Friday, December 15, 2017

Vụn vặt



Cô con gái yêu xin mẹ đi học lớp đan móc cùng mấy đứa bạn. Sáng cuối tuần, nó đeo cái tai nghe màu hồng bố nó mua cho trong đợt đi nghỉ hè, cái tai nghe còn có thêm hai cái tai mèo màu hồng nó tự cắt giấy dán thêm vào cho đáng yêu, mồm ư ử Despacito, và hì hục ngồi móc, bên cạnh là con mèo nằm dỏng tai trong cái giỏ mây. Được một lúc, nó ngẩng lên bảo “Mẹ ơi, giáng sinh mình về Salento mẹ mua quýt cho La ăn”. Không biết sao tự dưng nó lại nghĩ đến quýt, chắc đã quá giờ ăn sáng mà bố nó vẫn mải ngủ chưa cho nó ăn nên nó đói bụng nghĩ vẩn vơ.
Giáng sinh là mùa quýt ở Salento. Quýt trồng gần Matera, thành phố xây trong đá trắng tuyệt đẹp. Trên đường tới Matera là những vườn quýt bạt ngàn, cành toàn quả là quả nặng trĩu sa cả xuống đất. Quýt đỏ ối, bé tí, vỏ thơm ngát, không hạt, ngọt lịm, vào mùa giá chỉ có 1euro 1kg. Mình cứ mua mấy cân một lúc, để lên một cái khay to trong phòng khách. Lũ bợm mê quýt như điếu đổ, trong nhà lạnh thế mà cứ vừa chạy chơi vừa lấy quýt ăn, chỉ loáng cái cả cân quýt hết veo. Về lại châu Phi rồi mà vẫn nhớ quýt Puglia, cứ thỉnh thoảng lại tru tréo mẹ ơi quýt quýt. Chúng nó mè nheo quá mình mua đại quýt châu Phi ăn thử xem sao. Eo ơi, màu nhạt thếch, múi nào múi nấy dai nhệch, toàn hạt to tướng, và chua vãi tè. Lũ bợm mỗi đứa nhá một múi rồi nhè vội. Cả túi quýt đành dùng để bày phòng ăn và phòng khách cho đẹp chứ không ai dám ăn nữa.

Mấy tháng trước Edem khoe có bạn ở VN đặt 300 hộp xà phòng đen, nhưng đơn hàng tối thiểu phải là 600 hộp mới xếp đủ một mét khối nên chưa biết làm sao. Mình nghe thế thì bảo thôi cậu cứ gửi 600 hộp đi, tôi bảo em trai tôi lấy nốt cho cậu 300 hộp. Mình định tặng bạn bè, họ hàng, rồi để nhà dùng dần, chả mấy chốc mà hết 300 hộp. Nhưng em trai mình nghe thế thì liên lạc với đứa bạn nó có công ty để nhập khối lượng lớn về. Mấy tháng trời ròng rã vất vả, cuối cùng xà phòng đã về tới nơi các bạn ạ. Các bạn đặt mua ở đây:
Công ty cổ phần đầu tư Kim Quy. Địa chỉ 560 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà nội. Liên hệ Thủy 098 875 6682. Link facebook https://www.facebook.com/X%C3%A0-ph%C3%B2ng-%C4%91en-Ghana-336225200188353/
Mình không biết gì về công ty này, không biết giá cả, không tham gia vào kinh doanh, chỉ biết là xà phòng đen đó chính là xà phòng African Spring của Edem. Công ty nhập nguyên khối, không có hộp, vì rẻ hơn mà cũng vì Edem chả kiếm đâu được từng ấy hộp một lúc. Ở châu Phi này để có được lượng hộp lớn thế thì mất thời gian rất lâu, đắt, mà cũng chỉ là hộp nhựa. Các bạn có thể tái sử dụng hộp nhựa chai nhựa cũ có sẵn trong nhà. Mình cũng nhờ các bạn hiến kế hộp đựng và giấy gói cho công ty kia. Theo mình, sử dụng các vật liệu tự nhiên như tre, lá chuối, rơm, đồ Bát Tràng, lao động thủ công từ VN, là hay nhất. Bạn nào làm khách sạn có thể gợi ý cho khách sạn đem vào dùng cho khách. Idea, idea please!
Xà phòng nhận về khả năng sẽ hơi cứng do bị mất nước. Các bạn rảy ít nước vào là lại mềm dẻo dễ dùng ngay. Bạn nào muốn thêm thông tin thì đọc lại entry Xà phòng thần thánh mình viết hồi lâu lâu. Ngoài ra, đồ bơ shea dưỡng da của Edem cũng rất tốt. Bạn nào tò mò muốn thử thì cứ bảo công ty bán xà phòng cho họ cân nhắc nhập thử.
Edem bảo lệnh đặt hàng từ VN đến đúng lúc cái làng toàn phụ nữ và trẻ em đó đang khó khăn. Đơn hàng này giúp họ đủ ăn trong vài tháng. Mình cám ơn mấy cô cậu trẻ tuổi ở VN, chỉ đọc blog mình mà dám chuyển tiền tới châu Phi. Mình cũng cám ơn những bạn nhận xà phòng mình gửi, mình không hỏi tiền nhưng các bạn đều tróc nã mình để gửi tiền trả. Nói thật các bạn không trả mình cũng chả làm gì được các bạn hehe. Edem bảo còn hơn chục đơn hàng từ các shop ở VN nhưng vì số lượng không đủ một mét khối tối thiểu nên cậu ấy không làm được. Các bạn có thể liên lạc với công ty ở trên để gộp các đơn hàng lại rồi đặt với Edem một thể.
Thôi chào các bạn, nhà cún đi nghỉ Giáng sinh. Năm nay hy vọng giáng sinh sẽ khá hơn chứ không lạnh lẽo bẩn thỉu chai tay gẫy lưng như năm ngoái. Sẽ đi chợ Giáng sinh trên quảng trường. Sẽ mua hoa Trạng nguyên. Sẽ mua quýt Matera. Sẽ mua mấy cái gối tựa thật êm. Rồi nhóm lò sưởi.
Mẹ mong được nhìn thấy các con ngồi đọc sách bên lò sưởi củi thông, trong căn nhà được xây lên bằng rất nhiều nghị lực của bố mẹ và sự kiên nhẫn ngoan ngoãn của các con.
Ngoài vườn mùa đông, những hạt cỏ sẽ đang ngủ, đợi mùa xuân sẽ nảy mầm. Hè năm sau, hy vọng sẽ có cánh đồng. Năm sau, mình quyết chỉ sống phù phiếm thôi. Buon Natale!

Ảnh: lũ trẻ con ở cái làng làm xà phòng.

Friday, December 8, 2017

8/12/2017



Thằng bố ngồi ăn, mặt nhăn như bị rách vì thằng con nhảy bòm bọp bên cạnh, vừa ăn vừa hét, được hai con em phụ họa nhiệt tình.
Thằng bố bảo lũ con “Nói cho chúng mày biết mẹ tao cực kỳ hiền. Nhưng nếu mẹ tao còn sống mà nhìn thấy chúng mày ăn uống xấu thói thế này thì chúng mày chết”. Chả có tác dụng gì với lũ bợm. Chúng nó vẫn nhảy choi choi và la hét. Được một lúc, thằng bố điên tiết gào lên “Thằng kia nói nhỏ thôi, tao không điếc”. Được một lúc nữa, thằng bố sờ sườn (sườn bên phía thằng con), lấy ra một miếng đồ ăn to tướng dính vào áo sơ mi, mặt mũi ngao ngán. Thằng con cãi bay cãi biến “Đấy không phải Lê. Đấy là papa ăn tự bắn vào áo papa””. Mẹ bảo “Không phải ông thì còn ai vào đấy. Papa ăn kiểu gì mà lại tự bắn vào sườn papa được?”. Thằng con đuối lý bèn giả điếc.
Ăn xong, hai bố con rủ nhau chơi một chầu bóng đá gẩy tay subbuteo trước khi đi ngủ. Cũng chỉ được vài phút là vặc nhau loạn nhà. Thằng con cứ liên tục nói nhảm cộng với hành tung hoa chân múa tay kỳ dị làm thằng bố tức mình “Trò chơi này cần sự tập trung. Đến lượt tao đi mà mày cứ thổi phù phù thế, mày nghĩ mày đang ở đâu, ở ngoài chợ hả?”.
Hai vợ chồng đến dự ngày quốc tế ở trường bọn trẻ con. Có thằng bé vừa đọc rap vừa nhảy điêu luyện khiến cả trường vỗ tay rần rần. Thằng bố ghé vào tai vợ bảo “thằng này có khi thành thần tượng của thằng con trai mình mất ý em ạ. Mỗi tội nhìn thằng này hát và nhảy rất tự nhiên, còn nhìn thằng con mình thì… ọe”. Mấy tuần nay, cả nhà rên xiết vì ông con suốt ngày đọc rap. Mẹ yêu ông lắm nhưng công nhận ông đúng là thảm họa. Nhưng mẹ chỉ nhăn nhó ngồi chịu trận, còn ông bố lại giãy nảy lên “Tao cho mày đi học bao nhiêu tiền mà mày học cái gì không học lại đi học cái phong cách của bọn trẻ con đường phố thế hả”. Thằng con gân cổ cãi rằng rap rất cool ông rõ là chả biết gì. Vợ bảo chồng thôi ông ơi con ông tuổi teen, ông lại mang cả nhà đến ở giữa châu Phi, không rap thì ông hy vọng nó nghe thính phòng giao hưởng cổ điển nhà ông à. Ông bố đành thôi nhưng mặt mũi vẫn hậm hậm hực hực.
Thằng con xông tới. Thằng bố co chân và giơ tay ra đỡ. Thằng con lăn đùng ra đất lăn lộn ăn vạ. Thằng bố liến thoắng “Tao làm gì mày, tao tự vệ chứ làm gì mày đâu”. Chắc phải thanh minh vội để con vợ khỏi gào lên “Ông vừa làm gì con trai tôi?”.
Thằng bố đi công tác có một ngày. Chương trình nghị sự vừa dài vừa chán nên nhắn tin cho vợ liên tục. Bảo anh chỉ mong về nhà chơi với con rồi lúc chúng nó đi ngủ thì ngồi xem phim với em. Tối bố về, con đã ngủ. Sáng hôm sau, sáng tinh mơ, thằng con nghe tin bố đã về thì mừng quá xông vào ngay. Mình đi ngang phòng ngủ vẫn còn kịp nghe thấy thằng con duyên dáng đã đang cất giọng hát ông ổng còn thằng bố thì vừa ngủ vừa suỵt suỵt cho thằng con ngừng hát chắc để cho bố ngủ cho yên.
Thằng bố ngó ra khỏi phòng gọi thằng con “Ale, bố đang cởi trần, con chạy xuống nhà lấy cho bố cái balo”. Thằng con ừ hữ chả ra nhận lời cũng chả ra từ chối. Thằng bố đợi một lúc lại gọi thống thiết vì đã muộn giờ ra máy bay “Ale đi lấy cho bố cái balo. Mày đi hay không thì nói luôn ra”. Thằng con lại ừ hữ, vẫn chưa ra nhận lời hay từ chối. Bị thằng bố thúc đến lần thứ ba nó mới lờ phờ bảo “không đi”. Thằng bố điên quá chạy thình thịch xuống nhà vác cái balo lên, hẳn là rất điên vì trần trùng trục chạy xẹt qua mặt hội người làm chả buồn ý tứ gì. Lúc vác cái balo trở lên, đi qua thằng con, thằng bố còn mỉa một câu “Bố cám ơn mày”.
Ngày nào tui cũng cảm ơn trời phật đã cho tui một thằng con y hệt ông chồng. Cho ông biết sống cùng người ngáo ngơ, nghe tai nọ ra tai kia, làm một hỏng hai, dặn một đằng làm một nẻo, và trời đất có lộn ngược vẫn cứ bình chân như vại chả phải việc của miềng, nó vất vả thế nào.

PS1 : con mẹ gào lên “Đứa nào làm hỏng thỏi son của tao?”. Con một đứa lấm lét chưa kịp nói câu nào thì bố liến láu đỡ ngay “Tại bố đấy. Bố làm hỏng thỏi son của mẹ”. Bố với con gái có khác, bênh nhau chằm chặp. Hai cô con gái đang tuổi lớn, ngày nào cũng lén lút vào phòng tắm của mẹ lấy mỹ phẩm bôi trát lên mặt. Có hôm đưa nó đến trường, được nửa đường thì mình chột dạ vì mọi khi thấy mồm mép nó không ngơi phút nào mà sao hôm nay im thít, bèn quay lại đằng sau nhìn. Thì hóa ra, ôi thôi, nó đã lấy son bóng bôi toe toét lên mồm từ lúc nào. Thế cho nên suốt đường đến trường nó ngồi im không dám động đậy, mồm trều ra để giữ son không thì son trôi đi mất. 

Ảnh: Vợ càu nhàu "Trên đời này em thích nhất bọ ngựa. Xong việc một cái, bọ ngựa cái vồ bọ ngựa đực chén luôn". Chồng nghe thế quờ tay định tát nhưng vợ vốn tỉnh táo đã né thành công. 

Friday, December 1, 2017

1/12/2017



Loay hoay suốt cả buổi chiều với lịch tiêm vaccine của cả nhà. Hại não. Mấy năm chuyển một nước, mỗi nơi lại một thứ tật bệnh khác nhau nên yêu cầu tiêm phòng khác nhau. Từ hồi đến châu Phi thì trẻ con đã đành mà người lớn cũng phải tiêm nốt. Khốn nỗi thời gian mình về Ý rất hạn hẹp. Lúc đến kỳ tiêm nhắc lại thì mình không có mặt ở Ý nên không tiêm được. Lúc mình về Ý thì họ lại hết vaccine nên cũng không tiêm được. Mà tiêm các mũi phòng bệnh cho châu Phi thì cứ phải đến một nơi nhất định ở Rome chứ không phải nơi nào cũng tiêm những mũi đó. Chỗ đó thì đông ơi là đông. Có lần, mới 7h sáng mà phòng chờ đã kín người. Bác sĩ mở cửa ngó vào, thấy thế thì hét “Voi siete troppi!”, tức là “Các ông các bà ở đâu ra mà lắm thế”. Bác sĩ tâm sự với ngài rằng có giai đoạn dân Ý chẳng hiểu sao lại lên cơn tẩy chay tiêm phòng. Một thời gian sau, khi lại bắt đầu có người chết vì những bệnh từ lâu không ai chết nữa, thì dân tình sợ quá lại đổ xô đi tiêm, gây nên tình trạng quá tải ở những cơ sở y tế của nhà nước. Tóm lại, tiêm phòng cho đủ liều, đúng lịch, đã mệt. Lại càng mệt hơn khi mình sống ở tít châu Phi.
Xong thì xoay sang làm lương cho nhân viên. Tự dưng mình nhận ra đời mình vất vả phức tạp cũng vì mình tử tế quá. Mình đến đâu thì chi phí ở đó cũng giảm nhưng quỹ lương cho người làm bao giờ cũng tăng. Nhưng người làm, có lẽ vì cuộc sống của họ khó khăn và quá ít cơ hội, thấy mình rộng rãi và hay tạo điều kiện này nọ cho họ kiếm thêm, thì họ trở nên tham lam tận dụng không thể tưởng được. Có đứa, thu nhập của nó năm nay đã gấp đôi so với năm ngoái lúc mình mới đến, thế mà nhận tiền xong mặt nó vẫn buồn thiu ra. Có đứa bảo ngày nào nó cũng phải lên nhà làm việc lúc 4h sáng vì phải chuẩn bị hộp đồ ăn trưa cho trẻ con, thế nên mỗi tháng phải cho nó nghỉ thêm một ngày để nó về thăm gia đình. Chuẩn bị có 3 cái hộp cơm con con cho trẻ con mà cần tới tận 3 tiếng, nó cứ làm như mình chưa nấu ăn bao giờ. Có đứa, lương tăng, nghỉ dài ngày, thưởng các khoản, y tế bảo hiểm, nghe xong nó chả cám ơn câu nào mà hỏi lại liền thế còn tiền sinh nhật thì madame tính sao.
Hợp đồng mình đưa cả tuần vẫn còn dền dứ chưa ký vì muốn xin thêm cái nọ kỳ kèo cái kia lý luận cái nọ băn khoăn cái kia, mặc dù chúng nó thừa biết lương chúng nó vào loại cao nhất so với các tư dinh đại sứ khác ở đây. Mặt mình lạnh như tiền “Tôi rất bận, không có thời gian nghe các anh trình bày. Hợp đồng đã viết rất rõ ràng, không thêm bớt gì cả. Các anh có nốt hôm nay để ký. Hôm nay mà không ký xong thì tôi coi như là các anh không muốn ký hợp đồng và do đó không muốn làm việc ở đây nữa”. Thế là răm rắp ký luôn nộp lại luôn không dám ho he câu nào nữa. Mềm nắn rắn buông, mệt các vị.

Sáng, mình dậy sớm tranh thủ lấy điện thoại của ông để dặn việc đám thợ đang làm nhà ở Ý. Kiến trúc sư, thợ làm vườn, thợ xây lò sưởi, thợ lắp hệ thống sưởi ấm, đủ các loại thợ. Đang nhắn tin loách choách thì ông quáng quàng bật dậy làm mình giật nảy cả mình “Điện thoại anh đâu? Điện thoại anh đâu? Chuông báo thức kêu chưa? Anh có chuyến thăm của Thủ tướng…” đoạn lại nằm vật xuống ngủ tiếp.
6h tối ông nhắn tin “Trưa mai 12h Thủ tướng và phái đoàn 20 người ăn trưa ở nhà mình”. Mình nghe xong chạy cuống giò. Lên menu, đi chợ, về hò con đi ngủ rồi vội vàng xuống bếp nấu cùng đầu bếp. 10 rưỡi đêm, công việc nấu nướng đã hòm hòm, mệt phờ, bê bát rau lên nhà, vừa ngồi xuống há mồm định cho thìa rau vào mồm thì điện thoại kêu ting một tiếng. Tin nhắn của ông “Em yêu, mai không có phái đoàn đến ăn trưa nữa. Xin lỗi em”. Toàn bộ số đồ ăn phải cho vào tủ đá. May quá chuyến viếng thăm của Thủ tướng đã xong và do vậy nhà tui đã được trở lại cuộc sống bình thường.
Trận bão vừa rồi ở Salento làm đổ 3 cây thông lớn trong vườn. Đổ sai thời điểm thế chứ lại. Đổ muộn tí có phải Giáng sinh này tui đỡ phải tốn tiền mua cây thông không.

Saturday, November 25, 2017

Oliver Twist



Đức Tổng giám mục, gặp mình mấy ngày sau event từ thiện của mình, vẫn bảo “Tôi ấn tượng với chị quá”. Chị Trưởng đại diện Liên hiệp quốc ở đây, là một trong những người có mặt tại event của mình, cũng bảo “Chị đã thuyết phục được tất cả mọi người”.
Trước sự kiện, nhà báo liên lạc muốn đến dự. Mình bảo các anh có thể đến dự, nhưng tôi sẽ không chi tiền để viết bài. Thợ ảnh chụp event cũng không có. Tiền phong bì cho nhà báo và trả công thợ ảnh, mình thà để dùng vào việc từ thiện. Mình có tổ chức event để lấy tiếng đâu mà cần báo chí với ảnh ọt lăng xê.
Mình nhớ hồi ở Dubai, thỉnh thoảng các phu nhân Tổng lãnh sự cũng hay tổ chức các chuyến thăm từ thiện nọ kia. Nhưng nhiều người muốn mang theo thật nhiều báo chí để chụp ảnh viết bài rầm rộ, chứ đi thầm lặng là không chịu đi. Gặp những đoàn từ thiện thế là mình không đi. Quần là áo lượt mang một đoàn tiền hô hậu ủng theo, tiền bao nhiêu chi cho báo chí hết, số tiền thực sự đến được tay người cần chẳng còn được là bao. Chưa kể còn phải tạo dáng săn sóc đối tượng ra vẻ ân cần để còn chụp ảnh lên báo. Lố bỏ cha. Có lần, hội các phu nhân muốn làm từ thiện bằng cách tặng quà nhân dịp gì đó cho trẻ em bị ốm trong một bệnh viện. Mình nhìn danh sách quà bệnh viện gửi sang cho bọn mình mua, thấy trẻ em đòi đồng hồ và Ipad một cái là mình từ chối luôn. Chắc chắn mình làm những người trong hội khó chịu lắm nhưng mình chả quan tâm. Mình tiền không có nhiều, thời gian rất thiếu và không cần nổi tiếng, do đó không buộc phải làm từ thiện bằng mọi giá. Mình chỉ làm khi thấy nó thực sự có ý nghĩa.
Mình dự nhiều sự kiện từ thiện. Nói thật, nhìn qua là biết người tổ chức có thực tâm từ thiện hay chỉ dùng từ thiện để làm đồ trang sức, để lấy tiếng, lấy danh, để hút tài trợ. Nhiều sự kiện, chỉ cần liếc mắt nhìn là biết đây là kiểu từ thiện trăm voi chả được bát nước sáo.
Trong các kiểu làm từ thiện, mình quan tâm nhất đến việc trợ giúp xây cơ sở hạ tầng và giúp cho người nghèo có công ăn việc làm. Mình đặc biệt không hào hứng với việc phát quà phát đồ ăn. Những hình thức phát nọ phát kia này chỉ nên dùng 1 lần trong tình huống khẩn cấp, chứ thành thói quen thì hại nhiều hơn lợi. Ở châu Phi này, nơi ai đến cũng hăm hở muốn làm từ thiện, đã hình thành nên một tâm lý ỷ y vào sự trợ giúp từ bên ngoài rất khó bỏ, và nhất là tạo nên một thế giới ngầm phức tạp. Những món đồ từ thiện đổ về đây từ khắp nơi trên thế giới sẽ được tuồn ngay ra chợ đen bán kiếm lời, làm giàu cho các thể loại môi giới, trung gian, cò từ thiện, chứ nào có đến được tay người nghèo.
 Hôm mình hứa đến thăm trung tâm của cha F, mình đã định bụng dặn cậu liên lạc là dặn cha đừng chuẩn bị gì để đón tiếp mình, đồ ăn trưa của mình mình đã tự mang theo. Nhưng rồi con mình ốm nên mình phải hủy lần thứ nhất, và sau đó nhiều việc quá nên mình quên. Lúc đến giờ ăn trưa, cha mời cả đoàn vào canteen ăn cùng bọn trẻ con. Bọn trẻ con cầm đĩa xếp hàng, mỗi đứa đến lượt là được múc cho một nắm gì to tướng nhìn như ngô giã nhuyễn, rưới lên trên một ít nước sốt cà chua. Bữa trưa chỉ có thế. Đứa nào đứa nấy bê đĩa về chỗ ngồi ăn rất ngoan. Ăn xong điệu bộ có vẻ thèm thuồng ngó nghiêng nhưng không đứa nào xin thêm. Không thấy ông nào nổi loạn như Oliver Twist. Hồi bé, đọc Oliver Twist và nghe nhà văn bơm thổi, thấy cậu bé Oliver thật dũng cảm, thật cách mạng, dám chống lại cả dàn quản lý hà khắc của trại trẻ mồ côi. Giờ già, hiểu rằng những trại trẻ thế này thường hoạt động với kinh phí rất hạn hẹp, thậm chí toàn bằng tiền hảo tâm của xã hội chứ chẳng có nguồn nào chính thức. Việc duy trì được bữa ăn hàng ngày cho trẻ con cũng đã là cố gắng lắm. Ông nào cũng như ông Oliver thì chắc cả trại treo niêu sớm.
Lại trở về bữa ăn trưa ở canteen, bàn của mình cha bảo dọn đồ ăn riêng. Có mỳ Ý và liễn súp rau. Mình múc mỗi tí súp rau ở trên nên không để ý ở dưới đáy liễn. Lúc chị đi cùng đoàn nhờ mình múc cho chị ý súp rau thì mình mới cầm cái muôi xúc sâu xuống, và mới phát hiện dưới đáy liễn toàn đùi gà nằm san sát. Mình quay sang bảo cha “Nếu có đồ ăn ngon, cha hãy giữ cho bọn trẻ”.
Lúc mình về, đúng giờ ngủ trưa của bọn trẻ con. Nhưng chúng nó không ngủ mà cứ ở trong phòng thập thò nhìn ra, thấy mình nhìn lại là hò reo vẫy tay rối rít. Được, cứ vui thế là tốt.
Trẻ con vui thì còn được, chứ người lớn vui là bị ghen sấp ghen ngửa đới hehe.
Ảnh: ai thích biển những ngày nắng đẹp, tui chỉ thích biển những lúc trời nổi giông bão.

Sunday, November 19, 2017

19/11/2017



Ngay từ dạo tháng 9 mình đã bảo ông “Tháng 11 vợ chồng mình sẽ cực kỳ bận, lại có khả năng phải đón chuyến thăm của Thủ tướng. Thế nên việc gì làm được thì phải làm trước đi”. Dĩ nhiên là ông chả thèm cho vào tai. Trên đời có 2 kiểu người bình chân như vại: kiểu một bình chân như vại vì đã trù bị mọi thứ. Kiểu hai bình chân như vại vì chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Ông thuộc kiểu thứ hai.
Y như mình dự đoán, cách đây chục ngày, Thủ tướng Ý quyết định sẽ đến Ghana vào cuối tháng 11. Từ đó, cứ mình bảo ông làm gì ông đều nại lý do “Anh phải chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng” để từ chối. Mình cứng họng. Chuyến thăm của Thủ tướng thành kim bài miễn tử của ông.
Thế tức là toàn bộ events phải host trong tuần lễ ẩm thực Ý, vẫn trong tình trạng bát nháo tùng phèo, ông thảy hết cho mình vào phút cuối. Event đầu tiên mời toàn đại sứ và các VIP khác, đúng tháng cao điểm phải mời trước cả tháng mà còn chưa ăn thua, thì đây mình còn 5 ngày nữa là tới event mà giục giã mãi ông chồng quý hóa vẫn không buồn gửi thư mời vì “Ưu tiên của anh là chuyến thăm của Thủ tướng”. Mình biết thân phận vội vàng lên danh sách khách mời rồi gửi email cho các phu nhân đại sứ mời trước. Đến lúc thư mời chính thức từ văn phòng ông gửi ra, đợi 2 ngày, nhõn một đại sứ trả lời. Mình lại gọi điện cho từng người một, và ngay hôm sau mang danh sách confirmed lên văn phòng cho cô trợ lý của ông chỉ việc copy vào. Cậu tổng quản lý Kempinski tấm tắc khi thấy tất cả những người được mời đều có mặt, ngồi kín các bàn. Event ẩm thực sao Michelin, cộng thêm màn biểu diễn opera của các nghệ sĩ Ghana, thành công rực rỡ. Giới social elite ở Accra xôn xao. Người được mời thì trầm trồ, người không được mời thì ghen tỵ. Anh hàng xóm bảo “Everybody is talking about your event”.
Sau event đó, chưa kịp thở thì 2 hôm sau là event ăn tối sit-down tại nhà cho 50 người, mời Phó tổng thống và mấy Bộ trưởng, và giới siêu giàu ở Ghana. Ăn tối ngoài hiên mà cảnh vệ khoác súng máy lượn vè vè, và vệ sĩ đứng vòng trong vòng ngoài. Ngoài cổng thì xe chống đạn chắn và cảnh sát đứng dày đặc. Nói thật xong một buổi ăn tối như thế, mình mệt phờ mấy ngày liền.
Nhưng không được nghỉ ngơi, vì ngay 3 hôm sau đó là đến buổi ăn tối từ thiện mà mình tự host chứ ông thì ngồi vểnh râu không liên quan gì. 1 tuần trước buổi ăn tối từ thiện này, mình mới nhận ra rằng số vé bán ra chỉ được 1/3 và đã chững lại từ lâu. Mình trước giờ không chú ý tới việc bán vé vì tưởng phần mình chỉ là đi xin tài trợ, nhiệm vụ bán vé là của những người còn lại trong nhóm, mà họ cũng bảo rằng vé dễ bán lắm. Hóa ra là vé chả dễ bán như các con giời tưởng, thế nên các con giời trông đợi hoàn toàn vào mình vừa đi tìm tài trợ và vừa đi tìm cả người mua vé. Teamwork thế này thì chết tôi.
Thế là trong tuần qua, ngoài việc cong đít lo cho events của ngài, thì mình còn phải cong đít đi bán vé và tổ chức event của mình. May quá mình chưa đột quỵ và cuối cùng mọi việc diễn ra tốt đẹp. Event của mình kín chỗ, phải tuyên bố hết vé trước ngày diễn ra. Số tiền thu về từ việc bán vé sau khi trừ chi phí vốn rất ít vì xin được nhiều tài trợ, đã đủ làm dự án từ thiện của mình nên mình hoàn toàn không bị sức ép tài chính, phần bán vé rút thăm trúng thưởng và đấu giá, được thì được mà chả được thì thôi. Nhưng không ngờ khách đặc biệt hào phóng, raffle tickets để rút thăm trúng thưởng 1000 vé bán hết veo. Đến phần đấu giá, đấu giá xong 4 món thì mình đã yêu cầu MC dừng vì đã thu được quá số tiền cần thiết, nhưng thực khách nhao nhao phản đối đòi đấu giá nốt 2 món còn lại. Và đến gần nửa đêm vẫn cười nói rổn rảng không chịu ra về. Trong đám thực khách có cả Marcel Desailly. Sau bài phát biểu của mình cậu ấy ra bảo mình “Em cần bất cứ giúp đỡ gì về kinh nghiệm làm từ thiện và xin tài trợ thì em cứ bảo tôi”, và cũng là người trả giá cao ngất ngưởng cho một chiếc lọ thủy tinh Murano trứ danh của Ý, một món đồ trong chương trình đấu giá của mình.
Hơn 1h sáng mới về tới nhà. Hôm sau cô con gái út sáng sớm đã đòi “mamma nấu phở cho Na”. Thế là lại lò mò dậy nấu. Cả tuần mình bận điên cuồng, bỏ con cho người làm, chắc họ để lũ Lê La Na chơi điện tử đến run tay mờ mắt. Khổ thân lũ con ngoan của mẹ. Thân này ví xẻ làm trăm được.
PS: Cả tuần mình bơ phờ hốc hác, tay liên tục bấm điện thoại. Gặp mình ở một event, một bà, phu nhân đại sứ lớn tuổi hơn mình nhiều, bảo “Hồi trước tôi cũng như em, làm rất nhiều việc. Nhưng một hôm, đang trên đường lái xe đến đại sứ quán, tự dưng cảm thấy không chịu nổi nữa, tôi òa khóc rồi quay xe về nhà, không làm nữa”. Chắc mình cũng sắp đến ngưỡng đó rồi.
Ảnh: hỉ hả sau một event thành công. Trong ảnh mồm ông lại đang há ra, chắc lại đang chỉ đạo cái gì đó. Để yên cho làm thì làm cái gì cũng dở, nhưng cứ người khác làm thì lại chỉ đạo rất nhiệt tình. Là sao?