Tuesday, December 23, 2014

‘Tis the season to be jolly

Ông con trai đi học về cười há há “mamma có biết bà của Z (Z là cạ cứng của ông) lúc nào gửi tin nhắn cũng kết bằng lol không? Bà Z tưởng lol là lots of love, mamma ạ (đoạn ôm bụng cười ngặt nghẽo, xong quay sang kiểm tra mẹ). "Thế mamma có biết lol là cái gì không thế?”. Mẹ vênh mặt “thôi ông đừng hỏi mẹ cái chuyện muỗi đấy, lol là laughing out loud chứ giề”. Ông im im vẻ hài lòng. Nói thật mấy ngôn ngữ này mình cũng không rành lắm. May quá lol thì mình lại biết, chứ không thì mất điểm với ông con. Mình cũng thú thật luôn là mình cứ tưởng x là hôn. Thế là có lần mình lên cơn teen, soạn tin nhắn xong còn làm hẳn cho 3 chữ xxx, cứ tưởng thế là nhiều nụ hôn. Hóa ra xxx lại thành sex, còn nhiều nụ hôn thì phải là xoxoxo. Khổ thế, may mà tin nhắn gửi cho gái.

Cứ mải mê nhiều việc, đến lúc nhìn quanh thì mới giật mình vì giáng sinh đã đến rất gần. Nhà này, thông giáng sinh bị bọn trẻ con dựng lên từ giữa tháng 11, từ đó đến nay được La và Na trang trí buổi đực buổi cái. Tác phẩm cây thông nghệ thuật của hai cô con gái nói thật là trông như của khỉ. Cách đây mấy tuần mẹ đã bận bỏ bu còn bị đốc thúc đi gửi hai lá thư chữ nghĩa lem nhem cho ông già Noel vì sợ gửi muộn quá  thư không tới kịp cho ông già Noel đi mua quà. Thư gửi rồi nhưng ông con trai có vẻ vẫn chưa yên tâm, bèn viết tiếp một thư follow up chắc để ông già Noel khỏi nhầm nhọt xin quà này lại cho quà kia.

Mấy hôm trước ông bà già Noel đi event tối về, bò ra cười khi đọc được bức thư follow up dựng cẩn thận dưới gốc cây thông của ông con trai. Phần thăm hỏi rất qua quýt chiếu lệ, phần đòi quà lại tỉ mỉ vô cùng, “Ông Santa kính mến, ông có khỏe không? Cám ơn ông đã đi khắp thế giới phát quà cho chúng cháu. Santa ạ, năm nay cháu rất ngoan. Cháu làm hết bài tập cô giao. (Đoạn này chắc cố rặn ra văn) Bà Santa có khỏe không ông? Bà có giúp ông gói quà không? (Đến đoạn này chắc hết chịu nổi nên đi vào chủ đề chính ngay) Cháu muốn nhắc lại những món quà giáng sinh cháu muốn là như sau (đoạn liệt kê ra một danh sách dài ngoẵng đọc muốn hụt hơi)”.

Ông, gần 9 tuổi, chỉ biết đọc sách khủng long và đá bóng, chả nghi ngờ gì về ông già Noel, và vừa lên đai nâu karate. Mẹ ôm ông mẹ bảo “ông ơi, ông tặng mẹ món quà đai nâu karate đẹp nhất rồi, mẹ không cần quà giáng sinh nữa ông ạ”. Ông cười tủm tỉm sung sướng. Cứ đà này có khi mẹ sắp chạm tay vào mơ ước nhất đẳng huyền đai ý ông nhỉ. Mẹ yêu ông khủng khiếp lắm. Chiều nay đi đá bóng về mẹ cho ông đi cắt tóc.

Sáng, vợ tiễn chồng đi làm. Chồng vào xe, chỉnh kính râm ngay ngắn, vợ quay đít định đi vào nhà, chồng hỏi với theo “em yêu, anh có đẹp trai không?”. Chưa hỏi xong vợ đã trả lời xong “đẹp lộng lẫy như mặt trời, anh yêu ạ”. Chồng hài lòng nhấn ga phóng cái vèo đi mất, trên con xe cà tàng sáng nay chẳng hiểu sao đề một cái lại nổ máy ngay.

Chúc các bạn Giáng sinh vui vẻ!!!

Thursday, December 18, 2014

Linh tinh

Tối qua mình nói chuyện với một thương gia Dubai chuyên kinh doanh với Nga. Ông ta kinh doanh với Nga từ hơn 20 năm nay, từ hồi từng chuyến máy bay từ Nga chở 250 người, mỗi người chỉ mang một cái ba lô đựng 10,000 usd đến, đổ tiền lên bàn ông ấy nhờ ông ấy mua hàng hóa gia dụng, rồi lại lên máy bay đi về. Ông ấy bảo việc kinh doanh của ông ấy đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng Nga. Chuyến bay từ Nga từ 3 chuyến một ngày đã bị cắt xuống 1 chuyến. Các khách sạn mùa này thường kín phòng toàn khách Nga đi nghỉ giáng sinh tránh rét, năm nay vắng hẳn. Đồng rúp mất giá khủng khiếp, một kỳ nghỉ ở nước ngoài trở nên quá đắt đỏ so với dân trung lưu Nga. Ngay cả dân có tiền cũng chẳng còn tâm trí nào đi nghỉ để rồi về thấy tiền mình đã thành giấy lộn. Giá dầu lao dốc khiến chính phủ Nga lao đao. Vài tháng nữa trời ấm lên, van gas cũng khóa nốt, thì còn lao đao nữa. Người Việt buôn bán nhỏ ở Nga sẽ sống thế nào nhỉ? Và dân Nga có thực sự vẫn tôn sùng Putin không, hay buộc phải tôn sùng vì không tôn sùng thì chết? Mình tự hỏi thế vì dân Nga sống ở Nga bị chính quyền kiểm soát thì không nói làm gì, nhưng dân Nga sống ở nước ngoài mà mình gặp, có trình độ hẳn hoi, mà cũng tôn sùng Putin và đổ lỗi cho phương Tây. Công nhận anh Putin mị dân giỏi. Giờ chỉ còn xem anh sẽ vì lợi ích của dân tộc hay vì cái tôi to đùng mà quyết ôm nuke chết chung.

Mình yêu mến nước Nga dù không nói tiếng Nga và cũng chưa bao giờ đặt chân tới Nga. Tình yêu ấy hình thành từ những trang truyện đọc hồi bé, cô bé có bím tóc màu hạt dẻ, những khu rừng taiga, ấm trà samovar reo, mùa đông ngập tuyết, mặt biển xám. Mình đặc biệt ấn tượng với cuốn Bông hồng vàng và Bình minh mưa, thích kiểu văn của Paustovski, nhẹ nhàng, dung dị, yêu đời yêu người từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, những chi tiết mà nếu không đọc thật chậm thì sẽ không thể cảm nhận được. Bây giờ, cảm thấy rất khó ngồi xuống, dẹp hết những lo toan của cuộc sống sang một bên, để đọc Paustovski thật chậm.

Có một câu chuyện, mình không nhớ tác giả, viết về một người đồng đội mang lá thư của một người lính đã hy sinh đến cho cô gái anh từng yêu. Cô gái giờ đã lấy chồng, ở trong một căn hộ nhỏ, vừa pha trà cho người khách mang thư vừa đọc. Câu cuối của lá thư không hiểu sao mình rất nhớ “Anh nhớ đến em, và đến tình yêu của chúng ta. Đến tận bây giờ anh vẫn không hiểu tại sao em lại bỏ anh như vậy”. Bạn nào có biết đó là truyện ngắn nào cho mình tên để mình tìm đọc lại????

Sáng cuối tuần, ngài và ông con trai rủ nhau đi xem triển lãm Porsche. Hai cô con gái chơi đồ hàng ríu rít ngoài vườn, mỗi đứa có nửa cái vỏ quả hồ đào giả làm thuyền, bắt kiến cho lên thuyền cho kiến đi du lịch vòng quanh chậu nước, và nấu súp rau từ lá phượng vĩ. Mẹ ngồi viết blog. Tuần này vừa giải quyết xong một vấn đề khiến mình lo lắng đứng ngồi không yên suốt hơn 4 tháng qua. Nhẹ cả người. Đợi mấy ngày cho adrenalin xuống một tý rồi phải đi mua quà giáng sinh. Oh so ready for the holiday season!!!!


Sunday, December 14, 2014

15/12/2014


Giám đốc điều hành một công ty của Ý tại Việt Nam (hay sắp tới Việt Nam mình cũng không rõ) làm trong lĩnh vực dầu khí, có nhờ mình tìm hộ ông ta một kỹ sư. Các chi tiết như sau, mình để nguyên tiếng Anh vì mấy từ ngữ kỹ thuật này mình cũng không rành lắm.

-          Position: Mechanical Engineer Inspector

-          Company: Quatron Steel JSC

-          Material for inspection: AIR DUCT AND FLUE GAS DUCT FOR STEAM BOILER

-          Bắt đầu làm việc ngày 5/1

-          Lương thỏa thuận

-          Nơi làm việc: Bà Rịa, Vũng Tàu

Các bạn biết ai đang tìm việc thì chuyển thông tin cho họ hộ mình. Mình cám ơn. CV trực tiếp cho bên tuyển dụng luôn, email m DOT sasso AT sitecquality DOT com. Các bạn ghép mấy chữ đánh dấu đỏ vào, thêm chấm và thêm @.  Mình phải viết thế này vì không muốn địa chỉ của ông ta bị gửi spam tự động trên mạng. Tìm kỹ sư có vẻ khó. Con mình lớn lên muốn làm kỹ sư mình nhiệt liệt ủng hộ. Kỹ sư mà giỏi thì không bao giờ lo thiếu việc.

Dân ở đây dạo này chán Tây tiến nên Đông tiến hơi nhiều. Mấy cậu bản xứ suốt ngày khoe vừa đi Việt Nam về. Năm ngoái có cậu bản xứ còn kể công ty cậu ấy định xây bệnh viện ở Việt Nam mà cuối cùng chịu không nổi thủ tục lằng nhằng và có vẻ là bị vòi vĩnh sao đó mà cuối cùng họ quyết định xây ở Singapore. Ơ, cái nơi cần xây thì không cố mà xây, Singapore thì thiếu gì bệnh viện nữa mà phải xây nhẻ.

Chị hàng xóm gọi điện khoe con gái chị ấy, 16 tuổi, tháng 2 tới sang Việt Nam theo dự án đi xây nhà tình nguyện cho dân vùng núi nào đó. Chị ấy bảo cho nó biết trên thế giới còn nhiều người khổ thế nào, chứ không nó sung sướng quá lại lose touch with reality. Con bé hồi hộp hoan hỉ đợi đến ngày đi lắm. Mình chỉ e ái nữ của Tổng giám đốc một tập đoàn tài chính rất nổi tiếng toàn đi công tác bằng máy bay riêng, nhà là một biệt thự to vật ở Jumeirah, đi lại có tài xế đưa đón, mẹ thỉnh thoảng lại throw big parties cho con gái mời bạn bè, mà đi lên vùng núi non Việt Nam vào tháng 2 rét mướt, nhìn thấy người dân sống trong điều kiện tuềnh toàng tối thiểu, trẻ em chân trần, bụng đói, không áo ấm, thì lại khóc nhè.

Thế thôi, cuối năm mình bận quá. Đợi mấy hôm nữa bớt bận mình lại viết blog lá cải phục vụ các bạn. Các bạn biết ai có thể quan tâm tới công việc ở trên thì ới họ hộ mình nhé. Mình cảm ơn nhiều.

Thursday, December 11, 2014

Xin cầu chúc tháng ngày yên ả mãi

Là câu một bạn đọc có lần viết cho tôi trong một comment.

Hồi lâu lâu tôi có ghi tên vào danh sách hiến tủy cho một người bị bệnh ung thư máu ở New York. Tuy lần đó các thông số của tôi không phù hợp nhưng tên tôi thì được lưu vào cơ sở dữ liệu của các tình nguyện viên. Và bây giờ, sau 6 năm, người ta liên lạc với tôi để nói với tôi rằng các thông số ban đầu của tôi rất khớp với một bệnh nhân khác và hỏi tôi có còn muốn hiến tủy không.

Nói thật là tôi ngần ngại lắm. Cuộc sống của tôi đang tốt. Những đứa con lanh lợi, ngoan ngoãn, vợ chồng ngoài xã hội thì được tôn trọng, trong nhà thì hòa thuận, đồng lương đủ sống và đủ để ấp ủ những kế hoạch cho tương lai. Bảo tai nạn, bệnh tật, là những việc nằm ngoài sự kiểm soát của mình thì không nói, chứ còn không dưng việc gì tôi phải buộc mình vào một cam kết nặng nề có khả năng khiến cuộc sống của mình kém hoàn hảo đi???

Chưa kể, tôi nhát lắm. Nhìn thấy cây kim tiêm là tôi hoảng loạn. Hiến tủy không phải chuyện đùa. Người hiến sẽ phải trải qua rất nhiều xét nghiệm sẽ tốn khoảng 20 đến 30 tiếng (không kể thời gian đi lại) rải ra trong vòng 4 đến 6 tuần để xem có đủ sức khỏe và các thông số cuối cùng có khớp cho việc hiến tủy không. Sau đó bác sĩ của bệnh nhân sẽ quyết định phương pháp hiến. Phương pháp thứ nhất, bác sĩ sẽ cắm hai kim tiêm vào hai cánh tay người hiến. Hai cây kim nối với nhau bằng máy móc dây rợ gì đó. Máu sẽ ra từ một cánh tay, qua máy để tách ra những tế bào máu gốc cần cho việc ghép tủy của bệnh nhân, rồi được trả lại vào cơ thể người hiến qua cánh tay bên kia. Phải ngồi tách máu như vậy 8 tiếng. Phương pháp thứ hai là phẫu thuật, 2 tiếng, người hiến được gây mê để bác sĩ chọc hút tủy sống. Khả năng lớn là phải sang Mỹ để thực hiện những công đoạn cuối cùng. Chúa ơi :-(((

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tôi sẽ đề nghị hiến phần máu cuống rốn của con tôi hiện đang lưu trong ngân hàng tại Mỹ, hợp thì hợp chả hợp thì thôi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ tôi phải giữ cái đó cho con tôi, biết đâu có lúc chúng sẽ cần tới.

Rồi tôi nhớ tới một người phụ nữ tôi gặp. Người Thụy Điển. Chị ấy bị đối tác lừa và phải đối mặt với án tù. Ở đây việc người Âu bị đối tác liên doanh lừa ký séc khống xảy ra rất nhiều. Theo luật, séc mà bị ngân hàng trả lại vì vượt quá số tiền có trong tài khoản là người viết séc vào tù. Chị ấy có khả năng giảm án vì có thể chứng minh mình chỉ là nạn nhân, nhưng cuối cùng chị ấy đã không kháng án, vào tù ngồi đủ 6 tháng vì “muốn dạy hai đứa con trai bài học dám làm dám chịu”.

Rồi tôi nghĩ tới bệnh nhân kia. 26 tuổi, bị bệnh máu trắng rất nặng. Tôi mà là người mẹ kia, nhìn thấy con mình phải ra đi ở cái tuổi thanh xuân rực rỡ trong khi nó xứng đáng được sống hạnh phúc, thì hẳn là tôi tuyệt vọng lắm. Và người có khả năng khớp tủy từ chối cho con tôi cơ hội hy vọng, chỉ vì đời cô ta đang hoàn hảo và cô ta không muốn rủi ro, và cô ta sợ kim tiêm, thì nghe nó tầm phào quá.

Rồi tôi nghĩ tới người thanh niên cần ghép tủy 6 năm trước ở New York. Cậu ta cuối cùng tìm được người khớp 95% hay 98% thông số tôi không nhớ chính xác, đã khỏi bệnh và giờ đang sống rất mạnh khỏe, phóng viên của một tờ báo danh tiếng.

Rồi tôi nghĩ đến một bạn học cùng lớp đại học. Tôi đã quên bạn ấy từ nhiều năm nay. Năm cuối đại học, bạn ấy bị phát hiện ung thư máu. Bạn ấy xạ trị, phải đội tóc giả đi học. Bạn ấy mất sau vài tháng. Tôi vẫn nhớ ngày hôm ấy mưa, tôi đi viếng bạn ấy ở nhà tang lễ Phùng Hưng. Giá mà hồi đó ở Việt Nam có cơ sở dữ liệu hiến tủy này, thì biết đâu bạn ấy cũng đã được sống cuộc sống bình thường, thay vì phải ra đi ở cái tuổi 22 như thế?

Rồi tôi nghĩ ở đời, biết đâu đấy, con mình 3 đứa, biết đâu đấy một ngày cũng rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng mà gia đình chỉ có thể bất lực đứng nhìn, mà lại có người hảo tâm xa lạ chìa tay giúp đỡ. Môi trường sống giờ ô nhiễm quá, biết đâu đấy.
Ừ, biết đâu đấy…

Friday, December 5, 2014

Cancel that violin class? (hết)

Gần đây chị bạn tôi kể, chị ấy có ông con 14 tuổi, học giỏi, tennis giỏi, bóng đá bơi lội giỏi hết, lại chơi được cả piano rất khá, chỉ mỗi tội chưa bao giờ xa gia đình. Chị ấy bảo chị ấy thu hết can đảm gửi con sang nhà một người bạn ở Monte Carlo mấy tuần. Ông con lần đầu tiên phải bắt xe bus đi đây đó chứ không được tài xế mẹ đưa đón tận nơi, lần đầu tiên tự mình đi bộ sang đường, phấn chấn đến độ tuyên bố Monte Carlo là nơi lý tưởng nhất trên thế giới và muốn ở lại đó luôn khỏi về nhà nữa.

Một chị bạn khác của tôi có đứa con trai 17 tuổi, nhạc, họa, thể thao, văn hóa, giỏi hết mà chẳng có kỹ năng sống gì ra hồn. Vợ chồng chị ấy bèn ghi tên cho con học một khóa “Sống sót trong sa mạc”, định cho nó dạn dày sương gió lên chứ bấy bớt quá ra đời sống làm sao. Tưởng gì chứ sa mạc ở đây lại hơi sẵn. Thế là ông mãnh và mấy ông mãnh khác được huấn luyện một số kỹ năng sống sót cơ bản rồi mang thả ra ngoài sa mạc. Mỗi người chỉ có một chai nước nhỏ, phải nhìn mặt trời mà xác định phương hướng tìm đường ra tới đường cái và xin đi nhờ xe về nhà. Chị bạn ở nhà hoan hỉ đợi, tưởng con sẽ về được tới nhà. Ai dè vài tiếng sau ông con gọi điện khóc tu tu, rằng thì là nước thì đã uống hết từ đời nào, giữa sa mạc chang chang đã đi bộ mấy tiếng mà vẫn không xác định được phương hướng, cả lũ sắp chết khát hết rồi. Thế là gấu mẹ vĩ đại tức tốc gửi trực thăng đi giải cứu. Từ đó ông con lại ăn ngon ngủ kỹ trong phòng máy lạnh, biệt thự kín cổng cao tường, người làm ra vào nườm nượp, một bước ra đường là có tài xế, chả kỹ năng sống sót thì đừng.

Chúng ta cứ cắm đầu dốc sức xây một cái tổ thật êm để làm gì, nếu sau đó phải lo lắng vì cái tổ êm quá?

Và tôi cũng cứ sợ như trường hợp gia đình của người họ hàng bên nhà chồng tôi. Bố mẹ cũng khá giả nên cho ông con học đủ thứ ngay từ hồi 4, 5 tuổi, đàn, bóng rổ, bóng đá, đấu kiếm, tennis, bơi, và cả trống, học thử đủ món để cho ông tự khám phá ra món ông thích. Sau vài năm thử đủ món, cuối cùng thì ông chốt lại món trống. Bố mẹ mua cả bộ trống hoành tráng, làm cả phòng cách âm cho ông con tập trống. Thế rồi trái với mong ước của bố mẹ là tạo điều kiện cho con chơi một nhạc cụ như một thú vui, ông con trở nên mê trống như điếu đổ, bỏ bê học hành. Lê lết vật vã mãi mới xong lớp 12, không muốn đi học đại học nữa mà muốn đi đánh trống, ai nói cũng không nghe, mặc dù ngoài đam mê ra thì không có tài trống đặc biệt. Nhưng ngoài việc các ông tụ tập đánh trống với nhau ra thì chẳng có chỗ nào thuê đánh trống. Thế nên ngoài 20 tuổi rồi mà cứ nằm khểnh ở nhà, không học, cũng chẳng làm, đầu óc nghệ thuật bay bay không vướng bụi trần, bố mẹ già vẫn còng lưng nuôi, chẳng thấy tương lai ở đâu. Tôi không sợ con phiền mình, nhưng sợ nó không đủ lực để trụ được trong một thế giới càng ngày càng khó sống theo mọi nhẽ.

Thế nên là tôi cứ lưỡng lự. Được cái bọn trẻ con nhà tôi đi học thì thôi chứ về nhà không thấy chúng nó ngồi không hay buồn chán giây nào. Và cái trường chúng nó theo học, dù là một trường bình thường, cô giáo cô thì dịu dàng, cô thì cắm cảu, nhưng chúng nó rất hào hứng và luôn luôn học được nhiều thứ mới.

Ảnh; quả trứng con chim nào đó đánh rơi ngoài vườn sáng nay. Sau khi hoài hơi vừa hót chiếp chiếp vừa chỉ chỉ tay cho chim xuống lấy mãi mà chim chả buồn xuống lấy, Lê La Na bèn nảy ra sáng kiến bày một cái tổ, đánh dấu bằng vài bông hoa đỏ cho chim dễ tìm.
(và bây giờ thì chúng đang xếp lego trong phòng chơi, anh chị đang bảo con em im đi vì con em đã chân tay lóng ngóng không xếp được cái gì ra hồn mà mồm lại cứ tía lia chỉ đạo)

Tuesday, December 2, 2014

Cancel that violin class? (1)

Tôi không có thói quen lôi điện thoại ra chụp ảnh mọi thứ. Nhưng tôi chụp lại cái card này, vì nó làm tôi nghĩ ngợi.

Những chiếc card tên này được viết bởi thợ viết chữ đẹp ở Florence, Ý,  sau đó gửi sang Dubai để đặt lên bàn tiệc của Gucci. Như vậy Gucci Dubai phải gửi danh sách khách mời về Ý, mặc dù về Gucci Milan hay Gucci Firenze rồi từ đó mới chuyển tiếp hay gửi thẳng tới tay nghệ nhân chữ đẹp thì tôi không rõ, viết xong lại phải kiểm tra cẩn thận cho khỏi nhầm rồi mới đóng gói gửi sang Dubai. Bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc phải chi vào cái công việc cầu kỳ đó, chỉ vì bọn tây chữ đứa nào đứa nấy xấu như mèo cào chó cấu, đứa nào bỏ công ngồi rèn chữ đích thị có ý định trở thành nghệ nhân chữ đẹp, và đứa nào cần viết cái gì đèm đẹp thì đích thị phải đến nhờ nghệ nhân chữ đẹp và móc túi trả tiền?

Và ở Việt Nam bao nhiêu đứa trẻ hàng ngày ngồi gò lưng luyện chữ? Nhiều đứa viết chữ đẹp giật mình. Mình não bộ trưởng thành, motor skills thuần thục mà còn không viết được như thế. Tôi cho rằng nếu đưa chúng nó một cái bút mực xịn, những dòng chữ chúng nó viết ra cũng sẽ chẳng kém người thợ viết chữ đẹp ở trên. Nhưng Tây luyện chữ ra tiền. Còn ta, bao mồ hôi thậm chí cả nước mắt vì bị bố mẹ nện để luyện chữ thế,  rồi sẽ làm gì? Chỉ để viết vài bài văn linh tinh gò theo mẫu con lợn to bằng cái phích, cái tai như cái lá mít, chú bộ đội cao mét tư súng dài mét rưỡi mắt sáng như sao, được cái chữ đẹp nên cô giáo khỏi toét mắt luận? Rồi lớn lên, tài viết chữ đẹp ấy sẽ trở thành một thứ tài lẻ ít được dùng và sẽ mai một đi?

Hồi lâu lâu tôi đọc trên The Economist có bài Cancel that violin class. Đọc xong tôi cứ định viết một entry về việc này mà cứ mải việc nọ việc kia nên quên. Thời tôi, nhà đứa nào phải có điều kiện lắm mới học piano. Trong cả trường tiểu học của tôi hồi đó chắc chỉ có con bạn tôi nhà làm thuốc cam nổi tiếng mấy đời là học piano. Nó học nhạc viện hẳn hoi, tập luyện rất khổ. Bây giờ, người người học đàn, nhà nhà học đàn. Mà có phải mỗi đàn không đâu, còn vẽ, còn múa, còn đóng kịch, còn thời trang, còn học thêm, còn thể thao, đủ cả. Bố mẹ ngược xuôi đưa đón không kịp thở, trẻ con thì bị lùa từ lớp này sang lớp khác cũng không kịp thở nốt. Tôi tự hỏi rồi tất cả những tiền bạc, công sức của bố mẹ, và cả tuổi thơ của trẻ con bị mất đi vì không còn thời gian chơi này, rồi sẽ đi về đâu? Hay lại như rất nhiều thứ quý giá khác, ở nơi khác là phải kiếm ra tiền, mà ở Việt nam lại thành đổ sông đổ biển???

Sunday, November 30, 2014

In a vintage state of mind

Hồi mình còn bé bố mình phải đi làm xa nhà nên dùng xe máy. Cứ thỉnh thoảng lại đổi một cái khác, mà toàn xe cà tàng. Mình cứ nhớ cảnh mỗi sáng bố mình đạp hì hục cả chục lần mà máy chẳng nổ. Không ít lần thấy bố mình vào số rồi dắt xe máy chạy như ma đuổi hy vọng cái xe máy cà tàng nó thương tình nó nổ máy cho. Hôm nào mệt quá vì hết đạp lại dắt chạy mà máy vẫn chẳng nổ, bố mình còn có sáng kiến dắt nó hồng hộc lên dốc rồi ngồi lên xe máy và thả dốc điệu nghệ. Nhiều khi thả đến tận cuối dốc nó vẫn gan lỳ không nổ máy, lại hì hục lôi bugi ra lau lau thổi thổi rồi lại lắp vào và dắt xe máy cần mẫn chạy tiếp.

Lớn lên, tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn gì. Đi xe cà tàng của ngài suốt giờ mình thành chuyên gia nghe tiếng máy nổ mà biết xe có chạy hay không hoặc sắp chạy hay chưa.

Ví dụ, đề lên một cái mà cái xe kêu từng tiếng rời rạc bọp, phẹt, bọp, phẹt, thì cứ chờ đấy, còn khướt nó mới nổ máy. Do đó mình đang làm dở việc gì cứ việc thong thả làm nốt, ví dụ gọi nốt điện thoại, nhắn nốt cái tin, hoặc hì hục chép nốt thông tin nào đó vào sổ cho khỏi quên vv và vv.

Sau một hồi bọp, phẹt rời rạc, tự nhiên cái xe đổi giọng gấp gáp hơn, bọp bọp, phẹt phẹt, bọp bọp, phẹt phẹt, thì là đã có cửa để hy vọng rồi nhóe. Tuy nhiên vẫn cần phải tiếp tục kiên nhẫn tay vừa xoay vừa giữ cái chìa khóa điện chân thì đạp lấy đạp để một số thứ.

Phải đến khi nào cái xe làm hàng tràng bọp bọp bọp, phẹt phẹt phẹt, bọp bọp bọp, phẹt phẹt phẹt, thì lúc đó mới là lúc giờ G đã điểm. Tức là đang làm gì cũng phải bỏ đấy để cài dây bảo hiểm, không cảnh sát thấy thì lại phạt 500 dirhams.

Nếu mà cứ dừng lại ở giai đoạn bọp phẹt hoặc bọp bọp phẹt phẹt mà không tới được giai đoạn bọp bọp bọp phẹt phẹt phẹt thì khổ chủ sẽ phải để xe đấy, gọi lái xe tới đón về (sau khi chửi thề đổ tại thời tiết). Và hôm sau lái xe sẽ vô cùng tất bật vì phải gọi xe tải đến cẩu xe cà tàng lên rước đến garage sửa xe. Bao nhiêu lần thế rồi không nhớ nổi.

Sau khi ngồi nghe qua 3 giai đoạn bọp phẹt như thế, con vợ ngài nó quay sang ngài căn vặn “why that sound of diarrhea?”. Ngài mặt tức tức không thèm trả lời mà bắt đầu huýt sáo một điệu vui nhộn. Nhưng con vợ tai quái của ngài còn lâu nó mới tha trò đánh trống lảng của ngài, nó bồi tiếp câu nữa “Em sẽ cho anh lên entry mới của em”. Ngài băn khoăn “chắc em phải viết bằng tiếng Việt phức tạp lắm vì Google nó chả dịch được gì cả”. Haha, bọp phẹt đới, google dịch đê.

Bạn nào thông thạo tử vi cho mình hỏi, trong tử vi cung liên quan đến ô tô xe máy thì gọi là cung gì? Chắc cung này của mình nó cũng phải tệ ngang cung nô bộc mất.

PS Ai đứng giùm tôi ở mùa đông Hà nội, phố dài, buộc một chiếc khăn lên tóc, và cầm trên tay chiếc lẵng mây đựng đầy hoa cúc có màu của nắng???
…Ngoài kia không còn nắng mềm
Ngoài kia ai còn biết tên…

 

Sunday, November 23, 2014

24/11/2014

Lý do của việc hơn 3 tuần qua bận gần chết là do events. Tổ chức events ở đây rất stressed. Mời người này, không mời người kia, là họ tự ái gọi điện vặn vẹo. Có người gửi thư mời thì không thèm trả lời, nhưng lại lò dò đến và vác theo một cơ số người khác. Có người trả lời bảo có đi nhưng cuối cùng lại mất dạng. Có người thư mời gửi từ bao giờ chả thèm phản hồi, chỉ còn mấy tiếng nữa là event bắt đầu thì mới bảo là có đi, lại đòi thêm vé vì thêm người. Có người thì đòi đến tận 7 chỗ trong khu VIP của người ta, nhưng cuối cùng lại không thèm đến. Có người không được vào khu VIP là dỗi. Phải đến lúc khán giả vào ngồi kín khán phòng mình và chàng mới nhẹ cả người. Xong tim lại thót lên lần nữa khi đến đoạn giải lao. Lý do là sợ khán giả lại bỏ về vãn thì dại mặt ban tổ chức. Bộ chi bao nhiêu tiền mới mời được dàn nhạc này sang. Cuối cùng may quá mọi việc diễn ra tốt đẹp. Cả buổi tiếp tân sau đó cho hơn trăm người.
Rồi còn vụ Chef Summit. Hai tuần qua các siêu đầu bếp của Ý, sở hữu tổng cộng gần 40 sao Michelin, đến Dubai để biểu diễn tài nghệ. Thế là mình tối nào cũng phải đi ăn ở một nơi nào đó, trong đó đặc biệt nhất là buổi ăn tối do 4 đầu bếp sở hữu tổng cộng 7 sao Michelin trổ tài. Sau hai tuần như thế thì mình hoảng hốt nhận ra cân nặng mình không lên nhưng bụng nhìn nghiêng thì hơi phình ra, và lấy tay sờ sờ hai bên eo thì thấy một vành đai nổi rõ hình như là mỡ. Mình cho rằng ruột người giống như cái ống nước thải nhà bếp, đưa vào quá nhiều tinh bột và mỡ sẽ tạo mảng bám lên thành ruột, lâu ngày tắc ruột hoặc bụng phình to. Dân Ý đặc biệt những người ăn nhiều pasta hoặc đồ thịt muối thịt nguội nhiều mỡ nhiều muối, bụng cực to. Thôi, lại quay về “ăn rau cho sạch ruột”, ngày xưa bà ngoại hay nói thế.
Cuối kỳ đi họp phụ huynh cho con. Mình bảo cô giáo Lila “tôi muốn giải thích với cô rằng tôi không giống như nhiều Asian mums mà có thể cô đã gặp. Tôi không thúc ép con tôi học hành, không cần con tôi đứng đầu lớp. Với tôi, ở tuổi này, trẻ con chơi cũng là một hình thức học”. Cô ấy bảo “phương pháp của chị ở nhà có là gì thì nó cũng đang có tác dụng tốt. Con bé đọc giỏi, viết tốt và rất giỏi toán. She is flying”. Cô nói mẹ mới biết con gái mẹ nằm trong nhóm 3 bạn giỏi toán nhất lớp, một cậu người Nga, một cậu người Anh, và con gái mẹ người Việt Nam. Đến lớp Ale, mẹ không lo chuyện học hành của ông con trai dù từ đầu năm chẳng thấy lần nào ông khoe được champion nữa, mẹ chỉ lo vấn đề bạn bè hòa nhập của ông. Mẹ bất ngờ khi cô giáo bảo ông đã trở thành most popular guy trong lớp, ai cũng muốn làm bạn với ông vì ông là football star. Ông là chủ lực ghi bàn của đội, ví dụ đội ghi tổng cộng 5 bàn thì mình ông ghi 4. Đến lớp Anna, nỗi lo cô con gái lẻo mép mắc bệnh nói leo trong lớp đã không thành hiện thực. Cô khen con ranh rất ngoan, nghe lời, nhanh nhẹn và rất hay giúp đỡ bạn bè. Tuy nhiên tuyệt nhiên không thấy cô khen con gái học giỏi hay vẽ đẹp. Mẹ nghĩ con gái mẹ tuy cũng nhiều ưu điểm nhưng khả năng học khó vào vì vào tai nọ lại ra tai kia. Ở nhà mẹ toàn chưa kịp nói xong đã bị con gái bảo “Ang na biếc”!!!
Hai ông bô bà bô ra về. Ngài im lặng đi bên vợ một hồi rồi hỏi “Em có vui vì chúng mình có những wonderful kids không?”. Bảo “Em vui vì chúng nó rất thích đi học, thế thôi. Còn phương pháp giáo dục của Đông là chê cho tiến bộ. Còn phương pháp giáo dục của Tây là không bao giờ chê. Cô giáo họ khen con mình thế nào thì cũng khen con người khác thế, anh ạ”.
Sáng nay thức giấc, ngó ra vườn thấy cây lá ướt đẫm sương, sương rơi lộp độp cả từ cửa kính. Đêm sa mạc rất ẩm ướt. Đang định làm người vớ vẩn, đi spa gội đầu và massage tí, thì lại nhớ ra sáng thứ hai, đến hẹn lại lên, phải đến trường giúp các nhi đồng thối tai tập bơi. Điều đó có nghĩa là hơn 2 tiếng đồng hồ vật lộn cởi ra mặc vào những món quần áo vừa bé vừa bẩn như ranh, ngâm mình dưới bể bơi, và tiếp chuyện các nhi đồng dãi rớt lèo xèo bong bóng mũi sập sùi và cứ 3 phút lại đi đái một lần.
Ai, ai sẽ cho tui làm người vớ vẩn???

Saturday, November 22, 2014

Chuyện


Chuyện 1

Chị bạn độc thân, đang trong giai đoạn tìm hiểu một anh. Đi event về lại muốn rẽ qua gặp anh ấy một tí. Mình không về trước được nên đành phải cắp ô cắp tráp đi theo.

Đến nơi, hai người bọn họ chụm đầu rủ rỉ uống rượu tán tỉnh nhau như đôi chim câu. Mình kéo cái ghế ngồi cách ra một quãng, làm bạn với cái điện thoại. Cực chẳng đã đành cắm mặt vào điện thoại, chứ chả nhẽ ngồi trơ thân cụ nhìn họ lom lom, hoặc nhìn lơ láo khắp nơi???

Uống một lúc họ lại bảo họ muốn ăn. Mà lại muốn ăn cẳng ếch nhắm với một loại vang đỏ tuyệt hảo của Argentina 14000 dirhams/chai. Thế là mình đành chiều lòng họ ôm điện thoại trèo từ ghế quầy bar xuống bàn ăn. Ăn hết cẳng ếch thì họ lại gọi tiếp món ốc sên, và vẫn uống liên tục. Món rượu vang Argentina hảo hạng đã mở đến chai thứ hai. Cặp chim câu vẫn tâm sự rất rủ rỉ nhưng điệu bộ thì có vẻ đã tây tây.

Nửa đêm, mình đòi về. Ai đi tìm hiểu đã phải dẫn lẵng nhẵng một cái đuôi theo mà đang tâm sự dở thì nó đòi về thì làm ơn cho mình hai xu cảm tưởng hehe. Chị bạn mình xin phép chạy vào nhà vệ sinh. Chàng trai ngoài năm chục xuân xanh kia quay sang mình lập tức.

-          Em đẹp quá
      -          Cám ơn
-          Và rõ ràng là em rất thông minh. Tôi cảm thấy rất bị em hấp dẫn. I love you
-          Cám ơn
-          Em có yêu tôi không?
-          Nhắc đến tình yêu tôi rất dè dặt, thưa ông.
-          Tôi rất giàu, tôi là triệu phú, và tôi rất hào phóng
-          Thế thì tốt cho ông
-          Tôi yêu em. Em có yêu tôi không?
-          (nhắc lại rất kiên nhẫn) Nhắc đến tình yêu tôi rất dè dặt, thưa ông.
-          Em có thân với bạn em không? Em nhận xét gì về bạn em?
-          Tôi không có nhận xét gì cả. Tôi chỉ có thể nói với ông chị ấy là người tốt
-          Theo em cô ấy có xứng với tôi không?
-          Cái đó tự ông biết
-          Tôi nói với em điều này, cô ấy sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa, mới xứng với tôi
-          Ông nói với chị ấy, đừng nói với tôi.
-          Chúng ta cần phải giữ liên lạc, tôi muốn đến kinh doanh ở Việt Nam và sẽ rất cần những người như em làm việc cho tôi
-          Tôi không cần việc
-          Em có nhận xét gì về tôi?
-          Tôi không có nhận xét gì cả
-          Em nói đi, tôi muốn nghe ý kiến của em
-          Tôi không có thói quen vào bar nhận xét đàn ông. Muốn nhận xét đàn ông, tôi sẽ quan sát anh ta trong môi trường làm việc.
-          (Khăng khăng) Không, em nói đi, tôi muốn biết em nghĩ gì về tôi, phán xét cũng được, tôi muốn nghe em nói.
-          (Hết chịu nổi, mà bà bạn mình mất hút trong nhà vệ sinh không thấy ra) Ông đã xem phim Chauncy the Gardener chưa? Đấy, ông giống cái ông làm vườn trong phim đó, cả về hình thức lẫn cách nói chuyện. (Mặt một số người ngắn tũn, ngắn đến mức mình thấy động lòng nên quyết định nương tay). Nhưng tôi chắc chắn trong văn phòng làm việc ông sẽ cư xử khác chứ không giống như ở đây.

Chuyện 2

Tối nọ ở event mình gặp một ông người bản xứ. Ông này là người quen, đã gặp nhau nhiều lần và cả đi ăn tối cùng nhưng mình hoàn toàn không để ý. Ông ta không có gì đặc biệt ngoài cô vợ đẹp mà ông ta chỉ đứng xấp xỉ tới vai. Cô vợ trẻ hơn ông ta tới 24 tuổi, người Nga, không phải kiểu Nga mắt xanh tóc vàng thông thường mà là Nga mắt đen tóc đen, dáng người cao thon và khuôn mặt rất xinh. Mình ngồi cạnh ông ta. Cô vợ vừa đứng lên đi lấy đồ ăn thì ngay tức khắc ông ta quay sang mình, vừa nhìn chằm chằm vừa khen rối rít “Cô đẹp quá, mặt cô rất đẹp, da cô là tự nhiên hay tiêm botox thế? Gò má này là tự nhiên hay là cô phẫu thuật thêm vào thế? đẹp quá. Nhưng đẹp nhất trên gương mặt cô là đôi mắt, cô biết không?”. Vừa nói tới đó thì im bặt liếc liếc vì đúng lúc cô vợ về tới, lại còn tử tế mang cho chồng một đĩa đồ ăn. Cô ta vừa quay lưng đi thì ông ta lại tiếp tục không ngừng nghỉ “Cô gầy nhưng dáng người rất chuẩn, nhìn thân hình cô như thế này này…”, đoạn lấy hai tay vẽ vẽ trong không khí. Vừa lúc đó cô vợ lại về tới, ông ta mắt vừa liếc dè chừng vừa hạ giọng tiếp tục tán tụng. Mặt cô vợ có vẻ không vui. Mình đứng lên lấy cớ đi lấy đồ ăn rồi chuồn thẳng. Mệt, cao tấc mốt, thân hình như một quả cà tím trên bé dưới phình to, mặt chả được nét nào, lại còn giở trò.

Chuyện 3, chuyện 4, chuyện n…

Sống ở Dubai một thời gian mình đã chính thức sợ đàn ông lắm tiền. Những anh nào ngày xưa mình chê nghèo không thèm yêu, giờ biết tin này hả hê phải biết.

Thôi, mình đi nấu cơm.


Monday, November 17, 2014

Thứ năm, 13/11/2014

Một ngày nắng vàng, gió reo, Dubai đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Sáng chạy mấy việc lặt vặt, trưa rẽ qua trường đón bọn Lê La Na đi học về. Ba mẹ con đang đứng dưới tán mấy cây chà là đợi chú lái xe tới thì một cô bé đi qua bảo mình “Cô ơi cháu thích cái váy của cô quá. Mẹ cháu cũng thích”. Cái váy nhung bó sát họa tiết da báo, lâu lắm rồi không mặc, sáng chỉ kịp tròng vội vào người, xỏ giày rồi chạy ra khỏi nhà. Có thời mình toàn mặc đồ da báo, mà chỉ họa tiết báo leopard chứ không thích họa tiết cheetah. Rồi cũng không nhớ họa tiết da báo bị xếp xó khi nào. Và giày đỏ. Và nước hoa. Và nhiều thứ khác.

Về nhà, quyết định thong thả một tý nên mở cửa sổ, bật Thư tình cuối mùa thu giọng Bảo Yến, và ngồi nhìn cây phượng vĩ đang miệt mài trút lá.

...Tình ta như hàng cây

đã yên mùa bão gió

Tình ta như dòng sông

đã yên ngày thác lũ…

…Kìa bao người yêu mới

Đi qua vùng heo may

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại…

Qua đợt bận rộn này ta quyết sẽ phù phiếm trở lại. Làm người đàn bà sâu sắc một hồi bắt đầu chán rồi đấy.  

Thursday, November 13, 2014

Ký sự rửa bát (tiếp theo và hết)


Rồi thì vốn là một người phụ nữ vị tha đôn hậu, thường đến đoạn ông giở khổ nhục kế này là mình đã động lòng tha bổng, cho ông lại ngồi chơi xơi nước chém gió. Nhưng lần này thì mình không tha, mình bảo “Bát anh rửa tối qua rất bẩn em phải rửa lại. Tối nay anh phải rửa sạch hơn”. Ông im thít và đến tối khăng khăng bắt cả nhà đi ăn tối ở ngoài để trốn rửa bát. Mình biết trước đoạn ăn tối ở ngoài sẽ không khả thi nhưng không nói gì. Y như rằng ăn tối ở ngoài khổ hơn đánh vật. Vì ông đòi đi ăn fine dining, nhưng con ông bé tí nó nào có biết fine dining là gì. Nó chạy, nó ngã, nó cãi nhau, đĩa đồ ăn bày biện cầu kỳ mang ra nó nhổ vào cái bẹt, và đòi ăn white pasta (pasta luộc lên rưới tí dầu và rắc tí pho mát) và French fries. Fine dining lấy đâu ra khoai tây rán? Thế là nó khóc, và cuối cùng nó nằm ngủ chỏng gọng giữa nhà hàng fine dining vì đã phá cả ngày mệt quá. Ông tay dắt tay bế con ra xe, tình cảnh nheo nhóc, mặt quắt lại bé tí, stressed quá vì vừa fine dining vừa bị 3 đứa con nhảy lên đầu lên cổ chí chóe bắt bố tô màu.  

Hôm sau, tởn fine dining, ông lại ngồi đọc báo ngoài sân đợi vợ hò ông vào ăn, và đến cuối ngày ông lại mặt mũi cam chịu hì hục rửa bát. Được cái vợ ông nó thương tình nó đứng ngay cạnh, ông rửa xong cái nào nó đón lấy lau và úp cái đó, và đồng ý cho ông dùng một nửa đĩa giấy một nửa đĩa sứ.

Vợ ông thuyết cho ông một bài “Việc văn phòng của anh em có bao giờ nói there’s nothing to do không mà việc nhà anh lại bảo there’s nothing to do? Không biết thì không được nói. Anh chỉ làm mỗi việc rửa bát cũng không làm nổi, trong khi em cũng cả ngày ngoài công trình như anh, tối về còn phải dọn dẹp, giặt giũ, tắm rửa cho con, nấu nướng và cho con ăn. Anh không phải làm những việc ấy thì kể như là may mắn đi, đừng có thỉnh thoảng lại dạy em  phải enjoy life đi chứ đừng cứ sốt sột này nọ. Chưa kể anh rửa có mấy cái bát mà tốn bao nhiêu xà phòng, nước nóng, thải ra một mớ khăn phải giặt, và dùng gần hết cuộn giấy bếp. Một lần thì được chứ lần nào cũng thế thì hóa đơn điện nước và tiền mua đồ một tháng sẽ là bao nhiêu?. Rồi cứ lười không muốn rửa bát là ra ăn tiệm, một tháng ăn tiệm thế sẽ là bao nhiêu? Tối qua ăn ở nhà thì chỉ mất hơn 10 đồng tiền chợ, con ăn đủ món, anh dắt cả nhà ra ăn ngoài trả hóa đơn mấy trăm đồng mà con ăn uống vớ vẩn và bố mẹ thì đánh vật. Cái gì cũng làm theo kiểu anh thì làm sao để dành được tiền để làm nhà?”. Ông nghe xong im thít. Hôm sau vợ gọi câu nào chân ông chạy mồm ông dạ ran câu nấy.

Mấy ngày cuối của kỳ nghỉ, ông ngồi bắt chân chữ ngũ ngoài ban công phong thái rất sang trọng ngắm hoàng hôn đang rơi trên biển và uống rượu vang. Mình đầu chổng vào đít chổng ra nấu nướng trong bếp nghe lỏm ông tâm sự với thằng bạn hẩu “đời tao chưa bao giờ rửa bát nhiều như thế”. Ông cứ khiêm tốn thì ông còn sướng, chứ giở giọng tinh vi thì lại mời ông vào rửa bát tiếp.

Thực ra ngoài nhiệm vụ rửa bát mình còn định giao cho ông nhiệm vụ phân loại quần áo bẩn và cho vào máy giặt. Nhưng sau vụ ông suýt ngất xỉu vì rửa bát thì nói thật mình chẳng dám ép ông nữa. Gì chứ người-đàn-ông-độc-thân-mấy-chục-năm-việc-gì-cũng-biết phải làm tận hai việc một ngày mệt quá lại ngã bệnh mình phải chăm thì còn chết hơn.
 
Ảnh; there are practical little things in housekeeping which no man can really understand – Eleanor Roosevelt.

Bonus; Vợ ì ạch trèo cầu thang. Chồng kéo vợ lên nhưng lại không cầm tay kéo mà lại nắm tóc kéo. Vợ bảo “may cho ông là ở Dubai chứ ở New York ông nắm tóc vợ thế này là cảnh sát đến hỏi chuyện ông lập tức đấy nhé”. Ông bảo “thì thế người ta mới đi Dubai chứ không đi New York”, đoạn đút tay vào túi quần và nhảy chân sáo giữa sảnh khách sạn.

 

Tuesday, November 11, 2014

Ký sự rửa bát


Hồi hè trước khi đi nghỉ ở Salento, mình muốn mang maid theo. Ngài không muốn mang. Ngài bảo “Nhà và xe đặt rồi, giờ thêm maid lại phải đổi nhà đổi xe mới có chỗ cho maid, mệt lắm. Làm gì có việc gì, bọn trẻ con thì ngoan. Em cần thì anh sẽ giúp em. Anh độc thân từng ấy năm, việc gì anh cũng biết, chứ em tưởng hồi chưa yêu em thì anh chết chắc”. Xời, ông độc thân kiểu đi siêu thị mua một cuộn salad ăn ngất ngư cả tuần không hết, đồ ăn toàn đồ hộp và quần áo giặt tiệm chứ gì, chứ mang 3 con nhỏ đi nghỉ hè kiêm làm nhà mà ông lại dám bảo there’s nothing to do thì chứng tỏ ông chả biết cái khỉ gì. Nhưng được rồi, ông hứa ông giúp vợ, ông cứ nhớ đấy.

Đến nơi, mình giao cho ông nhiệm vụ rửa bát sau khi ăn tối. Cái nhà bé đến mức bước một chân là ra đến cửa, và bếp bé đến mức không có chỗ cho máy rửa bát nên bát đũa ăn xong phải rửa bằng tay.

Ngày đầu tiên, lùa ông vào bếp rửa bát xong, con thì nghịch như quỷ cả ngày đã lăn ra ngủ ngáy o o, mình tung tăng đi tắm. Tắm xong đi ra, cái bếp bé tí đã biến thành trận địa tan hoang. Cái phòng giặt nho nhỏ ở bên ngoài cũng kịp biến thành trận địa tan hoang vì ông đổ quần áo tóe loe ra đất để lấy cái chậu giặt to ngâm bát vào rửa cho sướng, chứ cái bồn bếp bé quá rửa không sướng. Mình sợ nhiều thông tin và yêu cầu quá ông cà cuống nên cắn răng không bình luận vụ lấy chậu đựng quần áo bẩn để đựng bát ăn vào mồm, và rửa có mấy cái bát mà nước nóng chảy như suối, nên chỉ bảo “anh rửa có mấy cái bát mà phải dời non lấp bể thế này thì anh sẽ đủ sức rửa bát mấy buổi? ”. Ông bảo kệ ông, ông làm có phương pháp của ông. Ô kê, mình tót đi ngủ.

Sáng hôm sau dậy, úi giời, chậu giặt chỏng chơ phải mang đi cất, hai cái khăn tay mới tinh bị ông dùng lau bát cho khô xong vứt cái xoạch đấy qua đêm đã hơi hôi hôi lại phải mang đi giặt. Được cái bát đĩa sáng loáng, sạch rít rịt. Chà chà, chồng iem quả là một người đàn ông giỏi việc nước đảm việc nhà. Tối nay lại rửa bát tiếp nhá. Ông im im nhưng đến giờ vợ nấu ăn là ông lượn vè vè nhắc nhở “Cái này dùng đĩa giấy đi, đừng dùng đĩa sứ rửa mất công lắm. Cái này dùng thìa nhựa đi, ăn xong vứt luôn khỏi rửa”. Mới rửa bát một hôm mà đã tiếc công. Thế mà bình thường ở nhà một buổi sáng ông uống nước 4 lần thì thải ra 4 cốc uống nước, cộng thêm hai tách cà phê, và vô số thìa đĩa dao dĩa, vợ mà cằn nhằn thì ông lại bảo thế là bình thường, vợ cứ khó khăn.

Đến tối, xong việc, mình lại tót đi tắm và đi ngủ, để mặc ông loay hoay với đống bát đĩa bẩn. Mình mệt, nằm xuống là ngủ luôn nên cũng không biết ông xong việc đi ngủ lúc nào. Sáng hôm sau dậy sớm vào bếp kiểm tra. Trời ơi, thìa dĩa chổng xuôi chổng ngược, bát đĩa cái úp cái ngửa, và nhoèn mỡ tới mức cầm lên suýt đánh rơi.

Còn ông hơn hai tiếng sau mới dậy, ra tâm sự với vợ “em biết không, tối hôm qua rửa bát xong, lúc vào giường ngủ, anh mệt quá suýt xỉu xuống giường”. Trời, rửa bát được 2 buổi một buổi sạch một buổi bẩn mà đã suýt ngất xỉu??? Thế mà nghe tuyên bố thì lại cứ tưởng anh hùng hảo hán thế nào…

Saturday, November 8, 2014

9/11/2014


Có nhiều em hay bảo tôi “chị thích thế, được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, suốt ngày mặc đẹp và đi events”. Nghe xong thường tôi chỉ bảo “ừ, thích”, bởi có nói gì khác thì lại bị bảo “tại được như thế rồi nên mới nói thế”. Nhưng làm sao mà em biết tôi thích? Tôi hỏi thật đấy, làm sao mà em biết tôi thích?

Mấy hôm trước tôi gặp ở event tối người đàn ông hào hoa phong nhã nhất Dubai. Rất đẹp trai, cao, thẳng, da nâu, tóc đen nghệ sĩ, ăn mặc hoàn hảo, phong độ. Tôi không nhớ anh ta làm gì nhưng anh ta cực giàu. Đi đến đâu nhân viên cúi chào đến đấy, cộng thêm cậu lái xe hay lật đật lái Hummer theo để bưng cho chủ hộp xì gà, mỗi khi chủ nổi hứng muốn tự lái Ferrari mà không muốn đi Rolls Royce cậu ta lái.

Vợ anh ta mắt xanh biếc, da trắng sứ, tóc vàng óng, nhìn thì biết ngay hẳn hồi trẻ phải đẹp kinh khủng lắm. Giờ nhìn chị ấy đúng kiểu một bông hoa đã qua thời xuân sắc, nét và dáng đã phá gần hết.

Không hiểu chị ta có biết mình đã qua thời xuân sắc hay không, mà một năm có 12 tháng thì 6 tháng chị ấy ở Mỹ với con trai, để ông chồng đẹp trai xuất chúng lại Dubai một mình. Dubai thì lại toàn gái đẹp.

Tối đó tôi gặp cả cô ta nữa. Cô ta gái Ý lai Phi. Da mặt không đẹp, da đã xỉn và có vết thâm lại còn mặc cái váy màu tím chết và tô son môi mận chín, cộng thêm kiểu cách uốn éo làm màu làm vẻ một cách cố tình, cộng thêm cái miệng lúc nói cười cứ hết dẩu dẩu ra cho sexy lại nhệch nhệch ra nhìn thấy cả răng hàm dưới cái thứ ba mấy. Nhưng thôi thì tôi có thể du di cô ta là đẹp, bất kể là kiểu đẹp mới nhìn thì wow, càng nhìn thì càng thấy xấu đi. Bởi cô ta cao, mảnh mai, da thẫm màu, tóc dài đen óng uốn lượn sexy. Đàn bà được chừng ấy thứ thì cũng đã đủ để ối đàn ông xin chết, cần gì lời khen đẹp của mẹ xề như tôi.

Tất nhiên, cô ta đi cùng anh ta.

Mới đầu tôi không để ý. Bạn bè đi cùng nhau có sao. Cho đến tận khi cô ta bước qua tất cả những người đang ngồi khác, vào tận cái ghế trong cùng nơi anh ta ngồi, ưỡn ẹo ngồi xuống, và ưỡn ẹo ấp cả một bàn tay xòe vào mặt anh ta, kéo lại gần để nói thầm, thì tôi mới hiểu họ đang là bồ bịch của nhau. Nhưng mà bồ cũng chẳng sao. Trong thế giới mà tôi sống, ngoại tình và cặp bồ để lợi dụng nhiều hơn lá trên rừng. Nghe mãi, thấy mãi, thấy nó cũng trở nên bình thường.

Nhưng rồi tôi giật mình khi cô ta reo lên “ô, ông bố chồng yêu thích của tôi đây rồi”, khi một ông già béo ị lạch bạch đi tới. Rồi cô ta uốn éo đứng lên ra ôm hôn bố chồng. Chẳng biết cô ta vẫn còn chồng hay đã ly thân vì chuyện riêng cũng không ai hỏi. Nhưng cái kiểu trơ trẽn ấy khiến tôi mệt. Tôi nghĩ mình đủ vốn sống để nhìn rất nhiều thứ với ánh mắt bình thường, nhưng sự trơ trẽn thì không. Thế là tôi đứng lên đi về. Đằng nào thì cũng chỉ thêm một người nữa bảo mình kiêu ngạo chứ mấy, mà tôi thì vốn chẳng quan tâm người khác nói gì về mình.

…Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa?

Sao rãnh nước lại trong veo đến thế?...

Lại một tuần mới. Lại chạy tong tưởi như một con điên. Chỉ còn phải tổ chức một buổi hòa nhạc, một event ăn tối 7 star, và một reception tại nhà cho khoảng 150 người, là mình sẽ xong nhiệm vụ tiếp khách năm 2014. Rồi sẽ thảnh thơi trở lại Salento, tháng mấy cây táo sẽ nở hoa ở góc vườn?

 

Friday, October 31, 2014

Đừng hát mãi nữa bản tình ca du mục

Tuần qua là một tuần bận khủng khiếp.

Thứ bảy con Anna bắt đầu ốm. Đêm nôn tóe loe bốn lần, giường đệm thê thảm. Đến hôm sau thì nó sốt. Đêm ngủ, cặp chân khẳng khiu nóng như que cời lò của nó quắp chặt lấy chân mình chắc cho mát, làm mình trằn trọc không thể ngủ được. Nó ốm chưa khỏi thì đến thằng anh cũng lây ốm, vừa nôn vừa sốt rừng rực. Mà cả 3 chúng nó lại được nghỉ giữa học kỳ, cả tuần ở nhà vừa phá vừa quấy.

Trong khi đó thì mình phải tổ chức 2 buổi lễ tân ở nhà. Một buổi cho các kiến trúc sư và các nhà làm nội thất. Có sự có mặt của một kiến trúc sư nội thất được mệnh danh là thiên tài và cả người thừa kế của một tập đoàn nội thất rất nổi tiếng. Buổi lễ tân kia còn quan trọng hơn vì có sự có mặt của bộ trưởng, con gái cựu nguyên thủ, tổng tư lệnh, đô đốc chiến hạm, và nhiều vị tai to mặt lớn khác. Mình bảo tổng tư lệnh khi đồ ăn dọn ra “Em xin lỗi các anh ăn cá suốt ngày mà em quên mất, lúc soạn thực đơn lại cho vào tận mấy món cá”. Anh ấy bảo “thực ra bọn anh không ăn nhiều cá đâu”. “Ơ, thế các anh không đánh bắt cá dọc đường à?”. Không biết bị mình trêu, anh ấy thật thà “Bọn anh có buộc một con cá nhựa vào cần câu và thả xuống nước, nhưng tàu đi nhanh quá nên không câu được con nào”. Cười chết mất với mấy ông lính tráng nghịch ngợm.

Người khách cuối cùng ra về, quay lưng, đóng cổng, lần đầu tiên hiểu được tâm trạng của chị bạn òa khóc khi ghi đĩa xong bài hát cuối cùng vì quá stressed.

Hôm sau lại phải lên chiến hạm dự buổi lễ tân của họ. Đô đốc chiến hạm bảo lính mở cửa trực thăng cho mình lên tham quan, đồng thời xung phong cầm hộ túi. Đứng trên trực thăng nhìn xuống, thấy ông ấy to đùng, quân phục trắng muốt, ngù vàng oai vệ, mà vai lại thèo đảnh cái túi bé tí của mình, không nhịn được cười. Buổi tối về chồng hỏi “có bao nhiêu thằng theo?”. Vợ thản nhiên trả lời “đằng nào dưới Tổng tư lệnh thì cũng không tính”. Chồng chán đời huýt sáo bài hát tự chế “vợ anh là người vớ vẩn”.

Hôm sau nữa lại phải đi dự gala của Vogue. Mình nhớ mới hôm nào đi dự buổi ăn tối này, thế mà đã một năm trôi qua. Vẫn địa điểm cũ, dưới chân Burj Khalifa, đài phun nước, gió lộng, và toàn sao xẹt. Bàn ghế thấp, bài trí theo kiểu hippy sặc sỡ lạ mắt. Khách mời đàn ông phải mặc black tie, phụ nữ phải stylish hippy. Ngài nhầm nhọt, mặc theo phong cách hippy lại còn tối kiến mượn chì đen của vợ vẽ sideburns nên trong khi mọi người đều lịch lãm thì ngài trông chả giống ai. Phần nhạc nhẽo năm nay chắc cũng lái theo phong cách hippy nên chán ốm. Ai lại thực khách đang ngồi giữa bàn tiệc lộng gió, mơ màng nghe Nessun dorma phát ra từ loa thùng, giọng Pavarotti, trên nền đài phun nước hoành tráng, thì ngã ngửa khi loa thùng tắt cái bụp, và một giọng nữ live cất lên “I’m punk” và bắt đầu hát ỏn ẻn “I broke my toe”. Cậu ngồi cạnh mình, quản lý của Gucci, thảng thốt ghé sang hỏi “nó vừa hát Tôi gẫy ngón chân hả chị, hay là tôi nghe nhầm?”. Cười một trận tưởng chết.

Sáng cuối tuần rảnh rỗi, bèn thảnh thơi mở rộng cửa sổ. Mùa thu rồi. Buổi sáng gió thổi mát. Đầu hồi chim sẻ loách choách. Dưới bãi cỏ mấy con chim chào mào cặm cụi nhặt nhạnh. Vườn xanh. Nắng nhạt. Phượng trút lá. Dạ yến thảo tím nở như sao. Ti gôn năm ngoái. Thảnh thơi mở blog, vừa nghe nhạc vừa uống cà phê trắng. White coffee là món của dân Lebanon thì phải, gọi là cà phê cho sang nhưng chỉ gồm nước nóng và mấy giọt tinh dầu hoa cam.
Quay lưng về phía xa xôi
Sau lần mãi chẳng gặp
Đừng hát mãi nữa bản tình ca du mục...

Monday, October 27, 2014

To sock or not to sock


Cách đây 2 năm, có cậu chủ một nhãn hiệu trang sức đến nhà mình vì mình muốn mua một món gì đó. Mình vẫn nhớ ấn tượng cậu ta ăn vận thật bảnh bao. Sơ mi trắng hoàn hảo, suit đen, giày đẹp. Đi đến giày đẹp là hiếm rồi, vì thường gặp nhiều người sơ mi và suit rất ổn, nhưng lúc ngó xuống giày là không đạt. Vì da giày không đẹp, đường khâu không đẹp  hoặc dáng giày lại dở hơi, ví dụ có cái mũi dài và cong lên như hài Alibaba, hoặc hình dáng móng guốc cục gạch vv và vv. Đây cậu này đi đôi giày rất đẹp, xi bóng lộn ruồi đậu lên chắc trượt chân ngã cái oạch. Mỗi tội lúc ngồi xuống cái sofa thấp, ống quần cậu ta hếch lên lộ ra cặp tất vằn ngắn ngủn.

Nhiều người mặc âu phục thường chỉ chú ý tới sơ mi, suit, cà vạt, thắt lưng. Đẳng cấp hơn nữa là đầu tư vào giày. Và thường không quan trọng phần tất vì nghĩ tất đã bị quần che đi chả ai thấy. Nhưng thật ra đi được tất đúng kiểu mới gọi là học cách mặc âu phục hoàn chỉnh. Trừ những người master về thời trang nên đủ tự tin để đi tất phá cách, người thường như chúng ta, chỉ có 3 màu tất cho âu phục, là đen, xanh blue thẫm trông gần như đen, và rượu chát. Nhiều người hay tưởng phải phối màu tất với màu giày, quan niệm thế là sai. Tất phải ưu tiên phối màu với quần trước rồi mới tới giày. Lý do là để nếu có giơ chân xoạc cẳng lộ tất thì chân cũng không bị chia thành 3 khúc, khúc quần, khúc tất lạc quẻ rồi mới tới khúc giày.

Tất cũng phải mỏng, không mỏng tới độ tất giấy của đàn bà nhưng cũng phải mỏng gần thế. Không gì chán hơn nhìn thấy một người đàn ông lịch lãm từ trên xuống nhưng tới chân lại đi đôi tất dày bịch, nong hết cả chiếc giày ra. Tất cũng phải đủ độ dài để kéo qua được bắp vế và ôm khít. Không ai đi giày tây mà ống quần vô tình hếch lên lại hở ra cái cổ tất ngắn ngủn và do đó lộ cẳng chân hoặc đen đúa hoặc trắng phớ toàn lông lá.

Ở trên là chỉ nói tới giày văn phòng buộc dây và quần âu. Bạn nào muốn đi giày lười (moccasins, loafers), giày du thuyền, thì quy tắc là phải bỏ tất hoặc dùng loại tất tiếng Ý hình như gọi là fantasma, tức là ghost, tiếng Anh gọi là no show socks. Đây là loại tất chỉ bao đúng nửa bàn chân phía dưới, do vậy xỏ chân vào giày sẽ không nhìn thấy tất, do vậy có cái tên tất ma như đã nói ở trên. Nhưng trên thực tế, việc đi tất văn phòng như mình đã nói ở trên với giày loafer vẫn chấp nhận được nếu đôi loafer đó được làm theo kiểu dáng văn phòng. Còn việc phân biệt loafers với moccasins, moccasins với giày du thuyền, loafers nào vào văn phòng được loafers nào không, loafers kiểu nào thì đi tất văn phòng được, loafers nào thì phải bỏ tất hoặc dùng tất no show, trường hợp nào ngay cả loafers làm theo kiểu dáng văn phòng nhưng vẫn không thể dùng trong văn phòng vv và vv, nếu nói nữa thì rất lùng bùng. Tóm lại, quy tắc chung nhất là đàn ông khi đứng ở dáng đứng thẳng thả lỏng bình thường, nếu nhìn thấy tất hở ra thì phải bỏ tất hoặc đi tất no show. Điều này có nghĩa mặc quần shorts hoặc quần xắn gấu hoặc quần ngắn gấu là phải bỏ tất hoặc đi tất no show, còn nếu quần đủ dài để che tất thì lúc đó mới tính tiếp. Đi sandals thì no show cũng không được, có chết cũng phải bỏ tất ra. Một quy tắc nữa là phải đi giày phù hợp với điều kiện thời tiết, để tránh trường hợp bỏ tất thì lạnh mà đi tất thì quê.

Bạn nào có dịp đi Ý, tìm đến những chợ cóc chỉ họp vào một ngày nhất định trong tuần, và hỏi tất nam. Rẻ lắm, hình như chỉ có 1euro một đôi. Yên tâm là tất bền, đúng chuẩn, dài, mỏng, màu đen và xanh blue thẫm đen. Nếu muốn mua tất màu rượu chát thì phải tìm vào những cửa hiệu bán đồ thời trang nam. Đặc biệt tất màu rượu chát đi cùng một đôi giày xịn màu da bò và màu suit đồng bộ, người đàn ông trong trang phục như thế theo mình nhất định không phải người tầm thường.

Nói lộn xộn vậy thôi, tuần này mình bận quá, phải sang tuần sau mới tiếp tục viết blog hầu chuyện các bạn được. Happy struggling on!