Wednesday, September 30, 2020

30/9/2020


Trong hệ thống trường Anh, trẻ con sinh từ tháng 9 trở đi là phải học cùng các bạn sinh năm sau. Thế tức là con Na sinh tháng 10 năm 2010 phải học cùng các bạn sinh năm 2011. Nó toàn lớn nhất lớp và dĩ nhiên cũng hổ báo cáo chồn nhất lớp.

Chuyển về hệ thống trường Ý, trẻ con sinh cùng năm sẽ học cùng nhau. Con Na phải học cùng các bạn sinh năm 2010 giống nó. Tức là nó bị nhảy cóc một lớp, vào luôn lớp 5, lại còn bé gần nhất lớp.

Trường Ý sợ nó vừa đổi từ tiếng Anh sang tiếng Ý, lại còn nhảy cóc một lớp, thì e là nó lao đao quá, nên đề nghị cho nó xuống lớp 4. Mình lúc đó đang nhà cửa tanh bành, mỗi ngày quần quật mười mấy tiếng đồng hồ, tất cả mọi việc đều đuổi sát đít, quả thực không còn thời gian nào nghĩ đến chuyện trường lớp. Thế nên trường bảo gì mình thụ động gật nấy. Trường bảo cho nó học lớp 4, mình cắm mặt đi mua sách lớp 4 và toàn bộ đồ dùng học tập lớp 4 cho nó.

Nhân cuối tuần mấy bố con nhà nó đi ra cái nhà ngoài biển nghỉ, mình dành hẳn một buổi tối giở sách lớp 4 của nó ra xem, thì mới tá hỏa nhận ra nó mà phải học lớp 4 thì chỉ có phá chứ không học hành gì được, vì toàn bộ chương trình toán nó đã học qua gần hết. Thế là sáng hôm sau, khi chỉ còn vài ngày nữa là nhập học, tức tốc gọi điện cho trường, yêu cầu cho con tôi vào lớp 5. Trường nó chắc lộn ruột mình lắm. Nhưng lộn ruột thì lộn ruột, nếu nó tạm đủ trình độ thì phải cho nó học đúng tuổi, rồi khuyết chỗ nào thì bổ túc thêm. Chứ cho học dễ quá thì phí một năm của nó, lại còn lớn nhất lớp, thì đảm bảo cả năm nó quay thầy cô bạn bè như quay dế. Thế là lại hộc tốc chạy đi mua sách vở và đồ dùng học tập lớp 5.

Nhanh thế, mới ngày nào mẹ vào lớp 5, được thầy Hợp chủ nhiệm dẫn đi thi học sinh giỏi. Thầy dắt xe đạp đi đằng trước, mấy đứa học trò loẹt quẹt dép đi sau, đi bộ từ trường Văn Chương, xuyên qua ngõ chợ Khâm Thiên ra thẳng đường Đê La Thành. Thầy chỉ dẫn đi, còn thi xong tự về. Thi xong cả bọn dùng tiền trường bồi dưỡng thi học sinh giỏi để đi ăn bánh chuối. Thi là phụ, ăn bánh chuối là chính. Trước giờ thi thì đã chui vào vườn cái nhà ngay bên cạnh phòng thi để hái trộm dâu.

Thế mà giờ con gái mẹ cũng đã vào lớp 5. Buổi sáng đến trường, mẹ bảo mẹ đợi dưới sân trường, em bé lên lớp ra cửa sổ vẫy mẹ để mẹ biết vị trí phòng học của em bé nhé. Nó gật rồi hai cái chân tăm của nó ton ton đi lên cầu thang vác cái ba lô to hơn người, và chỉ chưa đầy một phút sau đã thấy cái mặt nâu nâu của nó lấp ló ở cửa sổ một lớp học trên tầng 2. Mẹ yêu cái em bé nâu từ đầu đến chân trừ những lúc lên cơn còn lại thì vô cùng biết điều của mẹ quá đi mất.

Cũng trong cơn rối ren chuyển từ nước nọ sang nước kia, sửa nhà, rồi covid, mình và ngài đã đăng ký nhầm chương trình học cho thằng con quý tử. Chính ra phải học hệ quốc tế thì lại đăng ký nhầm vào hệ Cambridge. Thế là giờ thằng con đang phải học tạm Cambridge, đợi lớp quốc tế có chỗ trống để xin vào. Nó gào lên. Nó bảo chuyển từ Ghana về Ý, chuyển từ trường Anh sang trường Ý, chưa đủ khổ hay sao mà giờ chưa ở lớp mới ấm chỗ ông bà đã lại có kế hoạch chuyển tôi sang lớp mới nữa. Ông ơi mẹ biết dồi, biết dồi, shin lỗi shin lỗi. Mà chắc gì lớp mới có chỗ cho ông chuyển mà ông đã vội lo.

May quá cô con gái lớn thì đã học đúng chỗ không nhầm nhọt ở đâu. Thế mà chửa chi nó đi học được 2 buổi về đã quai mồm nhại bạn bè trong lớp, chê lớp học dễ quá, bạn trẻ con quá, và hỏi mẹ già của nó liệu La có thể nhảy cóc lớp được không. Mà khổ cái thằng bé ngồi bàn cạnh nó, ai lại 12 tuổi lớn đùng rồi mà gặp ai cũng hỏi mài đã xem Peppa Pig chưa??? Nhưng mà thôi em bé ơi mẹ xin em bé, em bé ở đâu ở yên đấy cho mẹ nhờ.

Ba đứa học ba cấp khác nhau, tan học vào 3 giờ khác nhau. Hàng ngày riêng chuyện đọc email trường gửi, xem tin nhắn hội phụ huynh gửi, rồi chợ búa cơm nước dọn dẹp giặt giũ đưa đón, đã đủ làm tui thở ra đằng tai. Chưa kể nhà cửa vẫn còn thiếu cái nọ dở cái kia, mãi không xong. Con bạn hỏi mày có muốn chung một cô giúp việc với tao không, bảo thôi hiện tại tao không có nhu cầu. 8 năm ở nước ngoài lúc nào nhà cửa cũng tấp nập người giúp việc. Lương thưởng quà cáp hồ sơ giấy tờ vé máy bay và một tỉ vấn đề kèm theo, mệt mỏi vô cùng. 

Mình đang hy vọng hết năm nay mình sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm, mà không biết hy vọng thế có lạc quan quá không nhẻ. 
Ảnh: nhờ mãi thằng con quý tử mới chịu chụp cho mẹ một tấm vừa mờ vừa rung vừa vẹo rồi quăng điện thoại cút thẳng. Càng lớn tính tình càng ngáo ngơ khó đỡ. Thằng bố, nạn nhân trực tiếp của cái sự ngáo ngơ hâm dở của thằng con, cứ thỉnh thoảng lại hỏi em ơi thằng này hôm nay chưa uống thuốc à. 

Wednesday, September 16, 2020

TSB Covid

 Mẹ hay hôn má con La, đúng cái chỗ nhiều mỡ nhất, và nắc nỏm « trời ơi mềm quá, em bé làm bằng gì mà mềm thế, làm bằng bông gòn à ? ». Con Na nghe thế lại tưởng cứ mềm là hay, một hôm cũng nắc nỏm « mông mamma mềm quá ». Nghe lời khen chân tình của nó mà lòng mình tê tái. Lúc đó đã là gần 5 tháng cấm túc trong nhà, trong đó hơn 3 tháng ngồi dí trên sofa trông chúng nó học, từ đầu đến chân mình nhão nhoẹt ra. Cộng thêm một tỉ loại stress làm tóc vừa bạc vừa rụng xơ xác.

Thế nên vừa đi nghỉ một cái là mình phải tân trang lại bản thân ngay. Bắt đầu bằng việc chăm chỉ tập lại các bài công pháp của Pháp Luân Công. Lúc còn ở Ghana không thể tập nổi với chúng nó. Tập làm sao nổi khi hai đứa chui dưới chân chí chóe và một đứa đứng hôn chíu chíu vào mặt. Khóa cửa ngồi trong phòng để tập cho khỏi bị quấy rầy thì cứ vài phút chúng nó lại la lối đập cửa bên ngoài, đập cửa không chịu mở thì đá binh binh muốn vỡ cửa. Ai mà thiền được trong hoàn cảnh ấy. Chỉ sau có 2 tháng không tập, cái đầu gối lại thấy lâm râm đau trở lại.

Thế, thế là buổi sáng tinh mơ một ngày nghỉ, biển êm, gió mát, mình bắt đầu tập lại. Đang tập dở thì con La và con mèo của nó kéo ra. Khởi đầu là con mèo đi quanh quanh cắn chân, vồ tay, quệt đuôi. Con La lôi con mèo của nó ra chỗ khác mắng mỏ. Mình cố hết sức tập trung vào bài tập mà vẫn nghe giọng nó nỉ non “Mamma đang tập, mày phải ngồi im không được quấy rầy. Mày ngậm cái mồm lại chứ đừng có há ra như này”. Im im một lúc, rồi tự dưng mình giật nảy mình vì bị một cái mũ chụp lên đầu và giọng con La thẽ thọt “Mamma đội mũ cho khỏi nắng”. Chưa kịp hoàn hồn thì lại bị nó mang các thể loại chăn ra khoác lên vai, cũng vẫn cái giọng thẽ thọt “mamma đắp cái này lên cho khỏi nắng”. Mà sáng sớm gió mát rượi có tí nắng nào đâu cơ chứ. Đành phải gọi ông ra cứu viện. Ông ra đuổi con gái ông đi rồi, mình chỉ vừa được yên thân có vài phút thì lại bị cành cây chọc vào người. Hóa ra nó đã kịp rủ con em gái xuống vườn nhặt cành cây mang lên khều mẹ. Thế là mình lại bỏ tập. Đợi chúng nó đi học lại vậy. Chuyện từ hồi tháng 7 rồi.

Giờ đã là nửa tháng 9, chúng nó vẫn nhơn nhơn ở nhà giời ơi. Trường mới lại đang nhăm nhe học một buổi nghỉ một buổi. Ôi mẹ ơi không chịu đâu. Học thì học tử tế đầy đủ luôn đi chứ buổi đực buổi cái thế là thế nào. Hơn 6 tháng nay bị ba con đười ươi tuổi teen bám dính 24/7, tui sống dở chết dở rồi đây.

Sáng bỏ dở việc vần thùng hộp từ góc nhà nọ sang góc nhà kia cặm cụi mở mở xếp xếp để chạy đi làm giấy tờ. Xong việc, thấy vẫn còn hơi sớm nên tranh thủ đi bộ ngắm phố phường. Một ngày gió, bầu trời mây xám, không khí trong veo, những cây cầu hàng trăm năm tuổi soi bóng mặt nước phẳng và sáng như gương, hàng cây dọc sông bắt đầu ngả vàng ối, thấp thoáng những mái vòm. Thành Rome vào thu đẹp nao lòng.

Và thế là, sau rất nhiều ngày tháng mệt mỏi, âu lo, chán nản, vì đủ thứ nhiệm vụ và đủ loại vấn đề, trong lòng người đàn bà trung niên lại lóe lên một nỗi hân hoan. Những ngày trở mùa lòng dễ hân hoan.

Thảnh thơi yêu đời rẽ vào một cửa hàng bán hoa và cây nội thất. Muốn mua quá mà chưa phải lúc. Mọi thứ vẫn còn đang lộn tùng phèo, chưa phải lúc để rước cây rước hoa về. Những cửa hàng hoa sao mà đẹp đẽ tươi tắn, đứng nhìn mãi không chán. Đi khỏi châu Âu, những cửa hàng hoa là một trong những điều nhớ nhất. Điều nhớ khác nữa là những quảng trường. 

Cứ muốn đi lang thang như thế nhưng sực nhớ đến giờ cho con ăn trưa nên đành phải gọi taxi về. Chấm dứt gần 1 tiếng thảnh thơi của người phụ nữ đang toan về già. Bao giờ mọi thứ xong xuôi có khi phải sắm cái xe đạp. Định mua một cái vespa nhỏ xinh cho soành điệu nhưng sực nhớ ra đi xe máy lại phải đội mũ bảo hiểm. Nguyên cái nồi cơm điện trên đầu thì còn gì là thơ mộng???

P.S: chưa kịp hoàn hồn vì lịch học buổi đực buổi cái của lũ con thì ông lại tuyên bố một tin nghe như sét đánh ngang tai “Anh sẽ làm việc ở nhà”, lại đồng thời đề đạt luôn nguyện vọng “Anh phải giảm cân. Anh muốn ăn nhiều rau, không ăn pasta”. Ôi, thế này thì tui phải chửi bậy thật rồi. TỘ XƯ COVID.

Monday, September 7, 2020

8/9/2020

 Ông làm vườn, từ trước khi tới mình đã cẩn thận hẹn gặp. Ừ ào rồi đến hôm hẹn cho mình đợi cả ngày và cuối cùng không đến. Mình lại hẹn tiếp 3 hôm nữa tôi trồng thêm mấy cái cây trong vườn, nhờ ông đến canh thợ, chả thèm trả lời mình. Đến hôm thợ đến trồng cây, thợ đến từ sớm, một lúc lâu sau mới thấy làm vườn ngật ngưỡng đến. Chưa kịp bàn bạc công việc làm vườn đã bảo phải đi uống cà phê. Quán cà phê ngay trước cửa nhà sao không uống rồi hãy đến. Uống cà phê xong tay chống hông oai vệ quay lại, mình lại định tranh thủ bàn công việc, thì bị làm vườn gạt đi bảo hôm nay không làm được gì đâu vì có việc bận ở chỗ khác. Mình đã thấy chối tỉ nhưng vẫn cố bảo hôm nay ông bận thì thôi nhưng bãi cỏ chỗ vàng chỗ xanh chỗ nâu thế nà…. Không để mình nói hết câu, làm vườn gào tướng lên ngay trước mặt 3 ông thợ trồng cây. 

À, giỏi nhỉ, tôi gọi điện ông không trả lời ông bảo ông phải làm việc không có thời gian nói chuyện điện thoại, nhắn tin ông không trả lời ông bảo ông bận, 8 tháng nay tôi mới đến mà hẹn ông lần thứ nhất ông cho tôi đợi cả ngày rồi cuối cùng không đến vì bận, lần thứ hai lững thững đến thì lại kêu cũng bận phải đi ngay, bãi cỏ chỗ xanh chỗ vàng chỗ nâu, hoa cỏ cây cối cứ thỉnh thoảng lại thấy vài nơi gần chết khô vì tưới trượt hoặc vô tình cắt trụi xẻo trụi, muốn bảo làm việc gì cũng phải ơi hời năn nỉ, động nói là gào lên như bố người ta. Ngày hôm nay tôi không cho ông vào vị trí thì ông quên mất ông là ai, đúng không?

Thế là mình cũng gào lên. Hay hát nên gào to cỡ nào cũng được. Làm vườn gào thêm một chặp nữa mà không át nổi giọng mình, bèn đấu dịu « Thế giờ cô bảo tôi làm gì? ». Giọng mình vẫn to như cũ « Tôi không cần ông làm gì hết. Ông bảo ông bận thì ông đi đi». « Thôi thế tôi ra ghế kia tôi ngồi xem thợ trồng cây vậy ». « Không, tôi không cần ông ngồi đấy. Tôi đã bảo ông đi đi ».

Làm vườn bỏ đi. 2 tiếng sau lại quay lại, đứng loanh quanh lảng vảng chắc hy vọng mình giao việc. Mình lờ đi như không biết. Hôm sau gọi điện mình không trả lời. Hôm sau nữa lại tự mò đến. À, giờ mới nhớ ra vườn mình lớn, công đòi mình cao hơn những nơi khác mình cũng không cò kè, thỉnh thoảng lại bảo làm vì đam mê chứ tiền công thế này chả bõ bèn mình cũng không buồn đôi co, làm sai làm hỏng làm ẩu gây thiệt hại bao lần mình cũng chưa từng bắt đền, một khách hàng như mình bằng chục khách hàng khác, phải không? Nhưng nhớ ra điều đó khí muộn ý nhỉ.

Ông trông nhà vốn trước đó đã dọa 3 người giúp việc vừa chậm rề vừa kêu ca vòi vĩnh kia mà bị sa thải là ông ý cũng thôi việc. Giữ lời, bậu xậu kia bị sa thải một cái là mafia Ý cũng anh dũng trả mình chìa khóa lập tức. Mình VN cộng sản cũng nhận luôn, chả nói lời nào. Lại dặn thêm ông chồng vừa nhẹ dạ vừa hay quên “ông ý sẽ hối hận ngay thôi nhưng em dặn trước anh là mình sẽ không nhận lại”. Y như rằng 3 hôm sau mafia Ý lại mò đến. Nhưng đã quá muộn. Làm hỏng làm vỡ gây thiệt hại bao lần toàn đổ thừa cho người khác mình không nói cũng không bắt đền, lại tưởng bản thân tài ba cấp thiết không ai thay thế được.

 Hồi ở Ghana, mợ nấu bếp mới bắt đầu làm được mấy tháng đã có dấu hiệu tinh vi, kiểu trình độ tiểu học còn chưa xong đã tưởng sắp hoàn thành luận án tiến sĩ. Mụ làm gì cũng phiên phiến, mình nói bỏ ngoài tai, thậm chí mặt còn sưng lên. Nhân viên khác góp ý thì mụ gào lên mình đứng trên nhà cũng nghe thấy. Cũng một lần như thế, mình thì nói nhẹ nhàng mà cái giọng mụ cãi còn to hơn cả mình, liến thoắng chối bay chối biến, xoe xóe xoe xóe. Ai đứng ở ngoài nghe lại tưởng mụ đang mắng mình. Mình đang vội, tiếng Pháp lại không phải thế mạnh của mình, nên đã định bỏ qua, kệ xác, mài thích dốt kệ mài. Nhưng tự dưng mình nghĩ nếu không bỏ công cho vào đúng vị trí ngay bây giờ thì sau này chắc thành tinh. Thế là mình quay người lại, bỏ hết những thứ đang cầm trên tay xuống, chống tay xuống bàn, nhìn thẳng vào mặt mụ, nói rành rọt từng chữ một “Lúc chị bắt đầu làm ở đây, chị không biết một cái gì hết. Nhưng làm ở đây 5 tháng rồi thì ít nhất cũng phải học được một cái gì đó chứ hả. Nếu vẫn chưa biết, thì phải hỏi. Không biết mà không hỏi ai, cứ tự sáng tác, người khác nói không muốn nghe, chị nghĩ chị là ai? Chị không thích làm ở đây thì có thể đi ngay chỗ khác, nhưng nếu đã làm ở đây thì phải làm theo ý tôi”. Nghe cái giọng lạnh như tiền của mình, mụ đấu dịu lập tức. Mặt mình lạnh te cho mấy ngày, cho mụ đứng ngồi không yên một phen. Từ đó đâu vào đấy răm rắp, mình nói gì cũng “Oui merci madame” nghe rõ là đon đả :-)))))

Trên đời này có những kẻ hay tưởng cứ to mồm hùng hổ là điều khiển được cuộc chơi theo luật của chúng nó. Mỡ thế.

P.S : 3 ông thợ trồng cây sợ thất sắc khi thấy mình lên giọng với ông làm vườn, lúc sau mon men ra hỏi « chị bình tĩnh lại chưa, đã hết cáu chưa ? ». Ủa, tôi lúc nào chả bình tĩnh. Việc phải quát thì quát, chứ cáu á, tuổi giề. 
Cám ơn trời giờ tôi đã thoát được các người. Tôi lại được hiền hậu nhu mì, ban ngày trồng hoa chơi với mèo, tối rúc nách chồng ngủ, có chuyện gì cũng lặng thinh như một hột cơm. 
Mà ô, mùa đã sang tự lúc nào.