Monday, October 26, 2015

Nợ đời bảo hiểm



Năm đầu tiên ở Dubai, lu bu sắp đặt ổn định mọi thứ, lại hỏi mãi chồng là tên hãng bảo hiểm y tế của mình là gì, chính sách bảo hiểm thế nào, để mình đòi tiền chúng nó, mà chồng mãi chẳng có thời gian trả lời, nên đống hóa đơn tiền bác sĩ của gia đình cả năm đành bỏ.
Năm thứ hai, mình nhắc quá, dai như đỉa đói, ông bực mình bảo “đưa hết hóa đơn đây anh bảo cô thư ký làm”. Mình nhẹ dạ sướng rơn thu thập hóa đơn của năm thứ hai đưa ông. Ai ngờ thứ gì vào tay thầy trò ông cũng như bị rơi vào hố đen vũ trụ, mất hút luôn. Lại nhắc mãi, nhắc sùi bọt mép, vài tháng sau một hôm ông về nhà mặt ngắn tũn “thời hạn đòi tiền bảo hiểm là 3 tháng, anh lại cứ tưởng 6 tháng, thế nên chỗ hóa đơn em đưa anh hết hạn rồi”. Thế là chi phí y tế của năm thứ hai cũng phải tự bỏ tiền túi ra.
Đến năm thứ ba, rút kinh nghiệm, mình gần như túm cổ ông bắt ông mang tên và chính sách bảo hiểm và form bảo hiểm về nhà cho mình, chả trông chờ gì vào thầy trò nhà kia nữa. Nhưng mà thế vẫn chưa xong nợ đời. Thằng con phải cắt bao quy đầu. Mình đòi đi cùng trong ngày phẫu thuật thì ông gạt phắt, bảo “đây là việc của đàn ông”. Phẫu thuật xong mang nhõn cái hóa đơn về, vợ hỏi “medical report đâu?”, “ô, quên rồi”. Thế là bắt đầu hành trình đi đòi medical report. Mình phải nhắc ông, ông phải nhắc bác sĩ, ông bận, bác sĩ cũng bận, mình bã bọt mép cả tháng trời ông mới mang được cái medical report về, thì lại làm mất hóa đơn. Hóa đơn mình muốn giữ mà ông cứ nằng nặc đòi giữ không hiểu để làm cái chết vạ gì. Mình lại phải gọi bao nhiêu cuộc điện thoại và emails để xin lại hóa đơn. Chắc cái phòng mạch đó chúng nó cũng sợ vãi linh hồn khách hàng hủi.
Mà có phải có mỗi cuộc tiểu phẫu của thằng con đâu, còn bao nhiêu cuộc hẹn bác sĩ, xét nghiệm, chụp chiếu các kiểu, của cả nhà trong năm, mà năm thứ ba này lại đặc biệt nhiều. Mình cặm cụi điền form, gửi đi, và ngồi mong mỏi rất nhiều tiền rót về tài khoản. Cứ vài tuần lại phải nhắc anh ơi bảo hiểm đã trả lời chưa, đã trả tiền chưa anh phải nói với em để em không phải hỏi nữa. Và tối qua, ông về nhà, mặt ngắn tũn “hợp đồng bảo hiểm của gia đình mình đã hết hạn từ lâu mà anh quên gia hạn, nên toàn bộ chi phí y tế năm thứ ba cũng sẽ không được bồi thường”!!!. Mình biết thừa ông vừa thú nhận vừa thủ thế, để vợ mà cằn nhằn một cái là ông sẽ lên gân tru tréo “em không thông cảm cho anh gì hết, anh bận, anh bận, anh làm cả nghìn việc quên một hai việc là thường”. Nghìn việc ông làm toàn việc ruồi bu, còn một hai việc ông quên thì toàn gây thiệt hại rất nặng nề.
Mình cũng biết thừa mình tiết kiệm thì cứ tiết kiệm, vì lương tâm không cho phép lãng phí, chứ mình xây bao nhiêu cũng chẳng bằng ông phá. Dù sao thì một người phá vẫn còn hơn cả hai người đều phá.
Từ hồi lấy ông, mình phải học đề phòng mọi thứ, vì điều gì cũng có thể xảy ra được, kiểu như nhìn cái gương rành rành mà chân cứ bước vào vì tưởng cửa, hoặc để ba lô trên nóc ô tô rồi lái đi như đúng rồi, hoặc hai chân đi hai giày khác nhau vv và vv. Thế mà cái sự học quả là vô biên, vì cứ thỉnh thoảng lại ngã ngửa học thêm được một điều mới cần phải đề phòng. Rồi chẳng chóng thì chầy nếu các bạn thấy cún béo đội mũ cối ra đường, với lý do đề phòng thiên thạch rơi trúng đầu, thì các bạn cũng đừng có ngạc nhiên.
Không biết kiếp trước mình làm gì có tội lớn với ông, mà kiếp này mình trả mãi không xong híc híc.
PS1: Vợ vừa trang điểm vừa bảo “từ hồi lấy anh em mới hiểu một điều, đó là “Yêu vô điều kiện, kiểu gì cũng vẫn yêu”. Chồng vừa oánh răng vừa lúng búng “đấy, phải thế”, rồi dãi rớt lại chảy hết xuống quần áo với nền nhà thân già là tôi lại phải đi lau đi gột.
PS2: Càng có nhiều người mua bảo hiểm thì công ty bảo hiểm càng tăng doanh thu. Nhiều khi phải thuyết phục khách hàng rã bọt mép, ký được một hợp đồng mới thì mừng hết lớn. Thế nên khi hợp đồng bảo hiểm gần đáo hạn thì công ty bảo hiểm nào trên thế giới này cũng sẽ sốt sắng nhắc khách hàng gia hạn, trừ công ty bảo hiểm Ý. Hợp đồng của mình hết hạn, mình không biết đã đành, mà nó cũng chả biết gì luôn. Sáng đếch vội, tối đíu cần, trưa thì trời sắp sập cũng phải đi làm chầu nap, tiền chả đủ ăn chơi thì không lấy vợ đẻ con nữa cho đỡ tốn, người dát toàn đồ hiệu nhưng tiền nhà thì quỵt. Một dân tộc kiểu thế thì chỉ có đi xuống lỗ, nhóe.

Friday, October 16, 2015

Nhớ váy



Nhân cảm hứng mùa thu, ai nhớ cái gì tui không biết, tui đi nhớ váy.
Mình có một chiếc váy của H&M. À thực ra mình có hai chiếc váy của H&M giống hệt nhau chỉ khác màu một đen một trắng, mua cách đây mấy năm hồi còn ở Rome. Đi qua nhìn thấy thích quá mua luôn. Lại còn siêu giảm giá, hình như 10 euro hai chiếc. Kiểu dáng đơn giản mình thích, váy lệch vai, xếp nếp nhìn cho đỡ gầy, và bằng loại vải rẻ tiền giống vải va-li-de ngày xưa hay dùng cho khăn quàng đỏ học sinh.
Mình mặc mỗi cái đâu được một đôi lần. Bẵng đi một dạo không mặc, đến lúc giở ra thấy cái váy đã dão. Tức không chịu được vì mình rất thích nó. Từ đó không bao giờ bước chân vào cửa hàng H&M nữa. Thà nó cứ làm sản phẩm tốt rồi bán giá đắt còn hơn. Mình tuyệt đối không mê nổi kiểu thời trang thật long lanh hợp mốt rồi mặc được vài tháng hết mốt thì cũng hỏng là vừa, và mở tủ ra thấy một tủ đầy ngộn quần áo bèo nhèo như bánh bèo vứt thì tiếc mà giữ mặc tiếp thì không vừa ý.
Mình có những món đồ dùng từ hồi con gái. Cái quần tập dùng từ hồi năm thứ hai đại học, giờ đã 17, 18 năm. Cái lược sừng trâu mua trong một chuyến thăm quan thời trẻ trâu nào đó, đi theo mình đã gần 20 năm và đã bị gãy mất 4 cái răng nhưng vẫn dùng tốt. Nhiều món quần áo mua từ ngày chồng con chưa có, giờ mình vẫn dùng. Thế nên nếu các bạn thấy mình mặc bộ nào đó hơi trẻ so với tuổi thì đó chỉ là quần áo cũ còn tốt nên mình vẫn mặc chứ không phải mình dạo này hồi xuân cưa sừng làm nghé.
Cái váy này là do một chị may cho mình, hôm nay phởn đem ra mặc thử. Váy đen toàn thân, cườm ngũ sắc rất nhỏ đính ở cổ và gấu. Hồi đó cửa hàng của chị ấy tên là Lara, ở ngã năm ngã bảy đoạn cuối phố Tràng Thi hình như giao với Hàng Bông. Chị ấy người Sài gòn, hình như tên thật là Huyền, hay bảo “em ăn gì mà người đẹp thế hả em?” và rất chí thú trăn trở sáng tạo ra những chiếc váy cho mình mặc. Cái tính tối giản trên răng dưới dép của mình kết hợp với phong cách điệu đà nữ tính nhiều khi hơi bling bling của chị ấy cho ra đời những chiếc váy mình rất vừa ý. Có lần, gần nửa đêm, chị ấy gọi điện cho mình, giọng hồ hởi vui mừng “em ơi, chị biết rồi, cái váy em đặt, chị sẽ may lớp lót màu đỏ, chị vừa nghĩ ra, thích quá nên phải gọi cho em ngay, sẽ đẹp tuyệt vời em ạ”. Có lần, mình tranh thủ ở lại làm muộn rồi đi event luôn. Đang chuẩn bị đi thì có cậu nào ở công ty nào đó gọi điện bảo tôi phải đưa gấp cho chị một tập tài liệu. Mình bảo anh qua đây luôn tôi vẫn còn ở văn phòng. Lúc bảo vệ gọi, mình chạy xuống. Cậu ta nhìn thấy mình một cái thì gần như đánh rơi tập tài liệu đang cầm trên tay. Mình đã chìa tay lấy tài liệu rồi, cám ơn rồi, chào rồi, mặt tỉnh bơ quay đi rồi, mà cậu ta vẫn đứng nhìn trân trối mồm lắp bắp tiếng được tiếng mất. Khổ thân cậu ta vừa tới Việt nam được đúng có vài hôm. Trước khi lên cầu thang, mình linh cảm cậu ta vẫn đứng ì ra đó, bèn quay lại nhìn. Thì đúng là cậu ta vẫn đứng chôn chân ở đó thật. Mình nhịn không nổi cười phá lên làm cậu ta bừng tỉnh chân tay luống cuống mặt đỏ như gấc. Tối đó, mình cũng mặc một chiếc váy chị Lara may cho, váy satin đen, dài sát gót, đuôi cá, đằng sau lại có một dải satin trắng, và thắt eo rất bạo liệt. Những chiếc váy Lara’s collection, bạn đồng hành trong công cuộc sát giai của tui. Chị Lara còn ở đó không nhỉ, và không biết còn nhớ em G không? Chị Lara mà biết những chiếc váy của chị vẫn được em G mặc trong các sự kiện lớn nhỏ, thì có vui không?
Mười mấy năm đã qua.
Ảnh: đố ai biết tôi selfie kiểu giề?

Sunday, October 11, 2015

Pourquoi me réveiller?



Tuần chỉ có 5 buổi sáng.
2 ngày cuối tuần thì không tính. Vì con không đi học nên riêng chuyện phục vụ ăn uống, dọn dẹp chúng nó bày bừa, cho đi ăn, cho đi chơi, vv và vv, là đã hết bay.
Từ 12h trưa hàng ngày trở đi cũng không tính, vì nấu ăn, rồi đi đón con, con về nhà thì cho ăn, học bài, đọc sách, bóng đá, karate, bơi, playdate, phân xử cãi nhau, tắm rửa cho con, rồi lại nấu ăn. Cứ thế là cũng quần quật đến 7h tối. Nấu ăn xong để cô giúp việc cho chúng nó ăn còn mình hộc tốc chạy lên nhà mặc quần áo đi events. Về đến nhà cũng là nửa đêm. Thế là hết một ngày.
Thế nên tuần chỉ có 5 buổi sáng, từ 9h đến 12h. Nhưng hai buổi sáng đã phải dành vào việc đi chợ mua đồ ăn và các thể loại đồ dùng trong nhà. Một buổi sáng đã phải dành vào việc nấu nướng. Mình hay nấu một vài món một lúc để chia phần cho vào tủ đá. Trong tuần khi phải đi events nào giờ giấc khác thường, không nấu cho con được, thì chỉ việc lấy đồ trong tủ đá ra dùng. Thế, thế là chỉ còn 2 buổi sáng.
Trong 2 buổi sáng này thì 1 buổi lại phải dùng vào những việc lặt vặt, ví dụ hẹn gặp ai đó gọi mình từ lâu mà mãi mình không gặp được; hoặc dành mấy tiếng để dọn phòng đồ chơi, bỏ đi những thứ lưu cữu; hoặc dọn tủ quần áo, bỏ đi những cái chật, vá những cái rách, đơm cúc, nới chun; hoặc trả lời những email và giấy mời và sms lần lữa trong suốt tuần không trả lời được ngay; hoặc lôi ra làm những việc ngại làm nên cứ để trên bàn đã mấy ngày ví dụ điền form đòi tiền bảo hiểm, chuẩn bị phong bì đóng tiền chuyến dã ngoại nọ chuyến dã ngoại kia của con; hoặc ra ngân hàng rút tiền rồi mang tiền đi đổi; hoặc chỉ đơn giản là ngồi gọt một đống bút chì màu con hay dùng tô màu gọt xong là ngón tay mình cũng trầy luôn vv và vv, nói chung rất nhiều việc.

Thế, thế là chỉ còn 1 buổi sáng thảnh thơi cho riêng mình, viết blog, nghe nhạc, hoặc thực hiện một ý tưởng phù phiếm nào đó, hoặc lôi quần áo trong tủ ra thử trước gương. Mặc thử quần áo trước gương là một trong những sở thích quan trọng của tui. Tuy nhiên đây là một sở thích khá tốn sức. Chỉ cởi ra mặc vào khoảng 3, 4 bộ là tui toát mồ hôi thở không ra hơi roài. Bạn nào muốn giảm cân, không cần tập thể dục cho tốn tiền, cứ thử quần áo liên tục cho tui. 

Thế, sáng nay không cần phải chuẩn bị đồ ăn trưa cho ngài vì ngài có hẹn ăn trưa, tủ lạnh vẫn nhiều đồ ăn nên không cần đi chợ, events cả tuần đã sắp xếp, mình đợi ngài ăn sáng xong tót ra khỏi nhà thì cũng hoan hỉ tót lên nhà rắp tâm viết entry gì có hơi hướng trí tuệ một tí. Vừa đặt đít ngồi xuống, nghe chưa hết một bài hát, thì chuông điện thoại réo inh ỏi. Là ông chồng quý hóa rào đón “Em yêu, ăn trưa của anh bị hủy rồi, và anh vừa nhận ra hôm nay là sinh nhật cô thư ký. Em chuẩn bị cho anh bữa trưa và quà cho cô thư ký rồi mang đến văn phòng cho anh nhé. Nếu chỉ có một việc thôi thì chả đáng làm mất thời gian của em, nhưng đây lại hai việc một lúc, em ạ, giúp anh”. Nghe mình ừ bố lại còn cố tranh thủ nốt “tốt quá, cám ơn em yêu, à em ơi, viết hộ anh cái card sinh nhật cho cô ấy luôn nhé”. Rồi 5 phút sau điện thoại lại réo ầm ĩ “em ơi, cái danh sách khách mời event sắp tới ở nhà mình, anh để đâu ý em nhỉ, em tìm rồi mang đến cho anh một thể nhé”.
Thế, thế là nội trợ lại cong đít tìm danh sách khách mời, chuẩn bị quà, chuẩn bị lunch box, rồi mang đến văn phòng cho ngài. Quay về nhà thì đã 11h30, sắp tới giờ nấu ăn đến nơi, chả còn thời gian viết cái gì trí tuệ. 

Mấy tuần trước, cũng rắp tâm viết một cái gì đó trí tuệ vào một buổi sáng thư thả hiếm hoi, thì ông con trai buổi sáng ngủ dậy chim tự nhiên sưng phồng lên. Hoảng quá gọi điện cho bác sĩ rồi xin nghỉ học cho ông và dẫn ông đi bác sĩ ngay. Đi bác sĩ xong thì chạy qua hiệu thuốc mua thuốc bôi cho ông ngay. Bôi xong thì lại chở ông đến trường cho ông khỏi mất cả ngày học. Về đến nhà đói run cả người vì không kịp ăn sáng, lại đã đến giờ nấu ăn và đón con gái bé. Đấy, làm người đàn bà trí tuệ có đơn giản đâu. 

Pourquoi me réveiller, o souffle du printemps?
Pourquoi me réveiller?
Sur mon front, je sens tes caresses….

Saturday, October 3, 2015

Mày mang cái dạ về đây hay Tại sao đàn bà nói nhiều



Có lần, đi từ Dubai tới Abu Dhabi, mình ngồi chung xe với một bà mắc bệnh nói nhiều phát khiếp. Sau hơn 1 tiếng ngồi chịu trận mình mới hiểu tại sao nhà mình và nhà bà ấy lúc khởi hành đi hai xe, mình thì muốn đi với chồng mình mà chồng bà ấy cứ khăng khăng bảo “đàn ông đi 1 xe, đàn bà đi 1 xe” và tót ngay lên xe chồng mình, đùn cho mình đi cùng xe với vợ ông ấy.
Hôm nọ, trước giờ đi ngủ, mình bảo “em bé Na đi đái chưa, không đi đái là đêm đái ra quần đấy nhá”. Mình chỉ nhắc nhẹ nhàng thế mà bị nó nạt luôn “mamma nói dồi, mamma nói nứaAng na đái da quầng”. Ý nó là mình mà nói lần nữa là nó cố tình đái ra quần cho mà biết. Mà mình chỉ nói có 2 lần chứ mấy???
Mình cực ghét tính nói nhiều, rất sợ gặp người mắc bệnh nói tràng giang đại hải, nói dài nói dai nói dại, nói từ ngày này sang ngày khác, có một chuyện nói đi nói lại, đay đi nghiến lại, nhai đi nhai lại như bò nhai cỏ.
Hôm nọ, đúng lúc mình đang vui. Mình bắt đầu kể cho ngài nghe một câu chuyện. Mình kể rất chi tiết vì bớt chi tiết nào đi thì mình sợ ngài không hiểu. Thế, thế là mình say sưa kể lể âm ty cụ tỉ con tằm nhả tơ. Kể xong, ngài ừ ừ chả ra là hiểu hay không. Bình thường mình nói mà không hiểu là chết với mình, nhưng hôm nay không hiểu không sao, mình đang cao hứng mình không chấp, mình lại kể sang chuyện khác. Mình nói trời ơi là nói, nói miên man, nói say sưa, nói không dứt. Ngài lại ừ ừ. Mình lại nói tiếp, lại miên man, say sưa, không dứt, trời ơi tự dưng bao nhiêu chuyện để nói mới chết chứ, càng nói càng nghĩ ra nhiều thứ để nói, cảm hứng cứ thế là tuôn trào lai láng. Rồi tự nhiên mình sực nhận ra, thế là mình im bặt luôn. Đấy, mình không thích phải nghe ai nhiều nên mình cũng không muốn ai phải nghe mình nhiều.  
Thế mà ngày nào cũng phải nhang nhác: Lila, con gái con nứa ngồi khép cái chân vào. Ale, con ngồi thẳng lưng lên không vẹo cột sống bây giờ. Anna, không được cắt trụi lông con gấu này nhớ chưa. Lila, không vừa ăn vừa cười hóc bây giờ. Lê La Na không nói chuyện nữa ăn nhanh lên cho xong đi mẹ còn dọn con ơi. Ale, đọc truyện xong con phải cất lên giá sách không vứt thế này. Anna, ngồi ăn tại chỗ không vừa ăn vừa chạy. Làm bài tập đi, đánh răng rửa mặt đi, thay pijama đi, đi đái đi, uống nước đi, pijama thay ra phải gấp để đầu giường thế này nhớ chưa, quần áo bẩn muốn thay thì phải cho vào sọt đựng quần áo bẩn nhớ chưa, đọc sách ngồi ra chỗ sáng không hỏng mắt nhé, giời ơi vừa nói chưa dứt mồm sao đọc sách lại quay ngay vào chỗ tối thế hả, ngứa ngáy sưng tấy hay đau đớn chỗ nào phải bảo mẹ ngay nhớ chưa, ăn không được phát ra tiếng, ngồi học đừng dí mắt xuống vở, cùi chỏ không được để lên bàn khi ăn con ạ, giời ơi mặt kêu rửa rồi mà sao vẫn như mặt mèo thế này đi rửa lại ngay, vv và vv.
Hết con đến chồng: Anh ơi, thay quần áo ra đừng vứt ra sàn nhà thế này ngày nào em cũng phải nhặt. Anh ơi, tắt Ebay xuống ăn cơm, gọi mấy lần rồi anh không đói hả. Anh ơi, cái việc em dặn anh làm cả tháng nay hôm nay anh làm chưa, anh chưa làm à, thế bao giờ anh làm. Mấy năm trước còn khổ hơn, vì ngoài những chuyện ở trên ra thì còn thêm: anh ơi, đừng quăng tiền xu lung tung con cho vào mồm thì chết hóc. Anh ơi, điện thoại anh xạc xong thì rút phích cắm cất đi không con nó cho vào mồm nó ngậm điện giật chết. Anh ơi, anh hỡi….
Cứ thế, từ sáng đến tối là miềng thiếu điều sùi bọt mép. Dòng đời xô đẩy, từ một người phớt tỉnh và kiệm lời, mình đã thành cái máy nói bất đắc dĩ từ khi nào vậy trời??? Nếu được chọn, mình chỉ muốn ngậm hột thị từ sáng tới chiều, bảo toàn năng lượng, không bị sụt cân, cơ mặt không phải cử động quá nhiều sẽ không bị nhăn sớm.
Hồi bé mình nhớ, bác mình chiều nào cũng gọi anh họ mình đang chơi ở nhà hàng xóm về ăn cơm. Anh ấy nghe gọi thì dạ cực nhanh, bác mình gọi chưa xong anh ấy đã dạ xong, nhưng dạ thì cứ dạ, còn người mãi chẳng thấy về. Nhiều lúc bác mình gọi mãi, điên quá gào lên “mày mang cái dạ về đây”. Đến lượt mẹ bạn mình, đứng ở tầng trệt, hò vọng lên tầng trên gọi anh nó xuống ăn cơm. Anh nó nghe mẹ gọi là dạ ran, nhưng chẳng xuống. Một lúc sau, bác ấy cũng “mày mang cái dạ xuống đây”. Giờ, sau mấy chục năm, đến lượt mình “Lê La Na, xuống ăn tối”. Mình gọi lần nào chúng nó dạ ran lần đấy, đến lần thứ ba thì mình cũng suýt “chúng mày mang cái dạ xuống đây”. Việc gì cũng phải nói đi nói lại mới xong, cứ bảo sao đàn bà nói nhiều. 

Nhưng cái bà Abu Dhabi ở trên thì cam đoan là bà ấy mắc bệnh nói nhiều bẩm sinh, chứ chả phải do dòng đời xô đẩy gì sất.