Monday, February 23, 2015

24/2/2015



30 Tết, dẫn bọn trẻ con đi bác sĩ kiểm tra một loạt. Ale Anna tất cả đều bình thường, chỉ có con Lila là phải lấy máu xét nghiệm. Lấy có tí tẹo máu mà cô y tá chọc tới chọc lui chẳng lấy được ven, nó khóc lóc đau khổ. Xong, ra đến bên ngoài, nó hỏi mẹ “mamma ơi Ale có shé bị đau giống Lila hông?”, là nó đang hỏi về cuộc tiểu phẫu thằng anh sẽ phải làm trong vòng mấy tháng tới . Mẹ bảo “con đau tí ti thôi còn anh sẽ đau nhiều hơn con đấy con ạ”. Thế là mồm nó ngoác ra cười sung sướng, cái mặt xanh xao buồn thiu sáng trưng lên. “Biết anh bị đau hơn mình là cười sướng, em với ún cái kiểu gì thế nhẻ”. Nghe mẹ nói nó rúc mặt vào sườn mẹ, cái mồm rộng ngoác răng vổ vẫn cười ngoác không khép lại được.
Rồi nó nhăn nhó “La không thíc cái smell này”, mùi giặt khô là hơi từ cái tiệm đồ giặt đối diện clinic. Chỉ thế thôi, rồi nó xỉu luôn, giời ạ. Số mình vẫn may là có ông bác sĩ đi ngay sau, ông ấy bắt mạch rồi vội vã gọi thêm một bác sĩ đến cấp cứu giúp nó tỉnh lại. Sau đó thì mình vừa lái xe trong cảnh giao thông hỗn loạn, vừa bị ông con trai hỏi luôn mồm Lê vừa vệ sinh răng xong thì có được uống không, vừa bị con Na đòi ăn vì lúc đó đã gần 3h trưa, vừa phải gọi con Lila liên tục sợ nó lại xỉu lần nữa. Lúc đó chỉ mong có ngài ở đó, cho ngài nếm mùi thực tế để đừng bao giờ thốt lên cái câu vô tư nhất trần đời “ô con mình nuôi dễ nhỉ, thế này mình có chục đứa cũng được em ạ”.
 Mùng 1 Tết. Sáng trông hộ hai đứa con cho cô thư ký của ngài vì chúng nó được nghỉ học, cô ấy phải đi làm không biết để con cho ai. Cũng chẳng phải mình tốt với cô ấy đến thế đâu nhưng cô ấy mà phải ở nhà trông con thì ngài sẽ không có ai giúp ở văn phòng. Trưa đứng quấn nem tê hết cả chân, ra được gần 50 cái nem cái nào cái nấy to như lợn con. Tối nhà có khách đến ăn và ngủ lại. Mang nem ra đãi khách. Cũng chẳng hy vọng hội Ý điệu này thích ăn nem nhưng mệt quá chẳng muốn nấu món mới. Thế mà may quá khách ăn tì tì. Mình cắt lên mười mấy cái nem mà chỉ kịp ăn có 2 mẩu, còn lại là khách ban đầu lịch sự ăn bằng đũa, sau chuyển qua dĩa xiên nem ăn cho năng suất, và cuối cùng là bỏ dĩa nhón bằng tay luôn. Còn ngài, y như mình đã lường trước, gắp đúng hai mẩu nem và ngồi ăn điệu bộ như bị giời hành.
Nấu món Việt cho ngài rất chán. Vì các thể loại bún phở miến có nước và có thịt luộc thịt hầm là ngài không đụng đũa. Phải ăn những món đó thì ngài thà ngồi ăn cơm trắng với muối hạt. Nem rán ngài không ăn. Nem mà muốn ngài ăn thì phải là nem cuốn sống. Nhưng ăn nem cuốn sống mà lại bắt bỏ tôm, bỏ thịt luộc, và đòi chấm bằng dầu ô liu thay vì nước chấm pha thông thường. Món nem làm theo ý ngài tất nhiên là ăn chẳng ra gì. Ngài ăn không nổi ngài bảo “món này không ngon, lần sau đừng làm nữa”. A men.
Lại trở về chuyện 50 cái nem to như lợn con, trưa hôm sau mình lại rắp tâm ăn nem lần nữa. Ai ngờ rán lên chục cái bọn LêLaNa ăn sạch, mình chưng hửng được mỗi một mẩu. Đến chiều, mình cay cú lôi ra hẳn hai hộp nem vốn định để tủ đá để dành ăn dần, dặn cô giúp việc tối cho bọn trẻ con ăn nem tiếp, và bảo cô ấy lấy mấy cái ăn thử cho biết món ăn Việt Nam. Dặn xong mình tung tẩy bụng đói đi nghe hòa nhạc. Nghe hòa nhạc xong ngài rủ đi ăn đồ Nhật. Vợ xoa tay hoan hỉ bảo không, em muốn về nhà ăn nem của em.
Về nhà, vợ hăm hở chạy vào bếp mở tủ lạnh tìm nem. Chẳng thấy bóng dáng cái nem nào, cả tủ trên lẫn tủ dưới. Mấy cô cháu nhà kia đánh chén sạch của tôi rồi. Thất vọng não nề đành lôi chuối ra ăn thay bữa tối. Chồng ngồi cười hắc hắc chén sushi, no nê xong lại ngó sang vợ xin ăn chuối cùng.
Năm mới thế này thì có vẻ hơi trục trặc ý nhỉ.
Ảnh; nó xin mẹ cho nó để tóc dài. Mẹ ngần ngại, để tóc nồi úp hay chứ, nhưng thôi ừ  thì tóc dài, xem có bớt tai quái đi tí nào không.

Friday, February 13, 2015

Lộn xộn


Hồi còn ở Hà nội, chàng hay gửi tiền hàng tháng trợ giúp một nhóm sinh viên nghèo. Số tiền ít thôi chứ cũng không đáng kể gì.

Sau rồi mình chuyển đi. Cuộc sống lúc nào cũng bận bịu, cũng quên biến những cô cậu sinh viên hồi ấy, như quên rất nhiều thứ khác. Nhưng có một cô bé không quên. Năm nào cô bé ấy cũng viết thư cho vợ chồng mình. Thư nào cô ấy cũng viết cám ơn anh chị nhiều lắm, số tiền anh chị cho đã giúp em không bị đói suốt từng ấy năm đại học. Mình thường trả lời thư của cô ấy hộ chàng. Rồi mình không trả lời nữa. Phần vì bận, không trả lời ngay là quên, phần vì cũng ngại vì sự giúp đỡ của mình thì nhỏ, mà lời cám ơn của cô ấy lại lớn.

Tự dưng nhớ tới cô bé này vì hồi trước, cứ đến gần Tết là cô ấy viết thư chúc tết. Rồi hình như sau hai năm mình không trả lời thì cô ấy cũng không viết nữa. Mình chỉ còn nhớ láng máng lần cuối cùng viết thư, cô ấy kể đã tốt nghiệp đại học, thành cô giáo, đã quay về bản làng của cô ấy để dạy tiếng Anh cho bọn trẻ, đã lấy chồng, và đã có hai con.

Thế là lại tết rồi đấy nhỉ. Hồi bé, tết là nồi nước tắm có lá mùi già bốc hơi nghi ngút, nồi bánh chưng sôi lục bục giữa cái sân nhỏ, trong rẻo vườn be bé trước mái nhà tranh của bà những bông thược dược sẽ nở. Lớn lên, tết là những ngày dọn dẹp giặt giũ đến khi nhà cửa sạch bóng lên, loại bỏ đi rất nhiều thứ tích trữ trong năm vì nhà nhỏ quá không thể cái gì cũng giữ, rồi tắm gội và thảnh thơi đi mua hoa, đi chùa. Toan về già, chỉ muốn tết là một ngày bước ra đường, một mình, trời hưng hửng, giăng giăng mưa bụi, ghé vào một cái chợ cóc dưới chân lép nhép bùn, để ngửi thấy mùi của quá khứ, mùi của su hào cà rốt còn cả cuống lá tươi, mùi hành lá, hành củ, rau mùi, chất thành đống.

Muốn văn vẻ một tý mà mấy bố con nhà kia chơi trò gì như trò cá ngựa, chả hiểu bố hay con ăn gian mà cãi nhau ỏm tỏi lớn bé bằng nhau. Haiz, chồng con bìu ríu, muốn nho nhã tí cũng khó.

Tối hôm kia, mình chúc một anh “mọi người hay chúc năm mới thịnh vượng phát tài phát lộc nhưng em chỉ xin chúc anh năm mới mạnh khỏe và bình an”. Anh ấy bảo “Anh cũng chúc em sức khỏe và bình an. Thực ra bình thường thì mình cứ hay mơ ước cao xa, nhưng khi xảy ra chuyện rồi thì mới hiểu cảm giác bình an là quý giá nhất, và chẳng cần gì, chỉ cần được bình thường thôi đã là tốt lắm rồi, em ạ”. Anh ấy ở vị trí xã hội đủ cao và hoàn cảnh riêng có vấn đề đủ lớn để mình hiểu lời nói của anh ấy thốt ra từ sự hiểu biết và kinh nghiệm của chính bản thân. Vậy nên mình cũng chúc các bạn một năm mới bình an và mạnh khỏe, cả cô bé sinh viên nghèo ngày xưa mà giờ đã thành cô giáo.
PS Đọc được tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, cảm giác thất vọng, rất lớn. RIP.

Sunday, February 8, 2015

Lục bảo



Cái nhà ở Salento đang làm dở, thỉnh thoảng lại phải về xem. Có việc chồng đi một mình được, có việc cả hai vợ chồng phải cùng đi. Chẳng muốn bỏ con ở nhà mà đi tí nào nhưng lại sợ mình cứ để mặc hội thợ tự tung tự tác, đến lúc mình về vào nhà mình lại tưởng vào nhầm nhà ai thì hỏng.
Trước khi đi, chồng bảo “dự báo thời tiết mưa cả tuần, em ạ”. Vợ nghe xong gật gù “thế thì có khi lại nắng, lo gì anh”. Hóa ra con vợ mắc bệnh lạc quan tếu. Dự báo thời tiết lúc cần đúng thì toàn sai, lúc cần sai thì lại toàn đúng, đời tôi còn biết tin ai hả trời???
Tóm lại, cả tuần mưa tầm tã, ẩm độ cao, nhiệt độ thấp, đứng trong căn nhà trống tuềnh toàng vì chưa có cửa, ẩm ướt, ngổn ngang, bẩn thỉu, gió hút từng cơn buốt óc, bao nhiêu quần áo găng khăn mũ ngã chắc không đứng dậy nổi mà vẫn cứ rét run cầm cập. Mỗi ngày phải đứng run từ sáng tới quá giờ trưa như thế vì phải tranh thủ gặp thợ nề, thợ mộc, thợ cửa, thợ nước, thợ điện, thợ lắp hệ thống điện mặt trời, thợ làm vườn. Lại thêm ở xứ khỉ ho cò gáy, giữa mùa đông, buổi trưa chẳng có hàng quán nào mở cửa. Bụng đói nên người lại càng rét, khổ sở không tả nổi. Mình rét đến nỗi chiều quay về phòng thay quần áo để đi ăn tối, mình bật lò sưởi nóng hết cỡ, rồi mặc nguyên áo len dày xụ chui vào chăn nằm cho ấm người mà vẫn không ấm được, toàn phải thủ chân vào lòng một số người cho ấm.
Mẹ vẫn giữ nguyên lời hứa của mình. Đôi hoa tai này mẹ đeo thử, mẹ thích lắm nhưng tháo ra trả lại rồi, con ạ. Mẹ muốn thấy con rám nắng, chân gầy, mắt sáng, nhảy múa trên cánh đồng của mẹ, trẩy quả olive cho mẹ, và mang hoa tươi vào nhà trong những chiếc lẵng bằng gỗ.

PS. Mẹ về đến nhà, 2h sáng. Vừa chợp mắt ngủ thì tự dưng nghe thấy một tiếng óe lên như chuột, rồi một cái gì bù xù lông lá dụi vào mặt tới tấp, rồi mặt mẹ bị cái môi mềm mềm hôn chíu chít. Là con gái đã mò sang, ré lên vì mừng khi thấy mẹ đã về. Sáng ra mẹ hỏi “Sao con biết mẹ về mà con sang? Cô Rất bảo mẹ đi vắng con ngủ suốt đêm trong phòng con cơ mà?”. Nó thỏ thẻ “Ang na shang phòng mamma Ang na check, nếu Ang na hông thấy mamma thì Ang na go back phòng Ang na Ang na ngủ với Ale”. Mẹ lại hỏi “thế con gái ở nhà có nhớ mẹ không?”, nó ôm riết lấy mẹ, khóc hứt hứt “có, Ang na nhớ mamma lắm, Ang na iêu mamma lắm”. Mẹ thương con gái mẹ quá đi mất, mẹ vất vả cũng đáng quá đi mất, chúng mình không xa nhao nứa.

Sunday, February 1, 2015

Ông nhân tình béo của tôi ơi

Phỏng theo bài thơ “Cô nhân tình bé của tôi ơi”, Nguyễn Bính.

Vợ viết lên một danh sách những việc phải làm, rồi nhăn nhó “anh yêu, anh làm hộ em mấy việc chứ từng này thứ em sẽ không làm kịp trước lúc ra sân bay”. Ông ô kê con gà đen liền. Gì chứ muốn ông đồng ý thì dễ ợt. Đồng ý rồi có làm theo hay không mới là vấn đề, mình đã kinh nghiệm thế.

Mình giao cho ông việc mua bánh sinh nhật cho con, mua thêm cái khung thành cho bạn con đá bóng vì nhà có hai cái thì thằng bé hàng xóm đánh đu lên đã làm hỏng một, mua cho con đôi giày đồng phục mới thay đôi cũ đã chật, và mua một quyển sách làm quà sinh nhật cho con. Có 4 việc, làm trong 2 ngày.

Ngày thứ nhất, ông rủ mình ra biển đi dạo. Mình bảo em nhiều việc quá không đi được, thế là ông tót đi một mình. Dạo biển chán ông về nhà, cơm trưa đã sẵn sàng, ông đánh một bụng no rồi lăn ra ngủ tới xế chiều. Ngủ dậy ông ôm điện thoại chat với bạn đợi vợ nấu cơm tối. Ăn tối xong ông ngồi nghệt mặt xem phim.

Ngày thứ hai, ông đủng đỉnh đà đận tới gần trưa mới đi mua bánh sinh nhật. Bánh sinh nhật gần nhà chạy đi chạy về có khi chả tới nửa tiếng, thế mà ông cầu kỳ đặt ở tận cửa hàng bánh ngọt của dân Ý nhà ông ở tận xứ mù căng chải nào, nên ông biến luôn cho gần 3 tiếng mới hồng hộc mang về cái bánh chảy nhoét. Vợ vội vàng cho bánh vào tủ lạnh cho nó cứng lại, và phục vụ ông bữa trưa. Ăn trưa vội vàng xong ông lật đật chạy đi mua khung thành. Cả ngày hôm qua chơi nhởn nhơ, còn một tiếng nữa là đến giờ sinh nhật thì mới cuống đít.

Kết quả, bọn trẻ con đến, hai thằng tụt ngay dép làm khung thành, và hò hét đá bóng lập tức chứ không chậm được giây nào. Chúng nó đá bóng như thế cả nửa tiếng mới thấy ông chồng quý hóa của mình mò về, vác theo một cái khung thành bé bằng nửa cái có sẵn. Bọn trẻ con chưng hửng, lại lấy dép làm khung thành đá bóng hò hét tiếp. Hai khung thành cái cũ to đùng cái mới bé tí đành xếp xó. Hỏng việc thứ nhất.

Đến lúc thổi nến, bánh của ông vẫn nhão nhoét tới mức cái nến bé tí mà cứ cắm lên là đổ quay lơ. Cuối cùng ông sáng tạo, xòe bó nến trên tay như người ta xòe bài tú lơ khơ, châm lửa, rồi tay cứ xòe nến giơ trên cái bánh mồm hát ông ổng chúc mừng sinh nhật con, nhìn chả giống ai. Hát vội xong giục con thổi cái phù vì sợ nến nóng chảy rơi bỏng tay. Hỏng việc thứ hai.

Sinh nhật con xong ông chạy đi làm nốt hai việc vợ giao vì ông biết vợ ông nó nhịn ông cho ông ăn chơi đủng đỉnh suốt hôm qua, giờ không làm xong thì nó giết. Ông mua về cho con đôi giày đồng phục chật ngang đôi giày cũ. Hỏng việc thứ ba. Chưa hết, quyển sách ông mua làm quà sinh nhật con thì con đã có từ đời nào. Hỏng nốt việc thứ bốn.

Sau đó mấy tiếng, hai vợ chồng đang ngồi ngoài sân bay đợi tới giờ lên máy bay về Rome, mình vẫn còn đang ngồi thở vì chưa hết stressed sau khi đã hoàn thành to do list mà ông thì đã ngoặc cái gối vào cổ rồi ngủ lăn quay. Thế rồi chỉ vài phút sau, và trên một quãng đường có vài chục mét từ chỗ ngồi đợi lên tới máy bay, ông đã kịp đánh mất cái gối bảo bối. Mình bảo “đầu óc anh mà cứ tiếp tục như 2 ngày vừa rồi chắc em cho anh đi viện”. Ông im thít không dám cãi câu nào, chứ bình thường động đến đầu óc ông thì ông cãi khỏe lắm. Không có cái gối làm chỗ dựa, ông quay quay xoay xoay dọn ổ và cuối cùng ghé luôn cái đầu nặng trịch của ông lên vai mình.

Trên đường từ Rome về lại Dubai, ông hứng chí gọi rượu uống. Xoẻn chưa hết chai rượu vang đỏ be bé ông đã quay sang mình cầu hôn “em có lấy anh không?”. Thôi, thế là tôi biết ông chồng tửu lượng kém của tôi say say tây tây roài. Từ đó tới lúc máy bay hạ cánh, cứ chốc chốc nhát nhát ông lại xin đi đái. Ông ngồi trong, vợ ngồi ngoài, ông cứ đi ngang qua lại ngồi ịch một cái vào lòng vợ, đến lúc vợ gày gò lẻo khoẻo kêu oai oái vì nặng ông mới nhấc đít ông đi cho.

Thế mà có lần mình bảo chị bạn “tôi vất vả lắm chứ có được nhàn hạ như các bà đâu”, thì còn bị chị ấy đay nghiến “vâng, đời tôi mới là đời cô Lựu, còn đời cô thì là đời cô lựu đạn”.