Tuesday, March 29, 2011

Gà mắc đẻ

Cuối cùng thì điều mình lo sợ đã thành hiện thực híc híc.

Tối hôm đó, nấu nướng, ăn tối xong, cho lũ con ăn và đi ngủ xong, mình mệt phờ đang định tắm một trận quành tráng rồi đi ngủ sớm, thì ngài phát biểu rất rành rọt “em yêu, anh muốn nhờ em một việc…”. Mình nín thở. “…Bây giờ anh đi bằng xe máy đến garage, rồi anh để xe máy lại garage và lái cái Porsche màu trắng về để ở sân của Bộ. Em lái xe em đến Bộ đón anh về. Ngày mai anh lái BMW đến Bộ. Rồi anh nhờ thằng bạn anh, nó lái hộ anh cái Porsche đến tiệm sửa, anh lái BMW chở tấm kính chắn gió đi theo. Anh để cái Porsche ở đấy cho thợ thay kính chắn gió còn anh chở bạn anh về bằng BMW”. Bình thường nói một câu ngắn đến mấy cũng phải ấp úng vài phút, có khi còn nói nửa chừng rồi bỏ dở, tính tình thì đến đâu hay đến đấy, chả có khái niệm chuẩn bị cắt đặt bao giờ, thế mà động đến xe cộ thì vô cùng rành rọt, kế hoạch đâu ra đấy.

Mình chán đời quá. 9 rưỡi tối 2 vợ chồng hì hục lôi cái hộp to tổ chảng đựng tấm kính chắn gió chết tiệt ở dưới gầm giường ra, vần nó xuống tầng trệt, vần qua đường cái, và vần vào xe ô tô, để sẵn đấy để mai chàng chở đi. Xong rồi chàng lấy xe máy, trước khi đi còn dặn vợ đinh ninh “1 tiếng sau em đến đón anh ở Bộ”.

Chàng đi khoảng nửa tiếng thì gọi về hớt hải “em ơi, anh quên chìa khóa cái Porsche trắng ở nhà mất rồi…”. Đường thì tối, trời thì lạnh lại còn mưa tầm tã, chả nhẽ để ông phóng xe máy quay lại lấy. Mình cực chẳng đã đành phải lái xe đến tận garage đưa ông chìa khóa, xong rồi quay về Bộ đợi để rước ông về. Đợi mãi chả thấy đâu mặc dù mình thấy ông đã tăng ga thè lưỡi phóng vút qua mình từ nãy. Gọi điện tới lui hóa ra kế hoạch của ông là đi về Bộ đợi vợ tới đón thì ông đãng trí lái thẳng về trước cửa nhà ngồi rung đùi đợi. Lúc ông biết nhầm vội vã lái xe đến nơi thì đã 12h đêm. Trời vẫn mưa tầm tã. Chạy đến mặt nhăn nhở “em yêu, nhiều lúc anh như thằng dở hơi”. Vợ giọng đều đều “em rất vui vì anh ý thức được điều đó”. Từ lúc đấy đến tận sáng hôm sau cứ xun xoe “em yêu, anh yêu em rất nhiều”.

Được chồng yêu thật là khó lắm thay.

PS1: Được giai yêu thật là dễ. Mặc lên người một chiếc áo chantilly màu đỏ rực rỡ, mắt đen, tóc bồng bềnh, thế là giai nảo giai nào cũng lử như cò bợ chẹp chẹp.

PS2: Sang đến ngày thứ ba liên tiếp tận mắt chứng kiến chàng lồng lộn hết đưa xe này đi, đón xe kia về, mang xe này đi đổi xe kia, rồi quên chìa khóa, mất chìa khóa, quên mũ bảo hiểm, cứ quắn hết cả đít, thì bà N chịu hết nổi “trời hỡi trời, ổng làm gì mà cứ như gà mắc đẻ dzậy trời”.

Monday, March 28, 2011

Lạc quan tếu

Hôm nọ, đang cắm đầu cắm cổ đi qua quảng trường Popolo vì đã muộn giờ, thấy nhác nhác có thằng nào nhô đầu từ sau bức tường lên nhìn mình. Thấy nó nhìn mình mãi mình mới quyết định liếc một cái xem thằng nào mà lại ham hố đến thế. Hóa ra là tượng nhân sư ngồi vắt vẻo

Một lần khác, lâu rồi, mình đang lững thững trong bến tàu điện ngầm ở New York city thì thấy một anh đi đằng trước cứ quay lại nhìn mình cười toe toét. Đó là người đàn ông đen nhất mình từng gặp, several shades darker than a standard African. Đen đến nỗi bến tàu ko tối mà vẫn hầu như chả nhìn thấy anh ta đâu ngoài hai hàm răng nhe nhe. Vốn quen với kiểu đàn ông cười cười đợi đợi làm quen mình liếc xéo một phát cực kỳ kiêu kỳ rồi vác mặt đi tiếp.

Tự nhiên mình thấy anh ta bắt đầu tiến lại gần, vẫn cười toe toét. Cũng đã quen với kiểu tiếp cận này, mình chuyển đi hướng chếch chếch tắp lự trong khi nhịp bước chân vẫn lững thững ko đổi và mặt lừ lừ như ông từ vào đền.

Tự nhiên thấy một chị lọt tọt đi vượt lên mình, tiến về phía anh ấy, họ ôm nhau hôn hít thắm thiết rồi khoác vai nhau đi

Một lần khác, trong siêu thị ở Rome, mình mới vào đã thấy có một anh cao như cây tre đực cứ nhìn mình cười trìu mến. Từ đó, cứ đang lấy đồ lại thấy bóng anh thấp thoáng đâu đó và bắt gặp mắt mình là lại cười trìu mến. Lúc mình đang kiễng chân lấy nước đóng chai, anh ấy từ đâu chạy ra đon đả “để tôi giúp, việc này nặng nhọc lắm, ko phải của phụ nữ”. Mình nghĩ bụng “có thế chứ, mãi rồi cũng có một anh hữu ích, chứ nãy giờ toàn thằng tán tỉnh vớ vẩn vô tích sự”. Đàn ông bên Ý này chỉ giỏi khua môi, chứ động tay động chân giúp đỡ như anh này thì hơi khó. Con người nhân hậu là mình đây còn nghĩ thêm “khi thằng này xin số điện thoại của mình thì có lẽ mình sẽ cân nhắc”. Anh chàng giúp mình mang nước ra tận quầy trả tiền và…đứng khoanh tay đợi. Mình lại cứ tưởng là đợi mình. Hóa ra anh ấy đợi mình cho tiền nhanh nhanh cho xong để còn đi giúp người khác

Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng được một vài vụ thật. Một lần, vừa thở hồng hộc chạy vào tàu điện ngầm thì một anh hỏi luôn “em là sinh viên trường nào?”. Ớ ra “sao anh biết tôi là sinh viên?”, “thì tôi nghe em trả lời hai thằng theo em trên tàu điện trên kia, thế em học trường nào?”, “à, ờ, tôi học…Luiss”. May thế còn nghĩ ra được một cái tên. “Thế em học ngành gì?”, “à, ờ, tôi học ngôn ngữ”. May cho mình lúc đó tàu đến ga. Mình chuồn luôn chứ nó mà hỏi thêm nữa chắc mình tịt. Dạo này thất học trầm trọng, biết gì về trường với lớp, có muốn bịa cũng ko bịa được.

Chồng thỉnh thoảng lại than vãn “đàn bà gì mà cứ vớ va vớ vẩn”.

PS: Hôm nọ chồng hỏi “Em có yêu anh ko?”, “Có”, “Thật không?”, mình làm một hơi “Thật chứ. Sau này em già, em có tiền của anh em giàu em có thể kiếm được đàn ông trẻ đẹp hơn anh nhiều nhưng em vẫn chung thủy với anh, thế được chưa?”. Chồng than “Mấy hôm trước anh đang định khen em dạo này chín chắn, ko thấy phát ngôn ra câu nào vớ vẩn nữa, may mà chưa khen”.

Monday, March 21, 2011

Đầu gấu Vietnam SR

Hôm nọ đi trên tàu điện ngầm, có một con bé Di gan hát rong có giọng hát rất ngọt. Theo mình giọng hát thực sự ngọt ngào ở những chốn này rất hiếm. Thường là ta phải đinh tai nhức óc nghe những bài hát quá to quá nhàm từ những cái loa quá rè, mà thường ta cho tiền và khấn thầm họ nhận được tiền rồi thì im đi cho ta nhờ. Lần này thì khác, khi con bé cất giọng lên tất cả mọi người trong toa tàu đều phải ngoảnh ra xem ai hát. Thế mà cuối cùng cũng chẳng ai cho nó tiền. Đi cả toa chỉ xin được tiền từ mình. Ở Rome những hình thức xin tiền trên các phương tiện công cộng như thế này bị cấm, tức là mình ko nên cho nó tiền. Nhưng mình ko thích cái gì miễn phí. Đi qua quảng trường dừng lại xem một màn biểu diễn thú vị mình ko muốn đứng xem chán chê rồi cắp đít đi chả cho người ta đồng nào. Đi trên tàu điện ngầm nghe một bài hát hay mà cứ dỏng tai lên nghe nghe xong phủi đít đi thẳng thì mình thấy ko công bằng, cứ như mình giàu hơn mà lại đi ăn vẹm của người thiếu ăn vậy.

Con bé hát xong đang vác ống bơ đi xin tiền thì tự nhiên có hai viên cảnh sát tiến lại gần, trong đó có một người thái độ theo mình là cực kỳ bất nhã. Anh ta chẳng nói chẳng rằng tiến lại chặn đường con bé kia, khoanh tay trước ngực và nhìn xuống nó (vì nó chỉ đứng đến ngực anh ta). Con bé biết thân biết phận chúi đầu tránh cái nhìn khinh khỉnh dọa nạt và chế diễu kia và ra đứng ở cửa đợi tàu dừng để xuống. Anh ta vẫn ko tha, đi theo nó, vẫn nhìn nó chằm chằm và đứng chặn ở đó như ý bảo nó rằng tao sẽ make sure là mày biến khỏi cái tàu này, mày có chạy đằng trời. Con bé lúng túng đến mức ko dám quay người về phía anh ta mà phải quay mặt ra phía ngoài. Chắc nó đang khấn tàu dừng lại nhanh để nó thoát khỏi sự nhạo báng của anh ta.

Mình nhìn thấy cảnh đó thì hết sức khó chịu. Mình cũng chả ưa gì người Di gan nhưng cực lực phản đối cách đối xử với người khác như con vật kiểu này. Thà rằng anh ta túm cổ nó và tống nó ra khỏi tàu bằng vũ lực còn chuyên nghiệp hơn.

Nhân đây kể một chuyện. Hôm mình đi từ sân bay về, hết sạch tiền mặt, mệt mỏi đến mức ko muốn bỏ công đi tìm máy rút tiền, chàng hôm đó lại đi họp phụ huynh cho chú Bình Nguyên cả năm có mỗi một lần, thế là đành phải đi tàu về nhà. Mình biết mình mẹt châu Á, lại tay kéo va li, chắc chắn sẽ là mục tiêu số 1 của mấy nàng Di gan móc túi, nên cực kỳ cẩn thận với cái túi khoác trên vai của mình, cái túi lúc nào cũng ở đằng trước mặt. Thế mà chỉ đúng có hai giây mình gạt cái túi sang bên sườn cho đỡ vướng để cúi xuống nhấc vali vào trong tàu, chỉ đúng có hai giây thôi mình cảm thấy cái túi của mình hơi trĩu nhẹ xuống một cái. Mình nhìn xuống tá hỏa vì thấy túi đã mở toang hoác. Túi của mình khóa kéo, lần nào kéo ra kéo vào cái khóa cũng kêu soạt một cái, thế mà chúng nó mở kiểu gì ko một tiếng động. Mình chỉ chậm một giây nữa thôi thì chắc mất sạch vì túi nông, mở khóa ra có gì bên trong là thấy hết.

Mình vẫn bị jet lag theo giờ VN, bây giờ là 10h30 tối, tức là 4h30 sáng ở VN, buồn ngủ ko chịu nổi. Mai mình kể nốt chuyện.

21/3/2011

Dạo này quả thật cũng bận, ko có thời gian gật gù máy tính nhiều. Lịch kín mít từ đầu tuần đến cuối tuần.

Tuần hai buổi đi siêu thị hoặc đi chợ. Có ai hiểu được nỗi khổ è lưng è cổ mang vác đồ ăn, nước uống và các vật phẩm cần dùng cho gia đình 6 người ko nhỉ.

Lại ôm đồm thêm hai buổi tập thể dục mỗi tuần. Nói chính xác ra là hai buổi tập chỉnh dáng. Dạo này thấy đi thì cứ băm băm bổ bổ mà ngồi thì gò lưng so vai chứ ko được tiến tiến lùi lùi bước khoan bước nhặt thẳng thớm nho nhã như xưa nên buộc phải đi tập chỉnh dáng. Cũng chẳng có gì đáng nói nếu như ko vì trong lớp toàn ông già bà cả. Có người già đến mức đi còn ko nổi. Người trẻ nhất cũng gần 60. Khổ thân mình lững thững vác mẹt vào mọi người quay ra nhìn tưởng mình đi nhầm chỗ.

Lại thêm buổi ngoại khóa của ông con trai. Rồi thêm các buổi Lê La được mời đi dự sinh nhật bạn, con chơi mẹ ngồi chầu. Trước đó thì lại phải mất một buổi đi mua quà để cho con mang đến tặng bạn. Con mang tặng bạn xong bao giờ cũng giao hẹn với mẹ một câu “bao giờ mamma cũng mua cho Lê/La cái này nhé”. Mẹ mà ko gật đầu thì con cứ dứ dứ ra tặng bạn xong lại tiếc rẻ giật lại.

Rồi hẹn bác sĩ. Con 3 đứa, đúng mùa ốm nên cứ ốm lên ốm xuống, ko khám định kỳ thì cũng khám cấp kỳ.

Rồi hẹn bạn. Bạn thì nhiều thời gian thì ít. Có đứa hẹn cả vài tháng mà cũng chẳng gặp nhau được.

Rồi event, rồi ăn tối, cứ lượn như đèn cù.

Chưa kể ngày nào cũng như ngày nào, cứ từ 4h chiều đến nửa đêm toàn con cái, nấu nướng, ăn uống, tắm rửa, giặt giũ. Thế nên nhiều việc cứ phải dồn vào làm buổi sáng.

Lại ôm đồm thêm khoản ca hát. Sắp phải ghi đĩa và sang Madrid biểu diễn nên lịch tập rất căng. Chị nhạc trưởng bảo “Giọng em hay quá, nếu hát cùng cả đoàn thì rất phí. Lần này em sẽ phải hát so lít hoặc hát song ca hoặc tam ca”. Thế là mình bị phang ngay cho vài bản nhạc, méo mặt. Toàn phải vừa nấu ăn vừa để quyển nhạc bên cạnh, tay đảo, mắt liếc, mồm ông ổng. Lại phải hát đúng cái giọng mà mình ghét nhất là giọng nữ cao. Mà không cao vừa, toàn bài cao chất ngất, nghe chua như cứt mèo mà chị nhạc trưởng cứ khen hay là sao nhỉ.

Của đáng tội đợt biểu diễn giáng sinh và năm mới vừa rồi cũng thu được ối tiền bán vé mang đi làm từ thiện. Nhóm hát nhà trồng được, khán giả nhà trồng được, tội giề, vợ hát chồng nghe, đi đâu mà thiệt.

Tối qua đi dự một buổi quyên góp từ thiện cho Nhật. Trần gian này dường như hết đất sống. Lũ lụt, động đất, sóng thần, bão tuyết, lạnh lịch sử, nóng lịch sử, ô nhiễm, thiếu nước, thiếu điện. Không còn nơi nào là yên ổn nữa hay sao.

Hồi cuối mùa đông cả nhà định đi nghỉ ở Maldives. Tự nhiên nghĩ Maldives chỗ nảo chỗ nào cũng là đảo, mỗi đảo chỉ nhô lên như một doi cát tí tẹo, đi từ bên này sang bên kia có khi chỉ vài phút, rủi sóng thần đánh tới thì chắc tất tật quét sạch bách xuống biển. Thế là tạnh ngay kế hoạch Maldives. Chồng lại bảo hay là đi Biển Đỏ. Đang định đặt khách sạn thì nổ ra cuộc cách mạng hoa nhài. Thế là cũng tạnh ngay Biển Đỏ.

Có 3 con, mà chỉ có 2 tay. Rủi có chuyện gì làm sao mà dắt con chạy nổi nhỉ. Từ hồi có con tự nhiên có cảm giác mình như một con ốc sên bị đập vỡ vỏ cứng, cái gì cũng có thể sợ.

Friday, March 18, 2011

Nhảm

Chat với con bạn thân từ hồi cấp 2. Nó gửi cho xem cái ảnh hai mẹ con nó. Trên cổ tay nó vẫn đeo chiếc vòng quen thuộc. Chẳng là thuở còn thanh mai trúc mã, hai Thị Nở rủ nhau đi mua hai chiếc vòng đá đeo vào cổ tay nhau, thề thề hẹn hẹn sẽ ko gỡ ra.

Mười mấy năm, nó ra nước ngoài sống, chiếc vòng chưa một lần rời cổ tay đầy đặn nữ tính của nó.

Còn mình giở cổ tay mình lên ngắm. Ôi chao, đúng là ngựa hoang, gày gò, đen đúa, xương xẩu , trần trụi, bất trị.

Của đáng tội là ko phải mình tự tháo chiếc vòng đá ra. Ngày đó giai thấy làm sao mình vốn ko chịu đeo bất kỳ đồ trang sức nào mà trên cổ tay lúc nào cũng khư khư một cái vòng đá, gặng hỏi của ai thì mình chỉ gọn lỏn “bạn”. Giai sinh nghi, mà lại nghi luôn một kịch bản sến nhất quả đất: chiếc vòng là kỷ vật tình yêu, mà lại là tình yêu quan trọng chứ ko phải tình yêu hời hợt.

Thế là sau rất nhiều năn nỉ mà mình ko chịu tháo chiếc vòng khỏi cổ tay, một ngày mình thấy có người mặt rất quan trọng chìa ra một chiếc kiềng tay xinh xắn, tự lọ mọ đi đánh cho vừa cổ tay mình. Mình cám ơn và cất đi ko dùng, giai nhắc mãi vẫn ko dùng. Cho đến một ngày giai ko khách khí gì nhảy tưng tưng lên như ngồi phải đinh thì mình nhức đầu hết chịu nổi, đành tháo vòng đá và xỏ vào chiếc kiềng nho nhã kia. Cũng chỉ đeo một thời gian cho giai hài lòng rồi mình cũng lại bỏ xó nó nốt, trở lại thời nguyên thủy trần như nhộng.

Nhân chuyện này lại phải kể cái vụ nhẫn cầu hôn. Một hôm thấy giai lôi ra một đoạn dây, hình như giải rút cái quần bơi của giai, đo vòng quanh ngón tay áp út của mình “xem ngón tay em bé thế nào nào”. Thế mà mình tưởng là giai tò mò vì ngón tay mình bé quá thật.

Thế nên khi giai dâng nhẫn đính hôn mình còn gật gù “sao anh chọn cỡ nhẫn vừa thế”.

Xong mình phải thú thật với các bạn là mình còn hỏi giai “em thấy 4 cái hộp cơ mà sao anh chỉ đưa em có 2”. Hic hic.

Nói thế thôi chứ các thể loại đồ trang sức là mình rất lười dùng vì thấy nó ko tiện dụng.Tóc thì dài nên đeo gì ở tai ở cổ cũng chả ai nhìn thấy, giơ tay lên vuốt tóc hoa tai vướng vào tóc kéo đứt tai ra đấy rồi thì làm sao. Cổ tay bàn tay thì gầy gò xương xẩu đen đúa giấu đi chả xong chứ nào có được tròn trịa trắng trẻo búp măng đâu để mà đeo đồ trang sức vào cho nó nổi bật.

Giai thì mua cho vợ cái gì cũng dặn dò nhức cả đầu “em phải đeo đấy nhé, em hứa với anh là em phải đeo”.

Đến tận giờ, nghĩ lại, các giai khen mình thì nhiều (chê thì chắc cũng lắm nhưng mình có xu hướng quên khẩn trương những gì ko tích cực nên mình chả buồn nhớ chê mình những gì), nhưng tuyệt đối chả anh nào khen mình nữ tính.

Mà cũng chưa anh nào khen mình chung thủy trước sau như một .

Monday, March 14, 2011

Linh tinh

 
Mỗi cuối tuần rảnh rỗi bố mẹ Lê La thường mang hai anh em đi chơi đâu đó cho thoải mái. Mỗi tội nhiều khi đi hùng hục đến nơi thì té ngửa vì nơi đó quá xấu thà ở nhà còn hơn.
Một lần đi ra biển. Đi hơn một tiếng mà tới nơi thì thấy biển gì mà xấu hoắc, nước đục, sóng tá lả, cát đen xì, mấy cái nhà xấu xí, trên bờ kè người đi dạo tán loạn như ong vỡ tổ.
Một lần khác thì đi câu cá. Cả hội 4 gia đình cùng gần chục đứa trẻ con kéo nhau lốc nhốc đến hồ câu. Cứ tưởng hồ câu phải ở giữa thiên nhiên xanh tươi tĩnh lặng thế nào, hóa ra có mỗi hai cái hồ nước xanh lè, khoảng 3 cái cây còi cọc cành lá lờ phờ, xấu như ma. Mà cuối cùng ngay cả cái hồ đó cũng ko được bén mảng tới, vì có trẻ con ầm ĩ cá chạy hết người khác ko câu được. Thế là cả đám lố nhố được điều đến một cái bể rộng hơn cái chiếu một tí, nước chắc đến bắp chân, hò reo câu cá quả. Câu thế này thì quá dễ, cứ thả cần xuống là chỉ mấy giây sau giật lên được một con. Bọn trẻ con đứa nào cũng câu được 2 con, bé nhất hội là Lila cũng được 1 con. Chú Bình Nguyên câu được con cá khỏe quá nó giẫy đành đạch chống cự làm quần áo mặt mũi chú ướt sũng, chú mắt mũi nhắm tịt cố sống cố chết lôi cái cần ko chịu bỏ cuộc, cuối cùng được hẳn ba con. Có đứa cá giẫy mạnh quá sợ quẳng cả cần xuống nước mà chạy. 8 vị phụ huynh được trận cười mệt nghỉ. Câu cá nửa tiếng xong, túi lớn túi nhỏ vác về. Thể theo yêu cầu của chú Bình Nguyên muốn mời bạn đến nhà chơi, cả hội kéo về nhà Bình Nguyên đập phá. Mẹ Bình Nguyên search được công thức chế biến cá quả trên Internet, may quá có đủ nguyên liệu, làm luôn mười mấy con cá quả, cả hội ăn sạch sẽ.
Đến tuần này thì mới may mắn một tý. Công viên Doria Pamphili rất đẹp. Những bãi cỏ xanh ngút mắt đã nở đầy hoa cúc trắng. Một cái hồ nước trong veo có cây cầu bắc qua, lướt thướt liễu rủ. Những con cá to như bắp chân người lớn bơi lội tung tăng. Trên sườn đồi những cây anh đào đã trổ hoa rực rỡ, dưới tán có hai người đang tập quyền. Bầu trời thành Rome cuối mùa đông xanh ngắt, nắng rực rỡ, không khí trong lành và tĩnh lặng. Dưới những bóng cây cổ thụ mọi người ngồi đọc sách rất thảnh thơi. Lila nhảy như choi choi cầm cành cây chọc xuống những con nòng nọc đang bơi lâu nhâu, còn chú Bình Nguyên thì ngồi ngẩn ra trước một con rùa đang nằm sưởi nắng nhàn nhã trên tảng đá. Chú cứ hỏi mẹ chú cái mặt con rùa đâu?
Đợt về Hà nội vừa rồi, một lần đi trên đường cao tốc Pháp Vân, giữa đồng lúa xanh ngút mắt có một cây gạo đứng một mình đang trổ hoa đỏ chói. Hồi còn ở nhà, cứ tháng 3 là mình đi tìm hoa gạo. Mình thích sự đơn độc và mãnh liệt của nó.
Gần đây Shiseido có giới thiệu một loại son đỏ rất đẹp, rất mịn, rất ăn môi. Nhìn màu đỏ thì thích nhưng bôi lên môi mình thì lại ko thích. Với con người thực dụng như mình, môi đỏ chỉ để ngắm, ko phải để hôn.
Ảnh: chú Bình Nguyên vừa nghịch đến mức chảy cả máu mũi, còn Lila đã mặc cái áo bướm đó mấy ngày rồi mà ko chịu thay, cứ ngủ dậy là đòi áo bướm, thậm chí lúc đi ngủ cũng phải bã bọt mép mới lột được cái áo bướm ra.

Sunday, March 13, 2011

Tuyển tập bà Nuôi (6)

Hôm trước khi về VN ăn tết bà Nuôi than “tôi mà đi lạc ở sân bay rồi lại bị móc túi hết tiền tiếp chắc tôi lăn ra đất giẫy giẫy quá cô”. Mình nghe thế te tái chạy ra đại lý vé gần nhà bảo “tôi nói thật với chị là bà ấy khỏe lắm, đi lại chẳng vấn đề gì đâu. Nhưng bà ấy ko nói được ngoại ngữ gì, mắt lại kém, lại ko có kinh nghiệm đi lại ở sân bay. Chỉ đặt trợ giúp chung chung thôi thì bà ấy vẫn lạc được. Chị làm ơn đặt xe lăn hộ bà ấy được ko?”.

Sau nhiều chạy vạy đôn đáo vì sát giờ, cuối cùng chúng nó cũng đặt được xe lăn cho bà N cả chặng về lẫn chặng sang. Mình yên tâm lắm.

Hôm bà N sang, 5h sáng giai phải có mặt ở sân bay để đón. 6h30, mình đang ngủ thì tiếng điện thoại réo, giọng một con riết róng “Bà Phạm đấy à”. Mình đang mắt nhắm mắt mở cũng ko kịp nhận ra Phạm là họ bà Nuôi nên ú ớ “Hả?”. Nó gằn giọng tuôn ra cả tràng “Bà bảo bà gẫy chân nên cần đặt xe lăn, thế mà giờ bà đi đâu rồi?”, “À, bà P là người giúp việc của tôi…”, “Thế giờ bà ấy đâu?”, “Tôi ko biết, có thể là với …chồng tôi...”, “Sao lại với chồng cô?”. Mình giải thích chưa xong mà nó cứ nhau nhảu cắt lời. Mình nổi cáu “Bà ấy đi trên chuyến máy bay của các chị. Tôi đặt xe lăn để đến nơi các chị đón bà ấy đưa ra ngoài chồng tôi đợi. Thế mà giờ lại hỏi tôi là bà ấy đâu là sao. Từ nãy giờ tôi giải thích mà chị ko hiểu à?”.Thế thì nó mới hạ cái giọng xoe xóe của nó xuống.

Mình cà cuống quá. Ở ngoài thì chồng chưa thấy bà ấy ra, ở trong thì nhân viên ko tìm thấy bà ấy, hành lý thì ko ai nhận trong khi máy bay đã hạ cánh mấy tiếng, sân bay thì rộng thế biết cụ N lưu lạc ở chốn nào.

Thế là tất cả đều vào cuộc. Nhân viên hàng không đổ đi tìm, giai nháo nhào chạy ra chạy vào gọi điện. Chạy ra vì trong chỗ cổng hành khách ra điện thoại ko có sóng. Chạy vào vì sợ bà N đi ra ko thấy ai đón lại tự đi tìm, lạc ở ngoài thì còn khổ hơn lạc ở trong. Giai bắt cả police sân bay và hải quan gọi trên loa tìm. Hải quan thì cứ bảo là chưa thấy bà ấy nhập cảnh. Police sân bay thì bảo ko thấy ai châu Á tuổi cao đi lang thang hết. Mình ở nhà tỉnh như sáo bấm máy liên tục gọi hết cho chồng lại gọi đến văn phòng hãng bay. Tề thiên đại thánh đại náo thiên cung gây cảnh hỗn loạn thế nào thì bà N cũng đại náo sân bay Fiumicino sáng chủ nhật y như thế.

Cuối cùng thì sự việc vỡ lẽ như sau: máy bay hạ cánh xuống Fiumicino, bà N sốt ruột ko đợi xe lăn đến đón mà chủ động chạy đi tìm xe lăn. Tóm được một thằng, chẳng hiểu là thằng nào đang đi vơ vẩn gần đó, hỏi ríu rít. Thằng đấy chả hiểu mô tê gì dẫn bà N vào một văn phòng bảo ngồi chờ, rồi nó cầm hết giấy tờ của bà N và đi đâu mất. Thế là bà N ngồi thu lu trong văn phòng đóng kín mấy tiếng đồng hồ, trong khi ở ngoài thì bao nhiêu người đi tìm

Tối hôm nọ tự nhiên mình lại bày vẽ ra nấu những món mất thời gian. Đang nấu thì bà N tuyên bố đi đổ rác. Bà N xuống nhà một lúc rồi hớt hải chạy lên báo cáo là đã vứt cả chùm chìa khóa vào thùng rác vì cầm chìa khóa cùng tay với túi rác, trong đó có cả chìa khóa điện mở cánh cửa thép dưới nhà. Mình thất sắc nhưng vì đang mải vừa bế con vừa nấu nướng nên ko thấy bà N bê cái thang nhỏ chạy đi. Mãi sau mình mới biết là bà N bắc thang trèo hẳn vào trong thùng rác lục tìm chìa khóa. Mình bảo “cô ko được làm thế, thứ nhất nếu cô đứt chân hoặc đứt tay vì cái gì đó trong thùng rác thì cháu còn mệt hơn là đi làm lại chìa khóa. Thứ hai cô đang lúi húi trong đó mà xe tải rác đến nâng thùng rác đổ vào thùng xe tải thì cô có kêu giời cũng ko ai nghe thấy để dừng lại cho cô ra”.

Chưa kể rác đổ vào thùng xe tải là bao giờ cũng có một thiết bị như cái cào tự động ép rác lại cho gọn. Bà N mà bị cái cào đó ép lại thì bẹp như gián.

Trung bình tuần nào bà N cũng phải gây ra một việc gì đó ko động trời thì cũng làm người khác phải lao đao

Tuesday, March 8, 2011

No country for old… woman?

Haiz. Tình hình trên thế giới kiểu này làm mình chẳng biết nhiệm kỳ sau nên đi đâu.

Thằng bạn ở Haiti kêu gào ôi ở đây thích lắm, vui lắm, hôm nào chúng mày đến chơi đi. Đùng một cái xảy ra trận động đất xiêu vẹo. Từ đó chả thấy nó tấm tắc mời sang nữa.

Con bạn vừa bắt đầu nhiệm kỳ ở Tunisia mùa hè vừa rồi thì giờ bắt đầu xảy ra các loại biểu tình lật đổ hoa nhài hoa súng. Nó than “con kia thì đi Manhattan, tao đã phải đi Tunisia giờ lại còn thêm bạo loạn”. Con kia là một con bạn khác của mình chồng mới bắt đầu nhiệm kỳ ở NYC hè năm ngoái.

Bangkok từng là một posting rất hay giờ cũng chẳng hay nữa. Áo đỏ áo vàng gì đó ko hiểu giờ đã hết phá phách chưa. Có thời gian cả gia đình anh trai của chị dâu chồng phải sơ tán về Ý vì tình hình ở Bangkok trở nên ko kiểm soát nổi.

Mình thì ko thích các nước hồi giáo. Thấy cách họ xử lý vấn đề rất nóng nảy và bạo lực, nhiều phần tử phá bĩnh, hơi một tý là giơ nắm đấm dọa dẫm. Thế là nhiều nước cũng ko đi được.

Giai bảo “hay là sang Nhật?”. Mình ngán ngẩm. Dân gì mà cứ chạy lúp xúp gặp nhau là chào như bổ củi thế. Geisha, sumo, anh đào, trà đạo, kimono, chân vòng kiềng, chán.

“Thế sang San Francisco vậy?”, “Thôi, ko đi Mỹ nữa. Ở NYC 4 năm rồi. Giờ mà có sang lại cũng chỉ muốn sang NYC thôi”. Nói thế nhưng lý do thầm kín là San Francisco lạnh quanh năm, mớ váy áo lụa lại chả có dịp nào dùng.

“Đi Brasil nhá, Brasilia, Rio de Janeiro?”, “Thôi, loạn lắm, sợ bắt cóc lắm. Anh có biết ở Brasil rất hay xảy ra nạn bắt cóc đòi tiền chuộc ko hả”.

“Thế London, Paris?”, “Đi hai chỗ đấy thì thà ở Rome rồi thỉnh thoảng qua đó du lịch còn hơn”. Lý do là sang hai chỗ kia thì lại phải thuê nhà, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu thì thà ở trong nước còn hơn, đi làm gì cho khổ.

“Moscow em có thích ko?”, “Không, em sang đấy đang lang thang ngoài đường gặp đầu trọc thì sao, chúng nó ghét người VN lắm”. Lại lý do thầm kín là Mát xì cơ va lạnh chết người, váy áo lụa cất đi hết à.

“Thế Delhi, Mumbai?”, “Thôi, đông lắm, bẩn lắm. Anh đã xem clip nhổ răng vỉa hè ở Ấn độ bao giờ chưa?”.

“Thôi thế thì Canberra hay Melbourne vậy. Em thích Úc thế còn gì”, “thôi, chỉ thích Sydney thôi chứ Canberra và Melbourne buồn lắm em ko chịu được”.

“Thế có thích Dubai ko?”, “ko, đã bảo em ko thích nước Hồi giáo rồi còn gì”.

“A thế thì Bắc Kinh, hay lắm”, “Ơ anh có biết em ghét tàu đến mức nào ko mà anh lại bảo em đến tận đại bản doanh của tàu hả”.

“Anh thích nhất là Buenos Aires. Em thích ko?”. Mình cũng thích. Nhưng ngặt một nỗi mẹ già rồi. Ở xa quá ngại về, mà lúc phải về gấp thì có khi lại ko kịp.

Mình chỉ nhắm các posting ở châu Á cho gần. Nhưng chồng lại đang cao ko tới thấp ko xong ở hầu hết các vị trí tại châu Á. Làm đại sứ thì chưa đủ thâm niên, làm phó đại sứ thì lại dưới cấp của chồng.

Có hai vợ chồng thì thế nào cũng được, kể cả Afghanistan. Nhưng có thêm một đàn con, chỉ muốn nơi nào yên ổn hòa bình, môi trường sống ko tật bệnh, người dân hiền lành lương thiện, đi ngoài đường ko sợ đạn pháo, đánh bom cảm tử, thiên tai, nhân họa. Thế là cũng phải loại ra khỏi danh sách nhiệm kỳ rất nhiều nước.

Hôm qua chồng nhắn “Em có thích Jakarta hoặc Bangkok ko, nếu thích thì ngay tháng 11 này nhà mình phải đi”. Ngay tháng 11 này thì đi làm sao. Tiền học năm sau cho Lê La đã đóng. Nhà cửa vừa ổn ổn một tý chả nhẽ giờ lại xáo tung lên để chuyển đi, mình thì còn chưa kịp thở.
Cái thân già này chưa biết đi đâu về đâu đây.

Saturday, March 5, 2011

Full of sh...

 
 
Sau một cơ số ngày ủ ê nhầu nhĩ vì:
- Con gái bé ốm. Chảy mũi, nghẹt mũi, sốt, ho, đau họng. Chưa đủ khổ vì còn mọc răng. Đêm quấy thôi rồi.
- Mình cũng ốm. Lây của con rồi mới biết ngoài các vấn đề trên thì còn có thêm khoản đau đầu như búa bổ. Hèn nào con cứ nằm kêu e é, khổ thân.
- Rồi đến chồng lây của vợ. Chồng ốm mình khổ hơn con ốm. Vì ngoài quấy như con thì ông còn ăn, chứ con ốm có khi nó lại bỏ ăn. Ông không ăn bình thường mà ăn rất khỏe. Ăn khỏe nhưng nhìn thấy cái gì cũng chê ỏng eo. Chê chán lại ăn tì tì như ko có chuyện gì xảy ra.
- Trời thì lạnh dã man, sau đợt lạnh thì lại đến đợt mưa. Nhiệt độ thì cũng chỉ khoảng 2, 3 độ nhưng vì ẩm độ cao nên mặc bao nhiêu quần áo cũng vẫn run lẩy bẩy.

Sáng hôm nay ngó ra cửa sổ thấy trời chỉ se lạnh, nắng ửng hồng trên ngọn đồi trước mặt, thế là tự nhiên hớn hở hẳn lên. Bèn chạy vào tủ quần áo lôi ra một chiếc váy. Chiếc váy này may từ mùa xuân năm ngoái, nhưng vì có bầu Anna nên ko có dịp mặc. Khổ thân chiếc váy, à ko, khổ thân mình. Từ lúc mua vải đến lúc may thành váy đến lúc mặc lên người tính ra đúng 3 năm. Lôi ra chai Dior Addict. Dior Addict mùi rất nồng nàn. Thế nên từ hồi có bầu lần đầu tiên là mình đã bỏ ko dùng. 6 năm rồi.
Lái xe đến câu lạc bộ. Xuống xe rồi vẫn lảm nhảm “I’m an alien, I’m a legal alien…I’m MYSELF, no matter what YOU say”. Hát nhảm lời bài hát Englishman in New York của Sting.
Gần xong buổi tập hát thì con bạn gọi bảo ko đi ăn trưa được vì con ốm. Thế là đến căng tin Bộ ăn trưa với chồng để sau đó đón con luôn cho tiện. Rất nhiều anh nhìn nhá. Nhìn chằm chằm, nhìn sững, nhìn trố mắt, nhìn say sưa, các kiểu nhìn, có anh còn vừa nhìn còn vừa cố tình nấn ná đợi. Mình vừa trót oánh một bụng no căng đành cứ phải hóp bụng thật lực. Khổ thật, biết thế ăn ít ít đi một tý có phải hơn ko.
Mình cố tình đứng cách cách chàng ra một tý và nói chuyện vẻ thờ ơ để các anh tưởng mình chỉ là bạn chàng, kiểu hai người đi ăn trao đổi công việc. Được đâu một lúc thì chàng phát hiện ra, cốc luôn cho mình một cái.

Friday, March 4, 2011

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 77)

 
Dạo này ông con có thêm nhiều băn khoăn mới “mamma ơi trước khi papa lấy mamma thì mamma tên là gì?”. Mẹ trả lời xong thì chú lại hỏi “mamma ơi thế về sau Lê lấy vợ thì tên của Lê là gì?”. Mẹ chú giải thích “con ạ, ở Ý khi con trai lấy vợ thì giữ nguyên họ, còn con gái lấy chồng thì phải đổi theo họ chồng”. Thấy chú im ắng một lúc rồi lại tiếp tục vẻ vẫn băn khoăn “mamma ơi, nhưng mà Lê ko biết về sau Lê cưới ai”: Mẹ chú thản nhiên “Lê sẽ cưới người giống mamma chứ còn ai nữa”. Chú im im có vẻ hài lòng rồi một lúc sau lại hỏi “mamma, thế bà Nuôi có phải tên là Nuôi Favilli ko?”. Trả lời hết được những băn khoăn của chú là mẹ chú mệt thè lưỡi.
Tiếng Việt của chú càng ngày càng phong phú, mỗi tội vì phong phú quá nên nhiều lúc lẫn lộn “mamma ơi, con sói ộc đác ăn hết tất cả các con dê con đúng ko mamma?”: Mẹ chú cười há há “có Lê ộc đác thì có chứ còn con sói thì nó độc ác cơ Lê ạ”.
Hè năm ngoái mẹ sợ chú ở nhà mấy tháng rảnh rỗi lại gây ra lắm trò nên mẹ quyết cho con đến trung tâm thể thao centro estivo gần nhà vui chơi trại hè, cứ sáng đưa chiều đón, vừa rèn luyện thể lực vừa thêm bạn bè. Mẹ rình 2 lần. Một lần thấy bọn trẻ con chơi bóng đá, con mình ngồi thu lu một xó nhìn, mắt hấp háy, mặt chán chường. Một lần khác cả nhóm đang làm thủ công cắt dán thì con mình ngáp vặt chán thì đi vơ vẩn ra xa tay chắp sau đít mặt mũi lơ đãng. Còn lại thì chú phụ trách báo cáo là nó toàn ngủ. Được đúng 5 ngày mẹ bỏ cuộc. Thể thao thì thể thao, chả thể thao thì ở nhà với mẹ, tội gì vừa phải tốn tiền vừa làm con khổ sở. Một thời gian sau ông con tâm sự “Lê ko thích cái centro estivo đấy vì có lần Lê nằm ngủ kiến bò hết tất cả lên người Lê”.
Năm nay có lẽ mình cho Lê La Na ra biển ở suốt mùa hè. Cái nhà ở Talamone, dưới chân là biển, sau lưng là rừng quốc gia, nên thích thì đi ra biển, chán biển thì đi vào rừng. Năm ngoái dẫn Lê La và cô chị họ vào rừng chơi. Bọn trẻ con học được rất nhiều thứ, xem cây, ngắm kiến, ngắm côn trùng, lành mạnh hơn rất nhiều so với việc ngồi nhà ôm sách hoặc ôm TV. Chạy nhảy trên bãi biển suốt nên cuối mùa hè con trai gầy, săn chắc, da rám nắng làm mắt sáng long lanh. Trông khác hẳn với thằng bé mặt phị phị, da trắng phớ, cái gì cũng mẹ mẹ, hàng ngày.
Mẹ bảo con trai “con có biết mẹ sợ nhất điều gì ko? Mẹ sợ nhất là khi con lớn lên con ko yêu mẹ nhiều như cũ nữa”. Chú vòng tay ôm mẹ thật chặt, dụi mặt vào ngực mẹ và bảo “Lê vấn sé yêu mamma như , Lê hứa”. Hai bố con chú giống nhau, nhiều lúc cảm động lên là cứ nói ngọng líu ngọng lô.

Ảnh: Sardinia, anh nắm tay cho em nhảy