cô em gái cứ lanh cha lanh chanh.
Đi ngoài đường, mẹ đi trước, bảo Lê La “các con dắt tay nhau ko lạc nhé”. Thế là con gái chìa tay ra “Ale, dắt tay em, okay?”. Anh trai lại ngoan ngoãn chìa tay ra dắt. Anh trai vừa đi vừa nhảy chân sáo, em gái chạy theo lạch bạch, giày búp bê, cái váy vừa ngắn vừa xòe vểnh lên như đuôi gà mái đang ấp dở. Người đi đường cười bò.
Con trai hơn 4 tuổi, mới chỉ nói “Lê ko yêu mamma” khoảng 1, 2 lần, những lần giận mẹ lắm. Con gái hơn 2 tuổi, mỗi ngày “La ko yêu mamma” ít nhất 2 lần, hồi chưa biết nói thì lắc đầu quầy quậy, mỗi khi đang cáu mẹ mà mẹ lại hỏi “bé có yêu mẹ ko”. Nói “không yêu” rồi phút sau lại yêu nồng nàn hôn hít chíu chít ngay được. Chàng bảo “sao mà nó giống em thế, nói ko yêu người khác cứ như không”.
Mới nghĩ ra từ hồi yêu mình đến giờ chưa bao giờ chàng phủ nhận điều đó, dù giận mình đến mấy.
Mình cho rằng bọn tây này chúng nó hơi quan trọng lời nói thì phải.

Thursday, June 10, 2010

Một chuyến đi (2)

Bố tôi từng là một người đàn ông thành đạt cả trong học vấn lẫn trong sự nghiệp. Ông giỏi toán, lý, am tường địa lý, lịch sử, thiên văn học, ông viết văn, làm thơ, viết câu đối. Nhà tôi có những khoảnh khắc nào đó cũng đã tràn ngập tiếng cười, trước khi thói cờ bạc của ông kéo tất cả chúng tôi xuống vũng bùn.

Tết năm ấy, tôi về ăn Tết với bố và hai em, mẹ tôi ko về. Sau tất cả những gì xảy ra, tôi vẫn hy vọng bố tôi sẽ thay đổi, vì chúng tôi. Sáng mùng hai tết, bố tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng trên ghi đông treo tòn ten cái làn nhựa bạc phếch, định ra chợ mua ít đồ ăn vì nhà chẳng có gì. Tôi vui lắm, cuối cùng thì bố tôi cũng dứt được chiếu bạc, dứt được những cơn say triền miên thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đợi bố mang đồ ăn về tôi sẽ nấu một món gì đó cho có không khí tết cho các em tôi. Căn nhà khang trang nhất xóm ngày xưa giờ đã tiêu điều lắm, ngay cả trong 3 ngày tết.

Thế mà chỉ vừa dắt xe ra nửa sân, có hai người đàn ông đến, thầm thì gì đó với bố tôi. Bố tôi nhìn các con, lưỡng lự một lúc, rồi biến mất, cái xe cùng cái làn nhựa bạc phếch vẫn dựng nguyên ở giữa sân.

Tôi đã bắt xe khách lên Hà nội ngay chiều hôm ấy. Bài học đắt giá đầu tiên năm 15 tuổi: đừng phí công cho nhiều cơ hội, có những người và những thứ ta ko có thể làm gì để thay đổi, điều ta chỉ có thể làm là tiết kiệm thời gian và sức lực của ta. Tôi ko nói chuyện với ông từ đó.

Và giờ thì ông nằm đây, trong cái phòng lạnh tồi tàn chật chội của một bệnh viện tỉnh lẻ. Đồ đạc ông để lại là một cái phích nhựa cáu bẩn, một cái chăn bông cũ mèm, và một chiếc cặp rách bươm, có lẽ vật chứng duy nhất còn lại của một thời huy hoàng.

Ngày hôm đó nắng nóng kinh khủng. Chúng tôi ngồi thu lu 6 đứa trong chiếc xe chở quan, ngộp thở trong mũ áo vải xô, hương khói mù mịt, mùi dầu xe sặc sụa, và tiếng kèn đám ma đinh tai nhức óc, đi 3 tiếng đồng hồ trong điều kiện đường xá cực xấu. Thằng bé ngồi ở phía trước cùng đội kèn có nhiệm vụ rắc vàng mã. Nó cứ xả rác liên tục như vậy trên suốt quãng đường hơn 100 cây số.

Đến nơi, rất nhiều người đã đợi sẵn. Cửa xe vừa mở ra, tiếng khóc nổi lên như có phép lạ. Rồi tiếng khóc im bặt, mọi người lại nói chuyện như thường. Lúc chiếc quan tài hạ xuống huyệt, tiếng khóc lại nổi lên. Nhất cử nhất động của chiếc quan tài đều làm người ta òa lên khóc. Còn tiếng kèn thì cứ inh ỏi ỉ eo đã mấy tiếng đồng hồ liền ko nghỉ.

Một chuyến đi (cuối)

 
Lúc hạ huyệt, cô tôi khóc gào thảm thiết. Tôi quỳ nhấp nhổm đằng sau, thấy cô vừa gào tay vừa vê vê đất đằng trước, mấy lần suýt vê trúng một cục cứt trâu nằm rất gần. Vẫn cái tay ấy cô tôi sẽ đến giúi giúi vào lưng chúng tôi “chúng mày khóc to lên, gọi to lên”, và tìm cách kéo cái áo đang bỏ trong quần của tôi ra “cái G bỏ áo trong quần ra”. Một cô em dâu của tôi bị ăn một phát giúi vào lưng, nó bắt đầu ngoan ngoãn khóc lên i ỉ “bố ơi”. Trùm khăn xô kín mít, tôi chưa hiểu đó là đứa nào trong số hai đứa em dâu của tôi.
Lúc đó, tôi chỉ ước giá mà đây là một đám ma kiểu tây, người vào viếng mỗi người đến xem mặt người chết, rồi ngồi im lặng ở ghế của mình, trong tiếng nhạc êm đềm, mùi hoa thơm thoang thoảng, muốn mặc niệm thế nào thì mặc niệm, thay vì gây tiếng ồn thái quá ko biết là để chứng tỏ điều gì ngoài làm phiền người khác. Có lẽ tiễn đưa một người như vậy thì có lý hơn là phải lăn lộn ngoài đồng, càng rũ rượi vật vã bê bết bùn đất càng ăn điểm, càng gào to thì càng giá trị (thậm chí nếu mà ngất được thì nhất), khóc đấy mà lại tỉnh queo buôn chuyện ngay đấy cứ như không, trong tiếng kèn tiếng nhị thật trái lỗ nhĩ, những vòng hoa quá nửa kết bằng xốp xanh đỏ, và mấy lão thầy cúng múa may huyên thuyên toàn nói ngọng l n.
Tôi cố gạt khỏi tai tiếng kèn đã tra tấn tôi mấy tiếng nay, và tiếng hờ khóc chả ra làm sao của cô tôi (chả ra làm sao vì nó hoàn toàn sai sự thật), để tưởng nhớ về người đã khuất, mà ko thể tập trung nổi. Ừ, đã có những khoảnh khắc nào đó chúng tôi đã là một gia đình hạnh phúc, ò e í. Ừ, đã có một khoảnh khắc nào đó chúng tôi ríu rít bên bố tôi hỏi ông một bài toán khó, ới anh ơi sao anh bỏ chúng em mà đi anh ơi, bao nhiêu khó nhọc anh nhận hết về mình, trồng cây đến ngày hái quả anh lại bỏ mà đi anh ơi.
Tôi vội vã rời đi, vẫn áo bỏ quần nghiêm chỉnh, chú tôi cằn nhằn “đi ngay người làng người ta nói cho”. Tôi im lặng. Vẫn bài học năm 15 tuổi: có những người và những thứ ta ko có thể làm gì để thay đổi, điều ta chỉ có thể làm là tiết kiệm thời gian và sức lực của ta.
Mười mấy nghìn cây số, chuyển 3 máy bay, rồi tàu hỏa, tàu điện, xe bus, và đi tắt qua công viên đang nở hoa mùa xuân, tôi trở về nhà. Phòng khách vẫn thơm mùi hoa lys, Lê La má đỏ như táo.
Không có thứ tình yêu nào vô điều kiện…
Không phải cứ có một người dẫn một người lạ đến và bảo “đấy, mẹ mày đấy, yêu đi”, thế là con yêu họ sống chết. Phải không con?

Monday, June 7, 2010

Một chuyến đi (1)

Tôi đến đúng giờ ăn tối. Hôm đó tình cờ vợ cậu lại nấu món chuối đậu, thế là cậu bảo kéo ghế ngồi ăn luôn. Tôi ăn rất ngon lành, mấy chục tiếng đồng hồ qua tôi hầu như ko ăn gì. Có khi phải gần hai chục năm rồi tôi mới gặp lại cậu, cậu là một phần của ký ức tuổi thơ yêu mến. Thấy cậu vẫn trẻ như cũ, cười nói rổn rảng suốt, vẻ mặt mãn nguyện. Cậu vừa lên chức tổ trưởng tổ dân phố. Cậu vẫn nhắc đến bài thơ tôi làm cách đây 25 năm. Và cậu cũng vừa viết xong bài điếu văn nghe choang choang chả ra sao nhưng cậu hào hứng trịnh trọng lắm vì ngày mai cậu sẽ là người đọc. Tôi đã đi rất xa. Khoảng cách đó ko thể giải thích bằng lời nói mà chỉ có thể bằng sự trải nghiệm. Sự trải nghiệm khiến tôi thấy nhiều điều tự hào hay đau khổ của người khác thật tầm phào. Nhưng tôi cũng đủ trải nghiệm để hiểu rằng họ ko thể suy nghĩ giống mình nếu như họ có những sự trải nghiệm khác.

Tôi qua thăm bạn ấy. Bạn ấy và tôi ngày xưa như hai chị em. Bạn ấy da trắng nõn, mặt tròn ko thể tròn hơn, tóc nâu và mắt nâu, hay cười bẽn lẽn. Bạn ấy xinh hơn tôi, chắc chắn thế. Thưở đó tôi gầy gò, đen đúa, tóc vừa đen vừa rậm và có hai cái răng cửa rất to, lại thêm cái tính nghịch và bướng như con trai. Tôi ngạc nhiên khi không còn thấy hình ảnh cô bạn dễ thương của tôi ngày nào. Bạn tôi giờ má hóp, xanh xao, đầu tóc quần áo tiều tụy. Chồng bạn ấy bước vào. Tôi thấy mắt anh ta dừng lại trên mặt tôi khá lâu, rồi anh ta luống cuống thanh minh “suốt ngày chân tay dầu mỡ em ạ”. Từ đó đến lúc tôi về, anh ta còn nhìn tôi nhiều lần nữa. Tôi vừa đi mười mấy nghìn cây số, xuống sân bay lại lên xe đi tiếp cả trăm cây số nữa để về đây, đã hai ngày rồi tôi ko ngủ, son phấn nhạt nhòa, mặt mũi phờ phạc, chắc chắn anh ta nhìn ko phải vì tôi đẹp, chắc chỉ vì tôi lạ.

Ông thầy cúng phục trang rất lạ. Cả bộ complet nhàu nhĩ, tay xách briefcase nhưng trên đầu lại là một cái mũ rất kỳ quặc. Nó úp ngất ngưởng trên đầu ông ta như một cái xô thủng đít, và hình như nó bằng len nhiều màu sặc sỡ, bất kể trời nóng chảy mỡ. Lạ nhất là ông ta luôn miệng nhai trầu bỏm bẻm và mỗi khi nói nước cốt trầu văng tung tóe vào mặt người đối diện, đến mức người ta phải nháy mắt lia lịa kẻo bắn cả vào mắt. Ông ta kéo tôi sang một bên “Chú bảo thật với chúng mày, chú là khoa học, thằng kia là đệ tử của chú, chú chỉ cho nó rồi, nó làm được hết, cứ yên tâm, chứ chúng mày đừng có mà nghe mấy cái thằng mê tín dị đoan phí tiền”. Khoa học kiểu gì mà cậu đệ tử của ông ta nói huyên thuyên ngọng ríu, tay cầm bó hương vẽ rồng vẽ phượng trong không khí.

Phòng lạnh là một căn phòng khoảng 3m2. Không hiểu nó ko đủ lạnh hay đã lạnh và giờ thì ko lạnh nữa mà nước chảy lênh láng dưới sàn nhà. Cửa mở ra, các cô tôi không ai bảo ai mà tất cả cùng đồng thanh cất lên tiếng khóc cực kỳ ai oán.

Thursday, June 3, 2010

Hòm trang sức của mẹ chồng

 
Ngôi biệt thự của bố mẹ chồng, bỏ hoang đã mấy năm nay từ hồi ông bà mất, ko còn đồ đạc gì đáng kể vì gia đình hai anh trai chồng cần đã lấy về dùng hoặc cho đi hết, có một căn phòng nhỏ cửa bọc thép kiên cố rất ít khi được mở. Ngôi biệt thự khá lớn, chỉ có hai tầng, tổng diện tích sử dụng khoảng 750m2, nằm giữa một khuôn viên rộng khoảng 3000m2, hồi mẹ chồng còn sống khu vườn bạt ngàn hoa. Bà mất 6 năm rồi, khu vườn bỏ hoang đã vài năm nay, nhưng nhiều khóm hoa vẫn tự ra hoa bời bời lẫn trong cỏ dại. Mình mê mẩn dậu hoa hồng bạch của mẹ chồng, thân mảnh phải dùng dậu để đỡ, bông hoa cánh ngoài trắng, vào phía trong nhụy màu hồng nhạt, hoa ra bời bời và thơm khắc khoải. Định mang ra cái nhà ngoài biển trồng cho đỡ mất giống nhưng ko mọc được. Năm vừa rồi mưa bão đùng đùng mấy trận cũng đổ mất mấy cây cổ thụ trong vườn. Các anh trai thuê người đến xẻ gỗ chất đống để đó, thỉnh thoảng đến lấy về dùng dần cho lò sưởi mùa đông.
Ngôi nhà ngày xưa 3 thế hệ chung sống, đội ngũ giúp việc, chưa kể bạn bè và họ hàng đến ở chơi, rất đông vui, bây giờ hoang phế và ngày càng xuống cấp. Trận mưa buổi sáng làm dậu hoa hồng đổ ngả nghiêng. Giai ko chịu được cảnh hoang phế mục nát bảo chỉ muốn bán đi cho nhanh. Nhưng bán rất khó, mấy năm nay mà vẫn chưa bán được.
Trở lại căn phòng nhỏ có cánh cửa bọc thép, đó là nơi mẹ chồng cất giữ những món đồ giá trị, chủ yếu là đồ trang sức, áo lông thú, đồ bạc đắt tiền và tranh quý. Mấy anh em định chia nhau mà cứ được người nọ lại thiếu người kia, nhất là mình toàn ở nước ngoài. Mấy năm rồi lần này mới họp mặt đầy đủ.
Mẹ chồng có bộ sưu tập đồ trang sức phải nói là đồ sộ. Đủ loại đồng hồ, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai, ve cài áo, nhiều vô kể. Ba cô con dâu thèm thuồng nghía hòm đồ trang sức của bà từ mấy năm nay. Hai chị dâu lấy nhiều chứ mình ko lấy mấy vì vốn ko thích đồ cũ hoặc đồ vintage, và nó cũng ko vừa với cái cổ tay và ngón tay gầy gò của mình. Mình cũng ko hay đeo đồ trang sức, trừ khi có dịp phải đeo. Dân Ý thì coi đồ trang sức như một bộ phận ko thể thiếu của trang phục, đeo suốt ngày. Đi đến đâu cũng hầu như có mỗi mình trơ trụi ko đeo gì. Tóm lại, mình chỉ lấy vài món gọi là, trong đó chỉ thực sự thích chiếc nhẫn kim cương, viên kim cương solitaire sáng rực rỡ nằm trên cái đài thiết kế vươn cao rất kiêu hãnh. Số còn lại chủ yếu là để cho hai chị dâu vốn thích những đồ trang sức kiểu dáng lạ và bắt mắt.
Về đồ trang sức, mình chỉ thích mấy nhãn hiệu như Buccellati, Damiani, Pomellato, chứ cũng ko thích nhiều. Đồ của các hãng này rất tinh xảo mặc dù giá hơi đắt. Cũng chỉ chung thủy với kim cương chứ rất ít khi thích các loại ngọc, ko hiểu tại sao lại thế, chắc thấy nó ko hợp với da mình.
Chồng hình như lâu lắm chả mua món trang sức gì cho vợ. Hôm nọ đi ngang một tiệm trang sức, mình chỉ vào một chuỗi kim cương “I like that, you will buy it”. Chồng ngó vào “ok, got it”. Mình lại hỏi tiếp cho rõ ràng vì tính mình thích rõ ràng “when?”. Chồng trả lời giọng rất hiền lành “khi nào anh có tiền”.
Thế thì biết khi nào hả chồng, vợ thì đang già đi, kim cương thì chả thấy đâu