Monday, October 14, 2019

Trên bảo dưới không nghe

Một sáng thứ bảy tươi đẹp cả nhà dắt díu nhau tham gia vào cuộc đi bộ do trường Lê La Na tổ chức. Mình vốn chả ham thể dục thể thao nhưng mấy bố con nhà kia hăm hở khăng khăng đòi đi bằng được. Mình ngài và thằng Ale đi thì còn kệ cho họ tự đi, chứ hai con kia mà đi thì mình kiểu gì cũng phải lết cái thân già đi theo. Sáng hôm sau đi rồi mà tối hôm trước mới tá hỏa nhận ra rằng đôi giày thể thao duy nhất đã quẳng lại ở Ý. Thế là đành đi dép lê. Có ai nực cười hơn tôi.
Con La bảo nó tự đi với bạn, mẹ đừng có bám đít nó, thế nên mục đích của mình chỉ là bám đuôi con Na. Ai ngờ vừa có lệnh xuất phát một cái, chúng nó chạy tóe lên đằng trước và mất hút sau khúc quanh. Bỏ chồng lại đằng sau, mình hớt hải dép lê đuổi theo một hồi thì mệt quá bỏ cuộc. Già rồi, trên bảo dưới không nghe. Đầu bảo co cẳng chạy nhanh lên nhưng chân cứ ỳ ra. Đành tự nhủ thôi mình cứ đi bộ bền bỉ đằng sau, chúng nó chạy một hồi mệt tức khắc phải đi chậm lại, mình bắt kịp là vừa.
Đi như thế được hơn một cây, thì mình bắt kịp con La đang đi thất thểu một mình. Con bạn đi cùng nó chán quá đã rảo bước đi mất dạng đằng trước. Đi bộ đường trường mà dáng điệu con gái mình nó ẻo lả thơ thẩn như đi hái hoa.

Ở nhà cùng lắm nó chỉ lượn xe đạp vài vòng quanh sân, trượt patin và rượt nhau với con mèo Fufu chứ tiểu thư như nó có chơi môn thể thao nào bao giờ. Chạy không nổi, nhảy cao nhảy xa đều không xong, bóng đá bóng chuyền bóng rổ gì hỏng hết. Mỗi năm trường tổ chức đại hội thể thao một lần, lần nào nó cũng bị phân công chơi trò nhặt khoai tây vốn là trò của bọn học sinh mẫu giáo. Năm ngoái, con mẹ khi biết sự tình thì phải kêu lên thất vọng “Giời ơi, mài lại phải chơi trò nhặt khoai tây nữa hả con?”. Tính đến năm ngoái nó đã nhặt khoai tây liên tục 8 năm liền. Chưa biết năm nay ra sao.

Lại quay lại vụ đi bộ. Trên quãng đường mấy cây số tiếp theo, mình phải một tay dắt tay nó kéo theo, tay kia đút từng khúc mía vào mồm nó cho nó có sức, nó hít mía xong mình lại phải chìa tay đón bã bỏ vào cái túi nilon và tiếp cho nó khúc mía mới. Cứ thế nó cũng ngật ngưỡng đi thêm được 3, 4 cây nữa. Mẹ thương cái em bé chân yếu tay mềm của mẹ quá đi mất.
Vì hai mẹ con đi chậm nên cuối cùng ông bố của nó cũng lạch bạch bắt kịp. Đi cùng chưa được bao lâu thì ông chìa giày cho mình xem. Một chiếc giày đã kịp sút đế. Giời ơi, trời thì nắng nóng, con một đứa thì đang ăn vạ hai đứa kia thì mất tăm mất dạng, chồng thì giày sút đế, tôi và đôi dép lê của tôi phải làm răng?
Đứng đợi bên lề đường rõ lâu thì cũng có xe của ban tổ chức đi tới. Xin họ cho đi nhờ xe một quãng, đi tắt để về đích luôn. Về đích rồi, hai bố con nhà kia ngồi thở, thằng Lê cũng vừa tới nơi. Mình đi ngược lại để tìm con Na. Quãng đường 15 cây số nó đi không có mẹ giám sát quả thật mình cũng lo. Đi ngược lại khoảng nửa tiếng thì gặp nó đang vừa đi phăm phăm vừa nói chuyện ríu rít với 3 thằng con trai. Cái mặt nó đỏ mọng lên, mắt long lanh, mồ hôi rịn trên trán, dáng điệu rất thể thao nhanh nhẹn. Gần về đích, 3 thằng kia chạy lên trước để cạnh tranh về nhất, còn nó mặt tỉnh bơ đi cạnh mẹ vận tốc không đổi. Mẹ bảo nó “Em bé không chạy theo để cạnh tranh về đích với bạn à?”. Nó bảo “Na chả quan tâm”. Được, con gái mẹ được. Mình giỏi tự mình biết là đủ, mấy cái thành tích nhất nhì hình thức này ăn thua gì.

Cả nhà về đến nhà, mấy bố con bùn đất từ đầu đến chân kéo nhau đi tắm, mình đi thẳng vào bếp nấu ăn trưa. Ăn xong, chúng viện cớ mệt kéo nhau lên nhà, bố đi ngủ con chơi điện tử, mình mình rửa bát dọn dẹp mãi mới xong, mồ hôi lúc về ướt đầm giờ đã khô cong từ lúc nào. Chưa kể một đống giày thể thao bê bết bùn đất còn vứt ngoài cửa chưa kịp xử lý. Chả trách cứ mỗi lần ông có sáng kiến cả nhà thể dục thể thao là mình sợ vãi tè.

P.S: một ngày con mẹ tự nhiên thấy lũ con mình sướng quá, phải cho làm lụng chút cho nên người, bèn ra lệnh cho lũ khỉ đột bóc trứng. Chúng bóc trứng rôm rả, cãi vã, đổ lỗi, cười hắc hắc. Có con nhà ai 9 tuổi, 11 tuổi, 13 tuổi, mà bóc trứng cũng không nên hồn như con tôi?


Sunday, October 6, 2019

Thôi kệ

Con La đi học về, nó ngồi bệt xuống đất, mồ hôi mướt mải, khóc hu hu. Tiền nó để trong cái ví, đầu tuần vẫn còn nguyên, thế mà giữa tuần đã không cánh mà bay gần hết, còn lại nhõn một tờ.
Con La giàu lắm. Là giàu so với thằng anh và con em. Thằng anh chả tiêu gì đến tiền, thỉnh thoảng xin mẹ vài đồng mua sách, thừa trả lại. Mẹ bảo con cứ giữ lấy, nó bảo mamma giữ không Lê làm mất. Con em thì chả biết giá trị của tiền, thích gì là xòe tiền mua liền, hết chạy ra xin mẹ. Mẹ chả cho thì thôi, chả mua chả sao.
Con La thì khác, nó rất thích tiền, đời nó chỉ quan tâm nghề nào làm ra nhiều tiền để nó phấn đấu vào nghề đó. Nó lại học giỏi, giành hết giải này giải nọ, nên lại càng hay có tiền thưởng. Rủng rỉnh tiền nên nó cho vay lấy lãi, 9 xu đổi lấy 1 hào, lại càng giàu hơn. Tiền bạc giành dụm được từng đồng nó chắt bóp, đổi tờ cũ lấy tờ mới, nâng niu, vuốt phẳng phiu và cho vào một cái ví đẹp. Đấy là tiền giấy. Còn tiền xu, nó đòi mẹ sắm cho nó một cái hũ sành có khoét một cái khe nhỏ. Cứ có đồng nào là nó nhét ngay vào đó. Có một dạo tiền xu của mình hở ra đồng nào là biến mất tiêu đồng nấy, còn cái hũ tiền của nó thì ngày một nặng trịch lên.
Thế mà giờ mất thế này, nhìn nó ngồi xoạc cẳng khóc lóc mũi dãi thảm thiết thật là xót, nhất là vì biết số tiền nó dành dụm được là tiền thưởng nó học giỏi chứ không phải ngồi không rồi tiền từ trên trời rơi ịch xuống đầu.
Như ngày trước thì mình sẽ nổi giận, sẽ gọi đám nhân viên ra xạc cho một trận tơi tả, chuẩn bị sẵn tinh thần đuổi việc cả đám, và âm thầm đền vào chỗ tiền con bé bị mất. Nhưng giờ thì mình chỉ ôm nó vào lòng và bảo “Nếu em bé không muốn mất tiền thì em bé phải cẩn thận”.

Xong rồi thấy quyết định không làm lớn chuyện của mình là đúng đắn. Dù sao thì họ vẫn còn chút lương tâm chừa lại một tờ chứ không lấy cả. Số tiền bị mất kia, mình mà bắt đền thì họ sẽ đói cả tuần. Mà nếu mình lên cơn điên đuổi việc ai đó, thì tức là nhà họ con họ sẽ đói đến khi nào có việc mới. Còn con La, đời nó êm đềm đầy đủ quá, cho mất mát tí cho biết. Vả lại, nó khóc lóc cho 2 ngày, sau đó lại tươi hớn như không có chuyện gì xảy ra. Mà nó sạch túi là mình mừng, vì tiền bạc rủng rỉnh nó toàn tiêu vào mấy món ăn linh tinh toàn phụ gia ở canteen trường, trong khi cơm nhà mẹ gửi ngon lành tử tế thì nó bỏ mứa.
Cái đàn guitar của mình, không phải loại xịn sò chuyên nghiệp nhưng là một cái đàn tốt, nhất là so với các thể loại đàn địch kém chất lượng ở đây, năm ngoái bị đứt phựt một dây. Cậu thầy giáo hăng hái bảo để cậu ấy thay dây cho, rồi mang đàn của mình đi mất. Một tuần sau cậu ấy mang lại, lúc đó mình chỉ hơi ngờ ngợ là tại sao đàn của mình đứt mỗi một dây mà cậu ấy lại tháo tất cả các dây ra và lắp lại sai trật tự như vậy. Mãi gần đây lúc sờ đến đàn lại mình mới phát hiện một chi tiết trên đàn đã bị rút mất. Chi tiết đó không biết tiếng Việt gọi là gì còn tiếng Anh gọi là bridge, để cách ly dây khỏi thân đàn cho tiếng không bị rè. Hèn gì mình đã băn khoăn tại sao đàn mình bị rè và được trả lời rằng tại ngón tay mình bấm phím không đủ mạnh!
Như ngày trước chắc chắn mình sẽ nổi giận, thậm chí sẽ gọi một cuộc điện thoại nói luôn không nể nang. Ở đây lạ lắm, nhiều người cao to đẹp trai nam tính lồng lộng, mà ăn cắp như ranh. Nhưng bây giờ thì mình chả giận. Họ thế, mình bất cẩn tin người không phải lối thì mình mất, thế thôi. Mà cũng chẳng mất cái gì đáng giá. Vấn đề chỉ là giờ phải thu xếp thời gian đi mua lại. Với tình trạng ách tắc giao thông suốt ngày như này, chắc phải đợi cuối tuần đi cho vắng. Trên các đàn loại tốt, chi tiết này làm bằng xương, bằng sừng. Nếu là đàn rẻ tiền thì sẽ làm bằng nhựa. Ở đây chắc chắn sẽ chỉ mua được nhựa. Vại là trong lúc đợi đồ nhựa thay thế, tiếng đàn của mình nghe lại càng giống tiếng bật bông hơn bao giờ hết. Chả sao, bình thường nó cũng đã giống tiếng bật bông lắm rồi.
Nhiều người rất kém trí tuệ. Mình giả vờ không biết, bỏ qua, hoặc nhịn, chỉ bởi vì mình cảm thấy đã đủ may mắn và do vậy không cần phải so đo tính toán với đời, đời có bao gồm cả họ, thì họ lại hân hoan tưởng họ khôn.
Nhân gian có câu giật gấu vá vai. Những kẻ còn nghĩ mình đủ khôn để lỏi với đời, thì sẽ còn phải tiếp tục giật giật vá vá chứ đố mà lên được tầm vóc nào cao hơn.
Nhưng mà chả phải diện thân tình, nên thôi kệ. 

Wednesday, October 2, 2019

Linh tinh


Mặc cái quần mới, ngồi vào xe, nghe thấy tiếng toạch một cái biết ngay sự chẳng lành. Lúc đến nơi trước khi trèo ra khỏi xe đã hỏi ông cẩn thận “Anh xem quần em có bị rách không?”, ông quả quyết không rách. Mấy tiếng sau về nhà thay quần áo mới tá hỏa mình đã lượn khắp nơi với cái quần thủng đít. Mà lúc mình bảo ông nhìn, rõ ràng mình thấy ông đeo kính mình mới nhờ.

Sáng, vừa khoác cái túi lên vai định chạy ra ngân hàng rút tiền về trả lương nhân viên, thì thấy tiếng bước chân ai từng bước từng bước lạch bạch lên cầu thang, mà nghe lại có phần thiểu não. Sững sờ hỏi sao anh lại về nhà giờ này, ông chả nói chả rằng quay lưng cho vợ xem. Vợ ngơ ngác mất mấy giây mới hiểu sự tình. Quần một số người đã toạc một lỗ to đến mức phải từ văn phòng tức tốc quay về nhà thay ngay thì biết rồi đấy. Lỗ thủng to hơn hẳn quần mình, và thủng kiểu này thì chỉ có vứt đi chứ không khâu lại được. Karma hóa ra là có thật các cụ ạ.

Buổi tối, ông ăn quýt trước khi đi đá bóng.  Vỏ quýt bóc ra ông chụp ngay lên đầu vợ đang ngồi gần đấy rồi tự cười rích lên khen “Xinh quá”. Mình đang mải việc gì nên không nhìn, lúc quay ra thấy giường ngổn ngang quýt, chỗ nọ một múi, chỗ kia một múi. Chỉ tay hỏi cái gì kia, ông chống chế “Anh vẫn đang ăn” đoạn nhặt một múi lên bỏ vào mồm nhai tóp tép. Đá bóng có một tý mà tẩm bổ thật lực, rồi sẽ béo trọn kiếp. 

Bận bịu mấy tuần liền, ngẩng lên thấy đã sang tháng 10. Sắp hết năm rồi còn đâu. Sáng đi lượn về rẽ qua chợ nông sản. Đang mải mê lấy rau củ, ngẩng lên nhìn thấy mít tưởng nằm mơ, dụi mắt mấy lần mới dám tin là mít thật. Vui sướng rinh ngay một quả về. Mít gì mà ngửi mãi chả thấy mùi thơm. Định bụng đợi cho bao giờ nó bốc mùi thơm nồng nặc, tức là đã chín, thì mới bổ ra ăn. Nhưng đấu tranh tư tưởng được đến xế chiều thì nhịn hết nổi, chạy xuống bổ luôn. Thơm thì thơm, chả thơm thì thôi, có mà ăn là tốt rồi, thơm hay không thơm nhằm nhò gì. Ai dè bổ quả mít ra, lép kẹp toàn xơ, được vài múi thì trắng bệch nhẽo nhèo lại còn nhạt thếch chả có vị gì ra hồn. Hạt cũng lép kẹp thậm chí chả có luôn. Buồn thiu cho mấy tiếng liền. Kế hoạch ăn mít xong mang cái hạt ra gieo thế là phá sản. Giấc mơ về ngôi nhà có cây mít vại là vẫn chưa thành hiện thực.
Lần cuối cùng mình ăn mít là gần 3 năm trước. Đi chơi ở São Tomé vô tình lượn vào chợ mua được cả mít cả ổi găng. Đưa ổi găng cho thằng con trai cầm, nó hậu đậu y như thằng bố nó, đi vung vẩy được đúng 3 bước thì ổi găng của mình văng ngay xuống một vũng nước bẩn. Bẩn kệ bẩn, về nhà rửa rồi gọt ăn như đúng rồi, vừa ăn vừa bảo thằng con “Con ơi mẹ mà bị giun sán là tại mày nhá” làm thằng bé cứ lo lắng bảo thôi mamma đừng ăn. Đừng là đừng thế nào, ổi găng chứ phải đùa đâu. Bỏ cơm, ăn xong ổi găng thì chuyển sang ăn mít. Ngài và lũ Lê La Na ngửi thấy mùi mít chuồn vội. Mình ngồi ăn một mình. Ăn hết miếng mít người nóng phừng phừng phải lấy quạt ra quạt lấy quạt để.

Mình giờ rất sợ trồng người, số là trồng 3 thằng người ở nhà mình đã muốn sống dở chết dở. Thế nên mình chỉ thích trồng cây. Kế hoạch của mình là mỗi năm cố gắng trồng ít nhất một cái cây.
Các cao thủ ăn mít cho mình hỏi ở VN hiện giống mít nào là ngon nhất, và tìm đâu được mít chín cây để lấy hạt mang sang Ý trồng? Mình ngại trồng từ hạt lắm vì lâu được ăn quả, nhưng riêng vụ bưng cây giống từ VN sang thì mình chả dám mơ nên thôi đành chịu khó trồng từ hạt vậy.