Sunday, February 27, 2011

Bệnh viện

16 tuổi. Tôi gầy gò đen đúa, ngồi thu lu ở một góc hành lang nhìn người ta đẩy mẹ vào phòng gây mê.

Mẹ chìa tay về phía tôi, khóc. Mẹ sợ mẹ không tỉnh lại sau phẫu thuật, 3 đứa con sẽ bơ vơ.

Tôi không nhớ bên mình có những ai. Hình như có một người họ hàng. Nhưng tôi cảm thấy đơn độc.

16 tuổi hồi đó chúng tôi ko hơn những đứa trẻ là mấy. Vẫn ngờ nghệch, mải chơi, giành ăn với bạn. Người lớn bảo tôi rằng mẹ bệnh rất nặng và khả năng qua khỏi rất ít.

Mẹ đã ốm nhiều ngày trước đó, đúng vào thời điểm khó khăn nhất của gia đình tôi. Học xong tôi thường tất tả đạp xe ra chỗ mẹ trông hàng cho mẹ để mẹ đi khám. Có hôm đến muộn, mẹ đứng lên khỏi bàn xổ số, máu đã chảy ướt nửa người bên dưới.

Mẹ yếu đi rất nhanh. Khi nhập viện mẹ đã hầu như không đi nổi.

Đó là những ngày khó khăn. Nằm trong viện, mẹ thậm chí còn chẳng có cả tiền ăn. Tôi ky cóp những đồng tiền được cậu thỉnh thoảng cho để ăn sáng, đưa mẹ. Tôi ko mua sách nữa. 5000đ, 7000đ, 30000đ. Tiền mẹ cũng chẳng dám mua cái gì ăn bồi dưỡng. Mẹ để dành để giúi cho y tá “để họ tiêm mình nhẹ nhẹ một tý con ạ”.

Bác sĩ đã gây mê toàn thân cho mẹ xong. Các y tá đẩy mẹ vào phòng phẫu thuật, đợi bác sĩ phẫu thuật vào.

Tôi nhớ như in cái phút giây ấy, khi ông bác sĩ phẫu thuật xuất hiện. Ông ấy mặc bộ đồ vô trùng màu xanh, bờ vai vững chãi, chân bước khoan thai, điềm tĩnh đút hai tay vào túi áo. Tôi cứ ngây người nhìn ông ấy đi những bước chân điềm tĩnh về phía đầu kia của hành lang đầy nắng, cánh cửa khu phẫu thuật đóng lại sau lưng. Bất chợt tôi thấy lòng mình tin tưởng rằng mọi chuyện cuối cùng sẽ tốt đẹp, không thể khác. Nếu ông ấy đã chạy lúp xúp, đã la lối, đã tất bật cuống quýt, có lẽ tôi đã khóc.

Những lời nói bẳn gắt, phong bì, lót tay, biếu xén, đó là chuyện của người lớn. Tôi là trẻ con. Tôi chỉ nhớ cái dáng vẻ điềm tĩnh tự tin của ông bác sĩ đã làm nỗi hoang mang trong tôi dịu lại. Tôi vẫn thấy mình đơn độc nhưng ko còn hoảng sợ.

Phẫu thuật thành công. Mẹ phải trải qua thời gian dài xạ trị. Tóc mẹ rụng gần hết. Tôi vẫn đi về giữa bệnh viện và trường học, chỉ rẽ qua nhà nấu cơm. Tôi vẫn nhớ có lần mệt mỏi ra về, nhìn thấy có hai thằng bé quần đùi đang leo trèo như khỉ trên hai cánh cổng bệnh viện. Nhìn thấy tôi chúng reo hò chạy xô tới, mặt mũi lem luốc và miệng cười hết cỡ. Hóa ra là hai thằng em. Lần đầu tiên chúng lên thăm mẹ kể từ hồi mẹ ốm. Thế mà nhìn thấy cánh cổng chúng phải trèo lên trước cái đã rồi mới thăm ai thì thăm

Cám ơn mẹ. Mẹ dạy con bài học kiên cường với cuộc sống và trách nhiệm đối với những người thân yêu...

Gần 20 năm đã trôi qua. Đến tận giờ tôi vẫn ko biết chính xác mẹ bị bệnh gì. Tôi ko nhớ cả tên cái bệnh viện tôi đã chầu chực ở đó nhiều ngày. Tôi ko nhớ mặt những bệnh nhân cùng phòng. Tôi ko nhớ mặt ông bác sĩ. Nhưng tôi nhớ như in cảm giác bình yên mà dáng vẻ điềm tĩnh của ông ấy mang lại cho tôi, tôi đã níu lấy hình ảnh đó như người chết đuối vớ được cọc. Tôi ko nhớ mặt ông ấy. Chỉ nhớ tên ông ấy là bác sĩ Duyệt.

PS: 24 tuổi. Điện thoại di động réo giữa cuộc họp “G à, bố mày bị chồng gạch đổ vào đầu, nứt sọ. Mày về đón bố mày lên Hà nội chữa trị”. Tôi đã về ngay chiều hôm ấy. Đưa bố tôi vào viện. Cậu bạn quen một vị bác sĩ ở đó. Ông bác sĩ bước ra, ngỡ ngàng nhìn bố tôi rách rưới quần áo cáu bẩn ngồi khép nép ở một góc, nhìn tôi giày cao gót và chiếc váy thiên thanh bó sát (tôi đã ko có cả thời gian về nhà thay quần áo từ khi nhận được cuộc điện thoại báo tin), thì ko giấu nổi một lời mỉa mai “trông thế kia mà để bố thế kia à”. Tôi nhìn ông ta ko chớp mắt, im lặng. Nếu nói tôi chỉ thích nói sự thật. Mà sự thật đó có nói thế nào thì cũng làm bố tôi khó xử.
Rất lâu sau tôi mới biết tai nạn vỡ đầu của bố tôi thực ra chẳng phải là “tao đi qua cái giàn giáo, tao đang ngó ngó thì bị viên gạch rơi vào đầu”. Hai ông em trai của ông choảng nhau chuyện đất cát. Ông nhảy vào can. Ông em trai thứ chả nể nang gì phang luôn cái đòn gánh vào đầu anh trai.

Friday, February 25, 2011

25/2/2011

Quen nhau được mấy tháng, chàng mời mình đến dự sinh nhật chàng. Mình ko đến nhưng có gửi đến nhà chàng một đóa hoa mặc dù ko đủ lịch sự để gửi theo tấm thiệp.
Biết chuyện mình ko đến dự sinh nhật chàng, một cô múa lên vui sướng “mấy thằng ngoại giao đó tưởng chúng nó ghê gớm lắm, cái G đã dạy cho chúng nó một bài học”.
Mình buồn cười cô này quá. Cô ấy đang theo sát nút một chàng ngoại giao đồng nghiệp của chàng, tán tỉnh bủa vây mấy tháng rồi mà anh ấy cứ hững hờ. Trước đó thì cô ấy theo một anh ngoại giao khác cũng bạn chàng nhưng được đâu mấy tuần thì anh ấy cũng thôi. Cô ấy tức lắm vì công bằng mà nói cô ấy rất xinh đẹp.
Thế nên thấy mình từ chối lời mời của chàng thì cô ấy cảm thấy hả hê cứ như mấy chàng ngoại giao vừa nhận được một bài học đáng đời, và mình chính là người thay mặt những-người-phụ-nữ-bị-các-chàng-ngoại-giao-phụ-bạc dạy cho các chàng ấy bài học đó.
Thực ra lý do mình ko đến rất tầm thường. Sinh nhật chàng mời cả trăm người, vắng đi một người thì có sao, mình thì đã hứa đi lượn với con bạn thân (mặc dù mình và con này ngày nào chả lượn cùng nhau). Chứ mình hoàn toàn ko định dạy cho các chàng đó một bài học như cô ấy cố suy diễn. Lúc đó mà sau này cũng thế, mình toàn bị hiểu nhầm kiểu này. Tức là động cơ của mình thì rất bình thường, thậm chí tầm thường, mà mọi người lại cứ gán cho nó những cái tên rất kêu. Thanh mình “ko động cơ của mình tầm thường lắm” thì lại bị nghe “cậu lại khiêm tốn rồi”.
Tuy nhiên sau vụ mời mà ko đến đó thì chàng quả là có hơi giận giận. Vì bình thường ngày nào chả nhắn tin gọi điện năn nỉ xin gặp, thế mà sau vụ đó thì tít đâu mất mấy ngày liền. Giận cứ việc giận, hết giận lại thấy tò tò đến gặp như ko có chuyện gì xảy ra.
9 năm, chàng đã quen cái tính thờ ơ với mọi sự của vợ. Sinh nhật chàng mình ko nhớ, tóm lại ko phải là ko nhớ mà là vì ko biết hôm nao ngày nào tháng gì năm thứ mấy. Buổi sáng đang ba chân bốn cẳng chuẩn bị đến phòng tập thì chàng gọi giật lại “ít nhất em cũng phải chúc mừng sinh nhật anh chứ”. Vợ mồm leo lẻo “ôi, chúc mừng sinh nhật anh yêu, em tệ quá quên cả sinh nhật anh. Ôi thế thôi em ko đi tập nữa ở nhà chuẩn bị bữa sáng cho anh nhé”, và chỉ đợi chồng bảo “ko, em cứ đi tập đi” là ba chân bốn cẳng tót đi luôn chả khách khí giề.
Tối chồng đi đá bóng, sau đó lại xin tiền vợ đi ăn tối với bạn. Vợ ở nhà hùng hục chat chit với con bạn thân lâu ngày ko gặp. Nửa đêm chồng về trả lại vợ tiền “bạn anh nó trả tiền bữa tối” và kể chàng gặp ở nhà hàng chàng diễn viên Paolo mà có hồi mình đã gặp ở NYC. Tiếc đứt ruột.
Chàng diễn viên đó khá đẹp trai, đặc biệt rất nam tính. Trong một buổi tiếp tân ở NYC, mình đi đón con nên đến muộn. Bước vào phòng tiệc, mặc một chiếc váy hoa mùa hè, mặt mũi ko tút tát, đã bắt gặp ánh mắt anh ấy. Xanh biếc, dịu dàng, mình đi góc nào anh ấy nhìn theo góc đó, ngay cả khi đang trả lời phỏng vấn. Cuối cùng, anh ấy bỏ đám nhà báo và người hâm mộ tiến đến chỗ mình làm quen, và thất vọng ra mặt khi được giới thiệu mình là phu nhân của phó tổng lãnh sự. Mình vẫn nhớ anh ấy đặt bàn tay rất nhẹ nhàng lên vai mình, nghiêng đầu xuống gần mình để chụp ảnh. Bàn tay dày, nặng và rất ấm.
Than thở với chồng “biết thế lúc anh rủ đi ăn tối cùng bạn em đi cùng luôn cho xong”. Chồng lại nói một câu hòa cả làng “I told you I told you”.
Có chồng thì cũng lợi, nhưng mà thiệt nhất là gặp bao anh hay ho, hứa hẹn những romances tuyệt vời, mà vẫn cứ phải đoan trang lắc đầu từ chối .

Tuesday, February 22, 2011

Phải làm sao (hết)

Trong đống thứ chàng tức tốc mua để trang bị cho garage đó thì có một hệ thống đà để nâng ô tô lên không trung đặng chàng còn chui xuống dưới sửa. Lại có một hệ thống nữa, nhỏ hơn, để nâng xe máy lên cao để chàng khi sửa xe máy thì ko phải cúi lom khom mỏi lưng. Mình băn khoăn “nhưng anh phức tạp thế làm gì, cả chục năm nay em toàn thấy anh lấy tăm bông lau xe, mà anh gọi là phục chế xe cổ, ngoài ra thì toàn làm hỏng chứ có sửa được cái gì đâu mà trang bị kỹ thế”. Chàng tức tối “em cứ cái giọng châm chọc đấy thì lần sau anh ko cho em đến garage của anh nữa”.

Hai tuần trước chàng lại nịnh nọt “em cho anh mua cái xe Porsche này nhé. Màu vàng chanh này anh chưa có. Giá hời lắm”: Mình lắc đầu. Chàng năn nỉ “anh chỉ mua chạy một thời gian rồi anh lại bán lại, thể nào cũng lãi. Em cho anh mua nhé. Em xem này, đẹp lắm, em xem đi”. Vừa nói vừa hăng hái mở ảnh ra cho vợ xem mà vợ nhất định ngoảnh đi ko xem.

Chàng mà chịu bán đi thì mình có mà đi đầu xuống đất. Đồng ý cho chàng mua, cái xe vào tay chàng rồi chàng giữ có mà hơn đười ươi giữ ống. Mình bị mấy vụ rồi. Mỗi lần bắt chàng bán xe đi mặt chàng đau khổ như sắp khóc đến nơi.

Trở lại việc chàng bảo mình châm chọc chàng, mình thề là mình ko châm chọc tí nào. Mang tiếng phục chế xe cổ mà ông xách kè kè lọ kem Nivea và một hộp tăm bông. Nivea để ông bôi bôi trát trát lên ghế da. Tăm bông để ông chui vào xe hí hoáy tỉ mẩn lau từng ngõ ngách cho sạch. Cái gì hỏng vẫn hoàn hỏng, méo vẫn hoàn méo, thủng vẫn hoàn thủng, ghẻ lở vẫn hoàn ghẻ lở. Thế mà cứ gọi là phục chế thì ko hiểu là phục chế ở chỗ nào. Có lần đang mải mê phục chế như thế thì con chim bồ câu bay ngang qua ỉa bẹt lên kính cho một bãi to gần bằng lòng bàn tay. Khỏi phải nói có người nhảy thách lên thế nào.

Chưa kể chàng còn phá gia chi tử. Mấy tháng trước chàng quên khóa xe, kẻ trộm chui vào phá nát nội thất xe và đánh cắp một số đồ. Chàng đau khổ bảo vợ “nhìn cái xe bị tàn phá… ôi, I don’t want to talk about it”. Chàng thương con xe đứt ruột còn vợ thì đứt ruột khi nghĩ đến khoản tiền chàng sẽ ko ngần ngại chi ra để phục chế lại.

Cách đây mấy tuần chàng loay hoay bẻ gương hậu lên xuống thế nào làm nứt kính xe. Mang xe đến thợ, thợ đã bảo cứ dùng tiếp, ko sao. Thế mà chàng vẫn mua tấm kính mới mất hơn 700e. Gọi điện tới lui rối rít coordinate vận chuyển, thái độ thì bận rộn mặt mũi thì quan trọng.

Còn hôm kia chàng đang lái xe tải thuê chở mấy con xe cưng đến garage thì va phải xe bus. Thiệt hại xe bus thì có bảo hiểm đền. Thiệt hại con xe tải thuê thì chàng phải móc túi đền. Chàng bị bọn cho thuê xe bắt đền gần 1000e mặt ngắn tũn.

Rồi ngoài việc trả tiền mua mấy cái đà nâng xe, chàng còn phải trả tiền thuê người đến lắp. Người nhận tiền nhưng ko chịu tự đến mà chàng phải lấy xe đến rước, xong việc thì lại đưa về, rất VIP. Thế mà vợ nhờ việc gì cũng kêu bận quá bận quá. Thậm chí nhiều khi mình ngờ là chàng còn kêu đón đầu trước để mình sợ ko dám nhờ nữa.

Rồi trong khi chạy loanh quanh quắn đít lên vì xe với cộ thì chàng đã làm mất cả hai thẻ debit của cả hai vợ chồng vừa được ngân hàng phát cho, mới nguyên vẫn còn dính vào tờ giấy có ghi mã số mở thẻ. Mất sau 3 ngày mới biết. Gọi điện nhờ ngân hàng khóa thẻ, ngân hàng bắt phải đi trình báo cảnh sát và mang giấy cảnh sát về thì mới cấp cho thẻ mới. Hỏi “thế có thấy khoản nào bị rút trong 3 ngày gần đây ko?”; trả lời “mới rút thì ko biết, đợi một thời gian mới biết”.

Chắc chàng thấy thời gian gần đây chàng hãm quá hay sao mà chàng hỏi “em có yêu anh ko?”, mình bảo “có, anh yêu ạ, phiền thế đấy. Chứ em mà ko yêu anh em đá anh bay qua cửa sổ từ lâu rồi”. Chàng im thít.

Monday, February 21, 2011

Phải làm sao? (1)

Hòa cùng không khí Đả đảo chồng trên Multiply

Đàn ông thằng nào cũng cứ phải nghiện một cái gì đó đúng không các bạn?

Không biết chồng các bạn nghiện gì chứ chồng mình nghiện Porsche các bạn ạ. Sau gần chục năm thì mình cũng rút ra kết luận cay đắng là nghiện cái gì cũng tai hại như nhau chứ đừng thấy cứ thoát tứ đổ tường là mừng.

Tuscany mùa hè, trời nóng như đổ lửa. Chồng rủ vợ đi lượn bằng Porsche. Nể chồng hăm hở quá mình đành đồng ý. Nắng tháng 7 cháy da giữa đồng không mông quạnh, thế mà Porsche của chồng ko tắt được máy sưởi bên của vợ. Cứ đi được 15 phút vợ lại phải bảo chồng dừng xe vợ mở cửa ra ngoài đứng một lúc cho nguội bớt rồi mới vào lại trong xe được. Thế mà chồng còn cứ lảm nhảm “life is good em nhỉ”. Chưa kể mỗi lần chồng tăng tốc một cái là nắp cái glove box nó lại mở ra nằm chễm chệ trên đùi mình. Đóng vào rồi, một lúc sau xe tăng tốc nó lại mở ra. Chả có cách nào làm nó đừng mở ra nữa cả.

Nửa đêm nhà mình vẫn vang lên tiếng đục đẽo cành cạch, là ngài đang xem trên trang web porsche cách người ta sửa những vết lõm trên thân xe. Chắc định áp dụng tương tự với mấy cái xe cà tàng.

Hiện giường ngủ của mình ở dưới gầm có một cái hộp rất to, to và dài đúng bằng một nửa cái giường. Phụ kiện Porsche của ông mới mua “em cho anh để nhờ vài hôm ở đây, chứ để ở ngoài bọn trẻ con nhảy lên hỏng mất của anh”. Phòng ngủ của mình có cái hộp chình ình đấy trông như cái phòng trọ tạm, nhìn rất ngứa mắt.

Nhưng mình đồng ý cho ông để vì còn may là ông chỉ để dưới gầm giường chứ ko để lên giường. Bao lần rồi, phụ kiện xe mua về ông để nâng niu trân trọng lên giữa giường vì để đấy mới êm ái, chứ “để xuống đất thì hỏng mất của anh”.

Mình tưởng là mình khổ vì thói ham xe thể thao của chồng mình lắm rồi. Thế mà tối hôm nọ đi ăn cùng cặp vợ chồng thằng bạn Porsche của chàng thì mình mới thấy có lẽ đời mình vẫn khá. Thằng bạn chàng làm nghề chỉ huy dàn nhạc nhưng mê Porsche và Mercedes. Nó có cái gọi là “the absolute ear” tức là đôi tai có khả năng thẩm âm tuyệt hảo. Ngay cả Ferrari cũng có lần mời nó hợp tác để đưa âm thanh động cơ xe Ferrari lên khuông nhạc. Nó hơn 4 sập mà như trẻ con. Nói chuyện về Porsche và các loại xe thể thao khác mắt cứ sáng lên như đèn pha. Hỏi chuyện gì về xe nó cũng biết, xe có vấn đề gì nó cũng biết làu làu phải sửa thế nào. Nhưng đặc biệt chỉ biết lý thuyết suông thế thôi vì ngón tay nó ko thể vừa chơi đàn, vừa chỉ huy dàn nhạc vừa kìm búa sửa xe được. Nó theo dõi tất cả những chiếc xe trên mạng mà nó yêu thích, gọi chúng là my children. Chiếc xe đó giờ ở đâu, số phận ra sao, chuyển từ tay ai sang tay ai, chủ mới làm nghề gì, chủ cũ tại sao lại bán, bán với giá bao nhiêu, thế là đắt hay rẻ, là nó biết hết. Vợ nó bảo thế chưa hết, mấy tuần nay nó còn đang học phát âm các màu xe Porsche bằng tiếng Đức. Nó thể hiện bằng cách gầm gừ mấy từ tiếng Đức với mình mà mình chạy mất dép. Hóa ra đời mình vẫn khá?

Phải làm sao? (2)

Một năm trước, khi chuyển vào căn hộ mới, mình bảo chàng là mình cho chàng hẳn cái kho dưới tầng hầm, với điều kiện chàng phải để tất cả những của cải linh tinh bà rằn của chàng vào đấy, ko được bày bừa ra nhà. Chàng nghe thế thì sướng rơn nói đi nói lại “em cho anh nhé, em chắc nhé, anh hứa anh hứa”.

Cái kho đấy tuy chỉ hơn 6m2 nhưng khá cao, giá sắt xếp từ sàn lên tận trần, có thể để được khá nhiều thứ. Suốt hơn 1 năm, tạp chí xe thể thao, đồ chơi (của chàng chứ ko phải của bọn trẻ con), phụ kiện ô tô chàng rình rập mua trên Ebay chờ có dịp là lắp lên mấy cái xe cà tàng, chổi cùn giẻ rách vợ bắt vứt đi nhưng chàng tiếc rẻ, và ti tỉ thứ linh tinh khác bị chàng nhét hết vào đó. Cái kho đầy ặc, ko thể mở cửa bước vào được mà phải hé cửa ngó nửa thân trước vào, nửa thân sau đành ngậm ngùi ở ngoài vì ko có chỗ để chân. Cái kho đâm ra thành vô dụng, cái gì đã cho vào đấy rồi thì có giời cũng ko lấy ra được. Mình gọi cái kho đó là “lỗ đen vũ trụ”.

Mấy tuần nay chàng bận rộn lắm. Chẳng là sau mấy tháng nài nỉ chàng vừa được vợ đồng ý cho mua một cái garage cách nhà 6 cây số. Mua được một cái là chàng tức tốc gọi kiến trúc sư đến thiết kế, gọi thợ đến sửa sang lại hoàn toàn. Garage của chàng có nhà vệ sinh để chàng sửa xe lâu mót tè thì chạy vào đó. Lại có cả shower box để chàng sửa xe xong nhom nhem bẩn thỉu thì nhảy vào đó. Có cả hai chậu rửa, một để rửa tay một để đề phòng đang sửa xe thì chàng đói chàng nấu cái gì ăn tạm. Lại có cả một khu để rửa xe hoành tráng mà chàng hứa là “để anh rửa xe cho em”. Chưa kể hệ thống giá lừng lững từ sàn lên tận trần, mỗi ô to bằng cả một cái giường một tha hồ cho chàng để đồ. Mình bảo chàng “tốt quá, anh mua thêm cả cái giường nữa anh ngủ ở đây luôn đi”. Giữa thành phố mà mua một cái garage rộng 150m2, để tàng trữ 5 ô tô, 3 xe máy

Tệ hơn cả là chàng sục sạo ráo riết trên Ebay mua đủ thứ linh tinh bà rằn vì “anh mua nhưng mang xuống garage ngay chứ có để ở nhà đâu mà em ko đồng ý”. Chỉ sau vài hôm việc chàng làm phát huy tác dụng tức thì. Đồ Ebay kìn kìn chở đến nhà, toàn đồ cho không còn không đắt. Hàng ngày mình phải mở cửa xoành xoạch cho các anh bưu tá, nhận đồ và KÝ NHẬN. Đang ăn bưu tá gọi cửa. Đang ngủ bưu tá gọi cửa. Đang cho con bú bưu tá gọi cửa. Thậm chí là vừa ngồi xuống toilet một cái bưu tá cũng gọi cửa. Một sáng thứ 7 chàng ở nhà, chàng đang trong toilet thì bưu tá gọi cửa. Mình đang cho Anna bú nên bà N mở cửa. Bưu tá hỏi “bố đâu” chú Bình Nguyên đứng gần đó nhanh nhẹn đỡ lời bà N ko biết tiếng “bố cháu đang ỉa”. Chàng hấp tấp chạy ra nhận đồ còn bị bưu tá tếu táo hỏi “ông rửa tay chưa”.

Saturday, February 19, 2011

Tuyển tập Bình Nguyên (phần 76)

 
Sau khi mục kích chú Bình Nguyên đi đâm vào cái cột điện thứ 3 liên tiếp trên đường can tội cứ vừa đi vừa ngoảnh lại đằng sau nói chuyện, thì con bạn mình buộc phải tin mình là con mình hậu đậu vụng về hơn người thường. Có con hậu đậu rất khổ. Ra ngoài đường tự đâm vào đâu đó bươu đầu sứt trán đã đành, mà chúng nó còn đâm vào nhau hoặc va cả vào mình. Ví dụ, em chạy đằng trước, anh chạy đằng sau. Em dừng lại bất thình lình, anh thì vì vừa chạy vừa nhìn đi đâu, đâm hự vào em một cái, em ngã chúi ra đằng trước, anh ngã ngửa ra đằng sau. Hoặc mẹ đang đi đằng trước, ko biết con chạy sát ngay sau. Mẹ dừng lại một cái bị con đâm ngay vào đít. Mồm con lúc nào chả ăn chóp chép thôi thế là chùi luôn vào mông mẹ.
Đi họp cuối kỳ cho con cô giáo hồ hởi báo cáo thành tích cuối cùng lại phải chêm vào một câu “his motor skill is getting mature”. Mình nghe ngậm ngùi quá định bảo “chắc ko bao giờ mature đâu cô ạ, bố nó đến giờ chân đi vẫn ngã tay cầm gì cũng vẫn rơi thì chắc nó cũng thế thôi”, nhưng nghĩ thế nào lại thôi, chỉ gật gù giả vờ vui mừng.
Chú Bình Nguyên càng ngày càng giống bố chú trăm phần trăm. Mẹ nấu món gì lên chú cũng ngó rồi dài mỏ chê “Lê ko thích ăn cái này, tại sao mamma lại cho cái này vào”. Chê thế thôi chứ chả còn mẩu nào bỏ thừa. Bố chú cũng thế “em nấu sốt này với anchovy anh ko thích, mùi kinh quá”. Mình mải cho Lê La ăn khoảng 15 phút, quay ra thì ôi thôi, chảo mỳ sạch bách, chả còn cho mình lấy một miếng. Một lần khác “sao em lại cho hành, anh ko ăn hành”, thế mà cũng chỉ quay đi quay lại là hết sạch mình chả còn gì ăn. Mấy lần như thế thì mình chịu hết nổi “anh yêu, anh có thể hoặc là chê và ko ăn, hoặc là ăn và ko chê, có được ko, em nhịn đói mấy lần rồi”, thì bố chú mới tủm tỉm xin lỗi.
Có lần mình mua porchetta làm sẵn. Mua thì phải ăn cho hết. Dọn porchetta lên đến lần thứ 2 thì ông con ngó vào, gọi giật mẹ lại “scusa eh, mamma (tức là excuse me, mamma), mamma suốt ngày chỉ cho Lê ăn mỗi một thứ”. Thịt ko mềm ko nạc ko ăn, rau nấu chín ko ăn, đồ ăn có nước ko ăn, đồ ăn nấu khác kiểu là ngúng nguẩy.
Ngồi vào xe mẹ thì tru tréo “xe của mamma bẩn quá”, mẹ tức tối “xin lỗi Lê nhá, xe bẩn là do Lê ăn bánh Lê làm rơi vụn bánh ra chứ ai”. Chàng cũng dài mỏ chê xe mình bẩn trong khi hôm trước mượn xe mình thì hôm sau mình tìm thấy lõi một quả táo chàng gặm nham nhở như chuột gặm xong vứt luôn trong xe.
Tương tự, quần áo có vết bẩn nhỏ đến mấy ông con cũng ko mặc, tất rách một lỗ bé tí cũng ko đi. Kỹ tính thế nhưng về nhà một cái là áo khoác cởi ra thả ngay tại cửa ra vào ai muốn nhặt hộ thì nhặt. Mẹ bảo bố “nó rất giống anh anh ạ, lúc nào cũng chỉ biết yêu cầu người khác giữ high standard cho mình, còn bản thân mình thì thậm chí còn ko chịu động đậy ngón tay”. Bố chú ngồi im.
Rồi còn chuyện “Lê ko làm được”, “Lê ko tìm thấy”, cứ nheo nhéo suốt ngày. Hỏi mẹ nhiều quá sợ mẹ cáu thì đứng giữa nhà hỏi đổng “có ai biết quả bóng của Lê ở đâu ko”, “có ai biết ô tô của Lê đâu ko, Lê vừa cầm trong tay cơ mà”.
Giống bố quá bố cũng lãnh đủ. Mẹ bảo bố cho con đi ngủ. Bố bảo Đợi anh đi toilet (mình cứ nhờ việc gì là Ngài một phải đi toilet gấp hai phải gọi điện thoại gấp ba phải trả lời điện thoại gấp, như thành phản xạ có điều kiện). Bố toilet xong đi ra thì đến lượt con “papa đợi Lê Lê đi pu pu”. Ị xong ra thấy bố đang đọc sách đợi con thì con cũng lại lôi sách ra đọc đợi bố. Quá giờ đi ngủ cả tiếng hai bố con vẫn đợi qua đợi lại, bố ngáp sái quai hàm.

Lila một trong những lần nghịch đến kiệt sức, nửa đêm mẹ bế đi tè mà vừa ngồi vừa tè vừa ngủ, ko ngã.

Saturday, February 12, 2011

Mẹ yêu em quá thì làm thế nào

 
Bé út ít của mẹ sắp mọc răng rồi. Bé nhổ phì phì từ sáng sớm tới nửa đêm. Đêm ngủ bé cũng nhổ phì phì. Nếu mà đeo một cái phễu dưới cằm bé thì một ngày đêm có khi phải hứng được hơn lít nước dãi chứ chả chơi. Đeo yếm dãi vào thì bé giật ra. Thế là để ngực con ko ướt một ngày mẹ phải thay ko biết bao lần quần áo. Bé nhổ một mình ko đủ, bé nhổ cả vào mặt anh chị, làm cho thằng Lê thì chạy mất dép mồm kêu “kinh quá” còn Lila thì ngớ ra một lúc rồi mới mách mẹ “mamma, em bé nó làm như thế vào mặt La”. Tại Lila chưa biết từ “nhổ”. Khách đến ghé vào nói chuyện cũng bị bé nhổ vào mặt làm khách phải ý tứ quay đi lau mặt. Có khách đến thấy bé thích quá sà vào nói chuyện ra vẻ rất yêu trẻ con, thế là bé làm ngay cho một tràng phạch phạch phạch phạch khách khựng lại mất mấy giây rồi mới tiếp tục nói chuyện được với bé tiếp.
Mẹ chỉ ko hiểu tại sao khi cả nhà đang ở trên giường, papa hát ông ổng (toàn hát sai nhạc sai cả lời), Lê La nhảy thình thịch hò hét, giường cứ rung lên bần bật, mà bé của mẹ cứ nhắm nghiền mắt ngủ khò khò. Thế mà mẹ xót giấc ngủ của bé mẹ lôi 3 bợm kia ra phòng khách để lại phòng ngủ yên tĩnh cho bé ngủ, thì chỉ 3 phút sau là bé choàng dậy khóc gọi liền.
Khi nào bé lên cơn khóc thì bé phải khóc hết bài mới dừng. Mẹ đưa chai sữa vào vẫn đẩy ra khóc, khóc một lúc tự nhiên nín bặt, quơ chai sữa vào miệng mút chùn chụt mặt tỉnh queo như chưa khóc bao giờ. Thế ko đúng là phải khóc hết bài mới dừng thì là gì.
Bé có tật ko bao giờ ăn hết một lần mà cứ phải ăn vài lần, đủng đỉnh, nhá nhá cái tí cho đỡ ngứa răng, cười tít mắt cho sữa chảy thành dòng xuống một bên mép hoặc gừ gừ cho sữa bắn ra tung tóe. Sốt ruột ép bé ăn cho xong đi chứ gì, bé nôn cho thành vòi từ cổ xuống tận rốn cả mẹ lẫn con, cho đi thay quần áo giặt giũ là lượt mệt nghỉ, xong rồi lại cho bé ăn lại từ đầu. Vài lần thế là mẹ sợ chả dám giục giã bé nữa. Làm mẹ sợ dễ thôi chứ có gì đâu bé nhỉ.
Bé của mẹ “mộng năng” rồi. Đầu bé đít to, lật mãi mà ko được. Như con nhà người ta thì lật mông qua trước rồi lật đầu lên sau, bé thì ngược lại, đầu lật sang rồi mà cái mông nó cứ ì ra làm hai cái chân toàn ngấn cứ chới với, kêu la ầm ĩ.
Bé có cái má phính đến mức lúc bé khóc nước mắt vướng lại ko chảy xuống dưới được, cứ đọng thành hai vũng ngay phía dưới mắt. Má bé tỷ lệ nghịch với mắt bé, tức là má càng to thì mắt càng bé. Bây giờ bé có đôi mắt bé tí, tít lừ, đuôi mắt mẹ đo dài tới 1cm. Lúc bé cười mắt tít, mặt phính, tóc chỏm, mẹ thấy bé giống Ma Bư quá đi thôi. Không biết Ma Bư có thơm như bé của mẹ ko.
Bé thường cười như nắc nẻ mỗi lần mẹ ôm ghì bé hôn hít mồm lảm nhảm tối nghĩa "mẹ yêu em quá thì làm thế nào”.

Valli

Ngành công nghiệp vải vóc của Ý rất thịnh trước khi bị hàng Nhật, hàng Ấn, nhất là hàng tàu bóp nghẹt. Thủ phủ lụa của Ý là ở Como. Bạn mình ở đó bảo bây giờ ngay cả Como cũng toàn bán lụa tàu. Tương tự, các shop vải ở Rome bây giờ cũng toàn bán hàng tàu là chủ yếu, hàng Ý chỉ xen kẽ. Công nhận bọn Tàu giỏi thật, cái gì nó cũng liếm vào được. Liếm sang cả các mỏ khoáng sản ở châu Phi, giờ liếm cả vào thương hiệu Made in Italy. Mình bảo chàng “ngay cả thương hiệu đó nước Ý cũng để mất thì nước Ý đã đến hồi mạt rồi anh ạ”. Chàng ủng hộ tự do thương mại một cách tuyệt đối. Vợ ủng hộ bảo hộ ở mức tương đối. Thế nên cứ nói chuyện thương mại với lại kinh tế với nhau là chỉ có cãi nhau chả ai chịu ai.

Thế nên nếu các bạn thấy một sản phẩm ghi Made in Italy nhưng giá vừa vừa thì chắc chắn sản phẩm đó được made in Italy nhưng by Chinese workers.

Valli là một hiệu vải lâu năm ở Rome và là hiệu vải duy nhất chỉ bán toàn chất liệu made in Italy. Tất nhiên là giá siêu đắt. Ở Valli ta có thể tìm thấy những súc vải mà các hãng danh tiếng dùng làm chất liệu cho bộ thiết kế mới nhất. Đầy đủ các tên tuổi thời trang đỉnh nhất, Valentino, Chanel, Loro Piana, Roberto Cavalli, Ungaro vv. Mình thích nhất Loro Piana, dùng chất liệu lụa và cashmere của hãng này thì tuyệt vời. Sờ tay vào cashmere của Loro Piana thấy mát rượi và mềm mượt rất khó tả, khác hẳn các hãng khác.

Không phải thợ may nào cũng có thể thao tác trên những chất liệu đắt tiền đó. Thợ may ở Rome thì có nhiều, cứ đi 3 bước lại gặp một hàng, nhưng chủ yếu chỉ làm những việc vớ vẩn như lên gấu xuống gấu, thay khóa, mạng lỗ thủng. Thợ may may kiểu thì ít. Mà thợ may may được những mẫu khó đúng như catalogue mới ra của các hãng danh tiếng thì còn ít hơn. Cửa hàng Valli có thợ đã cộng tác với họ cả mấy chục năm nay, tay nghề rất giỏi nhưng tiền công nghe mà lè lưỡi.

Cụ thể, may một chiếc váy xuông ngắn đến đầu gối, ko tay, ko cổ, tiền công giá 500e. Thêm tiền vải khoảng hơn 100e/m, để may một cái váy như thế cần 2m. Đấy là vải rẻ mới có giá tiền thế, chứ còn nếu muốn đắt hơn thì 300, 400e một mét. Thêm tiền vải lót khoảng gần 70e/m, cũng cần 2m lót. Chưa kể cúc, riềm, nếu mà muốn có là tính tiền riêng. Tiền công 500e chỉ là cho chiếc váy xuông, trơn hoàn toàn, chứ nếu thêm chi tiết hoặc uốn lượn cầu kỳ thì sẽ có giá khác. Những bộ khó như suit kiểu, váy dạ hội, áo khoác, thì tất nhiên giá cũng rất khác.

Nhưng phải công nhận đường cắt đường may thì ko thể chê vào đâu được. Mình là người rất kiệm lời khen mà còn cảm thấy buộc phải nói Tôi rất hài lòng.

Nhân tiện nói về vụ mặc váy nhái của Tăng Thanh Hà mà có hồi báo chí rầm rĩ, mình hơi băn khoăn ko hiểu gọi là nhái thì có quá ko. Thực ra như ở bên này, việc mình chọn được đúng loại vải như vậy, đi may đúng kiểu mình thích để cho mình mặc là hoàn toàn bình thường. Các hãng danh tiếng bán vải của họ, bán cả catalogue kiểu của họ, ai tìm được thợ giỏi thì cứ việc may.

Chứ còn nếu nhà thiết kế nhái kiểu rồi bán cho cô Tăng sản phẩm đề tên mình thì đúng là nhái thật rồi, ko tính.

Thursday, February 10, 2011

10/2/2011

 
Năm vừa qua mình làm được hai việc lớn: sản xuất ra Anna và mua được nhà ở Hà nội.
Sản xuất Anna, tức là nghén vật vã gần 5 tháng đầu, vác cái bụng to lặc lè hầu như đi ko nổi những tháng cuối, chân đau đến mức ngồi vào xe phải lấy tay nhấc chân lên cho vào, chứ để tự chân thì chân ko thể nhấc được.Còn chưa kể ko nhớ hết những lần lấy máu mà một đứa yếu tim như mình cứ phát hoảng loạn lên, khóc hu hu nước mắt lẫn mascara đen xì chảy nhem nhuốc hết mặt. Thế nên cứ khóc một tý lại phải chạy vào nhà vệ sinh lau mặt, xong ra lại khóc tiếp, rồi lại chạy vào nhà vệ sinh tiếp. Ở đời muốn mọi việc ngon lành thì cứ phải organised, khóc cũng phải organised như thế, chứ khóc một hồi xong lon ton ra đường mặt lại như gấu trúc thì hỏng bét.
Mua được nhà ở Hà nội sau nhiều tháng xì trét nghiên cứu lục lọi các trang web bất động sản, email cho môi giới, gọi điện qua lại mỏi mồm, và giải quyết hết trục trặc này đến trục trặc khác. Đi xa lâu rồi, đúng là ko biết gì về tình hình giá cả ở nhà. Đầu tiên tưởng 2 tỷ là đủ rồi, hóa ra 2 tỷ thì chả mua được gì. 2 tỷ ko đủ thì 4 tỷ vậy, vẫn còn lâu mới đủ. Tóm lại, giá nhà đất Hà nội nó cũng giống như giá rau giá thịt ngoài chợ. Cứ nghe phong phanh ở đâu sốt là người nào người nấy tự động tăng giá tóe loe, chả có quy luật logic gì cả. Tóm lại, mua một căn hộ xinh xinh trên tòa Skycity chỗ Láng Hạ. Mang tiếng là căn hộ cao cấp nhưng “cao cấp” ở VN thì cứ phải cẩn thận. Có khi chỉ một thời gian nữa là nứt, nghiêng, sụt, lún. Đành gác ước mơ “một biệt thự hai tầng xinh xinh màu trắng có giàn hoa giấy đỏ” lại vậy. Thực ra ko muốn nữa, vì biệt thự hai tầng xinh xinh màu trắng mà lại ko có nước, ko có điện, hoặc một hàng phở mở ngay cổng, hoặc nhà bên mở nhạc não tình chát chúa, thì quá tội.
Hè này là đã ở Rome được 2 năm. Lại nhấp nhổm muốn đi rồi. Nếu đi thì tháng 6 này lại đóng gói đồ đạc và đến đầu tháng 8 là cả gia đình lại lục tục di chuyển. Di chuyển nhiều thì vất vả nhưng đi quen rồi, ở lâu một chỗ ko chịu được. Khả năng lớn nhất là hè 2012 mới đi vì đã đóng tiền học của Lê La năm sau ở trường Anh rồi, trừ khi có posting nào đó thích đến nỗi phải xin đi ngay.
Từ hôm bà N về VN hai vợ chồng đi chơi quần quật vì chàng được nghỉ phép. Cứ tối thì chàng ngồi search chỗ đi, sáng hôm sau đưa Lê La đi học xong thì hai vợ chồng tha lôi Anna đi khắp nơi, đi đến tận giờ đón Lê La mới về. Bận bịu một tí từ 7h sáng đến gần 9h sáng cho con ăn, cho con đi học và dọn dẹp nhà cửa, rồi từ 6h tối đến 8h tối tắm rửa cho con, nấu ăn và cho con ăn, thế thôi. Lau chùi nhà cửa và là quần áo thì đã có người đến làm tuần 3 buổi. Thế mà bà Nuôi cứ than làm việc vất vả là vất vả ở chỗ nào chẳng hiểu, chưa kể mình đã nấu ăn cho cả phần của bà N nữa rồi. Mình mà dám nói thẳng là cô chậm quá có mấy việc lặt vặt mà làm mãi ko xong thì thể nào bà N cũng tự ái nói linh tinh này nọ.
Chỉ vì Ngài cứ muốn phải có giúp việc ở trong nhà để còn thỏa sức đi chơi mà mình cứ phải cố nhịn. Dù sao để con ở nhà cho bà N thì cũng yên tâm là bà ấy ko đánh mắng hoặc dùng những từ ngữ mình ko thích đối với con mình.

Sunday, February 6, 2011

Một người (hết)

 
Một buổi sáng, thầy giáo thể dục ra đánh trống trường. Không thấy ông Ba đánh trống và hò hét bọn học sinh như thường lệ. Ông Ba bảo vệ đã mất đêm hôm trước.
Mình đã biết ơn ông Ba bảo vệ đến nỗi sau khi ông ấy mất mình rất hay đến chơi với bà Ba. Căn phòng, vốn là lớp học bỏ không, đen xì bồ hóng, có một cái giường một ọp ẹp, một cái chạn đen đen để ở góc, cái móc áo, và một bếp lửa giữa phòng lúc nào cũng sôi lục bục một siêu nước. Căn phòng ko bao giờ khóa cửa. Ông Ba mất rồi bà Ba lại ra đánh trống trường.
Những buổi sáng mùa đông, gió lạnh, mặt đất khô trắng, nghỉ giữa giờ bao giờ mình cũng chạy vào hỏi thăm bà Ba bảo vệ. Bà Ba ngồi co ro nhìn đống lửa, thở dài “Bà khổ lắm cháu ạ. Cháu có thời gian thì vào chơi với bà”. Bà Ba đi vắng thì mình ngồi một mình cạnh đống lửa trông siêu nước. Không hề gì, mình vốn là một đứa trẻ cô độc. Sau này đàn ông cũng bảo mình tính cô độc và khó gần.
Rồi mình ko đến thăm bà Ba nữa, cũng ko nhớ là từ khi nào. Ký ức có những điều nhớ như in từng chi tiết một, mà lại có những khoảng xóa trắng. Mùa hè. Các kỳ thi. Lưu bút. Hoa phượng. Tốt nghiệp. Trường mới. Lớp mới. Bạn mới. Trẻ con thì hay quên
Hơn 20 năm rồi. Những buổi sáng mùa đông, gió lạnh, mặt đất khô trắng, mình hay nhớ đến bà Ba bảo vệ, căn phòng đen xì bồ hóng, bếp lửa, ấm nước đang sôi, những ký ức về một tuổi thơ ko người che chở. Giờ mà còn sống chắc bà Ba đã gần trăm tuổi.

Saturday, February 5, 2011

Một người (2)

Hay đi học sớm thì bác mình sinh nghi. Một lần bác quyết đi kèm mình tới trường để “làm rõ trắng đen”. Bác dắt cái xe đạp, đi như chạy, chẳng nói chẳng rằng. Mình xách cặp lon ton chạy theo, bụng sợ sệt lắm vì biết chắc chắn sẽ lại bị mắng. Tất nhiên thiếu khoản thơ thẩn nhặt hoa đại và rủ bạn thân thì mình đến trường sớm đứt đuôi đi rồi còn gì. Thực tế là mình và bác đến trường lúc 7h kém 15, đen cho mình chả có ma nào. Bác mắng mình sa sả ngay giữa sân trường.
Bác mắng mình to đến nỗi ông bảo vệ nghe thấy. Ông Ba bảo vệ, già móm mém, tiến lại “7h tôi đánh trống, cháu nó đến bây giờ là đúng rồi còn gì, những đứa khác là đến muộn, việc gì chị phải mắng cháu ghê như thế”. Thế thì bác mình mới thôi, hậm hực dắt xe đạp về.

Mình biết ơn ông Ba bảo vệ đến nỗi ko bao giờ bày trò trêu chọc ông như bọn bạn, ngay cả sau lần bị ông quật một gậy vào mông. Hôm đó mình đang trèo cây, con bạn thân trèo bên dưới. Ông Ba tiến đến, tay vung vẩy một cái ba toong. Con bạn thân bạn bè kiểu gì nhảy xuống đất chạy biến. Mình thì đang nằm dán bụng trên cây như con thằn lằn, chịu chết chả kịp tụt xuống, mà nhảy xuống có khi còn què. Thế là bị một gậy quắn đít.

Lại nhớ mấy cái chuyện nghịch ngợm hồi trẻ, một lần mình và một con bạn thân khác đang chơi tha thẩn trong chùa Kim Liên, một bà vãi quét sân soàn soạt đuổi bọn mình đi chỗ khác chơi. Con bạn thân mình cãi cái gì đó mình ko nhớ, chỉ nhớ bà ấy giơ chổi lên dọa, con bạn mình lại còn cố nốt câu nữa “sư gì mà ác thế”. Thế là bà ấy nổi điên vung chổi lên định quật thật. Nó co cẳng chạy mất để lại mình ngồi thu lu, chống cằm rất lờ phờ nhìn bà vãi cắm cảu.

Trở lại chuyện ông Ba bảo vệ. Hai vợ chồng ông Ba bảo vệ không biết như thế nào mà được trường nhận về, từ lúc nào chẳng ai biết, mình lớn lên đã thấy ông Ba bà Ba ở đấy. Hồi đó ko đất chật người đông như bây giờ, trường lớp còn nhiều chỗ trống, vợ chồng ông Ba được trường cho ở nhờ trong căn phòng bỏ không ở một đầu hành lang. Ông Ba làm bảo vệ, bà Ba phục vụ trà nước cho các thầy cô, và quét dọn. Không thấy bóng con cái bao giờ. Bà Ba búi tó, mùa đông nào cũng mặc một cái áo len xanh già ko tay, dài thõng xuống gần đầu gối, quần đen xắn ống thấp ống cao, khóe miệng lúc nào cũng có nước cốt trầu đỏ tươi, tay lúc nào cũng xách siêu nước móp méo đen xì bồ hóng.

Friday, February 4, 2011

Một người (1)

 
Mỗi ngày mùa đông, gió lạnh, mặt đất khô trắng, mình thường nhớ tới một người…
Hồi bé ở với bác. Bác bảo “buổi sáng mày có nhiệm vụ MÈO GÀ BÀ NHÀ, đấy, xong từng đấy việc thì đi học”.
MÈO tức là cho mèo ăn. Thường phải lấy cơm nguội trộn với ít đầu cá kho. Đầu cá thì phải ra hàng cá ngoài chợ xin mang về kho sẵn từ hôm trước.
GÀ tức là cho gà ăn. Lá su hào bắp cải già ra chợ xin từ hôm trước, sáng ra chỉ việc lấy dao phay thái nhỏ miến, rồi ngâm cháy nồi cơm, vò vụn ra, trộn với lá đã thái nhỏ, cho vào mấy cái máng cho đàn gà khoảng chục con.
BÀ tức là đi mua đồ ăn sáng cho bà. Co cẳng chạy ra ngoài phố Khâm Thiên, hàng xôi, hàng cháo sườn, hàng bánh mỳ, nhẵn mặt mình hết.
NHÀ tức là quét nhà quét sân gọn ghẽ. Nhà có hai phòng, cộng một cái bếp, cộng một cái sân sau và một cái sân trước. Phải quét rất sạch vì bác sẽ đi kiểm tra. Bác bỏ guốc cao gót, dẫm qua dẫm lại trên nền nhà, móc tay xuống dưới gầm giường tìm mạng nhện. Bác mà tìm ra bụi, mạng nhện, hay vết bẩn ở đâu đó, thì chết với bác.
Xong việc thì giở nồi cơm ra, còn cơm nguội thì ăn một bát với nước mắm. Hôm nào sang lắm thì được rang cơm. Nhưng rang cơm cũng thi thoảng lắm vì làm gì có nhiều mỡ lợn thế mà ngày nào cũng rang cơm được. Hôm nào không còn cơm nguội thì nhịn đói đi học. Học hết 5 tiết thì đói lắm, tháo khăn đỏ thắt thật chặt vào eo. Không biết có phải vì thế mà eo nhỏ hay ko.
Rồi mặc quần áo đi học.
Muốn xong xuôi từng đấy việc thì lúc nào cũng phải dậy sớm. Hôm nào có bài ở lớp phải học thuộc lòng thì còn phải dậy sớm hơn nữa.
Mình lại thích đi học sớm, để còn tha thẩn chui vào cái sân tượng đài kỷ niệm mẹ bồng con trên phố Khâm Thiên nhặt hoa đại rụng, và đi rủ con bạn thân đi học. Hồi đó phố Khâm Thiên còn tiêu điều vắng vẻ lắm. Hoa đại buổi sáng thơm ngào ngạt. Phố Khâm Thiên nhiều cây bàng. Những buổi sáng mùa thu lạnh lá bàng rơi đỏ như lửa.